Citta ( Tâm) – 1 trong những nam cư sĩ trí tuệ bậc nhất của Đức Phật
Citta ( Tâm) – 1 trong những nam cư sĩ trí tuệ bậc nhất của Đức Phật
Mọi người thường nhầm tưởng rằng công việc của những Tăng Ni là thực hành và giảng dạy Giáo Pháp, trong khi đó, phần việc của các nam nữ cư sĩ là thực tập năm giới và hỗ trợ, chu cấp những gì thiết yếu cho hàng Tăng Ni. Đây là một niềm tin thiếu chính xác và thật sự nguy hiểm. Điều đó đã dẫn đến sự sai lạc về Giáo Pháp ở những quốc gia, mà niềm tin trên được phổ biến và chấp nhận rộng rãi. Mục tiêu của Đức Phật là phát triển một hội chúng đệ tử gồm xuất gia và tại gia, nam cùng với nữ, những người đã được học tập Giáo Pháp tường tận, thực hành Giáo Pháp trọn vẹn cũng như là biết chia sẻ và học hỏi Giáo Pháp lẫn nhau.1 Trong khi Đức Phật ca ngợi Anathapindika (Cấp-Cô-Độc), vì sự bố thí rộng khắp của ông, thì Ngài đã dành riêng lời khen ngợi cao nhất cho Citta của Macchikasanda và Hatthaka của Alavi bởi vì cả hai đều đã khéo léo và không ngừng bố thí một thứ quý giá hơn những thứ vật chất rất nhiều -đó chính là Giáo Pháp.2
Citta là mẫu người Phật tử mà sự hiểu biết và cách hành xử của ông, đã được Đức Phật thường khuyên mọi người nên noi theo. Vào một dịp, Đức Phật đã dạy các Thầy Tỳ Khưu rằng:
“Nếu một người mẹ tận tụy muốn khuyến khích người con trai yêu dấu duy nhất của mình một cách thích hợp, thì cô ấy nên nói với anh ta rằng: “Con hãy cố gắng trở thành như nam cư sĩ Citta và nam cư sĩ Hatthaka của Alavi.””3
Citta là một thương gia giàu có và là một địa chủ ở thị trấn Macchikasanda, không xa Savatthi. Bài Pháp đầu tiên mà ông được nghe dường như là từ Thầy Mahanama. Sau bài Pháp, ông đã dâng cúng đến Tăng chúng một khu vườn, mà trên đó ông cho xây dựng một tịnh xá vô cùng rộng lớn. Về sau, bất kỳ vị Tăng Ni nào du hóa đến Macchikasanda, đều luôn được đón chào nồng nhiệt và nhận được sự hỗ trợ đầy đủ. Đức Phật xem Citta là người hiểu biết và sáng suốt nhất trong hội chúng giáo thọ cư sĩ. Sau khi thọ lãnh Giáo Pháp, ông đã giảng giải lại cho những người trong thị trấn và hướng dẫn được năm trăm người trong số họ phát tâm vào đạo. Nhân một dịp, ông đã đưa tất cả những người mới đó đến Savatthi để gặp Đức Phật. Các bài kinh trong Tipitaka được giảng, và bởi Citta đã cho thấy sự thông hiểu sâu sắc của ông về các khía cạnh tinh tế nhất của Pháp, và thực sự về sau ông đã đạt được thánh quả Bất Lai.
Có một lần, khi một nhóm các Thầy đang ngồi thảo luận về Pháp tại một gian nhà trong tịnh xá mà Citta đã xây dựng. Một số Thầy cho rằng chính các đối tượng của tri giác (Sáu Trần) trói buộc tâm trí, trong khi những thầy khác lại nghĩ rằng các căn (Sáu Căn) mới chính là nguyên nhân của các vấn đề. Citta đi đến tu viện, và khi nhìn thấy các Thầy, ông hỏi họ đang thảo luận điều gì, và các Thầy đã kể lại cho ông. Khi đó Citta đã nói rằng:
“Bạch chư Đại Đức, hai thứ: các căn và các trần, là khác nhau. Con sẽ dùng một sự so sánh để các Thầy có thể hiểu ý của con. Giả sử một con bò đen và một con bò trắng được buộc lại với nhau bằng một cái ách hoặc sợi dây thừng. Bấy giờ liệu có đúng không nếu nói rằng con bò đen là sự ràng buộc của con bò trắng hoặc con bò trắng ràng buộc con bò đen?”
“Hẳn là không”, các Thầy trả lời. “Con bò đen không phải là xiềng xích trói buộc con bò trắng và con bò trắng cũng không phải là sự trói buộc của con bò đen. Cả hai đều bị trói buộc bởi cái ách hay sợi dây thừng.”
Citta đồng ý và nói: “Vâng, thưa các Đại Đức, cũng như thế, mắt không phải là gông cùm của các đối tượng thị giác và các đối tượng thị giác cũng không phải là gông cùm trói buộc mắt. Mà đúng hơn, chính dục nảy sinh từ sự tiếp xúc của cả hai mới là sự trói buộc. Và cũng tương tự như vậy với các căn (giác quan) và các đối tượng của chúng.”
Các Thầy đã rất hài lòng với sự giải thích và trả lời câu hỏi một cách sáng suốt và dễ hiểu của cư sĩ Citta.4
Vào một dịp khác, Thầy Kamabhu bị lúng túng bởi một trong những lời dạy của Đức Phật, đã đem hỏi Citta rằng liệu ông có thể giải thích ý nghĩa của nó không. Lời dạy đó là:
“Bộ phận được tinh thuần,
Mái trần che màu trắng,
Chỉ có một bánh xe,
Cỗ xe liên tục chạy.
Hãy xem vị đang đến,
Không vi phạm lỗi lầm,
Chặt đứt được dòng nước,
Không còn bị trói buộc.”
Từ cái thấy sâu sắc của mình, Citta đã giải thích bài kệ trên một cách chi tiết. Ông nói: “Bộ phận được tinh thuần” có nghĩa là giới hạnh, “mái trần che màu trắng” là sự giải thoát, “chỉ có một bánh xe” là chánh niệm, “liên tục chạy” là đến và đi. “Cổ xe” có nghĩa là thân thể, “vị đang đến” là người chứng ngộ, “dòng nước” là sự khát ái, “không vi phạm lỗi lầm”, “người chặt đứt được dòng nước” và “không còn bị trói buộc” nghĩa là người đã đoạn tận tất cả lậu hoặc.” Khả năng diễn giải những Giáo Pháp sâu sắc từ một bài kệ, mà thoạt nhìn dường như chỉ là một bài kệ với những từ ngữ đẹp của Citta, đã làm Thầy Kamabhu ngạc nhiên và hoan hỷ.5
Nhưng Citta không những chỉ có thể giảng dạy Giáo Pháp, mà ông còn có thể chứng tỏ sự vượt trội của nó so với các giáo lý khác. Một lần, Nigantha Nataputta, người sáng lập của Jaina giáo (Kỳ-Na-Giáo) và là một trong những vị Thầy tâm linh nổi tiếng nhất thời bấy giờ, đã đến Macchikasanda cùng với hội chúng đông đúc các đệ tử của mình. Khi Citta đi gặp Nataputta, vị Đạo sư ấy biết rằng Citta là đệ tử của Phật nên đã hỏi ông rằng:
“Ông có tin lời Đức Phật dạy rằng: Trạng thái thiền định mà mọi ý nghĩ đều dừng lại là có thể chứng đạt được?”
“Không”, Citta đã trả lời, “Đức Phật có dạy điều này nhưng tôi không tin vào nó.”
Ngạc nhiên và hài lòng khi thấy Citta dường như đang nói rằng ông nghi ngờ một số lời dạy của Đức Phật, Nataputta nhìn quanh tất cả các đệ tử của mình và nói:
“Hãy xem Citta thật là một người chính trực và thông tuệ. Bất cứ ai tin vào một trạng thái thiền định, trạng thái mà mọi suy nghĩ đều dừng lại tức là tin rằng có thể bắt trọn được tâm với một cái lưới hoặc là dùng tay chặn đứng dòng chảy của sông Hằng.”
Khi ông kết thúc, Cư sĩ Citta đã hỏi: “Điều gì tốt hơn, thưa tôn giả, là trí hay lòng tin?”
“Trí thù thắng hơn nhiều so với niềm tin”
Nataputta trả lời: “Vâng, tôi có thể đạt được trạng thái thiền định mà ở đó mọi ý nghĩ đều chấm dứt. Vậy thì tại sao tôi còn cần phải tin điều Phật nói là sự thật. Tự tôi đã biết nó là sự thật.”
Bực mình vì bị mất mặt, Nataputta một lần nữa nhìn quanh các đệ tử của mình và nói: “Hãy xem Citta này thật là một kẻ xảo quyệt, lừa lọc và không chân thật.”
Vẫn giữ vẻ bình tĩnh và thản nhiên trước cơn giận dữ, Citta nói: “Nếu lời nói đầu tiên của Tôn giả là đúng, thời lời tuyên bố thứ hai sẽ là sai, và nếu lời nói thứ hai của Tôn giả là đúng thời tuyên bố đầu tiên sẽ là sai lầm.” Nói xong, Citta đứng dậy và rời đi trong khi Nataputta khó khăn cố tìm cách trả lời.6
Về lúc cuối đời, Citta bị ốm nặng và gia đình ông biết chắc rằng ông không còn sống bao lâu nữa. Khi nằm trên giường bệnh của mình, chư thiên đã tụ hội lại quanh ông và khuyên ông nên hướng tâm mình tái sinh vào nơi giàu có và quyền thế. Biết rằng mình đã chứng đạt thánh quả Bất Lai (không còn trở lại) và đã định sẵn sẽ tái sinh về một trong những cõi trời cao, ông đã trả lời với chư thiên rằng: “Cái ấy là vô thường nên cần phải bỏ đi và vượt qua.” Không thể nhìn thấy chư thiên nên gia đình và bạn bè của Citta cho rằng ông đã mê sảng. Citta cho họ biết rằng ông đang nói chuyện với chư thiên và sau khi khuyến khích những người xung quanh trở về nương tựa Tam Bảo, ông đã nhẹ nhàng ra đi.7
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 51