Đại đức XA NẶC ( Chandaka – Channa )

PHỤ LỤC
(Do cư sĩ Hạnh Cơ biên soạn thêm)

Đại đức XA NẶC

(Chandaka – Channa)

(Người hầu cận trung thành của thái tử Tất Đạt Đa thuở trước ở hoàng cung)

(Lời người dịch: Xa Nặc vốn là người hầu cận trung thành của thái tử Tất Đạt Da. Tuy xuất thân tu giai cấp nô lệ, nhưng ông đã thường được nhắc nhở tới trong kinh điển, vì cuộc đời của ông đã gắn bó khắn khít với cuộc đời đức Phật, từ thời gian trai trẻ của Ngài hồi còn ở hoàng cung Ca Tì La Vệ, cũng như sau ngày Ngài thành đạo. Có thể nói, ông chỉ sống xa đức Phật trong khoảng 8 năm, từ khi Ngài đi xuất gia Ca Diếp khi Ngài về thăm hoàng cung lần thứ nhất sau ngày thành đạo. Câu chuyện về đại đức Xa Nặc sau đây, đã được chúng tôi trích dịch từ sách Disciples of the Buddha của Zenno Ishigami [bản dịch Anh ngữ của Richard L. Gage và Paul McCarthy – Kosei Publishing Co. xuất bản, Tokyo, 1989, trang 131-137]).

Mùa mưa năm ấy, đức Phật đã về an cư tại tu viện Kì Viên (Jetavana). Rất đông đảo chư tăng đã qui tụ về đây để được tu học dưới sự chỉ dạy của Ngài, trong đó có đại đức Xa Nặc. Đức Phật nói pháp mỗi ngày, và mọi người đều chú tâm lắng nghe từng lời dạy của Ngài. Trong tăng đoàn, có hai vị được đại chúng kính trọng một cách đặc biệt, đó là tôn giả Xá Lợi Phất, trí tuệ bậc nhất, và tôn giả Mục Kiền Liên, thần thông bậc nhất, nhưng đại đức Xa Nặc thì lại nhìn hai vị ấy với lòng đầy ắp ganh tị. 

Cũng nghe lời Phật dạy, nhưng mỗi vị đệ tử đã chọn cho mình một pháp môn riêng để hành đạo. Có vị thì thích ngồi thiền để đưa tâm thức vào cảnh định sâu thẳm. Có vị chỉ thích học thuộc lòng những bài pháp của Phật. Có vị thì chú ý vào việc nghiên cứu và bàn luận về phương diện lí thuyết của giáo pháp. Rất nhiều vị thích gần gũi các vị trưởng lão để được chỉ dẫn cho những điều khó hiểu trong giáo lí.

Đạc biệt, hai trưởng lão Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, lúc nào cũng được các vị sư trẻ tuổi bu quanh với lòng thiết tha học hỏi. Điều đó đã làm cho đại đức Xa Nặc cảm thấy bị chạm tự ái rất nhiều.

Xa Nặc vốn là một người nô lệ, phục vụ trong hoàng cung Ca Tì La Vệ, thủ đô của vương quốc Thích Ca. Khi đức Phật (nguyên là thái tử đông cung của vương quốc Thích Ca) trở về Ca Tì La Vệ lần đầu tiên sau ngày thành đạo, Xa Nặc vừa nhìn thấy Ngài, liền phát sinh lòng kính ngưỡng sâu xa. Ông ước mong sẽ được làm đệ tử của bậc tôn quí ấy, nhưng làm sao đây? Một kẻ nô lệ thì đâu có thể được chấp nhận vào tăng đoàn! Dù vậy, khi nhìn thấy con của các vị hoàng thân đi xuất gia thì ông không thể tự kềm chế nỗi ao ước của mình được. Ông bèn lấy hết can đảm, đến trước đức Phật, thưa với giọng ấp úng:

– Con cũng muốn được xuất gia, nhưng con lại là một kẻ thuộc giai cấp nô lệ … Có lẽ con không có hi vọng gì …

Đức Phật liền bảo ngay:

– Này Xa Nặc! Hãy đến đây, ông sẽ được xuất gia.

Rồi Ngài dạy cho ông biết rằng, trong giáo pháp của Ngài không có sự phân biệt giai cấp. Mọi người đều có thể giác ngộ nếu biết tôn kính Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng, và nghiêm trì giới luật, cố gắng đạt đạo. Ông đã nhìn chăm chú vào mắt đức Phật khi Ngài dạy những lời ấy. Về sau, mỗi khi nhớ lại cái nhìn đầy tình thương yêu sâu thẳm của Ngài lúc ấy, Xa Nặc đều cảm thấy niềm an lạc dâng cao trong tâm hồn.

Đúng như lời Phật dạy, trong giáo đoàn của Ngài có rất nhiều vị từng là Bà la môn, thương gia hay địa chủ. Nhiều vị từng là những trưởng giả cự phú, và họ đã từ bỏ tất cả để sống đời xuất gia. Có nhiều vị quí tộc đã từ bỏ cả những người vợ xinh đẹp của họ. Tất cả đều khóac trên mình chiếc áo ca sa giống nhau, và đi khất thực đó đây với một chiếc bình bát như nhau.

Từ khi đại được Xa Nặc trở thành một trong những vị tì kheo gia nhập tăng đoàn từ buổi sớm, những vị xuất gia sau đó đều tỏ lòng kính trọng đại đức. Thấy thế, đại đức đã suy nghĩ: “Hồi còn ở hoàng cung, ta đã từng bị mọi người sai bảo và khinh bỉ, nhưng từ bây giờ trở đi thì mọi chuyện đều đổi khác”. 

Thật vậy, từ khi mọi người từ lớn đến nhỏ trong tăng đoàn đối xử một cách cung kính, đại đức Xa Nặc càng ngày càng cảm thấy hãnh diện về địa vị của mình. Bây giờ đại đức thấy, hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, chỉ xuất gia suýt soát cùng thời gian với đại đức, mà lại được các đại đức trẻ tuổi tìm đến nương tựa coi như là hai vị cố vấn đầy kinh nghiệm của họ; đại đức tự hỏi, “Tại sao người đáng nương tựa không phải là ta?” Đại đức bắt đầu cảm thấy bị xúc phạm, và cuối cùng thì công khai nói xấu hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Sự việc đó đến tai Phật. Ngài liền cho gọi đại đức đến và hỏi tại sao lại có thái độ như vậy. Đại đức đã nhận lời quở trách của Phật như một liều thuốc bổ dưỡng, và đã hối hận đến nỗi không dám ngẩng dầu lên.

Từ đó đại đức cố gắng kiểm soát tâm ý mình, và siêng năng tu tập, nhưng chỉ một thời gian sau, chứng nào lại vẫn tật ấy. Bất cứ lúc nào đại đức nhìn thấy hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, mối hận cũ lại bùng lên, mà đôi khi lại còn mãnh liệt hơn trước. Nhiều vị đại đức trẻ, công phu tu học còn non yếu, lại vô tình nuôi lớn thêm sự ngông cuồng của đại đức bằng cách dành cho đại đức những lời tâng bốc đẹp đẽ. Bởi vậy, một lần nữa, đại đức lại gây hấn với hai vị trưởng lão kia. Đức Phật biết tin, lại khiển trách, và đại đức lại tỏ lòng hối lỗi, nhưng sự ăn năn của đại đức lúc nào cũng chỉ được một thời gian ngắn thôi. Sau khi đã ba lần phạm cùng một lỗi ấy, đức Phật mới gọi đại đức đến và trách mắng một cách nặng nề: 

– Này Xa Nặc! Hai thầy Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên thật sự là những người bạn tu tốt nhất của thầy trong đạo pháp. Thầy không nên để cho chính mình bị kéo vào những hành vi sai trái bởi sự ngu muội và những người không xứng đáng.

Khi mùa mưa chấm dứt, và đồi núi cùng những cánh đồng ở Kiều Tát La (Kosala) phơi mình tươi sáng dưới ánh nắng mặt trời, đức Thích Ca Mâu Ni liền rời tu viện Kì Viên, lên đường tiếp tục sự nghiệp hoằng hóa. Chư tăng cũng vậy, đã lần lượt rời tu viện để đi hành đạo ở nhiều địa phương khác nhau. Đại đức Xa Nặc cũng rời tu viện, và tự mình tìm theo dấu chân Phật. Từ thành Xá Vệ (Sravasti – Savatthi), đại đức đi về hướng Nam đến trấn Ta Chỉ Đa (Saketa), rồi sang thành Ba La Nại (Varanasi – Baranasi), một thành phố thương mại nằm trên bờ sông Hằng, và là thủ đô của vương quốc Ca Thi. Từ đó đi ngược bờ sông, đại đức đến Kiều Thưởng Di (Kausambi – Kosambi), một trung tâm mậu dịch phồn thịnh, và là kinh đô của vương quốc Bạt Sa (Vatsa – Vamsa). Đại đức đến đâu cũng được dân chúng hoan nghênh; tại vì, người dân ở địa phương nào cũng vậy, đều rất sung sướng được đón tiếp bất cứ vị đệ tử nào của Phật đi ngang qua khu vực của họ, và đều đem hết lòng thành hướng về vị ấy để chờ nghe thuyết pháp. Trong lúc đó thì đại đức lại tin rằng, sở dĩ đại đức được tiếp đón nồng hậu như thế là bởi vì đại đức đã trở thành một vị tăng xuất chúng, xứng đáng nhận được sự tôn kính của tín đồ dành riêng cho mình.

Sau một cuộc hành trình dài, đức Phật đến tu viện Cù Sư La (Ghosilarama – Ghositarama) (1) ở thành phố Kiều Thưởng Di. Đại đức Xa Nặc cũng đến đây gặp Phật, và ở lại đó vài hôm. Tại đây, một vị thí chủ giàu có và nhiệt thành, đã tỏ lòng kính trọng và muốn cúng dường cho đại đức, bèn thỉnh nguyện:

– Bạch đại đức Xa Nặc! Xin đại đức hãy ở lại đây để giảng pháp. Con muốn xây riêng cho đại đức một ngôi chùa. Xin đại đức vui lòng chọn địa điểm và chỉ dẫn cho con biết nên xây ngôi chùa ấy như thế nào.

Đại đức vui mừng không xiết, và thầm nghĩ: “Cuối cùng thì ta cũng được mọi người tôn kính như Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên!”

Đại đức liền đi rảo quanh kinh thành Kiều Thưởng Di, và tìm thấy một cây ni câu đà (nyagrodha – nigrodha) rất lớn, sống lâu có đến vài trăm năm. Cho rằng cây đại thọ này chắc chắn sẽ cho gỗ tốt để xây chùa, đại đức bèn mướn người cưa nó xuống, nhưng thật là không may, cây đại thọ đó được người địa phương coi là một cây linh thiêng, được dân chúng sùng kính trải qua nhiều thế hệ. Quá tức giận với hành động khinh suất của đại đức Xa Nặc, dân chúng trong thành phố liền kéo nhau đến tu viện Cù Sư La để khiếu nại. Đức Phật liền cho gọi đại đức đến và quở trách nặng nề:

– Có phải thầy nghĩ rằng đó là những hành động chính đáng của một vị tì kheo, khi thầy khinh thường những gì mà dân chúng sùng bái? Thầy có biết rằng, nhiệm vụ của một vị tì kheo chỉ là đem giáo pháp phân bố cho mọi người nhằm giúp họ đạt đến an lạc và hạnh phúc không? Hành động của thầy quả thật đã làm tổn thưong cho đạo pháp và gây nguy hiểm cho giáo đoàn!

Xa Nặc cũng lại buồn rầu trong một thời gian, và ngôi chùa nguy nga ba tầng đã sớm hoàn thành, đại đức lại vui mừng vô hạn. Đại đức quyết định lợp thêm một mái ngói thật đẹp, nhưng mái ngói ấy chưa kịp hoàn tất thì ngôi chùa đã bị sập vì quá nặng; làm cho rất nhiều công nhân bị thương. Vậy mà đại đức bất chấp tất cả, ngôi chùa xa xỉ của đại đức cứ phải hoàn thành! Đại đức đã bảo vị thí chủ mua cho một chiếc giường thật rộng và đẹp như những chiếc giường của các hoàng tử hay quí tộc nằm, để đại đức dùng. Đại đức đã từ chối tham dự lễ “bố tát” mỗi nửa tháng, vì cho rằng mình không phạm lỗi lầm gì để phải tới đó thú nhận.

Đại đức Xa Nặc hoàn toàn không thể khắc phục những khuyết điểm của mình. Đại đức tiếp tục phạm luật, rồi sám hối, rồi lại phạm luật không giữ đúng những lời hứa trước đức Phật, lần này lại lần khác, cứ thế cho đến già.

Tại rừng Câu Thi Na (Kusinagara – Kusinara), trước giờ phút nhập niết bàn, đức Phật đã dặn dò tôn giả A Nan, sau khi Ngài nhập diệt, tất cả mọi người trong tăng đoàn không được nói chuyện với Xa Nặc, dù ở bất cứ trường hợp nào. Nếu Xa Nặc muốn gợi chuyện với vị nào, vị đó phải giữ im lặng, không trả lời. Tôn giả A Nan hỏi tại sao Ngài phải có quyết định đó, đức Phật dạy:

– Xa Nặc vẫn còn chìm sâu trong vọng tưởng. Ngày nào Như Lai còn sống trên đời, thì ngày đó thầy ấy còn có người kềm chế, nhưng sau khi Như Lai diệt độ rồi thì không ai có thể kềm chế thầy ấy được. Muốn giúp cho thầy ấy tỉnh ngộ, chúng ta phải cô lập thầy ấy một thời gian, để thầy ấy tự xét lại chính mình.

Lúc bấy giờ đại đức Xa Nặc đang bố giáo ở một vùng gần đó, cho nên tin đức Phật nhập niết bàn đã đến với đại đức rất nhanh. Đại đức lập tức đến rừng Câu Thi Na, hỏi thăm tôn giả A Nan chi tiết về giờ phút nhập diệt của đức Phật. A Nan từng nổi tiếng là người luôn luôn tử tế và thiện cảm, vậy mà tôn giả đã không trả lời câu hỏi thăm của Xa Nặc, lại quay mắt đi với vẻ mặt đau buồn. Đại đức tự hỏi: “Có phải vì ông ấy quá buồn rầu đến nỗi kiệt sức, cho nên không trả lời được câu hỏi của ta?” Nhưng khi khám phá ra là ai ai cũng đều từ chối nói chuyện với mình, thì đại đức liền đổi thái độ từ ngạc nhiên ra giận dữ. Đại đức nghĩ, toàn thể tăng chúng tại đây đã quyết định xa lánh mình sau khi Phật nhập diệt. Đại đức lại càng tức giận, và bỏ đi. thế rồi trên đường đi, các cị tăng sĩ bạn tu khác, khi vừa nhìn thấy đại đức từ xa, đã vội lẩn tránh không muốn gặp mặt. Đại đức rất đổi kinh ngạc về thái độ lạ lùng ấy của họ. Đại đức liên tiếp bị đẩy vào tình cảnh cô đơn, và sự đau đớn bởi cách đối xử ấy còn thê thảm hơn nỗi đau đớn về thể xác, nhưng đại đức hoàn toàn không hiểu được lí do đã dựng nên bức tường băng đá của sự im lặng này.

Một ngày kia, đại đức Xa Nặc đi thơ thẩn đến vườn Lộc Uyển, gần thành Ba La Nại, nơi mà trước đây đức Phật đã chuyển bánh xe pháp lần đầu tiên. Thình lình đại đức nhớ ra rằng, chỉ có thiền tọa mới giải tỏa được mọi nỗi lo âu một cách hữu hiệu. Thế rồi đại đức ngồi xuống nơi một gốc cây lớn trong khu vườn, và bắt đầu nhập định. Trải qua nhiều ngày như thế, đại đức đã chiến đấu mạnh mẽ với cảm giác cô đơn và ý tưởng bị mọi người bỏ rơi. Rồi một hôm, chỉ trong khoảnh khắc ngắn trước buổi bình mình, một tia sáng của sự thật bỗng lóe lên trong tâm thức, đại đức chợt nhận ra: “Suốt trong thời gian qua, ta đã là một tên nô lệ của sự tham đắm. Đức Phật đã từng dạy về Bốn Sự Thật như là một phương pháp để thoát khỏi vũng lầy tham đắm này. Ta đã hãnh diện giảng dạy cho tín đồ về những sự thật đó, nhưng chính ta thì lại không tu tập cho bản thân mình. Ta chỉ biết sử dụng mọi năng lượng của mình trong việc hủy báng người khác, mà chưa từng đối diện với chính mình”. Chiếc cùm từng khóa chặt tâm ý đại đức bấy lâu, giờ đã bị tháo tung. Đại đức vừa thấy rõ mặt mũi của sự ngu dốt mà từ lâu nay đại đức đã ôm lấy. Đại đức cũng bắt đầu hiểu được lí do vì sao mà gần đây đại chúng đã công khai xa lánh mình.

Đại đức liền rời vườn Lộc Uyển, và đi thẳng về tu viện Cù Sư La, nơi đó, tôn giả A Nan đang có mặt. Đại đức gieo mình dưới chân tôn giả, xin tha thứ; và tôn giả chỉ dạy lại cho phương pháp tu tập để có thể đạt đến an lạc thực sự.

Tôn giả A Nan nhìn Xa Nặc một cách chăm chú, rồi nghiêm nghị gật dầu. Bấy giờ tôn giả mới cho cho đại đức biết những gì đức Phật đã dặn dò trước khi Ngài nhập niết bàn. Đại đức lẩm bẩm: “Đức Thế Tôn thật dã săn sóc cho mình rất nhiều, nhưng mình lại là đứa đệ tử ngu ngốc nhất của Ngài, cả đến giờ phút Ngài nhập diệt”. Đó là lần đầu tiên đại đức nhận thức rõ rệt tình thương yêu bao la của Phật.

Thật chậm rãi và thật nghiêm trang, tôn giả A Nan bắt đầu giảng dạy trở lại cho đại đức về Ba Ngôi Báu và con đường của tám sự hành trì chân chánh. Lời dạy của tôn giả hoàn toàn làm tươi mát lại tâm hồn Xa Nặc, như nước thấm vào khoảnh đất khô. Và cuối cùng, đại đức đã đạt đến cái trạng thái không còn bị lay chuyển nữa. Từ hôm đó, đại đức dã dùng tất cả thì giờ và công sức vào việc tu tập. Rốt cuộc, đại đức dã chứng được quả vị A la hán, mọi người đều sùng kính.

Niềm vui của đại đức Xa Nặc khi vừa giác ngộ đã được ghi lại trong phẩm “Trưởng Lão Kệ” (2) như sau:

 Nhờ vị trưởng lão có trí tuệ siêu việt,

 Tôi được nghe giáo pháp vi diệu của bậc Tôn Sư,

 Và tu tập để đạt đến quả Vô sinh,

 Quả thật người (3) đã theo đuổi tận cùng,

 Con đường đưa đến sự an lạc tuyệt đối.

CHÚ THÍCH (của người dịch)

(1) Cù Sư La (Ghosila – Ghosita) là một vị trưởng lão ở thành phố Kiều Thưởng Di, kinh đô của vương quốc Bạt Sa. Ông là một trong ba vị đại thần của vua Ưu Điền (Udayana). Một hôm, nghe nói có Phật và giáo đoàn đang hành hóa tại thành Xá Vệ, ông liền sang đó để xin yết kiến Phật và nghe pháp. Ông qui y theo Phật và thỉnh Phật sang Kiều Thưởng Di hoằng hóa. Được Phật chấp thuận, ông quay về Kiều Thưởng Di xây cất một ngôi tu viện lớn ngay trong khu rừng cây của ông để cúng dường Phật và giáo đoàn, gọi là tu viện Cù Sư La.

(2) “Trưởng Lão Kệ” (Theragatha), trong Tiểu Bộ Kinh [Khuddakanikaya], thuộc Tạng Pali).(3) Ở câu thứ nhì của bài kệ, đại đức Xa Nặc đã dùng chữ “tôi” (I – đại danh từ ngôi thứ nhất) để nói về mình; nhưng ở câu thứ tư, đại đức lại dùng chữ “người” (he – đại danh từ ngôi thứ ba), cũng để nói về mình. Đó là ý tứ sâu xa của bậc đạt đạo. Khi chưa đạt ngộ thì còn thấy có TA là người học đạo, nhưng khi đã đạt ngộ rồi thì không còn thấy có cái TA ấy nữa.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 171

Post Views: 1.246