Tôn giả Assaji – người khai thị cho ngài Sariputta đến với Đức Phật
Tôn giả Assaji – người khai thị cho ngài Sariputta đến với Đức Phật
Tôn giả Assaji là vị đệ tử thứ năm của Đức Phật và là người chứng quả Dự Lưu sau cùng trong nhóm năm vị của ngài Kiều-trần-như. Sau khi nghe Thế Tôn thuyết giảng về Tứ thánh đế, vào ngày 19/6, đạo sĩ Assaji đã chứng đạt quả Dự-lưu được xuất gia vào trong Tăng đoàn bằng hình thứ “Ehi bhikkhu! – Thiện lai Tỳ-khưu!”. Vào ngày thứ sáu (20/6 âm lịch Việt Nam), sau khi nghe bài kinh Vô ngã tướng, Ngài cùng bốn vị kia đã chứng quả A-la-hán[1].
Sau kỳ an cư ba tháng mùa mưa tại Isipattana, Tôn giả Assaji du hành theo Thế Tôn về kinh thành Rājagaha để tiếp độ đức vua Bimbisāra. Vào một buổi sáng nọ, Tôn giả đắp y mang bát đi vào thành khất thực.
Cùng trong lúc ấy, du sĩ Upatissa gặp Tôn giả Assaji liền phát sinh tâm tịnh tín nên đi theo sau Ngài để chờ cơ hội thuận tiện hỏi pháp. Khi Tôn giả đi khất thực xong rồi, Ngài tìm nơi thanh vắng để thọ thực, khi đi đến chỗ thích hợp Tôn giả Assaji tỏ ý muốn ngồi xuống, du sĩ Upatissa lập tức trải tọa cụ ra cung thỉnh Ngài ngồi lên đó.
Khi ngài thọ thực xong rồi, Upatissa mang nước trong bình của mình dâng đến để Ngài rửa tay và uống. Sau đó, Upatissa đảnh lễ ngài và ngồi một bên thích hợp bạch hỏi rằng:
– Thưa đại đức, các giác quan của ngài thật thanh tịnh, màu sắc cơ thể thật trong sáng và thuần khiết. Thưa đại đức, đại đức đã được xuất gia có liên quan đến vị nào? Ai là thầy của đại đức? Đại đức giảng giải pháp của vị nào?
– Này đạo hữu, có vị đại sa-môn con trai dòng Sākya, từ dòng họ Sākya đã xuất gia. Ta đã được xuất gia có liên quan đến đức Thế Tôn ấy. Đức Thế Tôn ấy là đạo sư của ta và ta giảng giải Pháp của đức Thế Tôn ấy.
– Vị đạo sư của đại đức thuyết về điều gì? Giảng về điều gì?
– Này đạo hữu, ta là vị mới tu, được xuất gia chưa bao lâu, vừa mới đến với Pháp và Luật này, ta không thể thuyết giảng Giáo Pháp một cách chi tiết; tuy nhiên ta sẽ nói cho đạo hữu ý nghĩa một cách tóm tắt.
Khi ấy, du sĩ Upatissa đã nói với Tôn giả Assaji điều này:
– Thưa đại đức, hãy là vậy đi.
Appaṃ vā bahuṃ vā bhāsassu, Atthaññeva me brūhi;
Attheneva me attho, Kiṃ kāhassi byañjanaṃ bahunti
Xin nói ít hoặc nhiều, giảng ý nghĩa cho tôi.
Tôi chỉ cần ý nghĩa, nói nhiều từ làm chi?
Khi ấy, Tôn giả Assaji đã nói với du sĩ Upatissa bài kệ này:
Ye dhammā hetuppabhavā, Yesaṃ hetuṃ tathāgato;
Tesañca yo nirodho ca, Evaṃ vadī mahāsamaṇoti
Pháp sanh lên do nhân, Như Lai giảng nhân ấy,
Nhân diệt thời Pháp diệt, Đại sa-môn nói vậy.
Chỉ nghe qua hai câu của bài kệ, du sĩ đã đắc ngay Thánh quả Dự-lưu, lãnh hội cả giáo nghĩa bằng cả ngàn cách. Khi chàng đắc Sơ quả rồi, Đại đức đọc tiếp hai câu sau và chấm dứt bài kệ. Nhưng vị Thánh Nhập Lưu mới nầy không chứng đắc những quả vị cao hơn.
Chàng bèn bạch với Đại đức rằng:
– Bạch Ngài! Xin Ngài đừng thuyết pháp cao siêu hơn nữa đây, bấy nhiêu cũng tạm đủ rồi. Chẳng hay Tôn Sư bây giờ đang ngự ở đâu?
– Ở Veḷuvana, nầy đạo hữu.
– Bạch Ngài! Nếu vậy xin thỉnh Ngài đi trước, đệ tử còn một người bạn. Cả hai chúng tôi có giao ước với nhau rằng: “Hễ ai đạt đạo bất tử (amata) trước thì phải thông tin với người kia hay”. Bây giờ đệ tử lo giữ lời hứa, trở về rủ bạn của đệ tử, rồi sẽ theo con đường của Ngài đi mà tìm đến yết kiến Đức Tôn Sư.
Nói rồi, du sĩ Upatissa gieo năm vóc xuống đất, nằm mọp bên chân Đại đức, đoạn đứng lên nhiễu quanh Tôn giả ba vòng từ trái sang phải rồi ra đi[2].
Về sau, Tôn giả Sārīputta mặc dù xuất gia, trở thành vị Đại thinh văn, bậc Tướng quân Chánh pháp nhưng Tôn giả rất cung kính Tôn giả Assaji, khi biết vị thầy của mình ở hướng nào, Tôn giả Sārīputta liền hướng về phía đó chấp tay đảnh lễ và lúc ngủ luôn xoay đầu hướng về vị thầy của mình[3]. Tôn giả Assaji chính là vị thầy dẫn dắt cho Tôn giả Sārīputta những ngày đầu tìm hiểu với Giáo pháp này.
Một hôm, trên đường đi thâu phục môn đệ, Nigaṇṭha Saccaka gặp Tôn giả Assaji đang khất thực trong Vesāli, bèn vấn ông về Phật pháp vì biết Tôn giả là đệ tử thù thắng của đức Phật. Tôn giả đã tóm tắt cho ông nghe về thuyết Vô ngã trong kinh Anattalakkhaṇa Sutta. Nghĩ rằng mình thừa sức phá kiến Phật, Saccaka đi cùng một số đông dân Licchavi đến vấn đức Phật và nhân sự kiện này Ngài đã thuyết kinh Cūlasccaka[4].
Một lần nọ, Tôn giả Assaji thọ trọng bệnh tại khu vườn Kassapa gần kinh thành Rājagaha, tôn giả trình bạch Đức Phật là ngài không thể trú tâm vào đề mục thiền được vì cảm thấy khó thở và không thể cân bằng thân tâm. Đức Thế Tôn khuyến khích tôn giả nên an trú tâm vào tam tướng, nhất là tướng vô thường của danh sắc[5].
Không có nhiều bài kinh ghi lại chi tiết cuộc đời Tôn giả Assaji như các vị Tôn giả khác. Tuy nhiên, chắc chắn rằng sự nỗ lực tu tập và tích trữ thiện pháp Ba–la–mật của các ngài luôn là tấm gương sáng để chúng ta tưởng nhớ và nương theo tu học.
[1] Vin.i.13 – Tạng Luật, Đại Phẩm, Chương Trọng Yếu.
[2] Vin.i.39 (Tạng Luật, Đại Phẩm, Chương Trọng Yếu)
[3] DhpA.iv.150 (Chú giải Kinh pháp cú, bài kệ 392)
[4] M.i.227 (Tiểu kinh Saccaka)
[5] S.iii.124 (Tương Ưng Bộ Kinh, Tương Ưng Uẩn, Phẩm Trưởng Lão, Phần Trưởng Lão Assaji)
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 156