Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV

 

Phẩm Tạp Lục: Tích Trưởng Lão Lakuṇṭaka Bhaddiya

 

294. “Mātaraṃ pitaraṃ hantvā

Rājāno dve ca khattiye
Ratthaṃ sānucaraṃ hantvā
Anīgho yāti brahmaṇo”.
295. “Mātaraṃ pitaraṃ hantvā
Rājāno dve ca sotthiye
Veyyagghapañcamaṃ hantvā
Anīgho yati brāhmaṇo”.

“Sau khi giết mẹ cha

Giết hai vua Sát lỵ
Giết vương quốc, quần thần
Vô ưu, Phạm chí sống”.
“Sau khi giết mẹ cha
Hai vua Bà la môn
Giết hổ tướng thứ năm
Vô ưu, Phạm chí sống”.

Bậc Đạo Sư trú tại Jetavana, đề cập đến Trưởng Lão Lakuṇṭaka, thuyết Pháp thoại nầy.

Tương truyền rằng: Một hôm có các vị Tăng khách từ phương xa về yết kiến Đức Thế Tôn, đảnh lễ rồi ngồi xuống một nơi phải lẽ. Khi ấy Đại đức Lakuṇṭaka đi gần đó.

Bậc đạo Sư hiểu ý nghĩ của nhóm Tỳ khưu ấy, Ngài bèn phán rằng:

– Nầy chư Tỳ khưu! Các ngươi thấy chăng? Vị Tỳ khưu nầy giết cha, giết mẹ ra đi không sầu muộn.

Chư Tỳ khưu nhìn nhau nghi vấn: “Do nhân gì mà Bậc Đạo Sư phán như vậy?”.

– Bạch Thế Tôn! Do nhân gì mà Đức Thế Tôn phán như thế?

Đức Thế Tôn liền thuyết lên kệ ngôn rằng:

294. Đã giết mẹ (ái dục), cha (ngã mạn) và hai vua hiếu chiến (thường kiến và đoạn kiến) và đã tiêu diệt một quốc gia (lục căn và lục trần) cùng với vị đại thần phụ trách quốc khố (ái luyến). Vị A La Hán ra đi không sầu muộn.

295. Đã giết mẹ, cha và hai ông vua của giai cấp Bà la môn và tiêu diệt con đường nguy hiểm (chướng ngại), vị A La Hán ra đi không sầu muộn.

CHÚ GIẢI:
Sānucaraṃ: Là cùng với vị quan đại thần phụ trách quốc khố, người thu thuế. Bài kệ nầy bậc trí nên hiểu rằng: Mẹ tiêu biểu tâm ái dục, đưa tái tạo trong ba cõi. Pāli gọi là “Ái dục là nhân sanh tái dục”.

Assamimāna: (Tự ngã – là của ta): Cha tiêu biểu tánh ngã mạn, chấp cái ta như: “Ta là con của vị vua đó, con của vị đại thần kia và của vị vua nọ”.

Diṭṭhi: Cả hai đoạn kiến và thường kiến, như quyền lực của vị vua. Vì vậy, ở đây hai vị vua tiêu biểu: Thường kiến – Sassatadiṭṭhi và Đoạn kiến – Ucchedadiṭṭhi. 12 xứ Kāyatana: 6 nội xứ như mắt…, 6 ngoại xứ như sắc… gọi là vương quốc, là luyến ái bám níu vào đời sống như vị đại thần phụ trách quốc khố trông nom kho tàng quốc gia.

Anīgho: Là không sầu muộn.

Brāhmaṇo: Là đã chấm dứt mọi Lậu hoặc như ái dục… tự mình cầm gươm chặt đứt, tức A La Hán mới ra đi không sầu muộn.

Dứt Pháp thoại, nhóm Tỳ khưu ấy chứng quả A La Hán.

Dve ca sotthiye: Là cả hai ông vua.

Bài kệ thứ hai Đức Phật thuyết về cả hai vị vua giai cấp và Bà la môn tiêu biểu cho thường kiến và đoạn kiến, vì Ngài là Bậc tối thượng Pháp Vương, nên Ngài có thiện xảo trí thuyết.

Bậc trí nên hiểu câu Veyyagghapañcamaṃ: Con đường nguy hiểm là chỗ có nhiều cọp thường lui tới, sự đi lại rất khó khăn, pháp triền cái chỉ về con đường nguy hiểm, trong ấy hoài nghi hay tâm bất quyết là chướng ngại thứ năm trong năm chướng ngại, hoài nghi là một chướng ngại được ví như con đường thế ấy.

Bài kệ thứ hai giải: “Những người tiêu diệt 5 chướng ngại bằng gươm A La Hán, do đó ra đi không sầu muộn”.

Những câu sau như trên.

Dịch Giả Cẩn Đề
Đại đức Bé Hiền giết mẹ cha,
Chém luôn hai chúa, chẳng dung tha,
Quần thần vương quốc đều tru diệt,
Rồi sống ung dung cạnh Phật đà,
Tăng khách ngại ngùng nghĩ chẳng ra,
Ái tham là mẹ, mạn là cha,
Hai vua: đoạn kiến hay thường kiến,
Lục tặc: Tôi loàn, chớ khá tha!
Gươm báu vung lên, ánh sáng lòa,
Vô sanh đạo tuệ sát quần ma,
Chém tên hổ tướng hoài nghi trước,
Bát chánh thông thường, bé lại qua…
DỨT TÍCH TRƯỠNG LÃO LAKUṆṬAKABHADDIYA

Nguồn : Source link

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 8

Post Views: 787