Tích Tỳ Khưu Nhiều Vật Dụng và tiền kiếp thủy thần tầm thiên pháp
Tích Tỳ Khưu Nhiều Vật Dụng và tiền kiếp thủy thần tầm thiên pháp
“Na naggacariyā na jaṭā na paṅkā,
Nānāsakā taṇḍilasāyikā vā;
Rajo jallaṃ ukkuṭikappadhānaṃ,
Sodhenti maccaṃ avitiṇṇa-kaṅkhaṃ”.
“Không phải sống lõa thể,
Bện tóc, tro trét mình,
Tuyệt thực, lăn trên đất,
Sống nhớp, siêng ngồi xổm,
Làm con người được sạch,
Nếu không trừ nghi hoặc”.
Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài an ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên tự), đề cập đến vị Tỳ khưu có nhiều vật dụng.
Tương truyền rằng: Một phú trưởng giả cư ngụ trong thành Xá Vệ, sau khi vợ chết bèn đi xuất gia. Khi sắp xuất gia, vị ấy cất chỗ ngụ riêng, cùng với nhà khói (Aggisālā), nhà kho rồi cho chất đầy nhà kho tất cả các thứ thuốc ngừa bệnh (Bhesajja) nhất là bơ trong, dầu.v.v.
Sau khi xuất gia, vị ấy cho gọi những đầy tớ của mình đến nấu các món ăn theo sở thích rồi độ. Vị ấy có nhiều vật dụng, có nhiều đồ đạc, ban đêm mặc y nội và khoác y khác, ban ngày mặc y nội và khoác y khác và ở cách biệt trong ranh của chùa. Một hôm khi vị ấy đem các y phục của mình trãi ra phơi nắng, các Tỳ khưu đi ta bà từ tịnh thất nầy sang tịnh thất khác, đến thấy vậy, bèn hỏi:
– Những y phục nầy của ai vậy đạo hữu?
– Của tôi đó.
Nghe vậy các Tỳ khưu trách:
– Nầy đạo hữu, Đức Thế Tôn chỉ cho phép có tam y, đạo hữu đã xuất gia trong Giáo Pháp Đức Phật, có hạnh tri túc, thiểu dục như thế, đạo hữu lại là người có nhiều vật dụng như vậy sao?
Chư Tăng liền đưa vị ấy đến Đức Bổn Sư và báo lại rằng:
– Bạch Ngài, Tỳ khưu nầy là người có quá nhiều vật dụng.
Đức Bổn Sư hỏi rằng: “Nầy Tỳ khưu, lời nói về thầy như thế có đúng chăng?”.
– Bạch Ngài! Đúng như vậy.
Đức Bổn Sư quở trách rằng:
– Nầy Tỳ khưu, tại sao Ta đã thuyết giảng về pháp thiểu dục mà thầy còn làm người có nhiều vật dụng như thế?
Chỉ nghe bấy nhiều lời, vị ấy nổi giận đáp rằng:
– Ngay bây giờ, tôi sẽ cởi bỏ đồ mà đi ngay đây.
Vị ấy cởi bỏ vứt y choàng ngoài, chỉ còn mặc một lá y nội, đứng giữa hội chúng. Khi ấy, Đức Bổn Sư nói lời xây dựng phấn khích vị ấy rằng:
– Nầy Tỳ khưu! Trước kia thầy há chẳng phải là người đi tìm Tàm Quý (Hiri Ottappa) hay sao? Trong thời gian là Thủy thần, thầy đã mải miết tìm Tàm Quý suốt mười hai năm. Tại sao bây giờ xuất gia trong Giáo Pháp của Đức Phật tôn nghiêm như vầy, thầy lại vức bỏ y choàng ngoài giữa Tứ chúng, từ bỏ cả Tàm Quý mà đứng như vậy?
Nghe lời của Đức Bổn Sư, vị ấy lấy lại được Tàm Quý bèn nhặt y đắp lên mình, đảnh lễ Đức Bổn Sư, rồi ngồi xuống một bên.
Các Tỳ khưu muốn biết rõ nghĩa lý của việc nầy, nên yêu cầu Đức Bổn Sư giải thích. Đức Thế Tôn liên ngồi kể lại chuyện tiền kiếp như sau:
Thuở xưa kia, Đức Bồ Tát tái sanh vào lòng Hoàng hậu của Đức vua đóng đô ở Bārāṇasī (Ba La Nại). Đến ngày lễ đặt tên, Bồ Tát có được tên là Thái tử Đại Cung Nỏ (Mahissāsa). Kế đó, Bồ Tát có được một em trai tên là hoàng tử Nguyệt (Canda). Khi Hoàng hậu, mẹ của hai hoàng tử băng hà, Đức vua phong cho một bà phi khác lên làm Hoàng hậu, bà nầy cũng sanh được một Hoàng nam. Hoàng tử út được đặt tên là Nhật (Suriya). Thấy mặt Hoàng tử út, Đức vua rất hoan hỷ phán rằng:
– Trẫm sẽ ân tứ cho con ái hậu một lời yêu cầu.
Hoàng hậu đáp:
– Tâu Hoàng thượng, thần thiếp sẽ nhận lãnh ân huệ nầy khi nào có ý muốn.
Khi Hoàng tử út đến tuổi trưởng thành, Hoàng hậu tâu Đức vua:
– Tâu Hoàng thượng, khi thần thiếp sanh Hoàng tử út, Hoàng thượng đã chuẩn hứa cho một lời yêu cầu. Vậy, nay xin yêu cầu Hoàng thượng ban vương vị cho con của thần thiếp.
Đức vua từ khước, bảo rằng:
– Hai con trai của Trẫm như hai đốm lửa sáng ngời, Trẫm không thể ban vương vị cho con Hoàng hậu được.
Tuy lời mình bị Vua bác, nhưng Hoàng hậu cứ tiếp tục yêu cầu mãi, thấy vậy, Đức vua nghĩ: “Hoàng hậu có thể làm điều bất lợi đến hai con của Trẫm chăng?”. Cho gọi hai Hoàng tử đến, Đức vua phán rằng:
– Nầy hai con, khi Hoàng tử Nhật ra đời, cha có hứa ban cho một ân huệ theo lời yêu cầu. Nay mẫu hậu của Hoàng tử xin cho con mình được vương vị. Trẫm không muốn ân tứ. Tuy nhiên, sợ e Hoàng hậu sẽ mưu hại hai con. Hai con hãy đi lánh mặt ngụ trong rừng, chờ khi Trẫm thăng hà rồi hãy trở về mà kế vị. Nói rồi, Đức vua giục hai con ra đi.
Hai Hoàng tử cáo biệt Vua cha, xuống khỏi đền vua gặp Hoàng tử Nhật đang chơi ở sân ngự, bèn tỏ thật sự tình. Biết rõ nguyên do của cuộc xuất hành, Hoàng tử út cùng theo hai anh ra đi.
Khi đến rừng Tuyết lãnh, Bồ Tát bỏ đại lộ, rẽ vào một con đường mòn đến ngồi dưới một gốc cây rồi bảo Hoàng tử Nhật:
– Hoàng đệ hãy đến cái ao kia tắm rửa và giải khát đi, rồi lấy lá sen bọc nước đem về cho hai anh.
Cái ao nầy có một Thủy thần đã được Thiên Vương Tỳ Sa Môn (Vessanaṇa) cho phép đến trấn giữ, với vương lịnh rằng: “Ngoại trừ người biết Thiên pháp, người được phép ăn thịt tất cả những người khác lội xuống dưới ao nầy”. Từ đó về sau, hễ người nào lội xuống ao, Thủy thần hỏi về Thiên pháp mà không biết là nó bắt lấy ăn thịt hết. Hoàng tử Nhật lội xuống mà không dò xét trước, bị Thủy thần hiện lên chận hỏi:
– Ngươi biết Thiên pháp chăng?
Hoàng tử đáp:
– Thiên pháp đó là mặt trăng và mặt trời.
– Ngươi không biết Thiên pháp.
Rồi bắt lấy Hoàng tử Nhật đem đi an trí tại Thủy cung của mình. Bồ Tát thấy Nhật đi lâu, bèn sai Hoàng tử Nguyệt đi tìm. Hoàng tử cũng bị Thủy thần chận đường hỏi:
– Ngươi có biết Thiên pháp chăng?
Hoàng tử đáp:
– Thiên pháp, đó là bốn hướng.
Thủy thần bắt nhốt luôn Nguyệt dưới Thủy cung. Thấy hai em đi lâu, Bồ Tát sanh nghi: “Chắc có sự gì tai hại?”, liền tự mình đến ao nước, thấy dấu chân hai em đi xuống, biết là ao nầy có Thủy thần trấn giữ, bèn rút gươm ra và cầm sẵn cung tên trên tay đứng chờ. Thấy Bồ Tát không lội xuống ao, Thủy thần hóa làm một người thợ rừng đi đến nói với Bồ Tát:
– Nầy bạn, bạn đi đường mệt sao không xuống ao nầy tắm rửa, uống nước, ăn củ sen, hái hoa trang điểm rồi hãy đi?
Thấy người thợ rừng, Bồ Tát biết ngay là Thủy thần bèn hỏi:
– Phải ngươi đã bắt hai em của ta chăng?
– Phải, ta bắt!
– Tại sao vậy?
– Ta được quyền bắt những người lội xuống ao nầy.
– Ngươi được quyền bắt tất cả sao?
– Ngoại trừ những người biết Thiên pháp, kỳ dư ta có quyền bắt hết.
– Ngươi có cần biết Thiên pháp chăng?
– Có, ta cần biết.
– Ta sẽ thuyết Thiên pháp.
– Nếu vậy, xin ông thuyết đi.
– Mình ta dơ dáy, Ta không thể thuyết pháp được.
Dạ xoa để Bồ Tát tắm rửa, dâng nước cho Bồ Tát uống, trang điểm cho Bồ Tát, thỉnh Bồ Tát ngồi lên cái bồ đoàn đặt chính giữa một rạp được trang trí đàng hoàng, còn tự mình thì ngồi dưới chân Bồ Tát.
Bồ Tát bảo Dạ Xoa: “Hãy lắng nghe cho kỹ”.
Nói rồi, ngâm kệ rằng:
“Hiri ottappasampannā,
Sukkadhammasampannā;
Santo sappurisā loke,
Devadhammāti vuccareti”.
“Đầy đủ Tàm và Quý,
Chuyên tâm về Bạch pháp,
An tịnh bậc chân nhân,
Ở đời gọi Thiên pháp”.
Dạ Xoa nghe bài pháp nầy phát sanh tâm tịnh tính, nói với Bồ Tát: “Thưa hiền trí, tôi có tâm tịnh tính với Hiền trí! Tôi cho lại Hiền trí một người em, tôi sẽ mang người nào đây?”.
– Hãy đem đến đứa em út.
– Thưa Hiền trí, Ngài biết rành Thiên pháp như vậy, mà Ngài lại không hành Thiên pháp?
– Sao vậy?
– Vì Ngài đã phế trưởng lập thứ, Ngài không tôn trọng quyền của người anh!
– Nầy Dạ Xoa, ta biết Thiên pháp và thực hành đúng theo Thiên pháp. Quả vậy, vì đứa em út ấy mà chúng ta vào rừng nầy, lại cũng vì hạnh phúc của nó mà mẹ nó đã xin vương vị nơi cha của chúng ta. Phụ vương chúng ta đã không ban cho nó ân huệ ấy mà còn ra lịnh cho chúng ta đi ở trong rừng, cốt để bảo vệ chúng ta. Hoàng tử út không chịu quay trở lại mà cùng đi với chúng ta. Nếu nghe nói: “Một con Dạ xoa đã ăn thịt nó trong rừng”, chắc chắn không một ai tin lời chúng ta, sợ bị chê trách cho nên ta mới bảo ngươi đem nó lại cho ta.
Dạ Xoa càng trong sạch đối với Bồ Tát, nó nói:
– Lành thay, thưa Hiền trí, Ngài biết Thiên pháp và xử sự đúng theo Thiên pháp.
Rồi Dạ Xoa mang cả hai người em trai trao lại cho Bồ Tát. Kế đó, Bồ Tát thuyết pháp giải về những tội lỗi của kiếp sống Dạ Xoa, rồi cho nó thọ trì Ngũ giới. Từ đó, Bồ Tát sống an vui trong rừng ấy, nhờ có Dạ Xoa hộ trì và phục vụ chu đáo, cho đến khi phụ vương thăng hà, dắt cả Dạ Xoa về thành Bārāṇasī, lấy lại vương quốc, phong cho Hoàng đệ Nguyệt là phó vương, đặt hoàng đệ Nhật làm Tổng lãnh binh. Còn đối với Dạ Xoa, Bồ Tát cho đào một cái ao tạo một địa điểm tốt đẹp, cho nó nhận được lễ lộc vật thực quý báu nhất.
Sau khi thuyết dứt tích nầy, Đức Bổn Sư tổng kết Túc Sanh truyện, cho biết:
Thủy thần khi ấy nay là vị Tỳ khưu có nhiều vật dụng, Nhật nay là Ānanda, Nguyệt nay là Sāriputta, Thái Tử Đại Cung Nỏ nay chính là Đấng Như Lai vậy.
Đức Bổn Sư giảng xong tích Bổn sanh rồi dạy rằng:
– Nầy Tỳ khưu, trước kia thầy đã là người đi tìm Thiên pháp như vậy đó, trong mình có đủ cả Tàm Quý. Bây giờ thầy cởi bỏ y choàng giữa Tứ chúng, đứng trước mặt Ta mà nói: “Tôi thiểu dục!” là làm điều không thích hợp. Một vị Sa môn không bao giờ nên cởi bỏ y mà ở trần như thế cả!
Nói rồi, Đức Thế Tôn thuyết pháp, và Ngài ngâm bài kệ rằng:
“Na naggacariyā na jaṭā na paṅkā,
Nānāsakā taṇḍilasāyikā vā;
Rajo jallaṃ(1) ukkuṭikappadhānaṃ,
Sodhenti maccaṃ avitiṇṇakaṅkhaṃ”.
Chẳng phải đi chân không(2), chẳng phải để tóc xù, chẳng phải thoa tro đất vào mình, chẳng phải tuyệt thực, chẳng phải nằm trên đất, chẳng phải để thân hình nhớp nhúa, cũng chẳng phải ngồi xổm mà người ta có thể trở nên thanh tịnh, nếu không dứt trừ nghi hoặc.
CHÚ GIẢI:
Nānāsakā (Na anāsakā): không phải là người nhịn ăn, bỏ cơm (tuyệt thực).
Taṇḍilasāyikā: nằm ngủ trên đất.
Rajojallaṃ: bụi dơ, ngoại đạo lõa thể hay lấy bùn thoa khắp mình để cho bụi đóng dơ dáy.
Ukkuṭikappadhānaṃ: Cố ráng sức ngồi chồm hổm, theo một lối đặc biệt để hành hạ xác thân. Theo cách trên đây, người nào nghĩ rằng: Ta sẽ đạt đến chổ thanh tịnh, thoát khỏi thế gian hữu hạn, rồi thọ trì tu tập theo bất cứ một cách nào trong các lối khổ hạnh của ngoại đạo, nhất là sống lõa thể, thì người ấy chỉ phát triển toàn diện cái Tà kiến và nhọc nhằn vô ích mà thôi. Không bao giờ những pháp ấy là những pháp lợi ích, nên trọ trì như Bát Chánh Đạo, vì chúng không dứt trừ được hoài nghi, lẽ cố nhiên, không tẩy sạch phiền não được. Cuối thời pháp, nhiều Tỳ khưu chứng đắc Thánh quả nhất là quả Tu Đà Hườn quả.
Dịch giả Cẩn Đề
Tỳ khưu Trưởng giả thích tiện nghi,
Vật thực dồi dào, đủ thứ y,
Tăng trách: Sư sao không Thiểu dục?
Phật khuyên thầy giữ Hạnh Xả ly!
Nổi giận, Sư quăng bỏ y ngoài,
Mình trần, đứng nói: “Sẽ đi ngay!”.
Phật rằng: “Tàm Quý xưa đâu vậy?”.
Sư nhặt y lên, mặc khỏa vai.
Nguyên do kiếp trước trấn ao thần,
Tàm Quý luôn luôn có tại thân,
Nay tự cho mình là Thiểu dục,
Cởi y như thế chỉ vì sân!
Phật dạy: Không dứt trừ hoặc nghi,
Ở truồng, bện tóc, nhịn ăn chi,
Nằm lăn trên đất, hay ngồi xổm,
Chẳng thể thành tâm đến Vô vi.
DỨT TÍCH TỲ KHƯU CÓ NHIỀU VẬT DỤNG
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 32