( Trích trong Đại Phật Sử ty-khuu Mingun Sayadaw )

9. Nārada Buddhavaṁsa (Lịch sử Đức Phật Nārada)

Sau khi Đức Phật Pamuda viên tịch, thọ mạng một trăm ngàn năm của loài người dần dần giảm còn mười năm rồi lại tăng lên đến A- tăng-kỳ tuổi. Khi thọ mạng loài người giảm xuống chín chục ngàn năm, lúc ấy Bồ tát Nārada đã thực hành viên mãn các pháp Ba-La-Mật và đang thọ hưởng đời sống chư thiên ở cung trời Đâu Suất Đà. Sau khi nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên, Bồ tát xuống cõi nhân loaị và thọ sanh vào lòng của bà Anomā, chánh hậu của Chuyển- luân-vương Sudeva tại kinh đô Dhaññavatī. Sau mười tháng Bồ tát đản sanh tại khu vườn Dhanañjaya.

Vào ngày đặt tên, khi sắp đến giờ đặt tên của Ngài, từ trên trời, từ những cây như ý trên đường, v.v… nhiều loại y phục, trang sức quý giá rơi xuống mặt đất như cơn mưa rào. Nhân đó Ngài được đặt tên là Nārada – “Nara” có nghĩa là những vật trang sức thích hợp với mọi người và “da” là người cho.

Đời sống ở vương cung

Khi thái tử Nārada đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong cung điện Jita, Vijita và Abhirama; được hầu hạ bởi một triệu hai trăm ngàn cung nữ, dẫn đầu là chánh hậu Vijitasenā. Như vậy Ngài sống cuộc đời đế vương như ở cõi chư thiên suốt chín ngàn năm.

Sự xuất gia

Khi thái tử Nārada đang thọ hưởng đời sống đế vương như vậy thì công nương Vijitasenā hạ sanh một hoàng nam tên là Nanduttara. Sau khi thấy bốn điềm tướng, Ngài mặc vào bộ y phục xinh đẹp, thoa nước thơm, mang tràng hoa, v.v… vây quanh bởi bốn đoàn hùng binh, Ngài đi bộ đến vườn thượng uyển. Sau khi cởi bỏ đồ trang sức trên người và trao chúng cho vị quan thủ kho, Ngài tự tay cắt tóc của mình và ném vào không trung.

Sakka, vua của chư thiên, hứng lấy mớ tóc ấy trong một cái hộp bằng vàng và tôn trí trong bảo tháp bằng bảy loại châu báu, cao ba do tuần, ở trên đỉnh núi Tu-di-sơn (Meru) thuộc cung trời Đao lợi (Tavatiṃsa). Sau khi mặc vào bộ y phục của vị ẩn sĩ do Phạm thiên dâng cúng, Bồ tát trở thành vị Sa-môn ngay tại khu vườn đó. Một trăm ngàn người cùng xuất gia với Ngài.

(Điều đáng chú ý ở đây là: những vị Bồ tát khác trông thấy các điềm tướng khi họ đang đến vườn thượng uyển để vui chơi. Khi thấy các điềm tướng và khởi tâm kinh cảm thì các Ngài ra đi, không đến nơi vui chơi thường ngày mà đến rừng núi xa xôi để từ bỏ thế gian. Nơi nhìn thấy các điềm tướng và nơi từ bỏ thế gian là hai nơi khác nhau. Vì hai nơi ấy thường cách xa nhau nên các Ngài dùng phương tiện vận chuyển như voi, ngựa, xe, v.v….

Tuy nhiên trong trường hợp của Đức Phật Nārada thì khác – Ngài thấy bốn điềm tướng ở vườn thượng uyển và xuất gia ngay đó. Chú giải nói rằng khu vườn Dhaññajaya nằm ở vùng phụ cận của kinh đô.)

Sự thành đạo

Bồ tát Nārada thực hành khổ hạnh (Dukkaracariya) tại vườn thượng uyển trong bảy ngày. Vào ngày rằm tháng tư, ngày thành đạo của Ngài, Bồ tát độ món cơm sữa do hoàng hậu Vijitasenā dâng cúng và trải qua suốt ngày trong khu vườn ấy. Buổi chiều Ngài rời bỏ đoàn tùy tùng và một mình đi đến cây bồ đề. Trên đường đi Ngài nhận tám nắm cỏ từ người giữ vườn Sudassana. Khi Ngài vừa trải xong mớ cỏ dưới cội cây bồ đề Sona thì Vô địch bảo tọa cao năm mươi bảy hắc  tay xuất hiện. Ngồi kiết già trên bảo tọa, Bồ tát vận dụng bốn mức độ tinh tấn, chiến thắng binh ma và chứng đắc Nhất thiết trí, thành bậc Chánh đẳng giác, Thế Tôn của ba cõi.

(Bộ chú giải Buddhavaṃsa nhấn mạnh về cây đại bồ đề Sona của Đức Phật Nārada: “Cây đại Sona cao chín mươi hắc tay, thân tròn nhẵn, có nhiều nhánh lớn xòe ra mọc những nhánh nhỏ đều đặn và cân đối, các tán lá dày đặc, màu xanh đậm, bóng râm chằng chịt không có kẽ hở. Được thọ thần bảo vệ nên chim chóc không thể đến làm tổ, cây được xem là thọ vương, chúa của cây cối trên mặt đất – có những bông hoa đỏ thắm, tươi tắn và đẹp mắt. Như vậy, cây ấy đem lại sự an vui lâu dài cho bất cứ ai – nhân loại hoặc chư thiên được may mắn đến chiêm ngưỡng).

Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Nārada (Dhammābhisamaya)

Sau khi thành đạo, Đức Phật Nārada trải qua bốn mươi chín ngày ở bảy chỗ quanh khu vực cây bồ đề. Sau khi nhận lời thỉnh cầu thuyết pháp của Phạm thiên, Ngài quán xem nên thưyết pháp đến ai trước. Rồi Ngài thấy những vị Sa-môn đã từng hành đạo chung với Ngài, có đầy đủ phước duyên để chứng đắc Đạo Quả giải thoát. Sau khi xem xét về chỗ ngụ của họ, Ngài biết rằng họ đang ngụ ở khu vườn Dhanañjaya. Do đó, Đức Phật mang y bát và vận dụng thần thông lập tức xuất hiện ở khu vườn.

Trông thấy Đức Phật từ xa, mười triệu Sa-môn với tâm tịnh tín đã đón tiếp Ngài rất chu đáo, thỉnh y và bát của Ngài, thỉnh Ngài an tọa vào chỗ đã được sắp sẵn, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống ở nơi phải lẽ. Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakkapavattana Sutta) giữa chúng Sa-môn và hội chúng gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Trong dịp ấy có một ngàn triệu nhân loại, chư thiên và Phạm thiên giác ngộ pháp tối thượng là Đạo Quả và Niết bàn.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)

Một lần nọ, Long vương Doṇa đang cai quản ở các bờ của sông Hằng (Gaṅgā), gần thành phố Mahādoṇa. Vị ấy có nhiều quyền lực, được tôn trọng và kính nể. Nếu dân địa phương không làm hài lòng bằng sự cúng tế thì long vương sẽ giáng họa xuống dân chúng bằng cách gây ra hạn hán hoặc tạo ra những cơn mưa lớn hay mưa đá.

Đức Phật Nārada sau khi nhận biết rằng nếu Ngài đi nhiếp phục long vương Doṇa thì sẽ có nhiều chúng sanh được giác ngộ Đạo Quả và Niết bàn, nhờ túc duyên mà họ đã gieo tạo trong quá khứ. Do đó, Đức Phật đi đến chỗ ngụ của long vương cùng chúng tỳ khưu theo hầu.

Dân chúng yêu cầu Ngài đừng đi đến đó: “Thưa Đức Phật quang vinh, ở đây có vị long vương rất hung dữ và hùng mạnh cai quản vùng này. Xin đừng đến đấy, e rằng Ngài sẽ bị hại.” Tuy nhiên, Đức Phật vẫn đi tựa như không nghe thấy lời nài nỉ của họ và ngồi trên bảo tọa được kết bằng hoa dành cho long vương.

Dân chúng kéo đến, nghĩ rằng: “Giờ chúng ta sẽ chứng kiến cuộc chiến giữa Đức Phật, chúa của Thánh hiền, và long vương Doṇa.” Khi trông thấy Đức Phật đang ngồi trên bảo tọa bằng hoa dành cho mình, long vương không thể kiềm chế cơn giận dữ đang sôi sục trong người, bèn hiện ra và phun khói mù mịt. Đức Phật cũng dùng thần thông phun khói đáp trả. Rồi long vương phun ra những ngọn lửa lớn, Đức Phật cũng đáp lại bằng những ngọn lửa lớn. Bị những ngọn lửa nóng hơn phát ra từ Đức Phật, long vương không thể chịu đựng nổi, bèn nghĩ rằng: “Ta sẽ giết chết vị đại Sa-môn này bằng chất độc của ta.” Rồi long vương phun độc.

Dầu chất độc của long vương có khả năng tiêu diệt toàn cõi Diêm phù đề, tuy nhiên nó không đủ sức để làm hại ngay cả một sợi lông trên người của Đức Phật. Long vương ngạc nhiên: “Vị đại Sa-môn này có oai lực như thế nào? Vị ấy là ai?” Khi dò xét như vậy, long vương nhìn thấy gương mặt bình thản của Đức Phật, sáng chói bởi hào quang sáu màu như mặt trời, như trăng rằm của tháng mười giữa mùa thu. Rồi vị ấy tự nghĩ: “Vị đại Sa-môn này quả thật có oai lực; không lượng được sức mình, ta đã cư xử không phải với Ngài.” Long vương bèn sám hối và quy y Phật. Sau khi nhiếp phục long vương, Đức Phật thị hiện Song thông gồm nước và lửa để khơi dậy niềm tịnh tín của hội chúng đang tụ họp ở đó. Lúc bấy giờ có chín trăm ngàn triệu nhân loại và chư thiên được an trú trong đạo quả A-la-hán.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)

Một dịp khác, Đức Phật Nārada ban lời giáo giới đến con trai của Ngài, hoàng tử Nanduttara. Tám chục ngàn chư thiên và nhân loại chứng đạt pháp tối thượng là Đạo Quả và Niết bàn.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

Có ba kỳ Đại hội Thánh Tăng đệ tử của Đức Phật Nārada. Kỳ thứ nhất diễn ra ở thành phố Thulla-kotthita, ở đó hai vị Bà-la-môn đại đệ tử tương lai, Bhaddasāla và Vijitamitta đến yết kiến Đức Phật Nārada khi Ngài đang ngồi giữa hội chúng. Họ đang tìm kiếm hồ nước Pháp bất tử. Khi hai chàng trai trông thấy ba mươi hai hảo tướng của bậc đại nhân trên người của Đức Phật, họ kết luận rằng: “Đây chắc chắn là Đức Phật, bậc đã đoạn diệt màn đêm vô minh của thế gian”. Sau khi khởi tâm tịnh tín đối với Đức Phật, họ cùng với tùy tùng xuất gia trở thành những vị tỳ khưu. Sau khi an trú họ trong thánh quả A-la-hán, Đức  Phật  tụng  Ovāda  Pāṭimokkha  giữa  hội  chúng  gồm  mười  trăm ngàn triệu tỳ khưu.

(Đây là Sannipāta lần thứ nhất)

Một dịp khác, trong hội chúng gồm những quyến thuộc của Ngài, Đức Phật Nārada kể lại câu chuyện về cuộc đời của Ngài bắt đầu từ khi Ngài phát nguyện thành Phật. Khi ấy có mặt chín trăm ngàn triệu vị A-la-hán.

(Đây là Sannipāta lần thứ hai)

Lại một dịp khác, khi Đức Phật Nārada nhiếp phục long vương Mahādoṇa, chúa rồng Verocana khởi tâm tịnh tín đối với Đức Phật, đã hóa ra một giả ốc to lớn bằng bảy báu, rộng ba gāvuta, rồi thỉnh Đức Phật và chúng Tăng vào an ngự trong đó. Vị ấy cũng mời các quan của mình cùng dân chúng địa phương đến viếng giả ốc. Sau khi cho các nữ rồng ăn mặc xinh đẹp và trang sức lộng lẫy múa hát để cúng dường Đức Phật, long vương đã bố thí vật thực một cách dồi dào đến Đức Phật và chúng Tăng.

Sau buổi thọ thực, Đức Phật thuyết pháp để tán dương sự cúng dường vật thực ấy. Sau khi nghe pháp, dân chúng khởi tâm tịnh tín nơi Đức Phật và xin xuất gia Sa-môn. Đức Phật truyền phép xuất gia Thiện lai tỳ khưu đến họ và giữa hội chúng gồm tám triệu vị Thiện lai tỳ khưu, Đức Phật tụng Ovāda Pāṭimokkha.

(Đây là Sannipāta lần thứ ba)

Bồ tát Gotama làm ẩn sĩ và được Đức Phật Nārada thọ ký

Lúc bấy giờ Bồ tát của chúng ta là một ẩn sĩ sống trong một ẩn xá tại Hy mã lạp sơn, đã chứng đắc Bát thiền (Samāpatti) và Ngũ thông (Anhiññā). Vì lòng bi mẫn đối với Bồ tát đạo sĩ, Đức Phật Nārada đã đến viếng ẩn xá cùng với tám trăm triệu cư sĩ, tất cả đều là những vị A-na-hàm (Anāgāmī).

Ẩn sĩ rất vui sướng được gặp Đức Phật. Rồi vị ấy tạo ra một chỗ ngụ khác dành cho Đức Phật và chúng tỳ khưu. Suốt đêm ẩn sĩ tán dương tất cả những ân đức của Đức Phật và nghe Ngài thuyết pháp. Sáng hôm sau ẩn sĩ đi đến cõi Bắc Câu Lưu Châu (bằng thần thông) đem về món cơm và những loại vật thực khác dâng cúng đến Đức  Phật và chúng đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài.

Bồ tát đã cúng dường vật thực theo cách như thế trong bảy ngày và để tỏ lòng tôn kính vô hạn đến Đức Phật, vị ấy đã dâng đến Ngài miếng gỗ chiên đàn vô giá lấy từ Hy-mã-lạp-sơn. Đức Phật sau khi ban bài pháp thọai đã công bố lời tiên tri: “Trong tương lai người này chắc chắn sẽ thành Phật.”

Nghe lời tiên tri của Đức Phật, Bồ tát rất vui sướng và nguyện thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật càng tinh tấn hơn.

Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Nārada

Nơi sanh của Đức Phật Nārada là Dhaññavatī, cha là Chuyển luân vương Sudeva và mẹ là hoàng hậu Anomā.

Ngài cai trị vương quốc trong chín ngàn năm, ba cung điện của Ngài là Jita, Vajita và Abhirama.

Chánh hậu là Vijisenā với bốn mươi ba ngàn cung nữ hầu hạ. Con trai là hoàng tử Nanduttara.

Sau khi thấy bốn điều tướng, Ngài đi xuất gia bằng cách đi bộ mà không cần phương tiện chuyên chở nào. Ngài thực hành khổ hạnh trong bảy ngày.

Hai vị đại đệ tử là trưởng lão Bhaddasāla và trưởng lão Vijitamitta.

Thị giả là trưởng lão Vāseṭṭha.

Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Uttarā và trưởng lão ni Phaggunī.

Cây giác ngộ là cây Sona.

Hai cận sự nam bậc thánh là trưởng giả Uggarinda và trưởng giả Vasabha, hai cận sự nữ bậc thánh là Ưu-bà-di Indāvarī và Ưu-bà-di Vaṇḍī (Gandī).

Đức Phật Nārada cao tám mươi tám hắc tay. Ngài là bậc chí tôn trong mười ngàn thế giới thuộc sanh đản sát thổ (jātikhetta), giống như cột trụ bằng vàng được dựng lên làm vật thờ cúng. Ngoài ra, thân Ngài phát hào quang xa một do tuần cả ngày lẫn đêm không gián đoạn.

Khi Đức Phật Nārada còn tại tiền, do thân Ngài thường xuyên phát ra hào quang rực rỡ nên dân chúng cư ngụ quanh một do tuần không cần phải dùng đến đèn đuốc.

Thọ mạng trong thời của Đức Phật Nārada là chín chục ngàn năm, sống trong suốt bốn phần năm của thọ mạng, Ngài đã cứu vớt vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ra khỏi biển luân hồi và đặt họ bên kia bờ Niết bàn.

Như bầu trời rực rỡ các vì sao, giáo pháp của Đức Phật Nārada sáng chói bóng y vàng của những vị A-la-hán.

Đối với những người (ngoài những bậc A-la-hán) vẫn còn là phàm phu và bậc hữu học (sekkhā), Đức Phật Nārada bắt chiếc cầu Thánh đạo (Magga) cho họ vượt qua dòng nước luân hồi. Sau khi đã làm tất cả phận sự của một vị Phật, Ngài viên tịch đại Niết bàn cùng với chư Thánh Tăng A-la-hán.

Kinh cảm quán

Đức Phật Nārada, bậc ngang bằng với chư Phật Vô thượng tôn và những vị A-la-hán, những bậc có năng lực vô song, tất cả đều biến mất. Tất cả các pháp hữu vi quả thật vô dụng, không thực chất!

Bảo tháp

Như vậy, Đức Phật Nārada, bậc chiến thắng ngũ ma, đã viên tịch đại Niết bàn tại thành phố Sudassana. Cũng tại thành phố ấy, một bảo tháp cao bốn do tuần được dựng lên dành cho Đức Phật Nārada.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 4

Post Views: 467