Đức Phật và lời nguyện độ vị đệ tử cuối cùng trong nhiều kiếp

Đại chúng nghe đức Phật cặn kẽ giải đáp xong, ai nấy đều cảm thấy như khát được uống, đói được ăn, tâm trí sáng ngời, cõi lòng thanh thản an vui, đồng đỉnh lễ Phật, rồi cùng ngồi xung quanh nghe Phật di chúc những lời cuối cùng.

>>Đức Phật 

Một hôm đang lúc ở thành Câu-Thi-Na, trong rừng Ta-La Song-Thọ, đức Phật gọi A-Nan bảo rằng: “Này A-Nan! Chỉ còn hai ngày nữa Như-Lai sẽ nhập Niết-bàn. Ta quán sát thấy ông Tu-Bạt-Đà-La nay đã một trăm hai mươi tuổi, từ lâu tin theo đạo Bà-la-môn, chuyên tu phạm-hạnh, căn tính thuần thục, là người cuối cùng đáng được độ cho xuất gia thọ giới tu hành để chứng thành đạo quả. Vậy A-Nan, con hãy đi gấp đến chỗ ở của ông ấy, để khuyên ông nên mau mau đến gặp Như-Lai sẽ tùy theo đó mà giải đáp để cho ông ta sớm được tỏ ngộ Chính pháp”.

A-Nan vâng lệnh đức Phật, hoan hỷ vội vã lên đường đi đến ngôi làng cách rừng Ta-La Song-Thọ, nơi đức Phật sắp nhập Niết-bàn, khoảng mười chín dặm. Nơi đây, ông Tu-Bạt-Đà-La đang chuyên tâm trì trai giữ giới, tu tập phạm hạnh theo đạo Bà-la-môn, đã chứng đắc ngũ thông. Tu-Bạt-Đà-La từ lâu nghe danh tiếng đức Phật và cũng đã được bạn bè nhiều lần khuyên ông nên tìm đến ra mắt đức Phật để cầu đạo lý Chính pháp. Nhưng bởi do sở-tri-chướng và giới-cấm-thủ của ông quá sâu nặng, nên ông chỉ nể tình bạn đạo mà hẹn rày hẹn mai, rồi cuối cùng từ chối tất cả những lời khuyên tốt lành của bạn hữu.

Nhưng lạ thay! Lần này khi vừa thấy A-Nan đến, lòng Tu-Bạt-Đà-La đặc biệt vui mừng. Khi nghe A-Nan khuyên ông nên mau mau lên đường đến yết kiến Phật, để Phật giảng giải những chỗ nghi hoặc, vì ngày giờ Phật nhập Niết-bàn không còn bao lâu nữa. Vừa nghe A-Nan khuyên như vậy, ông Tu-Bạt-Đà-La không một chút do dự, vui vẻ nhận lời, liền theo tôn giả A-Nan đến rừng Ta-la Song-thọ, vừa thấy tôn nhan uy nghiêm sáng chói của Phật, Tu-Bạt-Đà-La tự nhiên cảm thấy nơi lòng như có một dòng suối mát chảy khắp cả người, tâm hồn trở nên bình thản thanh thoát lạ thường. Liền đó, những giáo điều cằn cỗi của đạo Bà-la-môn rằng buộc tâm tư ông từ bao năm tháng thoát nhiên tiêu tan. Bây giờ ông cảm thấy tâm hồn sảng khoái nhẹ nhàng thoát ly trần tục. Trước mặt ông là đức Phật sáng ngời hiển lộ ra ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, tỏa ra phong độ từ bi hỷ xả tự tại giải thoát siêu phàm, không như trí ông đã tưởng tượng trước đây.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đối với đức độ oai nghi trang nghiêm thanh tịnh của Phật, khiến cho Tu-Bạt-Đà-La khởi lòng cung kính đỉnh lễ sát đất. Mỗi lạy tâm trí của ông mỗi bừng sáng như bình minh rạng rỡ ánh xuân.

Sau khi được Phật ân cần giải đáp những chỗ nghi hoặc, đồng thời khai thị cho ông nhận chân thật tướng các pháp, khiến cho ông thể nhập bản tính chân tâm. Bấy giờ Tu-Bạt-Đà-La thành kính đỉnh lễ Phật, khẩn thiết xin cho được xuất gia thọ giới, khởi tâm thâm tín phát nguyện tinh chuyên như pháp tu hành. Ngay trong đêm ấy, ông chứng được quả A-la-hán. Tu-Bạt-Đà-La thành khẩn xin được đỉnh lễ tạ ơn Phật đã khai thị cho ông và liền đó ông thu thần tịch diệt trước Phật.

Hiện tượng kỳ diệu đặc thù của ông Tu-Bạt-Đà-La như thế khiến cho lòng đại chúng lúc bấy giờ thắc mắc nghi vấn. Tất cả đều hướng mắt nhìn về đức Phật với cõi lòng mong mỏi được sự giải đáp đích thực. Đức Phật biết rõ tâm trạng của đại chúng nghi ngờ. Ngài với phong độ từ dung, giọng nói thật hiền hòa trong sáng như chuông ngân, lần lượt giảng giải: “Này các đệ tử! Ta biết các con trong lòng đang mang nỗi thắc mắc nghi vấn về Tu-Bạt-Đà-La. Tại sao Tu-Bạt-Đà-La lại nghe lời khuyên của A-Nan một cách dễ dàng để đến đây ra mắt Như-Lai? Tại sao khi thấy A-Nan, Tu-Bạt-Đà-La khấp khởi vui mừng và nhất là sau khi thọ Tỳ-kheo-giới, Tu-Bạt-Đà-La tu hành chỉ có một ngày đêm liền chứng quả A-la-hán và liền đó thu thần tịch diệt. Khi Như-Lai thu nhận, Tu-Bạt-Đà-La tuổi đã già đến một trăm hai mươi rồi, làm người đệ tử xuất gia cuối cùng? Những điều thắc mắc của các con quả thật chính đáng! Vậy, các đệ tử hãy lắng nghe, ta sẽ vì các con mà giải hết mối nghi ngờ trước khi ta vào Niết-bàn”.

Khi nghe đức Phật nêu đúng chỗ nghi vấn của mình, đại chúng ai nấy đều vô cùng vui mừng hớn hở, như khát gặp nước, như đói gặp thức ăn, mong ngóng chờ pháp âm của Phật.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khắp nhìn đại chúng, đức Phật nói: “Trong thời quá khứ xa xưa, có một kiếp nọ ta bị đọa làm thân con nai chúa. Một hôm bỗng nhiên trời nổi mưa to gió lớn, nước lụt ngập cả khu rừng, nơi ta và đàn nai đã từng sống yên ổn bao năm, bây giờ lâm cảnh nguy khốn dập dồn, nai phải dời chỗ ẩn trú. Lúc bấy giờ nai chúa đã phải lần lượt đem sức cứu hết đàn nai qua sông. Cuối cùng chỉ còn một con nai nhỏ yếu nhất đàn, nai chúa phải ra sức cưu mang qua bờ an toàn bên kia. Nai chúa phải cố lấy hết sức tàn bơi qua dòng nước lũ, mang nai con đến bờ, rồi cố ngoi đầu lên mấy lượt như luyến tiếc trối trăng điều gì, rồi ngay khi đó nai chúa tắt thở, buông trôi chìm sâu theo dòng nước cuốn. Trong lúc hấp hối sắp vĩnh biệt trong dòng nước lũ cuốn phăng, nai chúa khởi tâm nguyện: “Trong tương lai, khi tu hành thành Phật sẽ độ hết đàn nai, đặc biệt là nai con sẽ được độ xuất gia tu hành thành đạo, trước khi Niết-bàn”.

Đức Phật nói tiếp: “Này các đệ tử! Các con nên biết rằng, đàn nai kia chính là tiền thân các con ngày hôm nay. Còn nai con được cứu sống cuối cùng, thì không ai đâu xa lạ, mà chính là tiền thân của ông Tu-Bạt-Đà-La. Nai chúa thời đó, chính là tiền thân của Như-Lai ta ngày nay đây”.

Đức Phật còn nói tiếp:

– Này các đệ tử! Lại nữa, ta còn nhớ trong một kiếp quá khứ xa xưa ở thời quá khứ, khi ta còn là một tăng sĩ đang tu hành dưới cội cây cổ thụ, thì bỗng một hôm vị thọ thần của cây cổ thụ này hiện ra mách bảo với ta rằng: “Bên kia dãy núi cách đây xa tám mươi dặm có đức Phật Ca-Diếp đang thuyết những bài pháp cuối cùng trước khi Ngài vào Niết-bàn. Vậy tăng nhân hãy gấp rút đến đó để ra mắt đức Phật ấy”.

Vị tăng nhân đáp:

– Đường đi quá xa lại núi non ngăn cách hiểm trở, bần tăng này làm sao đi cho kịp?

Vị thọ thần đáp:

– Nếu Ngài muốn đi, xin Ngài hãy an tọa định tâm niệm Phật thì trong giây lát sẽ được đến trước đức Phật kia.

Vị tăng nhân y theo lời thọ thần khuyên, an nhiên tĩnh tọa niệm Phật. Thọ thần liền vận dùng thần lực của mình chỉ trong giây lát đưa vị tăng nhân đến trước đức Phật Ca-Diếp, nghe pháp, thoát nhiên đại ngộ, được Phật Ca-Diếp thọ ký cho trong tương lai vào thời Hiền kiếp sẽ thành Phật hiệu là Thích-Ca Mâu-Ni. Và liền đó, vị tăng nhân kia thâu thần tịch diệt trước Phật Ca-Diếp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thọ thần thấy vậy phát nguyện rằng: “Chừng nào vị tăng nhân được Phật Ca-Diếp thọ ký kia thành Phật, thì lúc ấy tôi nguyện làm đệ tử cuối cùng của vị Phật đó, và nhập diệt trước khi vị Phật đó vào Niết-bàn”.

Phật tiếp: “Các con nên biết, vị thọ thần kia chính là tiền thân của Tu-Bạt-Đà-La. Còn vị tăng nhân chính là tiền thân của Như-Lai ta đây vậy”.

Phật lại tiếp : “Này các đệ tử! Cũng trong thời quá khứ xa xưa, có một kiếp nọ Tu-Bạt-Đà-La đã từng làm cha của A-Nan. Và cả hai cha con người này đều có tâm tu hành cùng nhau phát nguyện rằng: Hễ ai gặp minh sư tu chứng đạo trước thì mách bảo cho nhau. Do nhân duyên này mà phụ tử tình thâm và lời nguyện đời đời cùng nhau nhắc nhở gắn bó tu hành, nên vẫn còn tiềm tàng trong tâm thức đến nay. Vì vậy mà Tu-Bạt-Đà-La đã từ chối tất cả bao lời khuyên của các bạn hữu, nhưng khi thấy A-Nan đến khuyên thì Tu-Bạt-Đà-La liền vui vẻ nhận lời và cùng theo A-Nan về ra mắt Như-Lai, trước khi Như-Lai vào Niết-bàn”.

Đại chúng nghe đức Phật cặn kẽ giải đáp xong, ai nấy đều cảm thấy như khát được uống, đói được ăn, tâm trí sáng ngời, cõi lòng thanh thản an vui, đồng đỉnh lễ Phật, rồi cùng ngồi xung quanh nghe Phật di chúc những lời cuối cùng.

Trích “Lược truyện tiền thân Đức Phật”

Nguồn: Phật Học Viện Quốc Tế, 1998)

HT. Thích Đức Niệm

 

II. Thông tin thêm từ Đại Phật Sử

Câu chuyện về du sĩ Subhadda

Lúc bấy giờ Subhadda đang trú ngụ tại Kusināra. Vị ấy đã nghe tin: “Đêm nay, trong canh cuối của đêm, Sa-môn Gotama sẽ diệt độ.” Rồi Subhadda chợt nảy ra ý nghĩ như vầy: “ Ta đã nghe các du sĩ, các vị thầy, và các thầy của những vị thầy, tuyên bố rằng Đức Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến tri sanh lên trong thế gian chỉ một lần trong một thời gian rất dài. Đêm nay, vào canh cuối của đêm, Sa-môn Gotama sẽ nhập vô dư Niết bàn. Có một vấn đề, một nỗi hoài nghi, đã sanh lên trong tâm của ta, và ta hoàn toàn tin rằng Sa-môn Gotama có thể giảng dạy Giáo pháp cho ta khiến cho điều hoài nghi này được làm sáng tỏ.”

Kiếp quá khứ của Subhadda

Trước khi kể câu chuyện tiền kiếp của du sĩ Subhadda, chúng ta cần phải phân biệt cho rõ là có đến 3 Subhadda trong thời kỳ của Đức Phật Gotama. Đầu tiên là Subhadda, con trai của Upaka và Cāpā. Rồi đến Subhadda là vị tỳ khưu đã xuất gia trong Tăng chúng sau khi làm một gia chủ – vị tỳ khưu trong hội chúng đi theo đại đức Mahā Kassapa từ Pāvāđến Kusināra khi Đức Phật đã viên tịch đã nói lời xúc phạm giáo pháp rằng vì Đức Thế Tôn không còn nữa, nên các vị tỳ khưu tự do làm điều gì mà họ thích. Còn Subhadda trong câu chuyện của chúng ta ở đây là vị du sĩ, không phải đạo sĩ lõa thể, xuất thân từ một gia đình Bà-la-môn danh tiếng và giàu có, là người cuối cùng được giác ngộ trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.

Lý do khiến Subhadda có ý nghĩ muốn đến yết kiến Đức Phật trong giờ phút cuối cùng, có lẽ vì phước quá khứ của Subhadda có tiềm năng giúp vị ấy đạt được sự giác ngộ chỉ vào giờ phút muộn màng như vậy.

Tính chất đặc biệt trong phước quá khứ của Subhadda sẽ được bàn đến bây giờ. Trong một kiếp quá khứ nọ có hai anh em nông dân, cả hai đều có tâm bố thí rộng rãi. Nhưng người anh thì có ý muốn bố thí trong mỗi giai đọan của vụ mùa gồm có 9 giai đọan cả thảy. Như vậy khi những cây lúa được cấy xuống thì vị ấy để riêng một mớ hạt lúa để bố thí, lúa ấy được làm thành gạo và được đem nấu làm thành ‘cơm hạt giống cúng dường’; khi cây lúa bắt đầu ra hạt thì vị ấy bàn ý kiến với người em là lấy nước sữa của hạt lúa và đem bố thí. Lời đề nghị ấy không được người em chấp thuận: “Thưa anh, tại sao anh muốn làm hư hạt lúa non?”

Nhân đó, người anh, để có thể thực hiện ước muốn của mình, bèn chia đồng đều thửa ruộng cho người em và lấy nước sữa của hạt lúa từ phần ruộng của vị ấy, đem nấu với sữa lỏng, rồi đem bố thí gọi là ‘Sự cúng dường cơm đầu mùa’. Khi hạt lúa đã cứng chắc, vị ấy đem giã nó ra và nấu món ăn cúng dường có tên gọi là ‘Sự cúng dường những miếng cơm dẻo’. Khi đến thời kỳ gặt lúa, vị ấy làm món cúng dường gọi là ‘Sự cúng dường cơm của mùa gặt’. Khi lúa gặt được bó lại, vị ấy chọn những bó lúa đầu tiên làm thành món cúng dường có tên gọi là ‘Sự cúng dường cơm thời bó lúa’. Khi những bó lúa được chất đống trên sân đập lúa thì vị ấy nấu món cơm từ những bó lúa được chất đống đầu tiên ấy thành món cúng dường có tên gọi ‘Sự cúng dường cơm từ đống bó lúa’. Khi việc đập lúa bắt đầu, vị ấy chọn ra những bó lúa đầu tiên để đem ra đập, lấy hạt gạo nấu thành món cúng dường gọi là ‘Sự cúng dường cơm thời đập lúa’. Sau khi hạt lúa được gom lại từ sân đập lúa và được đổ lên thành đống, vị ấy chọn ra một ít từ đống lúa và làm món cúng dường có tên gọi là ‘ Sự cúng dường cơm từ đống lúa’. Khi lúa được bỏ vào kho, vị ấy lấy một ít và làm món cúng dường có tên gọi là ‘Sự cúng dường cơm thời vô kho lúa’. Bằng cách ấy, vị ấy đã thực hiện sự cúng dường cơm từ lúa cho mỗi mùa lúa.

Về phần người em trai, vị ấy chỉ cúng dường món cơm sau khi lúa gặt đã được bỏ vào kho.

Trong kiếp cuối của họ, người anh tái sanh làm Koṇḍañña trong thời của Đức Phật Gotama. Khi Đức Phật dò xét thế gian:“ Ai là người đáng được nghe bài pháp đầu tiên?” Ngài trông thấy Kiều trần Như (Koṇḍañña) là người mà trong kiếp quá khứ của vị ấy đã làm chín loại cúng dường lúa gạo trong mỗi mùa canh tác. Do đó, Kiều trần Như (một trong 5 vị Sa-môn) đáng được vinh hạnh nghe thời pháp đầu tiên có nhan đề là Dhammacakka pavattanasutta.” Như vậy, Kiều trần Như là người đệ tử đầu tiên liễu ngộ giáo pháp, được gọi là Aññasi Koṇḍañña – Koṇḍañña đã liễu ngộ, là người đã trở thành bậc thành Nhập lưu cùng với tám mươi koṭi Phạm thiên vào lúc kết thúc thời Pháp đầu tiên.

Còn người em trai, do kết quả của sự cúng dường trễ muộn, nên ý nghĩ đi yết kiến Đức Phật đến trong tâm của vị ấy chỉ vào giờ phút cuối cùng (xem Chú giải về Dīgha Nikāya).

Khi thời gian để gặt quả phước quá khứ của vị ấy cuối cùng đã đến, Subhadda mới nhớ đến Đức Phật. Vị ấy đi ngay đến khu rừng Sa la, rồi đi đến đại đức Ānanda và nói rằng:

“Thưa đại đức Ānanda, tôi đã nghe các du sĩ, các vị thầy, và các thầy của những vị thầy, tuyên bố rằng Đức Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Biến tri sanh lên trong thế gian chỉ một lần trong một thời gian rất dài. Đêm nay, vào canh cuối của đêm, Sa-môn Gotama sẽ nhập vô dư Niết bàn. Có một vấn đề, một điều hoài nghi, đã sanh lên trong tâm của tôi, và tôi hoàn toàn tin rằng Sa-môn Gotama có thể giảng dạy Giáo pháp cho tôi khiến cho điều hoài nghi này được làm sáng tỏ. Thưa tôn giả Ānanda, xin hãy cho tôi được cơ hội yết kiến Sa- môn Gotama!”

Nhân đó, đại đức Ānanda suy nghĩ: “Những vị đạo sĩ này tin vào giáo lý ngoài lời dạy của Đức Phật, bám chấp theo quan điểm riêng của họ mà thôi. Nếu Đức Phật giảng dạy cho vị Subhadda này thật đầy đủ để khiến vị ấy rũ bỏ quan điểm riêng của vị ấy, thì nó sẽ làm hao hơi tổn sức của Ngài, và Subhadda cũng không thể từ bỏ quan điểm của vị ấy. Vì như thế này mà Đức Phật đã rất mệt.” Bởi vậy đại

đức nói rằng: “Này hiền giả Subhadda, thôi đi, Đức Phật đang mệt. Đừng quấy nhiễu Ngài.”

Khi nghe trả lời như vậy, du sĩ Subhadda tự nghĩ rằng: “Đại đức Ānanda từ chối yêu cầu của ta. Nhưng người ta phải nhẫn nại để đạt được cái mà người ta muốn.” Và vì vậy vị ấy nói lần thứ hai, “ Thưa đại đức Ānanda,…” đại đức Ānanda lại từ chối. Lần thứ ba Subhadda cũng yêu cầu như trước. Và lần thứ ba đại đức Ānanda cũng từ chối.

Đức Phật đã nghe qua cuộc chuyện trò giữa du sĩ Subhadda và đại đức Ānanda. Bởi vì Ngài đã thực hiện chuyến đi đầy mệt nhọc đến Kusināra vì Subhadda, nên Ngài bảo đại đức Ānanda, “Này Ānanda, thật không thích hợp để ngăn cản Subhadda. Đừng ngăn cản Subhadda đến yết kiến Như Lai, hãy để Subhassa có cơ hội yết kiến Như Lai. Bất cứ điều gì Subhadda hỏi Như Lai, vị ấy hỏi để biết chứ không phải để phiền nhiễu Như Lai. Khi Như Lai trả lời điều vị ấy hỏi thì vị ấy sẽ hiểu ngay câu trả lời của Như Lai.”

Rồi đại đức Ānanda nói với du sĩ Subhadda: “Này hiền giả

Subhadda, hãy vào, Đức Phật đã cho phép hiền giả.”

Rồi du sĩ Subhadda đi đến Đức Phật và trao đổi những lời chào hỏi xã giao với Đức Phật, rồi ngồi xuống ở nơi thích hợp. Rồi vị ấy bạch với Đức Phật như vầy:

“Thưa tôn giả Gotama, có những vị Sa-môn và Bà-la-môn có đông đảo đồ chúng, có giáo phái riêng, là những người lãnh đạo giáo phái của họ, có danh tiếng, là những người sáng lập ra những chủ thuyết riêng của họ, và được nhiều người tôn kính, đó là: (i) Pūraṇa Kassapa, (ii) Makkhali Gosāla, (iii) Ajita Kesakambala, (iv) Pakudha Kaccāyana, (v) Sañjaya con trai của Belaṭṭha, và (vi) Migaṇṭha, con trai của Nāṭaputta. Có phải tất cả họ đều hiểu những điều mà họ nêu ra là chân lý chăng? Hay tất cả họ đều không biết điều mà họ nêu ra là chân lý? Hay một số vị giác ngộ chân lý, còn số khác thì không?”

(Câu hỏi của Subhadda chính yếu là về đạo quả Phật. Vị ấy hỏi: “Kính bạch Ngài, có phải Pūraṇa Kassapa và năm vị giáo chủ khác mà cho mình là Đức Phật Toàn giác, và được nhiều người tôn kính, thực

sự là chư Phật Toàn giác không? Hay chẳng có ai là Đức Phật cả? Hay một số là Phật, còn số khác thì không? Vì nếu họ thực sự là chư Phật thì những giáo lý mà họ thuyết ra phải dẫn đến giải thoát vòng sanh tử luân hồi. Có phải tất cả giáo lý của họ đều dẫn đến giải thoát? Hay một số giáo lý của dẫn đến giải thoát còn số khác thì không?”)

Xét thấy rằng ý định của Đức Phật đến Kusināra là để thuyết giảng giáo pháp đến các công tử Malla trong canh đầu của đêm, thuyết pháp đến Subhadda trong canh hai, và cho lời khuyên răn đến chúng Tăng trong canh ba, và nhập vô dư Niết bàn vào lúc gần sáng. Trong thời gian biểu khít khao như vậy, sẽ không đem lại lợi ích cho Subhadda nếu giảng giải cho vị ấy là giáo lý của sáu vị ngoại đạo sư có dẫn đến giải thoát hay không, và sẽ không có thời gian cho một cuộc luận bàn như vậy. Do đó Đức Phật quyết định giảng dạy cho Subhadda về Trung đạo được bao gồm trong Bát Thánh đạo mà có thể đưa vị ấy đến giải thoát.

Do đó, Ngài nói rằng:“Này Subhadda, đừng hỏi điều ấy. Hãy bỏ qua vấn đề ấy: dầu tất cả những vị giáo chủ ấy có biết tất cả chân lý hay không, dầu không ai biết tất cả chân lý, hoặc dầu một số biết tất cả chân lý và số khác thì không.

“Này Subhadda, Như Lai sẽ thuyết giảng cho ngươi về giáo pháp dẫn đến Niết bàn. Hãy chú ý lắng nghe. Như Lai sẽ thuyết giảng đầy đủ.

“Lành thay, thưa Ngài,” Subhadda vâng lời Đức Phật, và Đức Phật thuyết pháp như vầy:

“Này Subhadda, trong bất kỳ giáo pháp nào mà Bát Thánh đạo không được tìm thấy, thì trong đó không có Đệ nhất Sa-môn, tức là vị tỳ khưu bậc thánh Nhập lưu; cũng không có Đệ nhị Sa-môn, tức là bậc thánh Nhất lai; Đệ tam Sa-môn, tức là bậc thánh Bất lai; Đệ tứ Sa- môn, bậc A-la-hán.

“Này Subhadda, trong giáo pháp nào mà Bát Thánh đạo được tìm thấy, thì ở đó cũng có Đệ Nhất Sa-môn (bậc Sotāpanna); Đệ Nhị Sa-môn (bậc Sakadāgāmi); Đệ Tam Sa-môn (bậc Anāgāmi); Đệ Tứ Sa-môn (bậc Arahant).

“Này Subhadda, trong giáo pháp của Như Lai có Bát Thánh đạo. Chỉ riêng trong giáo pháp này mới được tìm thấy Đệ Nhất Sa-môn, Đệ Nhị Sa-môn, Đệ Tam Sa-môn và Đệ Tứ Sa-môn.

“Tất cả những tín ngưỡng khác đều không có mười hai loại tỳ khưu giác ngộ chân lý, đó là 4 bậc Thánh đã chứng đạo (magga), 4 bậc Thánh đã đắc quả (phala), và 4 hạng tỳ khưu đang trên đường phát triển Tuệ quán để chứng đắc 4 tầng Đạo Trí.

“Này Subhadda, nếu mười hai hạng tỳ khưu này kiên trì thực hành giáo pháp chơn chánh , thì thế gian sẽ không vắng bóng các vị A-la-hán.

“Này Subhadda, năm hai mươi chín tuổi, Như Lai từ bỏ thế gian và trở thành Sa-môn tầm cầu chân lý (sự giác ngộ của vị Phật). Bây giờ đã trên năm mươi năm, từ khi Như Lai trở thành Sa-môn. Ngoài giáo pháp này của Như lai, không có ai tu tập Tuệ quán là pháp mở đầu để đi vào Thánh đạo (ariyamagga), cũng không có vị Sa-môn nào thuộc tầng Thánh thứ nhất (sotāpanna); cũng không có Đệ nhị Sa- môn (sakadāgāmi); cũng không có Đệ tam Sa-môn (anāgāmi) cũng không có Đệ tứ Sa-môn (arahat).

“Tất cả những tín ngưỡng khác đều không có mười hai loại tỳ khưu giác ngộ chân lý. Này Subhadda, nếu mười hai hạng tỳ khưu này kiên trì thực hành giáo pháp chơn chánh, thì thế gian sẽ không vắng bóng các vị A-la-hán.”

Du sĩ Subhadda trở thành vị tỳ khưu và chứng đắc đạo quả A-la-hán

Khi Đức Phật thuyết giảng điều này, du sĩ Suhadda bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Thật hy hữu thay giáo pháp! Bạch Đức Thế Tôn! Thật vi diệu thay giáo pháp! Bạch Đức Thế Tôn! Tựa như vật bị xô ngã được dựng đứng lên, hoặc như vật bị che kín nay được phơi bày ra, hoặc như người bị lạc đường được chỉ con đường đi, hay như ngọn đèn được đốt lên và được để trong chỗ tối để những ai có mắt có thể thấy các vật. Cũng vậy, Đức Thế Tôn đã giảng dạy chánh pháp cho

con bằng nhiều cách. Bạch Đức Thế Tôn, con là Subhadda, xin quy y Đức Phật, con xin quy y đức Pháp, con xin quy y đức Tăng. Bạch đức Thế Tôn, con xin được xuất gia trong Tăng chúng trước sự hiện diện của Đức Thế Tôn. Con xin thọ đại giới.”

Khi Subhadda đã nói lời thỉnh cầu như vậy, Đức Phật bèn nói rằng: “Này Subhadda, nếu một người trước kia là ngoại đạo, nay muốn xuất gia trong Tăng chúng để trở thành vị tỳ khưu, thì vị ấy phải sống thử thách trong bốn tháng, và nếu vào cuối của bốn tháng các vị tỳ khưu hài lòng với vị ấy, thì vị ấy sẽ được thâu nhận vào Tăng chúng. Nhưng trong vấn đề này, Như Lai thấy có sự khác biệt trong các hạng người (liệu một người nào đó có cần sống thử thách hay không).” Du sĩ Subhadda đáp lại:

“Bạch Đức Thế Tôn, nếu một người xưa kia là ngoại đạo, nay muốn xuất gia trong Tăng chúng và trở thành vị tỳ khưu phải sống thử thách trong bốn tháng, và nếu cuối bốn tháng các vị tỳ khưu hài lòng và làm lễ xuất gia cho vị ấy, cho vị ấy thọ giới pháp. Con nay đã sẵn sàng để sống thử thách trong bốn năm. Và cuối của bốn năm, nếu các vị tỳ khưu hài lòng với con, hãy con cho con xuất gia, cho con thọ đại giới để trở thành tỳ khưu.”

Rồi Đức Phật nói với đại đức Ānanda: “Thôi được, này Ānandā, hãy truyền phép xuất gia cho Subhadda.”

“Thưa vâng, bạch Đức Thế Tôn,” đại đức Ānanda vâng lời Thế Tôn. Rồi du sĩ Subhadda nói với đại đức Ānanda: “ Thưa tôn giả Ānanda, thật là may mắn cho tôn giả. Tôn giả thật vô cùng hữu phước, rằng tôn giả đã được Đức Thế Tôn đích thân ban cho địa vị thị giả.

(Ở đây những lời nói thực sự của Subhadda là “Tôn giả đã được thọ lễ tôn phong địa vị thị giả.” Ý tưởng được tôn phong địa vị thị giả bởi vị giáo trưởng của chúng trong hệ thống tín ngưỡng của các vị du sĩ là một vinh dự và đặc ân to lớn ).

Rồi đại đức Ānanda dẫn du sĩ Subhadda đến một nơi thích hợp, làm ướt đầu cho vị ấy bằng nước từ cái chậu nước, và dạy phương pháp quán về tánh chất bất tịnh của thân, đặc biệt là nhóm năm phần của thân. Khi cái đầu và mặt được cạo, đắp vào những tấm y vàng của

vị tỳ khưu, quy y Tam bảo, lần lượt các bước khác. Sau đó Subhadda được dẫn đến trước Đức Phật.

Đức Phật tác thành địa vị tỳ khưu cụ-túc-giới cho Sa-di Subhadda và dạy cho vị ấy phương pháp thiền quán thích hợp. Rồi tỳ khưu Subhadda tìm chỗ vắng vẻ trong rừng Sa la, thực hành pháp thiền quán chỉ trong oai nghi đi mà thôi, tức là đi kinh hành. Với chánh niệm, và tinh tấn, tỳ khưu Subhadda chứng đắc đạo quả A-la- hán ngay đêm ấy, cùng với Tứ tuệ Phân tích. Rồi vị ấy đi đến Đức Phật và ngồi xuống ở đó trong tư thế kính ngưỡng hướng về Đức Phật.

Đại đức Subhadda trở thành một trong những vị A-la-hán, và vị ấy là người cuối cùng chứng đắc đạo quả A-la-hán trước sự hiện diện của Đức Phật.

(Ở đây, “người cuối cùng trở thành bậc La-hán trước mặt đức Thế Tôn” có thể là một trong những hạng người sau đây: (i) người thọ phép xuất gia trong thời Đức Phật, và thọ cụ-túc-giới sau khi Đức Phật diệt độ, tu tập thiền quán tuệ, và chứng đắc A-la-hán quả; (ii) người thọ phép xuất gia và thọ cụ túc giới trong thời Đức Phật, tu pháp thiền quán tuệ sau khi Đức Phật diệt độ và chứng đắc A-la-hán quả; (iii) Người thọ phép xuất gia và thọ cụ-túc-giới, tu Thiền quán tuệ, và chứng đắc A-la-hán quả sau khi Đức Phật đã diệt độ. Đại đức Subhadda là người đã thọ phép xuất gia và thọ cụ-túc-giới, tu Thiền quán tuệ và chứng đắc A-la-hán quả trong thời Đức Phật. Như vậy vị ấy là người đứng đầu trong những người trở thành bậc A-la-hán trước mặt Đức Phật.)

Câu chuyện về du sĩ Subhadda theo Chú giải bộ Dhammapada

Câu chuyện được kể ra ở trên về du sĩ Subhadda là được trích ra từ Phẩm kinh Mahāvagga Pāḷi (Dīghanikāya) và Chú giải của nó. Câu chuyện về du sĩ Subhadda, được kể lại trong Chú giải của kinh Pháp cú cũng được kể lại dưới đây một cách tóm tắt như sau:

Trong khi Đức Phật đang nằm trên chiếc trường kỉ, trong giờ phút cuối cùng, tại khu rừng cây Sa la, du sĩ Subhadda tự suy nghĩ:

“Ta đã nêu ra ba câu hỏi của ta đến các du sĩ rồi nhưng ta chưa đem những câu hỏi ấy ra hỏi Sa-môn Gotama bởi vì vị ấy còn trẻ. Bây giờ Sa-môn Gotama sắp diệt độ. Nếu ta không hỏi vị ấy thời ta sẽ hối tiếc về sau vì đã không làm như vậy.” Khi trầm ngâm suy nghĩ như vậy, vị ấy đi đến khu rừng Sa-la nơi Đức Phật đang trú ngụ và thỉnh cầu đại đức Ānanda cho phép được yết kiến Đức Phật. Đại đức Ānanda đã từ chối như câu chuyện ở trên. Tuy nhiên, Đức Phật nói với đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, đừng ngăn cản vị ấy. Hãy để vị ấy đặt câu hỏi với Như Lai.” Do đó, vị ấy được cho vào khu vực của Đức Phật nơi được che chắn để ngăn cách bên ngoài. Subhadda ngồi xuống dưới chân giường của Đức Phật và bạch với Đức Phật như vầy: “Thưa Ngài Gotama,

  • Có thể nào có dấu vết trong không trung không?
  • Có thể nào các vị Sa-môn đọan diệt được phiền não ở bên ngoài giáo pháp của Đức Phật Gotama không?
  • Có thể nào pháp hữu vi thường tồn không?

Đức Phật trả lời ba câu hỏi bằng sự phủ định trong những câu kệ sau đây:

  • Ākāseva padaṃ natthi samaṇo natthi bāhire papañcābhiratā pajā nippapañcā Tathāgatā
  • Ākāseva pandaṃ natthi samaṇo natthi bāhire saṅkhāra sassatā natthi natthi buddhānamiñjitaṁ

Này Subhadda, trong không trung không có dấu vết. Cũng vậy, ngoài giáo pháp của Đức Phật, không có vị tỳ khưu nào (trong mười hai hạng tỳ khưu) có thể đọan diệt phiền não. Tất cả chúng sanh, dầu là chư thiên, nhân loại hay Phạm thiên mà vui thích trong ba pháp có khuynh hướng kéo dài luân hồi, đó là ái dục, ngã mạn và tà kiến. Tất cả chư Phật đều thoát khỏi ba yếu tố này, (đọan diệt chúng vào lúc đắc đạo dưới cội cây Bồ đề).

Này Subhadda, trong không trung không có dấu vết. Cũng vậy, ngoài Giáo pháp của Đức Phật, không có vị tỳ khưu nào (trong mười hai hạng tỳ khưu) có thể đọan diệt phiền não. Không có pháp hữu vi nào (tức là năm uẩn) mà thường tồn. Tất cả chư Phật đều tự tại (trước ái dục, ngã mạn và tà kiến).

Vào lúc kết thúc thời pháp, du sĩ Subhadda chứng đắc A-na hàm đạo (anāgāmi-magga). Và thính chúng có mặt ở đó cũng được lợi ích nhờ thời pháp ấy.

Đây là câu chuyện về Subhadda được kể lại trong Chú giải của bộ Pháp cú.

Trong vấn đề này, hai câu chuyện có thể được biên tập lại theo

cách này:

Du sĩ Subhadda đã nêu ra câu hỏi mà được chứa trong phẩm Mahāvagga Pāli, và sau khi nghe Đức Phật trả lời câu hỏi, vị ấy lại hỏi thêm ba câu hỏi nữa như đã được nêu ra trong Dhammapada (Pháp cú kinh). Sau khi nghe câu trả lời, vị ấy chứng đắc quả thánh A-na-hàm. Rồi vị ấy trở thành đệ tử của Đức Phật, thọ cụ-túc-giới và trở thành vị tỳ khưu, chuyên tâm thực hành ba pháp học, và trở thành bậc A-la-hán trước khi Đức Phật nhập vô dư Niết bàn.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 193

Post Views: 1.040