Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II 

Phẩm Ngu Nhơn: Tích Jambūkājīvaka

“Māse māse kusaggena,
Bālo bhuñjeyya bhojanaṃ;
Na so saṅkhātadhammānaṃ,
Kalaṃ agghati soḷasiṃ”.

“Tháng tháng chi dùng cơm,
Vít bằng đầu cỏ thơm,
Người ngu không bì kịp
Một phần mười sáu pháp,
Người chứng đắc lý chơn”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài an ngự tại Veḷuvana, đề cập đến tu sĩ ngoại đạo Jambūka (Hào Cẩu) Tương truyền rằng: Thuở xưa vào thời Đức Chánh Đẳng Giác Kassapa, trong một làng nọ có một ông Trưởng giả (Kuṭumbiko) phát tâm cất chùa, thỉnh một vị Tỳ khưu ở đó làm trụ trì và thường xuyên hộ độ bốn món vật dụng. Vị trụ trì nầy mỗi ngày đến thọ thực nơi nhà của người đại tín gia hộ độ.
Một hôm, có vị Thánh Tăng Lậu Tận đi trì bình khất thực, đến đứng trước nhà của Trưởng giả. Phú ông nhìn thấy vẻ thanh bần thoát tục, kham nhẫn của bậc thanh tịnh thì phát tâm trong sạch, cung thỉnh vị Thánh Tăng vào nhà, trân trọng dâng cúng các món thực phẩm thượng vị.

Kế đó, gia chủ cúng dường một khăn choàng lớn và bạch:

– Bạch Ngài, xin Ngài nhuộm khăn choàng nầy rồi làm nội y mà mặc.

Và gia chủ còn thỉnh cầu thêm rằng: “Bạch Ngài! Tóc Ngài khá dài, để con gọi thợ cạo đến phủi sạch cho Ngài. Thỉnh Ngài về chùa trước rồi con sẽ cho người đem giường nằm đến dưng Ngài liền bây giờ”.

Vị trụ trì vẫn đến thọ thực nơi nhà tín chủ hằng ngày, trông thấy ông ta quý trọng vị Sư mới đến như vậy thì không phát tâm trong sạch tùy hỷ chút nào. “Ông chủ nầy mới vừa gặp mặt vị Sư kia mà đã dâng cúng trọng thể dường ấy, còn mình đến nơi nhà ông ta mỗi ngày mà ông ta chớ hề dâng cúng lễ vật cho mình”, vị sư trụ trì nghĩ thầm như vậy, nhưng chẳng nói ra, trở về chùa. Vị khách Tăng cũng theo chân vị trụ
trì trở về chùa, nhuộm khăn choàng của thí chủ dâng cúng, rồi đắp làm y nội. Phú Trưởng giả rước thợ cạo đến phủi tóc cho vị sư trì bình, cho người khiêng giường nằm đến lót kê đàng hoàng rồi thỉnh rằng:

– Bạch Ngài, xin Ngài tùy nghi nằm nghỉ trên giường nầy.

Trước khi ra về, chủ nhân còn thỉnh cả hai vị Đại đức ngày mai đến nhà mình thọ bát.

Thấy gia chủ tỏ vẻ hâm mộ vị khách Tăng và săn sóc vị ấy, vị trụ trì không dằn được lòng ganh tị. Chiều hôm ấy, ông ta đích thân vào tận phòng của vị A La Hán và nhục mạ Ngài bằng bốn điều như vầy: “Nầy đạo hữu tân đáo! Đạo hữu không nên đến thọ thực nơi nhà của phú Trưởng giả, thà đạo hữu ăn phẩn dơ còn hơn. Đạo hữu không nên để cho thợ cạo đến cạo tóc, thà đạo hữu lấy lá thốt nốt mà cạo còn hơn.
Đạo hữu không nên mặc y, cứ ở trần truồng là hơn. Không nên nằm trên giường của thí chủ kê lót, thà đạo hữu nằm dưới đất còn hơn”.

Bị người đồng đạo sỉ mạ, vị Đại đức im lặng, tự nghĩ : “Không nên để cho kẻ ngu nầy vì ta mà phải sa đọa”. Sáng hôm sau, Ngài thức dậy thật sớm, bỏ chùa ra đi vân du ta bà, chớ không theo lời thỉnh cầu mà đến nhà thí chủ thọ thực.

Sáng hôm ấy, vị trụ trì cũng dậy sớm, lo việc công phu lễ bái sớm trong chùa. Đến giờ đi bát, không thấy khách Tăng đâu cả, ông ta nói:
– Ông Sư khách nầy, đến giờ vẫn còn ngủ. Ta phải gõ kẻng đánh thức ông ta dậy. Sau khi lấy đầu móng tay gõ vào kẻng cho có chừng, vị trụ trì ôm bát đi vào làng một mình.

Khi ấy, phú Trưởng giả đã chuẩn bị lễ vật cúng dường, còn đang ngóng trông hai vị Đại đức, thấy vị trụ trì đến, phú ông hỏi: “Bạch Ngài, còn vị khách Tăng đi đâu mà chưa đến?

– Nầy đạo hữu, thôi đừng nhắc đến vị Đại đức của ông nữa. Hôm qua, ở đây trở về chùa, ông ta vào nằm luôn trong lều, cho tới sáng hôm nay, tôi dậy quét chùa, xách nước uống, nước xài đầy cả, châm đầy vào các lu khạp. Tiếng khua động, cả đến tiếng kẻng báo giờ đi lấy bát, ông ta cũng chẳng nghe biết chi. Vốn là bậc trí thức, phú ông ngẫm nghĩ: “Vị Đại đức nầy có oai nghi tế hạnh dường ấy, mà bảo rằng còn ngủ đến giờ nầy thì không có lý. Chắc chắn là vì thấy ta cúng dường trọng thể đến Ngài mà vị trụ trì có buông lời chi xúc phạm đến Ngài
chăng?”.

Nhưng phú Trưởng giả vẫn một mực cung kính để bát hộ độ vị trụ trì và khi vị nầy xong bữa, ông xin bát đem rửa thật sạch, rồi sớt đầy bát bằng đồ cao lương mỹ vị và bạch rằng:

– Bạch Ngài về gặp Đại đức, xin Ngài hoan hỷ sớt bát cơm nầy cúng dường Ngài Đại đức dùm con.

Vị trụ trì nhận lãnh bát cơm, nghĩ thầm: “Nếu ông ta thọ dụng bát cơm nầy, thế nào ông ta cũng sẽ lưu luyến ở mãi nơi đây chẳng sai”.

Về đến nửa đường, vị trụ trì dốc bát đổ sạch bát cơm canh, rồi đi thẳng về lều của vị khách Tăng, nhưng nhìn tìm không thấy vị ấy. Mặc dù đã tu hạnh Sa môn trong thời gian là hai muôn năm (vīsativassasahassāni), sau khi đã tạo ác nghiệp nặng nề như vậy, thiện pháp của vị Tỳ
khưu nầy cũng không đủ sức cứu nổi ông ta. Khi mãn tuổi thọ, ông bị sa vào địa ngục Vô Gián (Avīci) thọ khổ khốc liệt suốt cả một thời gian không có vị Phật. Mãi đến thời Đức Phật hiện tại giáng lâm, ông được tái sanh làm người trong một gia tộc dư ăn dư để (bahu annapāne), cư ngụ trong thành Rājagaha.

Tuy là con nhà khá giả, nhưng từ lúc biết đi cậu bé không bao giờ chịu nằm giường, cũng không chịu ăn cơm, chỉ ăn ròng đồ xú uế do thân mình phóng ra. Đến tuổi trưởng thành, ông cũng không chịu mặc y phục, cứ ở trần truồng mà đi lang thang, ngủ thì vẫn nằm dưới đất và ăn thì nhai lại những đồ mà mình đại tiện ra. Khi ấy, cha mẹ ông buồn phiền chán nản, vì ông không thể giáo hóa được, nên bàn tính cùng nhau:
– Thằng nầy chắc cốt tử của nó không phải là con nhà mình, cho nên không biết xấu hổ chi hết. Có lẽ nó hạp với phái tu sĩ Ājīvaka (phái lõa thể).

Thế rồi, hai ông bà đem ông ta cho đứt nhóm ngoại đạo lõa thể, yêu cầu họ cho ông xuất gia nhập đạo. Phái nầy cho Jambūka xuất gia theo nghi lễ của họ, để cậu đứng dưới một cái mương sâu tới cần cổ, bắt hai tấm ván đè trên vai cậu ta, rồi ngồi trên tấm ván ấy, dùng sóng lá thốt nốt mà cạo đầu của cậu.

Sau đó, cha mẹ cậu thỉnh các tu sĩ Ājīvaka ngày mai đến nhà mình thọ thực, rồi đồng cáo thối.

Ngày hôm sau, nhóm du sĩ lõa thể bảo Jambūka:

– Lại đây, chúng ta cùng nhau đi vào làng.

Tu sĩ mới nầy không chịu đi, nói: “Xin các Ngài cứ đi đi, còn tôi xin được ở lại giữ chùa”.

Nhóm tu sĩ ấy năn nỉ nhiều lần không được bèn ra đi. Khi ấy Jambūka bèn mở cửa cầu tiêu, tuột xuống hầm cầu, hai tay bốc phẩn vắt thành từng vắt mà ăn. Các tu sĩ Ājīvaka ở trong làng gửi cơm canh về cho Jambūka, nhưng ông ta không thọ lãnh.

Khi họ nài ép, ông ta mới trả lời rằng:

– Tôi khỏi cần vật thực nầy, vì tôi có được phần ăn rồi.

– Phần ăn ở đâu mà có?

– Chỉ ở gần đây chứ không xa đâu.

Qua ngày thứ hai, thứ ba, thứ tư, mỗi khi đi vào làng nhóm ājīvaka đều rủ ông ta nhiều lượt, nhưng ông vẫn một mực từ chối không chịu đi, bảo rằng: “Xin cho tôi ở lại chùa”.

Thái độ kỳ hoặc của Jambūka làm cho nhóm tu sĩ ngoại đạo sanh nghi: “Ông đạo nầy hằng ngày không chịu đi vào làng, mà vật thực ta gửi về cho ông, ông cũng chẳng ăn, cứ nói: “Tôi ở đây có phần ăn rồi”. Chúng ta phải rình coi cho biết ông ở lại chùa làm cái gì mới được”.

Thế là, hôm sau khi đi vào làng, họ giao cho hai người ở lại núp xem Jambūka làm cái chi. Cũng như mấy ngày trước, khi thấy nhóm đồng đạo đi vắng hết, Jambūka tuột xuống hầm cầu ăn phẩn, không ngờ bị lộ tẩy, hai tu sĩ nọ bắt được hành động xấu xa của Jambūka bèn thuật lại cho cả nhóm nghe. Tất cả đều đồng tình rằng: “Chao ôi!

Việc nầy thật là tồi tệ quá lắm. Giá như các Thinh Văn của sa môn Gotama hay biết rằng: “Các tu sĩ Ājīvaka thường ngày ăn phẩn, và truyền bá tin nầy ra thì thật là nhục nhã cho chúng ta. Tên Jambūka nầy không xứng danh là một tu sĩ Ājīvaka chút nào”.

Thế rồi, nhóm tu sĩ ngoại đạo tuyên bố trục xuất Jambūka ra khỏi nhóm mình.

Trong một cánh đồng, chỗ đại chúng phóng uế tự do, có một tảng đá bằng phẳng, trên mặt đá có lỗ trũng xuống rất lớn, đại chúng ưa đại tiện xuống nơi đó. Sau khi bị đuổi ra khỏi chùa, Jambūka đi đến gần tảng đá ấy, chờ đêm xuống ra bốc phẩn mà ăn. Ban ngày khi thấy dạng đại chúng đi phóng uế thì ông lấy tay vịn tảng đá và đứng một chân, còn chân kia giơ lên tỳ vào đầu gối chân đứng, miệng thì hả ra, hướng
về phía có gió.

Đại chúng thấy vậy, đến gần đảnh lễ ông ta, họ nói:

– Bạch Đại đức, sao Ngài đứng há miệng như thế?

– Ta lấy gió làm cơm, chớ không có độ vật thực chi khác hết.

– Bạch Ngài, còn tại sao Ngài chỉ đứng có một chân, còn chân kia rút lên tỳ vào đầu gối chân đứng như vậy?

– Bần đạo tu khổ hạnh dị thường lắm, nếu đứng cả hai chân xuống đất thì quả đất sẽ rúng động. Cho nên bần đạo chỉ đứng có một chân còn chân kia co lên như thế.

Quả thật ta phải đứng mãi mãi chứ không nằm ngồi bao giờ cả. Thế thường con người hễ nghe ai già hàm lợi khẩu, nhiều lời biện thuyết thì tin nghe theo. Cho nên đại chúng bảo nhau: “Ôi thật phi thường, những nhà tu khổ hạnh đến mức ấy, từ trước đến giờ ta chưa từng gặp gỡ vị nào như thế”.

Nhân dân trong hai xứ Aṅga (Ương Già) và Magadha xôn xao, náo động, nườm nượp kéo nhau đến đảnh lễ tu sĩ Jambūka, và hàng tháng mang nhiều lễ vật trọng hậu đến cúng dường ông, nhưng ông ta không thọ lãnh lễ vật của ai hết, bảo rằng:

– Ta chỉ lấy gió làm cơm, chớ không độ vật thực nào khác. Nếu ta ăn món chi khác, sợ hư hỏng, lui sụt hạnh khổ hạnh của ta đi chăng?
Nhiều người cứ nài nỉ: “Bạch Đại đức, xin Ngài thương xót tế độ chúng con.

Được bậc tu khổ hạnh như Ngài thọ lễ cúng dường thì chúng con mới mong thành tựu sự lợi ích, sự bình an lâu dài đó, bạch Ngài”.

Thấy đại chúng cầu khẩn thái quá, tu sĩ Jambūka cũng phải xiêu lòng, thọ lãnh chút ít bơ, sữa, mật… và nói: “Mấy thứ nầy không gọi là vật thực chi khác, thôi ta thọ lãnh cho cư gia bá tánh được sự lợi ích sự bình an mà trở về nhà”.

Nói rồi, ông ta lấy đầu ngọn cỏ thơm (kusagga) vít mỗi thứ một chút để lên chót lưỡi nếm cho có vị rồi ra dấu cho thí chủ đi về.

Tu sĩ Jambūka đã trải qua năm mươi lăm năm với nếp sống khổ hạnh dị thường như thế, là luôn luôn trần truồng, ăn phẩn, nhổ tóc và nằm đất.

Theo thông lệ, chư Phật hằng quán xét khắp thế gian vào lúc sáng tinh sương. Vì thế, một hôm trong khi Đức Thế Tôn quan sát khắp cõi Diêm Phù Đề vào buổi trời hừng sáng, thì hình ảnh của tu sĩ Jambūka lọt vào giác võng của Ngài. Quán thêm nữa, Đức Thế Tôn thấy rằng tu sĩ ấy có duyên lành chứng quả A La Hán với Tuệ phân tích. Câu chuyện Ngài tế độ ông sẽ được diễn tiến như sau:

Trước tiên, Jambūka sẽ làm như vậy, như vậy, Đức Thầy sẽ thuyết lên một bài kệ, khi bài kệ chấm dứt, tám muôn bốn ngàn chúng sanh sẽ giác ngộ Chánh Pháp. Nhờ nương theo Ngài mà đại chúng đạt đến hạnh phúc cao thượng vậy. Sau khi biết rõ như thế rồi, ngày ấy Đức Bổn Sư vào thành Rājagaha khất thực. Trên đường về chùa, Ngài bảo Đại đức Ānanda:

– Nầy Ānanda! Như Lai sẽ đến chỗ ngụ của Jambūkājīvaka.

– Bạch Ngài, Ngài sẽ ngự hành đến chỗ như vậy hay sao?

– Phải đó, Như Lai sẽ đi đến chỗ như vậy.

Nói rồi, Đức Bổn Sư ngự đi ngay đến chỗ ngụ của Jambūka nhằm lúc buổi xế chiều.

Chư Thiên suy nghĩ rằng: “Chiều nay Đức Bổn Sư ngự đến chỗ của Jambūkājīvaka, mà chỗ ở của ông ta là một tảng đá, ngập tràn rác rến dơ dáy, là chỗ thiên hạ đại tiện hết sức uế trược. Vậy ta cần làm mưa gột rửa chỗ ấy”.

Nghĩ rồi, chư Thiên dùng thần lực làm cho mưa xuống tức khắc, dội rửa tảng đá bằng cho sạch sẽ tinh khiết. Kế đó, lại có đám mưa hoa ngũ sắc rơi xuống trên mặt thạch bàn. Đến chiều, Đức Thiên Nhơn Sư đến chỗ ngụ của Jambūkājīvaka, Ngài cất tiếng gọi: “Jambūka”.

Jambūka nghĩ thầm: “Không biết ông nầy là ai mà gọi xách mé tên ta như vậy”.

Ông hỏi “Ai đó?”.

– Như Lai đây, Jambūka ạ.

– Ông Đại Sa môn muốn nói chi?

– Ông hoan hỷ cho Như Lai tạm ngụ đêm nay ở đây nhé.

– Ở đây không có chỗ nghỉ, ông Đại Sa môn à.

– Nầy Jambūka, ông đừng nên chia rẽ như vậy. Hãy hoan hỷ cho Như Lai nghỉ nhờ một đêm. Phàm là bậc xuất gia thì tập hợp với bậc xuất gia, người thế tập hợp với người thế và thú vật thì tập hợp với thú.

– Vậy ông có phải là bậc xuất gia chăng?

– Cố nhiên ta là bậc xuất gia.

– Nếu ông là bậc xuất gia, thì bát cơm, bầu nước, những vật tùy thân của bậc xuất gia sao ông không có?

– Ta có đủ hết, nhưng mang theo làm chi nhiều thứ kềnh càng, đi đứng bất tiện.

Ta để nơi kín đáo, khi nào đi bát mới mang theo.

Jambūka nổi giận rằng:

– Nếu thế, ông chỉ mang theo khi đi bát mà thôi à?

Đức Thế Tôn ôn tồn bảo:

– Nầy Jambūka, đừng nóng nảy. Hãy chỉ chỗ ho Như Lai nghỉ đi.

– Nầy ông Đại Sa môn, ta đã nói: Ở đây không có chỗ nghỉ rồi mà.

Đức Bổn Sư đưa tay chỉ một sườn núi cách đó, nơi trú của Jambūka chẳng bao xa và hỏi: “Ai ở sườn núi đó”.

– Không ai cả, ông Đại Sa môn à.

– Thế thì, ông hoan hỷ cho Như Lai nghỉ ở đó nghe.

– Nơi đó thì tùy ý ông liệu định, ông Đại Sa môn.

Đức Bổn Sư mang tọa cụ trải nơi sườn núi xong, ngự tọa nơi đó. Đêm hôm ấy, trong canh đầu Tứ Đại Thiên Vương từ bốn hướng phóng ra bốn đạo hào quang, rồi nhập chung lại, bay đến hầu Đức Thế Tôn. Jambūka trông thấy ánh sáng tự hỏi: “Ánh sáng gì đây?”. Trong canh giữa có Đức Đế Thích ngự đến, Jambūka trông thấy Ngài thì nghĩ thầm: “Ông nào vậy?”. Trong canh cuối là Đức Đại Phạm Thiên ngự đến, mỗi
ngón tay của Ngài phát ra một đạo hào quang có thể soi sáng cả cõi Ta bà. Cả mười ngón tay phát ra mười đạo hào quang có thể soi cả mười phương thế giới, cho nên khi ấy toàn thể khu rừng chỗ Đức Bổn Sư ngự tọa sáng rực như một đám cháy lớn. Thấy Đại Phạm Thiên, Jambūka tự hỏi: “Ông nầy là ai vậy?”.

Sáng sớm hôm sau, Jambūka đi đến chỗ ngự của Đức Thế Tôn, chào hỏi thân thiện rồi đứng nép một bên, hỏi Ngài rằng:

– Nầy ông Đại Sa môn, hồi đầu hôm có ông nào mà hào quang chói sáng cả bốn góc trời đến chỗ của ông vậy?

– Đó là Tứ Đại Thiên Vương.

– Mấy ổng đến chi vậy?

– Để hầu Như Lai.

– Nói vậy thì ông cao thượng hơn cả Tứ Đại Thiên Vương hay sao?

– Phải đó Jambūka, Như Lai quả thật là vị Tối Thượng Vương (atirāja) trên hết các vị vua.

– Còn lúc canh giữa, ông nào đến vậy?

– Thiên Vương Đế Thích.

– Ông đến chi vậy?

– Đến để hầu hạ Như Lai.

– Nói vậy, ông cũng cao thượng hơn Thiên Vương Đế Thích nữa sao?

– Phải đó, Jambūka. Như Lai cao thượng hơn cả Đế Thích. Ông ta là người nuôi bệnh và hầu hạ cơm nước, thuốc men của Như Lai cũng như vị Sa di vậy.

– Còn trong canh chót, ông nào đến mà hào quang chói sáng khắp cả khu rừng vậy?

– Ông đó là Đại Phạm Thiên mà các thầy tế lễ như các Bà la môn trên cõi thế đều nương nhờ kính ngưỡng, và mỗi khi trợt té, mấy ổng thường niệm: “Nam mô Đại Phạm Thiên” đó.

– Nói vậy, ông còn cao thượng hơn Đại Phạm Thiên nữa sao?

– Phải đó Jambūka! Như Lai quả là vị tối thượng Phạm Thiên, trên tất cả Đại Phạm Thiên.

– Chà! Ông Đại Sa môn thật là bậc phi thường. Ta ở nơi đây ròng rã năm mươi năm rồi, mà trong mấy ông đó không một ông nào đến để hầu hạ ta cả. Mặc dầu suốt cả thời gian dài đăng đẳng ta tu khổ hạnh, lấy gió làm vật thực, mà cũng chưa được mấy ông đến hầu hạ như đối với ông bao giờ.

Khi ấy Đức Bổn Sư bảo:

– Nầy Jambūka! Nhà ngươi quen thói dối gạt đại chúng mù quáng si mê, bây giờ định dối gạt cả Như Lai nữa sao? Trong thời gian năm mươi năm qua, ngươi há đã chẳng lấy phẩn làm cơm, lấy đất làm giường, lấy da mẹ đẻ làm y phục, lấy sống lá thốt nốt làm đồ nhổ tóc hay sao? Thế mà ngươi dám lừa dối thiên hạ rằng: “Ta chỉ lấy gió làm cơm, đứng mãi một chân chớ không ngồi, nằm chi cả”. Trong quá khứ, ngươi
đã có kiến thức đê hèn, nên hiện tại phải chịu ăn phẩn, nằm đất, lõa thể và nhổ tóc bằng sống lá thốt nốt trong bấy nhiêu lâu. Vậy mà giờ đây ngươi còn cố chấp các thứ tà kiến tội lỗi đê hèn ấy mãi ư?

– Trước kia ta đã tạo nghiệp gì đâu, ông Đại Sa môn?

Khi ấy Đức Bổn Sư mới chỉ rõ tiền nghiệp của Jambūka cho ông ta biết. Nghe Đức Thầy giải đến đâu, Jambūka phát sanh kinh cảm đến đó, hết sức ghê sợ và hổ thẹn tội lỗi của mình. Ông băn khoăn hối hận. Ngay khi ấy, Đức Thế Tôn ném cái choàng tắm (Udakasātaka) xuống, bố thí cho ông ta. Ông vận y rồi, đứng lên đảnh lễ Đức Thầy và ngồi xuống một bên.

Bấy giờ, Đức Bổn Sư mới đem tuần tự pháp thoại mà thuyết pháp cho Jambūka nghe. Nghe dứt thời pháp, ông chứng đắc A La Hán quả với Tuệ phân tích, bèn cúi xuống đảnh lễ Đức Tôn Sư, đoạn đứng lên ngỏ lời xin Ngài cho ông xuất gia và thọ luôn Cụ túc giới.

Như thế là từ đây, bao nhiêu nghiệp báo tiền khiên của Tỳ khưu nầy đã sạch hết. Tội mạt sát vị Đại đức Lậu Tận bằng bốn thô ác ngữ của ông trong thời quá khứ đã làm cho địa đại rộng khoảng hai do tuần phải rúng động. Sau khi mạng chung, ông đã bị thiêu đốt trong địa ngụ A Tỳ, quả dư sót khiến ông thọ khổ trong năm mươi lăm năm qua, đến nay mới chấm dứt. Còn phần phước ông đã tạo bằng sự thực hành Sa
môn Pháp trong hai muôn năm trước không vì tội kia mà hư hoại, cho nên Đức Bổn Sư đưa thẳng cánh tay mặt của Ngài ra, phán bảo:

– Thiện lai Tỳ khưu! Lại đây Tỳ khưu, ông hãy thực hành phạm hạnh đi.

Ngay lúc ấy, ông Jambūka mất hẳn hình dáng người cư sĩ. Trông ông có vẻ nghiêm trang đạo mạo như Đại đức có sáu mươi tuổi hạ, có đầy đủ tám món vật dụng Sa môn (y, bát, dây lưng, dao cạo, ống đựng kim, bình lọc nước).

Dân chúng trong hai xứ Aṅga và Magadha đều nghe danh của Jambūka, nên ngày nào cũng mang lễ vật đến cúng dường ông. Sáng hôm ấy, khi họ đến trông thấy Đức Như Lai thì phân vân tự hỏi: “Không biết Đại đức Jambūka của mình với Sa môn Gotama, ai lớn hơn ai?”. Rồi họ tự giải đáp rằng: “Nếu Sa môn Gotama lớn hơn thì Đại đức của mình phải đi đến chỗ của ông ta. Đằng nầy, Sa môn Gotama đi đến tìm
Đại đức của mình thì chắc hẳn là Đại đức của mình lớn hơn rồi vậy”.

Đức Bổn Sư hiểu rõ tư tưởng của đại chúng, bèn phán:

– Nầy Jambūka! Ông hãy đoạn nghi cho tín đồ của ông đi.

– Bạch Ngài, cong cũng định làm như vậy.

Rồi Ngài Jambūka nhập vào Tứ thiền, đoạn đứng dậy bay bổng lên cao cỡ khoảng cây thốt nốt, tuyên bố rằng:

– Bạch Đức Thế Tôn, Ngài là Đức Tôn Sư còn con là Thinh Văn đệ tử của Ngài.

Nói rồi, từ trên hư không ông đáp xuống đảnh lễ Ngài, đoạn bay lên cao độ hai cây thốt nốt, cao khoảng ba cây thốt nốt, tuyên bố lên như trước, đoạn hạ xuống đảnh lễ Đức Thế Tôn, cho đại chúng biết mình là Thinh Văn của Đức Thế Tôn.

Thấy vậy, đại chúng nghĩ thầm: “Ôi! Ân đức của Đức Phật thật là vô thượng, phi thường”.

Nhân lúc quần chúng phát tâm tín ngưỡng, Đức Bổn Sư thuyết pháp để phá chấp tà kiến của họ, Ngài bảo:

– Tỳ khưu nầy, bấy lâu nay cho rằng mình ở đây hành đạo cao thượng (papacaraṇa), cho nên lễ vật của các người đem cúng, ông chỉ lấy ngọn cỏ thơm, vít một chút để lên chót lưỡi mà thôi. Nhưng cho dầu lúc trước, ông có tu hành khổ hạnh như thế cả trăm năm đi nữa, việc làm ấy của ông chẳng có giá trị bằng một phần mười sáu của người hiểu thông chân lý nhịn ăn một bữa cơm vì có tâm nghi ngại sợ ô nhiễm
phạm hạnh của mình.

Tiếp theo, Đức Bổn Sư thuyết pháp, giải rộng thêm, rồi đọc lên kệ ngôn rằng:

“Māse māse kusaggena,
Bālo bhuñjeyya bhojanaṃ;
Na so saṅkhātadhammānaṃ,
Kalaṃ agghati soḷasinti”.

“Người ngu tháng tháng như nhau,
Ăn chút vật thực bằng đầu cỏ thơm.
So với người chứng đắc pháp chơn,
Một phần mười sáu không hơn được mà”.

CHÚ GIẢI:
Theo nghĩa lý bài kệ trên, người ngu (bālo) không thông hiểu chánh pháp, đã xuất gia tu theo tà giáo ngoại đạo, không tôn trọng giới luật chẳng hạn. Cho nên mới nghĩ rằng: “Ta tu khổ hạnh cho đến mức rốt ráo”. Thế rồi tháng nầy tháng khác, người ấy chỉ thọ thực chút ít bằng đầu ngọn cỏ thơm, nhưng dầu ép xác như thế cả một trăm năm, công phu của người ấy cũng không có giá trị bằng một phần mười sáu của người chứng đắc chơn lý.

Pháp Giác ngộ tức là pháp tri kiến (ñātadhammo), pháp Quán xét (tūlitadhammo), ở tầng dưới có pháp Giác ngộ của bậc Tu Đà Hườn, còn ở tầng trên có pháp của bậc Lậu Tận, là pháp bậc Thánh nhân, mà người ngu không thể bì kịp một phần mười sáu của bậc ấy.

Nếu đem so sánh: Tác ý (cetanā) của những người ngu ráng hành khổ hạnh như vậy suốt cả một trăm năm, với tác ý của bậc Giác ngộ chơn lý chịu nhịn một bữa ăn để cho tâm mình khỏi tắc trách, hối hận thì tác ý trước tuy có lâu dài, nhưng giá trị cũng chẳng bằng một phần mười sáu của tác ý sau vậy.

Vả lại, nếu đem quả phước do tác ý của người chứng ngộ chân lý mà chia ra làm mười sáu phần nhỏ nữa, thì một phần nhỏ của quả phước nầy cũng còn to lớn gấp bội công phu khổ hạnh của người ngu kia.

Khi Đức Bổn Sư chấm dứt pháp thoại, có đến bốn muôn tám ngàn chúng sanh giác ngộ chân lý.

Dịch giả Cẩn Đề
Hành khổ mong cho thoát khổ sầu,
Tu theo tà kiến, khổ thêm lâu,
Ăn dơ, lấy bụi thay quần áo,
Ngủ đất, dùng cây nạo tóc râu,
Quả ác trổ quả ngày cuối chót,
Căn lành nhớ lại hạnh ban đầu,
Ngồi nghe Phật thuyết kinh tuần tự,
Hào cẩu Tỳ khưu đắc đạo mầu.
DỨT TÍCH JAMBŪKĀJĪVAKA

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 38

Post Views: 307