Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV

Phẩm Tỳ Khưu: Tích Vị Tỳ Khưu Giết Hạc

“Hatthasaṃyato pādasaṃyato,
Vācāsaṃyato saṃyatuttamo;
Ajjhattarato samāhito,
Eko santusito tamāhu bhikkhuṃ”.

“Người chế ngự tay chân,
Chế ngự lời và đầu,
Vui thích nội thiền định,
Độc thân, biết vừa đủ,
Thật xứng gọi tỳ kheo”.

Nhân khi đề cập đến vị Tỳ khưu giết hạc, Đức Thế Tôn thuyết lên kệ ngôn nầy, khi Ngài ngự tại Jetavana. Được nghe như vầy: Trong thành Sāvatthī có hai thiện gia tử nhờ nghe Pháp từ nơi Đức Thế Tôn, hai vị ấy xin xuất gia trong Giáo Pháp của Ngài, hai vị ấy thường đi chung với nhau.

Một hôm, hai vị ấy đi đến bờ sông Aciravatī tắm, khi tắm xong, đang đứng phơi khô thân mình và đàm luận cùng nhau. Khi ấy, trên hư không có hai con hạc hay ngang, một vị Tỳ khưu cầm viên sỏi trong tay nói rằng:

– Nầy Hiền giả! Nếu muốn tôi có thể búng trúng mắt con hạc.

– Hiền giả không thể nào búng trúng được đâu.

– Chừa con mắt nầy ra, tôi sẽ búng trúng con mắt kia.

– Dù là mắt nào Hiền giả cũng không búng trúng được.

– Vậy thì, Hiền giả hãy xem đây.

Vị ấy bèn búng viên sỏi lao vút lên không trung về phía đuôi con hạc. Nghe tiếng sỏi rít lên phía sau mình, con hạc quay đầu lại nhìn. Khi ấy, vị Tỳ khưu nhặt lấy viên sỏi khác cầm tay chờ sẵn, và búng ngay vào mắt con hạc, viên sỏi xuyên trúng mắt hạc, hạc kêu thét lên, co quắp người lại và rơi xuống đất.
Chư Tỳ khưu thanh tịnh, thiểu dục trông thấy như thế, liền qưở trách vị Tỳ khưu ấy rằng:

– Nầy Hiền giả! Hiền giả là bậc xuất gia, lại sát sanh như thế thật bất xứng với hành động của mình.

Rồi các vị Tỳ khưu mang vị ấy đến trình bạch sự kiện trên lên Đức Thế Tôn. Bậc Đạo Sư phán hỏi rằng:

– Nầy Tỳ khưu! Có thật chăng, nghe rằng ngươi đã búng sỏi giết hạc.

– Bạch Thế Tôn! Có thật như thế.

– Nầy Tỳ khưu! Ngươi đã xuất gia trong Giáo Pháp thanh tịnh của Đấng Như Lai, là con đường đưa chúng sanh thoát khổ. Tại sao, hỡi kẻ rỗng không kia, tại sao ngươi lại làm như thế. Thưở quá khứ, khi Đấng Chánh Đẳng Giác chưa hiện khởi trong thế gian, bậc trí tuy sống đời thế tục, vẫn có sự hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi với giới hạnh của mình dù chỉ là chút ít. Còn ngươi nay đã xuất gia trong Pháp Luật rực sáng như thế, lại chẳng có sự hổ thẹn, ghê sợ với Giới hạnh của mình chi cả.

Theo lời khẩn cầu của chư Tỳ khưu, Đức Thế Tôn thuyết giảng Bổn Sanh như sau: Trong thời quá khứ, khi Đức vua Dhanañjaya đang trị vì xứ Kuru, trong kinh thành Indapatta. Bồ Tát giáng hạ vào thai bào của Hoàng hậu Dhanañjaya. Khi Bồ Tát trưởng thành, Ngài tinh thông mọi nghiệp nghệ đương thời, Ngài theo học nghệ thuật với vị Danh sư trong thành Takkasilā. Ngài được vua phong cho Đạo vị Phổ Vương. Thời gian sau, khi thân phụ qua đời, Ngài lên nối Vương vị, Ngài luôn hành trì Thập Pháp Vương, an trú trong Pháp Kuru (5 giới được gọi là Pháp Kuru). Bồ Tát đã thọ trì năm giới thật trong sạch, rồi thì noi gương Ngài mọi người đều thọ trì Giới hạnh, nổi bật nhất là các vị như: Hoàng Thái hậu, Hoàng hậu, Phó vương (em trai Ngài), vị Quân sư, người xa phu, người đạo điền, vị Trưởng giả, người thủ khố lương thực, người giữ cổng thành và nàng kỹ nữ.

Cả 11 người đang hành trì Pháp Kuru như thế. Nói về nước lân bang xứ Kuru là xứ Kaliṅga, bây giờ nơi kinh đô Dantapurī của xứ Kaliṅga, bây giờ nơi kinh đô Dantapurī của xứ Kaliṅga đang bị hạn hán, Đức vua cho hợp triều thần lại, để tìm cho ra nguyên nhân hạn hán và phương pháp đem lại an lạc cho thần dân trong quốc độ.

Triều thần xứ Kaliṅga luận bàn rằng: “Được nghe rằng vua xứ Kuru có con tượng Hạnh Phúc tên là Añjanāsabha có nhiều phước báu. Chúng ta hãy đến xin tượng ấy”. Và họ đã đến xin tượng báu Maṅgala của Bồ Tát, vì nghĩ rằng: “Khi được tượng nầy thì xứ Kaliṅga sẽ mưa thuận gió hòa”.

Đức Vua Kaliṅga cử các đại thần Bà la môn đến xin voi Hạnh Phúc. Để nói lên sự việc của các vị Bà la môn ấy, Bậc Đạo Sư thuyết giảng Bổn Sanh trong Tkanipāta rằng: “Kính thưa đấng thống lĩnh của nhân giới, chúng thần đã biết được tin Đức vua cùng với Giới hạnh của Ngài rồi. Xin Ngài hãy đổi vàng với con voi có sắc tươi đẹp như hoa đi, chúng thần sẽ mang voi ấy về xứ Kaliṅga”.

Nhưng khi Bà la môn mang voi Maṅgala về, xứ Kaliṅga vẫn hạn hán như cũ. Đức vua lại triệu tập các vị đại thần vào triều bàn luận. Và có ý kiến nêu lên rằng:

– Do Đức vua Kuru thọ trì Pháp Kuru, nên vương quốc ấy mưa thuận gió hòa.

Chúng ta hãy đến xin thọ trì Pháp Kuru nơi Đức vua Kuru vậy. Vua xứ Kaliṅga cho các vị đại thần Bà la môn lên đường đến vương quốc Kuru học Pháp Kuru, Ngài giao cho các vị ấy tấm bảng vàng, dặn rằng:

– Nầy chư khanh, hãy ghi chép Pháp Kuru mà Đức vua ấy thọ trì vào tấm bảng bằng vàng nầy, mang về đây cho Trẫm.

Khi các đại thần Bà la môn ấy bạch xin Pháp Kuru, thì từ Đức vua cho đến nàng kỹ nữ đều có sự áy náy về giới hạnh của mình, và từ chối rằng: “Giới của tôi chưa được trong sạch trọn vẹn”. Mỗi vị đều thuật lại điều e ngại của mình. Đến khi các vị đại thần khẩn thiết rằng: “Sự phá giới chẳng phải do nguyên nhân nhỏ nhặt ấy đâu”. Bấy giờ các vị ấy mới truyền thụ Pháp Kuru.

Đức vua Kaliṅga thọ trì Pháp Kuru do các quan đại thần ghi chép mang về và Ngài truyền cho cả quốc độ Kaliṅga đồng thọ trì giới hạnh ấy cho thật trong sạch, nạn hạn hán liền chấm dứt, mưa khởi lên khắp quốc độ ấy, xứ Kaliṅga trở nên sung mãn có vật thực để dâng.

Bậc Đạo Sư sau khi thuyết giảng Bổn Sanh rồi, Ngài nhận diện bổn sanh rằng: “Kỹ nữ thời ấy nay là Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā, người đạo điền nầy là Tỳ khưu Kaccāyana, quan giữ kho nay là Tỳ khưu Kolita, Trưởng giả nay là Trưởng lão Sāriputta, người xa phu nay là Anuruddha, vị Giáo sĩ đại thần nay là Trưởng Lão Nandapaṇḍita, Hoàng hậu nay là mẹ Rāhula, Hoàng Thái hậu nay là Hoàng hậu Māyā. Đức Vua xứ Kuru nay chính là Đấng Như Lai vậy”.

– Nầy chư Tỳ khưu! Bậc Trí trong thời trước, khi có sự khó chịu chút ít khởi lên, đã có sự e ngại về giới hạnh của mình rồi, còn các ngươi xuất gia trong Giáo Pháp của Đức Phật như ta mà còn sát sanh, đã tạo nên nghiệp bất xứng. Lẽ thường vị Tỳ khưu nên tự điều chế tay, chân và lời nói.

CHÚ GIẢI:

Hatthasaṃyato: Nghĩa là người tự điều chế tay, không có sự múa tay… hoặc đánh đập chúng sanh khác bằng tay. Gọi là người tự điều chế lời nói, do không nói bốn ác khẩu hạnh như vọng ngữ, ác ngữ, thô ngữ, hý ngữ.

Saṃyatuttamo: Nghĩa là người tự điều chế thân, là không làm điều lạ như lắc mình, lắc đầu hay nhíu mày…

Ajjhattarato: Nghĩa là người thỏa mãn, thỏa thích sự tu tập nghiệp xứ, tức là pháp diễn hành bên trong.

Samāhito: Nghĩa là người có tâm vững chắc.

Eko santusito: Là người thường độc cư hoan hỷ với sự hoan hỷ, tức là tâm hoan hỷ với pháp thành của mình kể từ khi tu tập thiền quán. Thật vậy, tất cả hạng hữu học kể từ phàm thiện thường hoan hỷ với Pháp Thành của mình, vì thế được gọi là bậc Tri túc, riêng bậc A La Hán thì có sự hoan hỷ thuần nhất.
Đức Thế Tôn ám chỉ bậc A La Hán, nên Ngài thuyết rằng: Eko santusito.

Dứt pháp thoại nhiều người chứng đắc quả Thánh.

Dịch Giả Cẩn Đề
Tỳ khưu ném đá giết thiên nga,
Phật chẳng khen tài lại qưở ta,
Kể tích nghìn xưa gìn giữ giới,
Dẫu là tội nhỏ, chẳng sai ngoa,
Thời ấy, Phật là vị Quốc vương,
Quan, con, vợ, mẹ… cả triều đường,
Đều kiên trì giữ câu lâu pháp,
Gió thuận, mưa hòa, bởi giới hương,
Tỳ khưu phải chế ngự đầu, thân,
Phải chế ngự lời với tay chân,
Vui trong thiền định, người tự tại,
Tri túc, cô đơn, hạnh thánh nhân.
DỨT TÍCH VỊ TỲ KHƯU GIẾT HẠC

Nguồn : Source link

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 10

Post Views: 275