Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III

Phẩm Thế Gian: Vị Tỳ Khưu Trẻ

Hīnaṃ dhammaṃ na seveyya,
Pamādena na saṃvase,
Micchādiṭṭhiṃ na seveyya
Na siyā lokavaḍḍhano”.

“Chớ theo pháp hạ liệt,
Chớ sống mặc, buông lung;
Chớ tin theo tà kiến,
Chớ tăng trưởng lục trần”.

Kệ ngôn này Đức Bổn Sư thuyết khi ngự tại Jetavana, nhân đề cập đến vị Tỳ khưu trẻ. Tương truyền rằng: Có vị Trưởng lão cùng với vị Tỳ khưu trẻ thường đến nhà của Đại tín nữ Visākhā để thọ thực từ sáng sớm. Nàng Visākhā hằng cúng dường cháo đến 500 vị Tỳ khưu, khi Trưởng lão cùng với vị Tỳ khưu trẻ dùng cháo xong, Ngài để vị ấy ở lại, còn mình thì đến nhà một gia chủ khác.

Bây giờ, cháu nội của bà Visākhā là người phục vụ chư Tăng, dâng nước lên chư Tăng. Cô cháu gái ấy đang lọc nước để dâng đến vị Tỳ khưu trẻ, thấy gương mặt mình trong nước nên mỉm cười, vị Tỳ khưu trẻ thấy nàng mỉm cười, ngỡ nàng ta mỉm cười với mình, vị ấy cũng mỉm cười đáp trả. Thấy thế, nàng ta nói rằng:

– Người đứt đầu hay cười.

Cho rằng nàng miệt thị mình, vị Tỳ khưu trẻ tức giận mắng nàng:

– Ngươi cũng là kẻ đứt đầu, ngay đến cha mẹ ngươi cũng là kẻ đứt đầu.

Cô ấy than khóc, đi mách với bà Visākhā, bà Visākhā hỏi rằng:

– Này con, việc chi mà khiến con sầu não như thế?

– Thưa nội! Vị Tỳ khưu ấy đã mắng con.

Nàng thuật lại câu chuyện cho bà Visākhā nghe. Bà Visākhā đi đến bạch với vị Tỳ khưu ấy rằng:

– Xin Ngài chớ nên giận, câu nói ấy chẳng phải là câu nói xúc phạm đến Ngài đâu. Vì rằng: Ngài là người có râu tóc đã cạo bỏ, có móng tay móng chân đứt, có y phục khác với y phục của thế tục, Ngài là người cắt đứt đời sống tại gia rồi, sống giữa hội chúng đi khất thực để nuôi mạng.

– Thật vậy, này cận sự nữ, cô là người biết tôi có râu tóc cạo bỏ… nhưng cháu của cô đâu hiểu điều đó, cô ấy đã mắng tôi là “người đứt đầu”, như thế có nên chăng?

Bà Visākhā không thể giảng hoà giữa cháu nội mình và vị Tỳ khưu trẻ ấy. Khi ấy, vị Trưởng lão trở lại, nghe câu chuyện cãi lây như thế, hỏi rằng: “Này cận sự nữ, việc gì thế?”.

Được nghe lại mọi chuyện, vị Trưởng lão bảo vị Tỳ khưu trẻ rằng:

– Này Hiền giả! Ông hãy nhẫn nại đi, nữ nhân này không có mắng ông đâu, vì ông là người đã cạo bỏ râu tóc… nên nàng gọi ông là người đứt đầu thôi. Ông nên hiểu như thế đi.

– Đúng vậy, bạch Ngài! Nhưng Ngài hãy rầy la cô ấy đi, sao Ngài lại la rầy tôi. Nàng ấy nói tôi là kẻ đứt đầu như thế có nên chăng?

Thế là, câu chuyện hoà giải cũng không thành. Kế đến, Bậc Đạo Sư ngự đến tư gia của bà Visākhā, Ngài phán hỏi rằng:

– Này các Tỳ khưu! Việc gì thế?

Bà Visākhā bạch lại câu chuyện ấy. Bậc Đạo Sư quán thấy duyên lành Thánh Quả của vị Tỳ khưu trẻ. Ngài suy nghĩ “Ta nên chuẩn y cho y, khiến y bình tâm lại là việc tốt nhất”. Suy nghĩ như thế Ngài phán dạy rằng:

– Này Visākhā! Cháu của ngươi nói đệ tử của Như Lai là người đứt đầu, như thế có xứng đáng chăng? Tuy là nói với ý nghĩa cạo bỏ râu tóc… nhưng cũng chẳng nên nói như thế.

Nghe vậy, vị Tỳ khưu trẻ đứng dậy, chấp tay đảnh lễ Đức Thế Tôn bạch rằng:

– Bạch Thế Tôn! Ngài thông suốt mọi vấn đề, còn vị Trưởng lão Tế Độ Sư của con cùng nàng Visākhā lại không thông suốt.

Đức Thế Tôn biết tâm vị Tỳ khưu trẻ đã dịu lại rồi, cuộc tranh chấp trong tâm của vị ấy không còn, Ngài lại phán dạy rằng:

– Này Tỳ khưu! Sự cười hướng về dục lạc là pháp hạ liệt. Hơn nữa thọ dụng pháp hạ liệt và sống với sự dễ duôi là điều không nên vậy.
Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:

“Hīnaṃ dhammaṃ na seveyya,
Pamādena na saṃvase;
Micchādiṭṭhiṃ na seveyya,
Na siyā lokavaḍḍhano”.

“Chớ theo pháp hạ liệt,
Chớ sống mặc, buông lung;
Chớ tin theo tà kiến,
Chớ tăng trưởng tục trần”.

Không nên phục dịch mục tiêu bần tiện. Không nên sống buông lung phóng dật. Không nên ôm ấp tà kiến. Không nên nâng đỡ thế gian.

CHÚ GIẢI:

Hīnaṃ dhammaṃ: Nghĩa là Pháp hạ liệt, tức là ngũ dục. Thật vậy ngũ dục ấy, dù là chúng sanh hạ liệt như trâu, bò, lạc đà… cũng thọ dụng. Ngũ dục hằng đưa chúng sanh rơi vào khổ cảnh như địa ngục… Vì vậy ngũ dục gọi là pháp hạ liệt.

Pamādena: Nghĩa là không nên sống với sự dễ duôi, có tướng là thất niệm.

Na saṃvase: Tức là không nên ôm ấp tri kiến sai lầm.

Lokavaḍḍhano: Nghĩa là người nào hành như vậy, người ấy gọi là người ô nhiễm ở đời. Do đó (không) nên là người ô nhiễm ở đời, do không hành như vậy. Dứt kệ ngôn, vị Tỳ khưu trẻ chứng đạt Dự Lưu Quả.

Dịch Giả Cẩn Đề
Đứt đầu, đứt tóc, khác nhau xa,
Tín nữ nhập chung để giảng hoà,
Sư trẻ còn hăng, đâu chịu kém,
Thời may Phật đến, mở oan gia.
Phật dạy: Đã là bậc Tỳ kheo,
Ngũ trần dục lạc chớ đua theo,
Cười vui thấp thỏi, đừng mê mải
Tà kiến nhiều khi rất hiểm nghèo.
DỨT TÍCH VỊ TỲ KHEO TRẺ

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 28

Post Views: 274