Tích Hoàng Hậu Khemā – xuất gia và câu chuyện tiền kiếp
Tích Hoàng Hậu Khemā – xuất gia và câu chuyện tiền kiếp
Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV
“Ye rāgarattānupatanti sotaṃ
Sayaṃ kataṃ makkaṭako’va jālaṃ
Etaṃ pi chetvāna vajanti dhīrā
Anapakkhino sabbadukkhaṃ pahāya”.
“Người đắm say ái dục
Tự lao mình xuống dòng
Như nhện sa lưới dệt
Người trí cắt đứt nó”.
Pháp Cú nầy được Đức Đạo Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại Tịnh xá Veḷuvana, đề cập đến Hoàng hậu Khemā.
Tương truyền rằng: Hoàng hậu Khemā đã phát nguyện dưới chân của đức Chánh Đẳng Chánh Giác có Hồng danh là Padumuttara, nàng mong cầu được sắc đẹp vô cùng khả ái cho mình. Đến thời Đức Phật hiện tại, nàng thành tựu sắc đẹp tuyệt mỹ, nàng là Vương hậu của vua Bimbisāra. Khi Bậc Đạo Sư ngự về Vương Xá thành để tế độ quần sanh, tiếng tán thán Ngài lan truyền đến tai Hoàng hậu Khemā và nàng cũng được nghe rằng: “Bậc Đạo Sư thường chỉ trích về thể trược của xác nhân”. Vì thế, nàng e ngại khi đến đảnh lễ Đức thế Tôn. Để khuyến dụ nàng Khemā, Đức vua Bimbisāra biết nàng rất ưa thích cảnh đẹp khả ái, Ngài liền thuê những thi nhân mặc khách, sáng tác những vần thơ ca ngợi cảnh trí u nhàn thanh nhã của Tịnh xá Trúc Lâm, Ngài giao cho nhạc sĩ những vần thơ tạo thành những khúc ca du dương, rồi những vũ nữ của nàng Khemā ngâm vịnh, hoặc hát lên những bài hát tán thán cảnh trí u tịch của Tịnh xá Veḷuvana. Hoàng hậu Khemā nghe những đoản thi, những khúc nhạc ấy, có cảm tưởng rằng mình chưa từng được viếng cảnh Trúc Lâm, chưa từng thưởng thức được cảnh đẹp u nhã thanh mặc như vậy. Nàng phán hỏi nữ tỳ rằng:
– Cảnh nầy ở đâu thế?
– Tâu lịnh Bà! Đây là cảnh thanh nhã của Veḷuvana.
Hoàng hậu Khemā khởi lên sự ước muốn đến thăm viếng cảnh đẹp Veḷuvana.
Một hôm, không dằn được lòng với sự náo nức của tâm, Hoàng hậu Khemā lần dò đến Tịnh xá Veḷuvana, Đức thế Tôn bấy giờ đang thuyết giảng Pháp thoại đến thính chúng, biết được duyên lành của Hoàng hậu Khemā đã chín muồi. Ngài liền hóa hiện ra một nữ lang xinh đẹp tuyệt trần, đang cầm quạt hầu Đức Thế Tôn.
Hoàng hậu Khemā lần bước đi đến nơi ngự của Đức Đạo Sư, trông thấy mỹ nữ đang cầm quạt hầu Đức Thế Tôn, nàng suy nghĩ: “Mọi người thường nói: “Bậc Chánh Đẳng hằng chê trách sắc đẹp”, thế nhưng nàng thiếu nữ nầy đang quạt hầu Ngài đây, nhan sắc của ta so với nàng thật một trời một vực, ta không được một phần xinh đẹp của nàng. Nhan sắc tuyệt mỹ như thiên tiên nầy, ta chưa từng thấy bao giờ cả. Hẳn mọi người đã vu khống cho Ngài với lời lẽ không thật rồi”.
Thế là, Hoàng hậu Khemā bị nhan sắc thiếu nữ ấy thu nhiếp, nàng không nghe Pháp thoại của Đức Thế Tôn, chỉ chú trọng ngắm nhìn nhan sắc của nàng thiếu nữ.
Đức Thế Tôn biết rằng Hoàng hậu Khemā khởi tâm so sánh về sắc đẹp. Ngài dùng thần thông lực biến chuyển sắc ấy thay đổi theo từng thời: Thiếu niên, trung niên, lão niên, cho đến khi thiếu nữ ấy chết đi, thây thi đã rời, chỉ còn lại một bộ xương (như chuyện nàng Rūpanandā).
Hoàng hậu Khemā theo dõi, thấy được sắc ấy lão mãi rồi đi đến suy vong như thế, suy nghĩ rằng: “Sắc đẹp tuyệt trần như thế ấy, cũng phải đi đến sự hoại diệt chỉ trong chốc lát như vậy. Thật vậy, thân nầy quả thật trống không, không có cốt lõi”.
Bậc Đạo Sư thấu rõ tâm trạng chán nản của Hoàng hậu Khemā, Ngài liền phán dạy rằng:
– Nầy Khemā, ngươi đang suy nghĩ: Lõi có thật trong sắc thân nầy có chăng? Nầy Khemā, ngươi hãy nhận thức rằng: Trong sắc thân nầy chẳng có cốt lõi đâu, ngươi hãy nhận biết như thế tại nơi nầy đi.
Rồi Ngài tuyên thuyết lên kệ ngôn rằng:
– Nầy Khemā! Ngươi hãy nhìn xác thân bịnh tật nầy, đầy dẫy chất bất tịnh, sình thúi chảy ra cả phía trên, phía dưới mà kẻ ngu ham thích (đắm say) vô cùng.
Dứt kệ ngôn Hoàng hậu Khemā an trú vào Dự Lưu Thánh Quả. Kế tiếp, Đức Thế Tôn phán dạy nàng rằng:
– Nầy Khemā! Tất cả chúng sanh tràn đầy với mọi ái dục, nóng nảy với sân hận, say cuồng với si mê mới không thể thấy dòng ái dục được, phải bị dính trong dòng ái dục như vậy đó.
Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:
“Ye rāgarattānupatanti sotaṃ
Sayaṃ kataṃ makkaṭako’va jālaṃ
Etaṃ pi chetvāna vajanti dhīrā
Anapakkhino sabbadukkhaṃ pahāya”.
“Người đắm say ái dục
Tự lao mình xuống dòng
Như nhện sa lưới dệt
Người trí cắt đứt nó”.
CHÚ GIẢI:
Makkaṭoko va jātaṃ: nghĩa là: Giống như con nhện làm lưới, tức là nó nằm ngay giữa lưới được chính nó dệt, để bắt giết những con côn trùng nào rơi vào lưới ấy, sau khi ăn xong, nhện lại quay về nằm nơi chỗ cũ. Việc ấy như thế nào, thì tất cả chúng sanh sẽ rơi vào dòng ái dục do chính mình tạo ra, chúng sẽ không thoát ra được dòng ái dục cũng như thế.
Do vậy, dòng ái dục người ta khó thoát được là như vậy.
Etaṃ pichetvāna vajanti dhīrā: nghĩa là các bậc trí đã cắt đứt sự trói buộc ấy, không ái luyến, chấm dứt mọi khổ đau bằng A La Hán đạo và ra đi.
Dứt kệ ngôn, Hoàng hậu Khemā an trú vào Thánh Đạo A La Hán. Đức Thế Tôn phán dạy Đức vua Bimbisāra rằng:
– Nầy Đại Vương, nên để Hoàng hậu Khemā xuất gia hay để nàng Vô Dư Níp Bàn?
– Bạch Thế Tôn, xin Ngài hãy cho nàng được xuất gia, chớ nên để người như nàng sớm Níp Bàn.
Thế là Hoàng hậu Khemā được xuất gia trong Ni chúng, nàng trở thành vị Tỳ Khưu Ni tối thắng về hạnh trí tuệ.
Dịch Giả Cẩn Đề
Khê Ma Hoàng hậu đẹp tuyệt trần,
Sợ Phật chê mình, chẳng dám gần,
Vua phải cho phường ca hát dạo,
Dụ vào ngự uyển, gặp giai nhân,
Phật cho hậu thấy cảnh vô thường,
Mỹ nữ già nua, giống bộ xương,
Sắc đẹp mau tàn, không thực chất,
Thân người: như xác chết sình chương!
Khê Ma hết luyến tự thân bà,
Tâm đã băng qua khỏi ái hà…,
La Hán không còn nương thế tục,
Vua đành để Hậu sống ly gia
DỨT TÍCH HOÀNG HẬU KHEMĀ
Nguồn : Source link
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 20