Tích Trưởng Lão Jotika – Ái hữu được đoạn tận, gọi Bà-lamôn
Tích Trưởng Lão Jotika – Ái hữu được đoạn tận, gọi Bà-lamôn
Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV
“Yodha taṇhaṃ pahatvāna
Anāgaro paribbaje
Taṇhābhavaparikkhīṇaṃ
Tamahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ”.
Ai ở đời đoạn ái
Bỏ nhà sống xuất gia
Ái hữu được đoạn tận
Ta gọi Bà-la-môn”.
Kệ Ngôn nầy được Đức Thế Tôn thuyết ra khi Ngài ngự tại Veḷuvana, đề cập đến Trưởng lão Jotika, tuyên thuyết lên kệ ngôn nầy. Vào thời quá khứ, có hai anh em một Tộc Trưởng ở thành Bārāṇasī. Hai anh em cùng nhau làm ruộng mía. Một hôm người em đi thăm ruộng mía, với ý niệm rằng:
– Ta hãy lấy về một cây cho ta, một cây cho anh ta.
Sau khi thăm ruộng mía xong, anh chặt lấy hai cây mía mang về.
Vào thời ấy, loại mía ấy chỉ cần chặt đứt hai đầu thì nước mía từ trong thân mía chảy ra như nước chứa từ trong chiếc ống rỗng. Vào lúc ấy có vị Độc Giác Phật vừa xả Thiền Diệt. Ngài quán xét rằng: “Hôm nay ta sẽ tế độ cho ai nhỉ? Ai là người hữu duyên?”.
Ngài thấy hình ảnh của y hiển lộ trong võng trí của mình. Thế là, từ nơi núi Gandhamādana Ngài đắp y mang bát, xuất hiện trước mặt của y.
Trên đường từ rẫy mía về, vừa thấy Đức Độc Giác Phật, chàng phát tâm hoan hỷ tịnh tín, lấy chiếc khăn choàng trải chỗ ngồi cho Ngài ngồi ở một nơi cao ráo, thỉnh Đức Phật ngự tại nơi đó, bạch rằng:
– Bạch Ngài, xin thỉnh Ngài hãy trao bát cho con.
Rồi y cởi dây cột mía ra, lấy nước mía dâng lên Đức Phật Độc Giác, Ngài thọ dụng nước ấy. Tâm Tộc Trưởng ấy lại phát sanh niềm hỷ lạc vô biên, y suy nghĩ: “Thật hoan hỷ thay, Ngài đã thọ dụng nước mía của ta. Giờ đây còn lại cây mía của anh ta, ta sẽ dâng lên Ngài, nếu anh ta đòi tiền ta sẽ trả tiền, nếu anh ta cần phước thì ta sẽ chia phước cho anh ấy”.
Anh bạch rằng:
– Bạch Ngài, xin hãy cho con Bát
Và y cúng dường nước mía đến Đức Phật Độc Giác. Việc làm nầy của y không mang tính chất gian xảo, hay có ý nghĩ rằng: “Ta sẽ lấy cho anh ta cây mía khác”.
Riêng về Đức Độc Giác Phật muốn cho y hoan hỷ cùng tăng thêm niềm tịnh tín, và chia vị ngọt của mía đến cho các vị Độc Giác khác, vì Ngài đã dùng một cây mía rồi.
Ngài ngồi im lặng đưa mắt nhìn Tộc Trưởng, biết được ý của Đức Độc Giác, Tộc Trưởng đảnh lễ Đức Phật Độc Giác với tư thế ngũ thể đầu địa, phát nguyện rằng:
– Bạch Ngài! Do sự cúng dường vị mía nầy, xin cho con đạt được nhân sản, Thiên sản và Thánh sản, là Pháp mà Ngài đã chứng đắc.
Đức Độc Giác phúc chúc cho y rằng:
– Xin cho sự ước nguyện của gia chủ được như ý.
Rồi Ngài tùy hỷ bằng kệ ngôn: “Icchitaṃ patthitaṃ tumhaṃ…”.
Ngài chú nguyện cho y thấy Ngài theo đường hư không về đến núi Gandhamādana, đem nước mía ấy chia cho 500 vị Độc Giác Phật dùng, nước mía vẫn còn như cũ. Thấy được thần thông lực ấy, Tộc Trưởng phát sanh phỉ lạc sung mãn. Y trở về nhà, người anh hỏi y rằng: “Em đi đâu thế?”.
– Em đi thăm ruộng mía.
– Em thật là đoảng, đến ruộng mía mà trở về với tay không. Lẽ ra em nên mang về một hai cây mía chứ?
– Em có mang về hai cây mía, nhưng giữa đường gặp Đức Phật Độc Giác, em đã cúng dường phần mía của mình đến Ngài. Sau đó, lại dâng luôn phần mía của anh với ý niệm rằng: “Nếu anh cần tiền sẽ trả lại bằng tiền, nếu anh cần phước sẽ trả lại anh bằng phước”.
– Nầy em! Nếu như thế, vị Độc Giác Phật hành động ra sao?
– Ngài dùng phần mía của em, riêng phần mía của anh, Ngài mang về núi
Gandhamādana chia cho 500 vị Độc Giác Phật dùng.
Và y thuật lại những gì mình mục kích được, trông thấy được, toàn thân người anh đều phát sanh phỉ lạc, càng lúc càng sung mãn, đã phát nguyện rằng:
– Phước báu nầy, hãy cho tôi đắc được Pháp mà Đức Phật Độc giác ấy chứng đắc.
Như thế, người em ước nguyện ba loại tài sản, riêng người anh chỉ hướng tâm đến Đạo Quả A La Hán mà thôi.
Sau khi mệnh chung, anh em Tộc Trưởng ấy thọ sanh về Thiên giới, thọ hưởng Thiên sản hết một đời vị Phật, người anh vẫn là vị Thiên Tử anh, người em là vị Thiên Tử em. Sau khi dứt kiếp chư thiên, hai vị thọ sanh về nhân giới cũng theo thứ tự, người anh vẫn là anh, em vẫn là em. Cả hai anh em sanh vào một gia tộc Trưởng giả Đại gia tộc.
Ở thành Bandhumatī. Người anh có tên là Sena, người em tên là Aparājita. Bấy giờ, thế gian nầy đang rực sáng với Phật quang của Đấng Đại Giác Kassapa. Giáo Pháp Ngài rực rỡ trong thế gian.
Hai công tử khi đến tuổi trưởng thành thì song thân qua đời, người anh kế tục tài sản gia tộc. Một hôm, người anh được tin rằng: “Phật Bảo đã hiện khởi trong thế gian, Pháp Bảo hiện khởi trong thế gian và Tăng Bảo hiện khởi trong thế gian”.
Một thiện gia tử đã truyền rao trong thành Bandhumatī rằng: “Tam Bảo đã hiện khởi, chiếu sáng thế gian. Các vị hãy nên bố thí, hãy nên làm phước. Hôm nay là ngày Uposatha, hãy thọ trì Bát giới, hãy đến nghe Pháp nơi Đức Thế Tôn”.
Công tử Sena thấy đại chúng cúng dường vật thực đến Tăng chúng vào buổi sáng xong rồi, vào buổi chiều tay mang hương hoa cùng dược phẩm trị bịnh vào Tịnh xá nghe Pháp, chàng nói rằng:
– Tôi cũng sẽ đi nghe Pháp nữa.
Và công tử Sena nhập đoàn với đại chúng, đến Tịnh xá ngồi chung với thính chúng ở nơi cuối cùng.
Đức Thế Tôn thấy được duyên lành của y, Ngài thuyết lên tuần tự Pháp. Được nghe Pháp thoại từ nơi Đức Phật, tâm Trưởng giả Sena bỗng phát sanh sự chán nản đời sống thế tục, hướng về sự yểm ly, xuất gia. Trưởng giả Sena bạch lên Đức Đạo Sư xin Ngài cho phép được xuất gia, Đức Thế Tôn phán hỏi rằng:
– Ngươi còn thân quyến chi chăng?
– Bạch Thế Tôn! Con còn có đứa em trai.
– Vậy ngươi hãy từ giã em ngươi đi.
– Thưa vâng! Bạch Thế Tôn.
Công tử Sena trở về bảo với em rằng:
– Nầy em! Kể từ nay tài sản của gia tộc nầy là của em.
– Thế còn anh thì sao?
– Anh sẽ xuất gia sống đời sống Phạm pạnh trong Giáo Pháp của Đức Thế Tôn.
– Thưa Anh! Anh nói chi lạ thế? Khi song thân qua đời, em xem anh như là cha mẹ. Trong gia tộc nầy có đại tài sản, anh hãy sống đời tại gia mà làm phước thiện như bố thí… Anh chớ nên xuất gia.
– Anh đã nghe Pháp của Đức Đạo Sư rồi, đời sống tại gia không thể hành Phạm hạnh được viên mãn. Anh quyết chí xuất gia, em hãy trở về chăm nom tài sản của gia tộc đi.
Thế rồi, Trưởng giả Sena từ giã em, đến Tịnh xá xuất gia với Đức Thế Tôn.
Chẳng bao lâu, Ngài tinh cần hành pháp chứng đạt được quả vị A La Hán.
Công tử Aparājita suy nghĩ: “Ta sẽ cúng dường đến Đức Thế Tôn như anh ta vậy”.
Chàng cúng dường đại thí đến chư Tăng có Đức Phật là Thượng Thủ trọn bảy ngày. Rồi đến đảnh lễ Trưởng lão Sena, bạch rằng:
– Bạch Ngài! Ngài đã thực hành Pháp để đoạn hữu rồi. Còn tôi bị năm dục cuốn lôi, ràng buộc nhiều, không thể xuất gia sống đời Phạm hạnh như Ngài được. Vậy xin Ngài hãy chỉ dạy phương thức hành thiện Pháp đến tôi đi.
– Lành thay! Nầy Tộc Trưởng, là người có trí ngươi hãy kiến tạo Hương thất cúng dường đến Đức Thế Tôn đi.
– Lành thay! Lành thay.
Tộc Trưởng cho người mang các loại vật liệu như cật, cây… đến, các cây cột được chạm trổ đính bằng ngọc 7 báu, 1 cây nạm vàng, 1 cây nạm bạc, 1 cây nam ngọc Maṇi, 1 cây nạm thủy tinh, 1 cây nạm pha lê, 1 cây nạm lưu ly, 1 cây nạm mã não. Tộc Trưởng cho kiến tạo Hương thất bằng bảy loại ngọc quý như thế, mái Hương thất cũng được lợp bằng 7 loại ngọc như thế. Trong khi đang kiến tạo Hương thất, người cháu trai trùng tên với Tộc Trưởng là Aparājita, đi đến nói với Tộc Trưởng rằng:
– Cháu cũng muốn kiến tạo Hương thất, xin cậu hãy cho cháu hùn phước với.
– Nầy cháu không được đâu. Khi ta kiến tạo Hương Thất nầy, ta chẳng cho ai hùn phước cả.
Người cháu khẩn khoản nhiều lần, nhưng Tộc Trưởng Aparājita kiên quyết bác bỏ, y suy nghĩ rằng: “Cậu ta không chịu cho ta hùn phước, vậy ta hãy kiến tạo một giảng đường hình con voi để đối lại với Hương thất ấy”.
Thế là, y cho kiến tạo một Giảng đường hình con voi lớn bằng những loại ngọc quý để cúng dường đến Tăng chúng, có Đức Phật là tọa chủ. Y chính là Trưởng giả Meṇḍaka sau nầy trong thời Đức Phật hiện tại.
Tộc Trưởng Apārājita kiến tạo Hương thất, có ba cửa sổ, mỗi cửa sổ làm bằng bảy loại ngọc báu, từ trong Hương thất nhìn ra cửa sổ sẽ thấy hồ sen lớn xây bằng vôi trắng, trong hồ chứa nước thơm gồm bốn loại nước, trong hồ trồng 5 loại hoa ngũ sắc quý, tỏa ngát hương thơm. Xung quanh Hương thất, Tộc Trưởng cho nghiền 7 loại ngọc báu làm bằng cát, cao ngập đến đầu gối.
Khi Hương thất hoàn tất, Tộc Trưởng Aparājita đi đến Trưởng lão Sena bạch rằng:
– Bạch Ngài, Hương Thất đã hoàn tất, mong rằng Hương thất sẽ được sử dụng, tôi được nghe rằng: Sẽ có nhiều phước báu khi Hương Thất được sử dụng.
Trưởng lão Sena đi đến yết kiến Đức Đạo Sư bạch rằng:
– Bạch Thế Tôn! Tộc Trưởng Aparājita kiến tạo Hương thất cúng dường đến Đức Thế Tôn và Tăng chúng, giờ đây y mong Ngài sử dụng Hương Thất ấy.
– Đấng Thập Lực Kassapa từ nơi chồ ngồi đứng dậy cùng Tăng chúng đi đến Hương thất, Ngài thấy bảy loại ngọc báu trải chung quanh Hương thất, Ngài đứng lặng yên trước cổng Hương thất. Hiểu ý, Tộc Trưởng bạch với Đức Thế Tôn rằng:
– Bạch Thế Tôn! Việc canh giữ Hương thất ấy là trách nhiệm của con, xin Ngài hãy ngự vào.
Bậc Đạo Sư ngự vào Hương thất ấy, Tộc Trưởng cho người canh giữ chung quanh với lời rằng:
– Các ngươi hãy ngăn cấm những ai lấy (báu vật) với khăn, rổ hay bao… nhưng đừng ngăn cấm những ai dùng tay nắm lấy chút ít. Hãy loan báo khắp kinh thành rằng: “Tộc Trưởng Aparājita cho rải ngọc báu 7 loại chung quanh Hương thất, những kẻ nghèo đến nghe Pháp từ Đức Thế Tôn được phép lấy ngọc với hai nắm tay, người khá giả chỉ nên nhận ngọc bằng một bàn tay thôi”.
Được biết rằng: Y có sự suy nghĩ rằng: “Những người có đức tin muốn nghe Pháp sẽ đi. Riêng những ai chưa có đức tin cũng sẽ đến nghe Pháp vì nhân lợi lộc.
Khi nghe được Pháp bảo rồi cũng sẽ thoát khỏi khổ được”. Do đó, Tộc Trưởng đã thông báo như thế để tế độ những người nghèo khổ.
Đại chúng đến nghe Pháp nơi Đức Thế Tôn và ra về với bàn tay nắm ngọc ấy, số ngọc rải đã hết, Tộc Trưởng lại tiếp tục rải lần nhì cũng ngập đến gối, rồi lần thứ ba cũng thế. Ngoài ra, Tộc Trưởng còn cúng dường viên ngọc Maṇi lớn bằng quả dưa hấu, có màu đỏ rất xinh đẹp, y đặt viên ngọc dưới chân Đức Thế Tôn, vì y suy nghĩ rằng: “Đại chúng mong nhìn viên Bảo ngọc, chắn chắc sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng dung quang của Đức Phật không biết chán”. Và đại chúng nhờ đó mà chiêm ngưỡng Phật Thân rồi phát sinh tịnh tín nơi Ngài cũng có rất nhiều.
Một hôm, có gã Bà la Môn nghèo, y có tâm tà vạy rằng: “Được nghe có Bảo ngọc đỏ Maṇi vô giá của Tộc Trưởng đã cúng dường Đức Phật, đặt dưới chân Ngài. Ta hãy đến đó đánh cắp Bảo ngọc”.
Gã Bà la Môn đi đến Tịnh xá, trà trộn vào với đại chúng, và đảnh lễ Đức Đạo Sư. Thấy được dáng điệu khả nghi của gã Bà la Môn ấy, Tộc Trưởng Aparājita biết rằng: “Gã Bà la môn nầy sẽ đánh cắp Bảo châu thôi! Thật là bất xứng với hành động của y vậy”.
Gã Bà la Môn đi đến đảnh lễ Đức Phật, để tay giống như người đảnh lễ, rồi hạ mình xuống, nhân cơ hội ấy, y cuộn viên Bảo ngọc vào trong tay áo, rồi trốn ra khỏi đại chúng. Tộc Trưởng không hài lòng với hành động xấu xa của gã Bà la Môn ấy, khi dứt Pháp thoại, Aparājita đi đến đảnh lễ Đức Phật bạch rằng:
– Bạch Thế Tôn! Con cho rải ngọc 7 báu ba lần ngập đến gối ở chung quanh Hương thất nầy để cúng dường đến Ngài và Tăng chúng. Khi Đại chúng đến nghe Pháp và nhặt lấy những bảo ngọc ấy, con không hề phiền muộn. Nhưng hôm nay con không hoan hỷ với hành động của gã Bà la Môn khi gã ấy đánh cắp viên Bảo châu Maṇi đỏ.
Nghe Tộc Trưởng trình bày như thế, Đức Thế Tôn phán rằng:
– Nầy thiện gia tử, ngươi không thể tự gìn giữ bảo vật của mình, để khỏi bị người khác đánh cắp hay sao?
Ngài gợi ý cho Tộc Trưởng như thế, Tộc Trưởng Aparājita hiểu ý liền phát nguyện rằng:
– Bạch Thế Tôn! Từ nay trở đi dù cho cả trăm cả ngàn hay trăm ngàn người như Đức vua hay bọn cướp đi nữa, cũng không thể nào uy hiếp cướp đoạt của con được dù chỉ là sợi chỉ trong tay áo hay của chiếc khăn choàng, nếu như không có sự đồng ý của con. Ngay cả lửa cũng không đốt được tài sản ấy, nước cũng không thể cuốn trôi được tài sản ấy.
Đức Thế Tôn tùy hỷ rằng: “Sự ước nguyện của ngươi được thành tựu như vậy đi”.
Vào ngày khánh thành Hương thất, Tộc Trưởng đã cúng dường đại thí đến 680 ngàn vị Tỳ khưu trọn 9 tháng, cuối cùng vào ngày sau chót, y đã dâng Tam y đến mỗi vị Tỳ khưu, y ấy bằng vải Saṭāka có giá trị là 1.000 đồng vàng.
Tộc Trưởng Aparājita tạo thiện hạnh như thế cho đến khi mệnh chung, thọ sanh về thiên giới, luân chuyển trong hai cõi nhân thiên suốt thời gian một vị Phật.
Vào thời hiện tại, từ Thiên cung vị Thiên tử ấy hạ sanh vào thai bào của một Đại Gia Tộc (Mahāsāla) Trưởng giả trong thành Rājagaha, vị ấy ở trong thai bào chín tháng rưỡi. Vào ngày hạ sanh đồng tử ấy, tất cả kinh thành đều rực sáng, những vật trang sức chiếu ngời như đang hiển lộ hào quang, toàn kinh thành đã chói rực đồng loạt như vậy. Từ ban sáng Trưởng giả là thân phụ của Đồng tử ra đi vào hoàng cung để yết kiến Đức vua Bimbisāra. Thấy hiện tượng kỳ lạ xảy ra trong kinh thành, Đức
vua phán hỏi các đại thần rằng:
– Nầy chư khanh, vì sao hôm nay tất cả vũ khí, luôn cả những vật trang điểm, ngay cả kinh thành cũng sáng rực lên như thế? Các khanh có biết là do nhân chi chăng?
Trưởng giả tâu rằng:
– Tâu Đại Vương! Thần biết.
– Nầy Trưởng giả! Chẳng hay do nhân chi thế?
– Tâu Bệ Hạ! Đó là do nô lệ của Ngài vừa chào đời. Sự rực sáng ấy là do năng lực phước báu của hài tử là con của hạ thần.
– Nầy khanh! Nó sẽ trở thành giặc cướp hay sao?
– Tâu Đại vương! Không phải như thế đâu, đó là hiện tượng của bậc đại phúc nên đã khiến xảy ra điều hào quang rực rỡ như thế.
Nghe vậy, Đức vua Bimbisāra vô cùng hoan hỷ, ban cho đồng tử ấy mỗi ngày một ngàn đồng và phán rằng:
– Nếu như thế, nầy khanh! Khanh hãy nuôi dưỡng hài tử ấy cho chu đáo.
Đây là tiền sữa của nó đấy. Vào ngày lễ đặt tên, đại chúng đã đặt cho hài tử tên là Jotika (Quang Minh) vì đã khiến cho kinh thành rực sáng đồng loạt.
Công tử Jotika khi trưởng thành, được 16 tuổi, chàng muốn kiến tạo cho mình tòa lâu đài, khi chọn được khoảng đất vừa ý, công tử Jotika gọi thợ đến kiến tạo cho mình tòa lâu đài.
Khi ấy, nơi Đạo Lợi Thiên Cung, chiếc ngai vàng Paṇḍukambala của Đức Thiên Vương Đế Thích chợt nóng rang. Thiên chúa quán sát rằng: “Đây là do nhân chi thế?”. Ngài biết rằng: Công tử Jotika đang muốn xây dựng lâu đài cho mình. Ngài suy nghĩ: “Công Tử Jotika là bậc đại phước, không thể ở trong lâu đài do người kiến tạo được. Vậy ta phải giúp đỡ cho chàng”. Ngài sai vị Thiên Thần kiến trúc giúp cho Jotika, đích thân Ngài đi xuống nhân giới, hóa thân thành người thợ mộc kỳ tài, đi đến nơi toan xây dựng lâu đài, hỏi đại chúng rằng:
– Các ngươi đang làm chi đó?
– Chúng tôi đang dọn đất cho bằng phẳng để kiến tạo lâu đài cho công tử Jotika.
– Các ngươi hãy tránh ra đi, công tử Jotika không thể nào ngụ được trong tòa lâu đài do các người kiến tạo đâu.
Rồi Thiên Vương đưa mắt nhìn khoảng đất rộng 16 mẩu, lập tức nơi ấy trở nên bằng phẳng như vòng Kasiṇa. Thiên Vương lại chú nguyện rằng: “Lâu đài bảy tầng bằng 7 loại bảo ngọc hãy hiện khởi nơi nầy”, ngay lập tức, tòa thiên lâu bảy tầng liền xuất hiện. Rồi Ngài chú nguyện tiếp: “7 vòng rào bằng bảy loại báu vật hãy hiện khởi quanh lâu đài” và bảy hàng rào đã xuất hiện. Ngài lại nguyện tiếp: “Bốn Như ý thọ hãy mọc lên ở bốn góc lâu đài đi. Hãy xuất hiện bốn hầm báu vật” và lập tức bốn hầm báu vật cùng với bốn Như ý thọ hiện ra.
Trong bốn hầm báu vật ấy, một hầm rộng 1 do tuần, một hầm rộng 3 gāvuta, một hầm rộng nửa do tuần và một hầm rộng 1 gāvuta. Nơi bảy cánh cửa của 7 vòng rào có 7 vị chúa Dạ Xoa canh giữ lâu đài.
Cửa thứ nhất là chúa Dạ Xoa Yamamolī, cửa thứ hai là Chúa Dạ Xoa Uppala, cửa thứ ba là Dạ Xoa chúa Vajira, cửa thứ tư là Dạ Xoa chúa Vajirabaha, cửa thứ năm là Dạ Xoa chúa Sakaṭa, cửa thứ sáu là Dạ Xoa chúa Sakatattha, cửa thứ bảy là Dạ Xoa chúa Disāmukka. Cửa thứ nhất có 1000 dạ xoa tùy tùng, cửa thứ hai là 2000 dạ xoa tùy tùng, cửa thứ ba là 3000, cửa thứ tư là 4000, cửa thứ năm là 5000, cửa thứ sáu là 6000 và cửa thứ bảy là bảy nàng dạ xoa tùy tùng. Bên trong lẫn bên ngoài đều có sự canh phòng, giữ gìn nghiêm mật như thế. Đức vua Bimbisāra được tin rằng: “Lâu đài bằng 7 loại ngọc báu, cao 7 tầng xuất hiện cho công tử Jotika, cùng với bốn hầm châu báu và bốn Như ý Thọ”.
Ngài vô cùng hoan hỷ, ban chức vị Trưởng giả cho công tử Jotika. Và chư thiên phải mang một người nữ tuyệt sắc hữu phước từ xứ Bắc Câu Lưu Châu đến tòa lâu đài ấy để kết duyên cùng với Trưởng giả Jotika. Nữ nhân xinh đẹp ấy khi về nhà chồng có mang theo ba bảo vật là ba tảng đá lửa, khi cần nấu vật thực thì lửa tự nhiên phát ra, khi vật thực chín thì tự nhiên lửa tắt đi, ngay cả nấu những loại vật thực khác cũng như thế.
Còn về đấu gạo thì cả hai người chỉ dùng loại gạo từ đấu ấy và gạo ấy không bao giờ vơi, dù rằng sống trọn kiếp trái đất cũng không hề hấn chi cả.
Được nghe lại rằng: Khi những người ấy muốn có gạo khoảng 1000 xe bò, lập tức gạo từ đấu ấy tuôn ra, đầy tràn cả ngàn cỗ xe bò, nhưng gạo trong đấu ấy chẳng hề vơi đi một hột. Lại nữa, người trong tòa lâu đài ấy không sống với với ánh sáng của lửa mà chỉ sống bằng ánh sáng phát ra từ bảo châu Maṇi.
Khi tài sản thù diệu tối thắng của Trưởng gia lan truyền khắp cõi Diêm Phù như thế, đại chúng từ muôn phương kéo về kinh thành Rājagaha để chiêm ngưỡng kỳ quan đặc biệt ấy. Bấy giờ, Trưởng giả Jotika lấy gạo từ đấu ấy lên cho đại chúng dùng, và bảo rằng: “Quí vị hãy nhận vải cùng với vật trang sức từ nơi cây Như Ý đi”.
Sau đó, Trưởng giả lại khai mở một hầm châu báu nhỏ nhất là 1 gāvuta, nói rằng:
– Các vị hãy nhận lấy tài sản đi, muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Khi toàn dân trong cõi Diêm Phù nhận lấy tài sản từ lâu đài của Jotika, ở nơi hầm châu báu ấy. Sự vơi đi tài sản châu báu từ hầm ấy, dù chỉ là một lóng tay cũng không hề có. Đây là quả phước của việc rải ngọc 7 báu quanh Hương thất.
Đại chúng lấy vải, trang sức cùng với những loại châu báu tài sản theo ý thích rồi ra đi. Tiếng tán thán về tài sản của Jotika lan đến tai Đức vua Bimbisāra, Ngài muốn ngự lãm đến lâu đài của Jotika, nhưng không thể đến được vì đại chúng quá đông. Về sau, khi đại chúng thưa dần rồi, Đức vua Bimbiasāra phán với thân phụ của Trưởng giả Jotika rằng:
– Nầy khanh! Trẫm muốn ngự đến lâu đài bảy báu của Jotika.
– Tâu Đại vương! Lành thay.
Trưởng giả về bảo với con rằng:
– Nầy con! Đức vua muốn ngự đến lâu đài của con đấy.
– Thưa vâng! Thưa cha, cha hãy thỉnh Đức vua ngự đến đi.
Đức vua cùng với đoàn tùy tùng ngự đến toà lâu đài, khi ấy nàng tỳ nữ quét rác trước cổng lâu đài, nơi cánh cửa thứ nhất, nàng cung kính chào Đức vua khi thấy Ngài ngự đến, đưa tay cho Đức vua nắm lấy. Đức vua e ngại, vì ngỡ rằng là Trưởng giả phu nhân. Ngài không dám nắm tay nàng nữ tỳ ấy. Trưởng giả đi đến tiếp kiến Đức vua, tâu rằng:
– Tâu Đại Vương! Xin thỉnh Ngài hãy ngự đi.
Nền lâu đài bằng ngọc Mani trắng trong, Đức vua không thể phân biệt được, nhìn thấy như có những hố sâu khoảng trăm người chồng lên cũng chưa chạm đáy.
Đức vua khởi lên ý nghĩ rằng: “Chẳng lẽ Jotika đào hố để ám hại ta?” nên Ngài không dám ngự đi vào, hiểu ý vua, Trưởng giả Jotika tâu rằng:
– Tâu Bệ hạ! Đây không phải là hố sâu đâu, xin Bệ hạ hãy theo chân hạ thần.
Đức vua theo chân Trưởng giả Jotika, quan sát từ lầu một cho đến lầu bảy. Trong khi ngắm nhìn tòa lâu đài, Hoàng tử Ajātasattu đã khởi lên tư tưởng rằng: “Phụ vương ta thật là ngu xuẩn, gia chủ nầy sống trong tòa lâu đài bằng ngọc bảy báu. Phụ vương ta là vua mà lại sống trong hoàng cung bằng gỗ. Khi ta làm Hoàng đế ta sẽ chiếm đoạt tòa lâu đài nầy ngay… ta sẽ không cho gia chủ nầy sống trong nơi nầy nữa”.
Khi Đức vua cùng với tùy tùng lên đến lầu bảy thì đến giờ thọ thực buổi sáng, Đức vua phán bảo với Trưởng giả Jotika rằng:
– Nầy khanh! Chúng ta sẽ thọ thực tại nơi nầy.
– Tâu Đại vương! Thần đã cho chuẩn bị sẵn sàng rồi.
Trưởng giả Jotika thỉnh Đức vua tắm rửa trước khi độ vật thực. Đức vua tắm bằng nước hoa đựng trong 16 chậu vàng, khi tắm xong Ngài ngự trên sàng tọa được trang hoàng lộng lẫy, bên trên được che bằng chiếc lọng trắng chia tầng bằng ngọc Maṇi trắng của Trưởng giả Jotika.
Gia nhân mang nước rửa tay đến dâng Đức vua, rồi dâng cơm đề hồ đựng trong mâm vàng có giá trị là trăm ngàn đồng vàng, mâm cơm đầy vật thực thượng vị đặt trước mặt Đức vua. Khi Đức vua toan dùng cơm ấy thì Trưởng giả ngăn lại rằng:
– Tâu Đại Vương! Hãy đợi, vì đây chỉ là loại cơm đề hồ thôi.
Rồi gia nhân lại dâng những loại vật thực phụ tùng dùng chung với cơm đề hồ lên. Đức vua dùng vật thực rất nhiều, nhưng không hề thấy thỏa mãn. Thấy như thế, Trưởng giả Jotika thưa rằng:
– Tâu Bệ hạ! Thôi vừa đủ rồi, Ngài chớ nên dùng quá hạn lượng như thế.
– Nầy Jotika! Khanh lo ngại mình sẽ vơi hết vật thực sao?
– Tâu Đại vương! Chẳng phải như thế đâu. Lượng vật thực như thế nầy vẫn đủ dùng cho tất cả quan quân trong triều cả tháng, thần chỉ e ngại mình mang tai tiếng mà thôi.
– Vì sao khanh lại mang tai tiếng?
– Tâu Bệ hạ, nếu như Bệ hạ không kềm chế, thì Bệ hạ sẽ bội thực. Và thần sợ tiếng đồn rằng: “Hôm qua Đức vua ngự đến lâu đài của Trưởng giả Jotika, chẳng biết Jotika đã dùng loại vật thực gì để tiếp đãi nhà vua, khiến cho nhà vua phải lâm bịnh như thế ấy”.
– Nếu thế thì, khanh hãy mang vật thực nầy đi đi. Và đoàn tùy tùng của Đức vua đã dùng loại vật thực như thế vẫn không thể nào làm cho hết được vật thực ấy.
Sau khi thọ thực xong, Đức vua Bimbisāra ngồi bàn bạc về sự an lạc với Trưởng giả Jotika, Ngài hỏi rằng:
– Nầy Jotika khanh! Chẳng hay phu nhân của khanh ở đâu? Nàng không có ở trong lâu đài nầy sao?
– Tâu Bệ hạ, có ạ.
– Vậy nàng ở đâu?
– Nàng luôn ở trong phòng khánh tiết, nên không hay Bệ hạ ngự đến nơi nầy.
Thật vậy, nàng kiều nữ của Bắc Câu Lưu Châu ấy, tuy Đức vua ngự đến tòa lâu đài từ sáng đến trưa như vậy, nhưng nàng ta chẳng hề hay biết chi cả. Biết rằng: Đức vua muốn biết mặt vợ mình, Trưởng giả Jotika đi vào phòng loan nói với nàng ấy rằng:
– Nầy em thân yêu! Đức vua ngự đến lâu đài cùa chúng ta, chẳng lẽ em không ra diện kiến với Ngài hay sao?
– Nầy anh thân yêu, Đức vua ấy là thế nào?
– Nầy em, đó là vị lãnh tụ quân của xứ Magadha nầy, là chúa của chúng ta đấy.
Nghe vậy, nàng cau mày lại, lộ vẽ phiền muộn rằng:
– Than ôi! Chúng ta còn có người làm chủ, thế thì việc phước của chúng ta làm khi trước không đủ đức tin trong sạch, nên tài sản nầy phát sanh lên lại có người lớn hơn ta nữa. Chắc chắn sự thí của chúng ta đã thiếu đức tin, nên quả thí mới như thế.
Nầy anh, bây giờ đây em phải làm thế nào?
– Em hãy cầm quạt ra hầu Đức vua đi.
Và vợ Trưởng giả đến quạt hầu Đức vua, trong lúc quạt, màu sắc rực rỡ của chiếc khăn quàng cùng với mùi mồ hôi của Đức vua xông lên mắt và mũi nàng, khiến nàng chảy nước mắt. Thấy vậy, Đức vua Bimbisāra phán với Trưởng giả Jotika rằng:
– Nầy Trưởng giả! Thường nữ nhân là người kém hiểu biết, có lẽ nàng khóc vì sợ rằng: Đức vua sẽ chiếm đoạt tài sản của chồng mình chăng? Khanh hãy làm cho nàng yên lòng đi, Trẫm không chiếm đoạt tài sản của khanh đâu.
– Tâu Đại vương! Chẳng phải nàng khóc đâu.
– Nếu thế thì vì sao vậy?
– Nàng tuôn nước mắt vì màu sắc rực rỡ của chiếc khăn vấn đầu của Đại Vương, cùng với mùi hơi từ ánh sáng của lửa. Vì rằng: Tâu Đại vương, vợ của thần từ trước đến giờ chưa bao giờ quen với loại ánh sáng từ lửa, nàng quen sống với ánh sáng của ngọc Maṇi. Còn Bệ hạ thì quen với ánh sáng từ nơi lửa.
– Thật như vậy ư, nầy Trưởng giả.
– Tâu Đại vương! Từ nay trở đi Ngài hãy sống với ánh sáng của bảo Ngọc Maṇi đi.
Trưởng giả Jotika dâng Đức vua Bimbisāra viên bảo châu lớn bằng quả dưa hấu.
Đức vua ngự lãm tài sản của Jotika xong rồi, Ngài phán rằng:
– Tài sản của Jotika quả thật vĩ đại.
Rồi Ngài cùng với đoàn tùy tùng trở về hoàng cung.
Vào thời ấy, Hoàng tử Ajātasattu giao du với Tỳ khưu Devadatta, sát hại cha mình là Đức vua Bimbisāra, để ngự trị trên chiếc ngai vàng, là vị lãnh tụ quân của xứ Magadha. Khi ấy vua Ajātasattu suy nghĩ rằng:
– Ta sẽ chiếm lấy lâu đài của Trưởng giả Jotika.
Đức vua kéo đại binh hùng mạnh, đầy dũng tướng đến tòa lâu đài của Jotika, toan chiếm đoạt lấy tòa Bảo ngọc báu bảy tầng ấy, nhưng khi đến nơi, nhìn thấy bóng dáng binh lính (của chính mình) thấp thoáng qua tường ngọc bích, pha lê. Vua Ajātasattu ngỡ rằng: “Trưởng giả Jotika đã chuẩn bị quân lính để giao tranh cùng với ta”.
Đức vua chợt chùn quân, không dám ngang nhiên kéo đại binh xông vào tòa lâu đài. Hôm ấy lại nhằm ngày Uposatha, nên Trưởng giả đi đến Tịnh xá Veḷuvana để hầu Phật và nghe Pháp tại nơi ấy.
Dạ xoa Yamamolī canh giữ cổng thứ nhất thấy Đức vua kéo đến, liền hiện ra hỏi rằng:
– Ngài đi đâu thế?
Rồi Dạ xoa dùng thần lực của mình xua đuổi Đức vua cùng quân binh tùy tùng chạy tán loạn khắp nơi. Đức vua thua trận, căm tức nghĩ thầm rằng:
– Ta sẽ đến Tịnh xá tìm cho được thầy của Jotika.
Đức vua Ajātasattu tìm đến Tịnh xá, gặp phải Trưởng giả Jotika đang ngồi nghe Pháp, thấy Đức vua, Trưởng giả hỏi rằng:
– Tâu Đại vương! Có chuyện chi thế?
– Nầy gia chủ! Có phải khanh cho người chống lại ta, còn riêng khanh thì đến đây giả vờ ngồi nghe pháp chăng?
– Có phải Bệ hạ toan xua quân tiến chiếm lâu đài của tôi chăng?
– Nầy khanh, sự thật là như vậy.
– Tâu Đại vương! Nếu thần chưa đồng ý cho thì dù cho cả trăm, cả ngàn, cả trăm ngàn vị vua như Đại vương cũng không thể nào chiếm được tòa lâu đài ấy đâu. Tài sản của hạ thần chẳng bao giờ bị ai chiếm đoạt được cho dù đó chỉ là một sợi chỉ nhỏ của khăn choàng.
Đức vua Ajātasattu nổi giận rằng:
– Khanh có phải là Đức vua chăng? Tại sao khanh dám nói như thế.
– Hạ thần không phải là vua, nhưng khi thần chưa đồng ý thì chẳng một ai có thể chiếm được tài sản của thần.
– Nầy khanh! Làm thế nào chứng minh được lời khanh nói là sự thật chứ?
– Tâu Đại vương! Đây là 10 chiếc nhẫn trên tay hạ thần, ở chân cũng có 10 chiếc, tổng cộng là hai mươi chiếc. Thần không dâng cho Đại vương, Đại vương làm thế nào lấy được đi.
Đức vua Ajātasattu là người có nhiều sức mạnh, khi ngồi thì nhảy cao được 10 hắc tay, khi đứng có thể nhảy xa được 80 hắc tay. Nhưng dù Đức vua có dùng đủ mọi cách cũng không thể nào tháo chiếc nhẫn ra khỏi tay Trưởng giả Jotika được. Trưởng giả Jotika tâu với Đức vua rằng:
– Tâu Đại vương! Xin Ngài hãy trải vải Sāṭaka ra đi.
Rồi Trưởng giả duỗi thẳng các ngón tay ra, cả 20 chiếc nhẫn rơi trên tấm vải Sāṭaka dễ dàng. Trưởng giả tâu rằng:
– Tâu Đại vương! Chẳng có một ai có thể chiếm đoạt được tài sản của thần, nếu như thần không đồng ý.
Rồi Trưởng giả suy xét hành động của vua Ajātasattu, Ngài chợt động tâm, do thấy Đức Vua tạo ác nghiệp cũng chỉ vì tài sản mà ra, nên tâu với Đức vua rằng:
– Tâu Đại vương! Xin Ngài cho phép thần được xuất gia đi.
Đức vua Ajātasattu nghĩ thầm rằng:
– Khi Trưởng giả xuất gia rồi, ta sẽ có được cơ hội chiếm tồn lâu đài ấy.
Nên Đức vua phán rằng:
– Nầy khanh Jotika! Khanh hãy xuất gia đi.
Được phép của Đức vua, Trưởng giả Jotika xuất gia với Đức Thế Tôn, chẳng bao lâu Ngài chứng đạt A La Hán Quả, và được gọi là Trưởng lão Jotika.
Khi Ngài thành bậc Vô Lậu rồi, ngay khi ấy mọi tài sản của Ngài biến mất, chư thiên thỉnh nàng kiều nữ trở về Bắc Cưu Lưu Châu, nàng có tên là Satulakāya.
Một hôm, chư Tỳ khưu cùng nhau bàn luận nơi Giảng đường, hỏi:
– Nầy hiền giả Jotika! Hiền giả có còn quyến luyến lâu đài hay người nữ báu vợ mình chăng?
– Thưa chư Hiền! Tôi không còn lưu luyến chi những vật ấy.
Chư Tỳ khưu cho rằng Trưởng lão nói lời không thật, khoe Pháp Thượng nhân, nên đem câu chuyện ấy trình lên Đức Thế Tôn, Ngài dạy rằng:
– Nầy chư Tỳ khưu! Con Như Lai không còn luyến ái tòa lâu đài hay người vợ mình nữa.
Rồi Ngài tuyên thuyết lên kệ ngôn rằng: “Ai ở đời đoạn ái. Bỏ nhà sống xuất gia. Ái hữu được đoạn tận. Ta gọi Bà-lamôn”.
Dứt thời Pháp, nhiều chúng sanh chứng đạt Thánh Quả như là Dự Lưu…
Dịch Giả Cẩn Đề
Hưởng đầy phước báu của nhân thiên,
Kiếp chót, phát quang đủ thiện duyên,
Theo Phật thành Tỳ khưu lậu tận,
Bỏ nhà bảy báu, mặc vua chuyên,
Tăng nghi sư vẫn tiếc vợ nhà,
Phật dạy: Người trừ ái xuất gia,
Diệt hữu, không luân hồi cõi thế,
Đó Phật Bà la môn của ta.
DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO JOTIKA
Nguồn : Source link
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 46