Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III 

Phẩm Tự Ngã: Tích Trưởng Lão Tự Lợi

“Attadatthaṃ paratthena,
Bahunāpi na hāpaye;
Attadatthamabhiññāya,
Sadatthapasuto siyā”.

“Dầu lợi người bao nhiêu,
Chớ quên phần tự lợi,
Nhờ Thắng trí tư lợi,
Hãy chuyên tâm lợi mình”.

Kệ Pháp Cú này, Đức Bổn Sư thuyết khi ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên Tự), đề cập đến Trưởng lão Attadattha (Tự Lợi).

Tương truyền rằng: Khi Bậc Đạo Sư nhận lời thỉnh cầu của Ma Vương, sau ba tháng nữa Ngài sẽ nhập Níp Bàn. Rồi Đức Bổn Sư cho triệu tập Chư Tăng đến và tuyên bố rằng:

– Này các Tỳ khưu! Sau ba tháng nữa, Như Lai sẽ viên tịch vậy! Nghe tin này, bảy trăm Tỳ khưu phàm phát sanh sự kinh cảm, ngày đêm không dám rời Đức Bổn Sư. Các vị ấy băn khoăn đi đi lại lại, thảo luận với nhau:

– Này chư đạo hữu, chúng ta sẽ làm gì đây?

Riêng Trưởng lão Attadattha không tham gia vào việc bàn luận với chư Tỳ khưu mà nghĩ thầm: “Nghe nói còn ba tháng nữa Bậc Đạo Sư sẽ viên tịch Níp Bàn mà ta hiện nay chưa dứt trừ được tình dục, phiền não tham ái. Vậy trong thời gian Bậc Đạo Sư còn tại thế, ta sẽ tinh cần hành đạo để đắc quả A La Hán mới phải!”.

Thế nên Trưởng lão không đi đến nơi chư Tỳ khưu đang luận bàn về sự việc Đức Thế Tôn sắp viên tịch, mà tìm nơi thanh vắng để hành đạo. Chư Tỳ khưu không thấy Trưởng lão đến dự bàn như thế, bèn hỏi rằng:

– Này đạo hữu! Vì sao đạo hữu không nhập chúng mà cũng chẳng tham gia cuộc thảo luận nào với chúng tôi cả?

Nói rồi, họ đưa Trưởng lão đến mách với Đức Bổn Sư:

– Bạch Ngài, thầy này đac hành động như thế, như thế …

Đức Bổn Sư hỏi Trưởng lão:

– Tại sao, thầy đã làm vậy?

Trưởng lão đáp rằng:

– Bạch Thế Tôn, con nghe Ngài sắp viên tịch Đại Níp Bàn trong ba tháng tới đây, mà con thì chưa chứng đắc Giải thoát quả, cho nên con ráng Tinh tấn hành đạo để đắc quả A La Hán trong khi Ngài còn tại thế.

Sau khi khen ngợi Trưởng lão, Đức Bổn Sư dạy rằng: “Này các Tỳ khưu, thầy nào có lòng thương mến Ta thì hãy bắt chước gương của Trưởng lão Attadattha này, không phải những người dâng cúng Ta bằng lễ vật hương hoa là tôn kính Ta đâu!

Những người tôn kính Ta chính là những hành giả noi theo Chánh đạo. Bởi thế, các Tỳ khưu khác hãy nên noi gương của Trưởng lão Attadattha này”.
Nói rồi Ngài ngâm kệ rằng:

“Attadatthaṃ paratthena,
Bahunāpi na hāpaye;
Attadatthamabhiññāya,
Sadatthapasuto siyā”.

Chớ nên vì lợi ích cho kẻ khác mà quên hẳn lợi ích cho chính mình. Người biết lo lợi ích của mình mới thường chuyên tâm vào những điều ích lợi.

CHÚ GIẢI:

Ý nghĩa của Kệ ngôn này là: Là người cư sĩ tại gia, chớ nên vì sự lợi ích của kẻ khác mà lãng quên sự lợi ích của mình, mặc dù ích lợi của mình nhỏ nhen, chỉ đáng giá một đồng chinh, so với sự ích lợi nhiều gấp cả ngàn lần của kẻ khác. Ở đây câu nói: “Dầu sự tư lợi chỉ ít ỏi cỡ một đồng chinh” không ám chị vật thực cúng hoặc vật thực mềm mà đề cập đến kết quả của sự Hành đạo. Bởi vậy, Tỳ khưu nào đã quyết định: Ta không bỏ quên tự lợi thì dầu có công việc phát sanh đến Tăng, như việc tu bổ Thánh pháp, hoặc việc phục vụ Thầy tổ, cũng không nên quên lãng phận sự Hành đạo để đắc Thông tuệ làm thấu rõ các Thánh quả. Bởi vậy, Tỳ khưu Attadattha này cũng là chỉ định vị Tỳ khưu nào đã quyết định bắt đầu hành Thiền Minh Sát, nguyện đắc Đạo quả ngay trong ngày nay rồi ra đi. Vị ấy nên bỏ qua các phận sự phục vụ Thầy Tổ v.v.. mà chỉ nên lo phận sự Hành đạo của chính mình. Người nào đã hiểu rõ tự lợi như thế, sau khi suy xét thấy: “Điều này ích lợi cho ta” tức là người chăm lo sự lợi ích của mình. Người ấy hãy kiên quyết chú tâm vào sự lợi ích của chính mình vậy. Cuối thời Pháp, vị Trưởng lão đắc quả A La Hán. Chư Tỳ khưu hiện diện cũng được hưởng lợi ích của thời Pháp thuyết.

Dịch Giả Cẩn Đề
Tin Đức Bổn Sư sắp Níp Bàn
Khiến Ngài Tự Lợi phát kinh hoàng:
“Làm sao đắc quả A La Hán,
Để đáp ơn Thầy tổ nặng mang?”.
Một mình đóng cốc, quyết công phu.
Tinh tấn cầu mong Quả đặc thù.
Phật gọi Ngài ra trình mật ý,
Và khen: “Vầy mới đáng Tỳ khưu!”.
Phật dạy: Tự mình biết lợi mình,
Cần tu cho đắc Quả Vô sinh,
Cúng dường hành đạo là cao thượng,
Hơn cả suy tôn của thế tình!
DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO TỰ LỢI
DỨT PHẨM TỰ NGÃ

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 22

Post Views: 387