Hoàng hậu Sāmāvatī hiền đức và pháp sư thị nữ Khujjuttarā lưng gù
Hoàng hậu Sāmāvatī hiền đức và pháp sư thị nữ Khujjuttarā lưng gù
Hoàng hậu Sāmāvatī hiền đức và pháp sư thị nữ Khujjuttarā lưng gù đều là những cận sự nữ, tin sâu Phật pháp.
Câu chuyện Sāmāvatī được bao gồm quanh câu chuyện của vua Udena. Do nhiều nguyên nhân đời này đời trước , oán thù của thứ hậu Māgaṇḍiyā với Đức Phật , kèm thêm dã tâm đoạt sủng ái vua Udena dành cho chánh hậu Sāmāvatī nên đã gây ra nhiều oan trái cho Đức Phật và cái chết của Sāmāvatī với 500 cung nữ.
Chánh hậu Sāmāvatī và 500 cung nữ do nghiệp quả của kiếp xa xưa , thiêu đốt 1 vị Độc Giác Phật nên giờ đủ duyên trổ quả.
Phần 1:
Phần 2:
Cổ sử truyện
CON GÁI ĐỨC PHẬT
(Hành trạng của chư Thánh ni
& những cận sự nữ đặc biệt và thù thắng)
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Nhà Xuất Bản Văn Học
Tái bản 2014
Đệ tử Chánh Trí diễn đọc
Hoàng hậu Sāmāvatī hiền đức
và pháp sư thị nữ Khujjuttarā lưng gù
Phần 1:
Phần 2:
Đến Kosambī, đức Phật ghé thăm khu vườn rừng Ghositārāma, khu vườn rừng Kukkuṭārāma, sau đó thì ngài sang ngụ tại lâm viên Pāvārikārāma1. Nơi nào cũng trên năm bảy trăm vị tỳ-khưu, riêng Pāvārikārāma thì khoảng chừng vài trăm. Các vị trưởng lão niên cao lạp lớn, hiện giờ đang hoằng pháp tại Kosala, Bārāṇasī, Rājagaha, Vesāli, Malla, Koliyā hoặc Kapilavatthu nên chư tăng tại Kosambī này còn thiếu sự dẫn dắt tu tập, cần phải đặc biệt quan tâm nhiều hơn.
Sau một thời gian giáo giới tại hai trú xứ kia, đức Phật an cư tại vườn rừng Ghositārāma.
1 Hoặc Pāvārikambavana.
Cả đại gia đình ba nhà phú hộ Ghosaka, Kukkuṭa, tức tốc sai gia nhân trang hoàng nhà cửa trong ngoài cho rạng rỡ, quang đãng và sạch sẽ để có dịp họ cung thỉnh đức Phật và Tăng chúng về tư gia đặt bát cúng dường.
Dịp này, ông Sumana, là chủ vườn hoa nổi tiếng Kosambī có cơ hội kiếm tiền. Vì bao nhiêu hoa, bao nhiêu tràng hoa cũng không đủ cung cấp cho ba nhà triệu phú tiền rừng bạc biển này để họ cung đón đức Phật. Nhưng hôm nay, bỗng dưng ông Sumana chợt đăm chiêu, tư lự. Rồi để mặc công việc hái hoa, xâu tràng hoa cho gia nhân, ông tức tốc lên ngựa lần lượt đến gặp ba nhà triệu phú, thưa rằng:
– Xin cho tôi được cung thỉnh đức Phật và Tăng chúng chúng chừng mươi vị để cho tôi được dịp cúng dường một lần trong đời.
Cả ba vị phú hộ đồng mỉm cười:
– Tại sao ông lại khởi tâm như thế, này Sumana?
– Thưa, tấm gương bố thí, cúng dường của ba ngài phú hộ như ba ngôi sao tỏ rạng kinh thành Kosambī. Hôm nay, nó lóe sáng lên trong cái tâm hồn tối tăm của tôi. Vậy xin ba ngài gia ân cho kẻ thấp hèn này được như nguyện.
Động lòng bi mẫn, cả ba vị triệu phú đến vườn rừng Ghositārāma thưa bạch với đức Phật thỉnh nguyện của lão trồng hoa, ngài im lặng nhận lời.
Vô cùng sung sướng, ông Sumana trở về nhà, tất bật công việc để ngày hôm sau cung đón đức Thế Tôn.
Vốn là nhà trồng hoa nên ông muốn bao nhiêu hoa đẹp, hoa quý mang ra chưng bày hết. Đồng thời, chẳng thèm tính tiền tính bạc, ông sai gia nhân đi mua sắm thức ngon, vật lạ, thượng vị loại cứng, loại mềm để đặt bát. Vườn nhà trong ngoài của ông giờ trông như khuôn viên của cõi trời, bây giờ được sắp đặt thêm các chỗ ngồi sang trọng, chỗ đi lót thảm quý, những chậu những ghè đựng nước rửa chân, rửa tay có khăn thơm.
Sáng sớm, mọi công việc đã xong, ông xoa tay nở nụ cười hoan hỷ, mãn nguyện.
Trong lúc ấy thì một cỗ xe ngựa quen thuộc từ triều đình đức vua Udena dừng lại ở đầu ngõ. Cô thị nữ sang trọng và quý phái của hoàng hậu Sāmāvatī bước vào với cái lưng hơi gù, với cái giỏ xách tay.
– Có việc gì mà trang hoàng ngôi nhà như cõi trời thế, ông già Sumana?
Ông Sumana hớn hở kể lại mục đích công việc của mình rồi tiếp lời:
– Vậy thì việc mua hoa hằng ngày xin quý nương hoãn lại cho một chút được không? Bao nhiêu hoa tôi đem chưng cả rồi. Một đời, một lần được dịp cúng dường đức Phật mà! Chắc hoàng hậu thánh đức và nhân hậu của chúng ta cũng thông cảm cho thôi!
Nghe chuyện cúng dường đức Phật, tâm cô thị nữ Khujjuttarā chợt phát sanh niềm hân hoan kỳ lạ. Một cảm giác phơi phới, lâng lâng khó tả. Cô mỉm cười, dịu dàng đáp:
– Được, không sao! Hơn thế nữa, dù có mang về cung hoa héo, hoa tàn gì chắc hoàng hậu cũng hoan hỷ cả, tại sao ông Sumana biết không?
Rồi cô kể chuyện:
– Hoàng hậu Sāmāvatī là đệ tử của đức Thế Tôn. Năm ngoái, khi đức ngài an cư mùa mưa ở đây, hoàng hậu đã đến nghe pháp, cúng dường. Bà còn hiến cúng cả khu rừng trầm hương cho Ni chúng nữa đó. Hôm ấy, bà đang mang thai, đức Phật có chú nguyện cho trẻ sau này trở thành một hoàng tử tốt. Gần một năm trôi qua, khi sinh đứa trẻ mẹ tròn con vuông, sáng sớm nào, bà cũng hướng vọng về miền Tây Bắc để đảnh lễ đức Tôn sư. Ôi! Chú hoàng tử nhỏ kháu khỉnh và dễ thương lắm đấy.
Ông Sumana thốt lên:
– Ôi! Lành thay! Quý hóa quá!
Cô thị nữ Khujjuttarā chợt cất giọng buồn buồn:
– Nhưng cũng một năm nay, hoàng hậu của chúng ta không được vui. Tuy nhiên, đức Phật năm nay mà an cư ở đây là tốt rồi!
Ông già Sumana dường như cũng biết chuyện:
– Cái bà thứ hậu Māgaṇḍiyā lấn quyền à?
– Cả nước này ai cũng biết! Nó đẹp quá, kiêu sa quá, rực rỡ quá nên đức vua mê mẩn. Nó là dạ-xoa chứ không phải người! Cái con quỷ cái mà năm kia, đức Phật đã từng chê là “không dám sờ đụng đến, dù là sờ đụng bằng chân” nổi tiếng cả kinh thành ấy mà!
– Ừ, tôi cũng có nghe chuyện ấy.
Chợt cô Khujjuttarā như sực tỉnh, cất giọng mau mắn nói:
– Ôi! Tôi đã sa đà lắm chuyện. Đức Thế Tôn lúc nào ngài ngự đến? Xem tôi có phụ giúp được công việc gì không nào? Chuyện mua hoa tính sau. Tôi cũng muốn ở lại nghinh đón đức Thế Tôn và còn muốn nghe pháp nữa!
Thế rồi, đúng giờ, đức Phật cùng mười vị tỳ-khưu bộ hành đến nhà người trồng hoa. Ông bà Sumana, cô thị nữ Khujjuttarā và một số gia nhân trân trọng làm bổn phận của mình. Đức Thế Tôn và chư sư độ thực tại chỗ. Cuối buổi ngọ trai, đức Phật chú nguyện phúc lành cho người đã khuất và kẻ hiện tiền đồng lợi lạc, an vui.
Sau đó, đức Phật quán căn cơ, ban bố đến cho gia chủ một thời pháp nói về phước báu của bố thí, cúng dường. Đức Phật cũng nhấn mạnh về đức tin chân chính, trong sạch là như thế nào? Ngài cũng giảng sơ qua nhưng rõ ràng về bốn hạng người mắt sáng, mắt mù trên thế gian:
Người mắt sáng, ở chỗ sáng tìm về chỗ sáng. Người mắt sáng, ở chỗ sáng tìm về chỗ tối. Người mắt mù, ở chỗ tối tìm về chỗ sáng. Người mắt mù, ở chỗ tối tìm về chỗ tối.
Đến ngang đây, đức Thế Tôn chợt hỏi:
– Vậy ông là hạng người nào trong bốn hạng người ấy, này người trồng hoa?
– Dạ thưa! Con từ chỗ tối tìm về chỗ sáng!
– Đúng vậy! Nhưng ông lấy cái gì để biết mà từ chỗ tối tìm về chỗ sáng, này Sumana?
Thấy ông già lúng túng, cô thị nữ Khujjuttarā lưng gù đứng dậy:
– Bạch đức Tôn sư! Có phải dùng trí đúng đắn, trí chơn chánh để thấy biết cái đúng, cái sai, cái lành tốt, cái xấu ác không ạ?
Đức Phật nhè nhẹ gật đầu, sau đó, ngài giảng thêm, phân tích cho mọi người rõ những cái thấy biết xấu quấy, sai trái, tức là tà kiến, không nên theo. Và những cái thấy biết đúng đắn, chơn chánh nên thọ trì, nên thực hành là như thế nào!
Cuối thời pháp, phát sanh điều bất ngờ nhất là cô thị nữ Khujjuttarā lưng gù đắc quả thánh Tu-đà-hoàn.
Cảm xúc tâm linh tuôn tràn, cô lặng lẽ quỳ xuống bên chân đức Đạo sư, thành kính tri ân đảnh lễ ngài mà không nói được nên lời.
Đức Phật biết rõ chuyện gì xảy ra, ngài quay qua nói với cô gái:
– Con đi mua hoa này mà lại được hoa khác, có phải vậy không, này Khujjuttarā?
– Tâu, vâng, bạch đức Thế Tôn!
– Toàn bộ buổi pháp thoại hôm nay, con có thể ghi nhớ và có khả năng lặp lại y hệt như vậy được không, này Khujjuttarā?
– Tâu, vâng, bạch đức Thế Tôn! Đệ tử có thể làm được như vậy!
– Ừ! Để lợi ích cho nhiều người, từ rày về sau, con về xin với hoàng hậu Sāmāvatī được đi nghe pháp trong thời gian Như Lai an cư ở đây, được không, này Khujjuttarā?
– Tâu, vâng, bạch đức Tôn sư! Hoàng hậu chắc sẽ hoan hỷ về điều ấy lắm.
Lúc tiễn chân đức Phật và chư sư về rồi, cô thị nữ lưng gù lấy tám đồng tiền vàng mua hoa rồi ra xe trở về hoàng cung.
Thấy một giỏ hoa đẹp và nhiều hơn mọi bữa, hoàng hậu Sāmāvatī ngạc nhiên:
– Sao hoa hôm nay lại nhiều vậy, Khujjuttarā? Ngươi bỏ thêm tiền túi à?
Cô thị nữ thú tội:
– Không phải vậy! Bữa nào cũng tám đồng tiền vàng cả, nhưng con thường ăn bớt hết một nửa, chỉ mua bốn đồng mà thôi!
Bà hoàng hậu hiền từ nói:
– Thế tại sao hôm nay ngươi lại không khởi tâm cắt xén, ăn bớt, này Khujjuttarā?
– Do hôm nay con đã được nghe pháp từ đức Thế Tôn nên con sẽ không còn trộm cắp, cắt xén, ăn bớt xấu xa như trước đây nữa!
– Ồ! Quý hóa quá! Vậy ngươi đã nghe được pháp gì kỳ diệu mà có thể thay tâm đổi tánh tuyệt vời như thế hở Khujjuttarā?
Cô thị nữ cất giọng bí hiểm:
– Pháp ấy nó trong và nó ngọt như nước suối tận nguồn cao. Hôm nay con đã uống được vài giọt. Cõi nhân sinh này không có loại nước ấy đâu, hoàng hậu quý kính ơi!
– Thế ngươi thuyết lại cho ta uống với?
– Pháp ấy không dễ thuyết. Thứ nhất là phải biết kính trọng pháp, thứ hai là phải biết kính trọng người thuyết, thứ ba là người thuyết và người nghe phải dọn mình cho sạch sẽ, thanh tịnh!
Hoàng hậu Sāmāvatī do khát khao giáo pháp nên chẳng nệ hà gì, làm theo tất thảy mọi yêu cầu nghiêm túc của cô thị nữ lưng gù. Mọi người còn chưng hoa và xông hương chiên đàn nên cả không gian chợt trở nên trong lành và thơm ngát.
Vậy là buổi chiều, sau khi ai cũng tắm rửa sạch sẽ, cô thị nữ ngồi trên pháp tọa cao, giảng nói lại toàn bộ buổi pháp thoại buổi sáng của đức Thế Tôn cho hội chúng, gồm có hoàng hậu Sāmāvatī và một số cung nga thể nữ nghe!
Cô thị nữ Khujjuttarā lưng gù đã tỏ ra bản lãnh thiên tài của một vị pháp sư, không những ý nghĩa khúc chiết, mạch lạc mà giọng nói còn trầm bổng, du dương như thu nhiếp hồn người. Và cũng kỳ diệu thay! Đức Phật dẫu ở xa, nhưng ngài đã hướng tâm nghe được và ngài còn biết khá nhiều cung nga, thể nữ đã được uống giọt nước bất tử!
* Hoàng hậu Sāmāvatī là ai?
Sāmāvatī1 là một trong ba vị phu nhân của đức vua
Udena. Bà vốn là con gái của triệu phú Bhaddavatiya tại
1 Hoàng hậu Sāmāvatī, trang 1102-1104 trong quyển II – Dictionary of Pāḷi proper Names
Bhaddavatī, là bạn thân của triệu phú Ghosaka ở thành
phố Kosambī. Khi một bệnh dịch ghê sợ hoàng hành tràn qua thị trấn Bhaddavatī, tài sản, nhà cửa bị phá tán tan hoang, cô và cha mẹ cô đã trốn đến Kosambī, dựng tạm một cái lều rách nát ở ngoại thành để kiếm xin ăn qua bữa.
Ông Bhaddavatiya thều thào nói với con gái:
– Triệu phú Ghosaka ở kinh thành này là bạn thân của ta, nhưng ta không thể nào muối mặt đến nhờ cậy ông ta trong cái thân tàn ma dại, không ra người, không ra ngợm. Tuy nhiên, ông ta vốn là người giàu lòng từ thiện, với hoàn cảnh các vùng phụ cận bị tai ương dịch bệnh, chắc chắn ông ta sẽ mở các trại tế bần để giúp cơm, đỡ cháo cho mọi người. Vậy con hãy tìm đến đấy để xin ăn qua bữa…
Nghỉ hơi một chút, ông nói tiếp:
– Cả cha cả mẹ đều bị nhiễm bệnh, chắc không còn sống được mấy hơi. Dù có chết, con cũng giấu luôn tung tích đừng cho ông triệu phú biết!
Vâng lời cha, cô gái đi lần theo chân những người xin ăn, quả nhiên, có một trại tế bần ở cửa trang viên của ông triệu phú Ghosaka. Vào ngày đầu tiên, cô Sāmāvatī xin ba phần ăn, ngày thứ hai, xin hai phần ăn, ngày thứ ba chỉ xin một phần ăn. Vì cha cô bị chết trong lần ăn đầu tiên, mẹ cô bị chết trong bữa cơm ngày thứ hai. Khi vào ngày thứ ba, cô chỉ xin có một phần ăn.
Ông Mitta, quản gia của ông triệu phú, là người trông coi việc phân phát thực phẩm, đã để ý đến cô gái rất đẹp,
rất lịch sự, rất nho nhã qua hai ngày xin ăn; đã chọc ghẹo cô và nói như sau:
– Hôm nay chắc cô biết rõ khả năng của cái bụng của mình rồi nên chỉ xin nhận một phần vật thực!?
– Ý ông là thế nào, thưa ông? Ông quản gia cười:
– Không phải lần trước bụng cô ăn ba phần, sau đó là hai phần, bây giờ là một phần đó sao?
– Thưa ông! Lần thứ nhất, tôi còn cha, còn mẹ. Lần thứ hai, cha tôi mất. Hôm nay cả cha và mẹ tôi đều mất, chỉ còn mình tôi, xin ông hiểu sự thật là như vậy!
Thấy cô gái xinh đẹp ăn nói đâu ra đấy, tỏ ra con nhà có giáo dục, ông quản gia thương hại nhận cô làm con nuôi. Ông còn chịu khó theo chân cô gái ra ngoại ô, sai người làm quấn thân cha mẹ cô bằng vải trắng tẩm dầu thơm, làm một giàn cây rồi thiêu xác họ một cách rất chu đáo.
Một hôm, khi đi đến nhà chẩn bần, cô trông thấy những người nghèo khổ chen lấn nhau, dẫm đạp nhau, tranh nhau để nhận vật thực đã xảy ra một cuộc náo động ầm ĩ, hỗn loạn. Buổi chiều vắng người, cô xin phép cha nuôi cùng với một số gia nhân mang theo vật dụng cần thiết để làm một hàng rào tuy thô sơ nhưng chắc chắn, có cửa vào, có cửa ra và lối đi chỉ đi được một người khi vào nhận vật thực, xong, đi trở ra cửa khác. Với cách thức này của cô, tình trạng ồn ào, hỗn loạn được chấm dứt.
Hôm kia, triệu phú Ghosaka đang nghỉ trên lầu cao,
ông chợt ngạc nhiên khi không còn nghe tiếng cãi vã, chen lấn ồn ào hỗn loạn như mọi bữa tại trại chẩn bần, bèn tìm hiểu nguyên nhân, thì phát hiện cô gái nghèo đã làm được việc đó. Ông bảo viên quản gia Mitta cho gọi cô gái lên để hỏi chuyện. Bây giờ, cô mới tình thật kể rõ đầu đuôi tự sự. Cám cảnh thương tình quá, ông triệu phú đã quát lên:
– Tự ái hảo! Này ông bạn ngu si! Sĩ diện hảo! Này ông bạn ngốc nghếch! Bạn bè thì phải có nghĩa vụ khi tối lửa tắt đèn chớ? Phải có nghĩa vụ khi sa cơ lỡ vận chớ! Ông làm vậy thì chẳng coi tôi ra cái gì rồi!
La quát vậy là vì thương. La quát vậy là vì quá xúc động. Sau đó, như để hàn gắn vết thương lòng, ông nhận cô gái làm con mình và đối xử hoàn toàn giống như con gái ruột để an ủi hương linh ông bạn nơi chín suối.
Cô gái vốn có tên Sāmā, nhưng sau khi cô cho dựng hàng rào (vati) xung quanh nhà chẩn bần nên từ nay được gọi là Sāmāvatī.
Vào một ngày lễ hội, đức vua Udena nhìn thấy Sāmāvatī với sắc đẹp mỹ lệ, với dáng dấp quý phái, thanh cao cùng với thị nữ đang đi đến dòng sông để tắm, ông cảm nghe trái tim rung động. Cho người tìm hiểu, mới biết cô ta là tiểu thư con gái của ông triệu phú Ghosaka nên đức vua cho sứ giả đến dạm hỏi để rước nàng về hoàng cung.
Triệu phú Ghosaka trong bụng không bằng lòng nhưng ngoài mặt thì nói với sứ giả:
– Thật là vinh hạnh xiết bao cho con gái của ngu dân. Nhưng xin ngài về thưa lại với đại vương rằng, là con gái
tôi còn nhỏ, nó lại không biết về lễ nghi của cung đình, để tôi giáo huấn nó một thời gian đã!
Khi sứ giả ra về rồi, ông hét toáng lên:
– Suốt năm, suốt tháng chỉ biết uống rượu, một đám mỹ nữ, săn bắt giết thú, sống đời hoang dâm vô độ thì đâu có xứng đáng với con gái của ta?
Nói thì nói cứng vậy, nhưng biết làm sao, lệnh vua là lệnh trời, không nghe theo thì phải chịu án tù đày, treo cổ! Lần thứ hai, sứ giả đến, ông triệu phú vẫn tìm ra cớ hoãn binh. Lần thứ ba, sứ giả đến cùng với hằng trăm quân cấm vệ, ra lệnh, nếu không tuân, trang viện sẽ bị niêm phong và ông triệu phú phải bị tống vào tù!
Đến lúc này thì cô Sāmāvatī phải lên tiếng để cứu cha:
– Nhà cửa không thể bị niêm phong được. Cha không thể vào ở tù được. Cha còn thì biết bao nhiêu người nghèo khổ được nhờ cậy. Hãy hy sinh con gái thôi, thưa cha!
Ông triệu phú Ghosaka chảy nước mắt:
– Ta chỉ sợ con khổ thôi! Con mà khổ thì ta làm sao mà nhìn mặt cha con dưới suối vàng, hở con gái yêu!
Vậy là không có lối thoát, triệu phú Ghosaka đành phải chấp thuận cho cô Sāmāvatī lên kiệu vàng vào hoàng cung, khi đi, cô chỉ xin mang theo cô thị nữ lưng gù tên là Khujjuttarā mà thôi. Được Sāmāvatī, đức vua Udena tức khắc phong cô làm hoàng hậu chỉ mấy ngày sau đó.
Cô thị nữ lưng gù Khujjuttarā là ai? Cô xuất thân như thế nào, tính hạnh ra sao mà được hoàng hậu quý mến
đến vậy? Thật ra, cô ta xuất thân nghèo hèn, chỉ là một gia nô tầm thường, tài giỏi về nghề thuốc nên được ông triệu phú cho ở trong nhà với tư cách chỉ như là “một bác sĩ tại gia”. Nhưng nhờ miệng lưỡi mau mắn, thông minh, tháo vát, biết quan tâm đến người khác nên được lòng tất cả mọi người. Cô lại có kiến thức, sáng dạ, tiếp thu nhanh nên Sāmāvatī rất yêu mến, chỉ muốn gần bên để bầu bạn, tâm tình.
Thế là hôm đó, sau thời pháp của vị “nữ pháp sư” Khujjuttarā, thì gần như toàn bộ cung nga thể nữ của đức vua Udena trở thành con người mới. Ai cũng tỏ ra kính trọng cô gái người hầu của hoàng hậu Sāmāvatī. Vốn từ một thân phận thấp hèn nhất, bỗng dưng lại được các cung nga kiêu sa gọi bằng chị, tới lui, vào ra đều được mọi người quan tâm, ưu ái và đối xử rất mực lễ độ.
Hơn ai hết, hoàng hậu Sāmāvatī biết rõ rằng, giá trị tinh thần thiêng liêng nó nâng con người lên, và đó chính là sự thăng hoa tác phong và tư cách chứ không phải bởi quyền lực, địa vị, danh vọng hoặc ngọc vàng. Ôi! Bà xiết bao tôn kính đức Đạo sư, một hiện thân siêu việt, đã đem lại giá trị đích thực cho kiếp sống làm người. Cô thị nữ Khujjuttarā và cung nga thể nữ cũng nhận thức như thế. Ai cũng mong muốn thầm lặng trong tâm là được gặp mặt đức Tôn sư, được cúng dường và nhất là được nghe pháp. Rồi ai cũng đến gặp Khujjuttarā nhờ bàn mưu, tính kế giúp họ.
Cô thị nữ Khujjuttarā thường được phép ra ngoài mua hoa, quan hộ thành cũng như quân canh đều đã quen mặt. Cô thấy cứ mỗi buổi sáng, đức Phật và Tăng chúng thường bộ hành con đường phía sau cung điện để qua nhà các vị đại phú hộ hoặc trì bình khất thực trong kinh thành; cô bèn nẩy ra một ý rồi bàn với mọi người.
– Cửa sổ tầng cao bên sau hậu cung hiện trổ ra con đường đức Phật và chư Tăng thường đi qua. Vậy quý cô hãy khoét tường thành một lỗ tròn vừa đủ cái đầu và tay thò ra ngoài. Vậy thì bất cứ ai muốn chiêm ngưỡng kim thân của đức Phật hoặc muốn cúng dường gì đến ngài và Tăng chúng cũng được hết!
– Chiêm ngưỡng ngài thì được, nhưng còn cúng dường thì chúng ta phải làm sao?
– Quý cung nương cứ đưa vàng bạc đây, tôi sẽ nhờ người mua vật phẩm cúng dường. Họ sẽ đích thân lo việc ấy như là đại diện cho quý cung nương, và chúng ta sẽ tính trả thù lao hậu hĩ cho họ.
Một cô nga hỏi:
– Thế mình không dâng cúng tận tay thì làm sao có phước được?
Cô thị nữ Khujjuttarā giải thích:
– Nơi sanh phước có ba: Thân, khẩu và ý. Nếu ta không thể hiện bằng thân và khẩu thì ta sẽ cúng dường bởi tâm ý cũng đã thành tựu phước rồi. Đừng lo, đức Chánh Đẳng Giác biết rõ điều ấy và ngài sẽ chú nguyện tâm thành ấy cho chúng ta.
Thế rồi, công việc được tiến hành.
Hôm ấy, đức Phật và Tăng chúng trên đường sang nhà ông triệu phú, lộ trình theo lối hậu cung thì gặp một số đông nam nữ giai cấp thủ-đà-la đặt vật phẩm cúng dường rất trang trọng, rất phải phép do họ đã được cô thị nữ Khujjuttarā đã ý tứ hướng dẫn. Trên lầu cao, những cung nga thể nữ thò đầu và tay ra ngoài với những cành hoa vẫy đưa qua đưa lại. Đức Phật dừng chân. Và như tâm ý cùng liên thông, chư Tăng cũng dừng lại và đều lặng lẽ quay mặt về phía họ để thọ nhận vật thực.
Đức Phật sử dụng thần thông, nói một câu pháp thoại “tùy hỷ” như rót vào tai họ và cho cả chư thiên, thọ thần quanh vùng đều được nghe:
– Cúng dường tâm ý là cách cúng dường của chư thiên. Với chính tâm, thành ý này, Như Lai chúc phúc cho quý cung nương sắc đẹp, sức khỏe, trường thọ, an vui và trí tuệ. Hãy duy trì đức tin với thiện pháp để bước đi an toàn nơi cõi trời và người!
Mấy trăm cung nga thể nữ xiết bao hoan hỷ. Thêm một lần nữa, có người đạt tâm bất thối. Riêng hoàng hậu Sāmāvatī mừng vui đến đẫm nước mắt.
Chỉ cúng dường được một hôm thì bị thứ hậu Māgaṇḍiyā tình cờ phát giác. Bà hỏi một cung nữ lý do những cái lỗ tròn trên lầu hậu cung. Cô ấy vô tình và vui thú tiết lộ.
– Chúng tôi chiêm bái và cúng dường đức Phật và
Tăng chúng qua cái lỗ tròn ấy.
Thứ hậu Māgaṇḍiyā mỉm cười như không có chuyện gì, vô sự bước đi nhưng trong lòng lại nghĩ: “Ta có mối thù ‘bất cộng đái thiên’ với ông Gotama, y đã từng sỉ nhục ta, phỉ báng ta một cách quá đáng. Đây quả là dịp để ta sẽ phục thù, rửa hận. Còn mấy trăm con tiện tì, a đầu này cùng a dua theo bà Sāmāvatī, ta cũng sẽ làm cho cả bọn chúng biết tay!” Đến gặp đức vua Udena, bà thứ hậu Māgaṇḍiyā tìm cớ tâu rằng:
– Mấy trăm cung nữ của chánh hậu đang có âm mưu gì đó nên đã khoét những cái lỗ tròn sau vách lầu hậu cung. Một là muốn tư thông với bên ngoài, hai là có âm mưu bất chánh gì đó, đại vương phải để tâm một chút!
Đức vua mỉm cười:
– Hoàng hậu rất trang nghiêm, mẫu mực, đứng đắn nên những cung nữ ở đấy cũng học được một phần nào đức tánh tốt của bà ấy. Họ không làm gì đáng ngại đâu.
– Đại vương hãy quá bộ ngọc thể đến xem. Tiện thiếp không hề nói sai ngoa.
Đến lần thứ ba, chẳng đặng đừng, đức vua đích thân đến xem và thấy những cái lỗ khoét tròn.
Hoàng hậu Sāmāvatī tình thật kể lại đầu đuôi tự sự cho vua nghe rồi kết luận:
– Họ không dám bước ra ngoài theo điều lệ của hậu cung. Họ cũng có tâm muốn bố thí, cúng dường đến đức Phật và Tăng chúng như tiện thiếp vậy. Kính xin bệ hạ cho họ một đặc ân, ấy là niềm vui tín ngưỡng thiêng liêng trong lòng họ!
Đức vua đáp:
– Hậu khéo nói quá! Ừ! Quả thật điều ấy thì trẫm cũng phải nên trân trọng.
Nghỉ hơi một lát, nhìn những cái lỗ trống hoác, đức vua chỉ tay nói:
– Nhưng gió bão, cáo, chồn, chim, chuột có thể từ chỗ ấy mà vào, sẽ bất ổn, bất tiện cho việc ăn ở ngủ nghỉ. Trẫm sẽ cho người thiết kế một loại cửa đặc biệt để lấp trống những cái lỗ ấy lại. Làm sao để cho cung nga thể nữ cũng đưa được tầm mắt ra bên ngoài mà còn ngăn được thú vật, gió dữ, gió lạnh, gió chướng nữa.
Thế là mấy ngày hôm sau, thợ thầy đặc biệt của hoàng gia đã lắp kín các lỗ trống bằng một loại cửa có tên gọi là “Khuddacchiddakavātapānāni” 1. Từ đó về sau, cung nga thể nữ có thể chiêm ngưỡng đức Phật và Tăng chúng, có điều là họ không thể thò đầu và tay ra ngoài được nữa. Tuy nhiên, có lẽ đức Chánh Đẳng Giác cũng biết nhân, duyên và quả của nó nên ngài đã dạy trước cho họ là cúng dường bằng tâm ý là cách cúng dường thanh tịnh và vi tế của chư thiên!
Thứ hậu Māgaṇḍiyā là ai mà lại thâm thù đức Phật đến như vậy?
Năm trước đây, cũng tại Kosambī, hôm kia, trời mây thưa, gió nhẹ có vẻ tạnh ráo, sáng sớm, đức Phật lại ôm bát ra đi một mình. Ngài đi rất xa về phía Tây Bắc thuộc
1 Không biết chính thức tên là gì – nhưng sau này người ta cải tiến trở thành cửa sổ được gọi tên là “cửa sổ mắt cáo”.
thượng nguồn sông Yamuna, đến vùng Kuru, thị trấn Kammāsadhamma1, gần các ngôi đền thờ các vị thần của bà-la-môn giáo. Đức Phật tọa thiền suốt đêm tại một vòm cổng bằng đá, sáng ngày, ngài ôm bát theo con lộ chính trong thị trấn để khất thực. Trời mưa rất nhẹ, chỉ như sương mù lay bay, đường đất thấm nước, không có bụi, khí trời mát mẻ. Đây là vùng đất, là xứ sở của bà-la-môn giáo! Các vị sa-môn, chư tỳ-khưu cho biết rằng, ở đây rất khó kiếm vật thực. Mặc dầu đời sống cư dân khá sung túc nhưng họ không đặt bát cho người khác tôn giáo! Tuy nhiên, nhờ tướng hảo quang minh, sự sáng chói từ hào quang lan tỏa nơi ngài hấp dẫn lôi cuốn mọi người nên vật thực ngài cũng có đủ! Lựa tìm một cội cây tại ngã ba đường, đức Phật xếp bốn tấm y hai lớp rồi ngồi độ thực. Dùng xong, ngài trú quang định để chờ đợi hai kẻ hữu duyên sẽ đắc quả A-na-hàm (Anāgāmī)!
Thị trấn Kanumāsadamma có một bà-la-môn gia chủ hữu danh, đấy là ông bà Māgaṇḍi. Suốt đêm, ông ở trong đền để chăm lo việc tế thần lửa, trên đường về nhà, ông chợt thấy đức Phật ngồi dưới cội cây! Sửng sốt, ông đứng lặng, ngắm nhìn mê mải! Ôi! Vị này là ai mà đẹp quá!? Cả thân thể sao mà tỏa sáng như châu ngọc! Từ vừng trán, khuôn mặt, cái mũi, cái miệng, chân mày, đôi mắt, vai, ngực, chân tay… cả những ngón tay… đều do thợ điêu khắc tuyệt hảo của đức thần Brāhmā! “Chà! Ông tự nghĩ
– Ta có cô con gái xinh đẹp tuyệt trần, nếu có được một chú
1 Hoặc Kammāsadamma – gần Delhi ngày nay.
rể đông sàng tướng hảo tuyệt mỹ như thế này thì mới thật là xứng đáng!” Nhà ông cũng ở gần đây nên ông hấp tấp đến báo cho bà hay: “Này bà, có một chàng trai tuyệt đẹp, đúng là quý nhân, quý tướng! Bà hãy mau đến gốc cây đầu đường kia mà xem! Ta đã chọn cho con gái rượu của chúng ta một tấm chồng đấy!”
Đức Phật biết chuyện gì xảy ra nên ngài bước xuống, để lại một dấu bàn chân1 rồi đi sang hướng khác.
Khi hai ông bà Māgaṇḍi dẫn cô gái Māgaṇḍiyā tìm đến thì không thấy đức Phật đâu mà chỉ thấy dấu bàn chân có cả ngàn căm bánh xe, trông rõ ràng như điêu khắc ở trên đất. Hai ông bà vốn có tài xem tướng, bà giỏi hơn ông, thấy dấu bàn chân lạ lùng nên đồng ngồi xuống, săm soi nhìn kỹ.
Bà nói:
– Không phải là dấu bàn chân của con người, ông mày ạ! Ông trông có lầm chăng? Đâu có phải của con người?
– Con người thật mà! Ông gật đầu “chắc nụi” – Ta thấy rõ là con người bằng xương bằng thịt thật mà!
– Thế thì lạ lùng quá! Dấu bàn chân này oai lực lắm! Ông tròn mắt, gặng hỏi:
– Ma vương chăng?
– Nói bậy!
– Quỷ vương chăng?
– Càng nói bậy!
1 Nguyện lực để lại dấu bàn chân được gọi là “Pādacetiya”.
– A-tu-la vương chăng?
– Đừng có “hàm hồ”! Bà chau mày, nói như gắt – Dấu bàn chân này rất trung chính, chẳng có tà ma, quỷ quái nào ở đây cả!
– Vậy thì thọ thần, chư thiên gì ở đây rồi!
– Còn chưa đáng kể gì! Vị này còn cao sang, oai lực hơn nữa kìa!
– Đại phạm thiên chăng?
– Cái này thì tôi chịu! Bà lắc đầu – nhưng dấu bàn chân này phải là của một con người đã tận diệt mọi khát dục, khát vọng ở đời nên mới đạt được cái vẹn toàn và chí mỹ như vậy!
– Khiếp! Thế là không thể bắt người này làm chồng con gái cưng của chúng ta nữa hay sao?
Bà trầm ngâm một lúc, có lẽ suy nghĩ lung lắm, sau đó, bà thở dài, nói như hơi gió thoảng:
– Hỏng rồi ông mày ạ! Theo tôi được học thì dấu bàn chân có ngàn căm bánh xe như thế này, trong nhân tướng học, nói về đại quý nhân thì chỉ có hai người. Một là đức Chuyển luân Thánh vương, hai là đức Phật Chánh Đẳng Giác. Nếu là Chuyển luân Thánh vương thì luôn có bảy cô tiên nữ diễm lệ theo hầu, con gái ta cũng không bén mảng tới được. Tuy nhiên, vì dấu bàn chân này quá thiêng liêng và trong sạch nên ta phải loại bỏ ông này ra. Vậy chỉ còn là dấu bàn chân của đức Chánh Đẳng Giác thì con gái ta dẫu đẹp như chúa của tiên nữ, vị ấy cũng không thèm để dính một ngón chân đâu!
– Phải đấy, này hai ông bà Māgaṇḍi – Đức Phật đã đứng bên vệ đường, gần sát bên họ, cất giọng phạm âm – Nhận xét như vậy là chính xác, là đúng đắn! Thuở ấy có ba cô tiên nữ thiên kiều bá mị, là con gái của Đại ma vương,
chúa cõi trời Paranimmita-vasavattī1 nõn nường, lả lơi, gợi tình; đã đến quyến dụ Như Lai, mê hoặc Như Lai bằng thiên sắc, thiên âm, thiên hương… Phải biết rằng, thiên sắc ấy tế nhị, thù thắng, mỹ diệu. Thiên âm ấy tế nhị, thù thắng, mỹ diệu. Thiên hương ấy tế nhị, thù thắng, mỹ diệu. Thế nhưng, một sát-na nhanh như ánh chớp, Như Lai cũng không để cho lục căn bị vướng vào đâu cả. Như Lai không hề động tâm! Huống hồ là cô gái đẹp của ông bà!
Rồi đức Phật đọc lên câu kệ:
Đã nhận thấy sự rỗng không, bọt bèo, bất tịnh của ái dục, bất mãn và tham vọng, Như Lai không còn thích thú, đắm say trong dục lạc phù phiếm của ái tình nữa. Cái thân thể xú uế, ô trược ấy là cái gì? Như Lai không bao giờ muốn sờ chạm đến nó, dầu chỉ đụng bằng chân! 2
Lạ lùng làm sao, đức Phật chỉ nói chừng ấy, xác chứng một sự thực mà ông bà Māgaṇḍi tức khắc, chứng quả Bất Lai; cả hai ông bà quỳ năm vóc sát đất, đảnh lễ ngài với lòng tri ân vô hạn. Riêng cô gái Māgaṇḍiyā thì tức tưởi, khóc lóc bỏ chạy! Cô thấy mình bị sỉ nhục một cách đau
1 Cõi trời Tha hóa tự tại.
2 Phỏng dịch từ câu kệ ngôn:”Disvāna taṇhaṃ aratiṃ rāgañca. Nāhosi chan- do api methunasmiṃ. Kimevidaṃ muttakarīsapuṇṇaṃ. Pādāpinaṃ sam- phusitum na icche”.
đớn khi đức Phật chê thân thể cô xú uế, ô trược… không muốn sờ chạm đến, dầu chỉ đụng bằng chân! Xấc xược thế là cùng! Vậy nên, bắt đầu từ đấy, cô cột oán kết với đức Phật bằng một mối hận thù sâu sắc. Cô quyết tìm cơ hội báo thù.
Còn ông bà Māgaṇḍi, sau khi để lại toàn bộ gia sản cho người em trai là bà-la-môn Cūḷamāgaṇḍi, gởi gắm chăm sóc cô con gái, hai người tìm đến khu rừng lớn Bhesakaḷā xin xuất gia, trở thành tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, không lâu sau họ đắc quả A-la-hán.
Riêng ông em trai Cūḷamāgaṇḍi, sau này đi đâu cũng nghe mọi người chế nhạo cháu ông, cô gái Māgaṇḍiyā, là cái cô mà đức Phật không dám sờ đụng, dầu là sờ đụng bằng chân! Tức giận quá, tự ái quá, ông bèn mua sắm xiêm trang, châu báu rồi trang điểm cô ta đẹp như tiên nữ rồi đem dâng cho đức vua Udena, với lời dặn nhỏ: “Sau này, khi đạt được địa vị, danh vọng, quyền lực thì tìm cách trả thù cho bằng được mối sỉ nhục của con đối với ông Cù- đàm đấy!”
Đức vua Udena vốn háo sắc, tuy nhiên, đúng là cô ta rất đẹp, bèn phong cho cô làm hoàng phi, sau đó là thứ hậu. Còn ông cậu, bà-la-môn Cūḷamāgaṇḍi, do cô Māgaṇḍiyā năn nỉ ỉ ôi với đức vua nên được phong làm quốc trượng!
Vậy, nguyên nhân mà thứ hậu Māgaṇḍiyā hận thù đức
Phật rồi hận thù lây lan sang chánh hậu Sāmāvatī là vì thế!
Hôm kia, thấy âm mưu tố cáo của mình bất thành, bà thứ hậu Māgaṇḍiyā tự nghĩ: “Đức vua dẫu sủng ái mình
nhưng vẫn đang còn trọng vọng chánh hậu. Vậy chưa thể làm hại cả bè lũ chúng được. Việc ta cần làm ngay là hãy tập trung vào ông sa-môn Gotama. Phải đối phó, phải hạ nhục ông ta trước đã!”
Nghĩ thế xong, bà cho gọi một vị quan hậu cung thân tín, tìm gặp những tay đầu sỏ du đãng, côn đồ, trộm cắp trong kinh thành, tung tiền bạc cho chúng, chỉ để làm duy nhất một việc như sau: “Bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, sa-môn Gotama và đệ tử của ông trì bình khất thực, đi và về trên các ngả đường; bọn chúng phải mắng nhiếc, lăng mạ, chưởi rủa bằng bất cứ lời tiếng gì cay độc nhất, xấu xa nhất, thô bỉ nhất, hèn hạ nhất, dơ bẩn nhất… Càng chưởi ‘hay’ chừng nào, nhục mạ ‘đẹp’ chừng nào sẽ được tiền thưởng nhiều chừng ấy!”
Thế là ngày hôm kia, khi đức Phật dẫn đầu Tăng chúng chừng trăm vị, có thị giả Nāgita theo hầu, từ lâm viên Ghositārāma bộ hành đi đến nhà ông bà triệu phú Ghosaka, khi vừa quành ngang con lộ dẫn vào thành phố thì một bọn đầu trộm đuôi cướp ở đâu đó ùa ra chưởi rủa, nhiếc mắng…
Đức Phật biết chuyện này nên nói nhỏ vừa đủ cho chư
Tăng bên sau nghe:
– Bà thứ hậu Māgaṇḍiyā trả thù đấy! Hôm nay họ sẽ nhiếc về những con thú!
Và quả vậy! Nào là “Những con chó hủi, hãy lủi đi khỏi thành phố!” Nào là “Này, đàn bò lộn giống, hãy cút đi!” Nào
là “Này, bọn heo đê tiện! Kinh thành này không phải là cái máng heo cho bọn bây!”… Chúng chửi nhiều lắm, chúng ví von nhiều lắm! Từ chó, bò, heo rồi sang chuột đồng, bọ hung, lừa, lạc đà, súc sanh, sâu kiến, dòi bọ… hay bất cứ con vật xấu xí nào mà chúng vừa nghĩ ra được! Tuy nhiên, các vị thánh nghe thì mỉm cười trong tâm, còn phàm Tăng, kể cả tôn giả Ānanda thì nghe xốn tai, tức không chịu nổi.
Thế rồi, ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư… hết thú vật, chúng quay sang chưởi mắng ma xó, quỷ đói, dạ-xoa thúi… Hết ma quỷ, dạ-xoa… chúng quay sang phỉ báng người: Bọn bây là kẻ ngu si, quân cướp ngày, phường ăn bám, bọn ăn hại, lũ điên khùng… Hết người chúng nói ra những cái dơ bẩn nhất như hầm phân, đống dòi, máu dơ, đàm dãi, nước tiểu, cầu xí…
Hôm ấy, khi đã về đến tu viện, chúng còn tập họp cả một đám người say rượu dữ dằn, mặt đỏ như mặt trời, lăm lăm đùi gậy, đao kiếm với sát khí đằng đằng rồi cất tiếng hăm dọa nữa:
– Chúng tao gởi lời tối hậu cho ông Cù-đàm và bè lũ, là hãy cút khỏi Kosambī, bằng không sẽ không an toàn tánh mạng, sẽ bỏ xác trên những con đường đấy!
Một vị tỳ-khưu có vô lậu, có thắng trí, bạch với đức
Phật rằng:
– Có nên sử dụng năng lực để giáo hóa chúng không, bạch đức Tôn sư?
– Chưa cần thiết đâu, này con trai! Lửa bùng lên ở đâu thì lửa sẽ tự tắt ở đấy!
Đức Ānanda thưa:
– Chúng mạ lỵ, phỉ báng quá đáng, đệ tử không chịu nổi. Hay là chúng ta đi qua nơi khác?
– Đi đâu hở Ānanda?
– Thị trấn nào, thành phố nào cũng được!
– Vậy nếu ở đó cũng bị chửi rủa, mắng nhiếc nữa thì ta phải làm sao?
– Thì ta lại đi sang vùng khác.
– Nếu vùng khác ấy lại được tái diễn sự việc giống như mấy ngày hôm nay thì ta phải làm sao?
– Thì ta sẽ đi nữa!
Đức Phật mỉm cười, nụ cười dịu dàng và mát mẻ như vầng trăng mùa thu:
– Và nếu cứ đi nữa, đi mãi cho đến hết kiếp quả địa cầu cũng sẽ không có nơi đâu là an toàn, là an ổn, là vừa lòng, là toại ý ta được. Đấy là định luật của pháp, sự thực bất toàn của pháp! Chẳng nên làm thế đâu, Ānanda! Chỗ nào mà ngại pháp, chướng pháp, hại pháp, não pháp phát sanh thì ta sẽ lắng nghe, chịu đựng, rỗng không, tĩnh lặng, từ, nhẫn, xả để làm lắng dịu chúng, xa lìa chúng, đoạn trừ chúng, dập tắt chúng… ngay tại chỗ ấy.
Đức Ānanda tuy hiểu biết sâu xa vấn đề ấy, nhưng không biết tại sao trong tâm ông ta vẫn còn “nhăn nhó”, chưa yên:
– Vậy biết bao giờ mới chấm dứt, thưa Tôn sư?
– Loại phiền não này phát sanh từ đâu, do đâu hở
Ānanda?
– Thưa, chúng thuộc “khẩu thiệt”, xàm ngôn, loạn ngữ, ác khẩu…
– Ừ, nếu chúng thuộc khẩu, đối với Như Lai, đối với một vị Chánh Đẳng Giác thì không có một năng lực lời tiếng nào của thế gian có thể tồn tại quá bảy ngày. Vậy, sau bảy ngày, chúng sẽ tự diệt, này Ānanda!
Buổi chiều, trong giờ pháp thoại, đức Phật giảng một thời pháp liên hệ đến nội dung kể trên rồi cũng kết luận tương tự:
Như một thớt voi ra giữa trận tiền, phải hứng chịu hằng trăm ngàn mũi tên, hòn đạn từ bốn phía bắn vào; cũng vậy, là sa-môn khất sĩ như Như Lai và chúng đệ tử của Như Lai đi giữa cuộc đời cũng phải nhận chịu tất thảy tiếng lời gièm pha, nhiếc mắng, mạ lỵ, phỉ báng, sỉ nhục từ những người không có đức tin, kẻ thiểu trí, ác giới, cuồng si, điên loạn. Vậy phải biết nhẫn nhục, mát mẻ, vắng lặng, rỗng không với tâm từ, với tâm xả! Làm được như thế mới thật xứng đáng là phẩm hạnh của sa-môn ôm bát xin ăn cao thượng đi giữa cuộc đời.
Rồi đức Phật đọc lên một bài kệ: Thớt voi đứng giữa trận tiền Hứng bao mũi đạn, lằn tên sá gì Như Lai chịu đựng ác tri
Nhẫn chịu ác giới, ngu si lòng người1
1 Pháp Cú 320: Ahaṃ nāgo’ va saṅgāme cāpāto patitaṃ saraṃ. Ativākyaṃ titikkhissaṃ dussīlo hi bahujjano.
Dường như muốn bổ túc thêm cho tròn đầy ý nghĩa, đức Phật đọc thêm hai bài kệ nữa.
Một, nhấn mạnh đức tính nhẫn nại vô úy và vô thượng của sa-môn:
Ngựa, voi đã luyện, đã thành
Con nào thuần nhất để dành vương quân
Cao thượng nhất giữa nhân quần
Chịu đựng phỉ báng, dao đâm tiếng lời!1
Hai, nói lên đức tính quý báu của sa-môn là phải tự thu thúc, tự điều tiết, tự chế ngự lời nói và hành động:
Con la tinh thục quý thay
Ngựa kỳ, ngựa ký tung mây, quý là! Quý sao, voi lớn có ngà
Quý hơn tất cả, chính ta tự điều!2
Rồi đúng như đức Phật tiên tri, bảy ngày sau thì chuyện nhiếc mắng, phỉ báng kia tự động chấm dứt. Lý do là bà thứ hậu thấy tốn vàng, tốn bạc quá mức, nhưng “ông Gotama và đệ tử của ông ta” cứ “trơ trơ” như khúc gỗ, xem ra chẳng có tác dụng gì! Bà đành chịu thua, sẽ nghĩ cho ra mưu kế thâm độc khác.
Hôm kia, nhằm ngày đức vua đãi yến các quan đại thần, thứ hậu Māgaṇḍiyā khởi tâm xin vua được trông coi công việc ngự thiện. Bà nảy sanh ý nghĩ là phải trả thù
1 Pháp Cú 321: Dantaṃ nayanti samitim dantaṃ rājābhirūhati. Danto seṭṭho mannussesu yo’ tivākaṃ titikkhati.
2 Pháp Cú 322: Varaṃ assatarā dantā ājānīyā ca sindhavā. Kuñjarā ca mahānāgā attadanto tato varaṃ.
chánh hậu Sāmāvatī cùng mấy trăm cung nga thể nữ1 mà theo bà, chúng nó cứ xu hướng sa-môn Gotama, tin tưởng sa-môn Gotama thật là dễ ghét.
Để khởi đầu mưu thâm kế độc của mình, bà bàn chuyện với ông chú ruột Cūḷamāgaṇḍi, bây giờ nghiễm nhiên là bậc quốc trượng, những việc cần làm và làm những gì, làm như thế nào. Trong đó có việc, nhờ ông chú mang đến tám con gà trống loại quý hiếm đang còn sống và tám con gà trống đã chết. Còn mọi việc trong triều, bà Māgaṇḍiyā đã tỉ tê bàn tính với viên cận thần bồi yến, viên cận thần hầu rượu và đút lót cho họ đâu vào đấy cả rồi!
Đúng giờ hẹn, ông quốc trượng Cūḷamāgaṇḍi mang đến cung một chiếc lồng lớn được che chắn kín đáo, trịnh trọng đến dâng cho đức vua, tâu rằng:
– Đây là tám con gà trống, chúng có sắc lông đen tuyền2, theo thầy thuốc cho biết, nếu nấu cháo hầm với gạo lúa sālī, chưng thêm nhân sâm thì chắc gân, bổ xương và còn cường dương, tráng kiện nữa. Cả kinh thành này, hạ thần lùng mua, chỉ có được tất thảy là tám con, hôm nay xin được dâng lên bệ hạ, chúc sức khỏe của người và chúc người sống lâu muôn tuổi.
Đức vua rất đẹp dạ, cười ha ha:
– Quý hóa thay! Nhưng mà sống làm chi đến muôn tuổi dữ vậy?
1 Kinh Pháp Cú nói là 500 vị.
2 Ta gọi là gà quạ.
Ông quốc trượng còn cẩn thận hé lồng cho vua thấy vài con gà loại quý hiếm ấy, vì thật ra, chỉ được mấy con gà đen, số còn lại là gà thường và cả tám con gà chết nữa, rồi trao cho viên cận thần bồi yến, đều là một phe của ông ta cả.
Viên cận thần hầu rượu lại góp ý cho mưu kế của bà thứ hậu được vẹn toàn:
– Chỉ có hoàng hậu Sāmāvatī vốn cẩn thận, chu đáo mới có khả năng sai bảo, chỉ bày cho các cung nữ làm món ăn “thích khẩu” này để kính dâng bệ hạ ngự thiện mà thôi!
Viên cận thần hầu rượu đế thêm:
– Đúng vậy đó, tâu đại vương! Làm món ấy không ai bằng đức chánh cung!
Đức vua đâu có biết đấy là mưu kế gì, cứ vô tư ừ hử gật đầu.
Thế rồi, viên cận thần bồi yến, mang lồng gà ra sau, giấu tám con gà chết, mang tám con gà sống đến cung hoàng hậu truyền đạt lệnh của đức vua, đồng thời kể lại cách làm món ngự thiện ấy.
Thấy tám con gà đang còn sống, hoàng hậu ngần ngại chưa biết nói sao thì cô thị nữ Khujjuttarā lưng gù la bai bải:
– Không được đâu là không được đâu! Chúng tôi ở đây ai cũng giữ gìn giới hạnh trong sạch cả. Chẳng ai đang tay giết hại mạng sống của chúng sanh. Xin cảm phiền ông mang đi chỗ khác. Việc ấy thì nhà trù hoàng gia làm cũng được mà!
Viên cận thần đưa mắt có vẻ hỏi han, nhìn hoàng hậu
Sāmāvatī. Bà nhè nhẹ, mỉm cười:
– Đúng như vậy đó! Tại bổn cung, ai cũng giữ năm giới hoặc tám giới cả. Ông hãy về tâu trình lại với hoàng thượng điều ấy, đích thân ta sẽ nói với ngài sau.
“Vậy là khớp với kế hoạch”, nghĩ thế xong, viên cận thần trở lại trình báo với đức vua, kể lại việc hoàng hậu từ chối việc làm thịt tám con gà sống.
Đức vua im lặng chưa tỏ thái độ gì, thì thứ hậu
Māgaṇḍiyā đã mau mắn nói:
– Chỉ là cách viện cớ để thoái thác công việc một cách khôn ngoan thôi, tâu đại vương!
– Tại sao? Vua nhăn mày hỏi. Bà Māgaṇḍiyā được dịp tố cáo:
– Từ khi thiếp phát giác những cái lỗ tròn, biết hoàng hậu Sāmāvatī và các cung nữ ở đấy đã có “chuyện gì đó” với ngoại nhân mà bệ hạ không tin. Cụ thể họ đã có tâm địa “ri khác” với sa-môn Gotama, có xu hướng đến sa-môn Gotama, nghiêng lệch về phía sa-môn Gotama, vì ông ta tướng hảo quang minh, cao sang, đẹp đẽ; nữ nhân nào nhìn ông ta, thấy ông ta mà không rung động trái tim? Vậy đó! Nếu muốn xác chứng sự thật ấy, bệ hạ hãy nói lại với họ là làm món này để dâng cúng cho sa-môn Gotama là họ sẽ làm ngay tức khắc cho coi! Với bệ hạ thì họ viện cớ chuyện sát sanh, còn đối với sa-môn Gotama thì lại khác, họ sẵn sàng giết, hoan hỷ giết! Bên nào khinh, bên nào trọng, bệ hạ thử là biết ngay liền hà!
Nghe được chuyện ấy, đức vua Udena lòng chùng xuống, rồi bất giác, ông gật đầu:
– Ừ, cứ thử vậy xem!
Viên cận thần bồi yến “tâu vâng” rồi lanh lẹ ra lối sau, tráo tám con gà sống, lấy tám con gà chết mang đến cung của hoàng hậu Sāmāvatī:
– Tâu! Đức vua biết chánh hậu là người có giới nên sai hạ thần mang tám con gà chết này để cung nữ làm món ăn đặc biệt rồi dâng cúng đến sa-môn Gotama!
Mấy cô thị nữ bên cạnh thấy “vật đã chết rồi”, lại dâng cúng cho sa-môn Gotama nữa nên họ mau mắn nhận gà rồi hoan hỷ nói:
– Việc làm này là chơn chánh! Đúng là phận sự của chúng tôi đây!
Thế rồi, bữa ngự yến hôm đó, đức vua không dùng được bao lăm. Ngài buồn. Vì rõ ràng, hoàng hậu Sāmāvatī và mấy trăm cung nữ họ đã trọng vọng sa-môn Gotama hơn ông. Rồi đức vua lại nghĩ tiếp, liên tưởng sâu xa hơn:
– Sa-môn Gotama vốn gốc là thái tử thuộc dòng dõi Thái Dương anh hùng, đến ngày đăng quang, ông ta lại từ bỏ vương vị, vợ đẹp, con xinh, ba tòa Cung Vui để xuất gia tầm đạo. Thanh danh của ông, từ khi xuống núi độ đời, chưa hề dính một chút bụi phàm tục. Ngay chính thứ hậu của ta, diễm lệ kiêu sa thế đó mà ông ta còn bảo là “không sờ đụng dẫu là sờ đụng bằng chân!” Một nhân cách thanh cao, trong sáng vẹn toàn như thế thì hậu của ta, cung nữ của ta kính trọng, quy y theo cũng là chuyện đương nhiên! Việc mà thứ hậu bảo là có “ri khác” với sa- môn Gotama, hẳn nhiên là phải loại ra rồi! Lại còn cái giáo pháp mà ông ta đang tuyên thuyết nữa? Chắc phải là kỳ tuyệt vô song nên mới vô hiệu hóa uy lực của kinh điển Vệ-đà và truyền thống Bà-la-môn. Mọi điện đài thiêng liêng của tín ngưỡng, tôn giáo, triết học cùng mười ngàn năm văn minh của tộc người thượng đẳng Aryan này đã bị sa-môn Gotama đốn gục, hạ bệ không còn dư tàn. Ta đã từng nghe các vị lão thần minh triết ở xứ sở này tường trình, tâu báo lại như vậy, hẳn là không sai ngoa! Vậy, cung kính, cúng dường một bậc thanh tịnh như vậy cũng là phải lẽ. Và việc ấy, ta cũng nên khuyến khích, vì sao? Vì khi mà những giá trị tôn quý của tinh thần và những uy đức thiêng liêng còn được trân trọng, bảo lưu, gìn giữ thì quốc độ sẽ được thanh bình, an lạc! Các vị tiên đế cũng đã từng dạy bảo như thế! Chính vì lẽ này, ta mới hiểu ra, tại sao hai vị đại vương lớn của châu Diêm-phù-đề là đức vua Bimbisāra, kinh đô Rājagaha nước Magādha, và đức vua Pāsenadi, kinh đô Sāvatthi nước Kosala lại cùng quy hướng về và cả hai triều đình đều đã trở thành cận sự nam, cận sự nữ trong giáo hội thánh đức ấy? Rồi còn quân vương các nước cộng hòa chiến sĩ anh hùng Licchavī, thủ đô Vesāli; nước cộng hòa Videha, thủ đô Mithilā và liên bang Vajjī nữa? Rõ là ta đã nghe tràn tai về cả thành phần ưu tú của giáo hội ấy nữa, nam cũng như nữ. Họ đã quăng vất tất cả vinh quang của cuộc đời này như tấm giẻ rách để lên đường xin ăn, sống đời bần hàn ta-bà vô trú! Ờ, còn ta là gì nhỉ? Ta là gì nhỉ? Một đức vua nhỏ bé, như hạt cát, lại dám nghi ngờ nọ kia với hậu của ta? Một con người có sắc đẹp thùy mị, dịu dàng lại có cả tâm hồn đôn hậu, chân thật, khiêm cung, bao dung, quảng đại lại chưa có lỗi lầm gì với ta? Họ cúng dường sa-môn Gotama thì sao nào? Mà thôi, cứ để đấy đã, chớ quyết định điều gì một cách vội vàng! Đức vua thở dài – nghĩ là tự mình sẽ âm thầm điều tra, chẳng thể tin ai được. Bà thứ hậu được cái sắc đẹp lôi cuốn ta nhưng lúc nào nói cũng quá nhiều. Đàn bà mà nói nhiều thường lắm chuyện, nếu không phù phiếm, nhảm nhí thì cũng ba hoa, xảo ngôn, thiếu chân thật!
Nghĩ thế xong, đức vua trầm tĩnh trở lại.
Đức vua Udena có một hoàng hậu là Sāmāvatī cùng hai thứ hậu, đó là Vāsuladattā và Māgaṇḍiyā. Về chuyện phòng the thì cứ luân phiên, mỗi bà như vậy, ông vua này thường ngự ở đấy bảy ngày. Ba bà có ba cung đặc biệt và cung nga thể nữ riêng1 do mỗi bà tự tuyển chọn hoặc đức vua – tùy theo mức độ sủng ái mà ban phát cho.
Gần một năm nay, trong ba bà thì đức vua sủng ái thứ hậu Māgaṇḍiyā hơn, tuy nhiên, với các bà kia đức vua cũng có thỉnh thoảng!
Chuyện xảy ra vừa rồi làm đức vua khởi ý là sẽ viếng thăm cung vui của hoàng hậu Sāmāvatī để dò xem hư thực như thế nào, vì theo vua, dù sao thì chánh hậu cũng đã có
1 Các vương triều Ấn Độ cổ xưa không biết như thế nào – nhưng Trung Quốc thì cung nga thể nữ chia nhiều loại, nhiều nhóm khác nhau: Ví dụ tài nữ, học nữ, ca nữ, vũ nữ… Lại còn có một số con gái đẹp được tuyển chọn để đức vua tùy nghi “du hí”, được gọi là ngự nữ! Tuy nhiên, chuyện thường xảy ra trở thành thảm kịch trong hậu cung, là có những cô gái sống đến già đời trong cung vẫn chưa được đức vua ban mưa móc lấy một lần!
một trai tuấn mỹ, là danh phận đã thành, trước sau bà vẫn là quốc mẫu, không ai thay thế được.
Biết được chuyện ấy, thứ hậu Māgaṇḍiyā lại nũng nịu can ngăn:
– Sự thực rõ ràng như ban ngày, đã hai lần thiếp dè chừng mà bệ hạ vẫn không tin. Đêm qua, thiếp nằm mộng dữ, tiên báo có chuyện chẳng lành nếu bệ hạ sang cung của chánh hậu.
– Mộng dữ gì vậy?
Đầu óc kế xảo của bà thứ hậu Māgaṇḍiyā xẹt nhanh như lằn chớp trong trí:
– Thiếp thấy một con rắn độc suýt cắn bệ hạ! Đức vua phì cười:
– Nhưng dù gì thì gì, trẫm cũng phải sang đấy!
Biết không thể can vua được, bà biểu người tức tốc nhờ ông chú quốc trượng mang đến một con rắn độc rất nhỏ đã nhổ nọc để sử dụng cho mục đích của mình.
Biết rằng, thường thì tiếng trống lâu thành báo canh đêm, mặt trời vừa tắt, đèn vừa thắp lên là đức vua ngự kiệu sang cung các hậu. Trong lúc đó thì tiểu dạ yến ở chánh cung cũng đã được các cung nữ chăm lo chu đáo. Ca nữ, vũ nữ, nhạc công cũng đã có mặt để hầu tiếp niềm vui cho bậc chí tôn! Ngoài ra, đức vua còn một thú vui là lúc nào, đi đâu cũng mang theo cây tiêu “điều tượng” 1
1 Pháp Cú chú giải ghi là cây đàn – tôi nghi là cây tiêu, ống tiêu mới có lỗ cho con rắn nhỏ chui vào. Còn “điều tượng” có lẽ là để điều khiển voi chăng?
thỉnh thoảng nhã hứng thổi một vài khúc chơi! Gần đáy của cây tiêu này có một lỗ nhỏ thường dùng để buộc một sợi dây lụa kết chỉ vàng lóng lánh. Vậy nên, vào khoảng giữa chiều, bà thứ hậu đã đích thân lẻn vào tẩm cung1 của đức vua, bỏ con rắn độc vào trong lỗ ống tiêu rồi khéo tay lấy một bông hoa gấm nhỏ nhét lại giống như vật trang trí.
Đức vua đâu có biết gì. Một đêm vui qua mau, sáng ngày định chuẩn bị dùng sáng rồi đi thiết triều thì thị nữ thông báo là thứ hậu Māgaṇḍiyā muốn dâng đức vua món cháo yến sào tẩm bổ, ngài phải thọ nhận. Trong khi hoàng hậu Sāmāvatī đang sắp xếp vật thực để cho đức vua ngự dụng thì bà thứ hậu giả vờ lăng xăng đi thu dọn vật này vật kia rồi lanh tay rút bông hoa nơi ống tiêu đang còn nằm trên long sàng. Chú rắn nhỏ được giải phóng, ngo nguẩy bò ra.
Chính lúc đó, bà thứ hậu mới hô hoán lên:
– Con rắn độc! Con rắn độc!
Mọi người sửng sốt. Thị nữ bên ngoài nghe hô hoán đã chạy vào và họ đã nhanh tay lấy khăn dày bắt con rắn ấy đi. Bà thứ hậu được dịp đổ thêm dầu vào lửa:
– Thấy chưa? Bệ hạ đã thấy chưa? Âm mưu giết bệ hạ rành rành, không còn chối cãi vào đâu được nữa. Nhưng cảm ơn thượng đế Rāmā đã bảo vệ sanh mạng cho bệ hạ nên suốt đêm con rắn độc này đã ở yên đâu đó trong tấm chăn.
1 Tẩm cung: Phòng ngủ.
Đức vua lặng người, nhìn hoàng hậu một lát rồi trầm tĩnh hỏi:
– Hậu muốn giết hại ta thật à?
Hoàng hậu khuôn mặt không biến sắc, nghĩ là cũng phải biện hộ cho mình nên đáp:
– Tâu bệ hạ! Việc ấy, đệ tử của đức Phật không bao giờ làm, huống gì thiếp lại rất yêu kính bệ hạ. Việc ấy lại càng không thể, nếu con rắn ở trong chăn suốt đêm, hóa ra thiếp lại ngu dại tự giết mình! Việc càng vô lý hơn nữa, là con trai thiếp đã được bệ hạ đương nhiên cho kế thế ngôi vị thì thiếp còn mong cầu gì hơn trên đời này nữa?
Thấy cũng có lý nên đức vua nín lặng, phân vân chưa biết xét thế nào.
Bà thứ hậu tung ra đòn độc cuối cùng:
– Tham vọng quyền lực của con người khó hiểu lắm, tâu đại vương! Bệ hạ mất, bé trai kia sẽ lên làm vua, và người buông màn nhiếp chính bên sau là ai, bệ hạ rõ rồi. Và đương nhiên người làm vua nước này, thâu tóm mọi quyền lực cho bản thân, cho dòng họ cũng hữu lý lắm chớ, tâu đại vương!
Như điểm trúng yếu huyệt. Nó là sự hữu lý, là ông chánh án của mọi hữu lý trên đời, nên khuôn mặt đức vua tái đi. Hết tái rồi quay sang đỏ rần rần. Cơn giận của đức vua bị lửa sân thiêu đốt, âm ỉ rồi bốc cháy, vỡ òa trong tiếng hét:
– Đích thân ta sẽ ra tay giết ngươi, con tiện tỳ! Kể cả những cung nữ trưởng phòng, trưởng nhóm, ta cũng giết hết luôn để trừ hậu hoạn!
Buổi chiều, tại pháp trường của cung đình, bà hoàng hậu Sāmāvatī và mười cung nữ có chức vụ, hai tay đều được cột bởi những tấm khăn lụa rồi bị lính hộ cung dẫn ra đứng một hàng một.
Thị nữ Khujjuttarā lưng gù, vì thân phận thấp hèn không bị tội, nói với mười một phạm nhân:
– Hoàng hậu không làm! Mấy trăm cung nữ ở đây đều là Phật tử nên cũng không ai làm! Ai có mưu kế ác độc đó thì chúng ta biết rồi. Nhưng khó có thể biện minh. Đây có lẽ do nghiệp quá khứ tối tăm nên bị nó dẫn dắt trả quả xấu. Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Chỉ có tâm từ, năng lượng của tâm từ mới có thể tiêu tai, giảm họa”. Vậy xin hoàng hậu với quý cung nương cứ trú tâm từ một cách an nhiên và bất động!
– Đúng vậy! Hoàng hậu gật đầu – chúng ta còn rải tâm từ đến cho đức vua và đến cho cả người do si mê mà làm hại ta nữa.
Một việc hy hữu đầy thương tâm sắp xảy ra. Bá quan văn võ đứng đầy đặc hai bên. Người của ba cung sáu viện cũng cùng nhau đứng chen chân không kẽ hở. Ai ai cũng thầm cảm thương nỗi hàm oan của hoàng hậu. Những giọt lệ chảy âm thầm và những tiếng khóc tức tưởi được kìm nén đó đây.
Đức vua Udena vốn nổi tiếng là một tay đại xạ thủ, và sức tay của đức vua vốn vô địch trong triều ngoài nội. Ông không những bắn chuẩn hồng tâm mục tiêu mà còn bắn xuyên một lúc mười mấy thân chuối!
Đức vua đã bước ra với cây cung vàng mà ngài ít khi sử dụng. Đây là cây cung được truyền từ nhiều đời – là bảo vật quốc gia – nó rất nặng có tên là Sahassathāmasiṅgadhanu1 và khi bắn, sức bật của nó thường đi rất xa.
Trong lúc hoàng hậu Sāmāvatī cùng mười cung nữ đang bất động tĩnh lặng trú vào tâm từ thì đức vua giương cung lên, búng thử dây cung. Một âm thanh lạ lùng cất lên như xé tan không gian yên lặng. Cả quảng trường im phăng phắc, mọi người căng mắt, nín thở.
Đức vua thò tay phải rút mũi tên vàng lắp vào cung rồi căng mạnh cánh tay. Đức vua tự nghĩ: “Chỉ một điểm ngay trái tim của con tiện tỳ thì mũi tên kia còn đi xuyên suốt mười trái tim bên sau trở thành một xâu như xâu chim vậy”.
Rồi cung bật. Mũi tên lao vút đi như lằn sao xẹt. Mọi người nhắm mắt lại. Có vài tiếng la hét sợ hãi rú lên…
Nhưng chuyện lạ đã xảy ra. Mũi tên vàng vừa tới nơi trái tim của hoàng hậu, nó như bị một sức mạnh vô hình dừng đứng lại. Và rồi, mũi tên như có con mắt, nó chuyển hướng, quay ngoắt về phía đức vua và lao vút đi. Đức vua chưa kịp định thần, chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì mũi tên đã đến gần trái tim của ông. Và ngạc nhiên làm sao nó cũng dừng sững lại rồi rơi xuống đất!
Cả quảng trường im phăng phắc, trố mắt, sững sờ. Đức vua bần thần, thả rơi cây cung, lạnh người. Tự
nghĩ:
1 Tạm hiểu đây là cây cung rất nặng, với sức lực của một ngàn con sư tử mới nhấc lên nổi (?).
– Cây cung truyền đời này, mũi tên đặc biệt này chỉ sử dụng lúc truyền ngôi, với bốn lực sĩ vác đến đặt vào tay thái tử kế vị, yêu cầu phải bắn trúng hồng tâm mặt trống đồng đặt cách xa tối thiểu là một govo1. Nó có thể xuyên thủng thân cây sāla một vòng ôm. Nó có thể xuyên thủng vách tường thành bằng đá. Thế nhưng tại sao, với mãnh lực nào, uy lực nào nó không dám đụng đến hoàng hậu? Đã không dám đụng đến tội nhân mà nó lại còn quay ngoắt trở lại suýt xuyên thủng lồng ngực ta? Ồ! Vậy đúng là do đức hạnh của hoàng hậu rồi! Chính do giới đức và trái tim nhân từ của hoàng hậu mà mũi tên kia cũng không nỡ giết ta!
Xúc cảm tâm linh và cũng thành tâm hối quá, đức vua ra lệnh lính cận vệ mở trói cho hoàng hậu và mười cung nữ rồi ông bước tới, quỳ xuống bên chân hoàng hậu, chân thành thốt lên:
– Ta thật có lỗi, xin hậu hãy đại lượng tha thứ cho ta! Hoàng hậu Sāmāvatī cầm tay đức vua nâng lên:
– Xin bệ hạ giữ gìn ngọc thể! Đức vua chưa chịu đứng dậy:
– Hậu tha thứ cho ta chớ?
– Đương nhiên! Thần thiếp không những tha thứ cho bệ hạ bây giờ, mà trước khi, trong khi bệ hạ giương cung bắn thì thiếp và tất thảy cung nữ còn rải tâm từ đến cho bệ hạ, đến cho cả người vu oan giá họa hiểm hại chúng thiếp nữa đó!
1 Là 434 mét.
Đức vua rơi nước mắt:
– Trẫm đã si mê lạc lối bước đi mà không thấy, không biết đường về! Vậy từ nay hậu hãy cho trẫm nương tựa với nhé?1
– Vậy là rất tốt! Hoàng hậu nói – Nhưng không phải nương tựa nơi thần thiếp mà bệ hạ phải thành tâm nương tựa nơi đức Chánh Đẳng Giác, vì chính ngài mới là bậc cao quý, cao thượng trên đời này. Nơi mà cõi người và cõi trời đều nương tựa.
– Vâng! Ta sẽ quy y với đức Thế Tôn.
– Bệ hạ phải đích thân đi đến chỗ đức Thế Tôn tức khắc bây giờ chứ?
– Vâng! Ta sẽ làm như vậy.
Đức vua nói xong, đứng dậy ân cần nắm bàn tay của hoàng hậu, khẩn thiết nói:
– Ngay bây giờ đây, trẫm chuẩn hứa cho hậu, rằng là hậu mong ước gì, mơ ước gì, sở thích gì, bất cứ điều gì, trẫm cũng sẵn lòng đáp ứng cho. Nên nhớ đây là ân huệ tối thượng đặc biệt trẫm dành cho hậu đó!
– Vâng! Hoàng hậu Sāmāvatī mỉm cười nói – Một điều thôi! Và đây được xem như ân huệ tối thượng đại vương ban cho thần thiếp. Là sau khi bệ hạ đến bên chân đức Đạo sư, xin quy y Tam Bảo rồi, thiếp mong bệ hạ cho phép thiếp, thay mặt thiếp thỉnh mời đức Phật cùng năm
1 Dịch thoát từ câu kệ Pāḷi: “Sammuyhāmi pamuyhāmi. Sabbā mayhanti me disā. Sāmāvatī maṃ tāyassu. Tvañca me saranaṃ bhavāti”.
trăm vị tỳ-khưu đến hoàng cung để cho chúng thiếp được đặt bát cúng dường và được nghe pháp trong vòng bảy ngày. Đấy là ước nguyện khẩn thiết duy nhất của chúng thiếp vậy.
Đức vua khuôn mặt rạng rỡ, gật đầu đồng thuận và trong tâm lại phát sanh lòng kính trọng đối với hoàng hậu vô cùng. Tự nghĩ: “Bà không xin kim cương trân bảo, xin địa vị, quyền lực, không xin truy cứu kẻ mưu hại mình mà chỉ xin được bố thí, cúng dường, nghe pháp! Ồ! Hậu của ta thật sự đã trở thành bậc thánh nhân rồi!”
Đức vua đứng lặng. Vừa tri ân vừa cảm kích tấm lòng vô lượng của hoàng hậu Sāmāvatī. Và ngay giây khắc ấy, đã có một sự chuyển hóa thật sự trong nội tâm của ông.
Quốc vương Udena sau khi quy y Tam Bảo bên chân đức Thế Tôn, thưa bạch lại lời thỉnh cầu của hoàng hậu Sāmāvatī rồi lễ độ ngồi xuống một bên để nghe pháp.
Đức Phật biết ông vua này trước đây bản chất hung bạo, thường săn bắn giết vật để làm thú tiêu khiển, lại còn đam mê tửu sắc, vừa mới hồi đầu hướng thiện nên ngài không giảng nhiều, chỉ giáo giới ngắn gọn một vài nguyên lý thuộc về đạo trị dân, an dân; một vài đức tính, phẩm chất cần thiết của giai cấp chiến sĩ lãnh đạo, điều hành đất nước. Đức Phật cũng tỏ lời tán thán đức tin thanh khiết của hoàng hậu Sāmāvatī trước đây đã hiến cúng khu lâm viên trầm hương cho Ni chúng có chỗ tĩnh cư và chuyện thỉnh mời đặt bát cúng dường bảy ngày tại hoàng cung. Đức Phật cũng nói rõ cho đức vua biết là ngài chỉ đi một bữa đầu tiên với năm trăm tỳ-khưu, sáu ngày còn lại sẽ có một vị trưởng lão khác đại diện dẫn đầu chư Tăng. Vì ngài còn phải để tâm tiếp độ rất nhiều gia chủ trong kinh thành nữa.
Đúng hẹn và đúng sáng hôm ấy, đức Phật với đại y vắt vai, với bình bát màu mận chín dẫn đầu năm trăm tỳ-khưu, gồm hai trăm vị tại vườn rừng Ghositārāma, hai trăm vị tại vườn rừng Kukkuṭārāma và một trăm vị tại lâm viên Pārārikambavana rồi họ cùng bộ hành về hướng cung vua.
Tại Kosambī, cả ba lâm viên, Tăng chúng gần hai ngàn vị nhưng họ thường chia ra hằng chục đoàn khác nhau, bố trí rải rác khắp thành phố và cả các làng lân cận để trì bình khất thực. Họ ít khi đi một đoàn đông người vì như vậy thì khó đủ vật thực nuôi mạng.
Vào các dịp an cư như năm nay, cả ba lâm viên đều đã có ba vị thí chủ lớn hộ độ hoặc mời thỉnh mời về tư gia nên trường hợp đức Phật dẫn đầu một lúc năm trăm vị tỳ- khưu đi trì bình khất thực thường là vào các dịp đặc biệt. Dân chúng hiếu kỳ đứng xem rất đông. Chuyện đức Phật và Tăng chúng bị bọn du đãng, côn đồ chưởi rủa, mắng nhiếc, phỉ báng, hạ nhục chỉ mới mươi ngày trước đây đã trôi về quá khứ. Đức Phật và năm trăm vị tỳ-khưu đi hàng một, thanh thoát, chậm rãi như hình ảnh con rồng màu vàng sẫm nhịp nhàng uốn lượn trên các ngã đường như toát ra sự tĩnh tại, bình an, vô tranh, vô sự.
Đức Phật vừa đến cổng hoàng cung thì đồng lúc, lâu thành mở ra, hai tấm cửa vĩ đại bằng gỗ lim như tự động lùi sang hai bên lộ ra còn đường đá cẩm thạch hun hút đi sâu vào bên trong. Hai tháp canh hai bên cao chớn chở bỗng vọng lên hai hồi trống canh như báo hiệu “thượng khách” đã đến! Ai cũng thầm nghĩ, quốc độ Vaṃsā dầu là tiểu quốc nhưng cách bố trí vương thành kiên cố như thế này thì không dễ gì các đại quốc xâm phạm được. Có lẽ vì vậy nên ông vua này gối cao nằm nghỉ và săn bắn, tửu sắc ăn chơi hưởng thụ!
Thế rồi, buổi lễ đặt bát cúng dường ngày thứ nhất diễn ra vô cùng trọng thể. Hoàng hậu Sāmāvatī và mấy trăm cung nữ tươi rạng nét mặt, tới lui sớt cơm bánh vật thực cho đức Thế Tôn và Tăng chúng. Riêng đức vua Udena, dầu vậy, đức tin chưa vững vàng, viện cớ bận quốc sự, hội họp tại triều đình. Riêng bà thứ hậu Māgaṇḍiyā thì căm tức, uất hận đầy lòng, lánh mặt trong hậu cung.
Độ thực xong, đức Phật ban bố một thời pháp. Ngài giảng khái quát lộ trình quẩn quanh từ cảnh giới sinh tử này sang cảnh giới sinh tử khác của tất thảy chúng sanh trong ba cõi, sáu đường. Và nhấn mạnh đến bốn cảnh giới đau khổ, thống khổ và các cõi an vui người và trời như thế nào. Sau đó, đức Phật khuyên răn mọi người bố thí, giữ giới, sống đời trong lành, hiền thiện.
Hoàng hậu Sāmāvatī và mấy trăm cung nga thể nữ nghe như uống cả vào lòng. Riêng cô thị nữ Khujjuttarā lưng gù thì chú tâm, tư tác lắng nghe pháp cho đến nỗi không thấy, không biết bất cứ cái gì xảy ra xung quanh.
Thời pháp chấm dứt thì cô đã khắc sâu tứ lời vào tâm khảm và có thể thuyết lại cho người khác mà không bỏ sót bất cứ một ngữ nghĩa nào, một chi tiết nào. Chuyện xảy ra trong tâm tư cô thị nữ lưng gù chỉ có đức Phật và một số bậc Thánh có thắng trí biết mà thôi.
Sau buổi đặt bát cúng dường còn lại, đức Phật thấy các vị trưởng lão cao hạ đang đi du hóa nhiều phương, chỉ còn đại đức Ānanda là năm hạ, tương đối lớn nên có bổn phận dẫn đầu đi vào cung điện. Và rồi, sáu thời pháp của đại đức Ānanda cũng uyển chuyển, lưu loát như nước chảy của con sông dài; ngôn ngữ, đoản ngôn, kệ ngôn, dụ ngôn đều rỡ rỡ sáng trong, cụ thể. Sắc tướng của đại đức vốn quang minh, đẹp đẽ, mà ngôn lời, âm thanh của ngài lại như ngọc chạm, như tiếng pha-lê reo, trầm bổng, du dương làm cho thính chúng bị cuốn hút, mê đi, chìm lắng trong biển pháp. Vậy là chỉ mới ngày thứ năm, cung nga thể nữ của chánh hậu đã dâng cúng bên chân đại đức Ānanda đến năm trăm lá y, có nghĩa là họ có bao nhiêu tấm y quý nhất, đẹp nhất do vua ban, họ chưa sử dụng, do hoan hỷ quá nên họ đem dâng cúng hết.
Chuyện đến tai đức vua Udena, ông rất bực mình, tự nghĩ: “Mấy ông sa-môn này bắt đầu lộ diện chân tướng rồi! Tu hạnh xả ly, vô sản bần hàn mà lại thọ nhận một lúc năm trăm lá y quý đẹp? Rõ là lòng tham tích lũy của cải tài sản còn hơn là kẻ thường nhân nữa! Được rồi, ngày mai, trước đám đông, ta sẽ lột mặt nạ ông ta!”
Buổi lễ ngày thứ bảy diễn ra bình thường, có khác một chút là có đức vua và một số các quan trọng thần lắng nghe. Bực thì bực, ghét thì ghét nhưng quả thực là thời pháp không chê vào đâu được. Và sắc tướng, âm thanh của đại đức Ānanda còn lôi cuốn, hấp dẫn họ nữa. Tuy nhiên, đức vua Udena không quên công việc định làm của mình. Thế rồi, cuộc chất vấn bắt đầu:
– Bạch đại đức! Trẫm nghe nói đại đức đã thọ nhận của cung nữ năm trăm lá y, việc ấy là đúng sự thực hay không đúng sự thực?
– Là đúng sự thực, tâu đại vương!
– Trẫm nghe nói, một vị tỳ-khưu trong giáo hội của đức Đạo sư chỉ được phép sử dụng ba y và không thể sở hữu nhiều hơn, có phải thế chăng?
– Quả thật là vậy, tâu đại vương!
– Nghĩa là đại đức cũng chỉ sở hữu ba y, đúng như là một vị tỳ-khưu chân chính, là tri túc, xả ly và vô sản bần hàn?
– Quả vậy, tôi “đang cố gắng tu tập” như vậy đó, tâu đại vương!
– Vậy thì quả thật trẫm không hiểu là đại đức sử dụng năm trăm lá y ấy như thế nào?
– Thưa, tất thảy tôi đều đã cúng dường lại cho những vị tỳ-khưu có y cũ rách!
Đức vua lộ vẻ ngạc nhiên:
– Đại đức cúng dường trở lại hết à?
– Thưa vâng!
– Thế đại đức không để dành cho mình một tấm y quý đẹp nào trong năm trăm tấm y ấy?
– Thưa không, không cần thiết. Vì tấm y cũ tôi đang dùng đây nó vẫn còn tốt!
Đức vua lặng người khi biết rằng mình đã ngờ oan cho người ta rồi, nhưng do tò mò, ông làm như thản nhiên, hỏi tiếp:
– Vậy thì năm trăm vị được đại đức dâng cúng y mới, thế y cũ của họ, họ dùng làm gì?
– Thưa, họ sẽ cúng dường lại cho những vị có y cũ rách hơn nữa!
– Rồi thì năm trăm tấm y quá rách nát ấy, họ sử dụng vào việc gì?
– Thưa, họ làm tấm trải giường.
– Vậy sau trải giường?
– Thưa, họ lót trên sàn, trên nền tại các liêu cốc.
– Sau đó nữa?
– Tâu, họ làm giẻ chùi chân!
– Rồi sau khi không còn sử dụng được nữa?
– Không phải là không sử dụng dù cái mà thế gian đã quăng bỏ đi. Miếng giẻ chùi chân đã phế thải ấy, môn đệ của đức Thế Tôn sẽ xé nhỏ ra, quết cho nhuyễn với đất sét để trám vào các lỗ thủng, lỗ hư trên các vách tường liêu thất, tâu đại vương!
Đức vua Udena hỷ lạc dâng đầy tràn trong tâm đến nỗi tê rần cả người, ông đổ gập người xuống, quỳ bên chân đại đức Ānanda, thốt lên:
– Ôi! Cao quý thay là đệ tử của đức Vô Thượng Giác. Đến nỗi khi thọ nhận vật dụng của thí chủ, dù một miếng giẻ chùi chân cũng không bỏ sót, cũng trở nên hữu dụng. Ôi! Tấm lòng biết trân trọng ấy, trên đời này có ai có thể bằng được một phần mười sáu đệ tử của đức Tôn sư?
Thế rồi, theo với niềm vui của mình, đức vua Udena sai quan thủ khố cho người mang thêm năm trăm lá y quý đẹp nữa đem dâng cúng thêm cho vị pháp sư.
Đại đức Ānanda sau khi thọ nhận, ngài chợt mỉm cười tươi tắn như nụ sen vừa mới nở, cất tiếng lời lảnh lót, thanh tao như tiếng chim Ca-lăng-tần-già để giáo giới thêm cho đức vua:
– Tâu đại vương! Môn đệ của đức Đạo sư, của đức Thế Tôn, của đức Chánh Đẳng Giác sống giữa cuộc đời, khi đi vào giữa xóm làng với chiếc bát xin ăn, bao giờ cũng chỉ thọ nhận vừa đủ từ tấm lòng của bá tánh với tâm bình đẳng, nhẫn nại, rỗng rang, tịch lặng, không hận, không sân. Như con ong chỉ khẽ khàng tìm chút nhụy lót lòng nhưng không làm hại nụ hoa, cánh hoa! Họ còn biết tôn trọng và tri ân quốc vương, quốc độ; tôn trọng và tri ân bá tánh, chúng sanh và xã hội. Mục đích của chư môn đệ là luôn tâm niệm mang đến an lạc và hạnh phúc cho mình và cho người, tâu đại vương!
Đức vua Udena quý kính tận đáy lòng:
– Trẫm đã sáng mắt, sáng lòng ra rồi, thưa đại đức! Trẫm hiểu rồi và hiểu sâu xa vô cùng! Tri ân đại đức cùng đại chúng tỳ-khưu Tăng!
Sau bảy ngày đặt bát cúng dường và nghe pháp, biệt cung của hoàng hậu Sāmāvatī như được tiếp thêm sinh lực mới, nhiên liệu mới. Họ trang hoàng lại khắp mọi nơi, mọi chỗ. Tại phòng hội, họ quét dọn, lau chùi, mở các cửa sổ, thay đổi các bức rèm cho có màu sắc tươi sáng, thanh nhẹ hơn. Họ thay đổi những hương liệu xa xỉ, thay thế bằng hương liệu thanh tao, khiết nhã từ hoa, từ chiên đàn, từ đinh hương, hồi hương. Hoa được thay đổi mỗi ngày và chưng vào các kệ gỗ nhỏ sát tường trông vui tươi và mát mẻ như không khí mùa xuân. Họ lót những tấm thảm lớn làm chỗ ngồi thiền. Một pháp tọa thấp có lót thảm vàng dành chỗ cho pháp sư, và đó chính là thị nữ Khujjuttarā lưng gù.
Tại sao lại có chuyện ấy xảy ra? Vì mỗi ngày sau khi nghe pháp, rất đông cung nữ không nắm bắt hết ý nghĩa. Tối lại, nơi phòng hội này, cô thị nữ đã thuyết lại toàn bộ cho họ nghe mà không bỏ sót bất cứ đoạn nào. Và những ngày hôm sau đều diễn ra như vậy. Lại nữa, cô thị nữ này còn có cả một kho tàng khi được phép ra ngoài, và cô cũng không bỏ sót buổi thuyết pháp nào cho các hàng cư sĩ tại gia ở cả ba lâm viên. Có lần, tại vườn rừng Ghositārāma, đức Thế Tôn đã tuyên dương cô là “nữ pháp sư cung đình” đấy. Thế nên, cách bố trí căn phòng này là theo ý của hoàng hậu. Một là Khujjuttarā mỗi buổi chiều phải có một thời pháp cho mọi người cùng nghe. Hai là ai muốn tĩnh tâm, tham thiền thì lấy không gian này mà tu tập. Và thị nữ Khujjuttarā đã làm trọn vẹn phận sự của mình tại“tịnh xá” học tu này.
Nói về thứ hậu Māgaṇḍiyā thì bà luôn gườm gườm,
đăm đăm tìm mưu kế trả thù.
Sau khi theo dõi, bà biết vào mỗi buổi chiều, hoàng hậu và cung nữ đều tụ họp tại phòng hội. Bà mừng quá vì biết rằng “việc lớn sẽ thành” !
Hôm ấy, lợi dụng khi đức vua đi tuần du các thị trấn ngoại thành, bà mật bàn với ông chú quốc trượng của mình là Cūḷa Māgaṇḍi phương kế hãm hại hoàng hậu Sāmāvatī và mấy trăm cung nữ tu theo ông Cù-đàm! Theo với kế này, ông quốc trượng được phép mở kho vải, cùng một số thân tín tay chân, dùng vải ấy nhúng dầu rồi quấn quanh các cây cột gỗ tại biệt cung của hoàng hậu. Tính toán kỹ càng, đúng vào thời điểm mọi người đang nghe pháp là họ ra tay, sau đó, họ còn âm thầm và nhẹ nhàng khóa kín tất thảy mọi cánh cửa để không ai có thể thoát ra lối nào.
Thực hiện hoàn hảo kế hoạch từ đầu đến đuôi, rồi họ cho người ở sân xa, bắn vào bên trong vài chục mũi tên lửa là biệt cung bốc cháy rần rật. Và sự việc diễn tiến đúng như thế thật.
Than ôi! Lúc mọi người biết ra thì đã muộn quá rồi. Lửa bên ngoài nổ lốp bốp đã lần sang mái biệt cung, khói tỏa mù mịt, đã cảm giác khó thở. Cánh cửa này, cánh cửa kia đều bị những cây sắt khóa chặt. Sức lực nữ nhi thì biết làm gì, có thể dùng cánh tay liễu yếu đào tơ đập vỡ những tấm gỗ lim dày cứng hay sao? Họ đã trơ mắt, bất lực, mệt lả; đã có vài tiếng khóc tỉ ti, nức nở được kìm nén những vẫn thoát ra ngoài bằng những âm thanh ư ử, hích hích…
Hoàng hậu Sāmāvatī trầm tĩnh nhất, bảo mọi người đừng có hỗn loạn, hãy cùng ngồi xuống bên nhau rồi bà ban lời giáo giới như sau:
– Chị em chúng ta đã từng phiêu bạt, lang thang trong vòng luân hồi tử sinh thống khổ từ muôn xưa đến nay, chẳng biết đâu bến, đâu bờ. Duyên may, chúng ta gặp được đức Thế Tôn và giáo pháp thoát khổ, chúng ta đã có ngọn đèn soi sáng để lên đường trong đêm tối. Vậy chẳng có gì đáng để sợ hãi cả. Ngọn lửa hung bạo này có thể thiêu rụi thân xác chúng ta nhưng nó không thể đốt cháy trí tuệ của chúng ta, ý chí và nghị lực kiên cường một lòng với giáo pháp của chúng ta. Vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta hãy công phu tu tập tinh tiến ngay từ giờ phút này.
Mọi người thảy đều nghe lời, không gian đã trở nên yên lặng. Hoàng hậu Sāmāvatī nói tiếp:
– Cô Khujjuttarā lưng gù, là bạn lành của chúng ta, là thầy của chúng ta, đi mua hoa chưa về; nếu có cô ấy thì cô ấy cũng sẽ nói như sau: Trong hoàn cảnh cái chết kề bên lưng như thế này, thì tùy theo tâm tánh và sở thích của mỗi người để lựa chọn đề mục thích hợp cho mình. Có thể tĩnh tại niệm hơi thở vào ra. Có thể quán sự khổ, khổ thân, khổ của sự chết. Có thể quán ngay đề mục lửa. Có thể quán vô thường, vô ngã của ngũ uẩn, thập nhị duyên khởi… Chúng ta cứ thực hành như thế để có được sự lợi lạc tối thượng. Và khi ấy thì cái sống, cái chết của cái thân này có ý nghĩa gì đâu!
Sau đó, dường như một phép lạ đã xảy ra. Bên ngoài lửa cháy ngất trời, trống đánh, chiêng đánh, thanh la, não bạt đánh, tiếng người hô hoán, rầm rập chạy đi cứu lửa thì trong căn phòng khói phủ mịt mù, hoàng hậu Sāmāvatī và mấy trăm cung nga thể nữ yên lặng tọa thiền, người định, người quán an nhiên, tĩnh mặc. Cuối cùng, khi xác thân họ bị thiêu cháy thì số ít đạt tam quả, một phần được nhị quả, số còn lại đều đạt đệ nhất quả chảy vào dòng sinh an1.
Hôm sau, chư Tăng vườn rừng Ghositārāma, và nói chung cả Kosambī đang xôn xao bàn tán hung tin ấy. Có người đau lòng bi thương. Có người hoài nghi nhân quả. Có người không biết kiếp trước họ làm việc ác gì mà kiếp này bị trả quả kinh khiếp như vậy. Có người lại khởi tâm muốn biết cảnh giới lai sanh của họ ra sao, do việc thiện vừa mới làm thì nghiệp dữ tức khắc đến kéo lôi đi? Lại còn chuyện cô thị nữ lưng gù, tại sao lại được thoát chết, rồi còn do nhân quả như thế nào mà lại có khả năng thông suốt giáo pháp để giảng nói lưu loát, rành rẽ như vậy?
Đức Phật hướng thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, sanh tử thông nên thấy, nghe, biết tất cả mọi sự nhưng vẫn lặng lẽ chưa nói gì vì ngài biết rõ là cái nghiệp riêng kia, cái nghiệp chung kia nó vẫn còn tiếp diễn.
1 Ở đây có một câu hỏi không giải đáp được. Là tại sao, hoàng hậu Sāmāvatī sư dụng năng lực tâm từ để vô hiệu hóa mũi tên của đức vua, vậy tại sao khi lửa thiêu cháy cung điện, hoàng hậu lại không sử dụng năng lực của tâm từ?
Đức vua đang ngự du tuần tra ngoại vi kinh thành, khi nghe phi mã báo hung tin, ông tức tốc trở về thì chứng kiến một thảm cảnh kinh hoàng. Ông đứng lặng nhìn biệt cung của chánh hậu với những tòa lâu đài ngang dọc, bây giờ chỉ còn là đám tro tàn âm ỉ khói.
Lòng đức vua nặng trĩu, ảo não, thương bi đủ cả khi nghĩ đến ân đức, tấm lòng độ lượng của hoàng hậu; nhưng ông cố trấn tĩnh, cố giữ nét mặt điềm nhiên không phán xét gì, không hạch hỏi ai, không nói một tiếng nào, lặng lẽ đi về tẩm cung. Đức vua đuổi tất cả tả hữu ra ngoài, tự mình tắm rửa, thay xiêm đổi áo rồi ngồi lặng như hóa đá, như thiền định.
Rồi những con người, những sự việc diễn tiến đi qua tâm trí của đức vua như một cuốn phim quay chậm. Ông nhớ lại từ hồi nhập cung, hoàng hậu Sāmāvatī suốt mười năm nâng khăn sửa túi, bà lúc nào cũng nho nhã, nhu thuận, dịu hiền, kín đáo và thanh cao như một đóa cúc trắng. Cũng chính nhờ bà, lây lan những đức tính tốt của bà mà ông đã trở nên khá hơn, tự chủ gơn, trầm tĩnh hơn. Ngay chính những sự nóng giận, kể cả săn thú giết vật, kể cả chửi rủa, đánh đập, la mắng người vô cớ ta cũng đã giảm được năm sáu phần! Còn nữa, bà chưa hề yêu cầu điều gì, nguyện ước điều gì, xin ban cái gì cho cá nhân mình cả. Đối với cha mẹ, thân bằng, quyến thuộc bà cũng xử sự chừng mực, tình lý cân phân và cũng chưa hề xin cho người bà con nào một chức quan nhỏ. Năm trước, khi có thai, bà chỉ xin được đi nghe pháp từ đức Thế Tôn và cũng cầu nguyện cho hài nhi sau này trở thành một hoàng tử tốt, sáng suốt và lương thiện. Sau khi gặp đức Phật trở về, bà dường như có nhiều niềm vui nội tâm hơn. Rồi bà cũng giáo dục cho cung nga thể nữ những đức tính hay đẹp như thế. Đứa trẻ ra đời, bà hết lòng chăm sóc, sau trao lại cho bốn bà nhũ mẫu cùng mười cung nữ săn sóc ở gần cung điện của đức vua. Sáng nào bà cũng sang thăm, nâng niu, trìu mến, và ông cũng tiện đường dễ dàng ghé chơi, hôn hít cậu ấu hoàng xinh đẹp như con nhà trời. Vậy, hoàng hậu Sāmāvatī không thể thả con rắn độc, bà không có mục đích để làm việc tày đình ấy. Chuyện con gà sống cũng thật đáng ngờ. Ai mang tám con gà sống đến? Và tại sao lại được phủ kín, chỉ hé cho ta xem cái màu lông đen của gà thôi? Đằng trong ấy được che giấu cái gì? Ồ, tại sao ta lại hồ đồ tin người như vậy chứ? Cái bàn tay ông chú ấy hơi run run! Cái ông được mệnh danh là quốc trượng ấy thế là đáng ngờ. Thật ra, quốc trượng phải là thân sinh bậc chánh cung kìa! Nhưng do hồi ấy ta mê mẩn sắc đẹp của Māgaṇḍiyā nên đã chìu theo ý của nàng ấy. Rồi lại còn một biệt phủ cho ông ta nữa chứ. Tiếp đến, lồng gà được trao cho ai? Tên cận thần bồi yến? Ai tâu là món ngự thiện nên để cho cung nữ chánh hậu làm? Tên cận thần hầu rượu! Vậy là tên quốc trượng, tên bồi yến, tên hầu rượu có vấn đề gì đó ám muội rồi.
Còn con người thực của thứ hậu thì sao? Cô ta nhập cung là vì thâm thù sa-môn Gotama do cha mẹ chọn sa- môn Gotama làm giai tế nhưng ông ta không dám sờ đụng bằng chân. Cô được ta yêu thương là cô ta sẽ có kế sách báo cừu. Vậy là cô ta yêu mối thù của cô ta hơn là yêu ta. Chuyện chợt trở nên sáng tỏ khi nửa tháng trước đây cô ta tung hết tiền ra thuê bọn đầu trộm đuôi cướp phỉ báng, nhục mạ sa-môn Gotama và Tăng chúng. Vậy là đã rõ tâm địa của thứ hậu. Từ từ ta sẽ đưa cô ta vào bẫy. Việc cần làm hiện nay là âm thầm điều tra chuyện tám con gà sống trước đã. Cái này thì dễ, vì chỉ cần lôi tên cận thần bồi yến là biết ngay!
Tối ấy, đức vua cho kêu tên cận thần vào cung sau, và với sắc mặt lạnh như tiền, ông nói:
– Có hai con đường, ngươi có thể chọn một. Một là trẫm tạm mượn chiếc đầu của ngươi, hai là ngươi hãy kể rõ sự thật cái gì giấu kín khó hiểu bên trong lồng gà hôm tiểu yến?
Nghe cách hỏi của đức vua, tên cận thần biết là không thể giấu giếm ngài được nữa nên đã tình thật khai hết. Đức vua bàng hoàng. Xảo kế mà như vậy vừa sâu xa khó lường vừa thâm độc còn hơn nọc độc của rắn. Ôi! Thương xót thay chánh hậu của ta, bị hàm oan mà không hề than oán một lời! Lại còn rải tâm từ cho ta và cả cho con tiện tỳ kia nữa chớ!
– Chuyện tám con gà sống, tám con gà chết, vậy là trẫm đã rõ mọi chi tiết của kịch bản. Thế chuyện con rắn độc, ngươi có thấy biết manh mối gì không?
Tên cận thần bồi yến tâu thật lòng:
– Bà thứ hậu mua chuộc hạ thần và cả viên hầu rượu cho bệ hạ, luôn theo sát bệ hạ. Chuyện con rắn độc thì hạ thần không biết. Nhưng sau khi nghe nội cung bàn về con rắn nhỏ hạ thần biết ngay là chính thứ hậu đã lén bỏ vào ống tiêu của bệ hạ.
– Sao ngươi biết?
– Chiều hôm ấy, thấy quốc trượng hấp tấp đi vào cung rồi trao cho thứ hậu một cái hộp nhỏ, nói thoảng rằng: “Để ý đó! Nó độc lắm đó!” Khi quốc trượng về, thứ hậu nhìn cửa trước, nhìn cửa sau, lúc ấy bệ hạ đang ngự chơi bên phòng của ấu hoàng rồi lẻn vào phòng của bệ hạ. Và chắc chắn nó đã được lén bỏ vào bên trong ống tiêu của bệ hạ.
Đức vua gật đầu:
– Đúng vậy rồi! Chớ chẳng lẽ nào hoàng hậu lại để rắn trong chăn của mình?
Trầm ngâm hồi lâu, đức vua cẩn thận nói nhỏ với tên cận thần:
– Bây giờ trẫm phạt ngươi nhịn đói một ngày, ngoan ngoãn ở yên đây, đừng có kêu ca la oán gì. Chiều mai trẫm sẽ mở khóa thả ngươi ra đối chứng.
Sáng hôm sau, lúc lâm triều, đức vua cho hội họp hết quần thần và cả đại diện hai cung, năm viện; với khuôn mặt bình thản, an nhiên như không có gì xảy ra. Quần thần người này, người kia mở lời chia buồn, khuyên giải đức vua đừng quá sầu não mà họa hại đến sức khỏe, ảnh hưởng đến muôn dân, bá tánh.
Đức vua chợt cất giọng cười ha hả:
– Các khanh lầm rồi! Trẫm không buồn mà trẫm còn vui nữa đấy! Các khanh biết tại sao không?
Đức vua tự hỏi rồi tự trả lời:
– Cứ mỗi lần nghĩ đến con rắn độc tại cung của hoàng hậu là trẫm còn rởn cả tóc gáy. Biết bao nhiêu ngày trẫm ăn không ngon, ngủ không yên, luôn luôn phập phồng lo sợ, không biết còn có mưu kế nào rình rập nữa hay chăng? Còn con rắn độc thứ hai, thứ ba nữa hay chăng?
Nghỉ hơi một lát cho cả triều thần hiểu trọn vẹn ý nghĩa rồi đức vua tiếp:
– Nay thì toàn bộ cái cung lầu ấy bị thiêu rụi rồi, những con người với những kế độc ấy cũng rủ nhau ra đi cả rồi; cho nên từ nay trẫm sẽ gối cao nằm ngủ, không còn lo sợ gì nữa.
Một viên lão thần chợt tâu:
– Tâu đại vương! Một bậc mẫu nghi thiên hạ và năm trăm cung nữ bị thiêu cháy không phải là việc nhỏ. Mấy tòa cung lâu ngang dọc nguy nga tráng lệ bị đốt ra tro không phải là việc nhỏ. Theo hạ thần, là chúng ta phải lập một ban thanh tra để tìm cho ra thủ phạm cùng những người đồng lõa, có tội danh, tội chứng, sau đó xử phạt tội hình đàng hoàng mới có thể nghiêm được phép nước!
Đức vua gật đầu:
– Lão khanh nói đúng. Nhưng lão chỉ biết một mà không biết hai. Vậy trẫm sẽ hỏi khanh nhé?
– Tâu vâng!
– Nếu có người đặt để lên bàn cân, một bên là trẫm, một bên là hoàng hậu và năm trăm cung nữ thì bên nào nặng hơn?
– Bệ hạ nặng hơn!
– Một bên là mười ngàn đồng tiền vàng để kiến tạo lại biệt cung, một bên là trẫm thì bên nào nặng hơn!
– Cũng bệ hạ nặng hơn! Đức vua cười ha hả:
– Trẫm nặng hơn, vậy là đã rõ! Vì an toàn tánh mạng cho trẫm, vì muốn cất đi gánh nặng sợ hãi ngày đêm của trẫm nên ai đó đã ra tay làm việc này. Chắc người ấy là một người có tâm hồn cao thượng, yêu thương trẫm hết mực nên đã bảo vệ tánh mạng cho trẫm đấy!
Đức vua còn lặp lại:
– Tánh mạng của trẫm là đệ nhất! Hộ trì tánh mạng cho trẫm tức là hộ trì quốc độ vậy. Trẫm vô cùng cảm ơn vị ân nhân đó.
Thứ hậu Māgaṇḍiyā nghe đến đây, không còn chịu nổi nữa, muốn xưng danh để lập công liền:
– Tâu bệ hạ! Người làm việc âm thầm vô danh ấy là thiếp! Phi thiếp ra, ai có khả năng làm được việc ấy? Chính thiếp đã thảo kế hoạch rồi nhờ quốc trượng phụ giúp một tay, bây giờ bệ hạ mới hoàn toàn được an toàn như vậy đó!
Đức vua giả vờ ngạc nhiên:
– Ồ, thế sao? Chính thật là nàng sao? Trước quần thần, hai cung năm viện, trẫm tuyên dương công trạng đệ nhất cho nàng đó!
Thứ hậu xiết bao vui sướng.
Giọng đức vua còn vang vang cả triều nội:
– Vậy là ngoại trừ thứ hậu ra, trên đời này chẳng còn ai yêu thương trẫm một cách thật lòng, một cách sâu sắc và chung thủy như thế. Để tri ân thứ hậu, trẫm còn muốn ban tước lộc cho quốc trượng cùng tất thảy bà con quyến thuộc của nàng, kể cả những người âm thầm góp tay, giúp sức nữa. Vậy thì chiều nay, ngay trước sân rồng, cuộc ban thưởng trọng hậu sẽ diễn ra ở đó, tất thảy mọi người hôm nay đều phải có mặt để chia niềm vui chung với trẫm.
Thế rồi, buổi chiều, ngay tại sân rồng, khi thứ hậu Māgaṇḍiyā, quốc trượng Cūḷa Māgaṇḍi cùng thân bằng quyến thuộc, một số tay chân bộ hạ tề tựu đông đủ, đức vua ra lệnh cho quân cận vệ bắt trói cả thảy. Viên cận thần hầu rượu và bồi yến cũng bị bắt trói dẫn ra tại chỗ.
Giọng đức vua Udena uy nghiêm, dõng dạc:
– Đốt rụi biệt cung, thiêu chết hoàng hậu và năm trăm cung nữ, thủ phạm chính là con nha đầu này cùng với ông chú của nó, tay chân bộ hạ của nó, đã do chính từ miệng nó nói ra. Thân bằng quyến thuộc ba họ của nó cũng phải bị vạ lây. Đúng như viên lão thần đã nói, phải trừng trị để cho nghiêm phép nước. Chư quan thấy trẫm làm như vậy có đúng không, có sai lệch chỗ nào không?
Quần thần hô to:
– Bệ hạ anh minh, sáng suốt!
– Chuyện tám con gà sống, tám con gà chết thì thủ phạm có bốn người: Con tiện tỳ điêu trá này, ông chú ác độc này cùng hai tên hầu yến và hầu rượu, ta đã điều tra kỹ càng và tuyên bố công khai, minh bạch với mọi người trước ánh sáng mặt trời.
Quần thần hô to:
– Bệ hạ anh minh, sáng suốt.
– Chuyện con rắn độc thì thủ phạm chỉ có hai, không nói thì ai cũng biết rồi. Một tên đưa rắn độc và một tên lén bỏ vào ống tiêu “điều tượng” của trẫm để giá họa cho hoàng hậu đức hạnh!
– Bệ hạ anh minh, sáng suốt.
– Chuyện đốt cung lầu giết hại hoàng hậu và năm trăm cung nữ thì tất thảy bọn chúng đều có góp tay, góp sức tham gia, đồng lõa.
Quần thần xôn xao bàn tán không biết đức vua điều tra như thế nào mà chỉ chưa được nửa ngày ông đã biết rõ tất cả.
– Trẫm tuyên bố: Toàn bộ gia sản của hai tên đầu sỏ sẽ bị tịch thu. Vàng bạc lấy được trẫm sẽ cúng dường sửa sang ba đại lâm viên để nhờ đức Phật và chư Tăng tụng kinh, hồi hướng siêu độ cho hoàng hậu và năm trăm cung nữ. Trẫm xử lý như vậy có được không?
– Bệ hạ anh minh, sáng suốt!
– Trẫm tuyên bố: Con tiện tỳ cái tội quá nặng tương đương địa ngục a-tỳ, trẫm sẽ cho lóc từng tấm thịt, bỏ vào chảo chiên, bắt nó ăn. Khi nào nó ăn không nổi, quẳng nó vào chảo rồi chiên giòn! Cái tên được mệnh danh là quốc trượng này cũng chiên vàng luôn như thế. Tên hầu rượu thì cho năm ngựa phân thây. Tên hầu yến do thành thật ém đầu rồi cho chôn cất tử tế.
Bản án của đức vua tuyên bố không ai dám góp thêm một lời nào. Và ngay chính tội nhân cũng không dám phản biện dù chỉ trong ý nghĩ.
Ai cũng khâm phục đức vua đã dàn dựng một kịch bản đầy mưu trí để cho thủ phạm độc ác tự đưa đầu đưa cổ của mình vào tròng.
Tại giảng đường vườn rừng Ghositārāma, biết là chư Tăng đang bị nhiều mối nghi ở trong lòng, đức Phật liền vén mở bức màn quá khứ đã bị che lấp liên hệ đến những sự việc xảy ra tại hoàng cung đức vua Udena.
– Này chư tỳ-khưu! Một thuở rất xa xưa, dưới triều đại đức vua Brāhmadatta, vào thời không xuất hiện một vị Chánh Đẳng Giác nào, có tám vị Độc Giác trú cư tại núi non thuộc kinh thành Bārāṇasī, và các ngài thường vào thành phố để trì bình khất thực. Lâu lâu, đức vua lại triệu thỉnh họ vào cung, lệnh cho hoàng hậu, thứ hậu, thứ phi, cung nga thể nữ thay phiên nhau đặt bát cúng dường và nghe một vài pháp thoại. Cả tám vị đều được đức vua tôn kính, trọng vọng; là chỗ nương tựa tinh thần của đức vua, họ được ngài coi như là linh hồn của quốc độ vậy.
Hôm ấy, sau khi đi bát xong, có bảy vị quăng bát qua hư không để lên Hy-mã-lạp sơn. Chỉ còn một vị đến bờ sông Gaṇgā thọ thực, sau đó vào một lùm cây rậm thọ hưởng lạc về thiền, lạc về quả.
Đức vua trị vì Bārāṇasī hôm ấy nhã hứng cùng chư
hậu, chư phi, cung nga thể nữ du lãm ở ngoại thành, bày cuộc vui săn bắn, sau đó họ nghỉ ngơi tại hành cung ven bờ sông.
Như những cánh chim được xổ lồng, có một bà phi dẫn năm trăm cung nữ đi dạo chơi ven sông, sau đó tha hồ nhởn nhơ ngụp lặn, bơi lội, đùa giỡn thỏa thích trong dòng sóng nước.
Lúc họ lên bờ thì trời trở lạnh. Ai cũng run lẩy bẩy. Bà phi sáng ý chạy đến lùm cây, gom lá khô, rác khô, cành khô rồi đốt lửa sưởi ấm. Vô tình, ngọn lửa lớn cháy lan đến lùm cây có vị Độc Giác đang trú định. Vì do cây cháy nên lộ ra hình tướng vị Độc Giác quen thuộc, và có lẽ vì ngài đang an trú diệt thọ tưởng định nên chẳng hề hay biết chuyện gì xảy ra xung quanh.
– Chết rồi! Bà phi chợt la lên – Đây là bậc thầy của đức vua. Nếu ông ta tiết lộ chuyện này chắc chị em ta không thoát khỏi tội chém đầu! Thôi, một liều ba bảy cũng liều, chúng ta hãy phi tang, hãy chất thêm rác khô, củi khô đốt cháy ông ta luôn đi. Sau khi chỉ còn tro tàn thì trời không biết, đất chẳng hay!
Thế là năm trăm cung nữ làm theo lời bà phi. Mỗi người chỉ cần gom lượm một bó nhẹ, cả năm trăm người như thế thì đã thành một ngọn núi nhỏ vây quanh vị Độc Giác Phật. Khi thấy lửa đã bốc cháy rần rật họ mới bỏ đi, yên trí với việc làm kín đáo của mình. Tuy nhiên, đức Độc Giác Phật sau bảy ngày trú định diệt thọ tưởng đã không thể bị chết cháy, y bát và vật dụng bên mình đều được bảo toàn do năng lực tối thượng của định này; ngài xả thiền, đi trì bình khất thực rồi như cánh chim ưng, nhẹ nhàng bay về Tuyết Sơn.
Kể đến ngang đây, đức Phật kết luận:
– Đốt lửa lần đầu do vô tâm, vô ý, không có tư tác giết nên không có tội nhân không có tội quả. Đốt lửa lần hai là có cố ý, có chủ tâm, có tư tác (cetanā) nên có tội nhân có tội báo. Bà phi thuở xưa, hiện nay là hoàng hậu Sāmāvatī, là kẻ chủ mưu trong việc thiêu cháy Phật Độc Giác; năm trăm cung nữ thuở xưa là kẻ tòng phạm, chính là năm trăm cung nữ hiện nay. Chủ mưu hoặc tòng phạm tạo tác một nghiệp ác chung, bây giờ bị trả quả cộng nghiệp là lẽ đương nhiên vậy. Hoàng hậu Sāmāvatī và năm trăm cung nữ bị trả quả thiêu đốt cả hằng trăm, hằng ngàn kiếp rồi, và cái quả báo hiện tại chỉ là cái nghiệp dư sót mà thôi vậy1. Lạnh lùng thay là nghiệp. Công bằng thay là nghiệp. Mà phân minh thay cũng là nghiệp vậy!
Sau khi biết rõ sự thật, cả pháp đường ai cũng rùng mình, lặng người.
Đức Phật còn giảng thêm rằng:
1 Câu chuyện Sāmāvatī được bao gồm quanh câu chuyện của vua Udena. Để biết thêm chi tiết xem trong chú giải Dhammapada. i. 187-91, 205-225; câu chuyện có xuất hiện một vài chi tiết trong chú giải Anguttara Nikaya. i. 232-4,236ff., và cũng được đề cập tóm tắt trong chú giải Udena. 382f., loại bỏ chi tiết nguyên nhân cái chết của hoànng hậu Sāmāvatī được giải thích khá dài trong Udāna (Ud.vii.10) xử lý vụ việc. Cf. Divyāvadāna, ed. Cowell and Neill (Cambridge). 575 f. theo Thanh Tịnh Đạo (tr. 380f), ước muốn của Māgandiyā là giết hoàng hậu Sāmāvatī để lên làm chánh hậu.
– Hoàng hậu Sāmāvatī và năm trăm cung nữ bên cạnh sự chết nhưng nhờ không phóng dật, chuyên cần chú niệm nên đã đặt chân được ở cõi bất tử. Do vậy, bậc thiện trí kiên cố nhiếp tâm, hoan hỷ trong pháp sẽ nếm thưởng hương vị cảnh giới an lạc của thánh nhơn. Người chuyên niệm, tinh tấn vững vàng, cởi bỏ, vượt thoát mọi trói buộc, sẽ thành tựu Niết-bàn tối thượng.
Rồi Ngài đọc liên tiếp ba câu kệ:
Con đường phóng dật: Nguy nan!
Con đường tỉnh thức: Vinh quang đời đời
Buông lung là kẻ chết rồi
Pháp mầu bất tử đợi người cần chuyên!
Trí nhân thấy rõ cơ duyên
Nhiếp tâm kiên định lên thuyền sang sông
An vui, hoan hỷ tự lòng
Dự vào cảnh giới thanh trong thánh mầu!
Trí nhân tinh tấn thiền hành
Kiên trì nỗ lực duyên sanh Niết-bàn
Ma vương khó buộc, khó ràng
Tự do tối thượng thênh thang bến bờ!1
Đại đức Ānanda chợt phát biểu:
– Bạch đức Thế Tôn! Người phóng dật, giải đãi dầu còn sống nhưng xem như đã chết rồi! Người chú niệm,
1 Pháp Cú 21, 22, 23: Appamādo amatapadaṃ pamādo maccuno padaṃ. Appamattā na mīyanti ye pamattā yathā matā.
Etaṃ visesato ñatvā appamādamhi paṇḍitā. Appmāde pamodanti ariyānaṃ gocare ratā. Te jhāyino sātatikā niccaṃ daḷhaparakkamā. Phusanti dhīrā nibbānaṃ yogakkhemaṃ anuttaraṃ.
tinh cần, dẫu chết rồi nhưng vẫn bất tử! Ý nghĩa ấy chúng đệ tử lãnh hội rồi! Ôi! Cái vòng nhân quả báo ứng này, ngoài sự kiện nổi bật, gây nhân thiêu cháy nên bị trả quả thiêu cháy, nó còn hé lộ cho ta thấy rõ hai hiện tượng nhân quả phân minh nữa: Một, bà phi thuở xưa do đặt bát cúng dường nên hiện nay do phước bảo trợ sinh làm hoàng hậu với danh phận, địa vị, sắc đẹp được bảo toàn. Hai, lại do nhân được nghe pháp thuở xưa nên kiếp này bà là người đầu tiên nghe pháp rồi sau đó sống trong pháp. Năm trăm cung nữ theo hầu đều được giải thích tương tợ thế. Không biết kiến giải của đệ tử như vậy có trùng khít với sự thật nhân duyên, nhân quả nhiều đời không?
Đức Phật gật đầu:
– Nó như vậy đấy! Tuy nhiên, trong cái riêng có cái chung và trong cái chung vẫn có cái riêng nên không phải lúc nào họ cũng gặp gỡ nhau, chung sống với nhau như chủ và tớ. Vẫn có hằng trăm, hằng ngàn kiếp họ thất lạc nhau trong luân hồi, tương tợ một trận bão, một cơn lốc cuốn đi qua một cánh rừng, nó bứt tung những ngọn lá bay tản mác mấy phương trời vô định vậy. Hiện tại, họ gặp nhau lại do phúc duyên đã chín vàng nên khi ra đi, một số đắc Bất lai, nhiều hơn là Nhất lai, số còn lại đều được vào Thất lai cả.
Cả giảng đường như đồng thanh tán thán: Sādhu, lành thay!
Đại đức Ānanda chợt hỏi:
– Còn Cô thị nữ lưng gù? Nhân duyên quá khứ của cô gái đa văn này như thế nào mà lạ lùng vậy, thưa đức Đạo sư?
– Ừ! Cô ta không ở trong số năm trăm cung nữ thuở trước nên được thoát chết. Cô ta chỉ cùng chung cộng nghiệp bố thí, cúng dường cho tám vị Độc Giác Phật, nhưng riêng cô ta thì nghe pháp nhiều hơn, chăm chú tư tác nhiều hơn. Có điều đặc biệt nữa, là có lần, khi họ dâng bát vật thực còn nóng sốt đến tám vị Độc Giác Phật, các ngài vừa đưa tay ra thì phát giác là bát còn nóng. Cô gái này, tiền thân thị nữ Khujjuttarā, mau mắn, lanh trí lấy từ hai cổ tay ra tám chiếc vòng ngọc dâng cho quý ngài rồi nói rằng: “Đệ tử kính dâng luôn tám vòng ngọc này để quý ngài ngăn bát trên tay cho đỡ nóng!” Do phước báu của cái nhân này nên bao giờ cô ta cũng vượt trội trong chúng về thông hiểu giáo pháp, trí thông minh cũng như sắc tướng!
Ở đâu đó có tiếng cười nhẹ rồi có tiếng hỏi:
– Còn cái lưng gù là tại sao, bạch đức Thế Tôn? Đức Phật cũng mỉm cười:
– À, cái cô ấy thiệt là quá quắt, thiệt là tinh nghịch! Số là trong tám vị Độc Giác ấy có một vị có cái lưng hơi gù! Hôm ấy, giữa mấy trăm chị em rỗi việc, cái cô này lấy một tấm chăn giả làm y, một cái bát vàng giả làm bát khất thực, rồi cô gù lưng xuống, ôm cái bát đi tới đi lui, nói rằng:“Ngài Độc Giác của chúng ta đi tới như vầy, đi lui như vầy, khi đứng thì cái lưng trông như cái vòng cung như vầy”. Nói thế xong cô ta cười ngặt nghẽo. Do nhân ấy, cô ta bị trả quả gù lưng như vậy đó!
Đại đức Ānanda thay mặt đại chúng hỏi tiếp:
– Vậy vì cái nhân gì mà cô ta phải làm thị nữ (đầy tớ, người hầu) bạch đức Thế Tôn?
– Đấy là nghiệp riêng của cô ta. Chỉ mới đây thôi, vào thời đức Phật Kassapa, cô ấy là một tiểu thư con một bậc trưởng giả kinh thành Bārāṇasī. Cả đại gia đình đều là đệ tử thuần thành của đức Phật Kassapa. Ngôi trang viên này là giếng nước giữa ngã tư đường cho chư Tăng Ni đến và đi. Họ đặt bát cúng dường thường xuyên cho chư Tăng Ni của giáo hội. Chiều hôm ấy, khi cô đang ngồi kẻ lông mày thì có một vị Thánh ni đến nhà viếng thăm có việc với gia đình trưởng giả. Do quá quen biết nên vị Thánh ni ngồi xuống một bên. Vì bận trang điểm bằng cả hai tay, cô ta nói:
– Sư cô cho phép đệ tử được đảnh lễ sư cô bằng lời nói. Tiện thể, nhờ sư cô lấy giúp cái hộp phấn màu nằm phía bên tay trái của sư cô đó!
Vị Thánh ni suy nghĩ:
– Nếu ta không lấy cái hộp trang điểm theo lời yêu cầu của cô gái thì nghịch ý cô ta, có thể đưa đến sự phiền giận. Mà phiền giận theo tính khí ưng gì được nấy đã thành nề của cô ta, đôi khi tạo oan trái đến một người đã vô lậu giải thoát như ta thì cô ta sẽ bị quả báo rất nặng, có thể đọa địa ngục. Còn ví bằng, ta thuận lấy để trao cho cô ta, như vậy là cô ta đã sai bảo một vị thánh lậu tận; thế là sau này cô ta sẽ mang lấy những kiếp tôi đòi, hầu hạ người khác. Thôi ta đành để cho cô ta mang thân phận thấp thỏi còn hơn là nghiệp báo oan trái đọa địa ngục!
Do cân phân hai tội nặng và nhẹ như vậy nên vị Thánh ni lấy hộp trang điểm cho cô gái. Và bởi nhân xưa như thế nên đã nhiều kiếp rồi, cô Khujjuttarā phải mang thân phận thấp hèn, làm nô lệ cho người.
Thế là nhân và quả, người và vật của toàn bộ câu chuyện xảy ra tại hoàng cung đức vua Udena đã được đức Phật vén mở từ trong mù sương của quá khứ, ai nấy đều nghe biết rõ ràng, chẳng còn nghi ngờ, thắc mắc gì nữa. Tất thảy phàm Tăng đều kinh hãi khi chứng kiến sự diễn tiến lạnh lùng nhưng phân minh của nhân quả nghiệp báo.
Kinh sách cũng có nói rằng, cô Khujjuttarā có một mong muốn là trở thành một vị đứng đầu giữa hàng nữ giới về học vấn trong lúc nhìn thấy một người tín nữ tương tợ được thực hiện trong thời đức Chánh Đẳng Giác Padumuttara1. Tương truyền rằng, những bài kinh trong Itivuttaka (Như Thị Thuyết) là những bài kinh mà Khujjuttarā đã học từ đức Phật và sau đó đã lặp lại cho hoàng hậu Sāmāvatī và những cung nga thể nữ nghe. Bởi vì những bài kinh này được thuyết ở Kosambī và được cô giảng nói lại sau đó. Cô thị nữ lưng gù Khujjuttarā lại còn được đề cập đến nhiều lần như là người gương mẫu giữa những đệ tử nữ tại gia2. Cô đã sở hữu Paṭisambhidā (Tuệ
1 Chú giải dhammapada.i. 226f., v.v., Divyāvadāna.339-41.
2 Ví dụ Anguttara Nikaya.i.88; ii. 164; iv. 368; Samyuttara Nikaya. ii. 236.
phân tích) trong khi còn là người nữ gia chủ, nhưng đó mới tuệ phân tích của người hữu học (sekha).
Ngoài ra, trong nhiều kiếp sinh tử trước đây, cô Khujjuttarā được nhận biết là người nữ tỳ trong túc sanh truyện Ugara1 và trong túc sanh truyện Bhisa2, người y tá trong túc sanh truyện Culla-Sutasoma3 và người lưng gù trong chuyện Kusa4… vân vân và vân vân.
Sau khi hoàng hậu Sāmāvatī qua đời, do cái chết của bà rất bi thương, thê thảm; có hai người bạn đều có tên là Sāmā, rất đau buồn, từ bỏ tất cả để xuất gia, sau trở thành hai vị trưởng lão Ni.
Hoàng hậu Sāmāvatī được công nhận là một trong những người nữ đệ tử tại gia xuất sắc nhất của đức Phật, và được ngài công bố là người có tâm từ bi rộng lớn hàng đầu (aggaṃ mettāvihāriyaṃ)5, vì năng lực của bà có thể bảo vệ khỏi mũi tên được bắn bởi vua Udena, và chuyện này cũng thường được tham khảo đến trong các chú giải6.
Riêng Khujjuttarā, sau khi mất đi người chủ hiền đức, cô đã dành tất cả thời gian còn lại trong đời cho Phật sự bằng cách nghe Pháp và thuyết pháp cho mọi người. Đức
1 Jātaka. iii. 168.
2 Jātaka . iv. 314.
3 Jātaka. v. 192.
4 Theo sách này., 312.
5 Anguttara Nikāya. i. 26; cf. iv. 348.
6 Ví dụ trong chú giải Buddhavaṃsa. 24; chú giải Itivuttaka. 23; chú giải
Patisambhidāmagga. 498; chú giải Anguttara Nikāya.ii. 791.
Phật đã xác nhận cô ta là một người lỗi lạc giữa hàng nữ tại gia vì sự nghe nhiều học rộng của cô (bahussutānaṃ)1 và có cả tài thuyết pháp lỗi lạc trong hàng cận sự nữ nữa.
Cả hoàng hậu Sāmāvatī và cô pháp sư thị nữ lưng gù đều là những nhân cách lỗi lạc trong hàng cận sự nữ, còn rọi sáng dịu dàng cho đến ngày hôm nay.
1 Angguttara Nikaya. i. 26.; chú giải Dhammapada. i. 208ff.; chú giải Anguttara Nikāya .i.226,237.; chú giải Itivuttaka. 23f.; chú giải Patíambhidāmagga. 498f.
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 90