Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II

Phẩm Ngu Nhơn: Tích Người Hàng Hoa Hảo Ý

“Tañca kammaṃ kataṃ sādhu,
Yaṃ katvā nānutappati;
Yassa patīto sumano,
Vipākaṃ paṭisevatīti”.

“Nghiệp nào là nghiệp lành,
Làm xong chẳng hối quá,
Tâm thỏa thích hân hoan,
Thọ hưởng ngay thiện quả”.

Kệ Pháp Cú nầy,Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài an ngự tại Veḷuvana, đề cập đến người kết tràng hoa, tên là Sumana (Hảo ý). Tương truyền rằng: Ông Sumana mỗi ngày từ sáng sớm phải đem nạp cho đức vua Bimbisāra tám vòng hoa Sumanī (Tố Hinh) và nhận tiền ân tứ là tám đồng tiền vàng (kahāpaṇa). Ông vẫn thi hành việc ấy đều đặn. Cho đến một hôm, khi Sumana mang hoa đi vào thành nội thì Đức Thế Tôn cũng đang ngự vào thành Rājagaha để khất thực, có dẫn theo đại chúng Tỳ khưu. Từ kim thân, Ngài phóng hào quang sáu màu rực rỡ, biểu lộ thần oai lực của một đấng Chánh Đẳng Giác (Có những lúc Đức Thế Tôn khuất lấp hào quang lục sắc dưới bộ y vàng, giống như vị Sư Đầu đà đang đi khất thực, chẳng hạn như khi Ngài vượt quãng đường xa ba mươi do tuần để đón đường tướng cướp Ahiṃsa (tức Aṅgulimāla). Hoặc cũng như lúc ngự vào hoàng cung Kapilavatthu, Ngài cũng phóng ra sáu đạo hào quang). Trong ngày nầy cũng thế, từ kim thân tỏa ra hào quang lục sắc, biểu lộ thần oai đại lực của một đấng Chí Tôn, trong lúc Ngài ngự vào thành Rājagaha.

Khi trông thấy tướng mạo quang minh của Đức Thế Tôn quý giá dường châu báu, ông Sumana nhìn kỹ thấy được ba mươi hai tướng tốt và tám mươi phụ tướng của bậc đại nhân đều có đầy đủ nơi Ngài, ông phát tâm trong sạch, nghĩ rằng: “Ta lấy chi để dâng lên Đức Thầy đây?”. Thấy mình chẳng có vật chi khác ngoài mấy tràng hoa ông nghĩ thầm: “Ta sẽ dâng cúng Đức Thầy những đóa hoa nầy”. Kế đó, ông tự
hỏi lấy mình: “Hoa nầy là phẩm vật hàng ngày phải nạp vào cung vua, nếu như hôm nay vua không nhận được hoa, đức vua sẽ giam cầm, sẽ xử tử hoặc sẽ lưu đày ta thì sao?”. Nhưng rồi ông quả quyết tự nhủ rằng: “Thôi thà là ta liều để đức vua xử tử hoặc lưu đày chi cũng được. Xét cho kỹ, dầu đức vua có dung dưỡng ta, thì Ngài cũng chỉ ban cho ta tài sản quý nhất là mạng sống trong kiếp nầy mà thôi. Còn nếu ta cúng dường Đức Bổn Sư thì chắc chắn ta sẽ nhiều sự lợi ích, sự bình an trong hằng mấy mươi triệu kiếp trái đất, không sai chạy vậy”.
Sau khi nhất định dứt bỏ sanh mạng để cúng dường Đức Như Lai, ông Sumana còn tự thúc hối rằng: “Ta hãy cúng dường ngay bây giờ, kẻo để trì hoãn e cái tâm trong sạch của ta nó lui sụt”. Thế là, ông hết sức hoan hỷ, thỏa thích dâng cúng tám vòng hoa lên Đức Thế Tôn. Lần thứ nhất, ông tung hai vòng hoa nhắm về phía trên đầu Đức Thế Tôn mà vung tới, những hoa ấy xòe ra như những tàng lọng rồi đứng lơ
lửng trên không. Ông lại tung tiếp 2 vòng hoa nữa ở bên phải, những cánh hoa lại kết thành bức màn hoa che phía tay phải của Đức Thế Tôn. Ông Sumana tung hai vòng hoa thứ ba thì những cánh hoa sa xuống làm tấm màn che phía sau lưng Đức Thế Tôn.

Và lần thứ tư, ông tung hai vòng hoa cuối, thì hoa nở thành màn hoa che bên tay trái của Đức Bổn Sư. Như thế, tám vòng hoa được chia làm chỗ chung quanh kim thân đấng Như Lai và chừa trống phía trước như cánh cửa ngõ vậy. Các cọng hoa đều quay vào trong với nhau, chỉ phô các cánh hoa ra làm mặt, màu trắng sáng như những chiếc dĩa bạc bao quanh kim thân Đức Bổn Sư. Khi Ngài cất bước đi, tuy là giống vô tri nhưng hoa dường như cũng có tâm sùng kính ái mộ, không rời Đức Thế Tôn, chúng quấn quít đi theo. Khi Ngài dừng chân thì chúng cũng
đứng lại. Từ kim thân Ngài phát ra ngàn lằn điện quang. Cả bốn phía trước, sau, phải, trái và trên đầu Ngài đều phát ra quang tuyến như nhau. Những tia sáng nầy chẳng có tia nào chạy lãng ra xa. Tất cả đều nhiễu quanh Đức Thế Tôn ba vòng rồi nập lại thành những cây ánh sáng bằng cỡ cây thốt nốt còn tơ, đoạn chạy trước vẹt đường làm cho cả kinh thành đều náo động.

Trong một trăm tám mươi triệu dân chúng, chín mươi triệu ở trong thành và chín mươi triệu ở ngoài, dầu là nam hay nữ, không một ai không mang vật thực để bát và ra khỏi nhà. Quần chúng reo vang như tiếng sư tử rống vừa ve vẫy hàng ngàn khúc lụa, tỏ vẻ hoan nghênh cùng đi theo tiếp rước Đức Bổn Sư. Chỉ trong giây lát, tin Đức Thầy thị hiện thần thông, làm hiển lộ công đức cúng dường của người bán hoa được
lan truyền khắc cả kinh thành rộng ba phần tư do tuần, y như có người mang trống đi cổ động vậy.

Khi ấy, ông bán hoa nghe khắp châu thân tràn đầy năm thứ phỉ lạc, ông từ từ nối gót theo Đức Như Lai, đi vào vòng hào quang của Ngài như lặn xuống một hồ nước thơm ngon mát mẻ (manosilārase). Đoạn ông thốt lời tán dương Đức Bổn Sư, đảnh lễ cáo biệt Ngài và phủi sạch hai tay không, trở gót về nhà.

Khi ấy vợ ông hỏi rằng: “Hoa đâu?”.

– Tôi đã cúng dường Đức Bổn Sư rồi.

– Nếu vậy, lỡ vua bắt tội thì làm sao?

– Dầu vua có xử tử hoặc lưu đày chi cũng đành, tôi nguyện bố thí bỏ thân mạng mà cúng dường Đức Bổn Sư, cho nên chia tất cả số hoa làm tám vòng hoa dâng cúng như vầy, như vầy… Còn đại chúng lúc ấy cũng phát lên reo hò đi theo sau Đức Bổn Sư, làm cho trong thành vang rền hàng ngàn tiếng hoan hô như vậy…

Sau khi nghe hết câu chuyện Đức Phật thị thiện thần thông như thế, người vợ ngu si mù quáng, đã chẳng phát tín tâm trong sạch, mà còn trách cứ chồng rằng: “Các quốc vương hùng mạnh thường hay bạo ngược, một khi bị chọc giận, các Ngài có thể gia hình nhiều hình phạt nặng nề như xuống lịnh chặt tay, chặt chân chẳng hạn. Tội lỗi của ông làm thì tôi cũng phải bị liên can không ít”.

Nói rồi, bà vợ của ông Sumana dắt hết những đứa con trai vào triều, xin bệ kiến đức vua. Quốc vương phán hỏi:

– Nàng kia, nàng muốn tâu xin việc chi?

– Tâu đại vương! Chồng của con đã mang số hoa phải đem nạp đại vương ngày hôm nay, lại cúng dường Đức Bổn Sư, rồi đi tay không trở về nhà. Con hỏi: “Hoa đâu?” thì ông ấy đáp lời như thế, như thế. Con rầy ông rằng: “Thường thường các đức vua hay có tính hung bạo, một khi đã nổi trận lôi đình, ắt là các Ngài bắt tội, hình phạt ta bằng nhiều cách như là chặt cả tay lẫn chân chẳng hạn. Tội của ông làm mà tôi
cũng bị vạ lây”. Nói rồi, con từ bỏ ổng và đến đây ngay. Công việc dâng hoa đến Phật do chính ông làm, thì dầu có phước cũng chỉ có riêng ông ấy nhờ, còn như có tội thì cũng chỉ mình riêng ông gánh chịu, chớ con với chồng con đã đoạn tuyệt nhau rồi.

Mong ân đại vương minh xét cho con nhờ. Quốc vương là vị Thánh Thinh Văn, lúc gặp Đức Phật lần đầu tiên, Ngài đã đắc quả Tu Đà Hườn, có đức tin kiên cố trong Chánh Pháp. Vừa nghe qua mấy lời của vợ ông Sumana, đức vua nghĩ: “Ôi! Nữ nhân nầy thật là mù quáng ngu si làm sao, thấy ân Đức Phật phi thường như thế mà chẳng phát tâm trong sạch tin tưởng nơi Ngài”.

Quốc vương giả cách nổi giận, phán hỏi rằng:

– Nàng nói sao? Chồng nàng đã mang số hoa phải nộp cho trẫm mà cúng dường

Đức Phật hết rồi phải không?

-Tâu đại vương, phải!

– Con từ bỏ hắn ta là phải lắm. Kẻ nào đem hoa của trẫm mà cúng dường, trẫm sẽ liệu cách mà đối xử với hắn.

Sau khi truyền lệnh cho nữ nhân ấy ra về, quốc vương vội vàng ngự đi đón Đức Bổn Sư, đảnh lễ ngài xong rồi cùng đi bách bộ với ngài.
Đức Bổn Sư hiểu rõ tâm trạng của đức vua, cho nên Ngài ngự hành diễu qua đại lộ chánh trong kinh thành tiến về phía hoàng cung. Đến trước ngọ môn, quốc vương xin rước bát của Đức Bổn Sư, ngỏ ý muốn thỉnh Ngài nhập vào vương điện. Nhưng Đức Thầy dừng chân nơi sân ngự trước đền, rút tọa cụ ra. Quốc vương hội ý, bèn lập tức truyền lịnh cho dân thợ hãy gấp rút dựng lên một cái trại nghỉ mát cho mau. Đức Bổn Sư an tọa nơi đó cùng với Tỳ khưu Tăng. Tại sao Ngài không ngự vào đền vua? Theo truyền ngôn thì Đức Thế Tôn nghĩ rằng: “Nếu Như Lai ngự vào trong đền thì đại chúng bên ngoài sẽ không thấy được Như Lai. Như thế thì công đức của người dâng hoa không được hiển dương, Như Lai an tọa nơi sân ngự như vầy, đại chúng sẽ ngắm xem mãn nhãn và công đức của người dâng hoa sẽ được hiển dương”.
(Quả thật, chỉ có chư Phật mới biểu dương công đức của các bậc hữu ân như thế, chớ thường nhân trong khi tán tụng công đức của các bậc hữu ân thì tiết kiệm từng lời nói).

Khi ấy, bốn bức màn hoa đứng ở bốn phía, đại chúng lũ lượt đi theo Đức Thế Tôn đến chỗ ngự.

Quốc vương chăm lo dâng cúng những thực phẩm ngon quý đến Tỳ khưu Tăng, có Đức Phật làm tọa chủ.

Sau bữa ngọ, Ngài thuyết pháp kinh phúc chúc thí chủ xong rồi, Đức Bổn Sư ngự trở về Veḷuvana. Cũng như lúc đến, bốn bức màn hoa lại che phủ kín thân và đại chúng lại rầm rộ theo tiễn chân Ngài, tiếng hoan hô vang rền như tiếng sư tử rống.

Quốc vương cũng ngự đưa Đức Bổn Sư một quãng đường, đoạn đảnh lễ cáo biệt Ngài mà trở lại hoàng cung. Khi ấy, đức vua cho đòi ông Sumana vào triều phán hỏi:

– Nhà ngươi đã nói gì khi cúng dường Đức Bổn Sư những hoa tươi mà ngươi phải nạp cho trẫm?

– Tâu đại vương, con đã nguyện hi sinh tánh mạng mà cúng dường Đức Bổn Sư, nên nói rằng: “Dầu đức vua có lấy luật gia hình hoặc giết bỏ, hoặc tù đày chi con cũng cam tâm”.

Quốc vương ban khen rằng: “Khanh quả là một bậc đại trượng phu (Mahāpuriso). Phán rồi, đức vua ân thưởng cho ông Sumana tám voi, tám ngựa cùng với nhiều tôi trai, tớ gái, tám y phục trang trí cực kỳ sang trọng và tám ngàn đồng vàng, tám cung nữ điểm tra lộng lẫy được phóng thích khỏi hoàng cung để về làm vợ Sumana. Quốc vương còn cấp thêm cho ông tám làng trù phú để thu thuế nữa. Nói tóm lại là ông Sumana được ban thưởng trọng hậu đủ mọi thứ, mỗi thứ là tám lần như vậy.

Được mục kích chuyện nầy, Đại đức Ānanda nghĩ rằng: “Từ sáng sớm đến giờ đã được hưởng hàng ngàn tiếng hoan hô, và được đại chúng phất lụa đón đưa nồng nhiệt trong ngày hôm nay như thế. Không biết ông Sumana sẽ được hưởng Dị thục quả (vipāka) nào nữa trong ngày vị lai?”.

Đại đức Ānada bạch hỏi Đức Thế Tôn. Ngài bèn giải rằng:

– Nầy Ānanda, ông chớ suy tư cho rằng nghiệp lành của ông bán hoa đây là nhỏ nhen. Ông ấy đã dám hy sinh tánh mạng để cúng dường ta. Do nhờ có tâm trong sạch với ta như thế mà ông ta khỏi khổ cảnh trong hằng trăm kappa (Kiếp trái đất).

“Kappānaṃ satasahassaṃ,
Duggatiṃ na gamissati;
Ṭhatvā devamanussesu,
Phalaṃ etassa kammuno.
Pacchā paccekasambuddho,
Sumano nāma bhavissati”.

“Trong hằng ngàn Kappa,
Khổ cảnh khỏi đọa sa,
Hưởng nhơn thiên phước báu,
Do quả nghiệp vừa tạo,
Sau thành Phật Bích Chi,
Danh Hảo ý vẫn y”.

Khi Đức Bổn Sư an ngự về chùa, Ngài ngự vào Hương thất thì những cánh hoa kia rơi xuống nằm tại ngưỡng cửa. Chiều hôm ấy, trong Luận Pháp Đường, chư Tỳ khưu khởi lên pháp thoại như vầy: “Ôi! Thật là huyền diệu hy hữu thay, nghiệp lành của Sumana dám hy sinh tính mạng để dâng hoa đến Đức Phật hiện tại, mà trong khoảnh khắc hưởng được đủ thứ bổng lộc như thế”.

Đức Bổn Sư từ hương thất ngự ra, đi kinh hành rồi Ngài ngự đến Luận pháp đường, ngồi an tọa trên Phật Bảo Tọa. Ngài phán hỏi: “Nầy chư Tỳ khưu! Hôm nay các ông đang ngồi luận bàn về việc chi đó?”.

– Bạch Ngài, chuyện như vầy, như vầy…

Nghe vậy, Đức Bổn Sư xác nhận rằng: “Phải đó, các Tỳ khưu, nghiệp nào mà khi làm xong ta không ăn năn hối hận, mà còn phát tâm thỏa thích hân hoan mỗi khi ta nhớ lại nó, thì đó nghiệp tốt cần nên làm vậy”.

Tiếp theo, Đức Thế Tôn thuyết lên một thời pháp để giải rộng thêm nghĩa lý, đoạn Ngài kết luận bằng bài kệ nầy:

“Tañca kammaṃ kataṃ sādhu,
Yaṃ katvā nānutappati;
Yassa patīto sumano,
Vipākaṃ paṭisevatīti”.

“Nghiệp nào là nghiệp tốt hay,
Làm xong chẳng chút mảy may hận phiền,
Nghiệp nào Hảo Ý vui yên,
Thọ ngay phước báu tùy duyên hợp thời”.

CHÚ GIẢI:
Trong kệ ngôn Phạn ngữ trên đây, câu thứ hai Yaṃ katvā ám chỉ nghiệp nào mà khi khi làm xong ta không bị lương tâm cắn rứt hay đau khổ, buồn phiền vì nó, mà trái lại ta còn được tái sanh về nhàn cảnh, mà hưởng phước báu Nhơn Thiên, hoặc hưởng quả Níp Bàn.

Yassa patīto sumano: Sau khi đắc Đạo hoặc hưởng quả của phước báo, mỗi lần nhớ lại nghiệp cũ, tâm lại thỏa thích hoan hỷ, vui vẻ thêm lên (trong câu nầy có hàm ý tên ông bán hoa là Sumano (Hảo Ý) là nhân vật điển hình cho loại thiện nghiệp nầy vậy).

Vipākaṃ paṭisevatīti: Hễ Hảo Ý được thỏa mãn rồi, từ đó mới phát sanh quả Dị thục của Thiện nghiệp trong kiếp quá khứ vậy.

Tañca kammaṃ kataṃ sādhu: Nghiệp ấy là nghiệp nên làm vì nó tốt đẹp, trong sạch (đây là câu kết luận, nhưng trong bài kệ nầy được đặt lên hàng đầu, có lẽ vì Đức Thế Tôn muốn biểu dương thiện nghiệp của người thợ bán hoa Sumana để làm gương cho mọi người bắt chước vậy). Thời pháp vừa chấm dứt, tám muôn bốn ngàn chúng sanh được tỏ ngộ Chánh Pháp.

Dịch giả Cẩn Đề
Hảo Ý hâng hoa chẳng hận phiền,
Liều thân đại thí nguyện gieo duyên,
Phật cho hiển lộ phần công đức,
Vua khiến vinh thăng chỗ lợi quyền,
Hiện tại nghiệp lành sanh phước lớn,
Tương lai quả chánh đợi người hiền,
Ai ngờ bỏ cả mà được cả,
Mãn kiếp sanh nhàn sướng tợ tiên.
DỨT TÍCH ÔNG BÁN HOA SUMANA

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 73

Post Views: 488