6. Sobhita Buddhavaṁsa (Lịch sử Đức Phật Tô-bì-đa)

Sau khi Đức Phật Revata viên tịch, thọ mạng của loài người dần dần giảm từ sáu chục ngàn năm xuống còn mười năm rồi lại tăng lên đến A-tăng-kỳ tuổi. Khi thọ mạng loài người lại giảm xuống lần thứ hai còn chín mươi ngàn năm, Bồ tát Sobhita sau khi thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật trong bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp, đã tái sanh ở cung trời Đâu suất, là đặc điểm của chư vị Bồ tát. Khi đang sống ở đó, Ngài nhận lời thỉnh cầu của chư thiên xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng bà Sudhammā, chánh hậu của vua Sudhamma, trong kinh đô có cùng tên. Sau mười tháng, Bồ tát ra khỏi lòng mẹ tại khu vườn Sudhamma, giống như trăng rằm ra khỏi những đám mây đen.

Đời sống trong vương cung

Khi Bồ tát thái tử Sobhita đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong ba cung điện bằng vàng, đó là Kumuda, Nalina và Paduma, một cuộc sống đế vương như ở cõi chư thiên, chánh hậu Manila, và được hầu hạ bởi ba mươi bảy ngàn cung nữ.

Sự xuất gia

Khi đang sống trong cảnh vui sướng như vậy thì chánh hậu Manila hạ sanh một hoàng nam tên là Sīha. Sau khi thấy bốn điềm tướng, Bồ tát Sobhita khởi tâm xúc động mãnh liệt. Ngay tại hoàng cung Ngài sống cuộc đời của một vị Sa-môn và thực hành pháp thiền niệm hơi thở (ānāpāna-bhāvanā) cho đến khi Ngài chứng đắc tứ thiền. Ngài đã thực hành pháp khổ hạnh (dukkaracariyā) trong bảy ngày ngay tại hoàng cung.

Vào ngày rằm tháng tư (Vesākha), ngày Thành đạo, Ngài độ món cơm sữa do chính tay của chánh hậu Manila dâng đến. Với ý chí xuất trần, Ngài phát nguyện:

“Xin cho cung điện này, với tất cả mọi tiện nghi và cảnh trí thường ngày của nó hãy bay vào không trung trong khi dân chúng đang ngắm nhìn, rồi đáp xuống đất và cây đại Bồ đề xuất hiện giữa trung tâm. Khi ta đến gần cây bồ đề, xin cho tất cả cung nữ rời khỏi cung điện theo ý thích của họ mà ta không cần phải ra lệnh.”

Bồ tát vừa phát nguyện xong thì cung điện từ sân triều của vua cha Sudhamma liền bay lên bầu trời có màu xanh đậm. Cung điện được trang trí bởi những tràng hoa thơm chiếu sáng rực rỡ, như mặt trời tỏa ra ánh sắc vàng hoặc như mặt trăng tròn tỏa sáng đêm rằm mùa thu. Cung điện bay khắp vòm trời trước sự vui thích của dân chúng với màu sắc rực rỡ của những nhánh cây và châu báu.

Cung điện ấy cũng có nhiều loại chuông nhỏ được treo rũ xuống thật tuyệt đẹp. Chỉ cần một làn gió nhẹ thoảng qua là dãy chuông phát ra âm thanh du dương như tiếng của năm loại nhạc khí do những nhạc công tài ba tấu lên. Âm thanh trầm bỗng của tiếng chuông đã thu hút mọi người dù họ đang đứng bất cứ nơi nào, trong nhà hay ngoài phố, tất cả đều ca ngợi và tán thán. Âm thanh tựa như đang công bố các đặc tánh của những việc phước mà Bồ tát đã gieo tạo trong quá khứ.

Những vũ nữ trong cung điện đang lơ lửng trên không trung cũng xướng lên những bài ca với giọng khả ái hòa cùng tiếng nhạc làm say đắm người nghe, họ xướng lên những lời ca ngợi Bồ tát. Bốn đội binh đứng quanh hoàng cung trên bầu trời như đang đứng trên đất liền. Họ giống như những đội binh của chư thiên sáng chói gươm đao và áo giáp.

Sau khi đã bay trên vòm trời như vậy, cung điện của Bồ tát đáp xuống mặt đất tạo ra cây bồ đề Nāga ở giữa trung tâm. Cây bồ đề cao tám mươi tám hắc tay, thân thẳng, rộng, tròn đều và rực rỡ với những chùm hoa, cành lá và chồi non. Rồi các cung nữ rời cung điện, ra đi theo ý thích của họ.

Sự thành đạo

Sáng chói với nhiều đức tính và được vây quanh bởi những đoàn người, Đức Phật Sobhita đã chứng đắc tam minh suốt ba canh của đêm. Binh ma cũng đến như thường lệ. Tuy nhiên cung điện vẫn ở yên nơi đó.

Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Sobhita (Dhammābhisamaya)

Sau khi giác ngộ Chánh đẳng giác, Đức Phật Sobhita trải qua bốn mươi chín ngày ở bảy chỗ quanh khu vực của cây đại Bồ đề. Nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên, Ngài suy xét ai sẽ được thuyết pháp tế độ trước tiên và với thiên nhãn, Ngài thấy hai người em khác mẹ của Ngài, là hoàng tử Asama và hoàng tử Sunetta. Khi biết rằng họ có phước hộ trì (upanissaya) và có thể lãnh hội giáo pháp thậm thâm và vi diệu, Ngài quyết định thuyết pháp đến họ. Ngài vận thần thông bay qua hư không và đáp xuống tại vườn thượng uyển Sudhamma. Đức Phật bảo người giữ vườn đi gọi hai vị hoàng tử. Giữa hội chúng gồm hai vị hoàng tử và tùy tùng của họ, nhân loại, chư thiên và Phạm thiên khắp các cõi từ cõi Hữu đỉnh thiên (bhavagga) xuống đến cõi địa ngục A-tỳ (avici), Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakka-pavattana Sutta), kết quả là vô số nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đều thông đạt Tứ Diệu Đế.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)

Vào một dịp khác, sau khi thị hiện Song thông gồm nước và lửa gần cây Cittapatali cực kỳ xinh đẹp, gần cổng thành Sudassana, ngồi trên tảng đá Pandukambala bằng ngọc lục bảo dưới cây san hô, Đức Phật thuyết tạng A-tỳ-đàm. Vào lúc kết thúc thời pháp, chín trăm ngàn triệu chư thiên và Phạm thiên đều thông đạt Tứ Diệu Đế, và thoát khỏi luân hồi.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)

Lại một dịp khác, hoàng tử Jayasena xây dựng một tịnh xá trong một khu vườn tại Sudassana, nơi đây vị ấy cho trồng những cây quí như asoka, assakanna, v.v… cây này nối tiếp cây kia. Hoàng tử dâng tịnh xá cùng với khu vườn đến chúng Tăng có Đức Phật chứng minh. Tại đại lễ dâng cúng tịnh xá, Đức Phật Sobhita thuyết pháp tán dương sự cúng dường ấy. Vào lúc kết thúc của thời pháp, mười trăm ngàn triệu chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên đều thông đạt Tứ Diệu Đế.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

Một lễ dâng cúng khác về tịnh xá Sunandārāma tại kinh đô  Sunanda do vua Uggata dâng cúng đến chúng Tăng có Đức Phật chứng minh. Trong đại hội này có một ngàn triệu vị A-la-hán thiện lai tỳ khưu tham dự. Đức Phật đã tụng bài chỉ giáo Pāṭimokkha đến họ.

(Đây là Sannipāta lần thứ nhất)

Lại nữa, một nhóm người có giới đức gọi là Dhammagana đã xây dựng một tịnh xá tên là Gaṇārāma tại thành phố Mekhala và dâng nó đến chúng Tăng có Đức Phật chứng minh. Họ cũng bố thí cúng dường các món vật dụng khác. Trong dịp này có chín trăm triệu vị A-la-hán thiện lai tỳ khưu tham dự và Đức Phật đã ban lời giáo giới Pāṭimokkha đến họ.

(Đây là Sannipāta lần thứ hai).

Sau khi thuyết giảng tạng A-tỳ-đàm và trú ngụ suốt mùa an cư tại cung trời Đao lợi với chư thiên và Phạm thiên theo hầu. Đức Phật trở về cõi nhân loại để làm lễ Tự tứ và ban lời giáo giới Pāṭimokkha đến hội chúng, gồm tám trăm triệu vị A-la-hán thiện lai tỳ khưu.

(Đây là Sannipāta lần thứ ba).

Đức Phật Sobhita thọ ký cho Bà-la-môn Sujāta (Bồ tát Gotama)

Lúc bấy giờ Bồ tát Gotama sanh làm vị Bà-la-môn tên là Sujāta, cha mẹ thuộc dòng dõi Bà-la-môn ở tại thành phố Rammavati. Sau khi nghe pháp của Đức Phật Sobhita, Bồ tát quy y Tam bảo. Vị ấy bố thí vật thực rất rộng rãi đến Đức Phật và chúng Tăng trong ba tháng an cư. Rồi Đức Phật Sobhita công bố lời tiên tri về Bà-la-môn Sujāta: “Người này trong tương lai sẽ thành một vị Phật danh hiệu Gotama.”

Những đức tánh đặc biệt về Đức Phật Sobhita

Nơi đản sanh của Đức Phật Sobhita là kinh đô Sudhamma.

Cha là vua Sudhamma và mẹ là hoàng hậu Sudhammā.

Ngài trị vì vương quốc trong chín ngàn năm. Ba cung điện của Ngài là Kamuda, Nalina và Paduma.

Chánh hậu Manilā, với ba mươi bảy ngàn cung nữ. Con trai là Sīha.

Phương tiện chuyên chở của Ngài vào dịp xuất gia sau khi trông thấy bốn điềm tướng là hoàng cung. Ngài thực hành khổ hạnh chỉ trong bảy ngày tại hoàng cung này.

Hai đại đệ tử là trưởng lão Asama và trưởng lão Sunetta.

Thị giả là trưởng lão Anoma.

Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Nakulā và trưởng lão ni Sujātā.

Cây giác ngộ là cây Nāga.

Hai cận sự nam bậc thánh là trưởng giả Ramma và trưởng giả Sudatta.

Hai cận sự nữ bậc thánh là tín nữ Nakulā và tín nữ Mittā.

Đức Phật Sobhita cao năm mươi tám hắc tay. Như mặt trời ban  mai, hào quang phát ra từ thân có thể chiếu sáng khắp mười phương, xa bao nhiêu tùy ý của Ngài.

Giống như khu rừng lớn đầy hoa và tỏa ra nhiều loại hương thơm ngát, khu rừng giáo pháp của Đức Phật Sobhita thơm ngát những loại hương của giới hạnh.

Một ví dụ so sánh khác: Giống như những con sóng của đại dương ngày đêm xô dạt vào bờ không biết chán; cũng vậy, chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên cũng không biết chán khi nghe những lời giảng dạy của Đức Phật Sobhita.

Thọ mạng trong thời của Đức Phật Sobhita là chín chục ngàn năm và suốt bốn phần năm của thọ mạng, Ngài đã cứu vớt vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ra khỏi những dòng thác lũ của luân hồi và đặt họ bên kia bờ Niết bàn.

Sau khi để lại giáo pháp thù thắng đa dạng, ngắn có dài có, cho chúng sanh trong tương lai mà chưa chứng đạt giải thoát khi Ngài còn tại tiền, Đức Phật Sobhita cùng với chúng Thanh văn đệ tử đã chấm dứt kiếp sống luân hồi, viên tịch đại Niết bàn như ngọn lửa lớn chợt tắt lịm.

Kinh cảm quán

Đức Phật Sobhita ngang bằng với chư Phật quá khứ, và chúng đệ tử A-la-hán của Ngài, những bậc có lục thông và những năng lực khác, tất cả đều biến mất. Các pháp hữu vi thật vô dụng, không thực tánh!

Trước khi viên tịch đại Niết bàn, Đức Phật Sobhita chú nguyện rằng: “Khi Ta viên tịch rồi, Xá lợi của Ta không tụ thành một khối mà thành nhiều ngôi nhỏ và phân tán khắp nơi.” Và sự viên tịch của Ngài xảy ra ở khu vườn Sīha. Xá lợi của Ngài phân tán đi khắp xứ diêm  phù đề được nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ngày đêm lễ bái cúng dường.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 13

Post Views: 661