04. Sumana Buddhavamsa (Lịch sử Đức Phật Sumana)
04. Sumana Buddhavamsa (Lịch sử Đức Phật Sumana)
Thọ mạng chín chục ngàn năm của loài người trong thời Đức Phật Maṅgala dần dần giảm còn mười năm; rồi thọ mạng lại tăng lên đến chín chục ngàn năm. Thời điểm này, Bồ tát Sumana sau khi đã thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật đã tái sanh vào cung trời Đâu suất (Tusitā), Ngài nhận lời thỉnh cầu của chư thiên và Phạm thiên giáng sanh xuống cõi nhân loại và thọ sanh vào lòng của bà Sirimā, hoàng hậu của vua Sudatta, kinh đô Mekhala.
( Ba xứ liên quan đến Đức Phật là (i) Sanh đản sát thổ (Jāti khetta): mười ngàn thế giới rung chuyển vào lúc Ngài thọ sanh, đản sanh, Thành đạo, từ bỏ thọ hành và lúc viên tịch đại Niết bàn. (ii) Oai lệnh sát thổ (Ānā khetta): giáo pháp của Ngài lan truyền đến một trăm ngàn thế giới, và (iii) Cảnh (sở duyên) sát thổ (Visaya-khetta): vô lượng thế giới hình thành cảnh để Nhất thiết trí của Ngài soi xét.)
Thời gian Đức Phật được thọ thai, 32 hiện tượng kỳ diệu xuất hiện. Sau 10 tháng, ngày Đức Phật đản sanh, số hiện tượng kỳ diệu tương tự cũng xuất hiện và những hiện tượng này cũng xảy ra đối với tất cả các vị Bồ tát)
Khi đến tuổi trưởng thành, thái tử Sumana vào ở trong ba cung điện bằng vàng: cung điện Canda, cung điện Sucanda và cung điện Vatamsa. Nơi này, Ngài thọ hưởng đời sống đế vương trong chín mươi ngàn năm cùng với chánh hậu là Vataṃsika (được hầu hạ bởi sáu triệu ba trăm ngàn cung nữ xinh đẹp).
Khi hoàng hậu Vataṃsika hạ sanh hoàng nam Anupama thì Bồ tát gặp bốn điềm tướng: một người già, một người bịnh, một người chết và một vị sa-môn. Ngài từ bỏ thế gian trong bộ y phục do chư thiên dâng tặng và cỡi trên con voi kiết tường. Ba trăm triệu người khác noi theo gương xuất gia của Ngài mà trở thành Sa-môn.
Bồ tát Sumana cùng với ba trăm triệu vị Sa-môn này đi vào thực hành pháp khổ hạnh (dukkacarariyā), vào ngày rằm tháng tư (Vesākha). Sau khi độ món cơm sữa do Anupamā, con gái của vị trưởng giả ở ngôi làng Anoma dâng cúng, Ngài trải qua một ngày trong rừng cây sala ở gần đó. Buổi chiều Ngài rời bỏ tùy tùng và một mình đi đến cây bồ đề. Trên đường đi Ngài nhận tám nắm cỏ do một người dị giáo tên Anupama dâng cúng, ngay khi Ngài trải mớ cỏ ấy dưới cội cây bồ đề thì Vô địch bảo tọa cao ba mươi hắc tay xuất hiện.
Ngồi kiết già trên bảo tọa, Ngài chiến thắng Ma vương và đông đảo binh ma, chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng giác, và ngâm bài kệ khải hoàn bắt đầu bằng câu Anekajātisaṃsarām mà mỗi vị Phật trong quá khứ luôn thốt lên.
Sau khi chứng đắc Phật quả và trải qua bốn mươi chín ngày ở bảy chỗ quanh cây bồ đề, Đức Phật nhận lời thỉnh cầu của Phạm thiên và quán xét xem Ngài thuyết pháp tế độ ai đầu tiên. Ngài thấy ba trăm triệu vị Sa-môn đã từng xuất gia chung với Ngài, người em khác mẹ là hoàng tử Sarana và chàng trai Bhavitatta, con trai của vị Purohita, những người này có đầy đủ phước duyên đã được gieo tạo trong quá khứ, có thể chứng đắc Đạo Quả và Niết bàn. Ngài nghĩ rằng: “Ta sẽ thuyết pháp đến họ trước.” Ngài xem xét về chỗ ở của họ và thấy rằng họ đang sống ở khu vườn Mekhala thuộc thành phố Mekhala, cách cây đại Bồ đề mười tám gāvuta. Đức Phật mang theo y bát đi đến khu vườn Mekhala bằng con đường hư không.
Khi trông thấy Đức Phật Sumana đang tiến gần, ba trăm triệu vị Sa- môn với tâm đầy tịnh tín đã đón tiếp Ngài, thỉnh y và bát của Ngài, sửa soạn chỗ ngồi rồi trân trọng đảnh lễ Đức Phật. Khi tất cả phận sự đã được thực hiện xong, họ ngồi xuống ở chỗ phải lẽ quanh Đức Phật.
Đức Phật bảo người làm vườn đi gọi hoàng tử Sarana và chàng trai Bhavitatta, con trai của quốc sư Purohita. Rồi Ngài thuyết bài kinh Chuyển pháp luân đến hội chúng gồm hoàng tử Sarana và chàng trai Bhavitatta cùng với bảy trăm triệu tùy tùng của họ. Ba trăm triệu vị sa-môn đã xuất gia với Ngài cùng đông đảo chư thiên và nhân loại. Đây là bài pháp đầu tiên được thuyết giảng bởi chư Phật quá khứ. Đức Phật Sumana đã thuyết bài kinh ấy như gióng lên tiếng trống Chánh pháp gồm chín thành phần, như trỗi lên tiếng tù và Tứ Diệu Đế.
Điều đáng chú ý ở đây là: Sau khi chứng đắc Nhất thiết trí, Đức Phật Sumana muốn hoàn thành lời thỉnh cầu của Phạm thiên để giải thoát chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ra khỏi ngục tù của tam giới, và để bảo vệ chúng sanh khỏi bị bọn cướp phiền não cướp đi kho tàng công đức của họ, Ngài xây dựng thành phố Niết bàn bất tử với những bức tường thành là Giới (Silā), những hào lũy bao quanh là Định (Samādhi) và cổng thành là Tuệ quán (Vipassanā Ñāṇa), những cánh cửa Chánh niệm (Sati), những ngôi nhà lớn trong đó là Bát thiền (Samāpatti) và trú ngụ trong đó là những cư dân phạm hạnh với các pháp Trợ bồ đề (Bodhipakkhiya Dhamma).
Sau khi đã xây dựng thành phố Niết bàn, Đức Phật Sumana tạo ra một đại lộ thẳng tắp, xinh đẹp, rộng rãi và dài là Tứ niệm xứ (Satipaṭṭhāna). Ở bên kia đại lộ, Ngài tạo ra những dãy cửa hàng khả ái và an lạc là Pháp (Dhamma) để những người muốn các vật báu là bốn Quả (Phala), bốn Tuệ phân tích (Patisambhidā Ñāṇa), tám tầng Thiền (Samāpatti) và Lục thông (Abhiññāna) có thể mua chúng tùy thích bằng những đồng tiền là chánh niệm (sati), tinh tấn (vīriya), tàm (hirī) và quý (ottapa). Sau khi đã xây dựng thành phố Pháp bảo và lập nên thị trường Dhamma, Đức Phật Sumana gióng lên tiếng trống Chánh pháp bằng cách thuyết bài pháp đầu tiên – bài Chuyển pháp luân kinh, và đem lại sự giải thoát cho mười trăm ngàn triệu nhân loại, chư thiên và Phạm thiên.
(Đây là Dhammābhisamaya lần đầu tiên)
Để nhiếp phục tánh ngã mạn của các ngoại đạo sư rất hống hách và có tà kiến tại xứ Sunandavati, Đức Phật Sumana đã thị hiện Song thông gồm nước và lửa ở gần cây xoài và ban bố Chánh pháp – nước bất tử, đến nhân loại, chư thiên và Phạm thiên. Khi ấy có một ngàn triệu chúng sanh giác ngộ Tứ Diệu Đế.
(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ hai)
Vào một dịp khác, chư thiên và Phạm thiên từ mười ngàn thế giới đến gặp nhân loại, chư thiên và Phạm thiên ở thế giới này bàn về thiền Diệt Thọ Tưởng Định (Nirodha-samāpatti) – “Bằng cách nào người ta có thể nhập vào thiền Nirodha-samāpatti? Bằng cách nào đắc được thiền ấy? Bằng cách nào người ta có thể xuất khỏi thiền ấy?” Vì họ không thể giải được những vấn đề như vậy, tất cả thấu đến chín cõi Phạm thiên đều khởi lên hoài nghi và tự chia thành hai nhóm. Cùng vua Arindama, chúa tể của loài người, họ đi đến Đức Phật Sumana, chúa tể của ba cõi, và nêu ra những câu hỏi trên. Đức Phật đã giải quyết vấn đề bằng cách ban ra những bài pháp thích hợp, nhờ đó có chín trăm triệu nhân loại, chư thiên và Phạm thiên giác ngộ Tứ Diệu Đế.
(Đây là Dhammābhisamaya lần thứ ba)
Đại hội lần thứ nhất xảy ra khi Đức Phật cùng với mười trăm ngàn triệu vị A-la-hán, tất cả đều là Thiện lai tỳ khưu, sau khi an cư kiết hạ gần thành phố Mekhala và khi kết thúc mùa an cư, vào ngày Tự tứ, Ngài tụng Pāṭimokkha vào ngày rằm tháng Assayuja.
(Đây là Sannipāta lần thứ nhất)
Vào một dịp nọ, khi Đức Phật đang lưu trú trên ngọn núi vàng ròng cao một gāvuta, qua những bài pháp thù thắng Ngài khuyến giáo đến đức vua cùng với chín trăm ngàn triệu tùy tùng của vị ấy. Đức Phật truyền phép xuất gia thiện lai tỳ khưu đến họ và giữa những vị A-la- hán thiện lai tỳ khưu này, Ngài tụng Pāṭimokkha giữa hội chúng có bốn đặc tánh.
(4 đặc tánh này được đề cập trong kinh Dighanakha, Chú giải của kinh Trung bộ: 1) Đại hội được tổ chức vào ngày rằm tháng Magha (tháng 1). 2) Đại hội được tổ chức với sự tham dự của các vị A-la-hán mà không cần phải triệu thỉnh. 3) Tất cả tỳ khưu tham dự đại hội là những vị A-la-hán đã chứng đắc Lục thông. 4) Tất cả các vị đều là Thiện lai tỳ khưu – Ehi-bhikkhu)
(Đây là Sannipāta lần thứ ba)
Trong thời gian Đức Phật Sumana còn tại tiền, Bồ tát Gotama tái sanh làm long vương có đầy quyền lực. Khi hay tin rằng Đức Phật đã xuất hiện trong ba cõi và có bà con quyến thuộc theo Ngài, Long vương bèn ra khỏi chỗ ngụ của vị ấy và làm các việc phước đến Đức Phật và chúng đệ tử của Ngài gồm mười trăm ngàn triệu tỳ khưu như xướng lên âm nhạc và cúng dường đồ ăn, thức uống. Vị ấy cũng dâng y đến mỗi vị tỳ khưu và sau đó quy y Tam bảo.
Nhân đó Đức Phật ban lời tiên tri: ‘Vị Long vương này trong tương lai sẽ thành một vị Phật danh hiệu là Gotama.’
Khi nghe lời tiên tri của Đức Phật Sumana, Long vương Atula rất phấn chấn và vững chắc quyết tâm thể hiện tinh tấn nhiều hơn nữa, trong việc thực hành viên mãn mười pháp Ba-la-mật.
Nơi sanh của Đức Phật Sumana là kinh đô Mekhala.
Cha là vua Sudatta và mẹ là hoàng hậu Sirimā.
Ngài trị vì chín ngàn năm và ba cung điện của Ngài là Canda, Sucanda và Vataṃsa.
Chánh hậu là Vataṃsikā với sáu triệu ba trăm ngàn cung nữ hầu hạ.
Con trai là hoàng tử Anupama.
Hai đại đệ tử là trưởng lão Sarana và trưởng lão Bhāvitatta.
Thị giả là trưởng lão Udena.
Hai đại đệ tử nữ là trưởng lão ni Soṇā và trưởng lão ni Upasoṇā. Cây giác ngộ là cây Nāga.
Hai cận sự nam là trưởng giả Varuna và trưởng giả Sarana. Hai cận sự nữ là Cālā và Upacālā.
Đức Phật Sumana cao chín mươi hắc tay. Giống như cột trụ bằng vàng để thờ cúng, thân Ngài phát ánh hào quang rực rỡ chiếu khắp thế giới.
Thọ mạng trong thời của Ngài là chín chục ngàn năm và suốt những năm tháng này, Ngài đã tế độ cho vô số chúng sanh gồm nhân loại, chư thiên và Phạm thiên, đưa họ ra khỏi đại dương của luân hồi và đặt họ bên kia bờ của Niết bàn.
Sau khi giải thoát cho những chúng sanh đáng được giải thoát ra khỏi đại dương luân hồi và thuyết giảng đến những chúng sanh đáng được nghe thuyết giảng về Tứ Diệu Đế, Đức Phật Sumana viên tịch đại Niết bàn như mặt trăng chìm lặn.
Chúng Thinh văn đệ tử của Ngài, những vị A-la-hán, bậc đã đoạn trừ tất cả lậu hoặc; và Đức Phật, bậc vô song trong tam giới, đã chiếu sáng thế gian bằng ánh sáng vô song của Chánh pháp – tất cả rồi cũng viên tịch, để lại bóng đêm dày đặc cho thế gian.
Nhất thiết trí vô địch của Đức Phật Sumana, những kho tàng pháp bảo vô song của Ngài như bốn Quả, bốn Tuệ phân tích, v.v… tất cả đều biến mất. Các pháp hữu vi quả thật vô dụng, không thực tánh!
Như vậy Đức Phật Sumana, bậc đã hoàn toàn giác ngộ Tứ diệu đế, thành đạt danh tiếng lớn, đã viên tịch đại Niết bàn tại khu vườn Aṅga. Trong chính khu vườn ấy, một bảo tháp được xây dựng, cao bốn do tuần để cúng dường Ngài.
Theo thông lệ đối với chư Phật có thọ mạng lâu dài, Xá lợi của Đức Phật Sumana không thể bị tan vỡ, rắn chắc như pho tượng vàng. Những viên Xá lợi này được tôn trí trong bảo tháp ấy, dân cư khắp xứ Diêm phù đề đã đem đến bảy loại châu báu để trang trí giúp hoàn thành công trình xây dựng.
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 23