( Trích trong Đại Phật Sử ty-khuu Mingun Sayadaw )

18. Phussa Buddhavaṁsa (Lịch sử Đức Phật Phussa)

Sau khi Đức Phật Tissa viên tịch Đại Niết bàn, trong đại kiếp Manda kappa có hai vị Phật ấy, thọ mạng của loài người giảm dần từ một trăm ngàn tuổi còn mười tuổi và lại tăng lên đến A-tăng-kỳ tuổi. khi thọ mạng loài người giảm xuống chín chục ngàn tuổi, lúc ấy Bồ tát Phussa đã tái sanh vào cung trời Đâu suất đà sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên để thành Phật, Bồ tát xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của bà Sirimā, chánh hậu của vua Jayasena, tại kinh đô Kāsika. Mười tháng trôi qua, Bồ tát đản sanh tại vườn Sirima.

Đời sống ở vương cung

Khi thái tử Phussa đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong ba cung điện Garulapekkha, Haṁsa và Suvaṇṇabhāra, được hầu hạ bởi ba chục ngàn cung nữ, dẫn đầu là công chúa Kisā Gotamī. Ngài sống cuộc đời đế vương như ở cõi chư thiên trong chín ngàn năm.

Sự xuất gia

Khi Bồ tát thái tử trông thấy bốn điềm tướng và sau khi công chúa Kisā Gotamī đã hạ sanh một hoàng nam đặt tên là Anupama, Ngài đi xuất gia cỡi trên con voi kiết tường. Mười triệu người cũng noi theo gương Ngài mà trở thành những vị Sa-môn.

Sự thành đạo

Cùng với mười triệu vị Sa-môn này, Bồ tát Phussa thực hành khổ hạnh trong sáu tháng. Sau đó rời bỏ đồ chúng, Ngài hành pháp độc cư trong bảy ngày. Vào ngày rằm tháng tư, ngày thành đạo của Ngài, Bồ tát Phussa độ món cơm sữa do Sirivaḍḍhā dâng cúng, con gái của một vị trưởng giả ở một thọ trấn nọ và trải qua suốt ngày trong rừng cây Samsapa của địa phương. Đến chiều, Ngài một mình đi đến cây đại bồ đề Āmaṇḍa và trên đường đi nhận tám nắm cỏ do đạo sĩ Sirivaḍḍha dâng tặng. Khi Ngài vừa rải mớ cỏ xuống cội cây bồ đề thì Vô địch bảo tọa cao ba mươi tám hắc tay xuất hiện. Ngồi kiết già trên bảo tọa, Ngài chứng đắc Phật quả cùng cách của các chư Phật trong quá khứ..

Ba Thắng thời thuyết pháp của Đức Phật Phussa (Dhammābhisamaya)

Sau khi thành đạo, Đức Phật Phussa trú ngụ ở bảy chổ quanh khu vực cây đại Bồ đề trong bốn mươi chín ngày. Nhận lời thỉnh cầu của Đại phạm thiên để thuyết pháp tế độ chúng sanh, Ngài quán xét xem nên thuyết pháp đến ai trước và trông thấy mười triệu vị Sa-môn là những người đã từng xuất gia theo Ngài, có đầy đủ phước quá khứ dẫn đến Đạo Quả. Rồi Ngài lập tức bay xuyên qua hư không đến khu vườn nai Isipatana, gần thành phố Sankhassa. Giữa những vị Sa-môn ấy, Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân đến tất cả đồ chúng như chư Phật quá khứ đã từng làm. Khi ấy có mười trăm ngàn triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả giải thoát.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)

Một dịp khác, vua Sirivaḍḍhā của xứ Bārāṇasī, sau khi từ bỏ tài sản giàu có của mình, xuất gia làm Sa-môn và chín triệu người cũng xuất gia theo nhà vua. Đức Phật Phussa đi đến chỗ ngụ của những vị đạo sĩ này và thuyết pháp đến họ. Chín triệu chúng sanh đã chứng đắc Đạo Quả giải thoát sau khi nghe thời pháp của Đức Phật.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)

Lại một dịp khác, Đức Phật Phussa thuyết pháp đến con trai của Ngài, là hoàng tử Anupama. Khi ấy có tám triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả giải thoát.

(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)

Ba kỳ đại hội Thánh Tăng – Sannipāta

Có ba kỳ đại hội Thánh Tăng đệ tử của Đức Phật Phussa. Kỳ đại hội thứ nhất diễn ra ở Kaṇṇakujja, ở đó thái tử Surakkhita và chàng thanh niên Dhammasena – con trai của vị quốc sư, là hai vị Thượng thủ Thinh văn tương lai và dân cư, sáu triệu người đã đón tiếp Đức Phật nhân chuyến viếng thăm của Ngài đến kinh đô. Họ cũng thiết trai tăng cúng dường Đức Phật và chúng Tăng trong bảy ngày. Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, hai vị hoàng tử khởi tâm tịnh tín và trở thành sa-môn cùng với sáu triệu tùy tùng đều chứng đắc đạo quả A-la- hán. Giữa hội chúng những vị A-la-hán ấy, Đức Phật Phussa tụng Ovāda Pātimokkha.

(Đây là Sannipāta lần thứ nhất)

Một dịp khác, trong hội chúng quyến thuộc của Ngài dẫn đầu là  phụ vương Jayasena của Ngài ở kinh đô Kasika, Đức Phật kể lại lịch sử của chư Phật. Sau khi nghe Phật sử kinh, năm triệu người đã trở thành Thiện lai tỳ khưu và chứng đắc đạo quả A-la-hán. Giữa hội chúng gồm năm triệu vị A-la-hán này, Đức Phật tụng Ovāda Pātimokkha.

(Đây là Sannipāta lần thứ hai)

Lại một dịp khác, khi nhân loại và chư thiên bàn về những điều hạnh phúc dẫn đến sự hưng thịnh trong thế gian nhưng không thể có được câu trả lời thỏa đáng cho tất cả, và khi họ nêu ra câu hỏi ấy đến Đức Phật Phussa, Ngài bèn thuyết bài kinh Hạnh phúc Maṅgala Sutta. Sau khi nghe bài kinh ấy, bốn triệu người đã trở thành Thiện lai tỳ khưu và chứng đắc đạo quả A-la-hán. Giữa hội chúng những vị A-la- hán này, Đức Phật tụng Ovāda Pātimokkha.

(Đây là Sannipāta lần thứ ba)

Bồ tát Gotama của chúng ta là vua Vijitāvī và được Đức Phật Phussa thọ ký

Lúc bấy giờ, Bồ tát của chúng ta là vua Vijitāvī, ở kinh đô Arindama. Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, vị ấy khởi tâm tịnh tín nơi Đức Phật, thiết lễ đại thí cúng dường vật thực, từ bỏ vương quốc, trở thành vị tỳ khưu và thông thuộc Tam tạng. Nhờ thông suốt Tam tạng, vị ấy truyền bá giáo pháp đến tất cả mọi người. Bồ tát cũng thực hành viên mãn giới Ba-la-mật.

Đức Phật Phussa, bậc Thế Tôn của ba cõi, công bố lời tiên tri về Bồ tát Vijitāvī như sau: “Sau chín mươi hai đại kiếp kể từ nay, vị tỳ khưu Vijitāvī này sẽ trở thành một vị Phật, danh hiệu là Gotama.”

Được nghe lời tiên tri của Đức Phật Phussa, Bồ tát Vijitāvī đầy tin tưởng và nguyện thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật tinh tấn hơn.

Sau khi trở thành vị tỳ khưu và người hầu trong giáo pháp của Đức Phật Phussa và thông suốt chín phần giáo pháp của Đức Phật cùng với Kinh và Luật, Bồ tát đã góp phần làm sáng chói Giáo pháp của Đức Phật.

Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Phussa

Nơi sanh của Đức Phật Phussa là kinh đô Kāsika, phụ vương là vua Jayasena và mẫu hậu là hoàng hậu Sirimā.

Ngài trị vì vương quốc chín ngàn năm. Ba cung điện là Garulapakkha, Haṃsa và Suvaṇṇabhāra.

Chánh hậu là Kisā Gotamī, dẫn đầu ba mươi ngàn cung nữ. Con trai là hoàng tử Anupama.

Ngài đi xuất gia cỡi trên con voi và hành khổ hạnh trong sáu tháng.

Hai vị Thượng thủ Thinh văn là trưởng lão Surakkhita và trưởng lão Dhammasena.Thị giả là trưởng lão Sabhiya.

Hai đại đệ nữ là trưởng lão ni Cāla và trưởng lão ni Upacāla. Cây giác ngộ là cây Āmanda.

Hai cận sự nam bậc Thánh là hai vị trưởng giả Dhanañjaya và Visakha. Hai cận sự nữ bậc Thánh là Ưu-bà-di Padumā và Ưu-bà-di Nagā.

Đức Phật Phussa cao năm mươi tám hắc tay. Ngài chiếu sáng như mặt trời và có những phẩm chất khả ái như mặt trăng.

Thọ mạng trong đại kiếp mà Ngài xuất hiện là chín chục ngàn năm. Sống suốt bốn phần năm của thọ mạng, Đức Phật Phussa đã cứu vớt cho vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên thoát khỏi những dòng nước lũ luân hồi và đặt họ lên miền đất Niết bàn.

Kinh cảm quán

Đức Phật Phussa có danh tiếng vô song cùng nhiều vị Thanh văn đệ tử A-la-hán đã viên tịch đại Niết bàn và đã chấm dứt kiếp sống cuối cùng.

Bảo tháp

Như vậy Đức Phật Phussa, Bậc chiến thắng ngũ ma, đã viên tịch  đại Niết bàn tại vườn Sena, gần thành phố Kusināra. Theo đúng với ý nguyện của Ngài, như đã giải thích ở trước, Xá lợi được phân tán và có mặt ở khắp cõi diêm phù đề, được nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ngày đêm lễ bái cúng dường.

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 13

Post Views: 623