10. Padumuttara Buddhavaṁsa (Lịch sử Đức Phật Padumuttara)
10. Padumuttara Buddhavaṁsa (Lịch sử Đức Phật Padumuttara)
Kiếp có một vị Phật xuất hiện gọi là Sāra kappa, kiếp có hai vị Phật gọi là Manda kappa, kiếp có ba vị Phật gọi là Vara kappa, kiếp có bốn vị Phật thì gọi là Sāramanda, kiếp Bhaddaka kappa có năm vị Phật; nếu không có vị Phật nào thì đó là kiếp Suñña (Không kiếp).
Do đó, đại kiếp có ba vị Phật xuất hiện, đó là Đức Phật Anomadassī, Đức Phật Paduma và Đức Phật Nārada, thì được gọi là Vara kappa.
Sau đại kiếp Vara kappa có ba vị Phật xuất hiện đã kết thúc, thì vô số A-tăng-kỳ kiếp trôi qua. Rồi trong một đại kiếp cách đây một trăm ngàn đại kiếp, Đức Phật Padumuttara (Tối thắng Bạch liên) xuất hiện.
(Đại kiếp đặc biệt này là đại kiếp Sāra kappa vì chỉ có một vị Phật xuất hiện – Đức Phật Padumuttara. Tuy nhiên nó giống như kiếp Manda kappa có hai vị Phật vì những nét đặc thù của nó. Trong đại kiếp của Đức Phật Padumuttara, loài người có rất nhiều phước).
Lịch sử về sự xuất hiện của Đức Phật Padumuttara như sau – Sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật, Bồ tát Padumuttara tái sanh vào cung trời Đâu suất đà (Tusita) theo truyền thống của chư vị Bồ tát. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên, Ngài xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng bà Sujātā, hoàng hậu của vua Ananda, tại kinh đô Haṁsavatī. Bồ tát đản sanh tại vườn thượng uyển Haṁsavatī sau mười tháng
Khi Thái tử Padumuttara đản sanh, có đám mưa hoa sen Paduma rơi xuống nên quyến thuộc đặt tên cho thái tử là Padumuttara.
Khi đến tuổi trưởng thành, Thái tử Padumuttara thọ hưởng cuộc sống đế vương giống như ở cõi chư thiên, sống mười ngàn năm trong ba cung điện Naravahana, Yasavahana và Vasavatti, được hầu hạ bởi một trăm hai chục ngàn cung nữ dẫn đầu là chánh hậu Vasudattā.
Khi Thái tử Padumuttara đang sống cuộc đời đế vương, thì công nương Vasudattā hạ sanh một hoàng nam tên là Uttara. Trông thấy bốn điềm tướng Ngài quyết định xuất gia từ bỏ thế gian. Ngay khi Ngài vừa quyết định như vậy thì cung điện Vasavatti tự quay tròn và bay lên không trung rồi di chuyển như các vì sao và những thiên thể khác, và đáp xuống đất với cây đại bồ đề xuất hiện giữa trung tâm.
Bồ tát từ trên cung điện bước xuống và mặc vào bộ y hoa sen do Phạm thiên dâng cúng và trở thành vị Sa-môn ngay cung điện ấy. Cung điện trở lại kinh đô và đáp xuống chỗ cũ của nó. Tất cả những người đi chung với Bồ tát đều trở thành Sa-môn, ngoại trừ nữ giới.
Bồ tát Padumuttara cùng với đồ chúng sa-môn thực hành pháp khổ hạnh trong bảy ngày. Vào ngày rằm tháng tư, ngày thành đạo của Ngài, Bồ tát độ món cơm sữa do Rucanandā dâng cúng, con gái của vị trưởng giả ở ngôi làng Ujjeni Nigama. Sau khi trải qua suốt ngày ở rừng cây sa-la, đến chiều Ngài một mình đi đến cây đại thọ bồ đề. Trên đường đi, Ngài nhận tám nắm cỏ do một người dị giáo tên Sumitta dâng cúng và ngay khi mớ cỏ được trải ra dưới cội cây bồ đề thì Vô địch bảo toạ cao ba mươi tám hắc tay xuất hiện. Ngồi kiết già trên bảo toạ, Ngài vận dụng bốn mức độ tinh tấn và chiến thắng binh ma. Ngài chứng đắc Túc-mạng-minh (Pubbenivasa ñāṇa) trong canh đầu, Thiên nhãn minh (Dibbacakkhu ñāṇa) trong canh giữa và quán pháp Duyên khởi (Paticcasamuppāda) trong canh ba. Sau khi quán xong, Bồ tát nhập vào Tứ thiền, rồi xuất khỏi tứ thiền và quán năm uẩn với các đặc tánh của chúng. Bằng Sanh diệt trí (udayabbaya ñāṇa) của các pháp hữu vi, Ngài quán tánh vô thường của chúng theo 50 cách.
[Mười cách cho mỗi uẩn. Mười cách được nêu ra trong bộ Chú giải Paṭisambhidā Magga như sau: Vô thường (anicca), suy họai (paloka), không bền vững (cala), họai diệt (pabhangu), không chắc chắn (addhuva), hay thay đổi (viparināma dhamma), không có thực chất (asara), có tánh rỗng không (vibhava) và có thể tử vong bất cứ lúc nào (marana dhamma).]
Và phát triển Tuệ quán đến Chuyển tộc tuệ (Gotrabhū-ñāṇa – trí tuệ vượt qua những trói buộc của thế gian). Qua Thánh Đạo (Ariya Magga), Ngài chứng ngộ tất cả mọi ân đức của chư Phật (tức là Ngài chứng đắc Phật quả) và thốt lên cảm hứng kệ “Anekajāti saṃsāraṃ… tanhanaṃ khayamajjhajā.” Đây là thông lệ của chư Phật.
Khi Bồ tát vừa thành Phật thì mưa hoa sen đổ xuống tựa như để tô điểm vạn vật trong mười ngàn thế giới.
Điều đặc biệt đáng chú ý ở đây là:
Sau khi thành bậc Chánh đẳng giác, Đức Phật trú trong thiền quả (phala-samāpatti) bảy ngày dưới cội cây bồ đề (trong tuần lễ đầu tiên). Vào ngày thứ tám Ngài nghĩ sẽ đặt chân xuống đất, và khi chân phải của Ngài vừa chạm đất thì những hoa sen Paduma bỗng nhiên từ dưới đất hiện lên một cách diệu kỳ, đỡ lấy bàn chân của Ngài.
Mỗi lá sen rộng chín hắc tay, mỗi sợi phấn hoa dài từ mười hai đến ba mươi hắc tay, và mỗi hoa sen có lượng phấn có thể đổ đầy chín cái chum đựng nước.
Đức Phật Padumuttara cao năm mươi tám hắc tay; kích thước giữa hai cánh tay là mười tám hắc tay. Trán của Ngài rộng năm hắc tay và mỗi bàn chân, bàn tay rộng mười một hắc tay. Khi Đức Phật bước trên mỗi hoa sen thì phấn của hoa phủ lấy toàn thân của Ngài. Chính vì đặc điểm này mà Đức Phật có danh hiệu là Padumuttara.
(Đây là bài mô tả của bộ Samyutta Nikāya).
Sau khi thành đạo, Đức Phật Padumuttara trải qua bốn mươi chín ngày, ở bảy chỗ quanh khu vực cây đại thọ bồ đề (Salala). Và sau khi suy xét nên thuyết đến ai trước, Ngài trông thấy hai vị hoàng tử Devala và Sujata (hai Đại đệ tử tương lai), họ là những người có đủ túc duyên để chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn. Khi suy xét về chỗ ngụ của họ và biết rằng họ đang trú ngụ ở Mithilā, Ngài đem theo y bát và vận dụng thần thông lập tức xuất hiện nơi ngụ của họ.
Rồi Đức Phật Padumuttara bảo người giữ vườn đi gọi hai vị hoàng tử. Nghe tin, họ bàn luận với nhau rằng: “Thái tử Padumuttara, con trai của cậu chúng ta, sau khi thành Phật đã đến tại thành phố Mithila. Bây giờ chúng ta sẽ đến yết kiến Ngài.” Rồi cùng với tùy tùng, họ đi đến Đức Phật và ngồi xuống ở chỗ thích hợp.
Đức Phật xuất hiện rực rỡ giữa những vị hoàng tử quanh Ngài như trăng rằm giữa các vì sao, và thuyết bài kinh Chuyển pháp luân đến hội chúng gồm nhân loại và chư thiên do hai hoàng tử dẫn đầu. Trong dịp này có mười trăm ngàn triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn.
(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)
Một dịp khác, đạo sĩ Sarada, người xuất hiện trước Đức Phật Padumuttara, đã thuyết giảng đến tín đồ của vị ấy về các chủ thuyết mà sẽ dẫn đến tái sanh khổ cảnh. Đức Phật đi đến hội chúng của Sarada và thuyết giảng giáo pháp của Ngài đến đông đảo mọi người, chỉ ra những nguy hiểm của sự tái sanh trong địa ngục. Trong dịp ấy có ba triệu bảy trăm ngàn chư thiên và nhân loại, gồm cả những tín đồ của đạo sĩ Sarada, tất cả đều chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn.
(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)
Lại một dịp khác, trong khi Đức Phật Padumuttara đang ngụ ở Mithilā thì phụ vương của Ngài, vua Ānanda, bèn sai hai mươi ngàn người đi thỉnh Đức Phật về kinh đô Haṃsavatī. Sau khi thuyết pháp, trước hai chục vị quan và hai chục ngàn tùy tùng, Đức Phật bèn gọi: “Hãy đến, này các tỳ khưu” – tất cả họ đều trở thành những vị Thiện lai tỳ khưu. Được tháp tùng bởi những vị tỳ khưu này, Đức Phật lên đường đi đến Haṃsavatī và trú ngụ tại kinh đô để làm tăng trưởng tinh thần cho phụ vương.
Giống như Đức Phật Gotama của chúng ta viếng thăm Kapilavatthu và kể lại lịch sử của chư Phật quá khứ giữa hội chúng quyến thuộc, Đức Phật Padumuttara cũng thuyết Buddhavaṃsa giữa hội chúng quyến thuộc của Ngài trong khi đang đi lại trên con đường châu báu giữa hư không. Lúc bấy giờ, có năm triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn.
(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)
Đại hội của chư Thánh Tăng đệ tử của Đức Phật Padumuttara cũng diễn ra ba lần. Ở kỳ đại hội thứ nhất, Đức Phật Padumuttara đã tụng Ovāda Pātimokkha giữa hội chúng gồm mười trăm ngàn triệu vị Thiện lai tỳ khưu, vào ngày rằm tháng Magha, trong khu vườn ở gần thành phố Mithilā.
(Đây là Sannipāta lần thứ nhất)
Một dịp khác, sau khi an cư kiết hạ ở trên núi Vebhāra, Đức Phật đã thuyết pháp tế độ cho nhiều người đến với Ngài. Khi được Đức Phật gọi: “Hãy đến, này các tỳ khưu.” – có chín trăm triệu người trở thành Thiện lai tỳ khưu. Rồi Đức Phật tụng Ovāda Pātimokkha giữa hội chúng tỳ khưu này.
(Đây là Sannipāta lần thứ hai)
Lại một dịp khác, Đức Phật Padumuttara, Thế tôn của ba cõi, trong khi đang du hành để giúp đỡ chúng sanh thoát khỏi các xiềng xích của phiền não, đã tụng Ovāda Pātimokkha giữa hội chúng gồm tám chục ngàn vị tỳ khưu – là những cư sĩ ra đi xuất gia từ nhiều làng mạc. thị trấn, châu quận và quốc độ khác nhau.
(Đây là Sannipāta lần thứ ba)
Lúc bấy giờ Bồ tát Gotama của chúng ta là một vị quan Tổng đốc Phủ doãn, tên là Jālita, rất giàu có. Vị ấy tổ chức bố thí to lớn gồm vật thực và y phục đến chúng Tăng có Đức Phật chủ tọa. Sau khi thuyết pháp tán dương công đức bố thí của Bồ tát, Đức Phật công bố lời tiên tri: “Sau một trăm ngàn đại kiếp nữa, người này chắc chắn sẽ thành một vị Phật danh hiệu là Gotama.”
Nghe lời tiên tri của Đức Phật, Bồ tát vô cùng vui sướng và quyết tâm thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật càng tinh tấn hơn.
Khi Đức Phật Padumuttara xuất hiện, các ngoại đạo sư vì chấp chặt tà kiến nên sầu khổ, mất quyền lực và bị suy tàn. Họ không nhận được sự tôn kính cúng dường và những điều tương tự khác. Trên thực tế, họ bị trục xuất ra khỏi bất cứ chỗ nào mà họ đến.
Rồi các ngoại đạo sư gặp nhau và cùng đi đến Đức Phật với những lời này: “Bạch Đức Thế Tôn, bậc anh hùng, bậc tinh tấn đệ nhất, xin Ngài hãy làm nơi nương tựa của chúng con.”
Đức Phật Padumuttara vì lòng bi mẫn đối với các ngoại đạo sư đã đến với Ngài nên đã an trú họ trong Tam quy và Ngũ giới.
Như vậy trong thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Padumuttara không còn các ngoại đạo sư cố chấp tà kiến. Điều kỳ diệu là giáo pháp của Ngài sáng chói bởi những vị A-la-hán đã thành tựu năm pháp tự tại, không bị tác động bởi những pháp thăng trầm của thế gian, lại có những đức tánh cao quý như Giới (Sīla), Định (Samādhi), Tuệ (Paññā) và Nhẫn nại (Khantī).
Nơi sanh của Đức Phật Padumuttara là kinh đô Haṃsavatī, phụ vương là vua Ānanda và mẫu hậu là hoàng hậu Sujātā.
Ngài trị vì vương quốc trong mười ngàn năm. Ba cung điện của Ngài là Naravāhana, Yasavāhana và Vasavattī.
Chánh hậu Vasudattā có bốn mươi ba ngàn cung nữ hầu hạ. Con trai là hoàng tử Uttara.
(Trong bài “Đời sống ở vương cung” thì số cung nữ hầu hạ là một trăm hai chục ngàn, nhưng ở đây con số được nêu ra là bốn mươi ba ngàn – hai con số này xem ra không nhất quán. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng con số trước là tổng số cung nữ hầu hạ công chúa, còn con số sau là số cung nữ của mỗi đợt hầu hạ công chúa trong một thời gian nào đó).
Phương tiện chuyên chở Bồ tát đi xuất gia sau khi trông thấy bốn điềm tướng là cung điện. Ngài thực hành khổ hạnh trong bảy ngày.
Hai đại đệ tử là trưởng lão Devala và trưởng lão Sujāta. Thị giả là trưởng lão Sumana.
Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Amitā và trưởng lão ni Asamā. Cây giác ngộ là cây Salala.
Hai cận sự nam bậc thánh là hai vị trưởng giả Vitiṇṇa và Tissa. Hai cận sự nữ bậc thánh là Ưu bà di Haṭṭhā và Ưu bà di Vicittā.
Đức Phật Padumuttara cao năm mươi tám hắc tay.Với ba mươi hai hảo tướng của bậc đại nhân, Ngài giống như cột trụ bằng vàng được dựng lên để mọi người chiêm bái.
Hào quang từ thân Đức Phật tỏa ra không bị ngăn cản bởi những cánh cửa, vách tường, cây cối, đồi núi, v.v…. Thực tế, hào quang ấy chiếu sáng xa mười hai do tuần.
Thọ mạng trong thời kỳ của Đức Phật Padumuttara là một trăm ngàn năm. Suốt tám chục ngàn năm, tức bốn phần năm của thọ mạng, Ngài đã cứu vớt cho vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ra khỏi biển trầm luân và đặt họ trên bờ của Niết bàn.
Sau khi đoạn tận tất cả mọi hoài nghi trong chúng sanh mà Ngài độ đến Niết bàn, Đức Phật Padumuttara cùng với chúng Thanh văn đệ tử của Ngài đi đến chỗ kết thúc sanh hữu (giống như khối lửa lớn vụt tắt sau khi đã cháy sáng rực rỡ)!
Như vậy Đức Phật Padumuttara, Bậc Chiến thắng ngũ ma, đã viên tịch Đại Niết bàn tại khu vườn Nanda. Cũng tại khu vườn ấy, một bảo tháp cao mười hai do tuần được xây dựng để cúng dường Đức Phật.
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 15