Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III 

 

Phẩm Cấu Uế: Tích Trưởng Giả Meṇḍaka

 

“Sudassaṃ vijjaṃ aññesaṃ
Attano pana duddasaṃ
Paresaṃ hi so vajjāni
Opuṇāti yathā bhusaṃ
Attano pana chādeti
Kalim’va kitavā saṭho”.

“Thấy lỗi người thì dễ,
Thấy lỗi mình mới khó,
Lỗi người ta phanh tìm,
Như tìm trấu trong gạo.
Còn lỗi mình thì dấu,
Như thợ săn dấu mình”.

Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài ngự tại Jātiyā gần thành Bhaddiya, đề cập đến Trưởng Giả Meṇḍaka (Miên Dương).

Tương truyền rằng: Trong khi đi vân du trong xứ Aṅguttara, Đức Thế Tôn quán thấy: Ông Trưởng giả Meṇḍaka cùng vợ là Candapadumā (Nguyệt Liên), con trai Dhanañjaya (Tài Thắng), người dâu Sumanadevī (Tố Tâm Nương Tử), cô cháu gái Visākhā (Thiện Chi) và người đầy tớ Puṇṇa (Viên Mãn), tất cả đều có duyên lành với Thánh Quả Tu Đà Hườn. Nên Ngài ngự đến thành Bhaddiya, an cư trong rừng Jātiyā, Trưởng giả Meṇḍaka hay tin Đức Thế Tôn đã ngự đến rồi.

Vì sao có tên là Meṇḍaka? Người ta đồn rằng: Phía sau nhà của Trưởng Giả, trong một khoảng đất Karīsa (lối 8 mẫu) có nhiều con cừu (Miên dương trừu) bằng vàng, lớn cỡ con voi, con ngựa và con bò mộng, đội đất hiện ra đứng nối đuôi nhau, đâu lưng cùng nhau chật cả khoảng đất. Trong miệng chúng có những cuộn chỉ. Khi nào cần dùng năm món thuốc như bơ, sữa, mật, đường, dầu hoặc vải vóc, y phục hay vàng ròng, vàng thô… người ta móc cuộn chỉ trong miệng con dê ra, chỉ một con cũng đủ số lượng sữa, bơ, đường… hay vàng ròng, vàng thô cần dùng đủ cho tất cả dân trong cõi Diêm Phù Đề. Nên Trưởng giả có tên gọi là Meṇḍaka (Miên Dương).

Ông đã tạo thiện nghiệp gì trong quá khứ?

Theo truyền thuyết, vào thời Đức Phật Vipassī, ông có người cậu là Trưởng giả Avarajavā và ông cũng đồng tên như cậu của mình.

Bấy giờ, người cậu dự kiến xây dựng một Hương thất. Ông đến gặp mặt cậu và đề nghị:

– Thưa cậu, hai cậu cháu mình hợp tác nhau mà làm nhé.

– Cậu không muốn làm chung với ai cả. Cậu chỉ làm một mình thôi.

Bị cậu từ chối không cho hợp tác, ông nghĩ thầm: “Khi nào Hương thất nầy cất xong thì ta sẽ cất thêm một cái Tượng đình (Kuñjarasāla)”. Thế rồi, ông khiến người mang vật liệu từ rừng về, dựng thành một cây trụ cẩn vàng, một cây cẩn bạc, một cây cẩn ngọc Maṇi. Tất cả những cột kèo, đòn tay, ngạch cửa cái, cửa sổ, mái hiên, nóc, mái lợp ông cũng đều cho cẩn bằng vàng, bạc và ngọc Maṇi như thế. Rồi đối diện với Hương thất, ông cho dựng lên ngôi tượng đình của Đức Như Lai toàn bằng bảy báu.

Trên nóc Tượng đình có ba cái tháp nhọn bên dưới bằng vàng khối, bên trên bằng ngọc San hô. Ngay chính giữa tượng đình, ông cho làm một cái nhà bằng Bảo ngọc và cho thợ làm bốn con trừu bằng vàng kê dưới chân Pháp tọa. Làm thêm hai con trừa để làm ghế kê chân và sáu con khác cũng bằng vàng bao quanh ngôi Giảng Pháp đường.

Bên dưới Pháp tọa ông cho dệt bằng chỉ thường, lớp giữa là chỉ vàng và bên trên là chỉ bạc, còn chỗ dựa lưng của Pháp tọa là gỗ Chiên đàn.

Khi hoàn tất ngôi Tượng đình, ông tổ chức lễ khánh thành, cung thỉnh Đức Thế Tôn cùng với sáu triệu tám trăm ngàn Tỳ khưu đến dự lễ, rồi cúng dường vật thực suốt bốn tháng. Đến ngày cuối, ông cúng dường Tam y đến toàn thể Chư Tăng, mỗi bộ có giá trị là cả ngàn đồng Kahāpana.

Trong thời Đức Phật Vipassī, ông đã tạo phước lành như thế, nên luân chuyển hai cõi nhân thiên cho đến hiền kiếp (Bhaddakappa) nầy. Ông tái sanh vào một đại gia tộc Trưởng giả ở thành Bārāṇasī và được phong chức Trưởng giả nơi thành ấy.

Một hôm, trong lúc vào cung hầu Đức vua, ông gặp vị Quân Sư tế tự, hỏi rằng:

– Thưa Quân Sư! Ngài vẫn thường xem thiên văn để tiên đoán Quốc sự đấy chứ?

– Phải rồi, tôi vẫn thường làm việc nầy, ngoài ra tôi còn có đảm nhận việc gì khác đâu.

– Xin Quân Sư cho biết tình hình trong nước như thế nào?

– Sẽ có một thiên tai nặng nề.

– Thiên tai chi thế?

– Nạn đói sẽ hoành hành, Trưởng giả ạ.

– Chừng nào mới có nạn đói?

– Kể từ nay cho đến ba năm nữa.

Được nghe lời tiên đoán của vị Quân Sư tế tự, Trưởng giả thành Bārāṇasī đốc thúc người nhà làm thật nhiều ruộng, xuất hết tiền của hiện đang có mua trữ thóc gạo, cho xây dựng 2500 kho, vựa chứa lúa, đổ đầy kho vựa ấy. Khi kho hết chỗ chứa lúa, ông cho đổ đầy các lu, hũ… và cho đào hố chôn dưới đất. Số còn dư sau cùng ông cho nhào trộn cùng đất sét rồi trét lên vách nhà.

Thời gian sau, khi có nạn đói, ông cho lấy số lúa được tích trữ ra mà dùng. Khi số lúa để dành trong các kho lẫm, các đồ đựng đã hết sạch. Trưởng giả cho triệu tập tất cả gia nhân đến, bảo:

– Các người hãy vào trong núi mà sống chung với nhau. Đến thời hết nạn đói thì trở về, ai muốn về với ta thì về, bằng không thì cứ ở luôn nơi đó đi.

Bấy giờ, chỉ còn có người nô lệ tên Puṇṇa là ở lại phục dịch hầu hạ chủ mà thôi. Gia tộc chỉ còn lại tổng cộng là năm người: hai ông bà Trưởng giả, cậu công tử, cô dâu và người tớ Puṇṇa. Dùng số lúa chôn dưới đất đã hết, bà Trưởng giả đập số đất sét trét tường ra, lọc lấy những hạt thóc để nấu cơm, cháo sống qua ngày. Khi nạn đói kéo dài, số hạt thóc trét tường cũng hết, chỉ còn lại độ nửa āḷahaka lúa, giã ra được một lon gạo. Bà Trưởng giả tự nghĩ: “Trong thời đói kém, kẻ trộm cướp rất nhiều”.

Vì sợ trộm cướp bà bỏ gạo vào cái vò, đem chôn dưới đất. Khi Trưởng giả đi chầu Vua về, ông bảo vợ rằng:

– Bà ơi! Tôi đói bụng quá, có chi cho tôi ăn không?

Thay vì nói “Không có chi”, vợ ông lại nói:

– Thưa ông! Còn một lon gạo.

– Bà để ở đâu?

– Tôi chôn dưới đất vì e sợ trộm cắp.

– Vậy bà hãy đào lên lấy chút ít nấu cơm đi.

– Nếu tôi nấu cháo thì sẽ dùng được hai bữa. Còn nấu cơm thì chỉ dùng được một bữa thôi. Vậy tôi sẽ nấu cái chi đây thưa ông?

– Chúng ta chỉ còn nước ăn cơm rồi chờ chết, chớ còn làm cái chi nữa đâu. Bà hãy nấu cơm đi.

Bà trưởng giả lấy gạo nấu cơm, rồi chia làm năm phần, xúc trong nồi ra một phần đầy một bát của ông Trưởng giả, để trước mặt ông.

Bấy giờ, trong núi Gandhamādana (Hương Đàn) có vị Độc Giác Phật vừa xuất thiền Diệt. Theo truyền thuyết, trong lúc nhập Đại Định, vị Độc Giác Phật không bị sự áp bức của đói khát do nhờ mãnh lực thiền định. Nhưng khi xuất khỏi định, sự đói khát phát khởi mãnh liệt, như có lửa đốt phía bụng dưới các Ngài. Bởi thế, các Ngài quán xét nơi nào có được vật thực là Ngài sẽ đến ngay nơi đó để thọ nhật vật thực.

Trong ngày ấy, người cúng dường đến vị ấy sẽ được quả sanh khởi ngay trong hiện tại mau chóng, chẳng hạn như sẽ trở thành vị Trưởng giả hay trở thành quan Đại Thần…

Khi Đức Phật Độc Giác dùng thiên nhãn quán xét cõi Diêm Phù, thấy nạn đói đang hoành hành và hình ảnh năm người trong gia tộc Trưởng giả lọt vào võng trí của Ngài, thấy cả năm người chỉ còn có một lon gạo để nấu cơm. Ngài tự hỏi: “Những người nầy có đức tin và cúng dường đến ta chăng?”. Khi quán thấy họ có đức tin và có sự cúng dường vật thực đến mình. Đức Phật Độc Giác từ núi Gandhamādana ngự xuống, đứng trước nhà ông Trưởng giả.
Thấy Ngài, Trưởng giả phát tâm trong sạch, nghĩ rằng:
“Vì kiếp trước ta không làm phước bố thí, nên kiếp nầy gặp phải cảnh đói khát như thế nầy. Phần cơm nầy chỉ hộ trì ta sống được một bữa, nhưng nếu ta cúng dường nó đến Ngài, nó sẽ có lợi ích cho ta vô số kiếp trái đất”.

Thế rồi, Trưởng giả dời bát cơm qua một bên, đảnh lễ dưới chân Đức Độc Giác với ngũ thể đầu địa, đoạn rước Ngài vào nhà, thỉnh Ngài ngồi nơi được soạn sẵn, dùng nước rửa chân Ngài, đặt ghế thấp bằng vàng cho Ngài gác chân. Xong rồi đem cúng dường bát cơm của mình đến Đức Độc Giác Phật. Khi ông sớt được phân nữa bát cơm thì Đức Phật Độc Giác dùng tay ngăn lại. Trưởng giả thưa rằng:

– Bạch Ngài! Một lon gạo nấu thành cơm, được chia cho năm người, đây là phần của con, không thể xẻ phần này ra làm hai được. Con không xin Ngài ban phước trong hiện tại, con chỉ cúng dường Ngài cả phần cơm nầy để lợi ích trong vị lai.

Nói rồi, Trưởng giả cúng dường trọn bát cơm đến Đức Độc Giác Phật, xong rồi ông phát nguyện rằng:

– Bạch Ngài! Trong các cảnh giới luân hồi, xin cho con đừng bao giờ gặp lại cảnh nạn đói như đây. Hơn nữa, từ nay về sau cho con có đủ phương tiện, khả năng bố thí lúa gạo cho tất cả cư dân trong toàn cõi Diêm Phù. Xin cho con khỏi phải làm lụng vất vả để nuôi sống. Sau khi cho người quét sạch 2500 kho lúa, con gội đầu ngay trước những kho lúa ấy, khi ngẩng lên trời thì trận mưa lúa Sāli đỏ từ trên hư không tràn ngập vào các kho vựa. Và trong những cảnh giới tái sanh, xin cho những người nầy sẽ là vợ, là con trai, là con dâu, là nô nhân như trong hiện tại đây.

Bà Trưởng giả suy nghĩ: “Trong khi chồng ta nhịn đói xót ruột, ta không thể nào no bụng riêng mình được”. Rồi bà cũng đem phần cơm của mình cúng dường đến Đức Độc Giác, phát nguyện rằng:

– Bạch Ngài! Xin cho con từ nay trở đi, dầu tái sanh ở cảnh giới nào, đừng bao giờ cho con gặp lại cảnh đói khủng khiếp như vầy nữa. Xin cho con có quyền năng bố thí cơm đến tất cả cư dân trong toàn cõi Diêm Phù, bằng cách đặt một nồi cơm trước mặt, con xúc cơm bô thí cách mấy nồi cơm vẫn đầy tràn lại như cũ, cho đến khi con đứng dậy mới thôi. Xin cho những người nầy sẽ là chồng con, con trai con, con dâu con và nô bộc của con y như quan hệ bây giờ.

Công tử con Trưởng giả cũng dâng phần cơm của mình lên Đức Phật Độc Giác và phát nguyện rằng:

– Xin cho con đừng bao giờ gặp lại nạn đói như vầy nữa. Xin cho con có quyền năng, chỉ với một túi tiền đựng ngàn đồng, con có thể bố thí cho tất cả cư dân trên cõi Diêm Phù, dầu cho con có bố thí bao nhiêu, túi tiền vẫn không vơi. Xin cho những người nầy hãy là cha, là mẹ, là vợ, là nô bộc của con như quan hệ trong hiện tại nầy mãi mãi.

Cô dâu của Trưởng giả cũng dâng cúng phần cơm của mình đến Đức Phật Độc Giác và nguyện rằng:

– Xin cho con đừng bao giờ gặp nạn đói như vầy nữa. Xin cho con có quyền năng bố thí cho tất cả mọi người trên cõi Diêm Phù nầy, xin cho thúng mễ cốc mà con dùng bố thí chẳng bao giờ vơi. Trong các cảnh giới con tái sanh xin cho những người nầy là cha chồng, là mẹ chồng, là chồng và nô bộc của con như trong hiện tại đây.

Người tớ Puṇṇa cũng dâng phần cơm của mình đến Đức Phật Độc Giác, phát nguyện rằng:

– Xin cho con đừng gặp cảnh đói như vầy nữa. Xin cho tất cả những người nầy hãy là chủ của con mãi mãi.

– Khi con cày một đường cày thì mỗi bên lại có thêm ba đường cày ruộng cỡ một aminaṇa.

Trong ngày ấy, người tớ Punṇa có thể nguyện kết quả là vị Đại Thần được nhưng vì lòng mến chủ nên tự nguyện “Xin cho những người nầy mãi là chủ của con” như vậy.

Khi mọi người cúng dường và phát nguyện xong rồi, Đức Phật Độc Giác chúc phúc:

– Mong cho được như vậy.

Rồi tụng lên kệ ngôn mà chư Độc Giác hằng tụng chúc phúc khi thọ thực. Ngài suy nghĩ rằng: “Ta có phận sự khiến cho những gia chủ nầy phát tâm hoan hỷ và tịnh tín hơn nữa. Mong cho những người nầy trông thấy ta về đến núi Gandhamādana”.

Ngài theo đường hư không về núi. Cả năm người chứng kiến như đang diễn ra trước mắt mình. Về đến núi Ngài mang phần cơm ra cúng dường đến 500 vị Độc Giác Phật. Nhờ thần lực của Ngài, cả 500 vị Độc Giác dùng cơm ấy vẫn không hết. Cả năm người chứng kiến quang cảnh ấy càng tịnh tín và hoan hỷ thêm lên. Qua khỏi giờ ngọ rồi, bà Trưởng giả đem nồi đi rửa, xong rồi đem cất. Ông Trưởng giả vì bụng cồn cào do đói nên đi ngủ, đến xế chiều ông thức giấc nói với vợ rằng:

– Bà ơi! Tôi đói quá, bà coi dưới đáy nồi còn dư sót cơm chăng?

Dầu biết rằng đã rửa nồi cất rồi nhưng bà Trưởng giả không nói là “Không còn gì đâu”, mà lại nói:

– Để tôi giở coi thử.

Bà đứng dậy đi đến cái nồi, giở nắp nồi ra. Lạ thay! Trong nồi đầy ắp cơm trắng, mùi thơm như nụ hoa lài. Cơm nở vun lên đẩy nắp nồi lên cao.

Thấy vậy, toàn thân bà Trưởng giả phát sanh phỉ lạc, bảo rằng:

– Ông ơi! Hãy dậy xem nầy, tôi đã rửa nồi cất đi rồi. Thế mà bây giờ trong nồi, cơm trắng xuất hiện thơm như những nụ hoa lài. Việc phước thiện quả thật đáng nên làm, việc bố thí thật đáng nên làm. Ông hãy ăn cơm đi.

Rồi bà mang cơm cho cả Trưởng giả, mình, công tử, con dâu và nô lệ Puṇṇa dùng. Mặc dầu cơm được xúc dùng no đủ nhưng vẫn đầy tràn trở lại như cũ không hề vơi đi một muỗng nào cả.

Cũng ngay trong lúc ấy, những kho lúa của Trưởng giả khi trước tràn đầy như thế nào, thì nay lại tràn đầy như thế ấy. Trưởng giả cho người lan truyền khắp thành Bārāṇasī rằng:

– Trong nhà Trưởng giả có cơm trắng phát sanh. Ai thiếu hụt lúa gạo hã đến đó mà lãnh đi.

Thế là, tất cả dân trong cõi Diêm Phù nhờ ông Trưởng giả mà thoát khỏi nạn đói, được sống còn.

Sau khi mệnh chung, tất cả sanh về Thiên giới. Đến thời hiện tại, từ nơi Thiên giới Trưởng giả hạ sanh vào một gia tộc Trưởng giả trong thành Bhaddiya. Bà Trưởng giả cũng tái sanh vào một gia đình cự phú. Khi trưởng thành, hai người được thành gia tộc với nhau như quan hệ trong thưở trước. Do phước của tiền nghiệp, phía sau nhà Trưởng giả nổi lên những con trừu bằng vàng như đã nói ở trước. Cậu công tử, cô dâu và chàng nô bộc Puṇṇa cũng sum họp trong gia tộc như lời nguyện ước khi xưa. Một hôm, để trắc nghiệm quả phước của mình, sau khi cho người quét sạch một ngàn năm trăm kho lúa, ông gội đầu tại cửa kho, xong rồi ngước mắt nhìn lên hư không. Tất cả các kho lúa tự nhiên đầy ắp lúa Sāli đỏ như đã thuật ở trước.

Ông Trưởng giả muốn trắc nghiệm phước của bà Trưởng giả nên bảo rằng:

– Các ngươi hãy thử nghiệm quả phước của mình xem sao?

Bà Trưởng giả trang điểm thật xinh đẹp, đeo tất cả những nữ trang lên mình, ngay trước mặt đại chúng, bà đong một đấu gạo đầy đủ nấu một nồi cơm, bà ngồi lên chỗ đã soạn sẵn tại phòng khách tiết, tay cầm muỗng vàng, bà gọi lớn rằng:

– Ai cần dùng cơm hãy đến nơi đây.

Bất cứ người nào mang chén, tô… bà đều múc đầy cơm trắng vào cả. Bà cho cơm như thế suốt cả ngày mà nồi cơm trắng không hề vơi, vẫn tràn đầy như cũ. Trong những kiếp trước nàng Candapadumā đã từng cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng của các vị Cổ Phật, cũng như bây giờ, bà tay trái bưng nồi cơm, tay phải cầm muỗng sớt cơm đầy bát dâng đến chư Tăng. Nhờ vậy mà lòng bàn tay trái của bà có hình hoa sen, còn bàn tay phải có hình mặt trăng tròn, nên bà có tên là Candapadumā. Hơn nữa, bà đã từng cầm đồ lọc nước đi tới đi lui, lọc nước hộ chư Tỳ khưu Tăng. Nhờ vậy lòng bàn chân phải của bà có hình mặt trăng, còn lòng bàn chân trái thì có hình cánh hoa sen.

Bấy giờ, công tử tên là Dhanañcaya cũng gội đầu, lấy túi tiền có đựng ngàn đồng vàng của mình ra, tuyên bố rằng:

– Những ai cần tiền hãy đến đây.

Tất cả mọi người đến, cầm các thứ đồ đựng, đều được cậu cho đầy đủ, nhưng túi tiền vẫn còn nguyên vẹn ngàn đồng Kahāpana.

Đến nàng dâu Sumanadevī, cô cũng trang điểm và đeo tất cả nư trang rồi bưng thúng lúa ra ngồi ngoài sân trống rao lớn:

– Những ai cần dùng mễ cốc hãy đến đây.

Mọi người cầm thúng, đồ đựng đưa ra, tất cả đều được nàng cho đầy đủ, nhưng thúng lúa không hề vơi đi chút nào cả.

Người tớ Puṇṇa cũng trang điểm bằng đủ thứ đồ trang sức, rồi mắc bò vào ách vàng, dây giàm vàng, tay cầm roi vàng, in dấu năm ngón tay của bàn tay xòe có thoa hương liệu lên mình bò và buộc dây lên sừng con bò những chén chung bằng vàng.

Xong rồi, anh mới dắt bò ra ngoài ruộng, bắt đầu cày. Lập tức lớp đất mặt lật lên thành bảy luống cày: ba luống bên nầy, ba luống bên kia và một luống ngay chính diện.

Thế là, từ nơi Trưởng giả, chúng dân cõi Diêm Phù được lãnh nào là mễ cốc, nào là vàng thô, vàng ròng, đủ thứ tùy theo nhu cầu, sở thích.

Khi Trưởng giả là người đại phúc như thế, hay tin Đức Thế Tôn ngự đến, ông quyết định: “Ta sẽ đi nghinh tiếp Đức Bổn Sư”. Ra khỏi nhà, dọc đường ông gặp các nhóm du sĩ ngoại đạo. Họ hỏi ông:

– Nầy trưởng giả! Tại sao ông là người theo thuyết hữu vi mà lại đi tìm Sa môn Gotama là người chủ trương thuyết Vô vi?

Dầu họ có ngăn cản, Trưởng giả cũng không màng nghe theo họ, cứ thế đi đến gặp Đức Bổn Sư, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống một bên. Khi ấy, Đức Bổn Sư thuyết lên tuần tự Pháp cho ông ta.

Cuối thời Pháp, Trưởng giả Meṇḍaka đắc quả Tu Đà Hườn. Ông kể lại chuyện các nhóm ngoại đạo nói xấu Đức Thế Tôn, cốt để ngăn cản không cho ông viếng Đức Thế Tôn.

– Nầy gia trưởng, đối với những chúng sanh nầy, dầu lỗi của họ có lớn đến đâu họ cũng không thấy. Còn người khác không có lỗi gì, họ cũng bịa đặt ra mà nói như là sàng sẩy trấu vậy.

Nói rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:

“Sudassaṃ vijjaṃ aññesaṃ
Attano pana duddasaṃ
Paresaṃ hi so vajjāni
Opuṇāti yathā bhusaṃ
Attano pana chādeti
Kalim’va kitavā saṭho”.

“Thấy lỗi người thì dễ,
Thấy lỗi mình mới khó,
Lỗi người ta phanh tìm,
Như tìm trấu trong gạo.
Còn lỗi mình thì dấu,
Như thợ săn dấu mình”.

CHÚ GIẢI:
Sudassaṃ: Một mảy may tội lỗi của người khác cũng dễ thấy, ta có thể thấy được dễ dàng. Trái lại, tội lỗi của chính mình dầu hết sức to lớn ta cũng khó thấy được.

Paresaṃ hi: Bởi lẽ đó, Tỳ khưu ở giữa Tăng chúng hằng nêu lên những tội lỗi của những vị khác mà bắt bẻ, y như người ta sàng sẩy trấu trong gạo vậy.

Kalim’va kitavā saṭho: Ở đây tiếng Kali ám chỉ xác thân con người mà loài chim sợ, không dám đến gần, tiếng Kitvā chỉ sự ngụy trang như dùng nhánh, lá cây che giấu thân mình, là xảo thuật của người săn chim. Người thợ săn chim muốn bắt chim làm thịt phải ngụy trang, che giấu thân mình như thế nào, thì người che giấu lỗi mình  cũng như thế đó. Cuối thời Pháp, nhiều người chứng đắc Thánh Quả, nhất là Tu Đà Hườn quả.

Dịch Giả Cẩn Đề
Năm người nhịn đói chẳng rời nhau
Khỏi chết mà còn nhẹ khổ đau
Kiếp trước chung tình giờ khốn khổ
Đời sau hiệp mặt buổi sang giàu
Bạc vàng bố thí hoài không hết
Lúa thóc quy hoàn mãi, rất mau
Chồng, vợ, con dâu, thêm tớ giỏi
Gương ông Trưởng giả sáng làu làu
Kẻ nói xấu người để tự khoe
Miên Dương có trí chẳng thèm nghe
Xưa từng Hộ Pháp nay tìm Phật
Chứng quả ban đầu thật khỏe re.
DỨT TÍCH TRƯỞNG GIẢ MEṆḌKA

Nguồn : Source link

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 47

Post Views: 729