Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III 

 

Phẩm Pháp Trụ: Tích Nhiều Vị Tỳ Khưu Tự Mãn

 

271. “Na sīlabbatamattena

Bāhusaccena vā puna
Atha vā samādhilābhena
Vivicca sayanena vā”.
272. “Phusāmi nekkhammasukhaṃ
Aputhujjanasevitaṃ
Bhikkhu vissāsam āpādi
Appatto āsavakkhayaṃ”.

“Chẳng phải giữ giới cấm

Cũng chẳng phải nghe nhiều
Hoặc chứng được thiền định
Sống cô độc một mình”.

“Tự xem đã thọ hưởng
Hạnh phúc giải thoát lạc
Phàm phu chưa hưởng được
Tỳ khưu chớ bằng lòng
Nếu lậu hoặc chưa diệt”.

Pháp Cú nầy Đức Bổn Sư đã thuyết khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến nhiều vị Tỳ khưu đầy đủ giới hạnh. Tương truyền rằng: Trong các Tỳ khưu nầy có một số nghĩ rằng: “Chúng ta là bậc Cụ Túc giới, chúng ta là bậc Đa Văn, chúng ta cư ngụ nơi xa xôi hẻo lánh, chúng ta đã chứng đắc thiền định. Đối với chúng ta quả A La Hán không khó đắc. Ngày nào chúng ta muốn, chúng ta sẽ đắc A La Hán trong ngày đó”.

Cùng một lối như vậy, các Tỳ khưu đắc A Na Hàm cũng tự nghĩ rằng: “Bây giờ, đối với chúng ta quả A La Hán không khó đắc”.

Tuy nhiên, một ngày nọ, tất cả các Tỳ khưu đều đến yết kiến Đức Bổn Sư. Đảnh lễ xong rồi ngồi xuống, Đức Bổn Sư bèn hỏi:

– Nầy các Tỳ khưu! Các thầy đã đạt đến mục đích cứu cánh của bậc xuất gia giải thoát chưa?

– Bạch Ngài! Chúng con đã đạt đến trình độ như thế, như thế… Bởi vậy, chúng con có thể đạt đến quả vị A La Hán ngay lúc nào mà chúng con muốn. Với ý nghĩ như vậy, chúng con sống bình an.

Nghe chư Tăng đáp như thế, Đức Bổn Sư cảnh tỉnh rằng:

– Nầy các Tỳ khưu! Một Tỳ khưu xứng đáng không nên chỉ ỷ vào chỗ mình đã thọ trì đầy đủ Tứ thanh tịnh giới, hoặc hạnh đầu đà, hoặc chỉ ỷ thị vào chỗ đã hưởng hỷ lạc cả A Na Hàm quả mà vội cho rằng: “Hiện nay đời sống của ta ít có khổ não”.

Ngày giờ nào chưa đạt đến mức lậu tận thì chớ nên khơi lên cái tâm nghĩ rằng: “Ta được an vui”.

Nói rồi, Ngài ngâm kệ rằng:

271. “Na sīlabbatamattena
Bāhusaccena vā puna 
 

Atha vā samādhilābhena
Vivicca sayanena vā”.
272. “Phusāmi nekkhammasukhaṃ
Aputhujjanasevitaṃ
Bhikkhu vissāsam āpādi
Appatto āsavakkhayaṃ”.

“Chẳng phải giữ giới cấm
Cũng chẳng phải nghe nhiều

Hoặc chứng được thiền định
Sống cô độc một mình”.
“Tự xem đã thọ hưởng
Hạnh phúc giải thoát lạc
Phàm phu chưa hưởng được
Tỳ khưu chớ bằng lòng
Nếu lậu hoặc chưa diệt”.

CHÚ GIẢI:
Sīlabbatamattena: Do nơi sự giữ Tứ Thanh Tịnh giới hoặc trọ trì mười ba chi đầu đà, hoặc là do sự nghe nhiều học rộng, hoặc thuộc lòng cả Tam Tạng kinh.

Samādhilābhena: Do đắc tám tầng thiền.

Nekkhammasukhaṃ: Hỷ lạc của bậc A Na Hàm. Bởi vậy mới nói ta hưởng hạnh phúc của A Na Hàm.

Apputhukkanasevitaṃ: Phàm phu không được hưởng, nhưng Thánh nhân thì hưởng được.

Bhikkhu: Nầy Tỳ khưu! Đây là gọi một Tỳ khưu nào trong đó.

Vissāsamāpādi: Chớ tin cậy, bằng lòng. Như trên đã nói: Nầy Tỳ khưu, việc thọ trì Cụ Túc Giới và đắc thiền định, theo Ta vẫn còn ít ỏi, nhỏ nhen, nếu chưa đắc quả Lậu Tận. Chưa đắc A La Hán, một Tỳ khưu xứng đáng chưa bằng lòng. Ví như phẩn, dầu chỉ chút ít cũng có mùi hôi thúi như thế nào thì biết là cảnh giới tái sanh dầu nhỏ nhen chút ít cũng là khổ. Cuối thời Pháp, các Tỳ khưu ấy đều đắc quả A La Hán. Thính chúng câu hội nơi đó cũng hưởng được lợi ích của thời Pháp.

Dịch Giả Cẩn Đề
Chưa đến tận cùng mục đích tu
Chớ nên hưởng đãi việc công phu
Bao giờ đắc quả A La Hán
Mới chắc từ đây thoát ngục tù…
Giữ giới tu thiền chẳng đủ đâu
Đầu đà thêm học vấn cao sâu
A Na Hàm hỷ làm chi đó
Nếu vẫn còn vương “hữu” khổ sầu.
DỨT TÍCH NHIỀU VỊ TỲ KHƯU TỰ MÃN
DỨT PHẨM PHÁP TRỤ – DHAMMADAṬṬHA VAGGA
DỨT PHẨM 19

Nguồn : Source link

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 25

Post Views: 252