Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III 

 

Phẩm Hỷ Ái: Tích Công Tử Anittāgandha

 

“Kāmato jāyatī soko,
Kāmato jāyatī bhayaṃ;
Kāmato vippamuttassa,
Natthi soko kuto bhayaṃ”.

“Dục ái sinh sầu ưu,
Dục ái sinh sợ hãi,
Ai thoát khỏi dục ái,
Không sầu, đâu sợ hãi?”.

Pháp cú nầy, Đức Bổn Sư thuyết khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến công tử Anitthāgandha (không quen hơi nữ nhân).

Tương truyền rằng: Anitthāgandha từ cõi Phạm Thiên hạ sanh vào nhân giới, tái sanh vào một gia tộc Trưởng giả trong thành Sāvatthī.

Từ ngày chào đời cho đến về sau, cậu không chịu gần phụ nữ, nếu nữ nhân ẵm cậu thì cậu la khóc lên. Khi cho cậu bú, người mẹ phải lấy vải bao phủ kín ngực mình lại.

Khi Anitthāgandha đến tuổi trưởng thành, cha mẹ cậu bảo rằng:

– Nầy con, cha mẹ sẽ lo việc hôn nhân cho con.

– Con không cần đến nữ nhân.

Hai ông bà nài nỉ nhiều lượt, nhưng cậu vẫn một mực chối từ, sau cùng cha mẹ khuyên cậu rằng:

– Nầy con, nếu con không chịu có vợ, gia đình ta sẽ tuyệt tự. Vậy con hãy để cha mẹ tìm vợ cho con.

Chàng cho gọi 500 người thợ bạc đến nhà, lấy 1000 đồng vàng Nikkha, đặt họ làm một pho tượng mỹ nhân bằng vàng thật xinh đẹp theo ý của cậu. Rồi thưa với cha mẹ rằng:

– Được rồi! Nếu cha mẹ tìm được một nữ nhân xinh đẹp y như pho tượng nầy, con sẽ tuân theo lời cha mẹ ngay.

Cậu nói xong, đưa pho tượng vàng ra. Ông bà Trưởng giả cho mời các vị Bà la môn danh tiếng đến nhà và nhờ cậy họ rằng:

– Con trai tôi là bậc đại phúc. Chắc thế nào cũng phải có một thiếu nữ đã từng làm phước chung với nó. Quý vị hãy mang pho tượng nầy đi và hãy tìm đem về một nữ nhân cực kỳ xinh đẹp như pho kim tượng nầy vậy.

– Lành thay.

Các ông mai lãnh sứ mạng ra đi kiếm cô dâu, vân du hết nơi nầy sang nơi nọ, sau cùng họ đi đến thành Sāgaka, trong xứ Madda.

Bấy giờ, trong thành ấy có một cô Tiểu Thư, tuổi vừa cặp kê, nhan sắc tuyệt đẹp, cha mẹ cô cho cô ở trên lầu bảy của ngôi lâu đài 7 tầng. Các vị Bà la môn đặt pho tượng xuống bên lề đường rồi đi đến bãi tắm, ngồi xuống một bên, nghĩ rằng:

– Nếu ở đây có được nàng thiếu nữ đẹp như pho tượng, thì khi thấy pho tượng, dân chúng sẽ nói: “Pho tượng nầy tuyệt đẹp, chẳng khác nào Tiểu thư con gái của nhà đó”.

Sau khi bà nhũ mẫu của tiểu thư ấy, tắm cho nàng xong, đưa nàng trở về nhà, bà trở ra bến tắm để tắm. Thấy pho tượng vàng, bà lầm tưởng là tiểu thư, nên nói với pho tượng: “Ôi! Ngươi thật là khó dạy, ta vừa tắm cho mi xong rồi đi ra, mi đã đi ra đây trước ta rồi”.

Bà giơ tay đánh vào pho tượng, thấy chai cứng, bà biết rằng mình đã lầm, bèn nói: “Ta đã lầm tưởng pho tượng nầy là con gái của ta. Sự thật nó là cái chi vậy cà”.

Khi ấy, nhóm Bà la môn hỏi bà nhũ mẫu rằng:

– Bà ơi! Con gái bà giống pho tượng nầy lắm ư?

– So với con gái tôi thì pho tượng nầy có giá trị chi đâu.

– Vậy con gái bà đâu? Bà hãy chỉ chúng tôi “coi mắt” xem nào.

Bà vú cùng với khách về nhà, giới thiệu khách với ông Trưởng giả.

Hai ông bà niềm nở tiếp chuyện cùng khách, rồi cho gọi nàng tiểu thư xuống, nàng đến đứng gần pho tượng vàng, pho tượng vàng bị sắc đẹp của nàng lấn át, chẳng còn rực sáng được như trước.

Các ông mai tặng pho tượng vàng cho hai ông bà Trưởng giả, làm lễ vật đính ước, rồi vội vã trở về báo tin vui đến hai ông bà Trưởng giả thành Sāvatthī.

Hai ông bà rất hài lòng, lại phái mấy ông Bà la môn đi rước cô dâu về cho mau cùng với nhiều lễ vật trọng hậu.

Công tử Anitthāgandha được tin: Tìm được cô gái có nhan sắc mỹ lệ, còn xinh đẹp hơn pho tượng vàng của cậu. Chỉ nghe có bấy nhiêu, tình yêu đã chớm nở trong lòng của công tử. Cậu giục cha mẹ rằng: “Hãy rước cô dâu về cho mau”.

Cô dâu được rước đi bằng xe, nhưng người cô mảnh mai, yếu ớt quá, không chịu nổi sự dằn xóc, nên bị trúng gió cảm sương, đến nửa đường thì chết.

Công tử sốt ruột chờ mong, hỏi thăm không ngớt: “Cô dâu đến chưa?”. Nghe cậu hỏi một cách si tình như thế, các bạn bè thân quyến không ai nói rõ sự thật cho cậu biết ngay, đợi vài ngày sau, khi chàng bớt rạo rực, mới báo tin là cô dâu đã chết.

Công tử kêu lên: “Trời ơi! Ta đã vô duyên, không được kết đôi với giai nhân tuyệt sắc thế nầy ư?”. Cõi lòng tràn ngập ưu tư, công tử nghe sầu khổ nặng nề, giống như núi đá đè lên mình.

Đức Bổn Sư thấy được duyên lành của công tử, nhân khi đi bát, Ngài đến đứng trước cửa nhà công tử. Khi ấy, cha mẹ cậu thỉnh Đức Bổn Sư vào nhà và cung kính cúng dường, sớt bát.

Sau khi xong bữa, Đức Bổn Sư hỏi:

– Công tử Anitthāgandha đâu rồi?

– Bạch Ngài! Nó đã bỏ ăn nằm liệt giường trong thư phòng.

– Hãy cho gọi cậu ấy ra đây.

Công tử bước ra đảnh lễ, chào Đức Bổn Sư xong rồi, ngồi xuống một bên, Đức Bổn Sư phán hỏi:

– Nầy công tử! Trông cậu có vẻ buồn rầu lắm phải không?

– Dạ phải, bạch Ngài một giai nhân tuyệt sắc đã chết ở dọc đường.

Hay tin nầy, con phát sanh buồn khổ, cơm canh cũng không muốn ăn.

– Nầy công tử! Công tử có biết tại sao mà công tử phát sanh buồn khổ chăng?

– Bạch Ngài! Con không biết.

– Nầy công tử! Tại vì ái dục mà sự buồn khổ của cậu mới sanh lên, sự ưu tư hay sợ hãi đều do dục ái mà sanh lên cả.

Nói rồi, Ngài ngâm lên kệ ngôn rằng:

“Kāmato jāyatī soko,
Kāmato jāyatī bhayaṃ;
Kāmato vippamuttassa,
Natthi soko kuto bhayaṃ”.

“Dục ái sinh sầu ưu,
Dục ái sinh sợ hãi,
Ai thoát khỏi dục ái,
Không sầu, đâu sợ hãi?”.

CHÚ GIẢI:

Kāmato: Từ hai thứ dục ái là vật dục (vatthukāma) và phiền não dục (kilesakāma) mà phát khởi lên. Cuối thời Pháp, công tử Anitthāgandha đắc quả Tu Đà Hườn.

Dịch Giả Cẩn Đề
Phạm Thiên đọa lạc xuống hồng trần
Không thích mùi hơi xác nữ nhân
Vú nọ vẫn nhởm khi khát sữa
Lòng cha quen chịu lúc cầu thân.
Tưởng đâu đã thoát đường dâm dục
Xem lại còn mang nợ ái ân…
Có khóc vì tang người đẹp hụt
Dự Lưu Đạo quả mới lên lần
DỨT TÍCH CÔNG TỬ ANITTHĀGANDHA

Nguồn : Source link

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 28

Post Views: 463