Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV

Phẩm Bà La Môn: Tích Trưởng Lão Sīvali

“Yo imaṃ paḷipathaṃ duggaṃ saṃsāraṃ
Moham accagā tiṇṇo pāragato
Jhāyī anejo akathaṃkathī anupādāya
Nibbuto tamahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ”.

“Vượt đường nguy hiểm nầy.
Nhiếp phục luân hồi si
Không dục ái không nghi
Không chấp trước tịch tịnh
Ta gọi Bà-la-môn”.

Đức Thế Tôn trú tại Kuṇḍikoliya, ngự tại rừng Kuṇḍadhāna, đề cập đến Trưởng lão Sīvali, Ngài tuyên thuyết pháp thoại nầy.

Tương truyền rằng: Nàng Suppavāsā là con gái dòng Sát Đế Lỵ Koliya, nàng mang thai nhi đến 7 năm, 7 tháng và 7 ngày, lúc gần sanh nở nàng chịu thống khổ vô cùng. Nàng Suppavāsā nhẫn nại với sự thống khổ do suy niệm ba điều là:

1- Đức Thế Tôn thuyết pháp để đoạn trừ khổ của sắc nầy, Ngài là bậc tự giác viên mãn.
2- Tăng chúng là người thực hành để đoạn trừ khổ của sắc nầy, các vị ấy đã thực hành rồi.
3- Khổ như thế nầy chẳng có trong Níp Bàn, Níp Bàn là nơi an lạc tuyệt đối.

Nàng bảo chồng rằng:
– Hãy đến đảnh lễ Bậc Đạo Sư, đảnh lễ Ngài rồi nhân danh em rằng:
“Bạch Thế Tôn, nàng Suppavāsā đảnh lễ Đức Thế Tôn, nàng đang thọ khổ, mong an lạc sẽ đến với nàng”.

Chồng nàng Suppavāsā làm theo lời dặn của vợ, Bậc Đạo Sư phán dạy rằng:

– Xin cho nàng Suppavāsā, con gái dòng Koliya được sự an lạc vô bịnh, hạ sanh hài nhi được an toàn.

Do nhờ oai lực của Phật Bảo, nàng Suppavāsā hạ sanh hài nhi an toàn, mọi thống khổ tiêu tan. Vô cùng hoan hỷ, nàng Suppavāsā cung thỉnh Đức Phật và Chư Tăng thọ thực nơi tư dinh của nàng trọn 7 ngày.

Công tử Sīvali cũng dùng ống lọc nước, lọc lấy nước dâng cúng đến chư Tăng. Chán nản với thế tục quá nhiều khổ não, khi Công tử Sīvali nhớ lại nơi thai bào mà mình chịu khổ, công tử xin cha mẹ cho mình được xuất gia. Và Ngài chứng A La Hán khi vừa cạo tóc xong. Một hôm, chư Tỳ khưu ngồi lại bàn luận với nhau trong giảng đường rằng:

– Nầy chư Hiền, các vị hãy xem, vị Tỳ khưu đầy đủ duyên lành A La Hán như thế, mà phải chịu khổ trong bụng mẹ suốt 7 năm 7 tháng 7 ngày thì còn nói chi đến người khác. Giờ đây khổ ấy vị Tỳ khưu đã đoạn tận rồi.
Bậc Đạo Sư ngự đến phán hỏi rằng:

– Nầy chư Tỳ khưu, các ngươi đang bàn luận về vấn đề gì thế?

Chư Tỳ khưu bạch lên Thế Tôn câu chuyện bàn luận.

– Nầy chư Tỳ khưu, đúng thật vậy, con Như Lai đã thoát khỏi mọi đau khổ ấy, bây giờ đã Níp Bàn rồi.

Ngài tuyên thuyết lên kệ ngôn rằng: “Vượt đường nguy hiểm nầy. Nhiếp phục luân hồi si. Đến bờ kia thiền định.

Không dục ái không nghi. Không chấp trước tịch tịnh. Ta gọi Bà-la-môn”.

CHÚ GIẢI:
Nên hiểu ý nghĩa của kệ ngôn như vầy: Vị Tỳ khưu đã vượt qua đường vòng tức là ái dục, vượt qua hầm là phiền não, vượt qua luân hồi là si, đã chứng đạt Tứ Đế. Là người vượt khỏi Tứ bộc, đi đến bờ kia an tịnh theo tuần tự, tịch tịnh với hai loại thiền định.
Gọi là vô phiền não rúng động vì không còn ái dục. Gọi là không còn hoài nghi để nói lên vì không còn gì phải nói nữa. Gọi là vô thủ vì không còn chấp. Gọi là dập tắt vì đã đoạn tận phiền não, Như Lai gọi là Bà la môn.

Dịch Giả Cẩn Đề
Nằm trong bụng mẹ bảy năm hơn,
Minh sát khổ sầu, thấu lý chơn,
Tuổi trẻ xuất gia nên thánh quả,
Khỏi vòng sanh tử của phàm nhơn,
Đã đến bờ kia, chứng Niết Bàn,
Không còn nghi, vọng, chủ tâm an,
Trú trong thiền định, không tham ái,
Phật gọi Bà la môn vẹn toàn.
DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO SĪVALI



Nguồn : Source link

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 37

Post Views: 430