Ðời này thật mù quáng …
Câu chuyện này xảy ra khi đức Thế Tôn ở tinh xá Aggàlava liên quan đến một cô bé thợ dệt.
Một hôm, đức phật đi đến Alavi. Dân chúng Alavi thỉnh phật thọ trai. Thọ trai xong, đức Phật dạy một bài pháp ngắn:
“Hãy quán niệm về sự chết, các người hãy tự nhủ rằng: đời sống của ta mong manh. Cái chết của ta là điều cố nhiên. Chắc chắn ta sẽ chết. Cái chết sẽ chấm dứt đời ta. Ðời sống không cố định, cố định là cái chết. Ai không quán niệm về sự chết, sẽ sợ hãi khi giờ lâm chung đến, và sẽ chết trong sợ hãi kinh hoàng, như một người đi đường gặp rắn, không có gậy trong tay, run rầy dường nào. Còn người có quán niệm về sự chết, sẽ không sợ hãi trong giây phút cuối của cuộc đời, và như một người gan dạ thấy rắn từ xa, đã cầm gẫy hất nó đi. Vì thế, hãy quán niệm về sự chết”.
Mọi người nghe xong lại trở về đời sống bình thường. Chỉ có một cô bé thợ dệt mười sáu tuổi tự nhủ “Lời dạy của đức Phật thật kỳ diệu, phần ta, ta sẽ quán niệm về sự chết”. Và cô bé quán niệm suốt cả ngày đêm. Ðức Thế Tôn rời Alavi đến Kỳ Viên. Cô bé cũng tiếp tục quán niệm về sự chết trong ba năm.
Vào một ngày, sáng sớm Thế Tôn quán sán thế gian, Ngài nhìn thấy cô bé xuất hiện trong tầm quan sát của Ngài. Ngài tự hỏi “Những gì sẽ xảy ra?” Ngài chú ý đến sữ diễn tiến tiếp theo: “Từ ngày cô bé này nghe Ta nói Pháp, đã thực hành quán niệm về sự chết troing ba năm. Bây giờ, Ta sẽ đế Alavi và hỏi cô bé ấy bốn câu, Ta sẽ khen cô bé, và Ta sẽ nói Pháp Cú: Ðời này thật mù quáng. Nghe xong cô bé ấy sẽ chứng quả. Nhờ vậy, thính chúng sẽ thâm hiểu lời dạy của Ta. Thế là Thế Tôn cùng năm trăm Tỳ-kheo lên đường đến tinh xá Aggàlava.
Dân chúng Alavi nghe tin Thế Tôn đến, họ vào tinh xá thỉnh Phật thọ trai. Cô bé con người thợ dệt cũng nghe tin ấy, tràn đầy hân hoan. Cô nghĩ: “Thế Tôn đã đến, bậc từ phục của ta, bậc đạo sư, bậc thầy quý kính dung mạo như trăng rằm, đức Cồ-đàm Phật-đà”. Cô tự nhủ “Bây giờ, lần đầu trong ba năm nay, ta mới gặp Thế Tôn, người thân sắc vàng chói, giờ đây ta được đảnh lễ thân kim sắc của Ngài, và nghe Ngài giảng pháp vi diệu thấm đầy mật ngọt”.
Nhưng cha cô trước khi đến xưởng dệt, đã dặn cô:
– Này con, trên khung cửi của cha còn một khổ vải chưa dệt xong, cha phải dệt xong hôm nay. Con hãy quấn chỉ vào thoi cho đầy và mang gấp đến cha.
Cô gái nghĩ thầm: “Ta rất mong được nghe đức Phật thuyết pháp, nhưng cha ta đã căn dặn như thế. Ta sẽ đi nghe pháp hay đánh sợi cho cha ta?” Cô nghĩ tiếp: “Nếu ta không mang thoi đến, cha ta sẽ đánh ta. Vậy thì phải đánh sợi cho đầy mấy con thoi, đem đến cho ông, đợi dịp khác đi nghe pháp”. Cô ngồi vào ghế và đánh sợi.
Dân chúng Alavi đợi chờ Thế Tôn, cúng dường thức ăn, sau khi ăn xong họ dọn bát và nghe Ngài chỉ dạy. Ðức Thế Tôn tự nhủ: “Ta đến đây qua một khoảng đường ba mươi dặm chỉ vì một cô bé, cô ấy chưa có mặt. Khi cô ấy đến, Ta sẽ giảng pháp”. Vì thế, Ngài ngồi im, thính chúng cũng lặng yên đợi chờ (Khi đức Phật làm thinh, không có người hay trời nào dám thốt ra một câu).
Cô bé đã đánh thoi xong, bỏ vào giỏ và đem đến xưởng dệt cho cha. Trên đường đi, cô đứng lại ngoài vòng thính chúng và chăm chú nhìn Ðức Phật. Thế Tôn cũng nhìn thấy cô, và cô hiểu ý Ngài: “Ðức Bổn sư ngồi trong pháp hội, tỏ dấu nhìn ta với ý muốn ta đến gần, Ngài muốn ta đến nghe pháp vào ngay lúc này”.
(Vì sao đức Thế Tôn chú ý cô bé? Vì Ngài biết rằng nếu cô bé đi tiếp cô sẽ chết khi chưa xong việc, kiếp sau của cô sẽ không biết ra sao. Nhưng nếu cô bé đến nghe pháp, cô sẽ chứng quả Dự lưu và chắc chắn sẽ tái sanh lên cõi trời Ðâu-suất. Ngài biết cô bé phải chết ngày hôm nay).
Với dấu hiệu của cái nhìn đức Phật, cô đến gần Thế Tôn chiêm ngưỡng vầng hào quang sáu sắc chung quanh thân Phật, cung kính đảnh lễ và kính cẩn đến gần Thế Tôn, cô ngồi vào chỗ một cách im lặng với thính chúng chung quanh. Ðức Thế Tôn hỏi cô:
– Con từ đâu đến đây?
– Bạch Thế Tôn! Con không biết.
– Con sẽ đi đến đâu?
– Bạch Thế Tôn! Con không biết.
– Con biết hay không biết?
– Bạch Thế Tôn! Con biết.
– Con không biết phải chăng?
– Bạch Thế Tôn! Con không biết.
Sau bốn câu hỏi của Phật, thính chúng nổi giận xì xào: “Coi kìa! Con bé, con lão thợ dệt nói như đùa với Thế Tôn. Khi Ngài hỏi từ đâu đến nó phải đáp: “Từ nhà thợ dệt” chứ. Và khi Ngài hỏi đi đâu, nói phải thưa là: “Ði đến xưởng dệt, mới phải chứ”.
Thế Tôn bảo thính chúng im lặng, Ngài hỏi cô bé:
– Này con! Khi Ta hỏi con từ đâu đến, vì sao con trả lời không biết?
– Bạch Thế Tôn! Ngài cũng biết rằng con từ nhà cha con là người thợ dệt đến đây. Vì thế khi Ngài hỏi con từ đâu đến, con hiểu rằng ý của câu ấy là con từ đâu sinh ra đây. Nhưng con chẳng biết con từ đâu sinh đến nơi này.
Phật khen ngợi:
– Lành thay! Lành thay! Này con, con đã trả lời đúng câu hỏi của ta.
Ngài hỏi tiếp:
– Khi Ta hỏi con đi về đâu, vì sao con trả lời không biết?
– Bạch Thế Tôn! Ngài cũng biết con đến xưởng dệt với giỏ thoi trên tay. Nên khi Ngài hỏi con đi đâu, con hiểu ý của câu ấy là khi rời nơi đây con tái sinh về đâu. Nhưng với con, sau khi chết con chưa biết sinh về đâu.
– Con trả lời đúng câu hỏi của Ta.
Ðức Phật khen cô lần thứ hai, và hỏi tiếp:
– Khi Ta hỏi, con biết hay không, vì sao con trả lời con biết?
– Bạch Thế Tôn! Vì con biết rằng chắc chắn con sẽ chết, nên con đáp như thế.
– Con đã trả lời đúng câu hỏi của Ta.
Ðức Phật khen cô lần thứ ba, hỏi tiếp:
– Vì sao khi Ta hỏi con không biết hay chăng, con trả lời rằng không biết?
– Bạch Thế Tôn! Ðiều con biết chắc là con sẽ chết, nhưng chết vào lúc nào, vào ban đêm hay ban ngày, vào buổi sáng hay bất cứ khi nào, con không thể biết, nên con trả lời không biết.
Ðức Phật khen ngợi lần thứ tư.
– Con đã trả lời đúng câu hỏi của Ta.
Ngài dạy thính chúng:
– Các người không hiểu ý câu nói của cô bé, nên nổi giận. Với người không có tuệ nhãn, họ đui mù, chỉ người nào có tuệ nhãn mới thấy được điều này.
Ngài nói kệ:
(174) Ðời này thật mù quáng,
Ít kẻ thấy rõ ràng.
Như chim thoát khỏi lưới,
Rất ít đi thiên giới.
Cuối thời pháp cô bé chứng quả Dự lưu. Cô cầm giỏ thoi đi đến chỗ cha mình. Ông đang ngồi ngủ bên khung cửi. Không biết cha đang ngủ cô đưa giỏ thoi vào. Giỏ thoi chạm nhằm đầu khung cửi gây nên tiếng động, cha cô choàng dậy tiếp tục kéo cửi, đầu khung văng mạnh vào ngực cô bé cô ngã ra chết, sanh lên cõi trời Ðâu-suất. Cha cô giật mình thấy con gái mình nằm sóng sượt, đầy máu và đã chết. Ông kinh hoàng than khóc:
– Không có ai cứu khổ cho ta.
Ông đi đến chỗ Phật kể lại mọi việc và nói:
– Bạch Thế Tôn, xin cứu con.
Ðức Phật an ủi:
– Chớ ưu sầu, này thiện nam tử! Trong vòng luân hồi vô tận, người đã từng khóc con nước mắt nhiều hơn nước bốn bể.
Ðức Phật nói về vòng luân hồi vô tận, người thợ dệt nghe xong, bớt đau buồn, xin Phật được xuất gia.
Ông làm tròn bổn phận của một tu sĩ và chẳng bao lâu chứng quả A-la-hán.
Cổ sử truyện
CON GÁI ĐỨC PHẬT
(Hành trạng của chư Thánh ni
& những cận sự nữ đặc biệt và thù thắng)
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Nhà Xuất Bản Văn Học
Tái bản 2014
Cô con gái người thợ dệt
(Vào dòng trước khi chết)
Vượt sông Gaṅgā, đức Phật bỏ bến sông tấp nập voi, ngựa, hàng hóa và khách lữ hành đủ mọi sắc tộc, mọi giai cấp, ngài chọn những con đường làng có bóng cây và ít bụi bặm để lên phía Bắc.
Kinh thành Vesāli vẫn trù phú như dạo nào. Đến Mahāvana, Sảnh Đường Nóc Nhọn, đức Phật ngụ ở đây mấy hôm, sách tấn chư tỳ-khưu, tăng cũng như ni rồi lại lên đường. Suốt trên lộ trình đến Videha, Moriya, Malla sau đó lên Koliyā không có biến cố gì, nhân duyên gì để thuyết những thời pháp lớn. Chỉ có điều đặc biệt là gặp lại chư trưởng lão Vappa, Assaji, Mahānāma, và đều đã yếu, đức Phật khuyên họ nên tìm chỗ trú chân tại Kỳ Viên, Trúc Lâm hay Kosambī để di dưỡng tuổi già vì ở đấy đời sống tứ sự ổn định. Đức Phật cũng gặp lại ba anh em trưởng lão Uruvelā Kassapa, Gayā Kassapa và Nadī Kassapa và hội chúng ở trong một khu rừng, ngài cũng khuyên là mấy anh em họ cũng nên dừng chân đầu-đà, tìm chỗ tĩnh cư.
Rồi năm ấy, đức Phật an cư mùa mưa ở ngọn đồi đá trắng Cālikapabbata, thị trấn Cālikā, có con sông Kimikālā xanh trong, mát mẻ thuộc quốc độ Koliyā cùng với đại chúng tỳ-khưu. Ở đây, có khá nhiều liêu thất và hang động được thiết lập từ năm an cư thứ mười ba của đức Phật; ngoài ra gần thị trấn lại còn có vườn xoài xinh đẹp mà thuở ấy tỳ-khưu Meghiya, thị giả của đức Phật yêu thích, lưu luyến.
Khi đã sắp xếp đâu đó ổn định rồi, thỉnh thoảng đức Phật lại ôm bát ra đi một mình để hóa độ những người hữu duyên. Đặc biệt, có hôm, đức Phật sử dụng thần thông đi một khoảng đường khá xa, ngài trở lại thành phố Āḷavī, ngụ tại điện thờ Aggāḷava để gieo duyên thêm với cư dân ở đây. Và thật ra, đức Phật cố ý hóa độ cô gái con người thợ dệt. Hơn hai năm về trước, khi đức Phật giảng dạy “tùy niệm về sự chết” (Maraṇa-anussati)1 thì cô ta rất tâm đắc và hoan hỷ. Và từ đấy đến nay cô ta rất tinh cần, ngày cũng như đêm không buông lơi đề mục bao giờ.
Tin đức Phật đang ngụ tại điện thờ Aggāḷava, thành phố Āḷavī không mấy chốc lan truyền đi khắp nơi. Việc đức Phật hóa độ dạ-xoa Āḷavaka đem lại thanh bình cho quốc độ là một ân đức quá lớn nên từ đức vua, triều đình cho đến dân chúng ai ai cũng háo hức tìm đến đảnh lễ, nghe pháp, cúng dường.
1 Có thể xem bài này ở phần phụ lục, sau truyện này.
Khác với mọi lần, khi hai hàng cận sự đặt bát cho đức Phật, thọ thực xong, nhưng hôm nay, ngài chưa giảng pháp thoại như cố chờ đợi một người; và đại chúng tỳ- khưu cũng yên lặng như vậy…
Và quả đúng như thế, lúc ấy, cô gái thợ dệt trong lòng nôn nao, muốn làm mọi việc đâu đó cho xong để còn thì giờ đến điện thờ Aggāḷava, chiêm ngưỡng dung nhan của đức Phật và nghe pháp. Nhưng đột ngột sáng nay, khi đến xưởng dệt, cha cô quay lại căn dặn: “Tại khung cửi, cha còn một cái áo của khách hàng chưa dệt xong vì thiếu chỉ. Vậy ở nhà, con phải nhanh tay quấn chỉ vào suốt rồi mang gấp đến xưởng dệt cho cha!”
Khi quấn chỉ vào suốt xong thì trời đã khá trưa, cô gái đặt suốt chỉ trong rá, kẹp vào nách rồi hối hả ra đi. Đường đến xưởng dệt phải đi qua điện thờ Aggāḷava, không cưỡng được ước muốn vào thăm Phật nên cô gái lẹ làng bước nhanh, qua vườn, len đám đông, đưa mắt nhìn qua cửa sổ. Thấy được đức Phật với tướng hảo quang minh, xán lạn, cô gái rất hoan hỷ, nói nhỏ trong lòng: “Đây là cha của ta, đã dạy cho ta tùy niệm về sự chết. Từ đó đến nay, tâm ta như mặt nước hồ thu vắng lặng, đồng thời, ta không còn ganh ghét, hung dữ với một ai. Ta không còn sợ hãi bất cứ một cái gì, kể cả sự chết”.
Trong lúc ấy thì đức Phật đã thấy cô gái nên ngài nói:
– Cái cô bé bên ngoài cửa sổ kia, nách kẹp cái rá suốt chỉ, hãy vào đây, Như Lai hỏi chuyện.
Mọi người ngạc nhiên quay lại nhìn. Cô bé vâng lời, bước vào, để cái rá bên chân rồi đảnh lễ đức Phật rất phải phép.
Đức Phật mỉm cười hỏi:
– Nầy con! Con từ đâu đến?
– Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử “không biết”.
– Vậy thì “đi”, rồi con sẽ “đi đâu”?
– Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử “cũng không biết”.
– Con “không biết” thật sao?
– Bạch đức Thế Tôn! Không, đệ tử “biết”.
– Phải con “biết” thật không?
– Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử “không biết”.
Như vậy, đức Phật hỏi cô gái bốn câu. Dân chúng nghe cô trả lời với đức Phật như vậy thì lấy làm bực mình, bất mãn. Họ nói với nhau: “Coi kìa! Với bậc Toàn Giác mà con gái người thợ dệt dám nói như kiểu đùa giỡn vậy! Thật là vô lễ, vô phép, vô tắc…”
Đức Phật mỉm cười cho mọi người an lòng, đưa tay ra dấu hiệu bảo đám đông giữ im lặng; và rồi ngài lại hỏi tiếp cô gái:
– Nầy con! Khi Như Lai hỏi con “từ đâu đến”, tại sao con trả lời là “không biết”?
– Bạch đức Thế Tôn! Chính Tôn sư biết rõ là đệ tử đi từ nhà cha con là người thợ dệt mà đến đây. Vậy khi Tôn sư hỏi “từ đâu con đến đây” thì đệ tử nghĩ, ý Tôn sư muốn hỏi: “Từ cảnh giới nào con tái sanh đến đây?” Và như vậy thì quả thật con trả lời “không biết” là đúng với sự thật!
Đức Phật tán thán:
– Lành thay! Lành thay! Con đã giải đáp đúng câu hỏi của Như Lai.
Rồi đức Phật hỏi tiếp:
– Khi Như Lai hỏi “từ đây con sẽ đi đâu”, tại sao con trả lời là “không biết”?
– Bạch đức Thế Tôn! Chính Tôn sư biết rõ là đệ tử sẽ đem suốt chỉ đựng trong rá đến xưởng dệt cho cha của đệ tử, thế nhưng Tôn sư còn hỏi đệ tử sẽ đi đâu, thì đệ tử biết chắc ý Tôn sư chỉ muốn hỏi: “Khi ra đi từ kiếp nầy, con sẽ tái sanh đi đâu?” Và như vậy thì đệ tử trả lời “không biết” là đúng với sự thật!
Đức Phật nói:
– Con đã giải đáp đúng câu hỏi của Như Lai.
Đức Thế Tôn khen cô gái lần thứ nhì, rồi ngài hỏi tiếp nữa:
– Khi Như Lai hỏi “con không biết thật sao”? Thì tại sao con lại trả lời “dạ con biết!”
– Bạch đức Thế Tôn! Điều nầy đệ tử “biết”. Đệ tử biết chắc là “đệ tử phải chết”. Vì lẽ ấy đệ tử trả lời như vậy.
Đức Phật nói:
– Con lại một lần nữa đã giải đáp đúng câu hỏi của
Như Lai.
Như vậy đức Thế Tôn ngợi khen cô gái lần thứ ba. Rồi ngài lại hỏi tiếp:
– Khi Như Lai hỏi con “biết”, phải vậy không? Tại sao con nói con “không biết”.
– Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử chỉ biết một điều là thế nào đệ tử cũng chết, nhưng không biết cái chết sẽ đến lúc nào. Chết ban ngày hay ban đêm? Chết vào buổi sáng hay vào buổi chiều? Điều ấy đệ tử không biết, vì lẽ ấy đệ tử trả lời “không biết” là đúng với sự thật.
Đức Phật nói:
– Con đã giải đáp đúng những câu hỏi của Như Lai! Rồi đức Phật nói tiếp:
– Trên thế gian này, người ngu si, người không có trí tuệ, dù có mắt cũng như bị mù; còn người sáng suốt, người có trí tuệ, dẫu bị mù mắt nhưng cũng thấy rõ được mọi sự, mọi chuyện; họ thoát khỏi lưới bủa của thợ săn để đến nơi an toàn:
Thế gian loáng quáng mù manh Hiếm thay, ít kẻ mắt lành sáng trong Lưới trùm, chim khó thoát lồng
Bay lên nhàn cảnh quả không mấy người! 1
Câu kệ ngôn chấm dứt, cô gái con người thợ dệt chứng đắc đạo quả Nhập lưu.
Còn mọi người xung quanh thì thở phào, nhẹ nhõm; họ không dám trách mắng cô bé thợ dệt kia nữa, mà lại tỏ lòng quý mến, kính trọng, vì rõ ràng là chiều sâu của giáo
1 Pháp Cú 174: “ Haṃsādiccapathe yanti, ākāse yanti iddhiyā; nīyanti dhīrā lokamhā jetvā māraṃ savāhiniṃ”.
pháp, cô ta thông hiểu hơn mọi người.
Sau đấy, cô gái đảnh lễ đức Phật với tâm an lạc không kể xiết rồi bưng cái rá đựng suốt chỉ đến xưởng dệt cho cha.
Lúc ấy cha cô đang ngồi trên khung dệt mà ngủ. Cô không để ý rằng cha cô đang ngủ nên vói tay đưa rổ cho ông. Không may, cái rá đụng vào đầu khung cửi gây một tiếng động lớn. Cha cô giựt mình thức dậy, như phản xạ tự nhiên, chụp cây cần ở đầu khung kéo mạnh xuống. Cái đầu khung quây vòng trúng ngay vào ngực cô gái. Tức thì cô chết, và tái sanh vào cảnh trời Đâu Suất…
Tại điện thờ Aggāḷava, sau buổi pháp thoại, đức Phật vẫn còn ngồi yên lặng chớ chưa chịu rời chân. Đại chúng không hiểu. Hai hàng cận sự không hiểu. Nhưng khi cô gái bị tai nạn, chấm dứt hơi thở thì đức Phật mới mở mắt ra, nói rằng:
– Cô gái thợ dệt sau mấy câu hỏi, cô ta đã đắc pháp nhãn, là “con gái nhỏ” của Như Lai đó! Vừa rồi, cô ta bị tai nạn đột ngột, cái đầu khung cửi rơi xuống, đập mạnh vào ngực, cô ta đã chết và tức khắc hóa sanh vào cung trời Đẩu Suất.
Đưa mắt một vòng nhìn đại chúng, đức Phật nói tiếp:
– Từ thị trấn Cālikā, Như Lai đến đây ngoài nhân duyên với mọi người, còn việc khác rất quan trọng là cứu độ cô gái con người thợ dệt. Vì Như Lai biết trước là cô ta sẽ bị chết như vậy, nếu không đưa cô ta an trú vào thánh pháp thì nghiệp bất đắc kỳ tử kia có thể đưa cô ta xuống những cảnh giới đau khổ. Còn nữa, cha cô con gái sẽ rất đau khổ, có thể đi đến điên loạn. Nhưng không sao, Như Lai sẽ phương tiện hóa độ cho ông ta.
Và quả đúng như vậy. Cha cô con gái, sau đó được đức Phật giảng giải về Tứ Diệu Đế, ông thấy rõ sự thật nên xin xuất gia tỳ-khưu rồi theo chân ngài về núi đá vôi Cālikapabbata để tiếp tục an cư mùa mưa.
Nghe nói rằng, về sau ông ta tu tập rất tinh cần nên đắc quả A-la-hán.
Phụ lục: Tùy niệm sự chết
(Maraṇa-anussati)
Hôm ấy, có một vị tỳ-khưu còn trẻ nhưng bị bệnh mất, thi hài được chư tăng hỏa táng. Một vài người thắc mắc sao còn quá trẻ mà đã hết tuổi thọ? Hay nghiệp đã chấm dứt? Vài ngày sau đó, trong thành phố Āḷavī có người chết bệnh, có người chết nước, có người chết lửa, có người chết do sét đánh, có người chết do đao kiếm… được bàn tán chỗ này, nơi kia.
Đức Phật biết là đúng thời nên ngài thuyết một thời pháp nói về sự chết của các loài hữu tình.
Đầu tiên, đức Phật cảm hứng ngữ thốt lên một bài kệ thơ dài nói về sự chết:
Ôi! Từ khi nẩy mầm li ti một sự sống Nó rất nhỏ nằm trên đầu cây kim Tượng hình trong thai bào
Là nó,
Là một chúng sanh
Cứ thế lớn lên
Cứ thế nó tiến dần về phía trước
Không thể trở lại Chẳng thể quay lui Dù chỉ một lần
Trong khi nó chảy trôi như vậy Nó tiến dần đến cõi của sự chết Giống như dòng sông
Nó nhỏ dần, hẹp dần rồi cạn dần
Dưới sức nóng thiêu đốt của hỏa đại
Như trái cây xanh kia
Chín dần rồi rơi rụng
Như chiếc bình đất nung kia
Búa thời gian đập vỡ
Như giọt sương ban mai kia
Chợt tan biến dưới ánh nắng mặt trời
Thế là ngày và đêm
Lặng lẽ trôi qua
Mạng sống của các loài hữu tình
Tàn dần, lụn dần cho đến khi diệt mất
Nó mong manh, nó hư ảo Như bọt bể, như bóng nước Tụ rồi tan ngay!
Hiện rồi mất ngay! Ôi! Ai có biết chăng Khi vừa sinh ra
Cái sống đi kèm với cái chết
Trên sinh mệnh của các loài hữu tình
Có một tên bạo chúa
Có một tên sát nhân
Chực sẵn với cây kiếm sắc Chờ sẵn với lưỡi gươm bén Nó kề bên cổ
Không biết sẽ tước đoạt mạng sống lúc nào
Như đức vua kia Oanh oanh liệt liệt Chinh phục cả quả đất
Nhưng thời khắc cuối cùng của đời người
Mọi thành tựu và mọi vinh quang
Giá trị xem ra không bằng nửa hạt giẻ
Xác thân và hơi thở héo tàn
Thần chết lạnh lùng cười khẩy mang đi! Ôi! Loài người có biết chăng
Sức khỏe bị chấm dứt bằng tật bệnh
Tuổi trẻ bị tấn công bằng già nua Sự sống bị xâm lăng bởi sự chết Đấy là định luật tất yếu
Tất cả mạng sống có được từ ‘sinh’ Rồi bị ám ảnh bởi ‘già’
Rồi bị đoanh vây bởi ‘bệnh’
Và cuối cùng là cái ‘chết’ đánh gục
Ví như núi đá khổng lồ kia
Lớn rộng tận trời cao
Nó tiến đến từ mọi phía Nghiền nát mọi sinh loài Cũng tương tự như thế Già chết nó nghiền nát Sinh mệnh bà-la-môn Sinh mệnh sát-đế-lỵ
Sinh mệnh các chiến sĩ
Sinh mệnh những thương gia Sinh mệnh các thợ thuyền Sinh mệnh những tiện dân Sinh mệnh các nô lệ
Người hốt phân, kẻ nạo ống cống
Nó không chừa một ai
Và cho dẫu tượng quân, mã quân hùng mạnh
Và cho dẫu bộ quân lớp lớp hàng hàng
Và cho dẫu đại ảo gia, chú thuật gia
Hay dẫu đem tất cả tài sản thế gian gộp lại
Vẫn bất lực trước tử thần
Trong các loại phá sản
Sự chết là đệ nhất phá sản
Phá sản mọi sự nghiệp
Phá sản tất thảy mọi thành công ở trên đời
Phá sản mọi ước mơ và mọi ảo tưởng
Phá sản cho đến tận cùng hư vô và hủy diệt
Ôi! Loài người có biết chăng
Cho dẫu những người có danh vọng lớn
Có công đức lớn Có sức mạnh lớn Có thần thông lớn Có trí tuệ lớn
Có đồ chúng lớn Có tài sản lớn Có uy lực lớn
Thế mà, cuối cùng
Cái chết nó tóm lấy hết
Nó quẳng tất thảy vào vực thẳm Rāhu
Cái chết nó gặm vào hàm
Như nai tơ non trong hàm sư tử
Như chú ếch con nằm trong miệng rắn
Cho dẫu như Moggallāna
Là đệ nhất thần thông
Cho dẫu như Sāriputta Có trí tuệ siêu quần Cũng đầu hàng, bất lực Trước sức mạnh tử thần! Và cho dẫu là Như Lai
Với sắc thân ba hai quý tướng
Và tám mươi vẻ đẹp
Được trang bị viên mãn giới uẩn
Viên mãn định uẩn
Viên mãn tuệ uẩn
Viên mãn giải thoát uẩn
Viên mãn giải thoát tri kiến uẩn
Viên mãn về danh xưng Viên mãn về công đức Viên mãn về hùng lực Viên mãn về thần thông Chẳng có ai sánh bằng
Nhưng chẳng thể nào né tránh
Trận mưa lũ thình lình
Của sự chết ập đến
Như một đống lửa lớn
Bị dập tắt bởi một trận dông Chẳng một ai trốn được! Chẳng một ai thoát được!
Bài kệ thơ trầm hùng như sóng biển, như âm vọng đại ngàn rì rào lướt qua không gian điện thờ Aggāḷava làm cho hội chúng tỳ-khưu cùng nam nữ cư sĩ như nín thở. Sự chết như hiển hiện trước tầm mắt mọi người bằng lưỡi hái cong cong sắc bén, rực lửa của tử thần đang chực sẵn, đang hờm sẵn ở đâu đó trong bóng tối, bên ngưỡng cửa, bên chiếc giường của già bệnh và ngay cả ở nơi tuổi thanh xuân!
Đức Phật lại tiếp tục bài giảng:
– Như vậy, mỗi người phải biết suy niệm, quán tưởng về sự chết. Cái thân của chúng sanh nó già, nó bệnh, nó chết trong từng khoảnh khắc.
Hãy xem đây, và hãy nhìn cho ra: Hiện nó là nơi cộng cư, đồng trú Của “tám mươi”1 gia đình vi trùng Nó bám vào da, lấy da làm thức ăn
Nó trú vào thịt, rúc thịt làm món ngon
Nó dính vào gân, moi gân làm bữa nhậu
Nó bám vào xương, rỉa xương làm thức nhắm Nó bám vào tủy, mút tủy làm thực phẩm Chúng ăn rồi chúng ỉa, chúng đái
Chúng bài tiết dơ uế
Rồi chúng làm tình
Rồi chúng sinh con đẻ cái
Rồi chúng bệnh, chúng già và chúng chết
Vậy, cái thân này là nhà bảo sanh
Là viện dưỡng thương
1 Phỏng theo Visuddhi Magga (tôi chưa tìm ra ý nghĩa tượng trưng của con số 80 này).
Đồng thời là chỗ tiểu tiện, đại tiện
Mà cũng là nghĩa địa của chúng Và khi chúng bất hòa, nổi loạn Khi chúng chiến tranh, dịch bệnh
Thì cái thân này là bãi chiến trường
Là cái hầm xác thối
Làm cho cơ thể nầy
Hoặc xanh xao, hư mòn, tiều tụy
Hoặc suy kiệt và đi đến cái chết!
Còn nữa, cái thân này không những san sẻ, cộng cư với tám mươi gia đình vi trùng mà còn chia nhau gánh chịu trăm ngàn thứ bệnh nội thương từ tim, từ phổi, từ gan, từ não, từ tim, từ lá lách, từ mật, từ bao tử, từ máu, từ ruột non, ruột già nữa. Nó lại còn bị mọi sự chết chóc từ bên ngoài đem đến như bởi rắn, bởi hổ, bởi báo, bởi bò cạp, bởi nước, bởi lửa, bởi mũi tên, bởi đao và bởi kiếm nữa.
Như một mục tiêu được dựng ở ngã tư đường sẵn sàng nhận chịu những mũi tên nhọn, cọc nhọn, chĩa nhọn, đá sỏi từ bốn phương, tám hướng tấn công; cũng tương tự thế, trăm trăm ngàn ngàn tai ươn, hoạn nạn, bệnh tật, ốm đau, chết chóc luôn luôn chực chờ bổ xuống, phủ xuống cái thân này một cách khắc nghiệt, vô cảm, lạnh lùng!
Này đại chúng! Suy đi, gẫm lại từ sự thật như vậy, thì sự chết không biết sẽ đến với ta lúc nào. Khi ngày tàn, đêm xuống, sớm đến, chiều đi, một hành giả quán tưởng về sự chết có thể suy niệm như sau: “Ta có thể bị chết do rắn, rết, bò cạp, độc trùng tức khắc bây giờ đây. Ta có thể bị
chết do té ngã, dập đầu vào đá tức khắc bây giờ đây. Ta có thể bị chết do trúng thực, trúng gió, bởi mật, bởi đàm, bởi nghẽn tắt các vi mao tĩnh mạch… tức khắc bây giờ đây!”
Còn nữa, này đại chúng! Như vậy, sự sống vốn rất mong manh và bất lực trước tử thần! Nó gắn liền vào hơi thở, gắn liền với bốn cử động đi đứng nằm ngồi, gắn liền với nóng và lạnh, gắn liền với tứ đại, gắn liền với thức ăn, vật uống.
Thế nào là sự sống được gắn liền vào hơi thở? Sự sống chỉ được duy trì, được tiếp diễn khi hơi thở vô, hơi thở ra được liên tục và đều đặn. Nếu hơi gió đi vào mà không đi ra hoặc hơi gió đi ra mà không đi vào thì sự chết đã đến gõ cửa.
Thế nào là sự sống được gắn liền với bốn cử động đi, đứng, nằm, ngồi? Sự sống chỉ được duy trì và tiếp diễn khi đi đứng nằm ngồi được vận hành suôn sẻ, trôi chảy; nếu một trong bốn oai nghi ấy bị ngưng đọng, ngưng trệ thì sự sống đã bị tê liệt.
Thế nào là sự sống được gắn liền với nóng và lạnh? Sự sống chỉ được duy trì, tiếp diễn khi thủy hỏa quân bình, đều hòa; nếu cơ thể lạnh quá độ hoặc nóng quá độ thì sự chết đã kề bên lưng.
Thế nào là sự sống được gắn liền với tứ đại? Sự sống chỉ được duy trì và tiếp diễn khi đất, nước, lửa, gió cân phân, đều hòa. Nếu một trong bốn đại rối loạn, tăng thịnh hơn ba đại kia thì sự chết đã được báo hiệu.
Và cuối cùng, tương tự vậy là thức ăn, vật uống. Thức ăn vật uống có thể duy trì sự sống mà cũng có thể hủy diệt sự sống. Ăn uống chừng mực, vừa phải, có tiết độ thì cái thân sẽ vô bệnh, mạnh khỏe; nếu khẩu tạp vô độ, bạ ăn, bậy uống thì bệnh tật, ốm đau đi liền với cái chết là việc đã từng xảy ra trước mắt cho rất nhiều người.
Này đại chúng! Sự chết vốn không ai có thể tiên lường, suy đoán hay xác định được. Tại sao?
Vì sự chết có năm vô tướng, bất định: “Đấy là thọ mạng vô tướng, bất định; bệnh tật vô tướng, bất định; thời gian vô tướng, bất định; không gian vô tướng, bất định; và thứ năm là số phận vô tướng, bất định!”
Thế nào là thọ mạng không có tướng và không có thể định được? Vì không ai có thể biết là mình sẽ sống bao lâu! Vì có hữu tình chết từ trong thai bào, trong giai đoạn còn một tuần, hai tuần; giai đoạn một tháng, hai tháng hay giai đoạn vừa ra khỏi bụng mẹ. Có người chết lúc mười tuổi, hai mươi tuổi, năm mươi tuổi hoặc sau năm mươi tuổi…
Thế nào là bệnh tật không có tướng và không có thể định được? Vì không ai có thể biết là mình sẽ chết về bệnh này hay chết về bệnh kia? Bị chết về nhiều thứ bệnh hay chết chỉ một, vài bệnh?
Thế nào là thời gian không có tướng và không thể định được? Vì không ai có thể biết mình chết lúc này hay lúc khác? Thời gian này hay thời gian kia? Buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều hay buổi tối?
Thế nào là không gian không có tướng và không có thể định được? Vì không ai có thể biết khi mình chết, cái thây sẽ nằm ở chỗ nào, xứ nào, chốn nào, trên giường, trên đất, trong làng, ngoài làng, dưới ruộng, trên núi, trong hang động hay dưới cội cây?
Và cuối cùng, là số phận, chỗ lai sinh cũng không có tướng và cũng không định được như thế! Vì ai là người biết được kẻ chết ở nơi này sẽ sinh lại ở nơi nào? Có người chết cõi người nhưng sau đó hóa sanh cõi trời, sinh lại cõi người hay lưu lạc vào bốn đường khổ? Sự vần xoay, trầm luân, lui tới ba cõi, sáu đường của các loài hữu tình quả thật là mù mờ, bấp bênh và vô định vậy.
Này đại chúng tỳ-khưu và cận sự nam nữ hai hàng!
Sự chết vô hình, vô ảnh, vô tướng, bấp bênh, vô định như vậy nên mọi người nên hằng suy niệm và quán tưởng về sự chết để lợi lạc và an vui lâu dài cho mình.
Giới hạn đời người là một trăm năm chăng? Có chắc chắn như thế không? Vì sự chết không biết nó sẽ đến thăm viếng lúc nào nên phải thường xuyên thực hành ba nghiệp lành, tốt; lìa xa ba nghiệp xấu ác để chuẩn bị hành trang, tư lương cho mình. Phải thường suy niệm có sanh ắt có tử để tự nhắc nhủ mình tinh cần tích lũy các công đức, các thiện sự như bố thí, trì giới, các công việc lợi tha.
Này đại chúng! Phải thường trực tưởng niệm đời sống ngắn ngủi, bao nhiêu năm không biết hạn kỳ; và sự chết thì luôn hờm sẵn để cắt lìa, đoạn diệt mạng sống của ta. Vậy, có thể nghĩ tưởng về cái chết và tu tập niệm chết trong một ngày, một đêm: “Sau một ngày một đêm, ta sẽ chết, vậy ta phải khéo miên mật chánh niệm, tỉnh giác!” Ai tinh cần thực hành được một ngày, một đêm như vậy là đã làm nhiều, đúng theo yêu cầu của Như Lai, thật đáng khen ngợi.
Có vị khác, người khác có thể nghĩ tưởng về cái chết và tu tập niệm chết trong thời gian chỉ một bữa ăn: “Sau thời gian bữa ăn này ta sẽ chết, vậy ta phải khéo miên mật chánh niệm, tỉnh giác!” Một vị khác: “Đời người không phải giới hạn trong một bữa ăn mà chỉ trong thời gian nhai nuốt bốn năm miếng ăn thôi”. Có vị khác: “Đời người chỉ tồn tại một miếng ăn”. Một vị khác nữa: “Sự sống chỉ được gói ghém trong một hơi thở vào, một hơi thở ra!” Có vị: “Sự sống chỉ nằm vỏn vẹn chỉ trong một niệm, trong một sát-na thôi!”. Những hành giả suy niệm về sự chết như vậy là đã rất miên mật, rất tinh cần; những tạp niệm tham sân, bụi bặm phiền não không có cơ hội len thấm vào tâm vị ấy.
Này đại chúng! Cuối cùng, người suy niệm, quán tưởng sự chết chỉ trong một niệm, trong một sát-na là cao tột, là cùng tận, là đúng với chân lý, là hợp với tuệ trí đệ nhất nghĩa. Tại sao vậy? Như cái bánh xe, khi lăn nó chỉ tiếp đất ở một điểm và khi dừng, nó cũng chỉ dừng trên một điểm. Sự sống của tất thảy chúng sanh, chúng chỉ sống, chỉ hiện tồn, chỉ có mặt khi lục căn giao tiếp với lục trần trong mọi diễn tiến duyên khởi đang là. Nói là sáu (lục căn) nhưng luôn luôn chỉ có một; chỉ có một căn vận hành, giao tiếp; rồi qua từng sát-na, từng tiểu sát-na chúng chuyển đổi cho nhau rất vi tế, rất nhanh nhạy. Và trong sự giao tiếp đang là của một căn ấy, cũng chỉ có một điểm giao tiếp với thực tại đang là như bánh xe tiếp đất kia vậy. Nói cách khác, đời sống của chúng sanh chỉ kéo dài trong một niệm, một sát-na; sau một niệm, một sát-na ấy là chấm dứt sự sống. Một niệm, một sát-na sống; một niệm, một sát-na chết và cứ thế tiếp diễn sống, chết, sống, chết trùng trùng vô cùng tận! Nếu lập ngôn một cách cô đọng thì: “Trong một sát-na quá khứ khi nó sống thì nó không có mặt trong hiện tại, không có mặt trong vị lai. Trong một sát-na khi nó sống trong hiện tại thì nó không có mặt trong quá khứ, không có mặt trong vị lai. Trong một sát-na khi nó sống trong vị lai thì nó không có mặt trong hiện tại, không có mặt trong quá khứ!”
Giảng đến ngang đây, đức Phật lại cảm hứng ngữ thốt lên một bài kệ thơ nữa:
Ôi! Sự sống của một hữu tình
Sự sống ấy là gì?
Là khổ, là lạc, là hỷ, Là ưu, là ai, là hoạn? Là ái, là ố, là sầu,
Là thương, là bi, là hận?
Tất cả đấy, chúng tồn tại ở đâu?
Chúng có mặt ở không, thời, gian nào? Trú xứ nào? Chỗ nào?
Sự thật là nó chỉ sống
Trong một niệm thoáng qua
Cái gọi là sắc thọ tưởng hành thức uẩn ấy
Của người đã chết
Hay của người đang sống
Đều giống nhau
Đều một đi không trở lại Không có thế giới sanh Nếu ý thức không sanh Không có thế giới diệt Nếu ý thức không diệt Thế giới chỉ hiện tồn
Khi ý thức có mặt Thế giới là hoại diệt Khi ý thức tan rã
Theo với nghĩa tuyệt đối, Theo với đệ nhất nghĩa Sinh tử là như thế
Bất sanh, bất tử là như thế!
Vậy này đại chúng! Những cách quán niệm về sự chết như vậy; tinh cần, miên mật trong một ngày, một đêm; trong một bữa ăn; trong bốn năm miếng nhai nuốt; trong một miếng ăn; trong một hơi thở vào ra hay trong một niệm thì tất thảy mọi triền cái1 đều được áp đảo, những thiền chi2 sẽ xuất hiện, vị ấy sẽ đạt cận hành định. Cận hành định này là do “tử tưởng” 3 phát sanh.
Tưởng niệm về sự chết phải luôn tinh cần, vị ấy sẽ
1 Hôn trầm – thụy miên, nghi, sân, trạo cử, dục.
2 Tầm, tứ, phỉ, lạc, cận hành.
3 Suy tưởng, niệm tưởng về sự chết.
không tham luyến đối với bất cứ sự hiện hữu nào, không bám víu vào một đối tượng nào trong đời sống, không trách cứ ác pháp nào, không tích chứa một sở hữu nào, không bị cấu uế của lòng tham trong bốn món vật dụng. Từng sát-na trôi qua, sinh và diệt trôi qua, liên miên bất tận không có điểm dừng nơi sắc pháp, nơi cảm thọ, nơi tri giác, nơi tâm hành, nơi nhận thức; nhờ vậy, tướng vô thường dần dần lộ rõ trong tuệ nhãn vị ấy. Và khi tướng vô thường xuất hiện thì tướng về khổ và vô ngã cũng đồng thời xuất hiện; vị ấy thấy rõ tam tướng, đi vào lộ trình tâm thánh đạo.
Trong khi một người chưa tu tập niệm chết thì thường bị bất an, bối rối, hãi hùng, kinh sợ vào lúc lâm chung như thể thình lình bị dã thú vồ chụp, như bất chợt bị ma quỷ đón bắt, như bị rắn mổ, như bị kẻ cướp trấn lột hay như bị kẻ sát nhân bức hại thì người có tu tập niệm chết, ngược lại, được ra đi an lành, không vọng tưởng, hoang tưởng, được chánh niệm tỉnh giác, hoàn toàn tự chủ và vô úy. Nếu chưa đặt được bàn chân trên mảnh đất bất tử do thấy rõ tam tướng, chưa đi vào được cận hành định như ý muốn thì khi thân hoại mạng chung, vị ấy cũng sẽ hóa sanh vào cảnh giới an vui hạnh phúc của cõi người hoặc cõi trời.
Ai trên đời có trí
Tinh cần, tỉnh giác luôn Hằng tu tập niệm chết Có lợi lạc phi thường!
Ai có duyên niệm chết
Một ngày hoặc một đêm Một bữa ăn, miếng ăn Một hơi thở, một niệm Người ấy đã thách đấu Với ác ma, thần chết Kiên cường không sợ hãi Người ấy là bất tử
Người ấy là vô sanh
Đạt an vui tối thượng!
Bài pháp hiên ngang, hào hùng như lưỡi kiếm giữa trời cao, như giọng sư vương giữa rừng sâu của đức Phật hôm ấy như tuyến chiến với hư vô, coi thường hư vô, bước ra khỏi hư vô đã giúp cho không biết bao nhiêu người thấy rõ bộ mặt thật của sự chết; đồng thời biết đâu là sanh tử trong một niệm, biết đâu là vô sanh bất tử cũng trong một niệm; một số trong họ đi vào vài quả thánh đầu tiên.
Đặc biệt, trong hội chúng hôm ấy có một cô gái mười sáu tuổi con người thợ dệt1 đã bừng bừng hỷ hoan trên khuôn mặt; và cô tự hứa với lòng là sẽ tu tập niệm chết từ khoảnh khắc này, từ hơi thở này, sẽ không còn dám biếng lười, dể duôi, giải đãi nữa…
1 Xem câu chuyện trong chú giải Dhammapada. iii. 170f.
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 85