Tích Vị Tỳ Khưu Kokālika tái sinh Địa Ngục và câu chuyện tiền kiếp lập lại
Tích Vị Tỳ Khưu Kokālika tái sinh Địa Ngục và câu chuyện tiền kiếp lập lại
“Yo mukhasaṃyato bhikkhu,
Mantabhāṇī anuddhato;
Atthaṃ dhammañca dīpeti,
Madhuraṃ tassa bhāsitaṃ”.
“Tỳ kheo chế ngự miệng,
Vừa lời, không cống cao,
Khi trình bày pháp nghĩa,
Lời lẽ dịu ngọt ngào”.
Pháp Cú nầy được Đức Thế Tôn thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến Tỳ khưu Kokālika.
Câu chuyện nầy trong Tạng Kinh ghi rằng: “Lần ấy, Tỳ khưu Kokālika đã đi đến yết kiến Đức Đạo Sư…”. Câu chuyện nầy, bậc trí hãy hiểu theo nghĩa thuyết của nhà chú giải. Khi Tỳ khưu Kokālika tái sanh vào địa ngục, chư Tỳ khưu cùng nhau ngồi hội họp tại Giảng Pháp đường, bàn luận rằng:
– Ồ! Tỳ khưu Kokālika đã bị tổn hại, do đã lăng mạ hai vị Thượng Thủ Thinh Văn là Sāriputta và Moggallāna, nên bị rơi vào địa ngục.
Bậc Đạo Sư đi đến giảng Pháp đường, ngồi vào nơi được soạn sẵn phán hỏi rằng:
– Nầy các Tỳ khưu! Các ngươi ngồi hội họp cùng nhau bàn luận về vấn đề gì? Chư Tỳ khưu trình lên Đức Thế Tôn câu chuyện đang bàn luận, Bậc Đạo Sư
phán rằng:
– Nầy các Tỳ khưu, chẳng phải bây giờ Tỳ khưu Kokālika bị tổn hại đâu, trong quá khứ Kokālika cũng bị tổn hại như vậy rồi.
Theo lời thỉnh cầu của chư Tỳ khưu, Đức Thế Tôn thuyết giảng Bổn sanh như vầy: Vào thời quá khứ có một con rùa sống tại một hồ nước xanh, trong rừng Tuyết Lãnh. Bấy giờ có đôi hạc thường bay đến hồ nước ấy tìm vật thực, đôi hạc kết bạn với con rùa ấy. Một hôm, đôi hạc hỏi con rùa rằng:
– Bạn ơi! Nhà của tôi ở hang núi Gittakūṭa trong rừng Tuyết Lãnh. Bạn có muốn đi với chúng tôi chăng?
– Nầy bạn! Tôi sẽ đi với phương tiện nào bây giờ.
Chúng tôi sẽ mang bạn đi, nếu bạn giữ được miệng mình.
– Bạn ơi! Tôi sẽ giữ, xin bạn hãy mang tôi đi đi.
– Được thôi! Nầy bạn.
Rồi đôi hạc cho rùa ngậm giữa khúc cây, còn hai con thì ngậm hai đầu, đồng cất cánh bay lên. Khi bay ngang qua kinh thành bọn trẻ trông thấy con rùa như vậy, chúng reo lên rằng:
– Hai con hạc đem con rùa đi bằng khúc cây.
Nghe như thế, con rùa muốn thốt lên rằng: “Bạn ta mang ta đi, ta cần gì chúng bây nói chứ, đồ ngu si”. Nó liền mở miệng để trả lời, lập tức nó rơi xuống đất. Bấy giờ hai con hạc đang bay ngang Hoàng cung thành Bārāṇasī, con rùa rơi xuống sân chầu bể ra làm hai mảnh mà chết. Đức Thế Tôn thuyết giảng Bổn Sự xong rồi, Ngài liền thuyết giảng tiếp Bổn Sanh Bahubhāṇi trong Dukanipāta với chi tiết rằng: “Con rùa thốt lên lời nói, tự giết mình đó vậy. Trong khi khúc cây mà mình đang ngậm chắc rồi, đã giết mình chính với lời nói mình. Thưa bậc nhân chủ, người thấy được nhân ấy rồi, hãy nói lên thiện ngôn
hợp thời. Ngài đã thấy con rùa thiệt mạng do nói phi thời (chẳng phải vậy sao ạ?)”.
– Nầy chư Tỳ khưu, lẽ thường vị Tỳ khưu hãy là người thu thúc khẩu hành thường xuyên, chớ nên phóng dật, có tâm an tịnh vậy.
CHÚ GIẢI:
Mukhasaṃyato: Nghĩa là đã thu thúc khẩu, do không nói rằng: Ngươi là dòng hạ tiện, ngươi là kẻ ác giới. Tuy người ấy là nô lệ hay người Chandāla.
Mantabhāṇī: Nghĩa là trí tuệ. Đức Thế Tôn gọi là mantā, Ngài ám chỉ đến trí mà người thường gọi.
Anuddhato: Tức là có tâm an tịnh.
Atthaṃ dhammañca dīpeti: Nghĩa là thường trình bày ý nghĩa Pháp tức là thuyết Pháp.
Madhuraṃ: Nghĩa là văn ngôn của vị Tỳ khưu ấy được gọi là thánh thiện. Còn vị Tỳ khưu nào thuyết y nghĩa thuần nhất, không có Pāli hay có Pāli thuần
nhất mà không có ý nghĩa, hoặc gần không có cả hai. Văn ngôn của vị Tỳ khưu ấy không gọi là thánh thiện.
Dứt pháp thoại nhiều người chứng đắc quả thánh như Quả Dự Lưu…
Dịch Giả Cẩn Đề
Tỳ khưu ác khẩu bị tiêu vong,
Khi mắng hai Ngài Thượng Thủ xong,
Kiếp trước đã từng không giữ miệng,
Nát thây, mất mạng giữa sân rồng,
Hai con hạc bạn rủ rùa đi,
Viếng cảnh tuyết sơn chơi một khi,
Hai hạc hai đầu, rùa chính giữa,
Ngậm cây gậy cứng, vội cao phi…
Lũ trẻ đang chơi, thấy chú rùa,
Hạc đưa bay đến trước đền Vua,
Đồng thay hô lớn, kêu là lạ,
Rùa hả mồm ra để phân bua,
Phật dạy: Tỳ khưu chế ngự lời,
Khéo khôn mở miệng hợp theo thời,
Giảng Kinh thích nghĩa, đừng kiêu mạn,
Dịu ngọt, thanh lương, thuyết phục người.
DỨT TÍCH TỲ KHƯU KOKĀLIKA
Nguồn : Source link
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 14