Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II 

Phẩm Ngu Nhơn: Tích Ông Thiện Giác Cùi

“Caranti bālā dummedhā,
Amitten’eva attanā;
Karontā pāpakaṃ kammaṃ,
Yaṃ hoti kaṭukapphalaṃ”.

“Kẻ vô trí, kẻ ngu,
Với kẻ nghịch cùng đi,
Là ác nghiệp đã tạo,
Để chịu quả đắng cay”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài an ngự tại Veḷuvana, đề cập đến ông Thiện Giác cùi (Suppabuddhakuṭṭhi) Đây chỉ là một đoạn trích trong sự tích của ông Suppabuddha (Kinh Udāna), kể từ khi ông gặp Đức Bổn Sư về sau mà thôi. 

Qquả nhiên, khi ông Suppabuddha cùi, ngồi ngoài vòng của cử tọa, nghe pháp do Đức Thế Tôn thuyết xong, chứng đắc quả Tu Đà Hườn, ông muốn bạch rõ sự chứng  đắc của mình với Đức Bổn Sư, nhưng ông không dám rẽ lối giữa hàng tứ chúng mà đi vào chùa, cho nên ông chờ đại chúng đảnh lễ Đức Bổn Sư ra về hết rồi, ông sẽ đi. Trong giây phút ông còn trì hoãn, Thiên Vương Đế Thích biết rằng: “Suppabuddha nầy có ý định bạch lên Đức Bổn Sư biết sự chứng quả Nhập Lưu của  mình”.

Thiên Vương định thử thách ông Suppabuddha bèn hiện ra đứng trên hư không, cho ông ta thấy và bảo rằng: “Nầy ông Suppabuddha! Người là kẻ bần cùng, là kẻ khốn khó, ta sẽ ban cho người một kho tàng vô biên vô lượng nếu ngươi chịu nói Phật hông phải là Phật, Pháp không phải là Pháp, Tăng không phải là Tăng. Ta hết quy y Phật, ta hết quy y Pháp, ta hết quy y Tăng”.

Nghe vậy, ông Suppabuddha hỏi: “Ông là ai?”.

– Ta là Đế Thích. – Vua Trời đáp.

Hỡi ông mù quáng ngu si, không biết xấu hổ, những lời của ông thốt ra với tôi đó, nghe không hợp lý chút nào. Ông cho rằng tôi là kẻ khốn khó, kẻ bần cùng, kẻ hành khất, nhưng tôi không hề chịu cảnh khốn khó, bần cùng đâu. Tôi đã đạt đến cảnh an vui, tôi là bậc có đại tài sản.

“Saddhādhanaṃ sīladhanaṃ,
Hirī ottappiyaṃ dhanaṃ;
Sutadhanañca cāgo ca,
Paññā ve sattamaṃ dhanaṃ.
Yassa ete dhanā atthi,
Itthiyā purisassa vā;
Adaliddoti taṃ āhu,
Amoghaṃ tassa jīvitaṃ”.

“Tín, giới, tàm, quý, văn, thí, tuệ,
Bảy thứ tài sản kể trên đây,
Ai mà có được đủ đầy,
Dầu nam hay nữ, người nầy chẳng nên.
Lấy tiếng “vô sản” gọi tên,
Đời nầy chẳng phải hư hèn rỗng không”.

Bảy Thánh sản nầy tôi đều có đủ. Những ai có đủ bảy thứ Thánh sản nầy, thì chư Phật Toàn Giác hoặc chư Phật Độc Giác và Thinh Văn Giác không bao giờ gọi họ là kẻ bần cùng vô sản cả.

Nghe dứt lời đối đáp của ông Thiện Giác cùi, Đức Đế Thích bèn từ giã ông ở khoảng giữa đường, đến chỗ ngự của Đức Bổn Sư và thuật lại tất cả những lời biện giải của ông ấy. Đức Bổn Sư bèn phán rằng:

– Nầy Đế Thích, dầu cho một trăm hay một ngàn người như ông, cũng không thể nào bảo ông Suppabuddha phủ nhận Phật, Pháp, Tăng cho được.

Ông Suppabuddha cũng tự mình đến đảnh lễ Đức Bổn Sư. Sau khi trả lời những câu hỏi thân thiện xả giao của Ngài, ông bèn đem việc mình đắc được quả Tu Đà Hườn bạch lên, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi. Ông đi không được bao lâu thì bị con bò cái tơ húc chết dọc đường.
Nghe nói rằng: Con bò cái ấy là một nữ Dạ xoa hóa hiện ra để báo oán. Nó đã từng hóa làm bò cái húc chết bốn người là Ngài Bāhiyadārucīriya, Ngài Pukkusāti, Ngài Tambadāṭhika (Đao phủ râu đỏ) và Ngài Suppabuddha. Tương truyền rằng: Vào thời quá khứ, bốn vị ấy là bốn vị công tử, một hôm có dắt theo một nàng kỹ nữ đi dạo chơi trong hoa viên, họ vui thú cùng nhau trọn ngày, khi chiều xuống, bốn công tử bàn tính cùng nhau rằng: “Chỗ nầy vắng vẻ, không có ai lai vãng, nàng nầy đã đập đổ chúng ta với thù lao một ngàn đồng vàng. Ta hãy giết chết cô ta, để khỏi trả một ngàn đồng vàng và thâu đoạt hết những trang sức mà cô ta mang trên mình đi”.

Cô gái giang hồ nghe được việc mưu sát của bốn công tử ấy, nghĩ rằng: “Những kẻ vô sỉ nầy đã cùng ta hoan lạc, bây giờ lại muốn giết chết ta. Ta sẽ biết cách đối phó với họ”.

Khi bị họ sắp hạ sát, cô nguyện rằng: “Bốn tên nầy giết ta như thế nào, chết rồi ta nguyện làm Dạ xoa để có thể giết họ trở lại mà báo thù nầy”. Do nhân ấy mà nữ Dạ xoa ấy đã hóa làm bò cái húc chết cả bốn người, trong đó có Suppabuddha. Nhiều Tỳ khưu đem việc Suppabuddha vừa từ trần bạch lên Đức Bổn Sư và hỏi:

“ Ông ấy sanh về đâu? Do nhân gì mà Suppabuddha bị bệnh cùi?”.Đức Bổn Sư giải rằng: “Ông đã đắc quả Dự lưu và sanh về cõi trời Đao Lợi. Có một kiếp ông gặp Đức Phật Độc Giác Tagarasikhi, ông đã phun nước bọt lên mình Đức Phật, nên khi mệnh chung phải thọ khổ rất lâu ở cõi địa ngục và quả của nghiệpòn dư sót nên kiếp nầy mang bịnh cùi phun lở lói”.

Đức Bổn Sư kết luận rằng: “Nầy các Tỳ khưu, những chúng sanh ấy đi lang thang trên con đường hành ác, tự mình tạo nghiệp và tự mình hứng chịu hậu quả đắng cay như thế”.

Đoạn Đức Bổn Sư thuyết thêm một thời pháp cao thượng, rồi đọc kệ ngôn rằng:

“Caranti bālā dummedhā,
Amitten’eva attanā;
Karontā pāpakaṃ kammaṃ,
Yaṃ hoti kaṭukapphalaṃ”.

“Người ngu, vô trí chung đàng,
Với kẻ thù địch mưu toan hại mình,
Là nghiệp ác lúc bình sinh,
Hậu quả cay đắng tự mình mà ra”.

CHÚ GIẢI:
Tiếng Caranti nghĩa là đi, là một trong bốn oai nghi, theo nghĩa thông thường. Ở đây nghĩa là tạo nghiệp bất thiện.

Bālā: Những kẻ ngu là những kẻ không biết được sự lợi ích lớn trong kiếp nầy và kiếp sau.

Dummedhā: Những kẻ thiểu trí và vô trí tuệ.

Amitten’eva: Như là những kẻ thù nghịch.

Kaṭukapphalaṃ: Là quả cay đắng, khổ sở cùng cực.

Đến cuối thời Pháp, nhiều vị Tỳ khưu chứng đắc Thánh quả, nhất là quả Dự lưu.

Dịch Giả Cẩn Đề
Khoa học ngày nay nói bịnh phong,
Sanh ra vì bị nhiễm vi trùng,
Tích xưa có chuyện chàng Thiện Giác,
Khạc nhổ lên thân Đức Đại Hùng.
Do mình tạo nghiệp quả mình mang,
Nghiệp ác không rời kẻ ác gian,
Chỉ đợi thời cơ là trổ quả,
Mới hay thù địch vẫn chung đàng.
DỨT TÍCH ÔNG THIỆN GIÁC CÙI

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 42

Post Views: 816