Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III 

 

Phẩm Pháp Trụ: Tích Các Quan Tòa

 

256. “Na tena hoti dhammaṭṭhe

Yen’atthaṃ sahasā naye
Ye ca atthaṃ anatthañ ca
Ubho nicchayya paṇḍito”.
257. “Asāhasena dhammena
Samena nayatī pare
Dhammassa gutto medhavī
Dhammaṭṭho’ti pavuccati”.

“Người đâu phải Pháp trụ

Nếu xử sự khinh suất
Kẻ trí cần phân biệt
Đâu chánh đâu tà vạy”.
“Không khinh suất, đúng pháp
Công bằng dẫn đến người
Kẻ trí hộ trì Pháp
Thật xứng danh Pháp trụ”.

Pháp Cú nầy Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến các quan Thẩm Phán.

Một ngày nọ, chư Tỳ khưu đi khất thực ở cổng thành phía Bắc của Sāvatthī, khi đi bát xong, các vị ấy xuyên qua trung tâm thành phố và đi về chùa. Ngay lúc ấy, trời kéo mây vần vũ rồi đổ mưa. Vào ngay trong tòa án phía trước mặt, chư Tăng thấy các quan tòa ăn hối lộ rồi tước đoạt quyền làm chủ của các sở hữu chủ, thì nghĩ rằng: “Than ôi! Mấy ông nầy làm việc trái đạo. Vậy mà bấy lâu nay ta cứ tưởng là mấy ông xử đoán công minh chánh trực chớ”.
Tạnh mưa, chư Tăng về chùa đảnh lễ Đức Bổn Sư, ngồi xuống một bên và tường thuật việc mình đã mục kích. Đức Bổn Sư phán rằng:

– Nầy các Tỳ khưu! Người nào chiều theo tham dục xấu xa, xử đoán một cách thô bạo, thì không đáng gọi là Pháp trụ. Người nào thấu triệt tội lỗi tùy theo tội nặng nhẹ mà xử phạt công minh, không thô bạo, thì đáng gọi là Pháp trụ vậy.

Nói rồi, Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:

256. “Na tena hoti dhammaṭṭhe

Yen’atthaṃ sahasā naye
Ye ca atthaṃ anatthañ ca
Ubho nicchayya paṇḍito”.
257. “Asāhasena dhammena
Samena nayatī pare
Dhammassa gutto medhavī
Dhammaṭṭho’ti pavuccati”.

“Người đâu phải Pháp trụ

Nếu xử sự khinh suất
Kẻ trí cần phân biệt
Đâu chánh đâu tà vạy”.
“Không khinh suất, đúng pháp
Công bằng dẫn đến người
Kẻ trí hộ trì Pháp

Thật xứng danh Pháp trụ”.

CHÚ GIẢI:

Tena: Do những lẽ trên đây

Dhammaṭṭho: Người là quan tòa mà xử phạt thiên vị, theo ý riêng mình, thì không xứng danh là Pháp trụ (người công bình).

Yena: Do lẽ nào.

Atthaṃ: Cần phải xử đoán rồi quyết định là có.

Sahasā naye: Người chiều theo tham dục, dùng cách thô bạo như nói dối mà xử phạt. Như người chiều theo ái dục mà binh vực bà con, bạn hữu của mình, nói dối rằng họ là sở hữu chủ, khi họ không phải là sở hữu chủ thật. Người chiều theo sân hận gặp kẻ thù của mình thì cũng nói dối phủ nhận quyền làm sở hữu chủ của họ. Còn người chiều theo si mê, sau khi đã ăn của đút lót, hối lộ rồi, ngồi xử kiện, giả tuồng như tâm đang bận nghĩ đến việc khác, nhìn bên nầy bên kia và nói dối rằng: “Người nầy thắng, người nầy bại”. Còn người thiên vị vì sợ hãi thì cho dù người quyền cao chức trọng thất thế chăng nữa, cũng tuyên bố cho người ấy được kiện bằng cách thô bạo, ức hiếp như vậy. Người xử kiện như vậy không phải là Pháp trụ.

Yo ca atthaṃ anatthañca: Hữu lý và vô lý hay phi lý, chơn và ngụy, chánh và tà.

Ubho niccheyya: Nếu là bậc hiền trí, sau khi kết đoán cả hai bên nguyên và bên bị, xem bên nào chân thật, bên nào giả trá rồi mới quyết định.

Asāhasena: Không dùng cách nói dối.

Dhammena: Xử đoán đúng theo lẽ công, không có sự thiên vị nhất là vì tham.

Samena: Bằng lẽ công dắt dẫn người, ai thắng nói thắng, ai bại nói bại, tùy theo tội mà lên án xử phạt.

Dhammassa gutto: Bậc hiền trí đã chứng đắc Pháp hỷ, là người hộ trì Pháp, gìn giữ pháp, hằng xử đoán đúng theo lẽ công bằng, đáng gọi là Pháp trụ. Cuối thời Pháp, nhiều Tỳ khưu đắc Thánh Quả, nhất là Tu Đà Hườn quả.

Dịch Giả Cẩn Đề
Làm tòa xử đoán chẳng công minh
Bởi bốn điều tư phải vị tình
Thương, ghét, sợ, mê chưa dứt bỏ
Cầm cân bên trọng lại bên khinh
Bậc trí không hề bỏ lẽ công
Thân, sơ, quý, tiện cũng xem đồng
Chánh tà thấu triệt, tâm bình đẳng
Pháp trụ là người đạo lý thông.
DỨT TÍCH CÁC QUAN TÒA

Nguồn : Source link

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 24

Post Views: 219