Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV 

 

Phẩm Tạp Lục: Tích Tỳ Khưu Vajīputta

“Dubbajjaṃ durabhiramaṃ
Durāvāsā gharā dukhā
Dukkho samānasaṃvaso
Dukkhānupatitaddagū
Tasmā na c’addhagū siyā
Na ca dukkhānupatito siyā”.

“Vui hạnh xuất gia khó,
Tại gia sinh hoạt khó,
Sống bạn không đồng, khổ.
Vậy chớ sống luân hồi,
Chớ chạy theo đau khổ”.

Khi bậc Đạo Sư ngự tại Vesalī trong Đại Lâm, đề cập đến vị Tỳ khưu là con vua Vajjī, thuyết lên kệ ngôn nầy.

Các vị Luận Giải Sư giảng ý nghĩa: Vị Tỳ khưu con vua Vajjī nầy sống một mình độc cư trong rừng, gần thành Vesālī. Vị ấy nghe văng vắng tiếng đàn hát từ thành vọng đến, lấy làm bất mãn mới thốt lên bài kệ:

“Ta sống độc cư trong rừng sâu
Như khúc gỗ người vất hố sâu
Đêm về tiếng hát vọng từ đâu?
Có ai sánh cùng ta đâu”.

Được nghe rằng: Vị Tỳ khưu ấy là Hoàng tử xứ Vajjī, đã từ bỏ lầu son, điện ngọc đi xuất gia. Một hôm khắp kinh thành Vesalī treo cờ xí trang trí kinh đô rực rỡ, mừng đại hội. Có 7707 vị vua cùng triều thần các xứ và cả Tứ Đại Thiên Vương đến dự, cuộc lễ diễn ra suốt đêm ngày. Hôm ấy là đêm rằm, nhằm lúc sen nở, bầu trời đầy trăng sao, vị nầy đi kinh hành liên tiếp, bỗng nghe khúc khải ca từ xa vọng đến, chạnh lòng Tăng sĩ, nên đã nói lên như vậy.

Chư thiên ngự tại đó nói lên bài kệ như sau:
“Người sống độc cư trong rừng
Như khúc gỗ bị ngươi vứt bỏ
Thích thú khoái lạc đưa địa ngục
Thích thú hành thiện đến cõi trời”.

Vị ấy nghe bài kệ nầy động tâm, sáng ngày vào yết kiến Bậc Đạo Sư. Đức Thế Tôn hiểu rõ sự kiện nầy, Ngài biết rõ rằng đời sống tại gia là đau khổ, nên sách tấn vị ấy bằng kệ ngôn rằng:

302. Xuất gia là khó, thỏa thích trong sự xuất gia là khó. Đời sống tại gia là khó và đau khổ. Liên kết với người không tương hợp là đau khổ. Đau khổ đến với khách lữ hành (trong vòng luân hồi). Vậy chớ nên làm khách lữ hành, chớ nên làm người chạy theo đau khổ”.

CHÚ GIẢI:
Dubbajjaṃ: là sự từ bỏ tài sản ít hay nhiều, hoặc là thân quyến để xuất gia (hiến dâng) cho Đạo Pháp là khó làm.

Durabhiramaṃ: là người nam tử đi xuất gia, đi khất thực thích thú trong giới hạnh, dù chưa thực hành pháp trọn vẹn, là đã khó rồi.

Durāvāsa: là phận sự của vị vua cai trị Minh Chánh, Bậc Sa môn, Bà la môn hành đúng pháp mới tế độ. Dù vậy đời sống tại gia là khó, giống như cái nồi ở biển sâu. Vì vậy trong gia đình nếu không khéo lãnh đạo sẽ sanh khổ.

Dukkho samānasaṃvāso: dù người cư sĩ giai cấp, gia đình, tài sản đồng nhau và khi xuất gia là đồng giới hạnh, đa văn đều tương xứng. Nhưng chỉ hỏi rằng: Ông ấy là ai? Tôi là ai? Cốt ý tìm hiểu như vậy, sự sống chung không tương xứng là đau khổ.

Dukkhānupatitaddhagū: là đau khổ đến với khách lữ hành đi đường xa, là luân hồi. Vậy khách lữ hành chớ nên chạy theo đau khổ như đã giải trên.

Sau khi Đức Thế Tôn thuyết về năm sự khổ, vị Tỳ khưu ấy chấm dứt thập phần kiết sử, chứng quả A La Hán.

Dịch Giả Cẩn Đề
Chán cảnh vương hầu quyết xuất gia,
Vào rừng xa lánh bụi phồn hoa,
Trăng tròn, trống phách vàng lồng lộng,
Giục khách thiền lâm chạnh nỗi nhà…
Xuất gia là việc khó đầu tiên,
Tuy vượt qua rồi, khó được yên,
Đường đạo còn bao nhiêu phận sự,
Làm xong mới giũ sạch ưu phiền,
Nếu muốn vất ra chẳng dễ gì,
Này là sản nghiệp, nọ thê nhi!
Làm vua, làm tớ đều lo lắng,
Thế lộ thăng trầm, lắm kẻ đi…
Hành giả chuyên tu hạnh đầu đà,
Vì người đồng đẳng kiếm không ra,
Sống không đồng đẳng ngày thêm khổ,
Kẻ thấp, người cao, khó cộng hòa,
Có khổ nào hơn khổ luân hồi?
Sáu đường, ba cõi mãi lăn trôi,
Tam tai, bát nạn đều quen mặt,
Cho đến bao giờ hết chấp “tôi”.
Cái khổ là chân lý thánh nhân,
Người minh sát khổ thoát mê tân,
Nghe lời Phật dạy rành năm khổ,
Vương tử Tỳ khưu tỉnh mộng trần.
DỨT TÍCH TỲ KHƯU VAJJĪPUTTA

Nguồn : Source link

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 49

Post Views: 405