Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I

Phẩm Hoa: Tích Ông Oán Trách Thí

“Yathā saṅkāradhānasmiṃ
Ujjhitasmiṃ mahāpathe
Padumaṃ tattha jāyetha
Sucigandhaṃ manoramaṃ”.

“Evaṃ saṅkārabhūtesu
Andhabhūte puthujjane
Atirocati paññāya
Sammāsambuddhasāvako”.

“Như từ đống rác đen,
Vứt trên bờ đại lộ,
Mọc lên một đóa sen,
Sạch thơm ai cũng mộ”.

“Từ chúng sanh như rác,
Phàm tục và ngu si,
Sáng ngời với tuệ giác,
Đệ tử đấng Toàn Tri”.

Hai bài kệ nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết pháp ra khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến một đệ tử của nhóm ngoại đạo Nigantha (Ni Kiền Tử: Ly Hệ Giả), tên là Garahadinna (Oán Trách Thí). Thời bấy giờ, trong thành Sāvatthī có hai người bạn là ông Sirigutta (Thủ Danh Dự) và ông Garahadinna (Oán Trách Thí). Ông Sirigutta là một cận sự nam, Garahadinna lại là đệ tử của nhóm ngoại đạo Ly Hệ Giả (Nigantha), các du sĩ ngoại đạo nầy thường xúi bảo ông Garahadinna rằng:

– Ông vốn là bạn của Sirigutta, sao ông không chỉ dạy ông ấy rằng: “Bạn theo Sa môn Gotama làm chi? Theo đạo ông ta bạn có được lợi ích chi?”, ông nên khuyến dụ ông ấy đến nghe chúng ta thuyết pháp.

Vâng theo lời thầy, ông Garahadinna thường lân la gần gũi với ông Sirigutta. Những lúc hai người đứng hoặc ngồi chung, ông khuyên bạn như vầy:

– Bạn à! Bạn theo Sa môn Gotama làm chi? Theo ông ấy bạn có lợi ích gì? Sao bạn không tìm đến cúng dường các Đại đức của tôi?

Mặc dầu nghe bạn nhắc nhở như thế trong nhiều ngày, ông Sirigutta vẫn làm thinh bỏ qua.

Nhưng một hôm, ông Sirigutta hỏi ông Garahadinna:

– Nầy bạn, bạn thường đến chơi với tôi, trong lúc đứng hoặc ngồi chung, bạn hay nhắc nhở tôi rằng: “Theo đạo của Sa môn Gotama bạn sẽ được lợi ích gì? Bạn hãy đến cúng dường chư Đại đức của tôi”. Thưa bạn, xin lỗi bạn đừng buồn. Đối với tôi các Đại đức của bạn nào có biết chi đâu.

– Thôi thôi bạn ơi, bạn đừng có nói vậy. Chư Đại đức của tôi thì có gì mà chẳng hiểu biết. Các Ngài thông suốt tất cả nghiệp do thân, khẩu, ý trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Các Ngài biết trước vị nào sẽ xảy ra cùng không xảy ra, việc nào có thể cùng không thể được.

– Bạn nói chắc không?

– Dạ thưa bạn, chắc chớ.

– Nếu quả vậy thì bạn tệ thật. Từ bấy lâu nay sao bạn không chỉ rõ giùm tôi việc đó. Đến hôm nay tôi mới biết oai lực tuệ giác của các Đại đức bạn à, tôi nhờ bạn thay mặt tôi đi thỉnh giùm chư Đại đức đến đây để tôi cúng dường.

Ông Garahadinna bèn đến chùa của nhóm Nigantha, đảnh lễ các thầy và bạch rằng: “Bạn tôi là Sirigutta xin thỉnh chư Đại đức ngày mai đến nhà ông ấy”.

– Chính ông Sirigutta nói với ông phải không?

– Dạ phải, bạch chư Đại đức.

Nhóm ngoại đạo vui mừng hớn hở bảo nhau:

– Chúng ta bây giờ thấy khỏe rồi, chỉ có việc nằm ngủ mà thôi. Hễ được Sirigutta tin tưởng nơi chúng ta rồi, thì từ nầy về sau có thứ lễ vật nào mà chúng ta chẳng có được.

Chỗ ở của ông Sirigutta rất lớn và rộng, trong khuôn đất đó nơi có khoảng trống giữa hai ngôi nhà, ông cho đào một cái mương dài rồi lấy sình non và phân lấp đầy mương bằng mặt đất. Ngoài hai đầu mương, ông cho đóng hai cây cừ ló đầu lên, cột cây giăng dài trên đường mương, đoạn ông cho sắp ghế thành một hàng, chân trước ghế nằm trên mép mương trước, chân ghế sau nằm gá lên đường dây, như thế, người ngồi trên ghế sẽ bật ngửa ra sau, té chỏng gọng, muốn che giấu cái đường mương, ông cho trải thảm phủ lên hàng ghế. Phía sau nhà, ông cho sắp nhiều cái khạp không, lấy lá chuối và vải cũ bịt miệng khạp, đoạn lấy cháo, cơm, bơ, đường, bánh vụn trây trét bên ngoài. Sáng hôm sau, ông Garahadinna lật đật đến nhà bạn thật sớm và hỏi:

– Lễ vật cúng chư Đại đức đã sẵn sàng chưa?

– Đàng hoàng hết cả rồi bạn à.

– Đâu để tôi coi thử coi.

– Trong mấy cái khạp đó, đây là khạp đựng cháo, kia là khạp đựng cơm, những khạp đó bơ, khạp đường, khạp bánh đủ thứ… Ghế ngồi cũng đã sắp sẵn cả rồi.

Ông Garahadinna nói: “Lành thay”, rồi ông ra đi, khi ông vừa đi ra thì năm trăm du sĩ Nigantha cũng vừa đi đến.

Ông Sirigutta ra khỏi nhà, gieo năm vóc xuống lễ chào các Nigantha, đứng dậy chắp tay nguyện thầm rằng: “Nghe nói quý Ngài quán trí quá khứ, vị lai, việc gì cũng biết, chính người hộ độ cho quý Ngài đã nói với tôi như thế. Nếu quả thật quý Ngài toàn tri thì quý Ngài đừng vào nhà tôi, vì khi quý Ngài vào nhà tôi, Ngài nào té xuống mương phẩn thì sẽ lấy cây khệnh”.

Nguyện rồi, ông Sirigutta dặn nhỏ các gia đinh: “Các ngươi biết cách sắp đặt ghế ngồi như thế nào rồi. Vậy các người hãy chực chờ bên mép mương phía sau ghế đặng rút mấy tấm thảm, đừng cho dính đồ dơ”.Đoạn ông lên tiếng thỉnh Nigantha:

– Bạch Ngài, xin thỉnh quý Ngài vào trong nầy.

Nhóm Nigantha vào tới trong sân, định ngồi lên ghế đã được trải sẵn tọa cụ.

Nhưng các gia đinh ngăn lại rằng:

– Bạch các Ngài chậm lại một chút, xin đừng ngồi liền như thế.

– Tại sao vậy?

– Vào nhà chúng tôi, các Ngài nên biết phận sự của mình trước rồi hãy ngồi sau.

– Phải làm phận sự chi ạ, hỡi đạo hữu?

– Mỗi Ngài nên vào đứng trước chỗ của mình đều đủ hết cả rồi, chừng ấy mới ngồi xuống một lượt.

Đây là các gia đinh nghe lời dặn của chủ, cho họ lọt xuống mương đồng loạt, đừng cho họ ngồi lẻ tẻ.

Các Nigantha đáp: “Lành thay!”, trong tâm họ nghĩ rằng: “Chúng ta nên làm y theo lời chỉ dẫn của các nhân viên nầy”.

Khi ấy, các gia đinh bảo họ:

– Bạch Ngài, xin các Ngài hãy ngồi xuống cho thật lẹ.

Khi nhóm Nigantha vừa dợm ngồi xuống cho thì các gia đinh rút hết tấm thảm lót trước khi đít các tu sĩ đụng tới ghế, mấy vị ấy vô tình đồng ngồi xuống một lượt, những chân ghế trên sợi dây tuột ra lún xuống, nhóm ngoại đạo ngồi không vững té ngửa ra sau, lọt xuống mương phẩn. Thấy họ té xuống mương sình trộn phẩn, ông Sirigutta khiến gia đinh:

– Bây đóng cửa lại, hễ ông nào dưới mương bò lên thì hỏi: “Tại sao ông không tiên tri quá khứ, vị lai?” và khệnh cho ông ta mấy hèo.
Sau khi cho các Nigantha một trận no đòn, chủ nhà mới bảo gia đinh mở cổng thả họ ra. Họ tranh nhau chạy thoát thân, không dè Sirigutta đã khiến gia đinh tráng một lớp phẩn bầy lầy trên mặt đường đi làm cho đường trở nên trơn trợt. Thành ra bọn ngoại đạo còn té lên té xuống nhiều keo, chủ nhà còn nói đưa đẩy họ đi: “Thôi bấy nhiêu đó đã đủ cho các ông rồi nhé”. Bị một vố quá đau, các Nigantha kéo nhau đến
trước nhà Garahadinna, vừa đi vừa khóc:

– Ông ám hại chúng tôi, ông ám hại chúng tôi.

Nhìn thấy sự thảm hại nhục nhã của các thầy mình, ông Garahadinna nổi giận, nguyền rủa Sirigutta: “Ông nầy tới số rồi, cho nên mới dám đánh đập làm hại các vị Đại đức của ta, là những bậc Ứng Cúng, là những phước điền mà chư thiên trên sáu cõi trời cùng hoan hỷ lễ bái cúng dường”.

Kế đến, ông Garahadinna đệ sớ lên đức vua, xin Ngài phạt vạ ông Sirigutta một ngàn đồng vàng. Đức vua hạ chiếu cho vời Sirigutta đến, ông vào triều đảnh lễ Đức vua, xong tâu rằng: “Tâu bệ hạ, thần mong ân bệ hạ xét đoán công minh rồi hãy phạt, để tránh sự võ đoán bất công”.
– Trẫm sẽ xét xử rồi mới kết án.

– Lành thay, tâu bệ hạ, xin bệ hạ xử án.

– Vậy thì sự việc thế nào, khanh hãy tâu ngay đi.

– Tâu bệ hạ! Bạn của tôi là đệ tử nhóm Nigantha, thường ngày đến nhà tôi, thừa dịp đứng hay ngồi chung dụ rằng, như nói: “Bạn ơi, bạn theo Sa môn Gotama làm chi, bạn nào có được lợi ích gì?”.

Và ông Sirigutta đem mọi sự việc đã qua trình tấu một hồi, đoạn nói tiếp:

– Tâu bệ hạ, nếu trong việc nầy, bệ hạ thấy kẻ hạ thần đáng tội, thì bệ hạ hãy xử phạt đúng theo luật nước.

Quốc vương nhìn ông Garahadinna và phán hỏi:

– Lời khai của bạn ông, khanh nghe có đúng sự thật không?

– Tâu bệ hạ, đúng sự thật.

– Mấy ông ngu dốt, vô minh như thế mà khanh tôn xưng là sư phụ, đi tới đâu cũng ca ngợi các Ngài biết hết tất cả. Tại sao khanh lại còn mong dụ hoặc Thinh Văn của đấng Như Lai, khanh đã kêu nài đòi xử phạt thì khanh phải chịu hình phạt. Thế là, ông Garahadinna bị thất kiện mất cả tiền ký quỹ một ngàn đồng. Chẳng khác nào bị đánh đòn, đuổi đi như các Đại đức của ông ta. (Ông Burlinhgame dịch là:
Ông ấy bị vua hành phạt, còn các Đại đức của ông bị đánh đòn trục xuất). Căm tức vì thua bạn, từ ngày ấy cho đến nữa tháng sau, ông ta lánh mặt không chuyện vãn với ông Sirigutta, ông nói thầm: “Hành động như thế thì ta không hợp lý. Ta nên báo hại các thầy tổ của ông ấy mà trả đũa thì hơn”.

Ông nhân buổi bãi triều, đến giả lã với Sirigutta và kêu: “Bạn Sirigutta ơi!”.

– Dạ, có chuyện chi đó bạn?

– Thân bằng quyến thuộc cũng có khi cãi lẫy tranh chấp nhau. Sao gặp tôi bạn chẳng nói năng chi cả. Tại sao bạn lại đối xử với tôi như thế?

– Nầy bạn, tại vì bạn không chuyện trò cùng tôi, thì tôi mới không nói chuyện.

Nhưng dầu giữa hai ta có điều chi xích mích, chúng ta không lẽ đoạn giao tình nghĩa bạn bè.

Từ đó về sau, hai người lân la, thân mật, cùng ngồi và đứng gần bên nhau. Cho đến một hôm, ông Sirigutta bảo ông Garahadinna:

– Bạn theo nhóm Nigantha nào có được lợi ích gì? Sao bạn không Quy y với Đức Bổn Sư, hoặc là để bát cúng dường Đại đức Tăng có phải là quý hơn không?

Ông Garahadinna chỉ chờ mong có thế, nên khi nghe bạn mở lời, chẳng khác nào gãi nhằm chỗ ngứa của mình. Ông bèn hỏi Sirigutta: “Chẳng hay Lịnh Tôn Sư ngài biết được cái gì?”.

– Nầy bạn ơi! Bạn đừng nên hỏi như thế, Đức Bổn Sư chẳng có cái gì mà Ngài chẳng biết. Ngài thông suốt cả quá khứ, hiện tại, vị lai, Ngài phân tích tâm của tất cả các chúng sanh ra làm mười sáu chập liên tiếp.

– Vậy mà tôi không được biết. Tại sao bấy lâu nay bạn không tỏ thật cho tôi hay. Thôi thì, bạn làm ơn đi thỉnh Đức Bổn Sư giùm tôi, ngày mai tôi sẽ để bát. Xin Đức Tôn Sư cùng với năm trăm vị Tỳ khưu đến nhà tôi thọ thực. Ông Sirigutta đi đến chỗ ngụ của Đức Bổn Sư đảnh lễ Ngài rồi bạch rằng:

– Bạch Ngài, bạn con là ông Garahadinna nhờ con đến thỉnh Ngài và năm trăm vị Tỳ khưu, ngày mai đến thọ bát cơm của ông ta. Hôm trước con có trác các vị Đại đức của ông ta một vố nặng, hôm nay con không biết có phải ông ta định trả đũa hay là ông ta thật tâm trong sạch đặt bát chư Tăng. Xin Ngài hãy minh xét, nếu hợp lẽ đạo thì Ngài nhận, còn bằng không thì thôi.

Đức Bổn Sư quán xét: “Garahadinna định làm gì Như Lai đây?”, Ngài thấy rằng:

“Ở chỗ sân trống giữa hai ngôi nhà, ông cho đào một hầm rộng lớn, cho đem độ tám mươi cỗ xe bò củi khô chất đầy hố, rồi châm lửa dốt. Định tâm rằng: “Khi Như Lai rơi xuống hầm lửa thì ông sẽ chỉ trích”. Rồi Đức Bổn Sư quán thêm nữa rằng: “Do nhân duyên như thế, Như Lai có cần ngự đến hay không?”, Ngài thấy rằng: “Như Lai sẽ bước chân lên hầm lửa, tấm đệm che giấu miệng hố sẽ biến mất, lộ ra hầm lửa, từ
đó lộ ra đóa liên hoa lớn bằng bánh xe. Khi ấy, Như Lai bước lên cánh sen đi trên hầm lửa vào ngự lên Bảo tọa, các Tỳ khưu cũng theo lối ấy mà đến chỗ ngồi. Đại chúng sẽ tụ tập đông đảo, giữa hội trường Như Lai đọc kệ chúc phúc. Dứt bài kệ sẽ có tám mươi lẻ bốn ngàn chúng sanh sẽ giác ngộ Chánh Pháp. Cả Sirigutta và Garahadinna cũng đạt được Thánh quả đầu tiên, mỗi người sẽ xuất kho vàng của mình ra mà gieo vào giáo pháp. Như Lai nên đi đến tế độ ông Garahadinna vậy”.

Quán xét xong rồi, Đức Bổn Sư nhận lời đi thọ bát. Khi biết Đức Bổn Sư đã nhận lời, Sirigutta trở về báo tin cho Garahadinna biết và dặn rằng: “Bạn hãy lo sắp đặt những lẽ vật thượng phẩm đế cúng dường đấng Như Lai”.

Garahadinna đáp: “Cảm ơn bạn, tôi bây giờ phải biết làm thế nào coi cho được chứ”.

Chờ bạn ra về rồi, ông lập tức bảo gia nhân đào một cái hầm rộng lớn, đem tám mươi xe bò củi chất đầy hầm, châm lửa đốt, gắn ống thổi bể (bhasitā) thổi suốt đêm cho củi cháy thành than đỏ. Trên miệng hầm, ông lót ván mỏng, rồi phủ đệm lên che kín, lấy phân bò thoa trét coi như nền tráng. Ở một phía ông bảo làm một lối đi, trên mặt hầm, ông cho gác những đòn tay nhỏ yếu và cũng che đậy không cho thấy dấu.
Ông tưởng tượng rằng: “Làm vậy, khi họ bước chân lên để đi qua, thế nào mấy cây đòn tay cũng gãy và họ cũng té lộn nhào xuống dưới hầm lửa”.

Phía sau nhà ông, ông cũng sắp nhiều khạp không, làm theo cách của Sirigutta lúc trước, các chỗ ngồi ông cũng bảo sửa soạn như thế.
Sáng hôm sau, Sirigutta đến nhà bạn thật sớm, nói rằng:

– Bạn ơi! Lễ vật bạn lo đã xong chưa?

– Xong cả rồi bạn à.

– Bạn để đâu?

– Mời bạn vào đây coi với tôi.

Ông Garahadinna chỉ cho bạn coi các lễ vật mình đã sắp đặt theo cách của Sirigutta bữa trước. Sirigutta tán thành: “Lành thay!”. Lúc ấy, dân chúng tụ hội rất đông, người tà kiến mà phát tâm thỉnh Đức Bổn Sư thì bao giờ thiên hạ cũng tụ hội đông đảo như thế. Nhóm tà kiến rủ nhau đi cho đông, để xem: “Sa môn sẽ bị mất mặt”.

(Vippakra), còn nhóm chánh kiến cũng rủ nhau đi cho đông, vì “Hôm nay Đức Bổn Sư sẽ thuyết một thời pháp lớn. Chúng ta sẽ được chứng kiến thần oai đại lực của Đức Phật”.

Ngày ấy, Đức Bổn Sư cùng với năm trăm Tỳ khưu ngự đến trước cổng nhà ông Garahadinna. Ông nầy ra khỏi nhà, gieo năm vóc xuống đảnh lễ Ngài, đoạn đứng trước mặt Ngài chấp tay nguyện thầm rằng: “Bạch Ngài, nghe đồn rằng Ngài biết việc quá khứ, hiện tại, vị lai, phân tích được tâm chúng sanh ra làm mười sáu chập. Chính Thiện tín ruột của Ngài đã khoe với tôi như thế. Nếu quả thật Ngài tiên tri thì Ngài
không vào nhà tôi. Vì Ngài vào nhà tôi chẳng có cơm cháo chi ráo… Tất cả các Ngài lọt xuống hầm lửa rồi thì tôi sẽ chỉ trích cho mà coi…”.
Nguyện thầm rồi, Garahadinna rước lấy bát của Đức Bổn Sư miệng nói: “Xin thỉnh Thế Tôn vào”, nhưng ông ta tiếp theo liền: “Bạch Ngài, Ngài nên biết trước cách thức vào nhà tôi rồi hãy vào”.

– Cách thức sao đạo hữu?

– Các Ngài đi vào từng một vị, vị trước vào chỗ ngồi, vị sau mới nên tiếp theo.

Trong thâm tâm ông Garahadinna tính như vậy: “Hễ cùng đi vào một lượt, người đi đầu lọt xuống hầm lửa, rồi thì mấy vị sau thấy sẽ không đi tới nữa. Đi riêng lẻ từng  người, họ sẽ sa đọa hết và ta sẽ chê trách họ”.

Đức Bổn Sư đáp: “Lành thay!”, đoạn Ngài cùng đi vào một lượt với Garahadinna. Đi đến chỗ hầm lửa, Garahadinna đứng tránh qua một bên, nói: ‘Xin thỉnh Ngài đi trước”.

Đức Bổn Sư đưa chân lên ngay miệng hầm lửa, chiếc đệm phủ trên mặt biến mất, ván lót nứt ra, để lộ ra một hầm lửa đỏ, rồi từ bên dưới mọc ra những đóa hoa sen to như bánh xe, Đức Thế Tôn bước lên những cánh hoa sen đi qua hầm lửa, vào ngự lên Phật bảo tọa đã được soạn sẵn. Chư Tăng cũng theo lối ấy vào, ngồi lên các ghế ngồi.

Garahadinna tự nhiên nghe trong mình nóng nảy như bị lửa thiêu đốt, ông liền chạy tìm Sirigutta và kêu cứu:

– Ngài ơi! Ngài làm ơn cứu giùm tôi.

– Cái chi vậy?

– Năm trăm Tỳ khưu đã vào trong nhà mà cháo cơm gì chẳng có chi ráo. Tôi biết làm sao bây giờ?

– Chớ hôm qua đến nay bạn đã làm gì?

– Ở khoảng giữa hai ngôi nhà, tôi đã cho đào một cái hầm chứa đầy than đỏ, chờ mấy Ngài té xuống đó thì tôi sẽ chê trách. Cái hầm lửa giờ đây mọc lên toàn những cánh hoa sen. Tất cả Tỳ khưu đều bước lên những cánh hoa sen đi vào, ngồi trên những chỗ ngồi được soạn sẵn. Bây giờ tôi làm gì đây?

– Ủa! Tôi nhớ ban sáng bạn đã chỉ cho tôi thấy, đây là những khạp kháo, kia là những khạp cơm… Đủ cả rồi mà.

– Thưa bạn, tôi nói dối đấy, mấy khạp ấy đều trống trơn cả.

– Không sao, bạn ra giở mấy khạp cháo, khạp cơm ấy ra coi lại đi.

Ngay lúc ấy, những khạp nào mà Garahadinna nói dối là khạp cháo thì đều đầy cháo, những khạp nào mà ông nói là cơm thì đầy cơm… Thấy oai lực đặc biệt hiển nhiên của Đấng Bổn Sư, Garahadinna phát sanh phỉ lạc khắp mình. Trong tâm hết sức trong sạch tin tưởng, ông cung kính sớt bát hộ độ chư Đại đức Tăng có Đức Phật là vị Tăng trưởng, khi các Ngài dùng xong bữa, ông ta thỉnh bát của Đức Bổn Sư để yêu
cầu Ngài thuyết kinh phúc chúc.

Sau bài kinh hoan hỷ phước báu của thí chủ, Đức Bổn Sư dạy rằng: “Những chúng sanh nầy do không có pháp nhãn nên không nhận thức được ân đức của Phật Pháp và chư Tăng đệ tử của Ta. Người không có tuệ nhãn, Ta gọi là kẻ mù, người có trí tuệ, Ta gọi kẻ ấy là người sáng mắt.

Nói rồi, Đức Bổn Sư thuyết lên hai bài kệ:
58. “Yathā saṅkāradhānnasmiṃ,
Ujjhitasmiṃ mahāpathe;
Padumaṃ tattha jāyetha,
Sucigandhaṃ manoramaṃ”.

“Như từ đống rác bùn nhơ,
Vứt lên đại lộ không ngờ mọc ra,
Đóa sen thanh khiết nõn nà,
Mùi hương thơm ngát, trẻ già cũng ham”.

59. “Evaṃ saṅkārabhūtesu,
Andhabhūte puthujjane;
Atirocati paññāya,
Sammāsambuddhasāvako”.

“Từ nơi nhân chứng tục phàm,
Tối tăm mê muội như giam dưới bùn
Thinh Văn của đấng Đại hùng,
Nêu cao đuốc tuệ, soi cùng thế gian”.

CHÚ GIẢI:
Trong bài kệ, Phạn ngữ saṅkāradhānasmiṃ: Nghĩa là trong đống rác dơ. Ujjhitasmiṃ mahāpathe: Nghĩa là đồ bỏ trên đại lộ. Sucigandhaṃ: tức là surabhigandhaṃ, nghĩa là hương thơm ngào ngạt. Manoramaṃ: là có ý ưa thích nơi đó.

Saṅkārabhūtesu: nghĩa là những chúng sanh cặn bã cũng như rác vậy.

Puthujjane: Là phàm phu ám chỉ cho những người còn bị phiền não chi phối là phần đông nhân loại trên thế gian. Bài này Đức Phật dạy rằng: cũng như đống rác dơ dáy vứt trên đại lộ, tuy là đáng kinh tởm, gớm ghê nhưng đóa hoa sen từ đó mọc lên, lại thơm tho, thanh khiết, dầu cho quan quyền, vua chúa cũng ưa thích, mến chuộng, ai cũng đẹp ý muốn cài, giắt nó lên đầu của mình. Cũng như thế, đám chúng sanh phàm phu xuất thân từ nơi bần tiện như nơi đống rác, trong đại chúng vô trí tuệ, mù quáng có những người nhờ tuệ lực của mình, thấy tội lỗi ngũ trần dục lạc và phước báu của hạnh xuất gia, bèn lìa nhà đi tu theo hạnh không nhà, cố gắng hành đạo theo Giới, Định, Tuệ, Giải thoát tri kiến, trở nên bậc Tỳ khưu lậu tận. Thánh đệ tử của Đức Chánh Biến Tri vượt qua khỏi đám chúng sanh phàm phu ngu muội chói sáng rực rỡ.

Bài pháp chấm dứt thì tám muôn bốn ngàn chúng sanh giác ngộ chánh pháp, Garahadinna và Sirigutta đều chứng đắc Tu Đà Hườn quả. Hai người về sau mang hết của cải của mình, xuất ra để phục vụ đạo pháp. Đức Bổn Sư từ Phật bảo tọa đứng dậy, ngự về chùa. Lúc xế chiều, chư Tỳ khưu câu hội tại giảng đường, để khởi pháp luận như vậy: “Ôi! Huyền diệu thay là oai lực của chư Phật. Sức nóng như hầm lửa đầy than nóng, lửa đỏ đến thế, phải nhường chỗ cho những cánh hoa sen mọc lên”.

Đức Bổn Sư ngự đến phán hỏi: “Nầy các Tỳ khưu, hôm nay các ông câu hội thảo luận đề tài gì thế?”.

– Bạch Ngài, việc nầy đây…

Nghe đáp, Đức Bổn Sư dạy rằng: “Nầy chư Tỳ khưu! Việc hôm nay Ta khiến được hoa sen mọc lên từ trong hầm lửa đỏ, không có chi là huyền diệu vì Ta đã thành Phật. Trước kia còn là Bồ Tát, Ta cũng đã từng khiến cho cánh sen mọc như thế rồi”. Chư Tỳ khưu yêu cầu:

– Bạch Ngài, việc ấy có từ bao giờ, xin Ngài chỉ dạy cho chúng con.

Theo lời cầu xin của chư Tăng, Đức Bổn Sư thuyết giảng Kinh Bổn Sanh “Hầm lửa đỏ” (Khadīraṅgārajātaka), rồi Ngài ngâm kệ:

“Kāmaṃ patāmi nirayaṃ,
Uddaṃpādo avaṃsiro,
Nānariyaṃ karissāmi
Handa piṇḍaṃ paṭiggahā’ti”.

“Ta sa địa ngục ngũ trần,
Thất điên bát đảo, giở chân chẳng rồi,
Ta quyết không như kẻ tồi,
Lấy cái ống nhổ làm nồi đựng cơm”.

Dịch Giả Cẩn Đề
Trách Thí đề cao phái ngoại môn,
Thủ Danh vì bạn phá “mê hồn”,
Một nương phẩn, đợi người thiếu trí,
Vài miếng đòn, đưa kẻ đại ngôn.
Chẳng cọp sao ham kêu tiếng cọp,
Là chồn phải chịu ló đuôi chồn,
Từ đây thêm rạng đèn Chánh giác,
Đại chúng quy đầu Đức Thế Tôn.
DỨT TÍCH ÔNG GARAHADINNA
DỨT PHẨM HOA

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 51

Post Views: 474