[Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III

Phẩm Phật Đà: Tích Chuyện Chư Tỳ Khưu

“Sukho buddhānamuppādo,
Sukhā saddhammadesanā;
Sukhā saṅghassa sāmaggī,
Samaggānaṃ tapo sukho”.

“Vui thay, Phật ra đời!
Vui thay, Pháp được giảng!
Vui thay, Tăng hòa hợp!
Hòa hợp tu, vui thay!

Kệ ngôn nầy được Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập về sự bàn luận của các vị Tỳ Khưu. Một hôm, Chư Tỳ khưu gồm có 500 vị, ngồi trong Giảng Đường bàn luận cùng nhau rằng:

– Nầy chư Hiền! Điều chi là an lạc trong đời nầy?

Một số cho rằng: Sự an lạc sánh với Vương quyền thì không có. Một số lại cho rằng: Sự an lạc sánh với dục thì không có. Hay có ý kiến rằng: Sự an lạc sánh với vật thực thì không có.

Nơi Hương thất với thiên nhĩ thuần tịnh siêu nhân, Đức Thế Tôn nghe được câu chuyện luận bàn ấy, Ngài nghĩ rằng:

– Đây là thời phải lẽ, Như Lai sẽ đoạn nghi cho Tăng chúng.

Từ nơi Hương Thất, Ngài ngự đến Giảng đường ngồi vào nơi được soạn sẵn,

Ngài phán dạy chư Tỳ Khưu rằng:

– Nầy các Tỳ khưu! Các ngươi đang bàn luận gì về câu chuyện? Đang hội họp về đề tài gì?

– Bạch Thế Tôn, về câu chuyện như vậy, như vậy…

– Nầy các Tỳ khưu! Tất cả sự an lạc ấy đều liên quan đến khổ trong vòng luân hồi cả. Chỉ có sự giáng sanh của chư Phật, sự giảng giải Giáo Pháp, sự hòa hợp Tăng chúng là nhân an lạc trong đời.

Rồi Ngài tuyên thuyết lên kệ ngôn rằng:

“Sukho buddhānamuppādo,
Sukhā saddhammadesanā;
Sukhā saṅghassa sāmaggī,
Samaggānaṃ tapo sukho”.

“Vui thay, Phật ra đời!
Vui thay, Pháp được giảng!
Vui thay, Tăng hòa hợp!
Hòa hợp tu, vui thay!

194. Hạnh phúc thay chư Phật giáng sanh. Hạnh phúc thay giáo pháp cao minh. Hạnh phúc thay Tăng Già hòa hợp. Hạnh phúc thay Giới luật của người đồng tu.

CHÚ GIẢI:

Buddhānamuppādo: Chư Phật khi giáng sanh thường tế độ đại chúng thoát khỏi mọi sự trở ngại như ái… Do đó sự giáng sanh của chư Phật mới gọi là nhân đem lại an lạc. Tất cả chúng sanh đều có pháp là khổ, là sanh, là già … Sự giảng pháp của Bậc Thánh Nhân thường mang lại sự thoát ra khỏi khổ như khổ sanh, khổ già… Do đó, sự giảng pháp của bậc Chân Nhân mới gọi là nhân đem lại an lạc. Là người có tâm đồng nhau gọi là sự hòa hợp. Sự hòa hợp ấy là nhân đem lại an lạc.

Lại nữa, sự học Phật ngôn hay sự thọ trì hạnh đầu đà hoặc sự hành Sa môn Pháp của người hòa hợp, tức là người có tâm đồng nhau là nhân đem lại an lạc. Do vậy, Bậc Đạo Sư mới phán dạy rằng:- Nầy chư Tỳ khưu! Ngày nầy các người còn hội hợp cùng nhau, cùng đồng hành sự thì ngày ấy chư Tỳ khưu Tăng chúng chỉ có cường thịnh, không bị suy yếu. Dứt pháp thoại có rất nhiều Tỳ Khưu chứng ngộ Vô Lậu quả Giải thoát. Pháp thoại mang lại nhiều lợi ích ho đại chúng.

Dịch Giả Cẩn Đề
“Có chi hạnh phúc nhất trên đời?”
Tăng chúng bàn nhau thử đáp lời,
Người nói: làm Vua là sướng nhất!
Được yêu, hoặc cơm thịt ngon xơi!
Phật dạy: Tỳ khưu sống lục hòa,
Hành chung tăng sự, chớ chia ra,
Tăng càng tăng trưởng khi đoàn kết,
Khỏi sự suy tàn, đáng ngợi ca:
“Hạnh phúc thay chư Phật giáng sinh!
Hạnh phúc thay chánh Pháp xương minh!
Hạnh phúc thay tăng già hòa hiệp!
Hạnh phúc thay tứ chúng tu hành!”.
DỨT CHUYỆN CHƯ TỲ KHƯU

Nguồn : Source link

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 26

Post Views: 244