Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV

 

Phẩm Chánh Đạo: Tích Đại Đức Pothila

 

“Yogā ve jāyati bhūri
Ayogā bhūrisaṅkhayo
Etaṃ dvedhā pathaṃ ñatvā
Bhavāya vibhavāya ca
Tath’attānaṃ niveseyya
Yathā bhūri pavaḍḍhati”.

“Tu thiền trí tuệ sanh
Bỏ thiền trí tuệ diệt
Biết con đường hai ngã
Hướng đến lợi và hại
Hãy tự mình nổ lực
Khiến trí tuệ tăng trưởng”.

Pháp Cú nầy được Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến Đại Đức Pothila.

Tương truyền rằng: Vị Đại Đức nầy đã từng là Tam Tạng Pháp Sư suốt cả 7 đời vị Phật Tổ và hằng thuyết giảng kinh điển cho một nhóm 500 Tỳ khưu nghe.

Một hôm, Đức Bổn Sư tự nghĩ: “Tỳ khưu nầy không có tâm nghĩ đến sự giải thoát khỏi khổ. Ta sẽ làm cho y kinh cảm mới được”.

Từ ấy về sau, mỗi khi Đại Đức ấy đến hầu Đức Bổn Sư, Ngài gọi: “Hãy đến, nầy Pothila rỗng không! Hãy ngồi xuống, nầy Pothila rỗng không!”.

Đại Đức làm chi cũng dùng danh từ “Pothila rỗng không” mà gọi Đại Đức cả. Đại Đức suy nghĩ: “Ta thông suốt Tam Tạng luôn cả Sớ giải. Hơn thế nữa, ta là giảng sư dạy Pháp cho 500 Tỳ khưu và đứng đầu 18 đoàn Tăng lữ.

Thế mà Đức Bổn Sư cứ gọi ta là Pothila rỗng không mãi. Chắc tại ta không xúc tiến Pháp hành, tham thiền nhập định, cho nên Ngài mới gọi ta như thế”.

Sanh tâm kinh cảm, Đại Đức quyết định: “Ta sẽ vào rừng hành Sa Môn Pháp ngay bây giờ”. Sau khi đã tự mình sắp đặt sẵn y bát, lúc rạng đông, Đại Đức ra đi chung với Tỳ khưu sau cùng, là vị Pháp Sư dở nhất. Các Tỳ khưu trong lớp ấy đang đọc dượt Kinh tụng, không lưu ý đó là thầy “A Xà Lê” của mình.

Sau khi vượt qua một trăm hai mươi do tuần (Visamyojanasatam) Đại Đức đến một thiền thất trong rừng, có ba mươi vị Tỳ khưu trú nơi ấy. Vào gần chư Tăng, Đại Đức đảnh lễ vị Tăng trưởng nhóm và bạch rằng:

– Bạch Ngài, xin Ngài từ bi tế độ cho con.

– Nầy Đạo hữu, Hiền giả là một Pháp Sư danh tiếng, chính tôi còn có điều cần học nơi Hiền giả, sai Hiền giả lại nói như thế?

– Bạch Ngài! Xin Ngài đừng nói thế, xin Ngài từ bi tế độ cho con.

Thật sự thì, chư Tăng thiền Sư nơi ấy đều là bậc Lậu Tận. Vị Đại Đức Tăng trưởng nghĩ rằng: “Vị nầy ỷ vào Pháp học của mình, còn có tâm ngã mạn cống cao”.

Nên Ngài bảo Pothila đến bạch với vị Phó Tăng trưởng và cũng được giới thiệu tiếp đến vị kế. Cứ như thế, Pothila được giới thiệu đến vị trẻ nhất là Sa di bảy tuổi, Ngài đang ngồi vá y nơi chỗ tham thiền ban ngày. Thế là Thiền Sư triệt hạ tánh ngã mạn của Pothila.

Áp chế được tâm ngã mạn, Pothila đến gần vị Thánh Sa di, chấp tay kính cẩn:

– Xin Bậc Thiện trí thức từ bi tế độ cho tôi.

– Thầy A Xà Lê ơi! Sao thầy lại nói như thế, thầy niên cao kỷ trường, quảng kiến đa văn. Chính tôi phải tìm thầy mà học hỏi điều gì cần nên hiểu biết chứ.

– Bậc Trí thức ơi! Ngài đừng làm như thế. Xin hãy là thầy tế độ của tôi đi.

– Bạch Ngài, nếu Ngài nhẫn nại làm theo lời huấn từ, thì tôi sẽ tế độ Ngài.

– Bậc Thiện trí thức ơi! Tôi xin vâng lệnh Ngài. Nếu Ngài khiến tôi nhảy vào lửa đỏ, tôi cũng sẽ nhảy vào lập tức.

Khi ấy, ông Sa di chỉ một ao nước ở gần đó và nói với Pothila rằng:

– Bạch Ngài, xin Ngài để nguyên bộ y đang mặc mà lội xuống ao nầy đi.

Mặc dầu, Sa di vẫn biết Pothila đang mặc thượng y, y nội và y hai lớp loại đắt giá, nhưng Ngài vẫn bảo như thế để xem tâm của Pothila có nhẫn nại theo huấn từ hay không. Ngài Sa di vừa dứt lời thì Pothila đã đi xuống ao ngay.

Khi các đường viền y của Đại Đức bị thấm ướt, vị Sa di gọi:

– Bạch Ngài, hãy đến đây.

Vị Sa di vừa dứt lời, Đại Đức đã đến trước mặt ông Sa di. Vị Sa di lại nói:

– Bạch Ngài! Ví như trong một gò mối có sáu lỗ ngách và một con kỳ đà theo một lỗ ngách nào đó mà chui vào trong gò mối. Người ta muốn bắt được con kỳ đà đó, phải bít cả năm cửa ngách, chừa lại chỉ có một cửa mà thôi, và bắt con kỳ đà tại cái lỗi ngách mà nó đã chui qua. Đối với lục căn môn, Ngài cũng phải làm như thế, hãy đóng chặt hết năm căn môn và định tâm vào ý căn môn.

Mấy lời của Sa di vừa dứt, khiến tâm tư Pothila đa văn vụt bật sáng như đèn cầy vừa được thắp lên. Pothila nói:

– Bậc Trí giả ơi! Bấy nhiêu đây cũng đủ rồi.

Hạ thấp sự hiểu biết trong thân bất tịnh nầy xuống, vị Tỳ khưu đa văn hướng tâm đến Sa Môn Pháp.

Đức Bổn Sư đang ngồi cách xa 120 do tuần, nhìn theo dõi vị Tỳ khưu ấy và tự nghĩ rằng: “Tỳ khưu nầy phải tự mình hành đạo như thế để trở nên Bậc Trí tuệ quảng bác”.

Nghĩ rồi, Đức Bổn Sư phóng hào quang, thị hiện như đang nói chuyện với Pothila và nói lên kệ ngôn rằng:

“Yogā ve jāyati bhūri
Ayogā bhūrisaṅkhayo
Etaṃ dvedhā pathaṃ ñatvā
Bhavāya vibhavāya ca
Tath’attānaṃ niveseyya
Yathā bhūri pavaḍḍhati”.

“Tu thiền trí tuệ sanh
Bỏ thiền trí tuệ diệt
Biết con đường hai ngã
Hướng đến lợi và hại
Hãy tự mình nổ lực
Khiến trí tuệ tăng trưởng”.

CHÚ GIẢI:

Yogā: Chú tâm trên ba mươi tám đối tượng.

Bhūri: Có trí tuệ rộng lớn như địa đại.

Savi khayo: Tiêu diệt.

Etaṃ dvedhā pathaṃ: Con đường hai ngã là có tu thiền.

Bhavāya vibhāvāya ca: Có lợi và bất lợi.

Tath’attānaṃ niveseyya: Tự mình hãy nổ lực thế nào để trí tuệ phát triển đến mức gọi là trí quảng bác như mặt đất. Cuối thời kệ, Đại Đức Pothila đắc quả A La Hán.

Dịch Giả Cẩn Đề
Pháp thuyết học rồi thật lắm công,
Mà sao Phật cứ gọi “Đầu không?”
Bực mình Đại Đức Pô Thí Lá,
Lặn lội vô rừng kiếm “NỘI TÔNG”,
Ngã mạn vì: Ta cũng bậc cao,
Gặp thiền sư trưởng mới xin vào,
Các Ngài Đại Đức không ai nhận,
Phải lại Sa di, hết tự hào,
Ngờ đâu bảy tuổi đã vô sanh,
Dạy Pháp Sa Môn gắng thực hành,
Phật ở xa đường nhưng cũng độ,
ĐẦU KHÔNG, đạo quả kịp viên thành.
DỨT TÍCH ĐẠI ĐỨC POTHILA RỖNG KHÔNG

Nguồn : Source link

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 3

Post Views: 231