Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV 

 

Phẩm Tỳ Khưu: Tích Nhiều Vị Tỳ Khưu

368. “Mettāvihārīyo bhikkhu,

Pasanno buddhasāsane;
Adhigacche padaṃ santaṃ,
Saṅkhārūpasamaṃ sukhaṃ”.
369. “Siñca bhikkhu imaṃ nāvaṃ,
Sittā te lahumessati;
Chetvā rāgañca dosañca,
Tato nibbānamehisi”.

“Tỳ kheo trú Từ Bi,

Tín thành giáo Pháp Phật,
Chứng cảnh giới tịch tịnh.
Các hạnh an tịnh lạc”.
“Tỷ kheo, tát thuyền nầy,
Thuyền không, nhẹ đi mau.
Trừ tham, diệt sân hận,
Tất chứng đạt Niết Bàn”

370. “Pañca chinde pañca jahe,
Pañca cuttari bhāvaye;
Pañca saṅgātigo bhikkhu,
“Oghatiṇṇo”ti vuccati”.

“Đoạn năm, từ bỏ năm,
Tu tập năm tối thượng,
Tỷ kheo cắt năm trói,
Xứng danh vượt “bộc lưu””.

371. “Jhāya bhikkhu, mā pamādo,

Mā te kāmaguṇe ramessu, cittaṃ.

Mā lohaguḷaṃ gilī pamatto,

Mā kandi “dukkhamidan”ti ḍayhamāno”

“Tỷ kheo hãy tu thiền,

Chớ buông lung phóng dật,

Tâm chớ đắm say dục,.

Phóng dật, nuốt sắt nóng,

Bị đốt, chớ than khổ!”.

“Không trí tuệ, không thiền,
Không thiền, không trí tuệ.
Người có thiền có tuệ,
Nhất định gần Niết Bàn”.

372. “Natthi jhānaṃ apaññassa,
Paññā natthi ajhāyato,
Yamhi jhānañca paññā ca,
Sa ve nibbānasantike”.

373. “Suññāgāraṃ paviṭṭhassa,

Santacittassa bhikkhuno;
Amānisī rati hoti,
Sammā dhammaṃ vipassato”.
374. “Yato yato sammasati,
Khandhānaṃ udayabbayaṃ;
Labhatī, pītipāmojjaṃ,
Amataṃ taṃ vijānataṃ”.

“Bước vào ngôi nhà trống,

Tỷ kheo tâm an tịnh,
Thọ hưởng vui siêu nhân,
Tịnh quán theo chánh pháp”.
“Người luôn luôn chánh niệm,
Sự sanh diệt các uẩn,
Được hoan hỷ, hân hoan,
Chỉ bậc bất tử biết”.

375. “Tatrāyamādi bhavati,

Idha paññassa bhikkhuno;
Indriyagutti santuṭṭhi,
Pātimokkhe ca saṃvaro”.

376. “Mitte bhajassu kalyāṇe,
Suddhājīve atandite;

Paṭisanthāravutyassa,
Ācārakusalo siyā.
Tato pāmojjabahulo,
Dukkhassantaṃ karissati”.

“Đây Tỷ kheo có trí,

Tu tập pháp căn bản,
Hộ căn, biết vừa đủ,
Gìn giữ căn bản giới,
Thường gần gũi bạn lành,
Sống thanh tịnh tinh cần”.
Giao thiệp khéo thân thiện,
Cử chỉ mực đoan trang.

Do vậy hưởng vui nhiều,
Sẽ dứt mọi khổ đau.

Kệ Pháp Cú nầy Đức Thế Tôn ngự tại Jetavana, đề cập đến nhiều vị Tỳ khưu, thuyết lên Pháp thoại nầy. Tương truyền rằng: Vào thời Đức Phật hiện tại, khi Trưởng lão Mahākaccāyana ngự ở trên thôn trang thuộc xứ Avaṅtī, trong núi Pavatta. Có người cận sự nam tên là Soṇakuṭikaṇṇa đã tịnh tín nơi Pháp Bảo của Ngài, khởi tâm chán nản muốn được xuất gia nơi Ngài. Trưởng lão giải thích rõ đời sống Phạm Hạnh có nhiều sự khó khăn, hai lần giải thích như vậy:

– Nầy Soṇa, đời sống Phạm Hạnh là ngày chỉ dùng có một bữa thôi, ngủ một mình trọn đời, đó là điều mà người khó hành trì.

Nhưng Soṇa có tâm xuất gia mãnh liệt, chàng đã xin được xuất gia đến chùa thứ ba. Và Trưởng lão đã cho xuất gia Sa di. Ba năm sau Soṇa mới được thọ Cụ Túc giới vì trong xứ Avaṅtī rất ít Tỳ khưu.

Sau khi Thọ Cụ Túc Giới, Soṇa muốn lên đường đến kinh thành Sāvatthī để yết kiến Bậc Đạo Sư, Tỳ khưu Soṇa đến xin phép thầy Tế độ, được thầy chấp thuận và Tỳ khưu Soṇa lên đường, mang theo lời đảnh lễ cùng với những điều xin phép Đức Thế Tôn của Bậc Tế Độ Sư của mình.

Tuần tự du hành, Tỳ khưu Soṇa đến kinh thành Sāvatthī, Ngài đi vào Tịnh xá Jetavana, yết kiến Đức Thế Tôn, sau khi được Đức Thế Tôn ân cần thăm hỏi, Bậc Đạo Sư cho phép Tỳ khưu Soṇa được phép ngụ chung trong Hương Thất với Ngài. Trong đêm ấy, Tỳ khưu Soṇa phần lớn là ở ngoài trời trọn canh đầu, đến giữa đêm mới vào Hương Thất. Rồi khi rạng đông, Đức Đạo Sư phán bảo Soṇa rằng:

– Nầy Soṇa, hãy tụng đọc Pháp đi.

Ngài Soṇa liền tụng thuộc lòng 16 bài Kinh trong phẩm thứ tám. Khi Ngài vừa tụng dứt, Đức Thế Tôn ban lời khen thưởng tùy hỷ rằng: “Sādhu! Sādhu”. Nghe Đức Thế Tôn tán dương Tỳ khưu Soṇa, chư thiên địa cầu, Kim Xí Điểu, Long vương cũng đồng thanh tán dương Sādhu, sādhu. Tiếng tán dương vang động đến Trời Phạm thiên rồi có vị Thiên tử ngự trong nhà mẹ Soṇa cũng tán thán Sādhu, nơi ấy cách kinh thành Sāvatthī 120 do tuần. Nghe tiếng tán thán của vị Thiên tử ấy, mẹ Ngài Soṇa hỏi rằng:

– Tiếng ai Sādhu thế?

– Nầy nàng Đại tín nữ, đó là tiếng của tôi.

– Người là ai?

– Tôi là vị Thiên tử ngụ ở trong nhà nầy.

– Vì sao từ trước đến giờ, Ngài không tán thán tôi, nay lại tán thán tôi như thế.

– Nầy nàng, ta đâu có tán thán nàng.

– Thế thì Ngài tán thán ai?

– Ta tán thán Ngài Soṇakuṭikaṇṇa con của nàng.

– Con của tôi đã làm gì mà Ngài tán thán?

– Hôm nay Ngài Soṇa ngụ chung Hương Thất với Đức Thế Tôn, và đã thuyết pháp cho Đức Thế Tôn nghe. Đức Thế Tôn tán thán Ngài Soṇa bằng tiếng Sādhu. Chư thiên đều hưởng ứng lời nầy, nên tôi cũng tán thán Ngài Soṇa. Tiếng tán thán đã vang từ địa cầu đến Phạm thiên giới.

– Thưa chư thiên, chẳng hay con tôi thuyết pháp cho Đức Thế Tôn nghe, hay Đức Thế Tôn thuyết pháp cho con tôi nghe?

– Con của bà thuyết pháp cho Đức Thế Tôn nghe.

Nghe Thiên nhân đáp như thế, bà tín nữ phát sanh năm loại phỉ lạc, lan tỏa khắp châu thân. Nàng suy nghĩ rằng: “Nếu con ta ở chung Hương Thất của Bậc Đạo Sư và thuyết pháp đến Ngài được, thì con ta sẽ thuyết pháp đến ta được. Khi con ta đến, ta sẽ thỉnh cầu thuyết pháp cho ta nghe”.

Riêng về Trưởng lão Soṇa, sau khi Đức Thế Tôn ban lời khen thưởng rồi, Ngài suy nghĩ rằng:

– Đây là thời hợp lẽ, ta nên trình bày sự việc mà Tế Độ Sư của ta giao phó.

Trưởng lão Soṇa nhân danh Thầy Tế Độ là Trưởng lão Mahā Kaccāyana, bạch xin năm điều nơi Đức Thế Tôn là:

1- Xin được thọ Cụ Túc giới với nhóm Tăng 5 vị.
2- Xin được mang dép nhiều lớp.
3- Xin được tắm thường xuyên.
4- Xin được dùng đồ trải bằng da.
5- Nếu có người dâng y ở ngoài Sīmā, xin được phép thọ lãnh.

Đức Thế Tôn chuẩn y bốn điều đầu tiên được thực thi ở nơi biên địa Trung Ấn. Sau khi trú tại Jetavana được đôi ngày, Trưởng lão Soṇa bạch với Đức Thế Tôn rằng: “Bạch ThếTôn! Con sẽ trở về thăm Tế Độ Sư”.

Sau khi đảnh lễ Đức Đạo Sư, Tỳ khưu Soṇa từ giã Đức Thế Tôn, tuần tự du hành về đến xứ Avaṇtī thăm viếng Tế Độ Sư.

Sáng hôm sau, Trưởng lão Mahākaccāyana cùng Tỳ khưu Soṇakūṭikaṇṇa đi khất thực nơi gia tộc mình. Mẹ Soṇa thấy con trở về, khởi tâm hoan hỷ cúng dường trọng thể và hỏi rằng:

– Bạch Sư! Được biết rằng Sư ngụ chung hương thất với Đức Đạo Sư, và đã thuyết pháp cho Ngài nghe phải vậy chăng?

– Điều nầy ai đã thuật lại cho thân mẫu biết vậy?

– Bạch Sư, có vị Thiên nhân ngụ trong nhà nầy, đã sādhu tán dương Sư. Khi ấy tôi hỏi rằng: “Ai đó?”.

– Vị ấy đáp “Thưa tôi” và đã thuật lại câu chuyện ấy cho tôi nghe. Tôi thầm nghĩ: “Nếu con ta thuyết pháp đến Đức Thế Tôn được, thì sẽ thuyết pháp cho ta được.

Vậy khi con ta về ta sẽ thỉnh con ta thuyết pháp cho ta nghe”. Bạch Sư, khi Sư thuyết pháp đến Bậc Đạo Sư nghe được, thì Sư hãy thuyết pháp đến tôi được. Vào ngày đó, tôi sẽ thỉnh trai tăng và nghe Pháp của Sư.

Tỳ khưu Soṇakūṭikaṇṇa nhận lời. Bà tín nữ suy nghĩ:

– Ta sẽ cúng dường đến chư Tỳ khưu, rồi sẽ đi nghe Pháp nơi con ta.

Bà giao phó mọi việc trong nhà cho người nữ tỳ thân tín, bà dẫn đoàn gia nhân đi đến Tịnh xá, và vị Pháp Sư là Tỳ khưu Soṇa đang ngồi giữa Pháp tòa của ngôi nhà nóc nhọc mà bà đã kiến tạo dâng cúng đến chư Tăng.

Vào thời điểm ấy có 900 tên cướp, chúng từ lâu dò xét trang viên của bà tín nữ ấy, chờ dịp bà sơ hở sẽ đánh cướp tài sản của bà. Ngôi nhà của bà tín nữ ấy được canh phòng bởi 7 vòng rào, với 7 cánh cửa ra vào độc nhất.

Mỗi cánh cửa được hai con chó hung dữ canh chừng, dưới chân rào bà cho đào những mương hố, đổ chất gang nóng chảy xuống dưới, ban ngày thì gang chảy ra dưới ánh sáng mặt trời. Còn ban đêm thì đông đặc lại, người rớt xuống có thế bị đứt chân. Bà lại cho đặt chông nhọn ở mỗi cửa làm bẫy sập. Chỉ có con đường nhỏ là an toàn thôi. Bọn cướp không thể đột nhập vào ngôi nhà được do sự canh giữ nghiêm phòng như thế.

Hôm ấy, chúng được tin bà tín nữ cùng gia nhân đến Tịnh xá nghe Pháp, lập tức chúng kéo nhau đến cướp tài sàn của bà ta, chúng sắp xếp như vậv: “Nếu bà tín nữ hay tin trở về, tên Chánh đảng sẽ chận giết chết bà ta ngay tại cửa”. Tên chánh đảng núp một nơi gần đó.

Bọn cướp thắp sáng cả trang viên, rồi mở kho tiền ra khuân. Người tớ gái thấy thế, vội đến tịnh xá báo tin rằng:

– Thưa bà, bọn cướp đánh chiếm tài sản, chúng đang khuân kho tiền.

– Cứ để bọn cướp khuân vác theo ý chúng thích. Hãy để yên cho ta nghe Pháp của con ta. Ngươi đừng làm hại đến Pháp thoại của ta, hãy trở về đi.

Bọn cướp khuân xong kho tiền, chúng tiếp tục đi đến kho bạc và cùng nhau khuân ra, tiếc của cho chủ, người nữ tỳ lại chạy đến Tịnh xá báo tin rằng:

– Thưa chủ! Bọn cướp đang đánh cướp kho bạc rồi.

– Hãy để yên ta nghe Pháp, bọn chúng cứ lấy gì mà chúng muốn.

Tiếp đến bọn cướp lấy đến kho vàng, người nữ tỳ lại nóng lòng với tài sản của chủ, chạy đến Tịnh xá báo tin rằng:

– Thưa chủ, bọn cướp đã lấy đến kho vàng.

– Ta đã bảo bọn chúng muốn lấy gì thì lấy tùy thích, ngươi cứ quấy rầy sự nghe pháp của ta mãi. Nếu ngươi còn đến quấy rầy ta nữa, ta sẽ trị tội đấy. Hãy trở về đi.

Bấy giờ, người nữ tỳ trở về bảo với bọn cướp rằng:

– Chủ ta bảo các ngươi muốn lấy gì thì cứ lấy tùy thích, chủ ta không màng đâu, vì bà còn đang nghe Pháp nơi con mình.

Nghe vậy, tên Chánh đảng có sự suy nghĩ rằng:

– Chúng ta đã tạo nghiệp nặng rồi, chúng ta lấy tài sản của người có đức hạnh như thế, tai hại sẽ giáng xuống đầu chúng ta thôi. Đầu chúng ta sẽ bể thành bảy mảnh chẳng sai.

Nghĩ như thế, tên chánh đảng ra lịnh cho tùy tùng khuân trả lại những tài sản đã đánh chiếm được. Được nghe rằng: “Pháp hằng hộ trì người hành pháp như thế, đó là lẽ thường”. Vì thế, Đức Thế Tôn có thuyết giảng rằng: “Pháp thường hộ trì người hành pháp: người khéo hành trì Pháp sẽ đem lại an lạc, đây là phước báu mà người khéo thực hành Pháp. Người thường hành trì Pháp sẽ không thối đọa”.

Bọn cướp cùng nhau đi đến Tịnh xá để sám hối với bà Tín nữ. Và bọn chúng đứng lặng yên để nghe Pháp. Ngài Soṇa thuyết pháp cho đến rạng sáng. Ngài rời Pháp tọa, khi ấy 900 tên cướp đồng đi đến trước mặt bà tín nữ, quỳ xuống đảnh lễ, bạch rằng:

– Thưa bà! Xin bà hãy tha thứ tội lỗi cho chúng tôi.

– Nầy các ông, chuyện chi vậy?

– Chúng tôi đã cột oan trái cùng với bà, chúng tôi đã toan cướp tài sản của bà và sát hại cả bà nữa.

– Nầy các ông, nếu thế tôi sẽ cho các ông sám hối vậy.

Tên chánh đảng nói:

– Thưa bà, nếu bà đã thứ lỗi cho chúng tôi, thì xin bà hãy cho chúng tôi được xuất gia với con bà đi.

Bà tín nữ đảnh lễ Tỳ khưu Soṇa, rồi bạch rằng:

– Bạch Sư, bọn cướp nầy đã tịnh tín do đức hạnh của tôi, và chúng được nghe Pháp của Sư, chúng xin được xuất gia với Sư, vậy Sư hãy từ bi tế độ cho chúng đi.

– Nầy thân mẫu, được thôi.

– Ngài Soṇa cho sửa chữa lại y phục trở thành những tấm y ca sa, nhuộm y ấy trở thành hoại sắc bởi bùn đen, rồi Ngài cho 900 tên cướp xuất gia, thọ trì Giới luật. Khi bọn chúng thọ cụ túc giới xong, Ngài Soṇa chia mỗi nhóm thành 100 người, tổng cộng là 9 nhóm, dạy đề mục nghiệp xứ cho họ. 900 vị Tỳ khưu ấy học đề mục nghiệp xứ khác nhau, rồi đi tìm đến một ngọn núi, ngồi dưới cội cây mà hành Pháp.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ngồi nơi Tịnh xá Jetavana, cách xa 120 do tuần. Ngài quán thấy duyên lành của 900 vị Tỳ khưu ấy, nhận định pháp duyên của những vị ấy, Ngài phóng hào quang đến trước mặt các vị ấy, lần lượt Ngài nói lên 9 kệ ngôn cho chín nhóm Tỳ khưu.

CHÚ GIẢI:
Cắt đứt năm: nghĩa là cắt đứt năm hạ phần kiết sử là: Thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, dục ái và sân.

Từ bỏ năm: là năm thượng phần kiết sử: Ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật và vô minh.

Tu tập năm: là tu tập ngũ quyền hay ngũ lực: Tín, tấn, niệm, định và tuệ.

Mettāvihārī: là người tu tập hạnh từ tâm, hoặc khiến cho ba hay bốn bậc Thiền sanh khởi theo năng lực của từ tâm, được gọi là người hằng trú trong từ tâm thật sự.

Pasanno: là vị Tỳ khưu đã tịnh tín, nghĩa là thường vun bồi đức tin trong Phật Giáo vậy.

Padaṃ santaṃ: đó là tên gọi của Níp Bàn. Thật vậy, vị Tỳ khưu như vậy thì chứng đạt, nghĩa là thường thấy được Níp Bàn, là phần an tịnh tuyệt đối. Gọi là đình chỉ các hành vì các hành đã được đình chỉ, tức Níp Bàn, nghĩa là an lạc, vì đó là an lạc tối thượng.

Siñca bhikkhu imaṃ nāvaṃ: nghĩa là nầy Tỳ khưu, ngươi hãy tát nước thuyền, thuyền tức là xác thân nầy, nước là tà tư duy.

Sittā te lahumessati: nghĩa là ví như chiếc thuyền đầy nước trong biển mà họ đã tát sạch, khi tát nước sạch rồi thuyền có thể nhẹ nhàng, không bị chìm sẽ đi nhanh đến nơi. Thuyền là xác thân, nước là tà tư duy, người tát sạch nước rồi là người không còn tà tư duy, do nhờ thu thúc các môn như nhãn môn… bằng sự phòng hộ tát sạch tà tư duy, xác thân sẽ nhẹ nhàng không bị chìm trong biển luân hồi và sẽ đến Níp Bàn nhanh chóng.

Chetvā…: nghĩa là ngươi hãy cắt đứt vòng trói buộc là tham và sân, khi đã cắt đứt vòng trói buộc rồi thì sẽ chứng đạt A La Hán, nghĩa là từ đó trở đi sẽ chứng Vô Dư Níp Bàn.

Раñса chinde: tức là hãy cắt đứt năm hạ phần kiết sử bằng Ba Đạo thấp, vì đó là nhân làm chúng sanh rơi vào khổ cảnh, giống như người cắt đứt sợi dây trói chân bằng gươm bén.

Pañca jahe: là hãy từ bỏ, cắt đứt năm thượng phần kiết sử bằng A La Hán đạo, vì đó là nguyên nhân khiến chúng sanh luân hồi trong cõi Thiên giới, ví như người cắt đứt sợi dây trói cổ vậy.

Pañca cuttari bhãvaye: là hãy tu tập 5 quyền như tín quyền… để từ bỏ những kiết sử thượng phần.

Pañca saṅgātigo: nghĩa là nếu như thế, Tỳ khưu sẽ vượt qua được năm loại phiền não là tham, sân, si, mạn và kiến. Bậc Đạo Sư gọi người ấy là: “Người đã vượt qua Tư Bộc thật sự”.

Jhãya bhikkhu: nghĩa là nầy Tỳ khưu, ngươi hãy tinh cần với hai loại Thiền và chớ nên là người có sự dễ duôi với thân hành, khẩu hành và ý hành.

Dhamassu: là tâm của người dừng xoay vần theo năm dục.

Mā lohaguḷaṃ: nghĩa là người dễ duôi do thất niệm bằng nuốt sắt nóng trong địa ngục, vì thế ta mới nói với ngươi, ngươi chớ nên dễ duôi nuốt hòn sắt nóng, và bị đốt trong lửa địa ngục. Có sự than khóc rằng: “Đây là khổ”.

Natthi jhānaṃ: nghĩa là thiền định thường không phát sanh với người thiếu trí, vì trí tuệ là nhân tinh tấn khiến thiền định phát sanh.

Natthi paññā: nghĩa là trí tuệ có tướng mà Đức Thế Tôn phán dạy rằng: Vị Tỳ khưu có tâm vững chắc thường biết rõ, thường thấy rõ theo sự thật: “Hằng không có với người không chuyên cần”.

Yamhi jhānañca paññā ca: nghĩa là thiền định và trí tuệ, cả hai có với người nào, người ấy gọi là gần với Níp Bàn.

Suññāgāraṃ paviṭṭhassa: tức là người thường xuyên hành nghiệp xứ nơi thanh vắng.

Santacittassa: là người có tâm an tịnh.

Sammā…: nghĩa là sự an lạc không có trong loài người, tức Minh sát hay sự an lạc thiền, tức là Tám Bậc Thiền hằng có, tức là thường phát sanh cho người giác ngộ các pháp nhân quả.

Yato yato sammasati: nghĩa là hành 38 đề mục bằng cách nào, tức là hành trong các thời như: Trong giờ thọ thực… bằng cách thích hợp với mình, hay với đề mục nghiệp xứ thích hợp với mình, gọi là thường quán xét thấy rõ.

Udayabbayaṃ: tức là sự sanh của năm uẩn do 25 tướng, và sự diệt của năm uẩn cũng do 25 tướng.

Pītipāmojjaṃ: là khi đã quán xét sự sanh diệt của năm uẩn như vậy, gọi là thường có sự phỉ lạc trong Pháp và sự hân hoan trong Pháp.

Amataṃ: nghĩa là khi danh sắc cùng với duyên hiện bày thì phỉ lạc và hân hoan phát sanh, gọi là người liễu tri bất tử, là bậc trí thật sự. Vì phỉ lạc và hân hoan là Pháp đưa chúng sanh đến bất Tử Đại Níp Bàn.

Tatrāyamādi bhavati: nghĩa là đây là phần khởi đầu, tức là sự phỉ lạc và sự hân hoan, là nền tảng khởi đầu cho Bất Tử Pháp.

Idha paññassa: tức là đối với vị Tỳ khưu trí tuệ trong Giáo Pháp nầy.

Bấy giờ, Đức Đạo Sư thuyết về nền tảng khởi đầu rằng: “Ādi” đó, Ngài mới nói câu: Indriyagutti: Thật vậy, Tứ Thanh Tịnh Giới đó được gọi là nền tảng khởi đầu.

Sự phòng hộ các căn đó được gọi là Indriyagutti trong bày kệ nầy. Sự tri túc với Tứ vật dụng được gọi là: Santuṭṭhi. Giới nuôi mạng chân chánh (Ājīvaparisuddhisīla), Giới quán tưởng thanh tịnh trong khi thọ dụng bốn món vật dụng (Paccayasannissitasīla). Bậc Đạo Sư phán với câu Santuṭṭhi đó.

Sự hành toàn vẹn trong giới cao thượng là Giới Bổn. Bậc Đạo Sư phán với câu Pāṭimokkha.

Mitte bhayassa kālyāṇe: nghĩa là người từ bỏ bạn ác có các hành vi nên từ bỏ, hãy giao du với bạn lành, là người có chánh mạng trong sạch, và gọi người không biếng nhác do nỗ lực nuôi mạng sống.

Paṭisanthāravutyassa: tức là hãy nhiệt tình chào hỏi tiếp đãi, là người tiếp đãi với phần vật chất và Pháp. Đó gọi là người nhiệt tình chào hỏi tiếp đãi.

Ācāsakusalo: nghĩa là Giới cũng được gọi là tế nhị, cho đến phận sự cũng gọi là tế nhị, hãy là người khôn khéo, nghĩa là có phong cách tế nhị.

Tato pāmojjabahulo: nghĩa là người sẽ được tràn đầy sự hân hoan do phát sanh phỉ lạc của Pháp, do sự chào hỏi tiếp đãi và có phong cách tế nhị đó, mới chấm dứt được mọi khổ luân hồi. Trong chín kệ ngôn mà Đức Thế Tôn tuyên thuyết, khi dứt một kệ ngôn thì có 100 Tỳ khưu chúng đạt A La Hán Quả cùng với Tuệ Phân Tích. Các vị Thánh Nhân Vô Lậu ấy, ngay nơi mình ngồi bay lên hư không đi đến Tịnh xá Jetavana cách đó 120 do tuần, đảnh lễ dưới chân Bậc Đạo Sư.

Dịch Giả Cẩn Đề
Chờ đến ba năm mới xuất gia,
Vì miền biên địa thiếu Tăng già,
Tỳ khưu Xô Ná tân hoan hỷ,
Về đến Kỳ Viên lễ Phật Đà,
Thuyết kệ Phật nghe, Phật tán dương,
Tiếng khen vang dội, khắp thiên đường,
Chư thiên ngự tại nhà tín nữ,
Kể lại bà nghe chuyện khác thường!
Mẹ của Tỳ khưu đợi con về,
Thỉnh Thầy thuyết pháp để bà nghe,
Trong giờ thính pháp nghe vui thích,
Thức cả đêm trường chẳng mỏi mê?
Chín trăm tên cướp chiếm nhà bà,
Vơ vét xong rồi lại bỏ ra,
Sám hối, xin tu cùng Đại Đức,
Hành thiền đắc pháp thấy Phật xa,
Phật dạy: Tỳ khưu nhiếp lục căn,
Vẹn gìn giới bổn, bạn hiền năng,
Sống đời phạm hạnh, tâm trong sáng,
Tự tại an nhiên, đạt Niết Bàn.
DỨT TÍCH NHIỀU VỊ TỲ KHƯU

Nguồn : Source link

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 27

Post Views: 275