Trích trong chú giải Pháp cú Thiền sư Pháp Minh

Tích Trưởng Lão Tissa

03. “Akkocchi maṃ avadhi maṃ,
Ajini maṃ ahāsi me;
Ye ca taṃ upanayhanti,
Veraṃ tesaṃ na sammati”.
04. “Akkocchi maṃ avadhi maṃ,
Ajini maṃ ahāsi me;
Ye ca taṃ nūpanayhanti,
Veraṃ tesūpasammatīti”.

“Nó mắng tôi, đánh tôi,

Áp chế tôi, cướp tôi,
Người cố chấp niệm ấy,
Hận lòng người chẳng nguôi”.
“Nó mắng tôi, đánh tôi,
Áp chế tôi, cướp tôi,
Người không chấp niệm ấy,
Hận lòng tự khắc nguôi”.

Kệ Pháp Cú (3 và 4) nầy do Đức Bổn Sư đã thuyết ra, trong khi Ngài an cư tại Đại Tự Jetavana, đề cập đến Trưởng lão Tissa. Tương truyền rằng: Trưởng lão Tissa vốn dòng hoàng tộc, xuất gia nhập đạo lúc tuổi đã cao niên, nhằm thời kỳ Phật giáo hưng thịnh, được nhiều lợi lộc, Trưỡng lão thọ dụng đầy đủ, thân thể phì mỹ đẫy đà. Trưởng lão ưa đắp y giặt giũ dằn nếp thật sạch sẽ thẳng thớm, lại thích ngồi chễm chệ trong phòng nhóm Tăng hội ngay giữa chánh điện.

Nhiều vị Tỳ khưu từ phương xa mới về để yết kiến Đức Bổn Sư, trông thấy Trưởng lão, ngỡ rằng: “Chắc đây là vị cao Tăng Đại đức”, nên đến gần xin hầu hạ, đấm bóp tay chân cho Trưởng lão. Trưởng lão làm thinh nhận lời, nhưng bất ngờ thay có một vị Tỳ khưu hỏi Trưởng lão:

– Bạch Ngài, năm nay Ngài được bao nhiêu hạ? (tuổi đạo của Tỳ khưu).

– Ta chưa có hạ nào hết. Ta tuy lớn tuổi nhưng vừa mới xuất gia. Vị sư trẻ phát nói nặng lời rằng:

– Nầy ông sư già mất dạy, cống cao ngã mạn, không biết tự lượng, ông trông thấy các Ngài Đại đức trong nhóm đây mà không chào hỏi theo pháp. Các Ngài ngỡ ông cao hạ nên xin phục dịch ông, ông cũng làm thinh, đã vậy mà còn trân tráo, không tỏ ra vẻ gì là biết ăn năn hối ngộ.
Nói rồi vị sư trẻ bật ngón tay kêu ra tiếng trước mặt Trưởng lão. Trưởng lão Tissa khí phách hãy còn hiên ngang, bị người chạm đến lòng tự tôn tự đại của dòng Sát Đế Lỵ (Khattiya vua chúa) bèn hỏi ngay lại rằng:

– Các ông đến đây tìm ai?

– Chúng tôi về thỉnh an Đức Tôn Sư.

– Vậy mà đối với ta, các ông lại hỏi lẫn nhau “Ông đó là ai?” phải không? Ta sẽ nhổ tận gốc dòng họ các ông cả thảy bây giờ.

Nói rồi, Trưởng lão Tissa vừa khóc mếu máo vừa đi tìm Đức Bổn Sư, trong tâm uất ức sầu khổ lắm!

Thấy Trưởng lão, Đức Bổn Sư bèn hỏi:
– Nầy Tissa! Ông làm gì mà buồn rầu khổ sở, mặt mày đẫm lệ, đến đây còn khóc vậy?

Nhóm khách Tăng bảo nhau: “Nếu để ông ta đi một mình, ông ta có thể gây ra nhiều chuyện rắc rối”, nên cũng đi theo Trưởng lão, đến nơi đảnh lễ Đức Tôn Sư rồi ngồi qua một bên.

Sẵn dịp đó, Trưỡng lão Tissa “mét” với Đức Bổn Sư:

– Bạch Ngài! Mấy ông Tỳ khưu nầy đã mắng nhiếc tôi.

– Lúc ấy ông ngồi tại đâu?

– Bạch Ngài, trong chỗ Tăng hội, ngay chỗ giữa chánh điện.

– Mấy Tỳ khưu nầy đến, ông có thấy không?

– Bạch Ngài! Có thấy.

– Ông có đứng dậy đi đón tiếp mấy vị nầy không?

– Bạch Ngài! Không có đi.

– Ông có lời xin rước bát, xách phụ đồ đạc cho mấy vị không?

– Bạch Ngài, không có hỏi.

– Ông có hỏi xin hầu hạ dâng nước cho mấy vị nầy không.

– Bạch Ngài, không có làm chi hết.

– Nầy Tissa! Đối với những Tỳ khưu lớn hạ, ông có bổn phận phải làm tất cả các việc trên đây, bởi vì ông sư nào không giữ những phép hành ấy, thì không được quyền ngồi giữa chánh điện, vậy thì chính ông có lỗi, ông hãy xin sám hối với các vị Tỳ khưu nầy đi.

– Bạch Ngài! Mấy ông nầy đã mắng nhiếc tôi, tôi không thể sám hối với mấy ông nầy đâu?

– Nầy Tissa, không nên như thế, ông phải xin sám hối đi.

– Bạch Ngài, tôi nhứt định không sám hối đâu?

Chư Tăng thấy vậy bạch rằng:

– Bạch Ngài! Ông nầy thật đúng là một ông sư ương ngạnh (cứng đầu).

Nghe vậy, Đức Tôn Sư bảo chư Tăng rằng:

– Nầy các Tỳ khưu, đây không phải là lần đầu tiên đâu. Trong tiền kiếp ông ta cũng đã tỏ ra ương ngạnh như vậy rồi.

– Bạch Ngài, hiện tại đây ông ta bướng bỉnh thế nào chúng con đã thấy biết, còn trong kiếp quá khứ chẳng hay ông ta đã làm gì?

Nghe chư Tăng hỏi, Đức Bổn Sư liền đáp:

– Nầy các Tỳ khưu, nếu các ông muốn biết thì hãy lắng tai nghe.

Và Ngài nhắc lại chuyện cổ tích như vầy: “Xưa kia, dưới triều Quốc vương Bārāṇasī, trị vì thành Bāraṇasī (Ba La Nại), có ông Đạo sĩ tên là Devila, sau tám tháng cần tu khổ hạnh trong miền núi Himalaya (Hy Mã Lạp sơn), đạo sĩ muốn về thành để an cư trong bốn tháng mưa, để tiện bề kiếm thức ăn có vị, mùi chua, mặn… Từ miền Tuyết Sơn về đến cổng thành, đạo sĩ gặp mấy đứa nhi đồng, bèn kêu lại, hỏi thăm:

– Mấy vị xuất gia tu hành về đến thành nầy thường ngụ ở đâu?

– Bạch Ngài, trong trại làm đồ gốm.

Đạo sĩ xăm xăm đến chỗ trại làm đồ gốm, đứng ngoài cửa nói vọng vào:

– Xin gia chủ hoan hỷ cho bần đạo tá túc một đêm trong quí trại.

Chủ lò gốm đáp:

– Chúng tôi không có làm đêm trong trại, trại rộng có thiếu chi chỗ trống. Ngài cứ tùy tiện vào đó ngủ nghỉ. Nói xong, chủ lò gốm cho người người quét dọn trong gian trại ngoài. Đạo sĩ Devila vừa vào trại ngồi nghỉ chân, thì bên ngoài có vị đạo sĩ khác tên là Nārada, cũng từ núi Tuyết Sơn lặn lội về thành, đến trại ông chủ lò gốm xin ngủ nhờ một đêm.

Ông chủ lò gốm nghĩ thầm: “Ông đạo sĩ đến trước có vui lòng cho ông nầy ngủ chung hay không, điều ấy không can gì đến ta”, nghĩ rồi bèn nói:

– Bạch Ngài, nếu vị đạo sĩ đến trước bằng lòng thì Ngài cứ tha hồ vào đó nghỉ ngơi.

Vì thế, đạo sĩ Nārada đến xin hỏi đạo sĩ Devila:

– Bạch thầy, xin thầy hoan hỷ cho tôi ngủ chung một đêm được không?

– Gian trại rộng thinh, thầy hãy vào đây nghỉ ở một phía đi. Nghe vậy, đạo sĩ mới đi vào phía trong cổng, ngồi sau chỗ đạo sĩ Devila, hai bạn
tu hành chuyện vãn hàn huyên một hồi, kề tới giờ tắt đèn đi ngủ. Trước khi nằm xuống, đạo sĩ Nārada để ý ghi nhớ chỗ cửa ra vào và chỗ nằm của đạo sĩ Devila, không dè ông nầy không nằm ngay chỗ mình đã ngồi, mà lại đến nằm ngang cửa cái.

Ban đêm, đạo sĩ Nārada đi ra, rủi đạp nhằm bính tóc của đạo sĩ Devila, ông nầy hỏi:

– Ai đi đạp ta vậy?

– Bạch thầy, tôi. – Đạo sĩ Nārada đáp.

– Đồ giả tu, – Devila mắng – Ngươi từ rừng rú về đây để đạp tóc ta phải không?

– Bạch thầy, tôi thật tình không biết thầy ra nằm đây. Xin thầy hoan hỷ thứ lỗi cho tôi.

Nói rồi, đạo sĩ Nārada đi luôn ra ngoài không lưu ý đến đạo sĩ Devila đang còn nằm khóc tức tưởi. Một lát sau, ông nầy nằm nói thầm một mình: “Nếu ta nằm nguyên chỗ cũ, hắn ta trở vào và đạp nhằm ta nữa”. Ông bèn nằm day đầu về phía dưới chân.

Đến khi đạo sĩ Nārada trở vào, cũng tính thầm: “Lần trước ta đi phía nầy, đã đạp nhằm bính tóc của ông thầy, bây giờ ta đi vô phải tránh xuống phía dưới chân ông thầy mới được”. Nhưng vừa bước vô, đạo sĩ Nārada đã đạp trúng cần cổ của đạo sĩ Devila, ông ta la lên: “Ai đó?”.

– Bạch thầy, tôi. Đạo sĩ Nārada vừa lên tiếng, đã bị đạo sĩ Devila mắng rằng:

– Đồ giả tu! Lần trước đã đạp bính tóc của ta, lần nầy lại còn đạp lên cổ của ta nữa, ta sẽ nguyền rủa nhà ngươi cho mà coi. Nghe vậy, đạo sĩ Nārada phân trần, biện minh rằng:

– Bạch thầy, khi đi vô thì tôi nghĩ rằng: “Lúc nãy tôi đã đạp trúng tóc của thầy, bây giờ ta phải đi phái dưới chân của ông thầy”, không phải lỗi nơi tôi vì tôi không biết thầy nằm như vậy, tôi lỡ đạp nhằm, xin thầy hoan hỷ miễn thứ.

– Đồ giả tu! Ta sẽ nguyền rủa nhà ngươi.

– Xin thầy đừng làm như vậy.

Không đếm xỉa đến lời xin lỗi của đối phương, đạo sĩ Devila cất tiếng nguyền rủa rằng:

“Sahassaraṃsi satatejo,
Suriyo tamavinodano;
Pāto udayanto suriye,
Muddhā te phalatu sattadhāti”.

“Với nghìn tia sáng, trăm ngọn lửa,
Mặt trời quét sạch cảnh u minh.
Cho đầu ngươi nứt ra bảy mảnh,
Lúc mặt trời mai ló dạng hình”.

Đạo sĩ Nārada nói:

– Thầy ơi! Tôi là người không có lỗi chi mà thầy chẳng kể lời tôi, cứ nguyền rủa đại như thế, ai có lỗi thì người ấy bị nứt đầu, chứ người vô tội có hề chi. Nói rồi đạo sĩ Nārada cũng thốt lời nguyền rủa lại:

“Sahassaraṃsi satatejo,
Suriyo tamavinodano;
Pāto udayanto suriye,
Muddhā te phalatu sattadhāti”.

“Với nghìn tia sáng, trăm ngọn lửa,
Mặt trời quét sạch cảnh u minh.
Cho đầu ngươi nứt ra bảy mảnh,
Lúc mặt trời mai ló dạng hình”.

Đạo sĩ Nārada vốn là một bậc thần thông quảng đại, có thể biết được bốn mươi kiếp quá khứ, bốn mươi kiếp vị lai, cộng chung là tám mươi kiếp trái đất (kappa). Sau khi nguyền rủa, đạo sĩ hỏi: “Ai sẽ mắc lời thề độc nầy?”, nhờ tịnh tâm quán xét đạo sĩ thấy biết: “Ông nầy sẽ bị bể đầu”, nên động mối từ tâm muốn ra tay tế độ, bèn dùng thần lực ếm không cho mặt trời mọc lên.

Dân chúng trong thành thấy mặt trời không mọc, kéo nhau đến cửa hoàng cung than khóc, kêu ca rằng: “Lịnh thiên tử là chúa cả giang san thiên hạ, ngày nay mặt trời không mọc, mong ân lịnh Thiên tử sử dụng vương quyền khiến sai mặt trời mọc lên cho con dân được nhờ”.
Đức vua tự thẩm xét các nghiệp do thân, khẩu, ý của mình đã tạo, thấy không có điều chi phạm lỗi đối với Thánh thần hoặc Tiên vương, bèn nghĩ thầm: “Vì duyên cớ nào đây? Chắc có lẽ các vị xuất gia đạo sĩ đã tranh chấp nhau đây chứ gì?”.

Để dứt lòng nghi, đức vua phán xét hỏi dân chúng rằng:

– Trong thành hiện nay, có vị xuất gia tu hành nào chăng?

– Muôn tâu Thánh thượng! Chiều hôm qua có hai vị đạo sĩ mới đến, tá túc tại trại đồ gốm.

Nghe vậy, đức vua lập tức truyền lịnh khiến quân thắp đuốc soi đường, đoạn Ngài thân hành ngự giá đến trại đồ gốm, đảnh lễ đạo sĩ Nārada xong, ngồi xuống một bên rồi hỏi bằng kệ rằng:

“Kammantā nappavattanti,
Jambūdīpassa nārada;
Kena loko tamobhūto,
Taṃ me akkhāhi pucchitoti”.

“Kính bạch Na La Đa đạo sĩ,
Cõi Diêm Phù bởi lý do chi,
Bóng đêm bao phủ khắp tứ vi,
Khiến cho dân chúng không đi ăn làm.
Chắc có lẽ Ngài am hiểu đạo,
Trẫm xin Ngài chỉ giáo phân minh”.

Đạo sĩ Nārada đem hết sự việc thuật lại cho vua nghe, rồi nói:

– “…Vì lẽ ấy, Ta bị đạo huynh nầy nguyền rủa và ta cũng có nguyền rủa lại như vậy. Ta không có lỗi chi, nếu ai có lỗi thì cho đầu nầy nứt ra làm bảy mảnh. Nhưng sau lời nguyền, ta chú tâm quán xét tìm coi ai sẽ mắc lời thề độc, thì ta hiểu biết là khi mặt trời ban mai vừa ló dạng, đầu của đạo huynh đây sẽ nứt làm bảy mảnh, bởi vì lòng từ bi, không nỡ để cho đạo huynh ấy bị nạn, ta đã cầm mặt trời lại không cho
mọc lên.

– Bạch Ngài! Làm sao cho vị đạo sĩ nầy khỏi bị tai hại?

– Nếu đạo huynh ấy chịu sám hối với ta thì khỏi bị tai hại.

– Vậy thì đạo trưởng hãy sám hối với Ngài đi.

– Hắn đã đạp tóc, đạp cổ ta, không bao giờ ta lại đi sám hối với kẻ giả tu như thế.

– Bạch đạo trưởng! Đừng nên làm thế hãy chịu sám hối đi.

– Ta không sám hối đâu?

– Đầu đạo trưởng sẽ bị nứt ra làm bảy mảnh.

Dầu nghe lời hăm dọa như thế, đạo sĩ Devila cũng nhứt quyết không chịu sám hối, khi ấy đức vua phán:

– Chắc đạo sĩ nầy không tự mình xuống nước nhận lỗi phải không?

Nói rồi, đức vua truyền lịnh cho thị vệ nắm tay, nắm chân, nắm lưng, nắm cổ của đạo sĩ Devila, đè ông ta xuống bắt phải mọp đầu dưới chân đạo sĩ Nārada.

Đạo sĩ Nārada nói: “Thôi, thầy (ācariya) hãy bình thân, ta miễn lỗi cho thầy rồi đó”. Rồi đạo sĩ Nārada tâu với đức vua:

– Tâu Đại Vương! Vì đạo huynh đây không tự mình chịu sám hối, xin Đại Vương hãy ra lịnh đem ông ta đến một cái ao hồ, không xa độ thành, để hòn đất lên đầu ông ta và bắt ông ta đứng dưới sâu ngập tới cổ.

Đức vua làm y như lời, rồi đạo sĩ Nārada dặn đạo sĩ Devila:

– Bạch thầy! Tôi sẽ thị hiện thần thông, khiến cho mặt trời mọc lên, khi ấy thầy lặn xuống dưới nước và trồi đầu lên ở một nơi khác và chạy đi luôn.

Đức Bổn Sư thuyết tích nầy, còn giải thêm rằng:

“Nầy các Tỳ khưu, đức vua lúc bấy giờ là Ānanda, Devila nay là Tissa và Nārada chính là Như Lai. Thưở xưa ông ta cũng tỏ ra bướng bỉnh, ương ngạnh như thế đó”.

Đức Bổn Sư quay qua dạy thêm Trưởng lão Tissa, đoạn Ngài kết luận rằng:

– Nầy Tissa, nếu Tỳ khưu nào cố chấp mãi trong tâm như vậy: “Ông đó nhiếc mắng tôi, ông đó đánh đập tôi, ông đó áp chế tôi, thì Tỳ khưu đó sẽ không nguôi ngoai được mối căm thù, hờn giận. Nhưng nếu tỳ khưu ấy không cố chấp niệm ấy trong tâm thì tự khắc nổi căm thù oán hận sẽ nguôi ngoai”.

Tiếp sau đó, Đức Bỏn Sư nói lên bài kệ sau đây:

“Akkocchi maṃ avadhi maṃ,
Ajini maṃ ahāsi me;
Ye ca taṃ upanayhanti,
Veraṃ tesaṃ na sammati”.

“Akkocchi maṃ avadhi maṃ,
Ajini maṃ ahāsi me;
Ye ca taṃ nūpanayhanti,
Veraṃ tesūpasammatīti”.

“Nó mắng tôi, nó đánh tôi,
Áp chế tôi, cướp giựt tôi kia mà.
Người còn cố chấp phiền hà,
Hận lòng người ấy chắc là khôn nguôi”.
Nó mắng tôi, nó đánh tôi,
Áp chế tôi, cướp giựt tôi kia mà.
Người không cố chấp phiền hà,
Hận lòng người ấy chắc là chóng tan”.

CHÚ GIẢI:
Nó mắng(1) tôi, đánh(2) tôi,
Áp chế(3) tôi, cướp(4) tôi.
Người(5) cố chấp niệm ấy(6),
Hận lòng người ấy chẳng nguôi(7)
…………………………..
Người không chấp niệm ấy(8),
Hận lòng người sẽ nguôi(9).
(1) Nó mắng (Akkocchi), đây là nhiếc mắng, chửi rủa.
(2) Đánh (Avadhi) là đánh đập.
(3) Áp chế (Ajini) là bắt phải khuất phục bằng lời nói xuôi ngược, hoặc việc làm
cao thấp để đè ép.
(4) Cướp (Ahāsi) là giựt lấy, sang đoạt của cải, tài vật, nhất là y của nhà sư.
(5) Người (Ye): Là bất luận ai, kể cả chư thiên và nhân loại, tại gia hoặc xuất gia.
(6) Cố chấp niệm ấy (Taṃ upanayhanti): Là cứ ôm ấp, chất chứa trong tâm rằng

“Nó đánh tôi, nó mắng tôi” rồi hờn giận mãi, chẳng khác nào người lấy nhiều nước cỏ thơm (kusa) che đậy mớ cá ươn, chở trên một chiếc xe bò.

(7) Hận lòng người chẳng nguôi (Veraṃ tesaṃ na sammati): Ở những người cố chấp như trên, hễ có sự căm hờn nổi lên ắt là không nguôi ngoai, không lắng dịu được.

(8) Người không chấp niệm ấy (Ye ca taṃ nūpanayhanti): Là không nhớ tường, không lưu tâm để ý, hoặc là biết suy nghĩ về nghiệp quả , nên dù có bị mắng, bị đánh, bị áp đảo, bị cướp bóc cũng không hờn giận: “Hồi trước chắc mình có mắng người, có đánh người, có áp đảo người, có cướp bóc người, nên nay người mới trả đũa lại, nghĩ như vậy nên không cựu thù, chuốc oán”.

(9) Hận lòng người sẽ nguôi (Veraṃ tesūpasammati): Người sau nầy có dể duôi quên mình, để cho sự sân hận sanh lên, thì mối căm thù tự khắc cũng nguôi ngoai tan rã, nhờ không cố chấp, cũng như lửa không gặp bổi (nhiên liệu) hay dầu vậy.

Thời pháp vừa dứt, một trăm ngàn vị Tỳ khưu đắc Thánh quả Tu Đà Hườn, kỳ dư đại chúng thính pháp đều được hưởng sự lợi ích và số người bướng bỉnh, ương ngạnh nhờ đó trở nên mềm mỏng dễ dạy.

Dịch Giả Cẩn Đề
Thấy lỗi người, không thấy lỗi mình,
Hận lòng, Trưởng lão khó làm thinh.
Quyết đưa cả nhóm ra hỏi tội,
Nào nhận riêng ta đáng phạt hình.
Mãn cậy thân già, dòng dõi quý,
Mà quên hạ nhỏ, bạn bè khinh.
Lắng nghe Phật thuyết nhân tiền nghiệp,
Giải được tâm thù hận chúng sanh.
DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO TISSA

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 17

Post Views: 465