Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III 

 

Phẩm Phật Đà: Tích Vị Tỳ Khưu Không Hoan Hỷ

 

186. “Na kahāpaṇavassena,

Titti kāmesu vijjati;
Appassādā dukhā kāmā,
Iti viññāya paṇḍito”.
187. “Api dibbesu kāmesu,
Ratiṃ so nādhigacchati;
Taṇhakkayarato hoti,
Sammāsambuddhasāvako”.

“Dầu mưa bằng tiền vàng,

Các dục khó thỏa mãn.
Dục đắng nhiều ngọt ít,
Biết vậy là bậc trí”.
“Đệ tử bậc chánh giác,
Không tìm thấy dục lạc,
Dầu là dục Chư Thiên,
Chỉ ưa thích ái diệt”.

Kệ ngôn Pháp cú nầy Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài trú tại Jetavana, đề cập đến vị Tỳ khưu không hoan hỷ (trong đời sống Phạm Hạnh).

Vào thời Đức Phật, có vị Tỳ khưu xuất gia, thọ Cụ túc giới, vị Tế Độ Sư bảo rằng:

– Hiền giả hãy đến nơi ấy để học xiên thuật (uddana).

Vị Tỳ khưu ấy vâng lời. Khi song thân vị ấy lâm trọng bịnh, muốn gặp mặt con, nhưng không có người đến nhắn tin được, song thân vì thương nhớ vị Tỳ khưu ấy, nên khi sắp lâm chung, bảo lại với người em trai rằng:

– Nầy em, em hãy dâng y bát đến con trai ta nhé.

Song thân vị ấy trao lại người em số tiền là 100 Kahāpana rồi mệnh chung. Khi vị Tỳ khưu trở về, người chú quỳ dưới chân vị ấy mà than khóc rằng:

– Bạch Ngài! Vì sầu muộn do thương nhớ Ngài, nên song thân của Ngài đã qua đời. Cha Ngài có trao lại cho Ngài số tiền là 100 Kahāpana, vậy tôi sẽ phải làm thế nào với món tiền nầy đối với Ngài đây.

– Nầy chú! Thôi được, tôi chẳng cần chi số tiền ấy đâu.

Thời gian sau, vị ấy suy nghĩ: “Lợi ích chi mà ta phải đi bát từng nhà để nuôi mạng sống, ta có thể nhờ vào 100 Kahāpana để nuôi mạng sống cũng được. Vậy ta hãy hoàn tục đi”.

Thế là, vị ấy không còn hoan hỷ trong đời sống phạm hạnh nữa, y bỏ trì tụng kinh điển và bỏ rơi việc Thiền Định, chẳng bao lâu y trở nên ốm o gầy còm, chư Tỳ khưu trẻ và các Sa di hỏi thăm, vị ấy bày tỏ ý mình rằng: “Tôi bị cảm dục, tôi muốn hoàn tục”.

Chư Tỳ khưu cùng các Sa di mang vị Tỳ khưu ấy đến trình bạch cùng với Đức Thế Tôn. Bậc Đạo Sư phán hỏi rằng:

– Nầy Tỳ khưu! Có thật chăng? Được nghe nói rằng ngươi bị cảm dục nên muốn lìa bỏ đời sống phạm hạnh.

– Bạch Thế Tôn! Có thật như vậy.

– Nầy Tỳ khưu! Vì sao ngươi lại hành động như thế? Ngươi có chi làm duyên để nuôi mạng chăng?

– Bạch Thế Tôn! Có.

– Vậy ngươi có cái chi?

– Thưa con có được 100 Kahāpana, bạch Thế Tôn.

– Nếu thế, ngươi hãy mang một số sỏi, ngươi hãy tính thử xem. Ngươi có thể nuôi mạng sống với số Kahāpana bấy nhiêu chăng? Hay là không thể đủ nuôi mạng sống.

Vị Tỳ khưu ấy mang sỏi đến, Bậc Đạo Sư phán dạy y rằng:

– Ngươi hãy bỏ ra 50 đồng vàng mua vật thực trước, bỏ ra 25 đồng vàng mua đôi bò, bỏ ra bao nhiêu đây để mua hạt giống, bấy nhiêu đây để mua ách và cày, bấy nhiêu mua cuốc, bấy nhiêu mua rựa và búa. Khi ngươi tính như vậy rồi, thì 100 Kahāpana nầy cũng không đủ được.

Rồi Bậc Đạo Sư phán dạy vị Tỳ khưu ấy rằng:

– Nầy các Tỳ khưu! Số Kahāpana mà ngươi có được quá ít, ngươi nhờ số Kahāpana nầy để tầm cầu thì làm sao thỏa mãn được. Được nghe rằng: Thời trước bậc trí làm Vua Chuyển Luân, chỉ cần vỗ tay thì mưa bảy báu rơi xuống ngập đến ngang lưng trong khoảng 12 do tuần, dù cho vị Chuyển Luân Vương ấy làm chúa nữa cõi Đao Lợi suốt khoảng thời gian của 36 vị Đế Thích, nhưng cũng không hề thỏa mãn, phải mệnh chung.

Theo lời thỉnh cầu của chư Tỳ khưu, Đức Thế Tôn thuyết lên Bổn Sanh Đức Vua Mandhātu theo chi tiết rằng: “Mặt trời và mặt trăng (thường xoay tròn) rọi sáng các hướng như thế nào, tất cả chúng sanh sống trên trái đất nầy thường là kẻ nô lệ của Vua Mandhātu như vậy”.

Rồi Ngài tuyên thuyết lên kệ ngôn rằng:

186. “Na kahāpaṇavassena,

Titti kāmesu vijjati;
Appassādā dukhā kāmā,
Iti viññāya paṇḍito”.
187. “Api dibbesu kāmesu,
Ratiṃ so nādhigacchati;
Taṇhakkayarato hoti,
Sammāsambuddhasāvako”.

“Dầu mưa bằng tiền vàng,

Các dục khó thỏa mãn.
Dục đắng nhiều ngọt ít,
Biết vậy là bậc trí”.
“Đệ tử bậc chánh giác,
Không tìm thấy dục lạc,
Dầu là dục Chư Thiên,
Chỉ ưa thích ái diệt”.

186-187. Trận mưa bạc mưa vàng không làm cho hạnh tri túc phát sanh đến người dục lạc. Khoái lạc vật chất đem lại chút ít êm đềm và nhiều đau khổ. Biết như thế, người thiện khí không tìm được thỏa mãn trong khoái lạc, dầu ở cảnh giới trời. Hàng môn đệ của Đấng Toàn Giác hoan hỉ tận diệt ái dục.

CHÚ GIẢI:

Kahāpaṇavassena: Nghĩa là bậc trí vỗ tay khiến cho mưa bảy báu rơi xuống, mưa bảy báu nầy Ngài gọi là Kahāpanavassena trong bài kệ nầy. Gọi là dục và phiền não dục cũng không sao thỏa mãn được, dù là mưa bảy báu. Chính sự tham dục ấy khó được thỏa mãn như vậy.

Appassādā: Tức là có sự vui ít, vì giá trị của dục ví như giấc mộng…

Dukhā: Tức gọi là khổ thì có nhiều, chắc chắn do tác động của khổ đưa đến như trong bài kinh Đại khổ uẩn…

Iti viññāya: Tức là biết rõ các dục với điều như thế.

Api dibbesu: Nghĩa là nếu có ai mời thiên dục, dù như vậy, các Ngài vẫn không hoan hỷ trong các dục ấy, giống như Ngài Samiddhi được Chư Thiên mời.
Taṇhakkhayarato: Nghĩa là người hoan hỷ nhất với A La Hán và Níp Bàn, tức là mong muốn A La Hán với Níp Bàn. Vị Tỳ khưu hành giả chứng quả được nghe do Pháp của Đức Chánh Đẳng Giác thuyết. Đó gọi là đệ tử của Bậc Chánh Đẳng Giác. Dứt Pháp thoại vị Tỳ khưu ấy chứng Quả Dự Lưu. Pháp thoại mang lại nhiều lợi ích cho thính chúng.

Dịch Giả Cẩn Đề
Cha chết, còn tiền để lại sư,
Trăm đồng, không thiếu, cũng không dư,
Sư toan hoàn tục, tùn sinh kế,
Bất mãn đời tu mãi nhẫn từ.
Phật chỉ cho sư cách tính tiền,
Năm mươi đồng chẵn để ăn liền,
Lúa, bò hăm bốn và hăm bốn,
Cày, cuốc, rìu, sau sẽ tậu riêng…
Phật dạy: Bấy nhiêu có đủ gì?
Dầu mưa vàng bạc lút chân đi,
Cũng chưa thõa mãn lòng tham dục!
Bậc trí không còn tham ái si…
DỨT TÍCH VỊ TỲ KHƯU KHÔNG HOAN HỶ

Nguồn : Source link

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 7

Post Views: 208