Câu chuyện về 1 cận sự nữ có đầy đủ tín và huệ , cả 2 vợ chồng của Suppiyā đều là cư sĩ của Đức Phật. Lúc đó có 1 vị tỳ kheo trong tăng đoàn bị bệnh , Suppiyā và chồng hứa cúng dường thực phẩm thuốc trị bệnh để bồi bổ. Do không mua được thịt vì 1 số lý do, giữ lời hứa Suppiyā đã nén cắt thịt đùi của mình đem cúng.
Vị tỳ kheo bị bệnh “gợi ý”” cháo thịt bị Đức Phật khiển trách. Đức Phật dùng thần thông chữa trị vết thương cho cận sự nữ Suppiyā và cũng từ đó Ngài chế giới luật :
Và tóm tắt những chế định ấy là như sau:
– Thọ dụng thịt người, như trường hợp vừa xảy ra thì phạm trọng tội (thullaccaya).
– Thọ dụng thịt mà không quán xét thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).
– Thọ dụng thịt voi, thịt ngựa, thịt rắn, thịt chó, thịt sư tử, thịt cọp, thịt beo, thịt gấu, thịt chó sói… đều phạm tội tác ác (dukkaṭa)…
Cổ sử truyện
CON GÁI ĐỨC PHẬT
(Hành trạng của chư Thánh ni
& những cận sự nữ đặc biệt và thù thắng)
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Nhà Xuất Bản Văn Học
Đệ tử Chánh Trí diễn đọc
Cận sự nữ Suppiyā
(Cúng dường thịt đùi)
Hôm kia, đức Phật và hội chúng dừng chân ở Isipatana (Vườn Nai), thấy trú xứ này chư Tăng khá đông và Tăng xá, cốc liêu cũng được sửa sang lại tương đối tươm tất. Một số chư vị trưởng lão như Assaji, Vappa, Yasa, Devadatta, Kaḷudāyi… trên đường du hóa nhiều nơi, đang có mặt ở đây, họ vô cùng hoan hỷ.
Trong lúc hầu chuyện với đức Thế Tôn, các vị trưởng lão cho biết, ở bên này sông Gaṇgā thì giáo pháp phát triển tốt, nhưng bên kia sông, tại Bārāṇasī ngoại giáo vẫn đang hưng thịnh. Quần chúng vẫn nghiêng nặng về cúng tế, cầu nguyện chư thần ban phúc, tiêu tai giải họa với những nghi lễ cổ truyền. Các giáo phái khổ hạnh cực đoan vẫn được sự tôn trọng, ngưỡng mộ của quần chúng ngu si, cuồng tín.
Nhân tiện, trưởng lão Yasa than phiền với đức Phật về trình độ yếu kém, giới hạnh lôi thôi của một số vị tỳ- khưu sơ tu, nơi này và nơi khác làm mất đức tin của quần chúng. Tại Bārāṇasī này cũng không ngoại lệ. Rồi trưởng lão kể hầu cho đức Phật nghe một câu chuyện vừa mới xảy ra làm cho Tăng chúng bàng hoàng, giới cư sĩ xôn xao và dư luận khắp nơi đang bàn tán không có lợi cho giáo hội chút nào.
Hơn ai hết, đức Phật đã biết chuyện gì, và đó cũng là lý do mà ngài dừng chân ở đây, nhưng ngài vẫn hỏi cho có lệ:
– Ông cứ nói! Như Lai nghe đây!
– Bạch đức Thế Tôn! Tại Bārāṇasī này có gia chủ Suppiya, cả vợ lẫn chồng đều là bậc có trí, có đức tin vững mạnh và có tâm hộ độ chư Tăng như giếng nước đầy bên ngã tư đường.
Thường thường, cả hai vợ chồng hay đến đây, thăm hỏi chư tăng, xem ai có nhu cầu gì về tứ sự, nhất là thiếu thức ăn, vật uống gì hay đau ốm gì để họ cúng dường kịp thời. Lợi dụng điều đó, có một số phàm Tăng thường đưa ra những yêu cầu quá đáng theo sở thích của mình, chẳng biết đủ, chẳng biết dừng. Cách đây ba hôm, nữ cận sự Suppiyā cũng làm vậy, vào buổi chiều, đã đi bên ngoài từ cốc liêu này sang cốc liêu khác hỏi thăm chư Tăng, ai bị bệnh, ai cần thuốc men gì, thì có một vị tỳ-khưu có nhu cầu về thịt. Ông ta nói là vì uống thuốc xổ quá liều, nên cứ đi xổ liên tục, suốt mấy ngày không còn hơi sức, không còn một chút khí lực nào, nên thầy thuốc và bạn hữu bảo là phải cần cháo thịt mới lấy lại sức khỏe được.
Nữ cận sự Suppiyā đáp:
– Thưa ngài, ngày mai đệ tử sẽ dâng cúng món thuốc trị bệnh ấy.
Về nhà, nữ cận sự Suppiyā bảo gia nhân ra chợ mua loại thịt đã được làm sẵn (pavattamaṃsaṃ). Nhưng ngày hôm ấy, thuộc ngày lễ ăn ngũ cốc rau trái của đạo sĩ bà- la-môn luyện thần chú nên khắp phố phường, chợ búa chẳng tìm ra được một chút thịt gì, gia nhân đành về thưa lại với nữ chủ sự thực như vậy.
Nữ cận sự Suppiyā tự nghĩ:
– Đã hứa thì không thể sái lời. Lại là lời hứa đối với một vị tỳ-khưu thì lại càng không thể thất tín. Vả lại, nếu uống thuốc xổ đã sức cùng, lực kiệt, nếu không có cháo thịt để tẩm bổ thì cơ thể lại càng suy giảm, nguy hại tính mạng hơn nữa!
Nghĩ thế xong, nữ cận sự Suppiyā vào phòng kín, lấy con dao hơ lửa sát trùng rồi vén xiêm, cắt một miếng thịt đùi. Với dụng cụ đâu đó đã được chuẩn bị sẵn, bà tự băng bó vết thương cho mình, trấn tĩnh cơn đau, ra ngoài, trao miếng thịt cho một nữ gia nhân thân tín:
– Hãy tức khắc hầm cháo rồi mang đến Vườn Nai dâng cho vị tỳ-khưu bị bệnh.
Bảo thế xong, bà quay vào trong, cặn kẽ dặn dò số gia nhân còn lại:
– Có ai thăm hỏi, kể cả phu quân của ta, nói là ta bị ốm bệnh, đang nằm nghỉ trong phòng.
Người chồng, nam cận sự Suppiya đi công việc về, hỏi thăm vợ, vào thăm, ân cần hỏi nguyên nhân bệnh. Đối với chồng, bà thật tình kể lại, không dám giấu giếm điều gì.
Nghe xong, thay vì nổi giận, thay vì buồn rầu, ông ta cảm thán, hoan hỷ thốt lên:
– Ôi! Thật là kỳ diệu thay! Thật là phi thường thay là về tâm, về trí, về đức tin của người bạn đời thương quý của ta! Nàng đã an trú vào giáo pháp một cách vững chắc, không lay động, hơn cả ta nữa đấy, nàng biết không? Bởi vì, ngay miếng thịt trên tấm thân ngọc ngà, ngàn vàng này mà nàng còn cắt bỏ đi được thì những vật ngoại thân khác, có gì mà nàng không xả ly được cơ chứ ?
Bạch đức Thế Tôn! Tôn giả Yasa nói tiếp – Sau đó, nam cận sự Suppiya hôm qua đã đến đây gặp đệ tử, có mặt chư tôn giả Vappa, Assaji… kể lại chuyện trên với tâm hân hoan không diễn tả được. Đệ tử tự nghĩ: Vợ chồng gia chủ kia thật là tuyệt vời; tâm, trí, công hạnh, đức tin gì gì cũng bất khả tỷ, bất khả tri lượng. Chúng đệ tử kính trọng họ vô cùng. Nhưng theo đệ tử, thiển kiến của đệ tử thì vị tỳ-khưu kia đã hơi quá đáng, có mấy vấn đề cần phải nghiên cứu, rà soát lại; cụ thể, là có hai điều nên được đức Thế Tôn quan tâm, giáo giới!
– Ừ, ông cứ nói! Như Lai nghe đây!
– Bạch đức Thế Tôn! Tôn giả Sāriputta lúc bị bệnh đau bụng, chỉ tình thực kể lại chuyện về món cháo ăn vào là lành bệnh thuở còn tại gia cho tôn giả Moggallāna nghe. Chư thiên biết được, mách bảo thí chủ dâng cúng món cháo ấy cho tôn giả Moggallāna, nhưng tôn giả Sāriputta không chịu thọ dụng, bảo đấy là do gợi ý mà có, là tà mạng. Câu chuyện ấy là cả một tấm gương soi rạng ngời cho Tăng chúng. Vị tỳ-khưu bị bệnh kia gợi ý về món cháo thịt, là tà mạng rồi, bạch đức Thế Tôn!
– Ừ, Như Lai rõ rồi! Còn điều thứ hai?
– Có lẽ, khi một vị tỳ-khưu thọ thực, phải suy luận, phải quan sát, phải để tâm xem thử thịt ấy là thịt gì… chứ chẳng lẽ nào thịt gì cũng dùng được? Câu chuyện cận sự nữ Suppiyā cắt thịt đùi của mình để nấu cháo dâng cúng cho vị tỳ-khưu kia, quả thật là xúc động đến quá nhiều người, bạch đức Tôn sư!
– Chính xác! Như Lai sẽ để chuyện ấy vào những điều học mà chư tỳ-khưu phải thọ trì!
Câu chuyện vừa bàn xong thì nam cận sự Suppiya cũng vừa đến Vườn Nai, vui mừng đảnh lễ đức Thế Tôn, sau đó ông cung kính thỉnh mời đức Phật và chư vị trưởng lão ngày mai đến gia đình để ông được thiết lễ đặt bát cúng dường.
Hôm sau, khi đến tư gia, đức Phật ân cần thăm hỏi sức khỏe của nữ cận sự Suppiyā thì được biết, nàng đang bị sốt, còn nằm trên giường bệnh chưa ngồi dậy được.
Đức Phật mỉm cười, nói với gia chủ Suppiya:
– Không sao! Ông hãy ẵm bồng phu nhân ra đây để
Như Lai thăm hỏi một chút nào!
Khi ông Suppiya ẵm bồng bà vợ quỳ trước mặt đức Phật và chư vị trưởng lão, đức Phật chú tâm nhìn lướt một vòng từ đầu đến chân, nàng Supiyā cảm thấy một nguồn khí ấm áp, tê rần chạy khắp châu thân, cuồn cuộn một năng lượng lạ lùng, chữa trị ngay vết thương và sức khỏe cũng theo đó mà hoàn toàn hồi phục. Cận sự nữ Suppiyā vùng dậy trên tay chồng, quỳ phục bên chân đức Đạo sư, hân hoan, sung sướng thốt lên:
– Ôi! Diệu kỳ thay là ánh mắt của đức Chánh Đẳng Giác! Chỉ cái nhìn lướt qua của ngài mà vết thương của đệ tử được liền lại, cảm giác nó đã đâm da non, và toàn thể thân sắc của đệ tử như trở lại thời còn là con gái.
Ông Suppiya chăm chú nhìn vợ. Ông bán tín, bán nghi chuyện đang xảy ra trước mắt. Cô vợ của ông chợt như trẻ lại mươi tuổi, cả làn da, thân vóc, ánh mắt, nụ cười là của cô tiểu thư Suppiyā thuở còn xuân xanh!
Cả hai quỳ sụp xuống, cảm động đến không thốt nên lời. Sau đó, họ hoan hỷ, phấn chấn, tự tay sớt vật thực thượng vị loại cứng, loại mềm đến đức Phật và chư vị trưởng lão.
Lúc đã thọ thực xong, bàn tay vừa rời khỏi bình bát, ông bà gia chủ Suppiya và thân quyến quỳ xuống một bên, đức Phật với những pháp thoại đúng căn duyên, tăng trưởng niềm tin và đặt họ vững vàng bước chân theo chánh pháp rồi giã từ.
Sự kỳ diệu về ánh mắt của đức Phật, từ đó nó lan nhanh cả kinh thành Bārāṇasī, ai ai cũng lấy đó làm câu chuyện đầu môi. Họ tôn kính năng lực siêu phàm của đức Chánh Đẳng Giác. Họ ngưỡng mộ đức tin cúng dường của nữ cận sự Suppiyā.
Đức Phật còn ở lại Isipatana mấy hôm nữa. Ngài đã la rầy vị tỳ-khưu xin thịt, nhưng vì lý do lần đầu phạm tội nên chỉ giáo giới và khiển trách là chính.
Đức Phật còn cặn kẽ bảo chư vị trưởng lão nên phổ biến điều học là vị tỳ-khưu khi thọ dụng phải để tâm quan sát xem thử đấy là thịt gì, dù nó đã thuộc tam tịnh nhục, để tránh phải thọ dụng thịt người! Ngoài ra, đức Phật cũng chế định loại thịt gì không được dùng, dựa theo tình cảm xã hội hoặc phong tục, truyền thống…
Và tóm tắt những chế định ấy là như sau:
– Thọ dụng thịt người, như trường hợp vừa xảy ra thì phạm trọng tội (thullaccaya).
– Thọ dụng thịt mà không quán xét thì phạm tội tác ác (dukkaṭa).
– Thọ dụng thịt voi, thịt ngựa, thịt rắn, thịt chó, thịt sư tử, thịt cọp, thịt beo, thịt gấu, thịt chó sói… đều phạm tội tác ác (dukkaṭa)…
Đức Phật chỉ chế định chừng ấy rồi lại cùng với hội chúng lên đường…
Như vậy, cận sự nữ Suppiyā được xem là người cúng dường một phần thân thể của mình, độc nhất trong giáo hội của đức Đạo sư; và cũng được xem như nàng đã bố thí ba-la-mật bậc trung, noi gương đức Phật trong nhiều kiếp sống lúc còn là bồ-tát vậy.
Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế
Hits: 89