Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III

Phẩm Tự Ngã: Tích Thích Tử Upananda

“Attānameva paṭhamaṃ,
Paṭirūpe(1) nivesaye,
Athaññamanusāseyya,
Na kilisseyya paṇḍito”.

“Trước hết tự đặt mình,
Vào những gì thích đáng,
Sau mới giáo hoá người,
Người Trí khỏi bị nhiễm”.

Kệ Pháp Cú này, Đức Thế Tôn thuyết khi ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên Tự) trong thành Sāvatthī (Xá Vệ), đề cập đến Trưởng lão Upananda (Ú Pá Nan Đá). Tương truyền rằng: Vị ấy là một Trưởng lão có biệt tài thuyết pháp. Nhiều vị Tỳ khưu nghe Ngài thuyết Pháp thoại liên hệ đến Tri túc, Thiểu dục, đã cúng dường thượng y của mình đến Tôn giả Upananda, rồi thọ trì Hạnh Đầu đà. Riêng về Tôn giả Upananda thì thọ dụng tất cả những vật dụng mà chư Tỳ khưu ấy xả bỏ.

Gần đến ngày an cư mùa mưa, Tôn giả Upananda đi viếng các chùa ở miền quê. Trong một chùa nọ, các Sadi trẻ rất quý mến vị Pháp sư có tài như Trưởng lão, bèn yêu cầu:

– Bạch Ngài! Xin thỉnh Ngài nhập hạ ở đây!

– Ở đây, mỗi Sư nhập hạ được dâng bao nhiêu y?

– Bạch Ngài, mỗi vị sư được một cái y choàng (Sāṭaka).

Tôn giả Upananda để lại nơi ấy đôi dép, rồi đến tịnh xá khác, cũng được thỉnh

Tôn giả an cư, Tôn giả hỏi:

– Trong Tịnh xá này chư Tỳ khưu được những vật dụng gì?

– Thưa Ngài, mỗi vị được hai tấm choàng.

– Tôn giả để lại chiếc gậy nơi đó, rồi đi đến một tịnh xá thứ ba, hỏi rằng: “Trong tịnh xá này chư Tỳ khưu được vật dụng gì?”.

– Mỗi vị được ba chiếc y choàng.

Tôn giả để lại nơi ấy cái bình nước, đi đến tịnh xá thứ tư:

– Trong tịnh xá này chư Tỳ khưu được cái chi?

– Thưa, mỗi vị được bốn chiếc y choàng.

– Thôi thì ta sẽ an cư mùa mưa tại nơi này vậy.

Tôn giả Upananda an cư mùa mưa tại nơi ấy, thuyết pháp đến thính chúng cư sĩ lẫn Tỳ khưu. Các Tỳ khưu cùng cư sĩ đã cúng dường Tôn giả Upananda rất nhiều y và vải. Khi mãn mùa an cư, Tôn giả cho người đến các tịnh xá kia bảo rằng:

– Tôi cũng được vải nhập hạ đấy nhé, vì tôi đã để lại dép nơi ấy… gậy nơi ấy… bình nước nơi ấy. Vậy chư Tỳ khưu hãy gởi vải an cư mùa mưa cho tôi.
Bấy giờ, trong tịnh xá có hai vị Tỳ khưu trẻ phát sanh được hai tấm y choàng và một cái mền gấm (Kambala). Một vị đề nghị: “Đạo hữu hãy lấy hai lá y choàng, còn cái mền gấm để phần tôi”, nhưng vị kia không chấp thuận lối phân chia này. Hai vị còn đang ngồi cãi nhau gần bên đường cái thì bỗng nhìn thấy vị Trưởng lão Pháp sư từ xa đi đến. Họ bèn yêu cầu:

– Bạch Ngài, xin Ngài hoan hỷ chia những vật này hộ chúng tôi!

– Quý Sư cứ tự mình chia nhau đi chứ!

– Bạch Ngài! Chúng tôi không thể chia được, xin Ngài hoan hỷ chia hộ chúng tôi.

– Mà quý Sư sẽ tuân theo lời của ta hay không?

– Thưa vâng, chúng tôi sẽ nghe lời Ngài.

– Nếu vậy thì tốt lắm.

Thế rồi, vị Trưởng lão trao cho hai Tỳ khưu hai lá y choàng, còn mình giữ lấy cái mền quý giá ra đi, bảo rằng:

– Phần này của ta là Pháp sư đã mất công hoà giải quý vị.

Hai vị Tỳ khưu trẻ bị chơi gác, lấy làm hối tiếc, bèn về yết kiến Đức Bổn Sư bạch lại mọi việc. Bậc Đạo Sư giải rằng:

– Này chư Tỳ khưu! Không phải bây giờ thầy ấy mới sang đoạt tài vật của hai con, làm cho hai con hối tiếc, mà trong thời trước thầy ấy đã từng làm như thế rồi. Nói xong, Đức Thế Tôn thuyết lại Bổn sanh như sau:

Thời quá khứ, có hai con rái, một con lặn bờ sông, con kia thì lặn sâu dưới nước. Một hôm, chúng cùng bắt được một con cá hồi (màu hồng hồng) thật bự. Hai con tranh giành nhau: “Đầu cá là phần của tao, còn cái đuôi là của mày”. Rốt cuộc, hai con không thể chia đồng phần nhau được. Chúng thấy một con giã can, bèn mời nó làm trọng tài:

– Thưa cậu! Xin cậu làm ơn chia đồng phần con cá này giùm chúng tôi đi.

Con giã can nói:

– Ta đã ngồi xử kiện trong toà án của Đức vua quá lâu, vừa mới xả ra đi cho hết tê chân đây! Bây giờ ta không có rảnh!

– Thôi mà cậu, xin cậu đừng làm thái! Xin cậu làm ơn chia con cá giùm chúng tôi!

– Tụi bây có nghe lời của tao không?

– Thưa cậu, chúng tôi sẽ nghe lời cậu.

– Nếu vậy, thì ta sẽ chia hộ cho các người.

Rồi giã can chia như sau: “Trong hai ngươi, con nào đi dọc theo bờ thì nhận lấy cái đuôi. Đứa nào lặn sâu dưới nước thì được lấy cái đầu. Còn khúc giữa này sẽ là phần của ta, vì ta đã đứng ra phân xử vụ này”.

Con giã can cắt đầu và đuôi giao cho hai con rái, còn mình lấy khúc giữa, con giã can còn lập lại bằng kệ cho hai con rái nghe bản án như sau:

“Anutīracārino naṅguṭṭhaṃ,
Sīsaṃ gambhīracārino;
Athāyaṃ majjhimo khaṇḍo,
Dhammaṭṭhassa bhavissatīti”.

– Con lặn gần bờ hãy lấy cái đuôi, con lặn dưới sâu hãy lấy cái đầu, còn khúc giữa này sẽ là phần của công lý vậy!

Ngâm kệ xong, con giã can ngậm khúc mình cá ra đi, bỏ mặc hai con rái cá, đứng nhìn theo ăn năn hối tiếc.

Sau khi kể dứt Bổn sanh, Ngài kết luận: “Ấy đấy, từ đời quá khứ, các con cũng đã ăn năn, hối tiếc như thế rồi. Hai con rái cá nay là hai vị Tỳ khưu trẻ, con giã can nay là Upananda”. Sau khi giảng dạy hai Tỳ khưu trẻ rồi. Đức Thế Tôn quở trách Upananda rằng:

– Này các Tỳ khưu, muốn xứng đáng làm vị Pháp sư thuyết pháp dạy dỗ người khác, trước hết phải tự đặt mình trên một vị trí đúng đắn.

Nói rồi, Đức Bổn Sư ngâm kệ rằng:

“Attānameva paṭhamaṃ,
Paṭirūpe nivesaye,
Athaññamanusāseyya,
Na kilisseyya paṇḍito”.

Trước hãy tự đặt mình vào Chánh đạo, rồi sau giáo hoá kẻ khác, được như vậy người có Trí mới tránh khỏi điều lầm lỗi xảy ra.

CHÚ GIẢI

Paṭirūpe nivesaye: tự đặt mình trên vị trí đạo đức thích đáng. Như trên đã nói, người nào có ý muốn làm thầy dạy kẻ khác, về các hạnh Thiểu dục, Tri túc hoặc về đường lối hành đạo của bậc Thánh nhân thì trước nhất, người ấy hãy tự mình trên đường lối nết hạnh đó. Sau hãy đem những ân đức ấy mà chỉ dạy kẻ khác. Nhược bằng, tự mình chưa đạt đến mức đó mà mong chỉ dạy kẻ khác thì trong khi chỉ dạy, ắt sẽ bị toàn thể mọi người chê trách, thật là nhơ nhuốc vậy. Người đã tự đặt mình lên Chánh đạo rồi, sau mới chỉ dạy kẻ khác, ắt sẽ được khen ngợi tán dương, cho nên không bị nhuốc nhơ. Bậc Hiền trí hằng làm vậy nên không bị biếm nhẻ. Cuối thời Pháp, hay Tỳ khưu trẻ ấy đắc quả Tu Đà Hườn. Đại chúng thính pháp cũng được hưởng phần lợi ích.

Dịch Giả Cẩn Đề
Thuyết Pháp khuyên Tăng tập Xả ly,
Tự mình lại chấp giữ nhiều y,
Tỳ khưu tham luyến trong tài vật,
Chẳng xứng danh từ Thích tử chi!
Đứng chia lễ lộc giúp hai Sư,
Đoạt lấy chiếc mền gấm lẻ dư…
Phật dạy: Trọng tài nên đứng đắn,
Xử người, phải chí công vô tư.
DỨT TÍCH THÍCH TỬ UPANANDA

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 30

Post Views: 326