Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II

Phẩm Ngu Nhơn: Tích Người Nông Phu Mắc Cạn

“Na taṃ kammaṃ kataṃ sādhu,
Yaṃ katvā anutappati;
Yassa asumukho rodaṃ,
Vipākaṃ paṭisevati”.

“Nghiệp nào mà không hay
Làm xong hối tiếc ngay
Mặt đầy lệ than khóc
Chịu quả khổ đắng cay”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài an ngự tại Jetavana, đề cập đến người nông phu. Tương truyền rằng: Người ấy đang cày một thửa ruộng cách thành Sāvatthī không xa. Lúc ấy có một nhóm trộm đạo, do theo một con kênh nước, đi vào trong thành, đào một đường hầm đột nhập vào một gia đình Trưởng giả, chúng tóm thâu rất nhiều vàng bạc, rồi theo con kênh mà thoát ra ngoài.

Một tên trộm lừa đồng bọn, giấu đi một ngàn đồng vàng, bỏ vào một cái túi trước khi bọn chúng đến thửa ruộng để phân chia tài vật. Lúc mang tài vật của mình đi, tên trộm ấy làm rơi túi tiền ngàn đồng vàng ra khỏi bọc mà không hề hay biết. Ngày ấy, vào lúc sáng tinh sương, Đức Bổn Sư quán sát thế gian, thấy hình ảnh của nông phu lọt vào giác võng của Ngài. Ngài tự hỏi: “Sắp có việc chi đây?”. Quán thêm nữa, Ngài thấy rằng: “Người nông phu nầy sẽ đi cày vào buổi sáng. Những tài chủ theo dấu kẻ trộm, tìm được túi tiền vàng trong thửa ruộng của y và sẽ bắt oan người vô tội. Ngoài ta ra không ai mục chứng được việc ấy. Vả lại, người nông dân nầy có duyên lành đắc dạo quả Tu Đà Hườn. Vậy ta nên đến đó”.

Người nông phu trong thấy Đức Bổn Sư ngự đến cùng với Đại đức Ānanda là vị thị giả hầu Ngài. Y liền bỏ cày, đi đến đảnh lễ Đức Bổn Sư, rồi tiếp tục cày ruộng. Đức Bổn Sư chẳng nói chi với người nông phu, Ngài đưa Đại đức Ānanda đi đến nơi túi tiền vàng rớt, nằm dưới đất, chỉ cho Đại đức trông thấy vào bảo:

– Nầy Ānanda! Ông có thấy con rắn độc không?

– Bạch Ngài! Con có thấy con độc xà ghê tởm.

Nghe mấy lời đối đáp giữa Đức Bổn Sư và Đại đức Ānanda người nông dân nghĩ thầm: “Mình tới số hay chưa mà nghe nói có con rắn độc lai vãng nơi đây vậy kìa?”.

Khi Đức Bổn Sư đi khỏi, người nông phu định giết chết con độc xà, bèn cầm gậy đi đến túi tiền, thấy nó thì nghĩ: “Chắc Đức Bổn Sư đã ám chỉ vật nầy đây”. Y liền lượm cái túi tiền lên, đem trở lại ruộng cày, vụng về đặt nó xuống một bên, che đậy sơ sài rồi tiếp tục cày ruộng.
Lúc trời rực sáng, những người trong ngôi nhà bị trộm, biết mình mất đồ, bèn men theo dấu chân đi lần đến nơi bọn trộm chia tài vật và thấy có dấu chân người nông phu. Theo dấu, họ moi đất lên, tìm thấy cái túi tiền vàng dưới đất. Họ phủi sạch bụi, lấy cái túi lên rồi mắng chửi, đánh đập người nông phu, bảo rằng:

– Mầy đào trộm của người ta, rồi giả vờ ra đi cày hả?

Họ bắt anh dân cày giải đến quốc vương để định tội. Quốc vương nghe xong câu chuyện trộm đồ có tang chứng bèn hạ lịnh mang anh ta ra tử hình. Võ đao quân bắt trói ké anh ta, lấy roi quất vào người rồi dẫn y ra pháp trường.

Trong lúc bị đòn roi, anh ta vừa đi vừa nói luôn miệng: “Nầy Ānanda, ông có thấy con rắn độc không? Bạch ngài, con thấy con độc xà ghê gớm!”.

Võ đao quân hỏi: “Chú mầy lặp đi lặp lại những lời đối thoại như thế để làm gì?”.

– Bao giờ đến gặp đức vua tôi sẽ nói.

Nghe vậy, võ đao quân giải tội nhân đến sân rồng và tâu lên đức vua việc ấy. Quốc vương phán hỏi:

– Tại sao ngươi lại nói như thế?

– Tâu bệ hạ, con không phải là kẻ trộm.

Nói rồi, anh thuật lại mọi sự cho đức vua nghe, từ lúc nói đến cày ruộng cho tới khi bị bắt. Nghe xong, đức vua phán rằng:

– Nầy khanh, khanh quả là bậc trượng phu quân tử cho nên Đức Bổn Sư mới làm nhân chứng, nếu hành phạt khanh thì không hợp lý. Trẫm sẽ biết nên hành động thế nào cho hợp lý.

Chiều hôm ấy, quốc vương dắt người dân cày đến bái yết Đức Bổn Sư, đoạn hỏi rằng:

– Bạch Ngài, Ngài có ngự du với Đại đức Ānanda đến thửa ruộng cày của người nông phu nầy phải chăng?

– Phải, tâu đại vương.

– Nơi đó, Ngài đã thấy vật chi?

– Tâu đại vương, thấy cái túi tiền vàng.

– Lúc thấy nó, Ngài đã phán dạy chi?

– Nầy đại vương, Như Lai đã nói như vầy…

– Bạch Ngài, nếu người nầy không viện Ngài ra làm nhân chứng thì chắc sẽ không toàn mạng, nhờ có những lời đối đáp giữa Ngài và Đại đức Ānanda mà hắn mới được tồn sanh.

Nghe quốc vương nói vậy, Đức Bổn Sư đáp:

– Phải đó, tâu đại vương, Như Lai đã nói lên bấy nhiêu lời rồi mới đi. Lẽ thường, đối với bậc trí tuệ, nghiệp nào hễ đã làm rồi, về sau phải ăn năn hối hận thì chẳng nên làm.

Đề cập đến việc nầy, Đức Bổn Sư thuyết lên thời pháp, đoạn Ngài thuyết lên kệ ngôn:

67. “Na taṃ kammaṃ kataṃ sādhu,
Yaṃ katvā anutappati;
Yassa assumukho rodaṃ,
Vipākaṃ paṭisevati”.

67. “Nghiệp nào là nghiệp ác tà,
Làm xong hối tiếc, lệ sa dầm dề,
Mặt mày nhăn nhó ủ ê,
Thọ ngay quả báo nặng nề đắng cay”.

CHÚ GIẢI:
Yaṃ katvā: Nghiệp nào mà khi làm xong, nó có thể đưa mình đến khổ cảnh, như sa địa ngục chẳng hạn và mỗi khi nhớ đến thì ăn năn hối tiếc, nghiệp ấy chớ khá làm, vì nó không tốt, không đẹp, không êm dịu đâu.

Yassa assumukho: Nghiệp ấy có hậu quả là sẽ khóc lóc than van với bộ mặt đầm đìa nước mắt. Khi dứt thời pháp, cận sự nam là người nông phu đắc Tu Đà Hườn quả. Những Tỳ khưu hiện diện cũng có nhiều vị đắc Thánh quả, nhứt là quả Tu Đà Hườn.

Dịch giả Cẩn Đề
Nông phu lượm ví rớt bên đường,
Vạ gió ai ngờ lại phải mang,
May có Đức Thầy làm chứng giúp,
Bằng không uổng kiếp, chịu hàm oan,
Bị lính đánh đòn chẳng thở than,
Tự mình mình biết thật vô can,
Người ngay mắc nạn cam lòng nhẫn,
Nhờ Phật từ bi mới mạng toàn.
DỨT TÍCH NGƯỜI NÔNG PHU MẮC NẠN

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 24

Post Views: 335