( Trích trong Đại Phật Sử ty-khuu Mingun Sayadaw )

11. Sumedha Buddhavaṁsa (Lịch sử Đức Phật Sumedha)

Sau quãng thời gian của đại kiếp mà trong đó Đức Phật Padumuttara xuất hiện, trải qua bảy chục ngàn Không kiếp (Suñña kappa – kiếp không có chư Phật). Rồi vào một đại kiếp cách đây ba chục ngàn đại kiếp xuất hiện hai vị Phật: Sumedha và Sujata (Manda kappa – kiếp có hai vị Phật).

Trong hai vị Phật này, vị Sumedha, sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật khi là Bồ tát, Ngài tái sanh vào cung trời Đâu suất đà theo đúng truyền thống của chư vị Bồ tát. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên để thành Phật, Ngài xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng bà Sudattā, hoàng hậu của vua Sudatta. Mười tháng trôi qua, Bồ tát đản sanh tại vườn thượng uyển Sudassana.

Đời sống ở vương cung

Khi đến tuổi trưởng thành, thái tử Sumedha sống trong ba cung điện Sucandana, Kancana và Sirivaddhana, được hầu hạ bởi bốn mươi tám ngàn cung nữ dẫn đầu là chánh hậu Sumana. Như vậy Bồ tát thọ hưởng cuộc đời đế vương giống như ở cõi chư thiên trong chín ngàn năm.

Sự xuất gia

Khi đang thọ hưởng cuộc đời đế vương như vậy thì chánh hậu Sumanā hạ sanh một hoàng nam tên là Punabbasu. Thấy bốn điềm tướng, Ngài ra đi xuất gia cỡi trên con voi kiết tường và trở thành vị Sa-môn. Theo gương của Ngài, một ngàn triệu người khác cũng trở thành Sa-môn.

Sự thành đạo

Bồ tát Sumedha thực hành khổ hạnh cùng với một ngàn triệu vị sa- môn trong mười lăm ngày (theo bài kệ tiếng Sinhalese thì thời gian là tám tháng). Vào ngày rằm tháng tư, ngày Thành đạo, Ngài độ món cơm sữa do Nakulā dâng cúng, con gái của vị trưởng giả ở ngôi làng Nakula và trải qua suốt ngày trong rừng cây sala của ngôi làng ấy. Đến chiều Ngài rời đồ chúng và một mình đi đến đại thọ bồ đề. Trên đường đi, Ngài nhận tám nắm cỏ do một người dị giáo tên Sirivaddhana dâng cúng. Mớ cỏ vừa được rải xuống cội cây bồ đề thì Vô địch bảo tọa cao năm mươi bảy hắc tay từ dưới đất hiện lên. Ngồi kiết già trên bồ đoàn giác ngộ, Bồ tát vận dụng bốn mức độ Tinh tấn, chiến thắng và chứng đắc Phật quả, thành bậc Chánh biến tri, Thế Tôn của ba cõi.

Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Sumedha (Dhammābhisamaya)

Sau khi thành đạo, Đức Phật Sumedha trải qua bốn mươi chín ngày ở bảy chỗ gần cây Đại bồ đề. Nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên, Ngài xem xét nên thuyết pháp tế độ ai trước và thấy hai người em khác mẹ, hoàng tử Sarana và hoàng tử Sabbakama (là hai Đại đệ tử tương lai) và một ngàn vị Sa-môn đã từng xuất gia chung với Ngài. Đức Phật mang y bát và vận dụng thần thông lập tức xuất hiện nơi ngụ của họ, ở vườn thượng uyển Sudassana gần kinh đô Sudassana.

Thấy Đức Phật đi đến từ xa, một ngàn triệu vị Sa-môn khởi tâm tịnh tín và đón tiếp Ngài một cách chu đáo, thỉnh lấy y bát, sắp xếp chỗ ngồi trang trọng, thỉnh Ngài an tọa rồi cùng nhau đảnh lễ và ngồi xuống quanh Ngài. Khi ấy Đức Phật bảo người giữ vườn đi gọi hai vị hoàng tử. Khi có mặt đông đủ, Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakkapavattana Sutta) đến tất cả, bao gồm nhân loại  và chư thiên – có mười trăm ngàn triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)

Một dịp khác, sau khi nhập vào Đại bi định (Mahā-karunā samapatti) vào buổi sáng và dò xét những chúng sanh nào có đủ căn duyên để thành đạt giải thoát, Đức Phật trông thấy một Dạ xoa tên là Kumbhakaṇṇa – một con quỉ ăn thịt người có tướng mạo dữ tợn, xuất hiện ở lối vào khu rừng rậm, làm cho những lối đi trong khu rừng trở nên hoang vắng. Đức Phật Sumedha một mình đi đến chỗ ngụ của Dạ- xoa. Ngài đi vào, ngồi trên chỗ ngồi đã được sắp sẵn.

Dạ xoa Kumbhakaṇṇa rất phẫn nộ giống như một con rắn độc bị đánh bởi cây gậy và để đe dọa Đức Phật, dạ xoa hóa ra hình tướng hung tợn với cái đầu như quả núi; đôi mắt mở lớn và rực lửa như những tia sáng của mặt trời; hai cái nanh dài và lớn như hai lưỡi cày; lớp da bụng của nó có màu xanh đậm, lòng thòng lắc lư; cái mũi của nó cúp xuống ở giữa trông rất dị hợm; miệng thì há hốc và đỏ lòm như hốc núi đá; tóc thì bù xù rậm rạp. Với hình tướng đầy kinh khiếp, dạ xoa đứng trước Đức Phật, phun khói và lửa đến Ngài và tưới xuống cơn mưa đá, lửa, nước nóng, bùn nóng, tro nóng, khí giới, than đỏ và cát nóng. Với cơn mưa gồm chín loại khí giới này, dạ xoa cũng không thể làm gì được Đức Phật, ngay cả chạm đến một sợi lông trên thân của Ngài. Dạ xoa suy nghĩ: “Ta sẽ giết vị đại Sa-môn này bằng cách đặt ra một câu hỏi.” Dạ xoa nêu câu hỏi giống như câu hỏi của dạ xoa Ālavaka. Sau khi giải đáp thỏa đáng câu hỏi, Đức Phật đã nhiếp phục được dạ xoa.

Ngày hôm sau, ngày mà đứa con trai của nhà cai trị vùng lân cận sẽ được giao nạp cho dạ xoa, dân chúng đem vật thực cả cỗ xe bò cùng  vị hoàng tử và dâng đến dạ xoa. Dạ xoa bèn trao vị hoàng tử cho Đức Phật. Nghe tin tốt lành, dân chúng đang đứng đợi ở cổng rừng bèn đi đến Đức Phật. Trong hội chúng ấy, Đức Phật đã thuyết pháp thích hợp với căn tánh của dạ xoa và giúp chín trăm triệu chúng sanh chứng đắc Đạo Quả giải thoát. 

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)

Vào một dịp khác, Đức Phật Sumedha thuyết giảng Tứ Diệu Đế  đến chư thiên và nhân loại tại khu rừng của xứ Sirinandana, gần thành phố Upakari. Lúc bấy giờ có tám trăm ngàn triệu chúng sanh chứng đắc Đạo Quả giải thoát.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba).

Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

Có ba kỳ đại hội chư Tăng đệ tử Phật. Ở đại hội thứ nhất, Đức Phật ở tại thành phố Sudassana. Khi ấy có một ngàn triệu vị A-la-hán đến tham dự.

(Đây là Sannipāta thứ nhất)

Vào một dịp khác, Đức Phật an cư kiết hạ ở trên núi Deva. Khi lễ Kaṭhina được tổ chức sau mùa an cư, có chín trăm triệu vị tỳ khưu tụ hội.

(Đây là Sannipāta lần thứ hai)

Lại một dịp khác Đức Phật lên đường hóa độ chúng sanh. Khi ấy tám trăm triệu vị tỳ khưu theo hầu Đức Phật đã tụ hội.

(Đây là Sannipāta lần thứ ba)

Bồ tát Gotama là thanh niên Uttara được Đức Phật Sumedha thọ ký

Lúc bấy giờ Bồ tát của chúng ta là một thanh niên tên Uttara (Tối thượng), nghĩa là người vượt trội kẻ khác về các giới đức. Vị ấy cúng dường đến chư Tăng có Đức Phật chủ tọa với số tài sản được tích lũy trị giá tám trăm triệu đồng tiền vàng. Sau khi nghe pháp của Đức Phật, Bồ tát quy y Tam bảo và trở thành vị tỳ khưu trong giáo pháp của Đức Phật. Sau thời pháp thoại tán dương công đức Bồ tát này, Đức Phật Sumedha công bố lời tiên tri: “Chàng trai Uttara này quả thật sẽ thành một vị Phật danh hiệu là Gotama.”

Nghe lời tiên tri của Đức Phật, Bồ tát vô cùng vui sướng và quyết tâm thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật nhiều hơn nữa.

Uttara trở thành vị tỳ khưu và gánh vác nhiều phận sự trong giáo pháp của Đức Phật. Vị ấy thông suốt Tam tạng gồm Kinh và Luật, làm cho giáo pháp của Đức Phật sáng chói hơn.

Nhờ tu tập chánh niệm, phát triển các Sa-môn hạnh, thực hành pháp Đầu đà ngăn oai nghi nằm (chỉ ngồi, đi và đứng), Bồ tát không chỉ chứng đắc Bát thiền mà còn thành đạt Ngũ thông. Thế nên, sau khi thân họai mạng chung, Ngài tái sanh vào Phạm thiên giới.

Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Sumedha

Nơi sanh của Đức Phật Sumedha là Sudassana, phụ vương là vua Sudatta và mẫu hậu là hoàng hậu Sudattā.

Ngài trị vì vương quốc trong chín ngàn năm. Ba cung điện của Ngài là Sucandana, Kañcana và Sirivaḍḍhana.

Chánh hậu là Sumanā, có tám mươi bốn ngàn cung nữ hầu hạ. Con trai là hoàng tử Panabbasu.

Hai đại đệ tử của Đức Phật là trưởng lão Saraṇa và trưởng lão Sabbakāma. Thị giả là trưởng lão Sāgara.

Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Ramā và trưởng lão ni Suramā.

Cây giác ngộ là cây Mahānīpa.

Hai cận sự nam bậc thánh là trưởng giả Uruvela và trưởng giả Yasavā. Hai cận sự nữ bậc thánh là Ưu bà di Yasodharā và Ưu-bà-di Sirimā.

Đức Phật Sumedha cao tám mươi tám hắc tay. Thân Ngài chiếu hào quang khắp các hướng như mặt trăng chiếu sáng bầu trời và các vì sao của nó.

Hào quang từ thân Ngài tỏa sáng khắp nơi giống như viên hồng ngọc của vị Chuyển luân vương chiếu sáng, xa một do tuần. 

Thọ mạng thời kỳ của Đức Phật Sumedha là chín chục ngàn năm, Ngài sống suốt bốn phần năm của thọ mạng cứu vớt vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ra khỏi đại dương luân hồi và đặt họ bên kia bờ Niết bàn.

Thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Sumedha rực rỡ, các vị A-la-hán có mặt ở khắp nơi trong thời kỳ giáo pháp của Ngài, những bậc có Tam minh và Lục thông, tinh tấn không chao động trước các pháp thăng trầm của thế gian, có khả năng nhìn các pháp lạc và bất lạc đều như nhau.

Kinh cảm quán – Saṁvega

Tất cả những vị thánh A-la-hán có danh tiếng vô song đều đã thoát khỏi các phiền não và bốn Upadhi, là các nền tảng của kiếp sống. Các bậc A-la-hán Thanh văn đệ tử ấy của Đức Phật Sumedha có đồ chúng đông đảo, tỏa sáng bằng ánh sáng trí tuệ của các Ngài và cuối cùng đã viên tịch đại niết bàn.

Bảo tháp

Như vậy Đức Phật Sumedha, Bậc Chiến thắng ngũ ma, đã viên tịch đại Niết bàn tại vườn Medha. Xá lợi phân tán theo ý nguyện của Ngài và có mặt khắp cõi Diêm phù đề, được các hàng chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ngày đêm lễ bái, cúng dường.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 20

Post Views: 681