Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III

 

Phẩm Phật Đà: Tích Long Vương Erakapatta

“Kiccho manussapaṭilābho
Kicchaṃ maccāna jīvitaṃ
Kicchaṃ saddhammassavanaṃ
Kiccho buddhānamuppādo”.

Khó thay được làm người!
Khó thay sống vui tươi!
Khó thay nghe diệu pháp!
Khó thay Phật ra đời!”.

Kệ ngôn Pháp Cú nầy được Đức Thế Tôn thuyết lên, khi Ngài ngự tại thành Bāranasī, đề cập đến Long Vương Erakapatta.

Tương truyền rằng: Vào thời Giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa, Long Vương Erakapatta là một vị Tỳ Khưu trẻ, một khi đi thuyền trên dòng sông Gangā, dòng nước chảy xiết, khiến thuyền trôi băng băng, kinh hãi vị ấy nắm lấy bụi cỏ tranh để giữ lại, vô ý làm đứt cọng cỏ tranh ấy. Vì vô ý cho rằng đây là lỗi nhẹ, vị ấy không sám hối, có ý nghĩ rằng: “Đây chỉ là lỗi nhỏ bé”.

Tuy hành Sa môn pháp hết 20 ngàn năm, nhưng khi gần lâm chung, vị ấy có cảm tưởng nhiều cọng cỏ tranh đang cứa vào cổ mình, tâm bứt rứt vì lỗi lầm ấy sanh khởi, vị ấy muốn sám hối lỗi lầm, nhưng hại thay vào khi ấy chẳng có vị nào là Tỳ khưu ở quanh đó, vị ấy khởi lên nhiệt não rằng: “Ôi! Giới của ta đã bất tịnh rồi”.

Mạng chung, vị ấy tái sanh làm Long Vương, có thân hình to lớn như chiếc thuyền. Có tên gọi là Long Vương Erakapatta, khi sanh ra, Long Vương nhìn thấy mình mang thân là loài thú, phát sanh nhiệt não rằng:

– Ta đã hành Sa môn Pháp trọn 20 ngàn năm, lại phải tái sanh vào hạng vô nhân như thế nầy ư?

Thời gian sau, Long Vương Erakapatta có được một nàng Long Nữ, y huấn luyện con gái mình ca múa điêu luyện, rồi y đặt Long Nữ lên cái mang phùng rộng của mình, nổi lên mặt sông Gangā, cho nàng Long Nữ nhảy múa. Được biết rằng: Y khởi lên sự suy nghĩ rằng: “Bằng cách cho con gái ta hát đối, ta sẽ biết được Bậc Chánh Đẳng Giác đã xuất hiện trên thế gian nầy chưa? Người nào đáp đối lại được câu đố của con ta, ta sẽ nhường cả Long Cung cho người ấy ngự trị”.

Thế là, cứ mỗi nửa tháng, vào ngày Uposatha, y cùng con gái nổi lên giữa sông Gangā hát đối.

Nàng Long Nữ đứng trên chiếc mang phùng rộng của Long Vương, nhảy múa rồi hát lên rằng: “Người lớn như thế nào được gọi là vua? Như thế nào gọi là vua có bụi trên đầu? Như thế nào gọi là không có bụi? Như thế nào gọi là người ngu?”.

Toàn dân trên cõi Diêm Phù đều hiểu rõ câu chuyện rằng: Nếu hát đối được câu hát đối của Long Nữ, sẽ được cưới nàng và làm chủ Long Cung, nên đều đi đến sông Gangā, vận dụng trí tuệ để tìm câu hát đối lại câu hát của Long Nữ. Nhưng họ đều bị nàng Long Nữ vạch rõ những chỗ sai lầm trong câu hát đối với họ. Cứ như thế, rồi nữa tháng thì Long Vương nổi lên một lần, suốt cả thời gian dài không một ai giải đáp câu hát đối đó được. Bấy giờ, Đức Thế Tôn Gotama đã xuất hiện trong thế gian, Ngài ban cho chúng sanh Bất Tử Lộ. Theo thông lệ, vào hửng sáng Ngài dùng Phật trí quán xét thế gian,
tìm người hữu duyên lành nên tế độ, thấy được duyên lành của thanh niên Uttara và Long Vương Erakapatta. Ngài quán rằng:
“Đây là do nhân gì thế?”. Ngài thấy rằng:
“Hôm nay, Long Vương Erakapatta cùng con gái nổi lên hát đối trên mặt sông Gangā. Thanh niên Uttara sẽ học lấy lời giải của Đấng Như Lai, chàng sẽ chứng ngộ Dự Lưu Quả. Long Vương Erakapatta sẽ hiểu biết rằng: Đức Chánh Đẳng Giác đã xuất hiện trong thế gian”. Long Vương sẽ đi đến đảnh lễ Như Lai, nhân đó Như Lai sẽ thuyết lên pháp thoại giữa đại chúng, dứt kệ ngôn có 84 ngàn chúng sanh chứng đạt Đạo Quả. Long Vương trú vào Tam quy.

Vào buổi sáng hôm ấy, sau khi vận mặc y, Ngài cầm bát ngự đến gần bờ sông Gangā, gần nơi Long Vương Erakapatta sắp nổi lên, Ngài ngồi dưới gốc cây phượng vĩ, đây là một trong 7 cây phượng nổi tiếng của cõi Diêm Phù, gần thành Bārānasī. Bấy giờ, dân chúng cùng nhau mang câu hát đối của Long Nữ ra bàn luận, chàng thanh niên Uttara cũng đi đến bờ sông, nơi Long Vương cùng Long Nữ nổi lên để hát đối, mong chiếm được nàng Long Nữ yêu kiều ấy. Trông thấy chàng từ xa đi đến, khi chàng trông thấy Đức Thế Tôn đang ngồi dưới gốc cây phượng vĩ, Uttara đi đế đảnh lễ Đức Thế Tôn, xong rồi ngồi vào nơi phải lẽ, Đức Thế Tôn phán hỏi:

– Nầy Uttara! Ngươi đi đâu thế?

– Bạch Thế Tôn! Con đi đến nơi Long Vương Erakapatta sắp nổi lên để hát đối cùng với Long Nữ.

– Ngươi có biết câu hát để đối lại câu hát của Long Nữ ấy chăng?

– Bạch Thế Tôn! Con biết.

– Ngươi hãy hát lên xem nào?

Thanh niên Uttara hát lên câu hát đối theo trí tuệ của y đã nghĩ ra, Bậc Đạo Sư phán dạy y rằng:

– Nầy Uttara! Đó không phải là lời giải đáp câu hát đối của Long Nữ đâu. Nầy Uttara, ngươi hãy đọc câu hát nầy, đó là lời giải đáp.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

– Nầy Uttara! Khi Long Nữ hát đố xong, ngươi hãy hát lại rằng: “Người chế ngự được sáu căn gọi là Vua, Đức Vua có dục vọng gọi là có bụi trên đầu. Người không có dục vọng gọi là người bô trần cá. Người có dục vọng gọi là người ngu”.

Câu hát đố của Long Nữ, theo Pāli là như vậy:

“Kiṃsu edhipatīrājā Kiṃsu rājā rajassiro Kedhaṃ su?”.

“Người như thế nào gọi là vua? Như thế nào gọi là vua có bụi trên đầu? Như thế nào gọi là vua không có bụi”.

Câu Đáp giải là:

“Chavārādhipatī Rajamāno rajassiro Arajaṃ”.

“Người làm chủ được sáu căn và cả sáu cảnh như sắc… dù chỉ một căn cũng không thể xâm nhập được, người ấy gọi là vua. Vị vua có dục vọng gọi là có bụi trên đầu. Người có dục vọng gọi là người ngu”.

Bậc Đạo Sư dạy câu hát đáp ấy cho chàng thanh niên Uttara xong rồi, Ngài phán rằng:

– Nầy Uttara! Khi ngươi hát lên câu hát giải đáp nầy rồi, Long Nữ sẽ hát đố tiếp rằng: “Cái gì người ngu bị cuốn trôi? Bậc trí thường giải trừ như thế nào? Ta hỏi chàng, hãy vui lòng trả lời câu hỏi của ta”.

Khi ấy, ngươi hãy đáp lại như vậy: “Người ngu bị dòng nước tức dục bộc… cuốn trôi. Bậc trí thường giải trừ (bộc lưu) ấy với sự tinh tấn. Bậc trí hằng không có sự trói buộc, Ngài gọi là người có sự an lạc khỏi bị trói buộc”.

Câu này có ý nghĩa như vậy: “Người ngu thường bị bộc lưu (phiền não ví như dòng nước), có bốn loại bộc là: Dục bộc, hữu bộc, kiến bộc và vô minh bộc cuốn trôi chúng sanh. Bậc trí thường giải trừ bộc lưu ấy với sự tinh cần, tức là Sammappadhāna (Tứ Chánh cần). Bậc trí không có sự trói buộc như dục kết… Ngài gọi người như thế là người có sự an lạc khỏi trói buộc”.

Chàng thanh niên Uttara đang học thuộc câu hát đối như thế, thì chứng đạt được Quả vị Tu Đà Hườn. Khi học thuộc kệ ngôn rồi, chàng đảnh lễ Đức Thế Tôn, từ giã ra đi đến nơi Long Vương nổi lên.

Chàng đứng giữa đại chúng đông đảo, khi ấy Long Nữ đang nhảy múa, hát rằng: Người như thế nào gọi là Vua?”. Chàng Uttara đáp rằng: “Người làm chủ được sáu căn gọi là Vua”.

Long Nữ hát tiếp rằng: “Như thế nào gọi là Đức Vua có bụi trên đầu?”- “Đức Vua có dục vọng, gọi là có bụi trên đầu”…

Long Nữ lại hát đố tiếp câu thứ hai rằng:

“Cái gì người ngu bị cuốn trôi?…”

Thanh niên Uttara đáp lại rằng:

– Người ngu bị dòng nước cuốn trôi…

Nghe được những lời hát giải đáp của thanh niên Uttara, Long Vương Erakapatta biết rằng: Đức Phật đã khởi hiện trên thế gian, tâm y vô cùng hoan hỷ rằng: “Ta chưa từng được nghe câu kệ giải đáp nầy suốt cả khoảng thời gian dài không có Đức Phật, nay có được kệ ngôn nầy, hẳn là Đức Phật đã xuất hiện”. Y liền tuyên bố giữa đại chúng rằng:

– Nầy quý vị, Đức Phật đã hiện khởi trên thế gian rồi.

Y hoan hỷ dùng đuôi đập mạnh xuống nước, nước dạt thành hai ngọn sóng lớn cuốn tấp lên hai bên bờ, đại chúng khoảng 1 usebha cả hai bên bờ đều rơi xuống nước, Long Vương dùng mang của mình để đại chúng lên trên đó như là lên chiếc thuyền, rồi đưa đại chúng lên bờ. Long Vương tìm đến thanh niên Uttara, hỏi rằng:

– Nầy chàng trẻ tuổi! Bậc Đạo Sư hiện đang ngụ nơi đâu?

– Ngài đang ngự dưới gốc cây phượng vĩ, là một trong bảy cây phượng nổi tiếng, gần thành Bārāṇasī.

– Hãy đến đây chàng trẻ tuổi, chàng hãy đưa ta đến nơi ngụ của Đức Thế Tôn.

Long Vương đi vào giữa hào quang sáu màu, đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi đứng lặng mà khóc. Bậc Đạo Sư phán hỏi rằng:

– Nầy Long Vương! Chuyện chi ngươi lại sầu thảm như thế?

– Bạch Thế Tôn! Trước đây con là một vị Tỳ khưu trong Giáo Pháp của Đức Thế Tôn hiệu Kassapa, con đã hành Sa môn Pháp trọn cả 20 ngàn năm, Sa môn Pháp ấy không thể hộ trì cho con được, chỉ vì con đã dễ duôi, không sám hối tội làm đứt cọng cỏ tranh. Nay con lại phải sanh vào Bàng sanh giới, là hạng người vô nhân, thuộc loài bò trườn, không được làm người để được nghe Chánh Pháp, không được gặp Phật như Ngài suốt cả một thời gian dài rồi.
Nghe Long Vương bạch như thế, Bậc Đạo Sư phán rằng:

– Nầy Long Vương! Quả thật như thế, được sanh làm người là điều khó. Được nghe Chánh pháp là điều khó, được thấy Đức Phật là điều khó. Cả ba điều nầy, người hằng khó đạt được.

Rồi Ngài tuyên thuyết lên kệ ngôn rằng:

“Kiccho manussapaṭilābho
Kicchaṃ maccāna jīvitaṃ
Kicchaṃ saddhammassavanaṃ
Kiccho buddhānamuppādo”.

“Khó thay được làm người!
Khó thay sống vui tươi!
Khó thay nghe diệu pháp!
Khó thay Phật ra đời!”.

182. Được sanh làm người quả thật hiếm hoi. Kiếp sống làm người quả thật khó. Nghe được chân lý tối thượng quả là khó. Hy hữu thay, có được vị Phật ra đời”.

CHÚ GIẢI:

Ý nghĩa kệ ngôn nầy nên hiểu như sau:

“Được xác thân làm người là khó”, vì được sanh làm người rất khó, người cần phải tinh cần với nhiều thiện pháp.

“Sự sống thọ của chúng sanh thật là khó”, vì rằng phải làm những việc làm hằng ngày để duy trì được mạng sống, sự sống nầy quá mỏng manh.

“Được nghe Chánh Pháp cũng là điều khó”, vì khó tìm người nói pháp, cả kiếp cũng khó tìm được. Lại nữa, được gặp Phật ra đời cũng là điều khó vô cùng, vì phải có hành đủ Pháp độ với sự tinh tấn nhiều. Và khi người có được pháp độ như thế rồi, cũng chẳng phải gặp được vị Chánh Đẳng Giác xuất hiện, có khi phải trải qua thời gian cả ngàn koti kiếp.

Dứt pháp thoại có 84 ngàn chúng sanh an trú vào Thánh Quả. Lẽ ra, Long Vương Erakapatta cũng chứng đạt Dự Lưu, nhưng vì phải mang thân thú, Long
Vương ấy có năm chướng ngại với thân Rồng là phải xuất hiện nguyên hình tướng với năm trường hợp: khi tái sanh, khi lột da, khi ngủ mê, khi giao hợp cùng Long nữ cùng chủng và khi chết. Vì Long Vương khó mang thân Rồng đi đây đi đó, nên Long Vương Erakapatta thường hóa thân thành thanh niên để đi.

Dịch Giả Cẩn Đề
Kiếp trước làm sư rủi lỡ tay
Bứt chằm cỏ lát, bỏ đi ngay.
Vì không sám hối, sau sa đọa,
Mang lốt Long Vương, khổ lắm thay!
Muốn biết chừng nào Phật ra đời,
Cho con hát đố kén chồng người,
Đến khi gặp Phật và nghe pháp,
Tủi hổ thân mình, nước mắt rơi!
Thân người khó được lắm ai ơi,
Sống được lâu dài khó chẳng chơi,
Pháp Phật được nghe là chuyện khó.
Khó mà gặp Phật tổ ra đời.
DỨT TÍCH LONG VƯƠNG ERAKAPATTA

Nguồn : Source link

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 37

Post Views: 320