Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV

Phẩm Voi: Tích Sa Di Sānu

“Idhaṃ pure cittaṃ acāri cārikaṃ “Trước tâm nầy buông lungYena icchakaṃ yatthakāmaṃ yatthāsukhaṃ Chạy theo ái, dục, lạc.Tadajj’ahaṃ niggahessāmi yoniso Hatthippabhinnaṃ viya aṅkusaggaho”. Nay Ta chánh chế ngự, Như cầm móc điều voi”.

Kệ ngôn nầy được Đức đạo Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến Sa di Sānu.

Tương truyền rằng: Sa di tuổi trẻ ấy là con của một cận sự nữ, được mẹ cho xuất gia từ nhỏ. Sau khi xuất gia, vị ấy giữ giới hạnh rất trang nghiêm, luôn làm tròn phận sự với bậc Trưởng thượng như thầy hòa thượng, thầy Giáo thọ và những vị Khách Tăng.

Một tháng tám ngày (bát quan) vị ấy thức dậy sớm, múc nước nhà tắm, quét dọn giảng đường, thắp hương đăng, vị ấy thuyết pháp rất thanh tao, lời nói ngọt ngào tuyệt diệu. Chư Tỳ khưu thường biết Sānu là người có nhiều kiến thức nên thường mời Sa di giảng pháp. Vị ấy không bao giờ viện lẽ mệt mỏi hay bịnh hoạn, luôn sẵn lòng giảng giải, lời nói rất trôi chảy như nước từ hư không đổ xuống, luôn hồi hướng công đức Pháp thí đến cha mẹ. Mọi người đều biết sau thời giảng vị ấy luôn tâm nguyện như vậy.

Một nữ dạ xoa là mẹ kiếp trước của Sa di Sānu, bà cùng chư thiên được Sa di hồi hướng Pháp Thí. Chư thiên giới đức trang nghiêm hằng được chư thiên và nhân loại mến mộ. Do đó, chư thiên rất kính trọng và nể sợ Sa di như vị Đại Phạm Thiên. Cả nữ dạ xoa là mẹ của Sānu cũng kính trọng Sa di, những lúc thính pháp hay hội họp nơi đâu, nữ dạ xoa nhờ năng lực hồi hướng pháp thí của Sānu mà được chư thiên kính trọng. Các nữ dạ xoa khác rất ưu trọng nữ dạ xoa về cung cách như nhường chỗ sang trọng, đãi những loại nước thơm ngon tinh khiết, hoặc những vật thực thượng vị, vì luôn tâm niệm: “Dạ xoa nữ nầy là mẹ của Sa di Sānu”. Dù cho nữ dạ xoa đại uy lực khi thấy nữ dạ xoa nầy cũng kiêng nể mà mở đường nhường chỗ.

Khi đến tuổi trưởng thành, thân hình tráng kiện, bị mùi tục lụy cám dỗ. Sa di chán nản với đời sống đạo hạnh, để tóc và móng tay dài, y bát nhơ nhớp, thui thủi một mình trở về nhà mà chẳng tỏ bày cho ai biết cả, mẹ ông thấy về nhà mới hỏi rằng:

– Khi trước Sư về nhà với chư Tăng hay thầy Hòa Thượng hoặc Giáo thọ sư hoặc bạn đồng phạm hạnh, mà sao hôm nay Sư lại về một mình.

Sa di trình bày sự việc ấy cho mẹ biết. Bà mẹ là tín nữ thuần thành, bà có giải thích về sự khổ của thế tục bằng cách nào đi nữa, Sa di cũng không nghe, vẫn khăng khăng quyết định theo ý mình. Bà mẹ nói:

– Thôi, nếu Sư đã quyết định thì hãy chờ tôi nấu cơm ăn xong rồi, sẽ lựa những loại hàng quý để may đồ theo ý thích của Sư.

Rồi trải chỗ ngồi cho Sa di gần chỗ bà nấu cơm. Trong lúc đó, nữ dạ xoa suy nghĩ: “Sa di đi đâu? Có được vật thực hay chưa?”. Bà thấy được ông đang ở nhà và có ý niệm hoàn tục, nghĩ rằng: “Ông nầy sẽ làm cho ta thẹn với chư thiên, ta phải đến khuyên ngăn chuyện hoàn tục của ông”. Rồi nhập vào Sa di, bẻ cổ mắt trợn ngược, sôi bọt miếng, té sấp dưới đất. Bà mẹ thấy thế hốt hoảng la to rằng: “Ôi nầy Sa di”, rồi ôm con vào lòng. Tất cả mọi người chung quanh tụ lại cúng vái khẩn cầu. Bà tín nữ than khóc bằng kệ ngôn rằng:

“Người thọ trì bát quan
Trong một tháng tám ngày
14,15 và mùng tám
Giữ tròn ngày đưa rước
Thực hành phạm hạnh ấy
Dạ xoa không uy hiếp
Tôi tín thọ lời nầy
Từ những bậc La Hán
Tại sao ngày hôm nay
Tôi thấy các dạ xoa
Bắt Sa di Sānu”.

Nữ dạ xoa nghe bà nói kệ như thế, liền đáp rằng:

“Dạ xoa không uy hiếp
Những người thọ Bát quan
Trong một tháng tám ngày
14,15 và mùng tám
Giữ tròn ngày nguyện xả
Thực hành phạm hạnh ấy
Đó là lời giảng dạy
Của các bậc La Hán
Chân chánh và thuần mỹ”.
Rồi bà nói tiếp rằng:

“Xin bà hãy thuật lại
Những lời của dạ xoa
Cho Sa di Sānu
Tỉnh ngộ và chánh niệm
Ông không nên tạo ác nghiệp
Chỗ thanh vắng hay kín đáo
Một khi ông sắp làm
Hay đang làm một tội nào

Dù ông bay trốn đâu
Cũng không thoát khỏi khổ đau”.

Nữ Dạ xoa nói:
– Một khi đã tạo ác nghiệp, dù có cánh bay như các loài chim cũng không tránh khỏi.

Rồi bà xuất ra.

Sa di tỉnh lại, thấy mẹ xả tóc khóc than và có rất nhiều người láng giềng vây quanh, không biết mình đã bị phi nhơn nhập vào, ông ngạc nhiên hỏi mẹ rằng:

– Khi nãy con ngồi trên ghế, mẹ ngồi nấu cơm gần đây, sao giờ con lại nằm dưới đất. Ông lại hỏi mẹ bằng kệ ngôn rằng:

“Mẹ ơi người ta khóc
Những người chết hay sống?
Ở đây không thấy nói
Mẹ ơi! Mẹ có thấy
Con vẫn còn sống mà
Mà sao lại khóc than
Tại sao vậy hở mẹ”.

Bà liền nói về tai hại của đời sống thế tục, cùng ác quả của người đã từng xuất gia, từ bỏ lạc thú ở đời và bây giờ định hoàn tục. Bà đáp rằng:

“Thật đúng vậy con ạ
Người ta khóc kể người
Quá cố hay sinh tồn
Ở đây không đề cập
Mà ở đây chỉ nói
Người ta than khóc cho
Người đã bỏ trần tục
Bây giờ lại trở về
Thọ hưởng trần dục lạc
Dù người ấy còn sống
Cũng xem như đã chết”.

Sự nguy hại của thế tục, đời sống xuất gia là tốt đẹp, đời sống gia đình tựa như lò lửa than hay như vực thẳm đang trói buộc chúng ta.

“Con ơi! Con thoát khỏi
Vòng trói buộc vực thẳm
Mà bây giờ lại rớt
Vào trói buộc vực thẳm”.

Con ơi! Con hãy chuyên cần tinh tấn và bây giờ tôi nhờ ai giải quyết được việc nầy. Con yêu quý của tôi, xuất gia trong Đạo Pháp ví như người đem vật quý trong nhà đang cháy ra ngoài, mà hôm nay lại trở vào căn nhà cháy. Xin quý vị giúp tôi khuyên ngăn Sa di Sānu việc nầy.

Rồi bà nói lên kệ ngôn rằng:

“Xin quý vị giúp tôi
Sách tấn cho Sa di
Tôi nhờ ai giải quyết
Nỗi khổ tâm khó xử
Sa di như vật báu
Được đem từ nhà cháy
Bây giờ trở lại vào
Căn nhà đang bị cháy”.

Sa di Sānu nghe vậy chán nản không hoàn tục nữa. Và khi đúng tuổi thọ Tỳ khưu. Mẹ ông rất hoan hỷ lo lễ cho ông xuất gia Tỳ khưu.

Sự kiện nầy thấu đến Bậc Đạo Sư, Ngài khuyên dạy rằng:

– Dĩ nhiên, tâm thường bám vào trần cảnh, tức nhiên tâm người ấy không được an vui. Vì vậy, người hãy cố gắng khắc phục tâm cũng như quản tượng cố gắng điều phục con tượng vậy.

Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:

326. Trước kia tâm nầy buông lung phóng dật, theo trần cảnh tùy thích, theo ý muốn. Ngày nay ta nắm vững và điều phục nó với chánh niệm, như người quản tượng trị thớt tượng.

CHÚ GIẢI:

Ý nghĩa của bài kệ nầy là: Trước kia tâm nầy buông lung, phóng dật tùy thích theo các cảnh như cảnh sắc… làm theo ước vọng của nó như ái dục… đó là (đi theo) cảnh trần tùy sở thích của tâm. Khi nào nó chạy theo khi ấy lạc thú cũng bám dính, nhưng hôm nay ta sẽ chế ngự nó, an trú chánh niệm, trói cột nó như người quản tượng nắm vững và điều phục con tượng vậy. Dứt thời Pháp vô số chư thiên và Sānu thành đạt Thánh nhân. Từ đó, Tỳ khưu Sānu học giỏi thông suốt Tam Tạng trở thành vị Pháp Sư lỗi lạc và sống đến 120 tuổi mới Níp Bàn.

Dịch Giả Cẩn Đề
Sa Nú xuất gia lúc bé thơ,
Chăm lo phận sự, chẳng bơ thờ,
Hay hồi hướng phước cho Cha Mẹ,
Đến tuổi hai mươi muốn trở cờ,
Mẹ đâu muốn trẻ sất về nhà,
Khi sắp vô giòng Phật Thích Ca,
Chẳng phải riêng mình bà thí chủ,
Thương con, còn có nữ Dạ xoa,
Hai mẹ giúp thầy vượt khỏi rừng,
Từ đây bước tiến nguyện không ngừng,
Phật càng đốc thúc thầy tinh tấn,
Chế ngự tâm phàm, chớ dửng dưng,
Như anh quản tượng, khéo điều voi,
Sa Nú điều tâm thật hẳn hoi,
Tam Tạng thuộc làu, thành lậu tận,
Trăm hai tuổi thọ, đáng con nòi.
DỨT TÍCH SADI SĀNU

 



Nguồn : Source link

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 40

Post Views: 469