Tích Thiện Nam Cūḷakāla (Tiểu Ka Lá) – thanh tịnh không làm ác thì chẳng vào cảnh khổ
Tích Thiện Nam Cūḷakāla (Tiểu Ka Lá) – thanh tịnh không làm ác thì chẳng vào cảnh khổ
“Attanā va kataṃ pāpaṃ,
Attanā saṃkilissati;
Attanā akataṃ pāpaṃ,
Attanā va visujjhati;
Suddhi asuddhi paccattaṃ,
Nāñño aññaṃ visodhaye”. “Tự mình, điều ác làm,
Tự mình làm nhiễm ô.
Tự mình ác không làm,
Tự mình làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh tự mình,
Không ai thanh tịnh ai!”.
Kệ Pháp Cú này, Đức Thế Tôn thuyết khi ngự tại Jetavana Vihāra (Tịnh xá Kỳ Viên), đề cập đến Cận sự nam Cūḷakāla (Tiểu Ka Lá). Tương truyền rằng: Cận sự nam Cūḷakāla là người tinh cần nghe Pháp, ông trú trong trong thành Sāvatthī (Xá Vệ),vào ngày Trai giới, ông đến tịnh xá nghe Pháp suốt đêm, đến sáng mới trở về nhà.
Lần nọ, cũng vào ngày Trai giới, ông đến chùa nghe Pháp, trong đêm ấy có bọn cướp đào hang ngầm vào nhà một gia chủ nọ, bị gia chủ phát giác, chúng bỏ chạy tứ tán, một tên cướp chạy đến trước mặt của ông Thiện nam quăng bỏ lại gói đồ, khi ông vừa ra đến bờ hồ múc nước súc miệng rửa mặt. Câu chuyện này diễn tiến cũng giống như chuyện Mahākāḷa.
Những người rượt đuổi bọn cướp thấy tang vật trước mặt ông Thiện nam, nghi ngờ vị ấy là kẻ trộm, bắt lấy và đánh đập ông. Khi ấy có nhóm nữ tỳ đi đến bờ hồ múc nước, thấy được việc ấy, đã can ngăn rằng: “Ông chủ ơi, đừng đánh nữa, người này không làm việc trộm cắp như thế đâu!”.
Nhóm nữ tỳ ấy đã phân giải rõ ràng về Giới hạnh của Cūḷakāla và Cận sự nam ấy được buông tha. Cūḷakāla đi vào trong tịnh xá trình bày với chư Tỳ khưu về chuyện ấy:
– Bạch các Ngài! Con vừa mới bị người ta đánh gần chết, nhờ có các cô tỳ nữ ấy mà con được sống sót đây.
Chư Tỳ khưu mang câu chuyện bạch trình Đức Thế Tôn, Ngài dạy rằng:
– Này các Tỳ khưu, Thiện nam Cūḷakāla nhờ các nữ tỳ đội nước biện hộ và cũng do chính mình không làm tội mà được toàn mạng. Quả thật, đã gọi là chúng sanh thì phải theo cái công lệ: tự mình làm ác, tự mình nhiễm ô, rồi tự mình sa xuống ác đạo, Địa Ngục và cũng tự mình làm lành, tự mình thanh tịnh mà sanh lên nhàn cảnh và giải thoát Níp Bàn.
“Attanā va kataṃ pāpaṃ,
Attanā saṅkilissati;
Attanā akataṃ pāpaṃ,
Attanā va visujjhati;
Suddhi asuddhi paccattaṃ,
Nāñño aññaṃ visodhaye”.
Làm dữ bởi ta mà nhiễm ô cũng bởi ta, làm lành bởi ta mà thanh tịnh cũng bởi ta.
Tịnh hay bất tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được.
CHÚ GIẢI:
Ý nghĩa của Kệ ngôn này là: Kẻ nào tự mình đã tạo nghiệp bất thiện, ắt sẽ phải thọ quả khổ trong bốn ác đạo, tự mình làm mình nhiễm ô. Còn kẻ nào tự mình đã không tạo nghiệp ác, ắt sẽ siêu sanh lên nhàn cảnh và chứng đắc Níp Bàn, tự mình thanh tịnh lấy mình. Một bên là sự thanh tịnh có tên là thiện nghiệp, một bên là sự không thanh tịnh có tên là bất thiện nghiệp, các chúng sanh tạo Nghiệp nào thì rốt cuộc sẽ phải thọ Quả của Nghiệp ấy chẳng sai, Ngoài tự kỷ ra, không có ai khác làm cho ai trong sạch được, cho nên Đức Phật đã dạy: “Không ai làm cho ai thanh tịnh, không ai làm cho ai nhiễm ô”.
Cuối thời Pháp, Thiện nam Cūḷakāla quả đắc Tu Đà Hườn. Kỳ dư thính chúng đều được sự lợi ích của bài Pháp được thuyết.
Dịch Giả Cẩn Đề
Kẻ trộm vứt đồ bỏ chạy đi,
Thiện nam ra sớm, bị tình nghi,
Thời may, khỏi chết như ông trước,
Nhờ có lời can của nữ tỳ.
Phật dạy: Tự mình sanh nhiễm ô.
Do nơi nghiệp ác quấy hồ đồ,
Tự mình thanh tịnh, không làm ác,
Thì chẳng sa vào cảnh ác thô.
DỨT TÍCH THIỆN NAM CŪḶAKĀLA
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 23