Hoàng hậu Vi Đề Hy và pháp Môn niệm Phật

Hoàng hậu Vi Đề Hy và pháp Môn niệm Phật

I. Giới thiệu về hoàng hậu  Vaidehi ( Vi Đề Hy)

Vi Đề Hy là hoàng hậu vợ vua Bình Sa ( Tần Bà Sa La ) và là mẹ của thái tử A Xà Thế . Trong phim Cuộc đời Đức Phật 2017 thì không thấy xuất hiện ( hoặc rất ít) , nhưng trong các  vở cải lương Việt Nam ( Thái tử A Xà Thế) thì xuất hiện khá nhiều. Trong vở cải lương , A Xà Thế đã ngăn cản bà bằng nhiều cách khi hoàng hậu VI Đề Hi cố gắng đem cơm và thức ăn cho vua Bình Sa ( bị A Xà Thế giam và bỏ đói)
Cải Lương Xưa | Thái Tử A Xà Thế – Thanh Sang Thanh Hằng

II. Hoàng hậu Vi Đề Hy và pháp Môn niệm Phật

Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật có ghi lại câu chuyện về hoàng hậu Vi Đề Hy, một bậc mẫu nghi thiên hạ với đầy đủ kẻ hầu, người hạ, muốn gì được nấy. Ấy thế mà, cuộc sống của bà rơi vào hoàn cảnh éo le bởi đứa con tham tàn bạo ngược. Thân thì sống trong cung vàng điện ngọc nhưng tâm bà vô cùng đau đớn và tuyệt vọng bởi nỗi xót thương chồng bị đứa con bức tử hành hạ thân xác trong ngục tù. Nương nhờ thần lực của đức Phật Thích Ca, Hoàng hậu nhớ lại hết những việc ác của mình, nên dịu lòng đau khổ và ăn năn sám hối tội lỗi. Bà liền đỉnh lễ Phật, cầu Phật dạy cho phương pháp tu hành để diệt tội và khi xả thân được sinh về thế giới thanh tịnh bất sinh bất diệt của Đức Phật A Di Đà. Về sau, bà cùng 500 tỳ nữ được Đức Phật thọ ký cho sinh về cõi Cực Lạc.

Chuyện kể rằng:

Vua Tần Bà Sa La và hoàng hậu Vi Đề Hy ở nước Ma-kiệt-đà xứ Ấn Độ hạ sinh được hoàng tử là A Xà Thế.

Vua A Xà Thế

A Xà Thế khi trưởng thành, muốn được lên ngai vàng nhanh chóng, không đợi được tới lúc vua cha truyền ngôi, lại nghe lời xúi giục của Đề Bà Đạt Đa, nên làm phản, bắt giam vua cha vào lao ngục và ra lệnh bỏ đói cho đến chết.

Khó khăn lắm hoàng hậu mới xin được vào ngục thăm vua, nhưng bị cấm không được đưa thức ăn vào. Không chịu nổi cảnh đói khổ của chồng, hoàng hậu đã giấu thức ăn trong túi áo, nhưng bà bị A Xà Thế bắt được. Lần thứ hai, bà lại giấu trong búi tóc, cũng bị phát hiện. Không còn cách nào hơn, bà phải bôi vào thân mình một thứ thức ăn được chế biến bằng mật ong, đường và sữa, để khi vào ngục thăm, bà gọt ra mà nuôi sống nhà vua. Nhưng cuối cùng rồi A Xà Thế vẫn biết được, nên cấm không cho bất cứ ai vào thăm nữa, còn hoàng hậu thì bị giam lỏng trong cung.

Vua cha Tần Bà Sa La bị giam trong ngục

Vua Tần Bà Sa La là người tin sâu Phật pháp, hơn nữa được sự chỉ dạy của đức Thế Tôn, biết phương pháp tu hành rõ ràng, dù nhiều ngày chịu đói nhưng gương mặt vẫn giữ được sự tươi tỉnh sáng suốt.

Riêng hoàng hậu, sau khi bị A Xà Thế giam lỏng, bà chẳng muốn ăn uống gì cả, thân thể tiều tụy, buồn thương cho chồng trong cảnh oan nghiệt, lo cho con phải rơi vào tội đại nghịch bất đạo. Quá đau khổ, mỗi ngày bà chỉ còn biết hướng về núi Kỳ-xà-quật mà đỉnh lễ đức Thế Tôn, vừa than khóc vừa cầu nguyện:

– Bạch đức Thế Tôn! Nay con đang rơi vào nghịch cảnh quá đau thương. Con nhớ trước đây Như Lai thường bảo Ngài A Nan đến thăm hỏi con, giờ đây con cũng mong Thế Tôn cho con gặp tôn giả Mục Kiền Liên hay Ngài A Nan để phần nào con được an ủi trong cảnh khốn khổ này. 

ĐỨC PHẬT TỪ BI HIỆN THÂN VÀO HOÀNG CUNG

Lúc đó, Thế Tôn đang trên núi Kỳ-xà-quật, biết được lời nguyện cầu của hoàng hậu, Ngài liền cùng với Tôn giả Mục Kiền Liên và A Nan hóa hiện vào hoàng cung. Hoàng hậu Vi Đề Hy còn đang khóc than vật vã, bỗng thấy kim thân đức Phật xuất hiện ngồi trên tòa sen báu ngàn cánh sáng rực trước mặt bà, hai bên là Tôn giả Mục Kiền Liên và Tôn giả A Nan. Từ trên hư không, vua trời Đế Thích và chư thiên rải hoa xuống cúng dàng. Hoàng hậu quá sức vui mừng liền quỳ xuống đỉnh lễ, khóc mà bạch Phật rằng:

– Kính bạch Đức Thế Tôn! Chúng con đã gây tạo nghiệp nhân gì mà sinh ra đứa con nghiệt chủng này? Vì nguyên do nào mà Đức Phật và Đề Bà Đạt Đa có phẩm hạnh và nhân cách trái ngược hẳn nhau lại sinh trong cùng một gia tộc? Chúng con biết thế gian này là ngũ trược ác thế, có đầy đủ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Con mong mỏi được Đức Thế Tôn nói cho con nghe về thế giới Cực Lạc, con nguyện sinh về cõi ấy, cõi mà con không còn nghe tiếng ác, không thấy người ác, được sống với các bậc thánh hiền.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn phóng hào quang giữa chặng lông mày, một màu ánh sáng vàng rực chiếu sáng đến tận mười phương thế giới. Rồi ánh sáng đó trở về đỉnh đầu Đức Thế Tôn, hóa thành khói vàng như núi Tu Di, quốc độ của mười phương chư Phật trang nghiêm thanh tịnh đều hiện ra ở trong đó, hoặc có quốc độ do bảy báu hợp thành, hoặc có quốc độ toàn là hoa sen, hoặc có quốc độ giống như cung điện của vua trời Tự Tại, hoặc có quốc độ toàn bằng pha lê, mười phương chư Phật đều hiện ở trong đó. Đức Phật biến hiện ra vô số quốc độ, khiến cho hoàng hậu Vi Đề Hy thấy được vô số thế giới.

Lúc bấy giờ, hoàng hậu Vi Đề Hy mới thưa với Đức Thế Tôn rằng:

– Bạch Đức Thế Tôn! Quốc độ của mười phương chư Phật tuy đều trang nghiêm thanh tịnh, nhưng con mong muốn sinh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, cúi mong Đức Thế Tôn từ bi thương xót, chỉ dạy cho chúng con làm sao đế nhận thấy được?

Đức Phật nghe hoàng hậu Vi Đề Hy nói xong liền mỉm cười, có ánh sáng ngũ sắc từ kim khẩu của Thế Tôn chiếu ra, tất cả ánh sáng đó chiếu đến đỉnh đầu của vua Tần Bà Sa La. Mặc dù lúc này vua bị giam cầm trong ngục thất, nhưng mắt tâm không bị ngăn che, nhìn ra xa thấy Đức Phật, nhà vua rất vui mừng liền cúi đầu đỉnh lễ Đức Thế Tôn.

CẦU SINH CỰC LẠC – THỰC HÀNH BA ĐIÊU PHÚC

Đức Phật nhìn hoàng hậu Vi Đề Hy và nói:

– Về phương Tây của thế giới Ta-bà này, cách khoảng mười vạn ức cõi Phật, có thế giới Cực Lạc, là nơi đức Phật A Di Đà hiện tại đang thuyết pháp nơi đó. Ở cõi ấy không có các thứ phiền não, thường được an vui. Nếu có chúng sinh nào muốn sinh về cõi ấy thì phải nhất tâm niệm Phật, tu các tịnh nghiệp. Muốn thành tựu tịnh nghiệp, phải tu ba điều phúc:

  1. Hiếu thảo với cha mẹ, phụng sự sư trưởng, phải có tâm từ bi không sát hại chúng sinh, tu mười nghiệp thiện.

  2. Thọ trì Tam quy, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi, thân tâm thanh tịnh.

  3. Phát tâm Bồ-đề, tin sâu nhân quả, tụng đọc và học hỏi kinh điển, khuyến khích người thực hành.

Này Vi Đề Hy! Ba việc làm trên đây gọi là tịnh nghiệp. Những tịnh nghiệp này, ba đời chư Phật cũng phải noi theo. Nếu có chúng sinh nào tu tập ba điều phúc như trên, nhất tâm niệm danh hiệu Phật thì sẽ được sinh về cõi thanh tịnh của Phật.

Lúc đó, đức Phật vì hoàng hậu Vi Đề Hy mà chỉ dạy mười sáu pháp quán tưởng (1).

HOÀNG HẬU VÀ MỌI NGƯỜI THẤY PHẬT A DI ĐÀ

Đức Phật thuyết 16 pháp quán tưởng vừa xong thì hoàng hậu Vi Đề Hy và 500 tỳ nữ ngay lúc đó liền thấy cảnh giới Cực Lạc hiện ra rất rộng lớn, trang nghiêm, đẹp đẽ, lại thấy Đức Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí, mọi người đều rất vui mừng tán thán, quả là việc chưa từng có.

Hoàng hậu Vi Đề Hy trong lòng vô cùng hoan hỷ, hốt nhiên đại ngộ, chứng vô sinh nhẫn. Bà chí tâm niệm Phật đêm ngày không thoái chuyển, nhờ vậy mà xả bỏ mọi buồn khổ và chuyển được lòng ngỗ nghịch của Thái tử A Xà Thế. Kể từ khi được hạnh ngộ Đức Thế tôn, dưới sự chỉ dạy của Ngài, sau này A Xà Thế trở thành vị vua Phật tử, có rất nhiều đóng góp lớn lao trong công cuộc hoằng truyền Phật pháp. Ngài chính là vị vua đầu tiên đứng ra bảo trì kết tập Kinh điển Phật giáo lần thứ nhất tại núi Kỳ-xà-quật. 500 tỳ nữ của hoàng hậu cũng phát tâm Bồ-đề và nguyện sinh về cõi Cực Lạc.

Chú thích:

(1) Mười sáu pháp quán này giúp cho hành giả niệm Phật được vãng sinh về cõi Tây phương Cực Lạc, bao gồm: 1. Nhật tưởng quán, 2. Thủy tưởng quán, 3. Địa tưởng quán, 4. Bảo thụ quán, 5. Bảo trì quán, 6. Bảo lâu quán, 7. Hoa tọa quán, 8. Tượng quán, 9. Chân thân quán, 10. Quán Âm quán, 11. Thế Chí quán, 12. Phổ quán, 13. Tạp tưởng quán, 14. Thượng bối quán, 15. Trung bối quán, 16. Hạ bối quán.

Source link

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 216

Post Views: 1.505