Tích Chư Tăng Vấn Đạo – Câu chuyện về 2 vợ chồng bà la môn gọi Phật là con
Tích Chư Tăng Vấn Đạo – Câu chuyện về 2 vợ chồng bà la môn gọi Phật là con
Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III
“Ahiṃsakā ye munayo,
Niccaṃ kāyena saṃvutā.
Te yanti accutaṃ ṭhānaṃ,
Yattha gantvā na socare”.
“Bậc hiền không hại ai,
Thân thường được chế ngự
Đạt được cảnh bất tử,
Đến đây, không ưu sầu”.
Pháp Cú nầy được Đức Thế Tôn thuyết lên khi Ngài ngự tại Añjanavana, gần thành Sāketa, đề cập đến câu hỏi của vị Tỳ khưu.
Tương truyền rằng: Khi Đức Thế Tôn với đoàn Tăng lữ vào thành Sāketa khất thực, một lão Bà la môn từ trong thành đi ra, gặp Đức Thập Lực, liền nằm mọp xuống dưới chân Ngài, nắm chặt lấy hai cổ chân Ngài và nói rằng:
– Con ơi! Con há chẳng phải có phận sự phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già ư? Tại sao bấy lâu nay con không về thăm mẹ của con. Mãi đến giờ đây cha mới gặp mặt con. Con hãy trở về thăm mẹ của con.
Ông nắm lấy tay Đức Thế Tôn dắt về nhà mình. Đức Bổn Sư ngự đến đó, ngồi vào chỗ ngồi được soạn sẵn cùng với chư Tỳ khưu.
Bà vợ ông Bà la môn ấy cũng đi đến nằm trước chân Đức Thế Tôn và nói:
– Nầy con ơi! Bấy lâu nay con đi đâu? Con há chẳng phải có phận sự phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già ư?
Rồi bà bảo các con trai, con gái hãy ra đảnh lễ: “hãy đảnh lễ anh các con đi”.
Với tâm thỏa thích, hai ông bà cúng dường đến Tăng chúng có Đức Phật là vị Thượng thủ, rồi bạch rằng:
– Bạch Ngài! Xin thỉnh Ngài thường xuyên thọ bát tại nơi đây.
– Nầy Bà la môn! Chư Phật không bao giờ thường xuyên thọ bát ở một nơi như vậy.
“Nếu vậy thì những ai đến thỉnh Ngài, xin Ngài hoan hỷ bảo họ đến với chúng tôi”.
Kể từ đó, những người đến thỉnh Đức Thế Tôn, Ngài đều dặn dọ: “Hãy báo tin cho ông Bà la môn biết nhé”. Họ đến bảo ông rằng:
– Ngày mai chúng tôi sẽ thỉnh Đức Thế Tôn đến nhà trai tăng.
Hôm sau, ông Bà la môn mang cơm canh từ nhà mình đến nơi ngự của Đức Thế Tôn. Những ngày không có ai thỉnh thì Đức Thế Tôn ngự thọ thực tại nhà của ông bà Bà la môn ấy.
Hai ông bà cúng dường Đức Thế Tôn và nghe pháp từ Đấng Như Lai như thế, thời gian sau chứng đắc quả A Na Hàm.
Chư Tỳ khưu câu hội cùng nhau trong Giảng đường bàn luận:
– Nầy các hiền giả! Ông Bà la môn ấy biết Đức vua Suddhodana là cha và Hoàng hậu Māyā là mẹ Đức Như Lai. Đã biết thế, mà ông bà còn gọi Đức Như Lai là “Con của chúng ta”.
Và Đức Thế Tôn lại chấp nhận như thế chứ? Tại sao vậy nhỉ. Đức Thế Tôn nghe chư Tăng thắc mắc, bèn giải thích rằng:
– Nầy các Tỳ khưu! Hai ông bà gọi Như Lai là con trai của chúng ta, là hai ông bà đã kêu con của mình thật vậy.
Rồi Ngài dẫn tiền tích rằng: Nầy các Tỳ khưu! Vào thời quá khứ, Bà la môn nầylà cha ta liên tiếp 500 kiếp, làm dượng ta 500 kiếp liên tiếp, làm ông nội ta 500 kiếp liên tiếp. Còn bà Bà la môn đã 500 kiếp liên tiếp là mẹ ta, 500 kiếp làm cô ta, và 500 kiếp liên tiếp làm bà nội ta. Thế là ta được trưởng dưỡng trong tay ông bà Bà la môn
một ngàn năm trăm kiếp như thế.
Sau khi giải rõ tiền tích, Đức Thế Tôn ngâm lên kệ ngôn.
Đức Thế Tôn an cư suốt ba tháng hạ, nhờ gia đình ấy hộ độ. Mãn mùa an cư, hai ông bà chứng đạt A La Hán Quả và viên tịch Vô Dư. Thiện tín làm ma chay cúng dường hai ông bà trọng thể, cho xe tang rước thi hài hai ông bà đem ra chỗ hỏa táng.
Đức Thế Tôn cũng dắt 500 Tỳ khưu tùy tùng đi đến lò thiêu xác. Đại chúng nghe tin cha mẹ của Đức Phật đã Níp Bàn, rủ nhau ra khỏi thành, đi theo đưa đám. Đức Thế Tôn đứng trong một nhà mồ, gần nơi hỏa táng, nhiều người đến đảnh lễ Ngài xong rồi, tỏ lời phân ưu cùng Ngài rằng:
– Bạch Ngài! Xin Ngài đừng buồn vì cha mẹ mình đã khuất bóng.
Thay vì phản đối họ rằng: “Chớ nên nói như thế”, Đức Thế Tôn quán xét duyên lành của hội chúng, rồi Ngài thuyết lên pháp thoại hợp cơ tánh căn duyên trong hoàn cảnh đặc biệt nầy.
Đức Thế Tôn thuyết lên Lão Kinh (Jarāsutta). Cuối thời Pháp có tám muôn ngàn chúng sanh chứng đắc Pháp Nhãn. Chư Tỳ khưu không biết ông bà Bà la môn đã viên tịch, nên bạch hỏi Phật:
– Bạch Ngài! Hai ông bà sẽ thọ sanh về nơi nào vậy?
– Nầy các Tỳ khưu! Những bậc Tịnh giả Vô Học như thế không còn cảnh giới tái sanh. Những bậc như thế chỉ có Vô Dư Níp Bàn, là Bất diệt (Accutam) là Bất Tử (Amatam).
Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:
“Ahiṃsakā ye munayo,
Niccaṃ kāyena saṃvutā.
Te yanti accutaṃ ṭhānaṃ,
Yattha gantvā na socare”.
“Bậc hiền không hại ai,
Thân thường được chế ngự
Đạt được cảnh bất tử,
Đến đây, không ưu sầu”
CHÚ GIẢI:
Munayo: Chỉ bậc Tịnh giả Vô học đã đắc Đạo Quả nhờ lối tu hành hoàn hảo.
Kāyena: Lời kinh thì vắn tắt, nhưng theo Lý thì cả ba là thân, khẩu, ý đều phải thu thúc.
Accutaṃ: Bất hoại, thường tồn (massatam)
Ṭhānaṃ: Chỗ vững bền, không xao động, chỗ vĩnh cửu, trường tồn.
Yattha: Nơi đó, ám chỉ Níp Bàn là nơi không còn sầu bi, khóc lóc nữa. Cuối thời Pháp nhiều vị Tỳ khưu chứng Thánh Quả, nhất là quả Tu Đà Hườn.
Dịch Giả Cẩn Đề
Ba ngàn kiếp sống, rõ lâu xa
Ấp ủ tình thâm mẹ với cha
Ai dễ nào quên con, cháu cũ
Dầu nay cách biệt, chẳng chung nhà
Phật không phủ nhận tiếng kêu con
Tình đã phôi pha nghĩa vẫn còn
Độ mẹ cha già xưa khỏi khổ
Ba trăng, bốn Quả kịp vuông tròn.
DỨT TÍCH CHƯ TĂNG VẤN ĐẠO
Nguồn : Source link
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 12