I. Giới thiệu chung

Cô gái sinh ra trong một gia đình thương buôn rất giàu có của Srāvastī. Có bốn thành viên trong gia đình – thương nhân giàu có, vợ, con trai và con gái của họ. Gia đình nhỏ này sinh sống trong một tòa nhà bảy tầng lớn ở Srāvastī. Khi cô gái đến tuổi thành niên, một người hầu cận trẻ tuổi được chỉ định để phục vụ cô. Vì người bạn xấu xa, cô đã rời xa con đường đúng đắn. Vì e rằng cô gái bị ép kết hôn với người khác, hai người họ đã cưỡm đi bất cứ của cải và trang sức cầm tay và bỏ trốn. Họ đến một ngôi làng nhỏ cách xa thành phố và bắt đầu sống như vợ chồng.

Họ sử dụng dần dần những của cải trộm cắp từ nhà cô gái kia. Cuối cùng, họ bắt đầu trải qua những ngày cực kì nghèo khó. Hai năm sau, cô gái mang thai. Cô sinh được hai người con trai, nhưng thật không may, cả hai đều chết trong một tai nạn. Chồng cô cũng chết sau khi bị rắn hổ mang cắn. Khóc lóc và gào thét, người phụ nữ kém may mắn một mình lên đường về lại Srāvastī. Ngay trước khi cô kịp đến nơi, cô được cho hay tại nơi hỏa táng rằng có một cơn bão và mưa lớn vào đêm hôm trước, và chuyện tòa nhà bảy tầng của cha cô đã sụp đổ. Cha, mẹ và anh trai cô đều bị nghiền nát dưới đống đổ nát. Bây giờ cô không có ai trên thế giới để nương nhờ. Không thể chịu nổi cú sốc, cô mất thăng bằng tinh thần và không có bất kỳ mảnh vải nào trên người, cô bắt đầu rong ruổi trên đường phố Srāvastī.

Khi cô ấy ở trong tình trạng khốn khổ như thế, một ngày nọ, do những tích lũy pāramīs từ trước, cô ấy đã đi ngang qua tu viện Jetavana, nơi Đức Phật đang thuyết pháp cho mọi người. Lắng nghe những lời của Giáo Pháp, cô ấy đến gần Ngài. Đức Thế Tôn nói với cô: “Đứa con tội nghiệp của ta! Hãy đến đây với sự tỉnh táo!” Những lời trìu mến và tử tế của Ngài đầy mật ngọt. Ngay khi nghe những lời này, cô đã phục hồi một số giác quan của mình. Cô nhận ra mình đang khỏa thân. Lấy làm xấu hổ, cô gái ngồi xuống thu mình lại gần hơn. Ai đó, người ngồi gần bên và lắng nghe Giáo Pháp, choàng chiếc khăn của anh cho cô gái. Kể từ đó, người phụ nữ tội nghiệp này được gọi là “người được che chở bằng khăn choàng” tức là “Paṭācārā”. Cô tìm nơi nương tựa Phật. Đức Phật xác tín với rằng cô: “Con ta, hãy nương tựa vào Giáo Pháp. Giáo Pháp sẽ cho con nương tựa thật sự.”

Lắng nghe những lời của Giáo Pháp tinh khiết từ Ngài, tâm trí cô trở nên tập trung và cô bắt đầu thực hành Vipassana. Do kết quả của các Pāramīs trong quá khứ, cô ấy đã trở thành một người nhập dòng đắc quả (Tu đà hoàn) (srotāpanna) ngay sau đó và tại đó, Đấng Giác Ngộ đã xuất gia cho cô. Thực hành Vipassana để giải thoát một cách vững chắc, cô gái trở thành A la hán từ một Tu đà hoàn (srotāpanna). Cô đã đạt được tất cả những gì cần đạt được như một con người và hoàn toàn không còn buồn khổ.

Patacara Người Phụ Nữ Mất Hết Người Thân

 
Khá giống tích cuộc đời nữ tỳ kheo Vi Diệu 

 

 

II.  Tỳ-khưu-ni Paṭācārā (Đệ nhất thông Luật) – Con Gái Đức Phật

Cổ sử truyện

CON GÁI ĐỨC PHẬT

(Hành trạng của chư Thánh ni

& những cận sự nữ đặc biệtthù thắng)

Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Nhà Xuất Bản Văn Học

Tái bản 2014

Đệ tử Chánh Trí diễn đọc

 


Tỳ-khưu-ni
Paṭācārā

(Đệ nhất thông Luật)

Do túc duyên nhiều đời, cô gái sanh ra trong một gia đình ông chủ ngân hàng1 tại Sāvatthi, cao sang, giàu có; lại được cha mẹ rất cưng chiều, cho cô ở trên tầng bảy của một tòa lầu, có kẻ ăn người ở hầu hạ sớm hôm.

Năm cô lên mười sáu tuổi, có một gia đình môn đăng hộ đối với lễ vật trọng hậu dạm hỏi nàng cho con trai của họ, cũng là một công tử con nhà quyền quý. Cô gái lặng lẽ không nói gì, vì cô đã âm thầm yêu thương một chàng trai nô lệ đầy tớ trong nhà. Cậu ta chỉ hơn cô vài tuổi, vừa vai u thịt bắp mạnh khỏe vừa có tướng mạo là một mỹ nam tử. Mối tình này diễn ra đã được mấy tháng, như lửa gần rơm, sức cuốn hút của tuổi thanh xuân, họ đã có quan hệ mặn nồng với nhau.

1 Đây là ghi theo Dictionary of Pāḷi Proper Names, còn những nơi khácthương gia hoặc triệu phú. Gia tài của vị này chừng khoản 400 triệu đồng tiền vàng (theo chú giải).

Như đã quyết định, hôm kia cô gái nói với chàng trai:

– Tôi không thể lấy cái anh công tử mặt trắng ẻo lả kia được. Vả lại, tôi đã có “ri khác” với chàng rồi. Chúng ta hãy bỏ trốn thôi!

– Tôi sợ lắm! Thưa nữ chủ! Cô gái cau mày:

“Nữ chủ” cái gì nữa! Vợ chồng rồi đấy! Hãy liệu tính cho mai sau chớ không còn kịp nữa. Mau mau lên!

– Tôi phải làm sao?

– Ối! Đần đần vừa vừa thôi chứ! Hãy liệu chừng cửa ngõ, xem bọn đầy tớ đi lên đi xuống các cổng lầu, vườn hoa, tường Đông, tường Tây, xem vào khoảng canh hai chúng đã ngủ nghỉ hết chưa. Rồi còn tìm cách cuỗm một con voi rồi chúng ta cùng bỏ trốn! Rõ chưa?

– Rõ ạ! Thưa nữ chủ!

– Lại “nữ chủ”!

Chàng trai cười ngỏn ngoẻn rồi đi lo việc của mình. Thế rồi, đúng ngày, đúng giờ, cô gái gom hết của cải,

tư trang, tư dụng vào trong một cái đãy lớn rồi cùng với

tên nô lệ đầy tớ cỡi trên một con voi, trốn đi. Lúc ấy vào đầu canh ba, mọi người trong nhà đang no say giấc điệp cả.

Đi được một đỗi, chàng trai hỏi:

– Nếu ông chủ bắt được, ổng có đánh chết không?

– Ổng cho người đánh chàng chết thật đấy!

– Không sợ pháp luật sao?

Cô gái cười rúc rích:

– Chàng không có biết gì cả! Chủ đánh chết nô lệ là chuyện thường. Theo luật pháp, đánh chết một tên nô lệ không có tội gì cả, vì nô lệ không phải là người!

Chàng trai nghe rợn cả tóc gáy, quay lại sau, ngó tả, ngó hữu, lắng tai nghe chừng, thấy chẳng có ai chạy theo bắt, nghe chẳng có tiếng động nào, chàng mới thở một hơi dài nhẹ nhõm!

Đến một vùng nông thôn, quê cũ của chàng thanh niên, cách kinh thành Sāvatthi chừng ba bốn do-tuần thì họ dừng chân lại. Tại đây, cô gái bán con voi, bán tư trang thêm tiền tậu một mảnh vườn, thuê người làm một căn nhà, sắm sanh tiện nghi ăn ở, những vật dụng cần thiết cho mọi sinh hoạt. Thế rồi, một thời gian sau, hai vợ chồng son trẻ đã trở thành một gia đình nông dân thực thụ. Chàng làm vườn, trồng cây ăn trái, rau cải; nàng kiếm củi, bếp núc, chăm sóc quét dọn nhà trong vườn ngoài. Cuộc sống ấy ai cũng tưởng là rất hạnh phúc, nó êm ả, nó đều đặn trôi đi! Được bốn năm tháng, khi cái bụng của nàng ngày càng lớn thì nàng bắt đầu mệt mỏi, chán nản, buồn phiền nên sinh ra cáu gắt, nóng tính vô cớ. Chuyện củi đuốc, bếp núc, quét dọn trong ngoài nàng cũng bỏ phế, chàng trai lại nhẫn nại, lặng lẽ làm hết mọi sự. Bản chất của “cô tiểu thư” ưa sai bảo, ưa chỉ tay năm ngón, nhờ tình yêu mặn nồng ban đầu nó chìm khuất đi, bây giờ nó bắt đầu hiện mặt ra, xáo trộn nếp sống gia đình, đảo lộn cái tôn ty “chồng xướng thì vợ thuận theo”. Chàng trai vốn bản chất trung hậu, quen chịu đựng cũng không lấy thế làm điều khi trở lại vai trò của một tên đầy tớ! Lại còn bị cô chủ chê ỉ ôi, eo sèo nấu cho chó ăn, nấu cho bò ăn chớ có phải cho người ăn đâu!

Cái bụng càng to thì nàng càng khó chịu, càng bướng, càng chướng, thường hay quát tháo chồng, la mắng chồng một cách vô cớ. Nó cũng có lý do chủ quan của nó. Vì càng gần đến ngày sinh, nàng càng cảm thấy bất ansợ hãi. Sinh làm sao đây? Ai là người có kinh nghiệm chăm sóc, thuốc thang? Nàng có biết gì đâu, và cái ông chồng “con nít” ba cục, ba hòn kia cũng có biết gì đâu! Con người sinh con, cô “tiểu thư” sinh con chớ có phải là con trâu, con bò, con mèo, con chó, con gà, con vịt sinh con đâu! Đến lúc này cô gái mới thật sự thấm thía nhớ đến bàn tay và trái tim của người mẹ. Ở đấy thường là quê hương ấm áp của mọi đứa con ly xứ hướng về! “Mẹ ơi! Con khổ lắm!” Cô gái thốt lên nho nhỏ với hai hàng nước mắt tuôn chảy lặng lẽ, dầm dề, trong đêm, khi bên cạnh, chàng trai ngủ ngáy khò khò vô tư, vô lự! Mà cũng phải thôi, chàng đã làm việc cật lực, vất vả suốt ngày lại còn phải lo đảm đang, quán xuyến nội trợ trong nhà nữa.

Hôm kia, như đã quyết định, cô gái nói:

– Tôi phải về nhà cha mẹ để sinh nở thôi! Ông hãy chuẩn bị dẫn tôi đi!

Chàng trai lắc đầu:

– Không thể được!

– Tại sao?

– Tôi mà đâm đầu về đó, ông chủ lớn sẽ đánh chết! Nếu không đánh chết thì cũng cho tay chân tra tấn đến chín chết một sống. Tôi không đi. Tôi chưa muốn chết!

Cô gái đưa ra lý do:

– Không đâu! Dù sao bây giờ tôi là gái đã có chồng! Cha mà đánh chết chồng của con gái để con gái cưng của cha bị ở góa hay sao? Lại nữa, còn có pháp luật mà!

Chàng trai nhẹ lắc đầu:

– Không! Nhất định là không! Tôi chỉ là một tên nô lệ! Chủ đánh chết nô lệ là chuyện thường. Theo luật pháp, đánh chết một tên nô lệ không có tội gì cả, vì nô lệ không phải là người!

– Chà! Cô gái ngạc nhiên! Ông học ở đâu đó? Chàng trai chợt cười lạt, trả lời:

– Của “cô tiểu thư” đấy chớ ai. Đó chính là cái câu của cô nói khi rời khỏi nhà chỉ một đỗi đường!

– Nhớ dai dữ!

– Cái mạng sống tôm tép, muỗi lằn chúng cũng muốn sống, không muốn chết. Không muốn nhớ dai thì nó cũng cứ nhớ!

– Chà! Lại lý sự nữa chứ!

– Cũng học của “cô chủ” đó! Cái đầu óc “đần đần” này lần hồi nó cũng sáng ra!

– Lại nói móc nữa!

– Dạ, không dám!

Chịu. Hết cách. Đến lúc nàng dù có năn nỉ, chàng trai cứ vẫn cương quyết lắc đầu.

Không biết cách nào hơn, đợi một hôm chàng đội nông sản đi bán ở chợ xa, cô gái chuẩn bị một vài đồ dùng cần thiết, gởi gắm nhà cửa cho một người hàng xóm rồi lên đường. Khi đi, cô nhờ người nhắn lại với chồng là cô đã trở về nhà cha mẹ để sinh con.

Ngày hôm sau, chàng trai về nhà, biết cớ sự, tự nghĩ thầm: “Cũng tội, con nhà tiểu thư khuê các, chân yếu, tay mềm, vì yêu thương ta mà phải chịu đựng muôn vàn gian khổ. Bây giờ lại là thân gái dặm trường, bụng mang dạ chửa, vò võ một mình, nếu có chuyện chi xảy ra thì ai là người chăm sóc, bảo vệ?”

Không chậm một khắc nào, chàng trai đùm vội một bọc khoai ăn đường, tay cầm con đao – như cái rựa – rồi hối hả lên đường. Nhờ đi nhanh, đi cả ban đêm nên ba ngày sau thì gặp cô gái bên một bìa rừng. Hóa ra là cô ta đã sinh con rồi, một đứa bé trai bụ bẫm, xinh xắn. Cả hai nhìn nhau, tươi cười rạng rỡ, hạnh phúc; rồi ôm chầm nhau, trao qua đưa lại đứa bé cho nhau để cùng ẵm bồng, hôn hít.

Không tính chuyện lên đường nữa. Họ lại cùng dìu nhau trở lại gia đình, mái ấm.

Chuyện kể rằng, sinh đứa con trai thứ hai cũng tương tự vậy khi đứa con trai thứ nhất đã lững chững biết đi. Cô gái khi bồng, khi dắt đứa trẻ cùng với cái bụng lên đường về nhà cha mẹ. Cũng cỡ chừng nửa đường, cũng tại bìa rừng, cô gái lại sinh con, và chàng cũng tìm đến kịp. Tuy nhiên, lần này không còn trời yên biển lặngsóng gió lại nổi ba đào cuốn đi những thân những phận! Tử tử sinh sinh! Dâu biển đoạn trường! Mịt mùng đau khổ!

Khi đứa con vừa ra khỏi lòng mẹ, một cục thịt đỏ hỏn thì đột ngột một cơn bão ập tới, cây cối vặn mình quằn quại, cây gãy răng rắc, lá rụng rào rào. Dưới một tàn cây đại thụ rung rinh, cô gái chỉ kịp cởi cái áo khoác ngoài quấn cho con, nằm sấp xuống, chịu trận mưa như trút trên lưng, bảo vệ hài nhi bên dưới. Đứa con bên cạnh lại khóc ré lên, nó cũng ướt và lạnh. Chẳng biết sao hơn, cô gái lại phải đổi tư thế, nằm khum khum để che mưa cho cả hai đứa! Chàng trai vừa tới kịp, chưa nói được một lời nào, chưa kịp nhìn đứa con ra sao thì cô gái đã thều thào mệt mỏi, đứt quãng:

– Hãy kiếm… gấp cho tôi… cái gì đó… để che tạm cái mái ở trên lưng…

Chàng trai gật đầu, đảo mắt lướt quanh một vòng rồi vội cầm rựa lủi nhanh vào rừng. Thấy một lùm cây có lá to, chàng với cao rựa chặt được một đống. Tiện thể, lựa một số cây rừng cỡ bằng cổ tay, chàng chặt dài chừng một sải, một sải rưỡi với dự định để dựng cái chòi nhỏ. Khi thấy tạm đủ, chàng hươi rựa, kéo xuống một chùm cây mây dùng làm dây cột thì một con rắn to núp sẵn đâu đó, lao ra và cắn chết chàng tại chỗ. Có lẽ là một con rắn cực độc.

Cô gái nằm bẹp chịu trận lâu quá bèn đổi tư thế cho đỡ mỏi bằng cách quỳ hai chân, úp sấp hai tay xuống để che mưa cho con. Nhưng đợi hoài, đợi mãi không thấy chồng về, cô tự nhủ: “Một chút nữa thôi! Ông ta sắp về đó!”

Lâu quá cũng không thấy, lại tự nhủ: “Sắp về rồi! Thôi nằm yên đi hai con! Ngoan nào!” Đứa trẻ lại gào khóc đến khản giọng.

Trời rạng sáng, bão tạnh, gió tan vẫn không thấy bóng dáng chồng, cô gái khởi sanh ý nghĩ: “Hay là ông ta sợ trách nhiệm, bỏ trốn đi rồi? Đồ hèn hạ!” Nhìn hài nhi nhờ bọc ấm, được che chắn tốt nên sau khi cho bú sữa, nó nằm ngủ yên; riêng đứa trẻ kia thì tái mét, run cầm cập, nàng nghe lòng như muối xát nhưng không biết làm sao. Đãy thức ăn mang theo không còn dùng được vì cái đùm vải đã nằm trong bùn nước.

Hết còn hy vọng ông chồng trở về, và nàng đã quyết chắc chàng trai vô lương tâm kia đã đành đoạn bỏ vợ bỏ con trong cơn hoạn nạn. Hắn đã xa bay cao chạy rồi! Lảo đảo đứng lên rồi thất thểu tay bồng con, tay dắt con theo lối mòn mà ông chồng đã đi, lần từng bước một, vừa bước vừa thở. Vì nàng đã mệt quá, đã kiệt lực chống chọi suốt đêm qua, lại không có cái ăn! Đến lùm cây, nàng khựng lại. Ông chồng của nàng đã chết rồi, sắc mặt tím bầm đang nằm vô tri cạnh một gò mối, một đàn kiến đỏ, kiến đen bắt đầu đánh mùi tìm đến. Thương chồng quá. Càng nghĩ càng thương vì nàng đã nghĩ oan cho chàng! Núi rừng lạnh lùng, đường về nhà còn xa diệu vợi. Xung quanh không một bóng người, không làng mạc, không một làn khói bốc lên. Cọp, beo, thú dữ? Vừa chớm nghĩ đến điều đó, cô gái vội gạt lệ, quay mặt đi, dẫn con bước nhanh.

Đến một khúc sông hẹp, nàng dừng lại. Bình thường đây là khúc sông cạn, lội qua được nhưng trận mưa như trút đêm qua đã biến nó thành một dòng nước dữ, cuồn cuộn cây củi cùng rác bèo. Cả ba không thể cùng qua. Suy nghĩ một lúc, nàng đứng dậy, kiếm một ít cành củi khô và lá rác làm tấm đệm để đặt đứa hài nhi trên đó. Nó đang ngủ say vì vừa cho nó bú. Xong, cô gái bồng đứa trẻ lớn lội qua sông, cũng phải dọ dẫm từng bước một trong dòng nước sâu ngang ngực. Lạnh, đói và kiệt lực nhưng trước sự sống chết cùng bản năng làm mẹ, nàng đã vượt qua được bờ kia. Vừa đặt được đứa trẻ trên một đám đất khô, thở một vài hơi lấy sức rồi cô gái lại vội lội qua sông lượt nữa. Khi đã đến gần bờ thì một con chim ưng to lớn sà xuống, nhanh như cắt, hai cẳng chân thò ra, quặp đứa hài nhi bay lên cao. Cô gái cả kinh, hai tay đưa lên, vừa vẫy vẫy loạn xạ, vừa chạy đuổi, vừa la, vừa hét một cách điên cuồng. Đứa trẻ bên kia bờ, thấy mẹ vẫy vẫy, tưởng là gọi nó nên nó xuống mép sông, bì bõm lội qua. Chỉ chừng hơn mười bước chân thì gặp dòng nước xiết cuốn nó đi, chỉ còn thấy cái đầu nhấp nhô trong làn nước đỏ, xa mãi, xa mãi rồi mất hút.

Cô gái rồi cũng qua được bên kia sông, ngồi phịch xuống, lặng câm như hóa đá! Hết rồi, một chồng và hai con! Hết rồi! Chết cả rồi! Tuyệt vọng cùng cực! Không có một giọt nước mắt nào chảy ra trong cái hốc mắt đã ráo hoảnh!

Nắng đã lên cao. Rồi cũng phải lên đường. Bụng không, lòng trống. Đi, bước như mộng du. Mọi ý thức bây giờ chỉ còn trông cậy vào bản năng. Miệng lẩm bẩm trong vô thức, như điên như dại: “Ông chồng bị rắn cắn chết. Một đứa hài nhi bị chim ưng bắt. Một đứa khác bị nước cuốn trôi! Ha ha! Chết! Chết hết!”

Đến thành phố, đi vào một con đường, nàng không còn nhớ lối nào về nhà, ý thức lóe lên, cô gái bèn hỏi một người đàn ông đi ngược chiều:

– Thưa ông, ông có biết nhà của ông chủ ngân hàng không?

Người đàn ông nhìn nàng có vẻ kinh dị. Vì khi ấy tấm choàng của nàng đã rách tả tơi, dường như chỉ còn dính một vài mảnh trên người. Mặt mũi lại bơ phờ, xanh xao, dính bùn đất trông không ra dáng cô gái hay là phụ nữ, hay một mụ đàn bà điên!?

Nhưng rồi ông cũng thương hại đáp:

– Tôi biết ông chủ ấy, nhưng bà hỏi làm gì?

– Là nhà của tôi, của cha tôi, mẹ tôi!

Người đàn ông khựng lại. Im lặng một lát.

– Thôi! Đừng đến đó nữa!

– Tại sao?

Người đàn ông lại ngập ngừng rồi nói:

– Đêm qua, giông bão dữ dội. Những cái chảo lửa sấm sét tự trên trời cao đã đánh ụp xuống cái lâu đài, trang viện ấy, tan nát cả và cũng cháy tiêu tùng cả. Có lẽ hằng trăm người ở đó ra tro cả rồi! Chẳng còn gì ở đó đâu!

Người đàn ông quày quả bỏ đi.

Cô gái ngồi thụp xuống, không còn biết gì nữa! Cô đã hóa điên thật sự rồi.

Thế là mấy ngày hôm sau, các đường phố kinh thành Sāvatthi mọi người trông thấy một cô gái điên, dường như không có cái gì che kín thân thể đi lang thang lếch thếch. Tới chỗ nào cũng bị mọi người đuổi như đuổi tà. Người nguyền rủa đồ điên khùng. Kẻ quăng cây, quăng đất, tung rác bẩn, tay xua, miệng chửi. Cô gái thì bước đi lắc lư, cười ha ha, cười hì hì, lâu lâu lại lẩm bẩm: “Chồng chết, hai con chết, cha mẹ chết, anh chị em chết, tôi trai tớ gái chết, chó mèo chết, chết hết rồi, chết hết thật rồi!”

Đức Đạo sư lúc ấy đang ở tại đại tịnh xá Kỳ Viên, vào sáng sớm, nửa cuối canh ba, quan sát thế gian, ngài thấy biết chuyện cô gái. Họ là bảy chị em thời đức Chánh Đẳng giác Kassapa đây mà. Trong trầm luân sinh tử, do công hạnh xưa, họ đã có mặt ở đời này rồi, nhưng cô gái này đã chịu đựng nổi thống khổ nhất trong bảy chị em mà sức người thế là đã cùng cực rồi.

Trong vô thức, buổi chiều, cô gái lang thang bước vào cổng đại tịnh xá Kỳ Viên, sau lưng là một bầy trẻ nít la hét cười giỡn ầm ĩ, quăng đất, quăng rác cùng với những lời mắng chửi đuổi theo.

Lúc ấy, đức Thế Tôn đang thuyết pháp tại đại giảng đường. Một số người tạp dịch thấy cô gái điên lõa lồ đang lần bước đã gần đến chỗ tôn nghiêm, một số hổ thẹn không dám nhìn, một số khác tìm cách đuổi cô đi, đuổi luôn cả đám con nít nữa.

Đức Phật sử dụng năng lực thần thông giúp cô gái tỉnh trí lại rồi cất tiếng nói vọng ra từ giảng đường:

– Hãy để cho Paṭācārā1 đi vào chỗ Như Lai!

Ngay lúc ấy, cô gái như tỉnh cơn mê dài, ngoảnh nhìn mình, thấy thân thể không có gì che, sợ hãi ngồi thụp xuống, rồi ngồi úp bụng, úp mặt xuống đất. Người đàn ông làm tạp dịch nghe tiếng nói của đức Phật, ông cởi tấm áo của mình, quăng cho cô gái:

– Này chị! Hãy mặc vào cho kín đáo! Đức Thế Tôn cho gọi chị đấy!

Bây giờ, mọi người mới dám đến gần bên, kẻ đưa khăn lau mặt, kẻ đưa thêm khăn quàng, người đưa thêm dải buộc… để cô ta đi vào giảng đường cho đàng hoàng.

Đã hoàn toàn tỉnh táo, tuy gầy ốm xanh xao nhưng sau khi choàng áo, buộc áo, lau mặt sạch sẽ, cô gái đã hiện ra một phần nào nét vẻ trẻ trung, xinh đẹp cũ, trông chưa đến hai mươi tuổi.

Đến chỗ đức Phật, cô gái nằm sấp năm vóc sát đất, khóc lặng lẽ, khóc như chưa bao giờ được khóc; vừa khóc vừa kể chuyện con chết, chồng chết, cha mẹ chết… với giọng nói rất là bi thương, thê thảm.

Đức Phật cứ để cho cô gái khóc “cho đã”, lát sau, vừa sử dụng năng lực từ bi, vừa sử dụng pháp âm dịu dàng, ấm cúng, nói với cô gái rằng:

– Thôi đủ rồi con, Paṭācārā! Không chỉ có nay con mới

1 Một số người ngoài phố cũng gọi như thế – vì “Paṭācārā” có nghĩa người lõa lồ, người đi lang thang không mặc gì trên người hoặc kẻ không tự chủ được hành vi, và đạo đức hoàn toàn bị suy sụp (Người biên soạn đã lượm lặt đây đó để nói cho rõ nghĩa).

khóc con, khóc chồng, khóc cha, khóc mẹ! Thật ít ỏi làm sao là những lượng nước mắt ấy. Trong ba cõi, sáu đường, trầm luân sinh tử, con cũng đã từng khóc triệu triệu người con, triệu triệu người chồng, triệu triệu người cha, triệu triệu người mẹ trong những hoàn cảnh khác nhau như: Bị bệnh tật, ốm đau, bị chặt đầu, treo cổ, bị tán gia bại sản, bị tù tội, bị vu oan, bị động đất, bị nhà tan cửa nát, bị lửa cháy, bị voi chà, bị hổ ăn thịt, bị rắn độc cắn, bị tên bắn, bị đao chém, bị phản bội, bị nước cuốn, bị phanh thây, bị lóc thịt, bị bỏ thây nơi chiến trường… mà những giọt nước mắt ấy cộng lại còn nhiều hơn nước của bốn đại dương nữa kìa!

Cô gái tên là Paṭācārā ấy đã ngưng khóc sau ý nghĩa lời nói của đức Phật, nàng lau ráo lệ, quỳ năm vóc sát đất đảnh lễ ngài một lượt nữa rồi nói:

– Bạch đức Thế Tôn! Hiện con không có chỗ nương tựa, không có chỗ bảo vệ. Xin ngài hãy giúp con!

– Này Paṭācārā! Trên cõi đời này, chẳng ai nương tựa được ai, chẳng ai bảo vệ được ai, chẳng ai có thể giúp ai! Vợ chồng, con cái, cha mẹ, thân thuộccuối cùng đều phải bị thần chết mang đi cả thảy!

Và này con! Chỉ có ai ở bờ bên kia của sinh tử, những ai biết vứt bỏ, lìa xa những tham, những sân, những dục vọng tầm cầu, những khát ái, những mê mờ vọng tưởng; lìa xa những thấy biết sai lầm về bản thân, về ngã ái, về ngã chấp, về ngã thủ; thấy rõ tất thảy đều rỗng không, vô thường, vô ngã; kẻ ấy mới thật sự có chỗ nương tựa vững chắc, chỗ bảo vệ an toàn trước thần chết, này Paṭācārā!

Vừa nghe xong lời pháp này của đức Thế Tôn, cô gái đắc quả Nhập lưu, pháp nhãn phát sanh, thấy rõ lộ trình, đường đi nước bước. Cô quỳ lạy xin được xuất gia. Đức Phật bảo gởi cô sang Ni viện để nhờ chư Ni chăm sóc sức khỏe; sau đó cô được trưởng lão ni Gotamī cho thọ đại giới, sống đời xuất gia phạm hạnh.

Một ngày kia, tỳ-khưu-ni Paṭācārā lấy nước để rửa chân. Lần thứ nhất, nước chảy được một đoạn ngắn rồi dừng lại, thấm xuống đất. Lần thứ hai, nước chảy được một đoạn dài hơn rồi dừng lại, thấm xuống đất. Lần thứ ba, nước chảy một đoạn xa hơn nữa rồi dừng lại, thấm xuống đất. cô đăm chiêu suy nghĩ:

“Sinh mệnh của con người quả giống như thế này, là ba giai đoạn của cuộc sống. Lần thứ nhất, nước chỉ chảy một đoạn ngắn là cái chết của thời niên thiếu. Lần thứ hai, nước chảy dài hơn một chút, là cái chết của thời trung niên. Và lần thứ ba, nước chảy dài xa hơn một chút nữa, là cái chết của thời lão niên! Rồi ai cũng phải chết cả, trẻ hay già mà thôi! Hóa ra cái gì có sanh thì cái ấy có diệt!”

Lúc ấy, đức Phật đang ở tại hương phòng, ngài sử dụng thần thông, với ánh sáng rực rỡ, với bóng sắc kỳ ảo, hiển hiện ngay trong tầm mắt của cô rồi ngài nói:

– Đúng vậy đó, này Paṭācārā! Tất cả mọi chúng sanh đều phải chết, đấy là điều tất yếu. Vậy quan trọng nhất là phải sống như thế nào cho có ý nghĩa, sống như thế nào để lợi mình, lợi người, đem đến an vui cho mình và cho người. Cao hơn tất thảy những điều ấy, là sống sao để thấy cho rõ sự thật, sống sao để thấy rõ sự sanh diệt của ngũ uẩn trong từng khoảnh khắc, trong từng sát-na.

Để tóm tắt ý nghĩa ấy, đức Phật đọc lên bài kệ:

Trăm năm sống có ích gì

Pháp đi, pháp đến vô tri chẳng tường

Một ngày quả thật khó lường

Thấy pháp sanh diệt vô thường ra sao!1

Lời kệ của đức Thế Tôn vừa chấm dứt, cô đắc quả

A-la-hán, có thắng trí và tứ vô ngại giải.

Quá khứ tiền kiếp của tỳ-khưu-ni Paṭācārā như sau này cô kể lại, cũng tương tự như bảy chị em công chúa thời đức Phật Kassapa, và thuở ấy cô là thứ ba, tên là Bhikkhunī.

Từ đó, cô để tâm nghiên cứu, học hỏi về luật, sống theo luật nghichu toàn hạnh kiểm rất nghiêm túc, gương mẫu. Cô cũng là người nổi tiếng vì những bài giảng và những câu kệ sâu sắc, thâm thúy về sự khổ trên cuộc đời; và thường ủi an, chia sẻ bằng cả tấm lòng đến với những phụ nữhoàn cảnh bi thương, bất hạnh. Đệ tử nữ của cô rất đông, cả tại giaxuất gia.

Tỳ-khưu-ni Paṭācārā được đức Phật tuyên dương do nhờ đời sống mẫu mực, quy củ; là đệ nhất về thông luật và trì luật bên Ni giới tương tự như tôn giả Upāli bên Tăng vậy.

1 Pháp Cú 113: “Yo ca vassasataṃ jīve apassaṃ udayabbayaṃ, ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo passato udayabbayaṃ!”

Source link

 

III. Patacara – Người mẹ mất chồng, mất con, xuất gia theo Phật – SC. Giác Lệ Hiếu

 



 

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 93

Post Views: 2.273