Tích Con Trai Ông Hàng Bò – chuyện về nhân quả nhãn tiền và tu phước
Tích Con Trai Ông Hàng Bò – chuyện về nhân quả nhãn tiền và tu phước
Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III
235. “Paṇḍupalāsova dānisi,
Yamapurisāpi ca te upaṭṭhitā.
Uyyogamukhe ca tiṭṭhasi,
Pātheyyampi ca te na vijjati”.
236. “So karohi dīpamattano,
Khippaṃ vāyama paṇḍito bhava;
Niddhantamalo anaṅgaṇo,
Dibbaṃ ariyabhūmiṃ upehisi”
“Ngươi nay giống lá héo,
Diêm sứ đang chờ ngươi,
Ngươi đứng trước cửa chết,
Đường trường thiếu tư lương”.
“Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần gấp, sáng suốt.
Trừ cấu uế, thanh tịnh,
Đến Thánh địa Chư Thiên”.
237. “Upanītavayo ca dānisi,
Sampayātosi yamassa santike;
Vāso te natthi antarā,
Pātheyyampi ca te vijjati”.
238. “So karohi dīpamattano,
Khippaṃ vāyama paṇḍito bhava;
Niddhantamalo anaṅgaṇo,
Na punaṃ jātijaraṃ upehisi”.
“Đời ngươi nay sắp tàn,
Tiến gần đến Diêm Vương.
Giữa đường không nơi nghỉ,
Đường trường thiếu tư lương”.
“Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần gấp, sáng suốt.
Trừ cấu uế, thanh tịnh,
Chẳng trở lại sanh già”.
Pháp Cú nầy được Đức Thế Tôn thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến người con trai của ông hàng bò. Tương truyền rằng: Ở thành Sāvatthī có ông hàng bò, sau khi giết bò lấy thịt ngon đem cho người nấu nướng, rồi cùng vợ con ngồi ăn thịt ấy. Phần thịt còn dư ông mới bán lấy tiền. Trong suốt 15 năm hành nghề như thế, ông không hề có được một lần nào cúng dường một muỗng cháo hoặc một muỗng cơm đến Đức Bổn Sư đang ngự trong một ngôi chùa gần đó. Ông ta có một tật xấu là: Vắng thịt thì không dùng cơm được.
Một hôm, sau khi lấy phần thịt dành cho mình, giao cho vợ để nấu vật thực cho mình. Phần thịt còn lại ông bán hết cả, rồi ông đi tắm. Khi ấy có một người bạn đi đến bảo với vợ ông ta rằng:
– Chị hãy bán cho tôi một chút ít thịt. Tôi vừa có khách.
– Thịt bán không còn. Bạn anh đã bán hết rồi, hiện giơ ảnh đang đi tắm.
– Chị đừng nên từ chối, còn cục thịt nào thì hãy để cho tôi đi.
– Trừ thịt dành cho ảnh ra, không còn thịt nào khác nữa.
Bạn người đồ tể suy nghĩ: “Không còn thịt ngoài thịt dành cho anh ta. Mà bạn ta không có thịt thì không dùng cơm, chắc chắn anh ta không nhường thịt nầy cho ta đâu”. Thế là, người bạn ấy lấy ngay phần thịt ấy đi, không hỏi han gì cả. Khi người đồ tể tắm xong, trở về, vợ ông dọn cơm và vật thực là vài thứ rau nấu với gia vị. Ông ta hỏi rằng:
– Còn thịt đâu?
– Không có ông à.
– Trước khi đi, tôi há chẳng phải đưa thịt cho bà rồi còn gì?
– Bạn của ông đến nói rằng: Nhà có khách, và cần thịt. Mặc dầu tôi đã nói rằng hết thịt rồi, đây là phần thịt dành cho ông dùng nhưng bạn ông vẫn cứ lấy đi mất rồi.
– Không có thịt, tôi không ăn cơm, bà hãy dẹp cơm đi.
– Biết làm sao bây giờ, thôi ông hãy dùng cơm đi.
– Tôi không ăn cơm đâu.
Bảo vợ dọn dẹp cơm rồi, ông đồ tể cầm dao nhỏ ra đi phía sau nhà. Nơi đó có con bò đang bị cột đứng tại đó. Ông đến gần con bò, thọc tay vào miệng, kéo lưỡi bò ra, đưa con dao cắt phăng khúc lưỡi bò, xách vào bảo vợ nướng cho mình dùng. Bà vợ nướng lưỡi bò trên lửa, ông dùng mỗi vắt cơm với một miếng lưỡi bò vừa nướng chín. Đột nhiên lưỡi ông ta chợt đứt ngang, rớt xuống đĩa cơm. Ngay lúc ấy ông thọ quả ác trong hiện tại xứng với việc làm của mình, máu từ miệng chảy ra như suối, ông bò lê vào nhà, rống lên như bò bị hành hình. Cậu con trai của ông đang đứng gần đó, bà mẹ bảo cậu rằng:
– Nầy con! Hãy nhìn xem, ác nghiệp của ông đồ tể đã hiện, con khỏi lo cho mẹ, hãy bỏ chạy đi hầu cứu vãn hạnh phúc của mình.
Cậu con trai vì quá sợ chết, liền lạy từ giã mẹ rồi chạy trốn, thoát khỏi nơi ấy, cậu đi đến xứ Takkasilā. Ông đồ tể thì bò quanh trong nhà, rống lên như bò rống, khi chết bị rơi vào địa ngục A Tỳ. Khi đến Takkasilā, cậu học nghề thợ bạc. Một hôm, thầy có việc đi xa làng, bảo học trò rằng: “Con hãy làm một món nữ trang như thế nầy, thế nầy…”. Cậu làm đúng theo lời chỉ của thầy, khi trở về nhìn thấy món trang sức cậu ta làm, người thầy suy
nghĩ:
– Thanh niên nầy, giờ đây đến nơi nào sống cũng được rồi.
Khi cậu tới tuổi thành nhân, thầy cậu gả cho cậu con gái của mình. Về sau, gia tộc cậu sung mãn, có đầy đủ con trai, con gái. Các người con khi trưởng thành, lại tìm về thành Sāvatthī sinh sống, với sự thành thạo nghiệp nghề, và trở nên những người có chánh tín trong sạch. Cha của họ thì vẫn ở tại thành Takkasilā đến tuổi già mà không có chút phước thiện nào cả. Các người con bàn tính:
– Cha chúng ta đã già rồi, chúng ta hãy rước người về ở với chúng ta đi.
Rồi họ lại rủ nhau: “Chúng ta hãy làm phước trai tăng để cầu an cho cha chúng ta”. Họ cung thỉnh chư Tỳ khưu có Đức Phật là vị tọa chủ đến nhà thọ bát.
Qua ngày sau, khi Đức Phật và chư Tăng ngự đến tư gia, họ cúng dường vật thực như cơm, nước, bánh trái… đến Tăng. Chờ Tăng thọ thực xong, họ thưa với Đức Bổn Sư rằng: “Bạch Ngài! Cuộc lễ Tăng thí nầy, chúng con làm để cầu an cho cha chúng con được sống lâu, xin Ngài hoan hỷ tụng kinh phúc chúc cho cha chúng con”.
Đức Bổn Sư bèn kêu ông lão mù rằng: “Nầy thiện nam! Nay ông tuổi thọ đã cao, xác thân đã chín muồi như chiếc lá vàng, ông không có phước lành làm tư lương để sang qua thế giới khác. Ông hãy tự nương nhờ lấy mình để gắng trở nên bậc hiền trí, đừng làm kẻ ngu si”.
Rồi Ngài tụng kinh phúc chúc như sau:
235. “Paṇḍupalāsova dānisi,
Yamapurisāpi ca te upaṭṭhitā.
Uyyogamukhe ca tiṭṭhasi,
Pātheyyampi ca te na vijjati”.
236. “So karohi dīpamattano,
Khippaṃ vāyama paṇḍito bhava;
Niddhantamalo anaṅgaṇo,
Dibbaṃ ariyabhūmiṃ upehisi”
“Ngươi nay giống lá héo,
Diêm sứ đang chờ ngươi,
Ngươi đứng trước cửa chết,
Đường trường thiếu tư lương”.
“Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần gấp, sáng suốt.
Trừ câu uế, thanh tịnh,
Đến Thánh địa Chư Thiên”.
CHÚ GIẢI:
Paṇḍupalāsova dānisi: Nầy thiện nam, ông giờ đây chẳng khác gì lá vàng khô đã lìa cành, rụng gần tới đất rồi.
Yamapurisā: Sứ giả của Diêm Vương. Thành ngữ nầy ám chỉ sự chết, câu nầy có nghĩa là sự chết đang chờ người.
Uyyogamukhe: Người đang đứng trước của sự sụp đổ, của diệt vong.
Pātheyyam: Tư lương là vật thực đem theo ăn dọc đường của khách lữ hành. Câu nầy có nghĩa là: người sang qua cảnh giới khác mà không có việc lành để làm tư trang, tư lương.
So karohi: Bởi vậy, như người bị đắm thuyền giữa biển khơi mà thiết lập được một hòn đảo để trú vững trên đó, người hãy cố gắng làm các việc lành cho thật mau lẹ, để tự tạo một hòn đản giữa biển đời, hãy ráng tu hành cho mau thành bậc thông minh. Người nào tránh được tử thần, có thể tùy thời làm các việc lành, người đó xứng danh là bậc hiền trí, hãy ráng làm người thông minh như vậy, chớ đừng làm kẻ dốt nát ngu si.
Dibbaṃ ariyabhūmiṃ: Một khi đã hành tinh tấn như vậy rồi, các thứ phiền não như ái dục (rāga), cấu uế (mala) đều trừ bỏ được, thành người không cấu uế, do không có sự nhơ bẩn tinh thần, thành người vô nhiễm (amangano) vô phiền (nikkileso) thì người sẽ đạt đến năm tầng Trời Tịnh Cư (Suddhāvāsa) chẳng sai. Cuối thời Pháp, ông thiện nam chứng quả Tu Đà Hườn. Kỳ dự thính chúng đều được hưởng lợi ích của thời Pháp. Các thí chủ lại thỉnh Đức Bổn Sư qua ngày sau đến thọ bát.
Sau buổi lễ, Đức Bổn Sư thọ thực xong, Ngài sắp tùy hỷ phước thì gia chủ bạch rằng:
– Bạch Ngài! Cuộc lễ nầy chúng con làm để cầu an cho thân phụ chúng con, chúc thọ đến thân phụ. Xin Ngài hoan hỷ tụng phúc lành cho người.
Và Đức Bổn Sư lại thuyết lên tiếp hai kệ ngôn rằng:
237. “Upanītavayo ca dānisi,
Sampayātosi yamassa santike;
Vāso te natthi antarā,
Pātheyyampi ca te vijjati”.
238. “So karohi dīpamattano,
Khippaṃ vāyama paṇḍito bhava;
Niddhantamalo anṅgaṇo,
Na punaṃ jātijaraṃ upehisi”.
“Đời ngươi nay sắp tàn,
Tiến gần đến Diêm Vương.
Giữa đường không nơi nghỉ,
Đường trường thiếu tư lương”.
“Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần gấp, sáng suốt.
Trừ cấu uế, thanh tịnh,
Chẳng trở lại sanh già”.
Upanītavayo: Upa, tiếp đầu ngữ có nghĩa là rơi xuống, đi xuống, tàn tạ,
Sampayātosi yamassa santike: Người đã đứng giáp mặt với sự chết rồi.
Vāso te natthi antarā: Những người đi đường xa mà làm công việc nọ, việc kia, họ tạm cư trú dọc theo đường. Nhưng người đi qua cảnh giới khác thì không được như thế. Thật vậy, không thể nào đi qua cảnh giới khác, các người có thể nói xin trì hoãn lại vài ba ngày để cho tôi kịp làm phước bố thí, để cho tôi kịp nghe Pháp… Tự nhiên, vừa chết nơi đây đã thọ sanh nơi cảnh giới khác lập tức. Do đó mới nói: Giữa đường không có trạm nghỉ ngơi.
Pātheyyam: Danh từ nầy tuy có đề cập đến rồi, nhưng Đức Bổn Sư đã lặp đi lặp lại cốt để nhấn mạnh ý nghĩa của nó cho ông thiện nam lưu ý.
Jātijaraṃ: Sanh lão. Chỗ nầy nên hiểu có thêm bịnh và tử nữa cho đủ tứ khổ. Hai kệ ngôn trước thuyết về A Na Hàm Đạo. Hai câu kệ nầy là nói về A La Hán Đạo. Ở đây, chẳng khác nào nhà vua vắt cơm vào miệng trao tặng cho con. Nhưng Hoàng Tử chỉ cầm lấy vắt cơm vừa với miệng mình thôi. Cũng như thế, dầu Đức Bổn Sư có thuyết pháp đề cập đến đạo cao, nhưng thiện nam ấy cũng tùy theo duyên, theo sức mà chứng đắc quả thấp là Tu Đà Hườn. Lần sau thì ông chứng A Na Hàm, kỳ dư đại chúng đều hưởng được lợi ích của thời pháp.
Dịch Giả Cẩn Đề
Mổ bò, khi chết hiện thân bò
Quả ác hành cha, khiến mẹ lo
Xúi trẻ bỏ nhà qua đất khách
Thay nghề thợ bạc, phát tài to
Đời ông dẫn xuống đến đời cha
Tiền của gom vào chẳng thí ra
Con cái sau tìm nương chánh pháp
Quy y Phật Bảo hộ Tăng Già.
Hai buổi cầu an chúc thọ ông
Phật ban Tam quả dễ như không
Ý bình cha ác cùng con thiện
Học đủ ba thấy, đạo lý thông.
DỨT TÍCH CON TRAI ÔNG HÀNG BÒ
Nguồn : Source link
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 10