Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III

Phẩm Thế Gian: Tích Trưởng Lão Sammajjana

“Yo ca pubbe pamajjitvā,
Pacchā so nappamajjati;
Somaṃ lokaṃ pabhāseti,
Abbhā muttova candimā”. “Ai sống trước buông lung,
Sau sống không phóng dật,
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che”.

Đức Thế Tôn khi ngự tại Jetavana, đề cập đến Trưởng lão Sammajjana, tuyên thuyết kệ ngôn này.

Được nghe rằng: Trưởng lão Sammajjana là người không phân biệt thời, bất cứ lúc nào vị ấy cũng cầm chỗi quét rác cỏ ở khắp tịnh xá, bất kể là sáng hay chiều. Một hôm, Trưởng lão đi đến Tịnh thất của Đại Đức Revata để quét dọn, thấy Đại Đức đang ngồi nơi chỗ ban ngày yên lặng, Trưởng lão Sammajjana nói rằng:

– Vị Trưởng lão này lười biếng quá, dùng vật thực của tín thí gia xong, đến đây ngồi yên, chỉ cầm chổi quét một chút cũng không thấy.

Nghe thế Trưởng lão Revata suy nghĩ:

– Ta nên giáo giới vị này vậy.

Ngài nói với Trưởng lão Sammajjana rằng:

– Hãy đến đây, hỡi Hiền giả.

– Bạch Ngài, có chuyện chi vậy?

– Hiền giả hãy đi tắm đi rồi đến đây.

Sau khi Trưởng lão Sammajjana tắm xong, đi đến Trưởng lão Revata, Ngài bảo vị ấy ngồi sang một bên, dạy rằng:

– Này Hiền giả! Lẽ thường vị Tỳ khưu cứ cầm chổi quét suốt cả ngày là điều không hợp lẽ. Tỳ khưu chỉ nên quét dọn vào buổi sáng xong, đi khất thực. Khi về đến tịnh xá, ngồi vào chỗ ban ngày hay chỗ ban đêm, để tâm quán xét về 32 thể trược, để thấy được sự sanh diệt của thân này. Vào buổi chiều quét dọn tịnh xá, đó là hợp lẽ. Tỳ khưu chớ nên quét suốt cả ngày, hãy dành thời gian tạo lợi ích cho mình vậy. Trưởng lão Sammajjana vâng theo lời giáo hoá của Trưởng lão Revata, chẳng bao lâu Ngài chứng đắc A La Hán Quả. Và trong tịnh xá có nhiều chỗ rác đã ứ đọng, bây giờ chư Tỳ khưu nói với Trưởng lão Sammajjana rằng:

– Này hiền giả Sammajjana! Các chỗ đã ứ đọng đầy rác, vì sao hiền giả không quét?

– Thưa chư Hiền! Trước đây tôi đã quét rác trong lúc dễ duôi, nhưng bây giờ tôi không còn dễ duôi quét rác nữa.

Chư Tỳ khưu cho rằng Trưởng lão Sammajjana khoe đạo giả cao nhân, tuyên bố mình là vị Thánh Vô Lậu, nên trình lên Đức Thế Tôn về câu chuyện đó và bạch rằng:

– Bạch Thế Tôn! Vị Tỳ khưu này nói sai sự thật, vị ấy nói không đúng theo sự thật.

– Này các Tỳ khưu! Thật vậy, trước kia con Như Lai đã cầm chổi quét trong lúc dễ duôi. Nhưng bây giờ đây con Như Lai không còn làm như thế nữa, đã đình chỉ, sống an lạc phát sanh từ Đạo Quả.

Rồi Ngài tuyên thuyết lên kệ ngôn rằng:

172. Người trước kia phóng dật, về sau chuyên cần tu niệm. Người như thế rọi sáng thế gian như vầng trăng thoát ra khỏi đám mây mờ.

“Yo ca pubbe pamajjitvā,
Pacchā so nappamajjati;
Somaṃ lokaṃ pabhāseti,
Abbhā muttova candimā”.

“Ai sống trước buông lung,
Sau sống không phóng dật,
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che”.

CHÚ GIẢI:
Bậc trí nên hiểu ý nghĩa của câu kệ ngôn này như sau:

Người trước kia có sự dễ duôi bằng các phận sự làm đi làm lại, hoặc tụng đọc… về sau đình chỉ những việc làm đó, sống an lạc phát sanh từ Đạo Quả, gọi là người không muốn dễ duôi. Người ấy thường rực sáng trong thế gian này như uẩn… tức là làm cho sáng chói thuần chất với trí đạo, ví như vầng trăng thoát khỏi mây mờ… là cơ hội giúp cho thế gian được sáng chói như thế. Dứt kệ ngôn, nhiều người chứng đạt Thánh Quả, nhất là Tu Đà Hườn quả.

Dịch Giả Cẩn Đề
Đại Đức quét này thật xứng danh:
Tối ngày cầm chổi quét loanh quanh!
Chê Ngài lậu tận ta lười biếng,
Ngồi mãi, làm sao đạo quả thành?
Cũng may, Đại Đức Ly Bà Đa,
Biết có duyên lành, mới nhắc qua,
Nhờ đó hành thân, sau đắc quả,
Chùa dơ, mặc kệ, chẳng lo ra!
Tăng hỏi: Sư không quét nữa đi!
Sư rằng: Nay đã hết ngu si,
Nên không thích quét như hồi trước!
Tăng hỏi Phật Đà để phá nghi,
Phật dạy: Con Ta trước dễ duôi,
Bây giờ tinh tấn, hết buông xuôi,
Như trăng thoát khỏi vầng mây án
Soi sáng nhân gian, ánh rạng ngời!
DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO SAMMAJJANA

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 34

Post Views: 398