Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV

Phẩm Tỳ Khưu: Tích Bà La Môn Pañcaggadāyaka

 

“Sabbaso nāmarūpasmiṃ,
Yassa natthi mamāyitaṃ;
Asatā ca na socati,
Sa ve “bhikkhū’ti vuccati”.

“Hoàn toàn, đối danh sắc,
Không chấp Ta, của Ta.
Không chấp, không sầu não.
Thật xứng danh Tỷ kheo”.

Đức Thế Tôn trú tại Jetavana, đề cập đến Bà la môn Pañcaggadāyaka, thuyết lên kệ ngôn nầy.

Tương truyền rằng: Trong thành Rājagaha có vị Bà la môn thường cúng dường Khattagga trong lúc gặt lúa xong, cúng dường Khalagga trong lúc mang về, cúng dường Khalabhanṇḍagga trong lúc đập lúa, cúng dường Ukkhalikagga trong lúc bỏ vào nồi, cúng dường Pāṭigga trong lúc xới cơm ra bát. Vị Bà la môn ấy thường cúng dường năm vật thí trong thời cao thượng như thế.

Lại nữa, Bà la môn ấy nếu có người đến xin vật thí, nếu chưa cho thì vị ấy chưa ăn. Vì thế ông có tên gọi là Pañcaggadāyaka. Đức Phật thấy duyên lành Bất Lai quả của hai vợ chồng Bà la môn ấy. Ngài đi đến nhà của Bà la môn khất thực vào giờ ăn của vị ấy, Ngài đứng trước cửa tư thất. Bấy giờ, Bà la môn quay lưng ra ngoài, đang ngồi ăn bên cửa sổ, nên y không thấy Bậc Đạo Sư.

Nữ Bà La Môn đang hầu quạt cho chồng, trông thấy Đức Thế Tôn bà ta suy nghĩ: “Vị Bà la môn nầy thường thí năm vật thí cao thượng rồi mới dùng. Giờ đây Sa Môn Gotama đang đứng trước cửa nhà, nếu Bà la môn nầy thấy vị ấy, y sẽ mang vật thí ra cúng dường, ta không thể nấu phần khác được”.

Rồi nàng suy nghĩ tiếp: “Ta sẽ làm cho Bà la môn không thể thấy Sa môn Gotama”. Bà xoay lưng cho Bậc Đạo Sư, ví như người dùng tay mà che mặt trăng. Khi che như thế rồi, nữ Bà la môn liếc nhìn хеm Bậc Đạo Sư Ngài bỏ đi chưa. Bậc Đạo Sư vẫn đứng yên, nàng không thể nói lớn rằng: “Bạch Ngài, xỉn Ngài ngự đi nơi khác” vì e ngại Bà la môn nghe được, nàng lùi về phía sau bạch nhỏ rằng: “Xin thỉnh Ngài hãy tế độ những chúng sanh phía trước”.
Đức Đạo Sư lắc đầu, tỏ ý rằng: “Ta không đi”. Đức Phật là nơi tôn kính của thế gian, Ngài lắc đầu tỏ ý rằng “Ta không đi” như thế, khiến nữ Bà la môn không dằn được, bật cười lớn lên.

Vừa khi ấy, Đức Thế Tôn liền phóng hào quang ngay vào nhà vị Bà la môn đang dùng vật thực, nghe tiếng cười của nữ Bà la môn và trông thấy ánh sáng rực chiếu của Đức Đạo Sư, ông ngẩng lên trông thấy Đức Phật. Lẽ thường chư Phật chưa tế độ người có duyên lành thì Ngài chưa rời nơi đó ra đi. Bà La Môn trông thấy Đức Phật, nói rằng:

Nầy cô! Sao cô không nói với tôi là: Thái Tử đang đứng trước cửa nhà. Cô đã làm tổn hại đến tôi, cô đã tạo trọng nghiệp lớn.

Rồi Bà la môn liền mang bát vật thực mình đang ăn sớt ra phân nửa, đi đến Bậc Đạo Sư bạch rằng:

Thưa Ngài Sa Môn Gotama! Con cúng dường cả năm vật thí rồi mới dùng, nhưng con chỉ mới dùng có chút ít. Đây là vật thực tinh khiết, xin Ngài hãy từ bi thọ dụng cho con đi.

Bậc Đạo Sư không nói rằng: “Nầy Bà la môn, ta không cần vật thực ấy đâu”.

Ngài lại nói rằng:

Nầy Bà la môn! Phần thù thắng nhất cũng vậy, vật thực mà ngươi đã dùng rồi cũng vậy, tất cả đều thích hợp với Như Lai, dù chỉ là một vắt cơm thừa. Vì rằng, nầy Bà la môn, ta sống nhờ vào vật thực của người khác dâng cúng như ngạ quỷ sống nhờ vào phước của người khác.

Rồi Ngài nói lên kệ ngôn rằng:

“Vị Tỳ khưu nhờ vật thực người khác nuôi dưỡng. Được vắt cơm thù thắng, hay trung bình hoặc là phần dư thừa cũng vậy. Vị Tỳ khưu ấy không nên chê khen ngon dở, mọi người tán dương vị ấy là bậc ẩn sĩ tịch mặc”.

Nghe dứt kệ ngôn, Bà la môn khởi tâm tịnh tín: “Ồ! Thật kỳ diệu thay, vị Thái Tử rực sáng ấy không nói rằng: Ta không cần vật thực dư thừa của ngươi, mà lại nói như thế”.

Liền đó, y đứng tại cửa nhà, bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng:

Thưa Sa Môn Gotama, Ngài gọi đệ tử mình là Tỳ khưu. Vậy có bao nguyên nhân được gọi là Tỳ khưu?

Đức Đạo Sư quán xét rằng: “Pháp nào thích hợp với Bà la môn nầy nhỉ?”. Ngài xét thấy “Cả hai người nầy trong thời Đức Phật Kassapa, đã nghe chư Tỳ khưu giảng giải về DANH SẮC. Vậy Như Lai sẽ thuyết DANH SẮC đến hai người nầy”. Quán xét xong, Đức Thế Tôn phán rằng:

Nầy Bà La Môn! Người vô dục vọng, không dính mắc trong danh sắc, được gọi là Tỳ khưu.

CHÚ GIẢI:

Sabbaso: tức là danh sắc diễn tiến theo năng lực của ngũ uẩn, gồm sắc uẩn và tứ danh uẩn như thọ uẩn, tưởng uẩn…

Samāyitaṃ: là sự chấp thủ là ta hay của ta không có với người nào.

Ahatā ca na socati: nghĩa là khi danh sắc bị hoại diệt, người không sầu muộn, không nhiệt não rằng: “Sắc của ta bị hoại diệt, thọ của ta bị hoại diệt… thức của ta bị hoại diệt” và thấy như thật rằng: “Lẽ thường, danh sắc nầy hằng bị hoại diệt”.

Sa ve bhikkhūti vuccati: nghĩa là người ấy tức là người dứt bỏ sự chấp thủ trong danh sắc là ta hay của ta, hay không sầu muộn vì danh sắc cũng có, Bậc Đạo Sư gọi người ấy là Tỳ khưu.

Dứt Pháp thoại hai vợ chồng Bà La Môn chứng đắc A Na Hàm quả.

Dịch Giả Cẩn Đề
Năm lần sơ quả cúng dường Tăng,
Để bát Phật Đà nửa bữa ăn,
Thầy hỏi: Cơm chùa dư, lỡ bữa,
Dâng Sư, có phạm tội hay chăng?
Phật dạy: Tỳ khưu chẳng khác ma,
Ăn nhờ vật thí của người ta,
Chẳng chê, khen, ít nhiều, hay dở,
Mới nấu hay còn dư bỏ ra,
Thầy hỏi: Tỳ khưu có nghĩa gì?
Phật rằng: Danh sắc đã viễn ly,
Không cầu, không chấp nơi mình nữa,
Đó thật là Tỳ khưu Chánh quả.
DỨT TÍCH ÔNG BÀ LA MÔN PAÑCAGGADĀYAKA

Nguồn : Source link

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 29

Post Views: 343