Chuyện về Bandhula trong chuỗi chuyện liên quan đến Tỳ Lưu Ly đoạt ngôi . Bandhula lập rất nhiều chiến công , do 1 số ác báo ông bị vua Pasenadi xử oan. Vua Pasenadi sau hồi hận và để chuộc lỗi đã cho người cháu viên đại thần này nắm các chức vụ quan trọng ( Karayana ). Karayana vì vẫn còn căm tức và muốn báo thù cho người chú bác họ hàng nên sau đã giúp Tỳ Lưu Ly đoạt ngôi

Mallika là vợ của Bandhala ( Mallika này khác với Hoàng hậu Mallika vợ vua Pasenadi ) . Bà lấy chồng lâu và mãi không sinh được con , nhờ ân Phật cuối cùng bà không phải về nhà ngoại , sau đó liên tục đẻ ra rất nhiều người con ai nấy đều thiện chiến và tài giỏi. Sau đó chồng và con bà đều bị chết ( do ác nghiệp đến hồi trổ quả ở các đời trước) …Nội dung bài sẽ được cập nhật

 

Copy 1 đoạn từ chuahoangphap.com – chuyện liên quan đến cả người chồng

Lúc bấy giờ viên đại tướng quân của vua, là một người có tên gọi Bandhula. Vợ ông ta là Mallika không sinh sản gì, nên ông sai đưa nàng đến tận Kusinara, bảo nàng trở về với gia đình nàng. Nàng nói:

– Ta sẽ đi khi nào ta đã kính bái bậc đạo sư.

Nàng đi đến Jetavana vái chào đức Như Lai rồi đứng đợi một bên. Ngài hỏi:

– Bà đi đâu bây giờ?

Nàng đáp:

– Bạch Thế Tôn, chồng của con bảo đưa con về nhà.

Bậc đạo sư hỏi:

– Vì cớ gì?

– Bạch Thế Tôn, vì con không sinh sản, con không có con trai.

Ngài đáp:

– Nếu chỉ có vậy, thì chẳng có lý do gì bà phải đi cả. Hãy về lại.

Nàng rất hoan hỷ kính chào bậc đạo sư rồi trở về nhà. Chồng nàng hỏi tại sao nàng lại trở về, nàng đáp:

– Ðấng Thập Lực bảo đưa thiếp trở lại, thưa phu quân!

Vị đại tướng nói:

– Thế thì đấng Thập Lực ắt hẳn đã thấy rõ lý do tốt lành rồi.

Chẳng bao lâu đó nàng thụ thai. Khi nàng bắt đầu những cơn thèm ăn của người mang thai, nàng bảo cho ông biết. Ông hỏi:

– Thế nàng muốn gì?

Nàng đáp:

– Thưa phu quân, thiếp muốn đi tắm và uống nước hồ ở thành Vesali, nơi mà các hoàng gia thường lấy nước để làm lễ quán đảnh phong vương.

Vị đại tướng hứa sẽ cố gắng chiều ý. Cầm lấy cây cung của ông mạnh bằng cả ngàn cây cung khác, ông đưa bà vợ lên xe rời thành Savatthi và lái xe đến Vesali.

Lúc bấy giờ gần cổng thành có một người của bộ tộc Licchavi tên là Mahali đã từng được học cùng một vị sư phụ với đại tướng Bandhula của vua Pasenadi. Người này mù, vẫn thường khuyên những người Licchavi về những thế sự cũng như thánh sự. Khi nghe tiếng xe chạy lóc cóc trên ngưỡng cửa, ông nói:

– Ðây là tiếng xe của đại tướng Bandhula! Ngày hôm nay những người Licchavi có mối lo sợ.

Bên hồ có một đội quân canh gác nghiêm ngặt, bên trong lẫn bên ngoài, ở trên lại có lưới sắt, không một con chim nào tìm chỗ lọt vào được. Song vị đại tướng, vừa xuống xe đã tung thanh kiếm ra khiến quân canh bỏ chạy và ông liền xông qua lưới sắt, vào trong hồ cho bà vợ tắm và uống nước, rồi sau khi chính ông cũng tắm xong, ông đưa Mallika lên xe, rời thành và trở về bằng đường lối đã đến. Quân canh đi thưa chuyện với những người Licchavi. Lúc ấy các vương tử của bộ tộc Lichavi nổi giận, năm trăm vị leo lên năm trăm cỗ xe, đi bắt tướng quân Bandhula. Họ báo tin ấy cho Mahali, ông bảo:

– Ðừng đi, vì kẻ kia sẽ giết hết các ngài đấy.

Song họ bảo:

– Không, chúng ta muốn đi.

– Vậy khi nào các ngài đến một nơi mà bánh xe lún xuống tận trục thì phải trở về. Nếu các ngài không trở về lúc ấy các ngài hãy trở về nơi mà các ngài nghe tiếng sấm sét. Nếu các ngài không trở về lúc ấy thì các ngài hãy trở về nơi mà các ngài thấy một cái lỗ ở phía trước các xe. Ðừng đi xa nữa.

Song những người ấy không trở lại theo lời ông mà cứ đi tới mãi. Mallika nhìn thấy họ và bảo:

– Thưa phu quân, có các cỗ xe xuất hiện kìa.

Ông bảo:

– Vậy hãy nói cho ta biết khi nào tất cả bọn chúng trông giống như một cỗ xe mà thôi.

Khi tất cả bọn chúng đứng thành một hàng giống như một cỗ xe, nàng bảo:

– Thưa phu quân, thiếp thấy chúng giống như thể cái đầu của một cỗ xe mà thôi.

– Vậy hãy cầm lấy dây cương.

Vị tướng quân bảo và trao dây cương vào tay bà. Ông đứng dậy trên cỗ xe và giương chiếc cung ra. Bánh xe kia lún vào đất đến tận trục xe. Bộ tộc Licchavi đến tận nơi, thấy thế nhưng không trở lui về. Vị tướng quân kia tiến lên một đoạn nữa và bật dây cung lên liền phát ra một tiếng ầm như sấm dậy. Nhưng đám kia vẫn chưa trở lui về mà cứ đuổi theo nữa. Bandhula đứng trên xe và bắn tên ra, mũi tên làm vỡ đầu cả năm trăm cỗ xe và xuyên qua cả năm trăm vương tử ở nơi có buộc dây đai rồi chôn vùi xuống đất. Các vị này không biết họ đã bị thương nên cứ tiếp tục đuổi theo nữa và la lớn:

– Dừng lại! Này, dừng lại!

Bandhula dừng xe lại, bảo:

– Các người chết cả rồi! Ta không đánh với người chết đâu!

Họ bảo:

– Sao, chúng ta thế này mà chết à?

Bandhula bảo:

– Hãy mở dây đai của người đầu tiên ra.

Bọn kia mở dây đai người ấy, ngay lúc mở dây ra, người kia liền ngã xuống chết luôn. Lúc ấy vị tướng quân bảo cả bọn:

– Các người đều bị như vậy cả, hãy về nhà đi, sắp đặt mọi việc gì cần sắp đặt, dặn dò vợ con gia tộc, rồi hãy cởi giáp bào ra.

Họ làm theo như vậy, xong đâu đó, cả bọn đều trút hơi thở cuối cùng.

Về sau, tướng Bandhula đưa Mallika về Savatthi. Bà sinh ra những cặp song nam liên tiếp mười sáu lần, chúng đều lớn lên dũng mãnh, anh hùng, thành đạt trọn vẹn trong mọi việc. Mỗi người lại có cả ngàn quân tuỳ tùng và khi chúng theo cha vào chầu vua, riêng phần chúng đã đứng chật cả sân chầu.

Một ngày kia, một số người thua kiện vì bị vu cáo, thấy Bandhula đi đến, liền lên tiếng kêu than vang dậy, và bảo cho ông biết các quan toà đã hỗ trợ một chuyện vu cáo. Vì thế Bandhula vào triều, xử lại vụ án rồi cho phần mỗi người như cũ. Ðám đông hò reo tán thưởng. Vua hỏi việc gì và khi nghe vậy, ngài rất hoan hỷ. Ngài chuyển các quan toà kia đi xa, giao cho Bandhula trọng trách xử án, từ đó ông xử rất công minh. Sau đó các quan toà kia trở nên nghèo khó, vì họ không còn nhận được hối lộ nữa, nên họ phỉ báng Bandhula đến tận tai vua, kết tội vị tướng quân này muốn nhắm chiếm ngai vàng; vua nghe lời họ, không sao tránh khỏi hoài nghi. Song vua suy nghĩ đắn đo: “Nếu lão ấy bị chết tại đây thì ta sẽ bị trách cứ.”

Ngài liền ra lệnh cho một số người cướp phá các vùng thị trấn ở biên địa, rồi mời Bandhula đến và bảo:

– Biên thuỳ đang gặp khói lửa, khanh hãy cùng các công tử đi bắt bọn cướp kia.

Vua cũng đưa đi một số chiến sĩ dũng cảm, tài ba, rồi căn dặn họ giết cả vị tướng quân cùng ba mươi hai công tử kia, cắt lấy đầu đem về.

Khi ông lên đường, bọn cướp đánh thuê ấy biết tin đại tướng đến, liền bỏ chạy. Vị tướng quân định cư lập nghiệp cho dân khu vực ấy rồi dẹp yên thành phố xong lên đường về. Sau đó, khi ông đến gần kinh đô, các tuỳ tướng kia lại cắt đầu ông cùng các công tử.

Ngày hôm ấy, Mallika mời hai vị đại đệ tử cùng với năm trăm vị Tỷ-kheo. Từ sáng sớm đã có thư đưa vào cho bà báo tin chồng bà và các công tử đã mất đầu. Khi nghe vậy bà không nói với ai một lời, bà nhét thư vào áo, và lo dọn bữa cơm mời chúng Tỷ-kheo. Khi các gia nhân của bà đã cúng dường cho các Tỷ-kheo xong, lại mang vào một chén đựng bơ tươi, vô ý làm vỡ cái chén ấy ngay trước Tăng chúng. Lúc ấy vị Tướng quân chánh pháp Sariputta bảo:

– Chén bát được làm ra để đánh vỡ, xin bà đừng buồn phiền việc ấy.

Vị phu nhân đưa lá thư từ trong nếp áo ra đáp:

– Ðây, đệ tử được bức thư báo tin phu quân và ba mươi hai con trai của đệ tử đã bị cắt đầu. Nếu đệ tử không buồn phiền việc ấy, có lẽ nào lại buồn phiền khi cái chén bị đánh vỡ?

Vị Tướng quân chánh pháp bấy giờ bắt đầu nói:

Sinh mạng của loài người,

Ở đời không ai biết,

Không tướng, nhiều phiền toái,

Nhỏ nhoi, liên hệ khổ.

Rồi từ chỗ đứng dậy, ngài thuyết pháp và ra về.

Phu nhân liền triệu tập ba mươi hai nàng dâu lại bảo:

– Phu quân của các con mặc dù vô tội, đã thọ lãnh nghiệp quả đời trước. Các con đừng sầu bi, cũng đừng tạo ác nghiệp nặng hơn tội của vua.

Phu nhân khuyên nhủ như vậy. Bọn thám tử mật của vua nghe lời này, trình với vua rằng họ chẳng oán hận. Sau đó, vua ân hận đi đến nhà phu nhân cầu xin Mallika và các con dâu của bà tha thứ và ban một điều ước. Bà đáp:

– Xin nhận.

Bà cử hành tang lễ xong, tắm rửa, rồi đến yết kiến vua. Bà nói:

– Tâu chúa thượng, chúa thượng đã ban cho thần thiếp một ân huệ. Thần thiếp không xin điều gì ngoài chuyện này, đó là: Xin thánh thượng cho phép thần thiếp cùng ba mươi hai con dâu trở về nhà cha mẹ của mình.

Vua chấp thuận. Bà liền đưa mỗi nàng dâu về nhà cũ, xong chính bà cũng về nhà cha mẹ mình ở thành Kusinara. Rồi vua phong chức đại tướng cho Digha Karayana, con trai của một bà chị đại tướng Bandhula. Song vị này đi đâu cũng vạch tội vua và bảo:

– Vua đã giết cậu ta.

Mãi lâu sau vụ giết hại vị tướng quân vô tội Bandhula ấy, vua cứ bị hối hận giày vò nên tâm hồn không còn thanh thản, ngài không cảm thấy hứng thú khi được làm vua nữa. Thời ấy, bậc đạo sư ở gần một thị trấn của dòng họ Sakka tên là Ulumpa. Vua đến đó đóng trại không xa hoa viên ấy và cùng vài cận thần đi đến tinh xá để đảnh lễ bậc đạo sư. Vua đem trao năm biểu tượng của vương quyền cho Karayana, rồi một mình đi vào hương phòng.

 

Mahālatā pasādhana (-pilandhana)

Một vật trang trí bằng vàng rất đắt tiền. Vào thời Đức Phật , nó chỉ được sở hữu bởi ba người: vợ của Bandhula, Mallikā , Visākhā và Devadāniyacora (DA.ii.599; tại DhA.i.412, con gái của thủ quỹ Benares được thay thế cho Devadāniya).

Visākhā đã từng để nó lại trong tu viện, nơi nàng đã đến để nghe Đức Phật thuyết pháp, và khi nàng sai con gái nô lệ của mình đến đó, Ananda đã cất nó đi. Sau đó, cô ấy đã từ chối nhận lại nó và đã bán nó đi. Nó đáng giá chín crores, tay nghề đáng giá một trăm ngàn. Không ai có thể mua nó, vì vậy chính Visākhā đã phải trả giá cho nó, và với số tiền thu được, đã dựng lên Migāramātupāsāda (DhA.i.411ff).

Mallikā, sau khi chồng qua đời, đã từ chối đeo ngọc của mình, và khi di thể của Đức Phật được đưa đi hỏa táng, cô đã rửa đồ trang trí của mình trong nước thơm và đặt nó lên chiếc bi của Đức Phật với lời quyết tâm như sau: “Xin cho tôi, trong những lần sinh nở trong tương lai, có một cơ thể không cần đồ trang trí, nhưng sẽ có vẻ như luôn mang chúng (DA.ii.597).

Việc làm đồ trang trí của Visākhā mất bốn tháng, với năm trăm thợ kim hoàn làm việc cả ngày lẫn đêm. Trong quá trình xây dựng của nó, người ta sử dụng bốn bình panh (nāli) bằng kim cương, mười một viên ngọc trai, hai mươi hai viên san hô, ba mươi ba viên hồng ngọc, một nghìn nikkhas bằng vàng hồng, và đủ bạc. Tác phẩm hoàn toàn bằng bạc, miếng vải được buộc chặt vào đầu và kéo dài đến chân. Ở nhiều nơi khác nhau, các con dấu bằng vàng và bạc được gắn vào để giữ cho nó ở vị trí. Trong tấm vải là một con công với năm trăm chiếc lông vàng ở hai cánh, một chiếc mỏ san hô, những viên ngọc cho mắt, lông cổ và đuôi. Khi người mặc bước đi, những chiếc lông vũ chuyển động, tạo ra âm thanh của âm nhạc.

Chỉ một người phụ nữ sở hữu sức mạnh của năm con voi mới có thể đeo nó.

 

Sách nước ngoài mà dẫn link cũng sai làm rối tung mù lên

III. Thông tin từ Đại Phật sử chương 38

Hoàng tử Bandula và người vợ Mallikā của ông

Hoàng tử Bandula nước Malla giờ là vị nguyên soái của vua Pasenadi. Mallikā, vợ của vị ấy là con gái của vua Malla, nước Kusināra. Sau vài năm kết hôn, hai vợ chồng vẫn không có con. Do đó, Bandula gởi Mallikā về nhà cha mẹ của nàng. Mallikā nghĩ rằng: “Tốt hơn, ta nên đến viếng thăm Đức Phật trước khi rời khỏi Sāvatthi.” Nàng đi đến tịnh xá Jetavana và đảnh lễ Đức Phật. Khi được hỏi nàng sẽ đi đâu, Mallikā bèn kể lại với Đức Phật về việc nàng được cho về nhà của cha mẹ mình vì không sanh được người con nào. Nhân đó, Đức Phật dạy rằng: “Nếu vậy thì con không cần thiết phải về nhà cha mẹ của con, con nên ở lại với nguyên soái.” Mallikā rất vui sướng với những lời này, và sau khi đảnh lễ Đức Phật, nàng trở về nhà của mình. Bandula hỏi tại sao nàng trở về.Nàng bèn kể lại với vị ấy về điều mà Đức Phật đã nói với nàng. Bandula nghĩ rằng: “Đức Thế Tôn thấy xa, chắc Ngài có trí tuệ thấy được việc Mallikā có thể mang thai.” Và vị này cho nàng ở lại.

Chẳng bao lâu, Mallikā mang thai. Nàng có sự khao khát mãnh liệt như những người phụ nữ có thai. Nàng kể cho Bandula về điều ấy. Nàng muốn tắm trong cái hồ kiết tường của hoàng gia nơi mà các vị Licchavī thường đến để làm lễ phong vương và nàng cũng muốn uống nước trong cái hồ ấy. Bandula nói rằng: “Tốt lắm,” đặt nàng trên cỗ xe của mình, và mang theo cây cung to lớn – cây cung này cần sức của một ngàn người kéo. Vị ấy rời khỏi Sāvatthi và đi vào Vesāli từ cổng thành được dành cho Mahā Licchavī – người mà được hưởng phần thuế thu được từ cổng thành; nhà của Mahā Licchavī cũng ở gần đó.

Mahā Licchavī nhận ra tiếng xe của Bandula đập mạnh vào ngưỡng cửa của cổng thành. Vị ấy có linh tính báo rằng: “Ngày hôm nay tai họa sẽ ập đến đối với các vị Licchavī.” Và vị ấy báo trước với tất cả mọi người. Hồ kiết tường của hoàng gia được canh phòng rất chặt chẽ từ bên trong cũng như bên ngoài. Nó được bao bọc bởi mạng lưới bằng sắt, để những con chim không thể bay vào được.

Tướng quân Bandula bước xuống khỏi xe, đuổi những người lính gác đi bằng cây gậy của vị ấy và chẻ đứt tấm lưới sắt bằng cây đại đao của mình. Rồi tướng quân cùng vợ đi xuống hồ nước, tắm ở đó rồi đưa vợ lên xe trở về nhà bằng con đường cũ.

Những người lính canh bèn trình vấn đề ấy lên với các vị hoàng tử Licchavī. Rất tức giận, những vị hoàng tử Vajjī bèn cỡi trên năm trăm cỗ xe và đuổi theo. Khi cuộc rượt đuổi được trình lên vị Mahā Licchavī, vị ấy kêu to: “Này các hoàng tử Licchavī trẻ tuổi! Đừng nên làm thế, vị tướng quân Bandula ấy sẽ tiêu diệt các ngươi.” Họ đáp lại: “Chúng tôi không thể chịu đựng được, chúng tôi phải bắt lấy vị ấy.”

Mahā Licchavī đã biết sức mạnh của người bạn học của mình và khuyên can các vị Licchavī như vầy:

“Thôi được, này các hoàng tử! Nếu các người đuổi theo thì khi trông thấy chiếc xe của Bandula lún xuống ngang trục xe, thì các ngươi phải quay về ngay từ chỗ các ngươi trông thấy nó.

Nếu các ngươi không quay về, mà vẫn cứ đuổi theo thì hãy quay về ngay khi nghe có tiếng vang lớn phát ra.

Nếu các người không quay về mà cứ đuổi theo khi các người thấy những cái lỗ ở tấm chắn trước mũi xe của các ngươi, thì hãy quay về bất cứ lúc nào. Đừng đi xa thêm nữa.”

Nhưng các vị Licchavī không nghe lời khuyên mà tiếp tục rượt đuổi quyết liệt. Khi nàng Mallikā thấy rằng họ bị đuổi theo, nàng bèn nói với Bandula điều mà nàng trông thấy. Bandula nói: “Được! Khi mà năm trăm chiếc xe được thấy như một (tức là khi tất cả đều thẳng hàng từ Bandula) thì nàng hãy nói cho ta biết.” Mallikā báo tin cho Bandula biết khi nàng thấy trăm trăm cỗ xe được xếp thành một hàng thẳng. Khi ấy, tướng quân Bandula trao dây cương ngựa cho vợ và nói rằng: ” Nàng hãy cầm lấy dây cương!” Rồi vị ấy đứng trong xe và kéo cây đại cung mà đến một ngàn người khỏe mạnh mới có thể kéo được. Vào lúc ấy, bánh xe lún xuống ngang trục xe. Các vị Licchavī trông thấy điều này, nhưng họ không quan tâm đến lời căn dặn của Mahā Licchavī mà tiếp tục đuổi theo.

Nguyên soái Bandula sau khi đi tiếp một lúc, bèn kéo giãn dây cung và một âm thanh vang dội như sấm sét phát ra. Các vị Licchavī nghe âm thanh ấy nhưng họ vẫn không quay lui. Rồi Bandula bắn ra một cây tên làm xuyên thủng năm trăm cỗ xe đang đuổi theo. Nó đi xuyên qua bụng của năm trăm vị Licchavī và lao cắm xuống mặt đất.

Các vị Licchavī không biết rằng họ đã trúng tên và họ kêu lên: “Này Bandula! Hãy dừng lại.” Họ hô kêu luôn miệng như vậy trong khi đuổi theo Bandula. Tướng quân Bandula dừng lại một lúc và nói: “Tất cả những vị Licchavī, các người đều đã chết, ta không cần phải chiến đấu với những người đã chết.”

“Nhưng chúng ta không giống như những người đã chết, phải vậy không?”

“Vậy thì các ngươi hãy cởi ra chiếc áo giáp từ vị hoàng tử Licchavī cuối cùng”.

Khi họ làm theo lời bảo của Bandula thì cái thân không còn sự sống của vị hoàng tử Licchavī sau cùng ngã gục xuống xe. Khi ấy, Bandula bèn nói với họ là hãy đánh xe về nhà và hãy sửa soạn những thứ cần thiết cho sự mai táng của họ: “Trước khi cởi chiếc áo giáp của mình, các ngươi có thể để lại lời trăn trối cuối cùng cho những người vợ của mình.” Các vị Licchavī đã làm theo y như vậy – tất cả họ đều ngã ra chết.

Tướng quân Bandula đưa vợ về nhà an toàn. Nàng sinh ra cho vị ấy mười sáu lần song sinh bé trai – 32 người con trai. Tất cả những người con trai đều khỏe mạnh và dũng cảm. Họ được dạy tất cả các môn học và mỗi người có một ngàn người theo hầu. Bất cứ khi nào tướng quân Bandula xuất hiện trong triều đình, thì vị ấy cùng với 32 người con trai và ba mươi hai ngàn dũng sĩ hùng mạnh đứng chật cả sân triều.

Một hôm tại tòa án có tiếng la ó, than phiền rằng một sự xét xử bất công đã xảy ra. Vần đề được trình lên tướng quân Bandula. Tướng quân Bandula đến toà án nghe lại vụ kiện rồi đưa ra lời xét xử, công bố đúng đắn ai là người có tội và ai là người vô tội. Mọi người đều hoan hô tán dương sự xét xử công minh của tướng quân.

Vua Pasenadi nghe tiếng ồn và hỏi chuyện gì đã xảy ra. Khi được nghe kể lại mọi chuyện, vua lấy làm hoan hỷ và cắt cử tướng quân làm quan toà. Như vậy, Bandula nhận thêm chức vị quan toà nhờ tánh công minh.

Các vị quan toà do bị tước mất những món tiền hối lộ thường xuyên của họ nên họ nghĩ ra kế sách hãm hại tướng quân. Họ sàm tấu rằng Bandula muốn soán ngôi. Đức vua tin vào lời của những vị quan tòa này. Đức vua rất ái ngại muốn thủ tiêu tướng quân Bandula, nhưng vì Bandula là người có tiếng tăm lớn nên đức vua không dám giết ông trong kinh đô.Thế nên đức vua lập nên một ác kế – truyền lệnh cho những người thân tín của mình sắp xếp một cuộc nổi loạn ở vùng biên giới. Tướng quân Bandula và 32 người con trai của mình nhận được lệnh lên đường để bình định cuộc nổi loạn, và dẫn về những kẻ nổi loạn. Đức vua gửi theo tướng quân Bandula là những vị tướng được tuyển chọn với nhiệm vụ giết chết Bandula và 32 người con trai.

Khi tướng quân Bandula đến nơi nổi loạn thì những người  được đức vua bố trí bèn bỏ chạy. Bandula thực hiện một số biện pháp để vùng xa xôi hẻo lánh này thành khu định cư thịnh vượng rồi trở về kinh đô. Trên đường về, khi còn xa kinh đô thì những vị tướng được gửi đi theo họ bèn chém đầu Bandula và cả 32 người con trai.

Vào hôm ấy, Mallikā – vợ của tướng quân Bandula đang sửa soạn lễ vật cúng dường đến hai vị Thượng thủ Thinh văn là đại đức Sāriputta và đại đức Moggallāna cùng với năm trăm vị tỳ khưu tại nhà của nàng. Sáng sớm hôm ấy, nàng nhận được tin báo rằng chồng và 32 người con trai của nàng đã bị chém đầu. Nàng cất bức thư vào bên trong chiếc áo và giữ kín tin đó. Trong khi nàng đang cung kính phục vụ hai vị Thượng thủ Thinh văn tại bàn – sau khi người hầu dâng xong món cơm thì mang đến những bình sữa, bỗng nhiên một cô tớ gái sơ ý làm vỡ bình sữa.

Hai vị Thượng thủ Thinh văn chứng kiến cảnh tượng này, đại đức Sāriputta nói với Mallikā: “Cái gì có tánh chất tan vỡ thì nó tan vỡ. Đừng để nó giày vò.”

Nhân đó, Mallikā lấy bức thư báo tin buồn từ trong chiếc áo của nàng và nói: “Bạch đại đức! Người ta gửi cho con bức thư này báo rằng chồng và 32 người con trai của con đã bị chém đầu. Ngay cả tin ấy con cũng không để cho nó giày vò, thiêu đốt nội tâm con thì làm sao cái bình sữa này có thể gây phiền não cho con được?”

Đại đức Sāriputta thuyết pháp bắt đầu bằng câu kệ “Animitta manaññātaṇ macānaṁ ida jīvitaṁ, v.v… Rồi đại đức đứng dậy khỏi chỗ ngồi và trở về tịnh xá. (Hãy xem Sutta Nipāta 3, Mahā vagga; 7 Salla Sutta).

Khi việc cúng dường vật thực đến chư Tăng kết thúc, Mallikā cho gọi 32 nàng dâu đến và nói: “Này các con! Những người chồng của các con vô tội, nhưng phải chịu quả của những nghiệp quá khứ. Các con đừng quá sầu khổ, phiền muộn và ưu não. Cũng đừng nuôi lòng thù hận đối với đức vua.” Những lời này lọt vào tai của những thám tử đã được đức vua cử đến, và họ trình lên đức vua rằng Bandula và những người con trai của vị ấy là vô tội. Đức vua đi đến nhà của Mallikā xin lỗi nàng cùng với 32 nàng dâu của nàng. Rồi đức vua cho phép Mallikā được nhận bất cứ đặc ân nào mà nàng muốn.

Mallikā nói: “Tâu đại vương! Xin hãy cho thiếp chọn những đặc ân vào lúc thuận tiện.” Sau khi đức vua trở về, nàng cúng dường Tăng chúng vật thực đặc biệt để hồi hướng phước báu đến thân nhân đã quá vãng. Sau đó nàng đi tắm gội, đến yết kiến đức vua và nói rằng: “Tâu đại vương! Đại vương đã cho thiếp chọn một đặc ân – Thiếp chẳng muốn gì khác, chỉ xin đại vương cho phép thiếp cùng với 32 nàng dâu được trở về với cha mẹ của mình. Đức vua hoan hỷ chấp nhận lời thỉnh cầu của nàng – cho 32 nàng dâu được trở về với cha mẹ của họ, còn nàng thì trở về cha mẹ của nàng.

 

Câu chuyện về Mallikā (tiếp theo)

Mallikā sống ở nhà cha mẹ của nàng tại Kusinārā trong một thời gian dài. Khi Đức Phật viên tịch và nàng biết rằng nhục thân của Ngài đang được những người Malla đưa đến Kusināra, nàng khởi lên ý nghĩ sẽ tôn vinh nhục thân của Đức Phật bằng chiếc áo nổi tiếng mahālatā mà nàng đã không mặc, kể từ ngày chồng chết. Nàng lấy nó ra từ chỗ cất đặc biệt, lau sạch nó bằng nước hoa và chờ đợi nhục thân của Đức Phật đến.

Chiếc áo mahālatā là vật trang sức rất quý hiếm, chỉ có ba người được may mắn sở hữu nó đó là nàng Visākhā, Mallikā vợ của tướng quân Bandula và tên trộm Devadinya (trích dẫn từ Chú giải của bộ Mahāvagga, Dīgha Nikāya).

(Theo Chú giải của bộ Dhammapada, nó được sở hữu bởi ba vị công nương trong khắp cõi nhân loại là bà Visākhā, Mallikā và con gái của trưởng giả thành Bārāṇasī.)

Khi nhục thân của Đức Phật được khiêng ngang nhà, nàng yêu cầu những người khiêng quan tài rằng: “Xin làm ơn, chờ một lát,” và cung kính phủ lên nhục thân của Đức Phật bằng chiếc áo mahālatā từ đầu xuống đến bàn chân. Thân sắc vàng của Đức Phật được đắp lên bằng chiếc áo được làm bằng bảy loại ngọc – thân Ngài càng trở nên rực rỡ hơn.

Tâm của Mallikā tràn đầy sự hỷ lạc khi thấy sự rực rỡ nơi kim thân của Đức Phật . Niềm tin của nàng nơi Tam Bảo càng tăng trưởng. Nàng phát nguyện: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Xin cho con trong bước đường luân hồi, được hoàn hảo về sắc tướng dầu không có một vật trang sức nào trên người.” (Chú giải bộ Mahāvagga (Dīgha Nikāya) về bài kinh Mahāparinibbāna Sutta).

Sau khi Mallikā mạng chung, nàng sanh lên làm một vị tiên nữ ở cõi trời Tāvatiṁsā. Do ước nguyện của nàng, nàng có sắc đẹp vô địch. Nàng có y phục lộng lẫy bởi bảy loại ngọc báu và cũng có một cung điện tương tự. (Xem chi tiết trong bộ Chú giải về Vimāra Vatthu, 3- Pāricchattaka Vaga, 8-Mallikā Vimāna Vatthu).

Vua Pasenadi Kosala cho đứa cháu của tướng quân Bandula tên là Dīghakārāyaṇa kế thừa địa vị nguyên soái. Tuy nhiên, đứa cháu của Bandula không nguôi ngoai về cái chết của Bandula. Vị này chờ cơ hội để trả thù cho người cậu (chú) vô tội của mình.

Đức vua không bao giờ hạnh phúc, kể từ khi cho người ám sát tướng quân Bandula vô tội. Một cảm giác tội lỗi giày vò đến nỗi nhà vua không còn thấy vui sướng trong những khoái lạc đế vương. Lúc bấy  giờ,  Đức  Thế  Tôn  lưu  trú  tại  thị  trấn  Medaḷupa,  trong  tỉnh  của những vị Thích Ca. Vua Kosala muốn viếng thăm Đức Thế Tôn và trú tại đó, trong giả ốc tạm thời được xây dựng bằng những nhánh cây trong khuôn viên tịnh xá. Tại đó, đức vua giao ấn triện của mình cho tướng quân Dīghakārāyaṇa, một mình đi vào cốc của Đức Thế Tôn.

[Lý do đức vua giao những ấn triện của mình cho tướng quân Dīghakārāyana giữ là: (1) đức vua trông sẽ không thích hợp khi phô trương trước mặt của Đức Thế Tôn, và (2) đức vua dự định sẽ đàm đạo với Đức Thế Tôn mà ông tin sẽ làm cho Ngài hoan hỷ. Đúng như vậy, vì khi ấn triện của đức vua được gửi về hoàng cung thì các quan nghĩ rằng họ nên trở về hoàng cung. (Họ không cần phải chờ đợi đức vua).]

Khi vua Kosala một mình đến tịnh xá của Đức Phật thì Dīghakānāyaṇa cảm thấy khó chịu với ý nghĩ: “Vị vua này trước kia đã có cuộc bàn bạc riêng với Sa-môn Gotama, mà sau đó người chú Bandula của ta cùng 32 đứa con trai bị giết chết. Bây giờ vị ấy lại bàn bạc với Sa-môn Gotama. Điều này có ý nghĩa gì? Có thể lúc này ta là mục tiêu của họ cũng nên? ”

Khi đức vua vừa đi vào tịnh xá của Đức Phật, tướng quân Dīghakārāyaṇa bèn đem ấn triện của đức vua giao cho thái tử Viṭaṭūbha rồi thuyết phục và thúc ép thái tử nhận lấy vương quyền ngay tại đó. Tướng quân để lại một con ngựa chiến, một thanh đại đao và một nữ hầu cho vua Pasenadi Kosala với lời căn dặn: “Đừng đi theo chúng ta nếu ngươi muốn sống.” Sau đó, vị ấy đưa thái tử Viṭaṭūbha về hoàng cung tại Sāvatthi như là một vị tân vương, được che bởi chiếc lọng trắng.

Vua Kosala sau khi đàm đạo thân mật với Đức Thế Tôn, ra khỏi tịnh xá nhà vua không thấy quân binh.Vị ấy hỏi người nữ hầu và nàng tâu lại những gì mà nàng đã nghe và thấy. Nhân đó, đức vua đi thẳng về Rājagaha để cầu viện sự giúp đỡ của người cháu là vua Ajātasattu với mục đích truất phế Viṭaṭūbha, kẻ cướp ngôi. Trên đường đi, đức vua phải ăn món cơm gạo bể và uống nước không được lọc; vì đức vua có thể trạng tinh tế nên vật thực ấy gây ra chứng khó tiêu. Khi vua đến kinh thành Rājagaha thì trời đã tối, các cổng thành đã đóng. Bởi vậy, ông phải nghĩ qua đêm tại nhà trọ ở bên ngoài kinh thành, với ý định sẽ gặp vua Ajātasatū vào sáng hôm sau.

Đêm hôm ấy, vua Kosala bị chứng khó tiêu do trình trạng rối loạn của đờm, mật và gió, đi vệ sinh nhiều lần khiến nhà vua trở nên hoàn toàn kiệt sức. Vua nằm ngủ trên bụng nàng hầu trẻ – ông chết  vào lúc rạng đông ngày hôm sau. (Vua Kosala chết vào năm tám mươi tuổi, cùng tuổi thọ với Đức Phật.) (Xem Majjhima paṇṇāsa Pāḷi, Dhammacetiya Sutta).

Khi người hầu nữ thấy đức vua đã băng hà, nàng kêu to: “Vua Kosala, chúa của tôi, người đã trị vì hai tỉnh Kasi và Kosala đã chết cô đơn ở kinh thành bên ngoại trong ngôi nhà trọ này, nơi mà những người không nhà xem đó là nhà của họ.” Khi nghe những lời ta thán của nàng, mọi người bắt đầu biết về cái chết của vua Kosala. Họ báo tin cho vua Ajātasattu, đức vua đi ra và thấy người cậu đã chết. Đức vua tổ chức lễ mai táng rất long trọng. Rồi ông tập trung quân binh bằng tiếng cồng chiêng với ý định đi bắt Viṭaṭūbha.

Các vị quan của vua Ajātasattu quì dưới chân đức vua, cầu xin rằng: “Tâu đại vương! Nếu cậu của đại vương còn sống thì chuyến viếng thăm của đại vương là thích hợp. Nhưng bây giờ, Viṭaṭūbha người em bà con của đại vương đã lên ngôi vua – vị này cũng có quyền kế thừa ngôi vua, nên cuộc viễn chinh của đại vương không hợp lý.” (Và vua Ajātasattu đã hủy bỏ ý định của mình).

Thái tử Viṭaṭūbha sau khi lên ngôi vua đã nhớ lại mối hận thù với dòng Thích Ca. Vị ấy rời kinh đô dẫn theo đội binh để khiêu chiến và tiêu diệt những người Thích Ca. Vào sáng sớm, Đức Phật quán xét thế gian bằng Phật nhãn của Ngài và thấy tai họa sắp xảy đến với dòng Thích Ca, quyến thuộc của Ngài. Ngài nghĩ điều thích hợp là bảo vệ quyến thuộc của Ngài. Bởi vậy, sau khi đi khất thực, Ngài nghỉ trong Hương Phòng, trong tư thế cao quý (như con sư tử) nằm nghiêng về bên phải. Lúc chiều tối, Ngài đi đến Kapilavatthu bằng con đường hư không, Ngài ngồi dưới một cội cây đã rụng hết lá, trong vuông đất của kinh thành Kapilavatthu.

Không xa cây ấy có một cây đa to lớn, đầy bóng mát gần ranh giới giữa Kapilavatthu và nước của vua Viṭaṭūbha. Khi vua Viṭaṭūbha trông thấy Đức Phật, vị ấy đảnh lễ Ngài và bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao Thế Tôn lại ngồi dưới gốc cây trụi lá như thế này khi trời vẫn còn nóng? Xin Đức Thế Tôn hãy đến ngồi dưới cội cây có bóng mát, ở gần ranh giới của nước con.” Đức Phật đáp lại: “Tâu đại vương! Thế này cũng được. Quyến thuộc của Như Lai cũng đủ để che mát cho Như Lai.” Vua Viṭaṭūbha hiểu nhanh lời ngụ ý của Đức Phật. Vị ấy nghĩ ra rằng Đức Phật ngồi ở đó để bảo vệ quyến thuộc của Ngài. Bởi vậy, vị ấy rút lui sau khi tôn kính đảnh lễ Đức Phật. Rồi Đức Phật trở về tịnh xá bằng con đường hư không.

Vua Viṭaṭūbha không quên sự sỉ nhục mà vị ấy chịu đựng từ những người Thích Ca. Vị ấy lại thực hiện một cuộc xuất binh khác, tấn công vào kinh đô của những người Thích Ca. Dịp này cũng vậy, Đức Phật cũng ngồi ở đó và vị ấy buộc lòng phải rút lui. Lần thứ ba,  vị ấy dẫn theo một đội hùng binh tiến thẳng vào lãnh thổ của người Thích Ca, chỉ gặp mỗi Đức Phật trước khi bắt đầu cuộc tấn công và phải rút lui.

Khi vua Viṭaṭūbha xuất binh lần thứ tư, Đức Phật thấy rằng, thời gian để những ác nghiệp của những người Thích Ca trả quả đã đến, và vì vậy Ngài không can thiệp nữa. Những ác nghiệp quá khứ của những người Thích Ca bao gồm việc rải thuốc độc xuống dòng sông vào một thuở nọ trong kiếp quá khứ của họ.

Viṭaṭūbha đến cùng đại quân với ý định tiêu diệt những người Thích Ca. Ngược lại, quyến thuộc của Đức Phật thì không muốn giết hại kẻ khác. Họ đã từng là những tay cung thiện xảo. Bởi vậy họ dọa kẻ thù bỏ chạy bằng những ngón bắn cung của mình. Họ mặc áo giáp và đi ra giả bộ nghinh chiến; họ bắn những cây tên vào kẻ thù nhưng không làm ai thương tích, mà tên chỉ xuyên qua những tấm khiên và những lỗ ở thùy tai của họ (chỗ được xỏ lỗ khi còn nhỏ để đeo bông tai).

Khi Viṭaṭūbha trông thấy những cây tên, vị ấy nghĩ rằng những người Thích Ca đang bắn họ thật sự: “Người ta nói rằng những người Thích Ca không sát sanh, nhưng bây giờ họ đang ra sức giết chúng ta bằng những làn tên.”

Một trong những cận vệ của đức vua nói: “Tâu bệ hạ! Hãy xem quân binh thì bệ hạ sẽ biết.”

“Kìa! Những cây tên đi vào những người của chúng ta.”

Nhưng ở cánh vòng không có ai trúng tên cả. “Tâu bệ hạ! Xin bệ hạ cho đếm số quân binh.” Những cận thần đề nghị. Đức vua truyền lệnh cho điểm số quân binh và thấy rằng không ai chết cả.

Viṭaṭūbha cho lui binh một lát rồi truyền lệnh: “Này quân sĩ! Hãy giết chết tất cả những ai nói rằng họ là người Thích Ca. Nhưng hãy tha mạng cho ông ngoại Mahānāma của trẫm và những người ở chung với vị ấy.” Nhân đó, quân binh của vua Viṭaṭūbha xông đến chém giết. Những người Thích Ca không tìm kiếm bất cứ vật gì để cầm lấy. Một số đứng cầm những nắm cỏ, trong khi những người khác thì cầm những cây sậy. Khi được kẻ thù hỏi: “Ngươi có phải là người Thích Ca không?” Những người dòng Thích ca không nói dối và không thể nói dối, những người Thích Ca cầm những nắm cỏ đáp lại rằng: “Đây không phải là những cây Tectona grandis mà chỉ là cỏ,” và những người Thích Ca nắm những cây sậy đáp lại rằng: “Đây không phải là những cây Tectona grandis mà chỉ là cây sậy.” Những người Thích Ca ở chung với Mahānāma đều được tha mạng; những người cầm những nắm cỏ về sau được gọi là người Thích Ca Cỏ, và những người nắm cây sậy thì được gọi là người Thích Ca Sậy. Tất cả những người Thích Ca khác đều bị giết chết, ngay cả trẻ con cũng không tha. Rồi Viṭaṭūbha rửa sạch chỗ ngồi của vị ấy bằng máu từ những cuống họng của những người Thích Ca. Như vậy, bộ tộc Thích Ca bị tiêu  diệt bởi Viṭaṭūbha.

Vị Thích Ca Mahānāma bị bắt sống. Trên đường về nước của vua Viṭaṭūbha, khi đến giờ ăn sáng, họ xuống xe và bàn ăn được dọn ra. Viṭaṭūbha thông báo với vị Thích Ca Mahānāma hãy ngồi chung với vị ấy. Người mang dòng máu của kẻ đế vương không bao giờ ngồi ăn chung với đứa con của người nô lệ. Do vậy, khi Mahānāma để ý thấy hố nước ở gần đó bèn nói rằng: “Này cháu, ta muốn đi tắm trước khi ăn.” “Vậy, ông ngoại cứ đi tắm,” Viṭaṭūbha nói.

Mahānāma biết rằng nếu ông không chịu ngồi ăn chung với Viṭaṭūbha thì ông sẽ bị giết chết: “Tốt hơn ta nên tự tử,” vị ấy suy nghĩ. Bởi vậy, vị ấy xõa cuộn tóc, thoắt một búi ở cuối mái tóc của vị ấy và trầm mình xuống nước. Vì vua Mahānāma có nhiều phước, nên sự hiện diện của vị ấy dưới nước đã tạo ra sự ấm cúng cho cõi rồng. Long vương nhìn quanh xem hiện tượng kỳ lạ nào và trông thấy vua Mahānāma của những người Thích Ca, long vương xuất hiện trước đức vua, để đức vua ngồi trên cái mang của mình, và đưa vua xuống cõi rồng. Ở đó vị Thích Ca Mahānāma sống mười hai năm.

Hai người mang tên Mallikā

Vào thời Đức Phật, tại thành Sāvatthi có hai người mang tên Mallikā. Một người Mallikā, vợ của tướng quân Bandula và người kia là Mallikā, chánh hậu của vua Kosala. Nàng Mallikā trước là công chúa Malla thuộc xứ Kusinārā mà chúng tôi đã nêu ra ở phần trước. Bây giờ chúng tôi sẽ mô tả hoàng hậu Mallikā theo cách tóm tắt.

Hoàng hậu Mallikā tương lai này là con gái của một người bán hoa ở thành Sāvatthi. Nàng là một thiếu nữ có sắc đẹp diễm kiều, có phước tích lũy từ quá khứ. Khi nàng vừa tròn mười sáu tuổi, một hôm nàng đi hái hoa cùng với những cô gái khác, mang theo ba cái bánh bằng lúa mạch để trong cái giỏ hoa.

Khi nhóm các cô gái đang đi ra khỏi thành phố, họ gặp Đức Phật, thân Ngài toả ra hào quang sáu màu rực rỡ với tùy tùng đông đảo, những vị tỳ khưu đang đi vào thành phố. Mallikā rất cảm kích trước hào quang rực rỡ của Đức Phật và với tâm tịnh tín mạnh mẽ, nàng dâng cúng ba cái bánh đến Đức Phật. Đức Phật nhận vật thí ấy trong cái bát do Tứ Thiên vương dâng cúng.

Mallikā đảnh lễ dưới chân Đức Phật, tâm tràn đầy hỷ lạc, do quán niệm về những ân đức của Đức Phật và rồi đứng ở một nơi thích hợp. Đức Phật nhìn nàng và mỉm cười. Đại đức Ānanda hỏi Đức Phật lý do khiến Ngài mỉm cười: “Này Ānanda! Do nhờ cúng dường ba cái bánh này với tác ý của đổng lực tâm đầu tiên, cô gái này sẽ trở thành chánh hậu của vua Kosala trong chính ngày hôm nay.”

Mallikā rất sung sướng khi nghe những lời của Đức Phật và đi đến hoa viên cùng với những người bạn của nàng. Ngày hôm ấy, khi vua Kosala chiến đấu với người cháu của mình là vua Ajātasattu và bị thua trận. Đức vua bỏ chạy trên lưng ngựa nhưng khi nghe tiếng hát của nàng Mallikā – bị hấp hẫn bởi tiếng hát của cô gái, đức vua quay ngựa vào hoa viên. Thấy đức vua, những cô gái khác bỏ chạy vì sợ hãi nhưng Mallikā, người có duyên sẽ trở thành hoàng hậu thì không sợ hãi. Thay vì thế, nàng tiến đến và tay cầm lấy dây cương ngựa của đức vua.

Đang ngồi trên ngựa, đức vua dò hỏi xem nàng đã có chồng chưa. Khi biết rằng nàng chưa có chồng, đức vua xuống ngựa. Do bị mệt vì nắng gió, ông nằm nghỉ, gối đầu trong vòng tay của nàng. Sau khi nghỉ mệt xong, đức vua đưa nàng lên ngựa rồi đi vào kinh đô với quân binh theo hầu. Đức vua cho người đưa nàng về nhà cha mẹ nàng. Chiều hôm ấy, đức vua cho người đem xe hoa dành cho hoàng hậu đến nhà của Mallikā, để rước nàng về cung trong nghi lễ long trọng. Sau đó, đặt nàng trên chỗ ngồi được sắp xếp theo nghi lễ, ghế ngồi được làm bằng các loại ngọc báu, và nàng được tôn phong làm chánh hậu. Kể từ ngày hôm ấy, Mallikā trở thành chánh hậu được sủng ái.

(Những chi tiết này dựa vào bộ chú giải Bổn sanh, cuốn 3, Sattaka Nipāta; 10- Kummāsapiṇḍi Jātaka).

Như vậy, hai người mang tên Mallikā – Mallikā hoàng hậu của vua Kosala là con gái của người bán hoa, Mallikā vợ của tướng quân Bandula là con gái của một trong những vị hoàng tử Malla.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 34

Post Views: 301