24. Kassapa Buddhavaṁsa (Lịch sử Đức Phật Kassapa)
24. Kassapa Buddhavaṁsa (Lịch sử Đức Phật Kassapa)
Sau khi Đức Phật Koṇāgamana viên tịch trong chính Hiền kiếp này, thọ mạng của loài người giảm dần từ ba chục ngàn tuổi còn mười tuổi, rồi lại tăng lên đến A-tăng-kỳ tuổi. Khi giảm lại còn hai chục ngàn tuổi thì Bồ tát Kassapa tái sanh ở cung trời Đâu-suất-đà. Nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên để thành Phật, Ngài xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của nữ Bà-la-môn Dhanavatī, vợ của bà-la-môn Brahmadatta ở kinh đô Barānasī, do vua Kikī trị vì. Mười tháng trôi qua, Bồ tát đản sanh ở vườn nai Isipatana.
Vào ngày đặt tên của Ngài, các nhà tướng số thông thái và quyến thuộc của Ngài đặt tên cho Ngài là Kassapa vì Ngài thuộc dòng họ mang tên ấy.
Khi Bồ tát Kassapa đến tuổi trưởng thành, Ngài sống trong ba cung điện: Haṁsa, Yasa và Sirinanda, được hầu hạ bởi người vợ của Ngài là thiếu nữ Bà-la-môn Sunandā, cùng với bốn mươi tám ngàn người hầu nữ. Ngài hưởng cuộc đời thế tục như thần tiên trong hai ngàn năm.
Bồ tát Kassapa trông thấy bốn điềm tướng khi đang sống cuộc đời thế tục và người vợ Sunandā của Ngài đã hạ sanh một bé trai đặt tên là Vijitasena, Ngài khởi sanh sự động tâm (saṁvega) và nghĩ: “Ta sẽ từ bỏ thế gian ngay ngày hôm nay.”
Vừa quyết định như vậy thì cung điện của Bồ tát tự quay tròn như bánh xe của người thợ gốm và bay bổng lên không trung. Giống như mặt trăng xuất hiện giữa các vì sao trong mùa thu và tỏa sáng lung linh, cung điện đem theo hàng trăm người bay trên không trung như tô điểm cho bầu trời thêm rực rỡ. Cuối cùng nó đáp xuống mặt đất nơi cây bồ-đề Nigrodha (cây đa) ở chính giữa.
Rồi Bồ tát bước xuống cung điện, Ngài mặc vào bộ y sa-môn do Phạm thiên dâng cúng. Vợ của Bồ tát và các nữ hầu cũng rời khỏi cung điện và đi một khoảng xa bốn chục usabha (bằng nửa gāvuta). Nơi đây, họ dựng lên những cái trại tạm thời giống như doanh trại của một đoàn binh. Theo gương Bồ tát, những người đi theo Ngài cũng xuất gia làm Sa-môn.
Cùng với những vị Sa-môn đã đi theo Ngài, Bồ tát Kassapa thực hành pháp khổ hạnh. Vào ngày rằm tháng tư, ngày thành đạo của Ngài, Ngài độ món cơm sữa do người vợ Snandā của Ngài dâng cúng và trải qua suốt ngày trong rừng cây keo của địa phương. Đến chiều Ngài một mình đi đến cây đại thọ Bồ-đề và trên đường đi nhận tám nắm cỏ do một người giữ ruộng lúa tên Soma dâng cúng. Khi Ngài vừa rải mở cỏ xuống cội cây Bồ-đề thì Vô địch bảo tọa cao mười lăm hắc tay xuất hiện. Ngồi kiết già trên bảo tọa, Ngài vận dụng bốn mức độ tinh tấn và chứng đắc Phật quả.
Sau khi chứng đắc Phật quả, Đức Phật Kassapa trú ngụ ở bảy chỗ quanh khu vực cây Bồ-đề trong bốn mươi chín ngày. Nhận lời thỉnh cầu thuyết pháp của Phạm thiên, Ngài xem xét nên thuyết pháp đến ai trước và trông thấy mười triệu vị Sa-môn, là những người đồng tu trước kia với Ngài, họ có đầy đủ phước quá khứ có thể chứng đắc Đạo Quả. Đức Phật vận dụng thần thông, ngay lập tức xuất hiện nơi ngụ của họ tại rừng Nai Isipatana gần thành phố Barānasī. Giữa những vị sa-môn này, Đức Phật thuyết bài kinh Chuyển pháp luân giống như chư Phật quá khứ đã từng thuyết, nhiều chư thiên và Phạm thiên cũng đến đó để thính pháp. Lúc bấy giờ có hai mươi triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả giải thoát.
(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ nhất)
Về sau, khi Đức Phật Kassapa du hành về các thị trấn và làng mạc để thuyết pháp độ sanh, có một trăm ngàn triệu chư thiên và nhân loại chứng đắc Đạo Quả giải thoát.
(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)
Lại một dịp khác, khi Đức Phật Kassapa thị hiện Song thông gồm nước và lửa, và thuyết pháp gần cây Asana, cạnh cổng thành Sundara. Cuối thời pháp, có năm chục ngàn triệu chư thiên và nhân loại thông đạt Tứ diệu đế và chứng đắc Đạo Quả giải thoát.
(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)
Sau khi thị hiện Song thông, Đức Phật Kassapa lên cõi trời Ba- mươi-ba (Tāvatiṃsa) và tại giảng đường Chánh pháp (Sudhamma), Ngài thuyết bảy bộ Vi-diệu-Tạng (Abhidhammā) đem lại lợi ích cho chư thiên và Phạm thiên đã cu hội ở đó để thính pháp; đặc biệt để tế độ cho vị thiên trước kia là Mẹ của Ngài. Lúc bấy giờ có ba trăm ngàn triệu chư thiên và nhân loại thông đạt Tứ Diệu Đế và chứng đắc Đạo Quả giải thoát.
(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ tư)
Một dịp nọ, có một dạ-xoa có quyền lực giống như dạ-xoa Naradeva trong thời của Đức Phật Kakusandha. Dạ-xoa này cũng có tên là Naradeva. Sau khi giả làm vị vua trị vì ở một kinh đô bên ngoài xứ Diêm phù đề và cũng giả giọng nói, cử chỉ và những đặc điểm khác của vua, dạ-xoa giết chết vị vua thật và ăn thịt vị ấy. Sau đó dạ xoa nắm quyền cai trị toàn vương quốc và giết chết rất nhiều người để ăn thịt. Hắn sống tà hạnh với các nữ nhân trong hậu cung.
Khi các hoàng hậu, công nương và các cung nữ thông minh nhận ra rằng: “Người này không phải là chủ của chúng ta, không là đức vua của chúng ta. Hắn đích thực là dạ xoa.” Biết rằng mình đã bị phát hiện, dạ xoa bèn giết và ăn thịt tất cả họ, rồi tiếp tục đi đến kinh đô khác và cũng giả làm vua tương tự như vậy.
Sau khi giết và ăn thịt nhiều người theo cách này, dạ xoa Naradeva đến tại kinh đô Sundara. Dân cư ở đó khi hay tin về sự cai trị đầy hãi hùng của hắn, vì sợ chết họ đã bỏ chạy khỏi kinh đô. Trông thấy cảnh trạng hỗn loạn và hoang mang của dân chúng, Đức Phật Kassapa bèn đi đến và đứng trước mặt dạ xoa. Khi dạ xoa trông thấy Đức Phật đang đứng ngay trước mặt mình, hắn tấn công Đức Phật bằng cách phát ra âm thanh như sấm sét. Nhưng không thể làm cho Đức Phật sợ hãi, dạ xoa cúi đầu quy y Ngài. Trước đó hắn cũng thách thức Đức Phật bằng cách đặt ra những câu hỏi hóc búa và Ngài đã trả lời một cách thỏa đáng. Khi Đức Phật ban lời giáo giới và thuyết pháp đến dạ xoa Naradeva thì vô số chư thiên và nhân loại đến thính pháp và kết quả là họ thông đạt Tứ diệu đế và chứng ngộ Giải thoát.
(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ năm)
Đại hội Thánh Tăng đệ tử của Đức Phật Kassapa diễn ra như vầy: Tại thành phố Bārāṇasī, khi Tissa- con trai của vị quốc sư, trông thấy ba mươi hai bảo tướng trên người của Bồ tát Kassapa, chàng trai nhớ lại lời dạy của cha rằng “Chỉ những người sẽ thành Phật mới có những hảo tướng như vậy.” Chàng trai Tissa hoàn toàn tin vào điều ấy và tự nghĩ rằng: “Vị Kassapa này sẽ thành Phật qua sự từ bỏ vĩ đại. Ta sẽ cố gắng để thoát khỏi đau khổ của luân hồi sau khi trở thành vị sa-môn trước sự chứng minh của Đức Phật Kassapa.” Do đó, vị ấy đi đến Hy- mã-lạp-sơn và xuất gia làm đạo sĩ ngay trước khi Bồ tát Kassapa từ bỏ thế gian. Các đạo sĩ trong hội chúng của vị ấy lên đến hai mươi ngàn người.
Về sau, khi nghe tin “Đức Phật Kassapa, sau khi từ bỏ thế gian, bây giờ đã thành Phật rồi,” vị ấy cùng các đạo sĩ đồng tu rời khỏi Hy-mã- lạp-sơn và tìm đến Đức Phật Kassapa, xin được xuất gia trong giáo pháp của Đức Phật. Đức Phật Kassapa bèn gọi: “Hãy đến, này các tỳ khưu.” Và đạo sĩ Tissa cùng với hai mươi ngàn đạo sĩ đồng tu của vị ấy đều trở thành ‘Thiện lai tỳ khưu” và chứng đắc đạo quả A-la-hán. Vào ngày rằm tháng Magha, giữa hội chúng hai chục ngàn vị tỳ khưu này, Đức Phật Kassapa tụng Ovāda Pātimokkha.
(Đây là Sannipāta độc nhất)
Lúc bấy giờ Đức Phật đương lai Gotama của chúng ta là chàng trai Jotipāla nổi tiếng. Vị ấy tụng các bộ kinh Phệ đà một cách lưu loát, thuộc lòng tất cả những bài thánh ca, đạt đến sự toàn thông về các bộ Phệ đà và thành tựu về khoa tướng pháp, như giải thích các hảo tướng của bậc đại trượng phu, v.v… khoa truyện cổ và tất cả các nghệ thuật, các nghề thủ công mà đã được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bồ tát còn làu thông cả về khoa thiên văn và địa lý.
Jotipāla là bạn thân của chàng thợ gốm Ghatikāra, một cận sự nam bậc thánh của Đức Phật Kassapa, rất tận tụy với Tam bảo và nổi tiếng là bậc A-na-hàm. Ghatikāra dẫn Bồ tát Jotipāla đến yết kiến Đức Phật.
Sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, Jotipāla trở thành vị tỳ khưu trước sự chứng minh của Đức Phật. Đầy tinh tấn và thiện xảo trong các phận sự lớn nhỏ, không hề xao lãng đối với ba pháp tu Giới, Định và Tuệ, vị ấy có trách nhiệm hoằng dương chánh pháp.
Sau khi thông thuộc chín phần giáo pháp, Bồ tát tỳ khưu Jotipāla đã làm vinh quang giáo pháp của Đức Phật. Biết những đức tánh phi thường của Jotipāla, Đức Phật Kassapa bèn tiên tri về vị ấy: “Vị tỳ khưu Jotipāla này nhất định sẽ thành Phật, danh hiệu là Gotama ngay trong hiền kiếp này.”
Sau khi nghe lời tiên tri của Đức Phật, vị tỳ khưu cao quý Jotipāla vô cùng hoan hỷ và nguyện thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật tinh tấn hơn.
Vì ước nguyện duy nhất của Ngài là chứng đắc Nhất thiết trí nên Bồ tát của chúng ta, bậc sẽ thành Thế Tôn của ba cõi, tránh xa tất cả các ác nghiệp cần phải xa lánh trong suốt chuỗi dài luân hồi và tinh tấn không thối chuyển trong việc thực hành các thiện nghiệp – mà người bình thường hầu như không thể thực hành được – để thành tựu viên mãn các pháp Ba-la-mật.
Chú thích: Theo sự trình bày ở trên, xem ra người thợ gốm Ghatikāra đưa người bạn Jotipāla đến yết kiến Đức Phật mà không gặp khó khăn. Trên thực tế, vị ấy đã không dễ dàng thành công như vậy. Vị ấy đã thuyết phục Jotipāla đến nhiều lần và cuối cùng phải dùng đến áp lực, nắm tóc của Jotipāla mà kéo đi. Chi tiết này được nêu ra trong bài kinh Ghatikāra, Raja Vagga, Majjhima Paṇṇāsa.
Nơi sanh của Đức Phật Kassapa là kinh đô Baranasī do vua Kikī trị vì. Cha là Bà-la-môn Brahmadatta và mẹ là nữ Bà-la-môn Dhanavatī.
Ngài sống cuộc đời thế tục trong hai ngàn năm. Ba cung điện là Haṁsa, Yasa và Sirinanda.
Vợ là thiếu nữ Bà-la-môn Sunandā với bốn mươi tám ngàn thiếu nữ bà-la-môn hầu hạ. Con trai là Vijitasena.
Phương tiện đưa Ngài đi xuất gia là cung điện. Ngài thực hành khổ hạnh trong bảy ngày.
Hai vị Thượng thủ Thinh văn là trưởng lão Tissa và trưởng lão Bharadvāja. Thị giả là trưởng lão Sabbamitta.
Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Anulā và trưởng lão ni Uruvelā. Cây Bồ-đề là cây Nigrodha.
Hai cận sự nam bậc thánh là Sumaṅgala và thợ gốm Ghatikāra. Hai cận sự nữ là Ưu-bà di Vijitasenā và Ưu-bà-di Bhaddā.
Đức Phật Kassapa cao hai mươi hắc tay. Ngài rực rỡ như khối lửa lớn, như trăng rằm được vây quanh bởi các vì tinh tú.
Thọ mạng của loài người trong thời kỳ của Đức Phật Kassapa là hai chục ngàn năm. Suốt bốn phần năm của thọ mạng, Đức Phật Kassapa đã cứu vớt cho vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên thoát khỏi đại dương luân hồi và đặt họ trên miền đất Niết bàn.
Đức Phật Kassapa tạo ra “hồ chánh pháp” vĩ đại dành cho nhân loại, chư thiên và Phạm thiên, cho họ xức dầu “Tứ thanh tịnh giới” để trang điểm cho cái tâm của họ, khiến họ mặc vào bộ y phục Tàm-quý, phân phát đến họ những bông hoa của Ba mươi bảy pháp trợ bồ-đề (Bodhipakkhiya dhamma), đặt chiếc gương trong suốt của Nhập lưu đạo tuệ (Sotāpatti magga ñāna) để họ có thể thấy rõ chính mình, phân biệt được những pháp bất thiện và những pháp thiện, giữa thiện nghiệp và ác nghiệp. Ngài đặt chiếc gương tựa như mời gọi những người đang lang thang tầm cầu Niết bàn đi đến “hồ chánh pháp”.
Đối với những người lắng nghe lời giáo huấn của Đức Phật, Ngài cho họ những chiếc áo giáp Ngũ giới, Thập giới và Tứ thanh tịnh giới để họ có thể chống lại kẻ thù phiền não; giúp họ mặc vào chiếc áo khoác Tứ thiền hợp thế và Ngũ thiền siêu thế. Cung cấp cho họ vũ khí tinh tấn cực mạnh gồm bốn mức độ và cho họ tấm khiên Tứ niệm xứ để họ có thể phòng thân chống lại các kẻ thù phiền não. Ngài còn cho các đệ tử những chiếc lao Minh sát tuệ rất bén nhọn và những cây gươm đạo tuệ được mài bén bằng viên đá mài tinh tấn. Ngài còn cho họ các Giới siêu thế để họ có thể đoạn diệt các phiền não ngũ ngầm. Rồi Đức Phật cho họ nhiều vật trang sức như Tam minh và Lục thông để họ gắn vào những bộ y phục Thánh quả ở trên người. Đức Phật còn tạo ra bó hoa chín Thánh pháp, thêm vào chiếc lọng A-la-hán quả để họ có thể bảo vệ chính mình ngăn chặn sức nóng của các tội lỗi. Đức Phật Kassapa cũng tạo ra bông hoa Bát Thánh đạo to lớn dẫn đến hạnh phúc của Niết bàn. Rồi Đức Phật Kassapa và chúng Thinh văn đệ tử A-la-hán của Ngài viên tịch đại Niết bàn và chấm dứt kiếp sống cuối cùng.
Đức Phật Kassapa, Bậc có vô số ân đức. Pháp bảo được Đức Phật thuyết giảng là pháp hằng mời gọi những người có trí bằng những lời: “Hãy đến đây, hãy nhìn vào và cố gắng thực hành theo.” Tăng bảo, chúng Thanh văn đệ tử gồm những bậc Tối thắng, các Ngài đã khéo thực hành Pháp bảo. Tất cả đều đã biến mất. Tất cả các pháp hữu vi quả thật vô dụng và không thực chất!
Như vậy Đức Phật Kassapa, Bậc chiến thắng ngũ ma, Bậc đạo sư của chư thiên và nhân loại, đã viên tịch đại Niết bàn tại đại lâm viên Setavya, gần thành phố Setavya, trong nước Kāsi. Dân chúng khắp cõi Diêm phù đề đồng tâm xây dựng một bảo tháp, trong đó mỗi viên gạch lát ở bên ngoài trị giá mười triệu đồng tiền vàng, mỗi viên gạch lát ở bên trong trị giá năm triệu – bảo tháp được xây dựng để tôn thờ Xá lợi của Đức Phật Kassapa cao một do tuần.
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 22