Chương 22 – Bài Pháp Về Kinh Attadaṇḍa

Chương 22 – Bài Pháp Về Kinh Attadaṇḍa

dai phat su tron bộCuốn sách này trình bày tác phẩm đầu tiên của công trình phiên dịch bộ sách ĐẠI PHẬT SỬ gồm 6 cuốn bằng tiếng Miến ra 8 cuốn bằng tiếng Anh, dựa vào bộ kinh Pãli “Mahā Buddhavamsa”, do Thượng tọa Mingun biên soạn.

Cuốn 1 này là dịch phẩm hoàn chỉnh bằng tiếng Anh kèm theo những chú thích và bình giải xoay quanh câu chuyện Đạo sĩ Sumedha.

Cuốn này chia làm hai phần”

– Phần đầu trình bày soạn phẩm của soạn giả

– Phần hai có nhan đề “The anudipani” hay Phụ chú giải”, gồm những bài giải thich chi tiết và sự liệt kê những điểm giáo lý trong phần đầu.

Tỳ Khưu Minh Huệ biên dịch

Mùa an cư năm 2000

Dưới đây chỉ là nội dung trích ra từ Tập II , III, IV, và 1 phần tập V

Cuộc đời Đức Phật – Đại Phật Sử


Nội Dung Chính

Bài pháp về Kinh Attadaṇḍa

Sau khi đã thuyết giảng năm câu chuyện Bổn sanh, Đức Phật tiếp tục dạy bài kinh Attadaṇḍa trong kinh tập Sutta-Nipāta, bài pháp cuối cùng.

Các vị vương gia của hai nước cuối cùng nguôi ngoai, làm hòa với nhau, và với tâm tịnh tín cùng sự biết ơn sâu sắc, họ đồng ý với nhau rằng: “ Nếu Đức Phật không đến kịp thời và can thiệp thì chúng ta chắc chắn đã tiêu diệt lẫn nhau khiến cho máu chảy thành sông. Chúng ta chỉ thoát khỏi sự tiêu diệt lẫn nhau nhờ có Đức Phật. Trên hết, nếu Ngài không chọn con đường xuất gia từ bỏ thế gian thì ắt Ngài đã thọ hưởng đời sống của vị Chuyển luân vương, trị vì khắp  bốn châu với hai ngàn tiểu đảo. Dẫn theo hằng ngàn đứa con trai có đại trí đại lực, Ngài sẽ đi khắp tất cả những lãnh thổ của Ngài với đông đảo tùy tùng. Nhưng người quyến thuộc cao quý thuộc dòng dõi đế vương của chúng ta đã từ bỏ tất cả dục lạc và xa hoa của một vị Chuyển luân vương để trở thành một vị Sa-môn và đắc thành bậc Chánh đẳng Chánh giác. Giờ Ngài đã thành Phật, điều thích hợp và đúng đắn là chúng ta nên có những vị tỳ khưu thuộc dòng dõi vương gia để hầu hạ Ngài.” Với quyết định nhất trí này, những vị vương gia của hai nước đã dâng hiến hai trăm năm mươi vị hoàng tử từ mỗi nước đến Đức Phật, để xuất gia Sa-môn.

Đức Phật tiếp nhận các vị hoàng tử và truyền phép xuất gia ehi- bhikkhu cho họ, rồi dẫn họ đến khu rừng Mahāvana gần kinh thành Kapilavatthu. Những ngày kế tiếp, Đức Phật thọ lãnh vật thực luân phiên từ Kapilavatthu và Koliya trong hội chúng của năm trăm vị tỳ khưu ấy. Dân chúng của hai nước dâng cúng vật thực đến chư Tăng thật dồi dào.

Năm trăm vị tỳ khưu không hạnh phúc trong giáo pháp

Năm trăm vị tỳ khưu ấy bước vào đời sống Sa-môn không do tự nguyện, mà vì họ không thể từ chối yêu cầu của cha mẹ và quyến thuộc. Vì vậy, trong vòng vài ngày, năm trăm vị tỳ khưu cảm thấy đời sống của họ tẻ nhạt, buồn chán và vô vị. Tin tức từ gia đình của họ cũng không làm cho họ vui hơn trong đời sống ở tịnh xá: “ Thiếp xin chàng đừng vui thích với đời sống của vị tỳ khưu. Từ lúc chàng ra đi, công việc của chúng ta đang sụt giảm từng ngày.” Đó là nội dung của những bức thư mà những người vợ ở nhà gởi đến cho họ.

 

Đức Phật thuyết giảng Bổn sanh Kuṇāla đến năm trăm vị tỳ khưu

 

Đức Phật thường xuyên đích thân trông nom các vị tỳ khưu, một ngày ba lần và ban đêm ba lần, cả thảy sáu lần, như con chim trĩ trông coi những cái trứng của nó, như con bò Camari gìn giữ cái đuôi của nó, như người mẹ chăm sóc đứa con duy nhất của bà, như người một mắt trông coi con mắt duy nhất của ông ta. Đức Phật đã biết rõ tâm trạng không an vui của họ và Ngài suy xét: “ Những vị tỳ khưu này cảm thấy bất mãn và buồn chán trong hội chúng của Như Lai, một vị Phật, loại pháp nào sẽ thích hợp với họ?” Ngài nhận thấy rằng Bổn sanh Kuṇāla (kể về những yếu điểm và khuyết điểm trong bản tánh của người phụ nữ) sẽ là bài pháp tốt nhất dành cho họ. Do đó Ngài quyết định rằng: “ Trước hết Ta sẽ đưa những vị tỳ khưu này đến Himalaya, rồi kể lại Bổn sanh Kuṇālā,  Ta sẽ  đoạn trừ  tâm trạng  bất mãn và buồn chán mà đã khởi sanh trong tâm của họ và cho họ đạo tuệ, Dự lưu trí – sotāpatti-ñāṇa.

Vào buổi sáng, như thường lệ Đức Phật đi vào kinh thành Kapilavatthu để khất thực, và đến chiều, Ngài hỏi năm trăm vị tỳ khưu: “ Các ngươi đã bao giờ trông thấy những khu rừng khả ái trong dãy núi Hymalaya chưa?”Họ đáp lại: “ Bạch Đức Thế Tôn, chúng con chưa từng trông thấy.” Đức Phật lại hỏi: “ Các ngươi có muốn viếng thăm khu rừng Hymalaya không?” “ Bạch Đức Thế Tôn, chúng con không có thần thông, làm sao chúng con đến đó được.” Nhân đó, Đức Phật hỏi rằng: “ Nhưng nếu một người nào đó có thần thông bằng lòng đưa các ngươi đến đó thì các ngươi có muốn đi theo người ấy không?” Các vị tỳ khưu trả lời: “ Thưa muốn, bạch Ngài.”

Rồi Đức Phật vận dụng thần thông, đưa tất cả các vị tỳ khưu đi xuyên qua hư không đến Hymalaya, và trên lộ trình của chuyến đi, khi còn đang ở trên bầu trời, họ được chỉ cho thấy những ngọn núi vàng, núi bạc, núi ngọc lục bảo, núi châu sa và núi pha lê, v.v… năm con sông lớn và bảy hồ lớn. Dãy núi Hymalaya có kích thước đồ sộ cao năm trăm do tuần và rộng ba ngàn do tuần. Đức Phật dùng năng lực thần thông của Ngài cho họ thấy chỉ một phần nhỏ về những nét khả ái của dãy núi Hymalaya. Ngài cũng chỉ cho họ thấy những con thú bốn chân như sư tử, cọp, voi cũng như những khu vườn quyến rũ với nhiều loại thực vật và động vật, nhiều loại chim, hoa ở dưới nước và hoa trên mặt đất. Họ cũng được xem vách đá thẳng đứng về phía đông của dãy núi, khắp bề mặt của nó là vàng và vách đá ở phía tây phủ trên bề mặt của nó toàn là châu sa.

Từ lúc họ chứng kiến cảnh tượng hy hữu và những phong cảnh kỳ diệu của dãy núi Hymalaya, tất cả năm trăm vị tỳ khưu ấy hầu như đã cắt đứt sự luyến ái đối với những người vợ của họ. Rồi Đức Phật cùng với tất cả năm trăm vị tỳ khưu đáp xuống trên sườn núi phía tây của dãy Hymalaya, ở đó có một tảng đá châu-sa to lớn rộng sáu mươi do tuần, trên đó có một cây sa-la đại thọ (sẽ sống đến hết đại kiếp này), có bề cao và bề rộng bảy do tuần. Dưới bóng râm của cây ấy trên bề mặt bằng phẳng bằng châu sa, rộng ba do tuần, Đức Phật ngồi ở đó giữa năm trăm vị tỳ khưu. Với hào quang sáu màu rực rỡ phát ra từ thân, Đức Phật ngồi nơi đó trông như mặt trời với muôn ngàn tia sáng được phản chiếu từ bề mặt của đại dương. Rồi Ngài nói với các vị tỳ khưu: “ Này các tỳ khưu, các người có thể hỏi Như Lai xem có điều gì trong vùng Hymalaya rộng lớn này, mà trước kia các ngươi chưa từng thấy.”

Vào lúc ấy, một con chim cúc cu chúa ngồi trên một nhánh cây nhỏ, có hai con chim cúc cu trẻ khỏe dùng mỏ giữ lấy hai đầu của nhánh cây – đang đi xuống từ trên cao. Có một đàn tùy tùng gồm những tốp tám con bay theo, tốp bay ở trên, tốp bay ở dưới, tốp ở bên phải và bên trái, tốp bay trước và tốp bay ở phía sau. Đầy ngạc nhiên trước cảnh tượng kỳ lạ, năm trăm vị tỳ khưu bèn hỏi Đức Phật: “ Bạch Đức Thế Tôn, những con chim kia thuộc loại chim gì?”

“ Này các tỳ khưu, những con chim ấy là con cháu của những thế hệ chim cúc cu, có nguồn gốc từ một loại chim mà cách đây đã lâu Như Lai đã từng tái sanh vào. Những con chim cúc cu trẻ như vậy đã từng cư xử với Như Lai theo cách như vậy vào lúc ấy. Vào thời đó số lượng của chúng là ba ngàn năm trăm con. Số lượng ấy đã dần dần giảm đi theo thời gian và bây giờ chỉ còn vừa đủ để bảo tồn nòi giống.”

Rồi các vị tỳ khưu thỉnh cầu Đức Phật kể lại cách thức mà ba ngàn năm trăm con chim cúc cu ấy hầu hạ Ngài như thế nào trong những khu rừng ấy. Nhân đó, Đức Phật thuyết giảng Bổn sanh Kuṇālā trong tập Asīti Nipāta bằng ba trăm câu kệ để rút ra những bài học.

 

Năm trăm vị tỳ khưu chứng đắc Sotāpanna

 

Vào lúc kết thúc thời pháp, năm trăm vị tỳ khưu, là con cháu của bộ tộc Thích ca, chứng đắc quả thánh Nhập lưu (sotāpatti-phalla). Vào lúc bước vào Nhập lưu đạo (sotāpatti-magga), tất cả các vị tỳ khưu đều có được các pháp thần thông, như bay xuyên qua hư không, v.v…

 

(Chú thích: Một kẻ phàm phu phải tu tập thiền định đề mục Kasina để chứng đắc các tầng thiền và các pháp thần thông (abhiññā). Có những bậc thánh (ariya-puggala), sau khi chứng ngộ Đạo Quả, phải thực hành thiền chỉ để chứng đắc các tầng thiền (jhāna) và các pháp thần thông (abhiññā). Những vị thánh (ariya) khác sau khi chứng đắc các tầng thiền (jhāna) và các pháp thần thông (abhiññā) ngay khi họ còn là phàm phu, không cần phải tu thiền chỉ; họ có thể thọ hưởng các tầng thiền (jhāna) và các pháp thần thông (abhiññā) một cách dễ dàng và tùy thích.

 

Vẫn còn có một dạng thánh Tăng (ariya) khác nữa, không có các tầng thiền (jhāna) và các pháp thần thông (abhiññā) khi còn phàm phu. Tuy nhiên vào lúc họ chứng ngộ Đạo Quả siêu thế gian, họ lại có được các tầng thiền và các pháp thần thông mà họ có thể thọ hưởng một cách dễ dàng tùy thích. Những thiền chứng như vậy được gọi là ‘magga-siddhi-jhāna’, nghĩa là thiền (jhāna) được chứng đắc do giác ngộ đạo (magga); và những năng lực thần thông như vậy được gọi là ‘ magga-siddhi-abhiññā’, nghĩa là thần thông (abhiññā) được chứng đắc do giác ngộ đạo (magga).

Năm trăm tỳ khưu ấy, do những việc phước mà họ đã gieo tạo và tu tập trong nhiều kiếp quá khứ nên đã đắc được magga-siddhi-jhāna và magga-siddhi-abhiññā mà không cần phải tu tập thêm về thiền chỉ đề mục Kasina. Họ thọ hưởng những thành quả này một cách tự do và tùy ý).

Đức Phật xét thấy rằng đạo quả Nhập lưu (sotāpatti) là tạm đủ cho năm trăm vị tỳ khưu trong thời gian ấy và Ngài cùng các vị tỳ khưu rời khỏi chỗ đó để trở về khu rừng Mahāvana bằng con đường hư không. Khi đi đến Hymalaya, các vị tỳ khưu phải nương tựa vào thần thông của Đức Phật; nhưng khi trở về khu rừng Mahāvana, họ tự vận dụng thần thông bay theo Đức Phật để trở về.

Đại hội Thánh Tăng (Mahāsamaya)

 

Ngồi trên bảo tọa đã được chuẩn bị sẵn trong khu rừng Mahāvana, Đức Phật khiến các vị tỳ khưu hội họp lại và nói với họ rằng:

“ Này các tỳ khưu, hãy đến và ngồi xuống, Như lai sẽ dạy cho các con về pháp thiền dẫn đến ba tầng Đạo (magga) bậc cao, do đoạn trừ tất cả phiền não.” Rồi Ngài chỉ dạy họ về phương pháp thiền quán để chứng đắc ba Đạo bậc cao.

Các vị tỳ khưu tự nghĩ:

“ Đức Phật, do biết rõ rằng chúng ta không vui thích trong cuộc sống của vị tỳ khưu trong giáo pháp này, nên đã đưa chúng ta đến hồ Kunala, và sau khi đã giúp chúng ta đoạn trừ tâm trạng bất mãn và buồn chán, đã dẫn dắt chúng ta đạt đến tầng thánh Dự lưu (sotāpatti- phala). Và bây giờ, trong khu rừng Mahāvana này, Ngài đã dạy chúng ta phương pháp hành thiền để chứng đắc ba magga bậc cao. Chúng ta không nên buông thả với ý nghĩ rằng: ‘Chúng ta là những bậc thánh Nhập lưu (sotāpanna-ariya)’ mà phải cố gắng chuyên cần như những vị tỳ khưu đi trước chúng ta để chứng đắc thánh quả cao nhất.”

Tất cả họ đảnh lễ Đức Phật rồi lui về nơi vắng vẻ dưới những cội cây, mỗi vị trải ra một tấm tọa cụ và ngồi trên đó.

Đức Phật nhận thấy rằng: “ Những vị tỳ khưu này, là những bậc thánh Nhập lưu (sotāpanna), sẽ biết rõ phương pháp thực hành để chứng đắc Đạo Quả và vì thế, họ sẽ không gặp khó khăn trong việc chứng đắc Đạo Quả bậc cao. Mỗi một vị tỳ khưu mà giờ đây đang thực hành thiền Minh sát sẽ trở về vào buổi chiều, để báo cho Ta biết về những ân đức của đạo quả A-la-hán mà họ đã đạt được. Tất cả chư thiên và Phạm thiên từ khắp mười ngàn thế giới cũng sẽ cu hội về đây vào lúc ấy. Khi ấy sẽ có đại hội Thánh Tăng – Mahāsamaya. Tốt hơn, ta nên chờ đợi Hội chúng như vậy.”

Năm trăm vị tỳ khưu chứng đắc đạo quả A-la-hán

Trong năm trăm vị tỳ khưu, vị đầu tiên ra đi hành thiền sau khi nhận được những lời chỉ dạy đã chứng đắc đạo quả A-la-hán cùng với Tứ-vô-ngại-giải  trí  (paṭisaṁbhidā-ñāṇa).  Vị  thứ  hai  cũng  chứng  đắc đạo  quả  A-la-hán  cùng  với  Tứ-vô-ngại-giải  trí  (paṭisaṁbhidā-ñāṇa) như vị đầu tiên. Vị tỳ khưu thứ ba cũng giống như thế. Như vậy tất cả năm trăm vị tỳ khưu đều lần lượt có được trí tuệ thông đạt Tứ diệu đế bừng nở A-la-hán thánh quả như những hoa sen đua nhau nở trong hồ sen.

Vị tỳ khưu chứng đắc đạo quả A-la-hán đầu tiên, đứng dậy  khỏi chỗ ngồi, cầm lên chiếc tọa cụ rồi trở về với Đức Phật để báo cho Ngài biết về sự chứng đắc của vị ấy. Vị tỳ khưu thứ hai, thứ ba và tất cả những vị còn lại đều làm như thế. Rồi tất cả họ đi đến chỗ mà Đức Phật đang ngồi chờ và họ đi đến thành một đoàn nối dài theo thứ tự, giống như một sự sắp xếp theo hạ lạp trong Tăng chúng.

Vị tỳ khưu đến trước tiên đã ngồi xuống trên chiếc tọa cụ của vị ấy ở một nơi thích hợp và chuẩn bị bạch với Đức Phật về những ân đức của A-la-hán thánh quả mà vị ấy đã chứng đắc. Nhưng trước hết vị ấy nhìn quanh để xem có vị nào đến sau mình với cùng ý nghĩ như vậy không, và đã trông thấy vị tỳ khưu thứ hai, thứ ba, và tất cả những vị tỳ khưu còn lại đang xếp thành hàng nối tiếp sau vị ấy.

Khi tất cả các vị tỳ khưu đã ngồi xuống ở những nơi thích hợp, mỗi vị đều nhìn nhau với con mắt dò xét xem ai có ý định giống như mình không và họ khám phá ra rằng mỗi vị đều cảm thấy ngại ngùng để bạch với Đức Phật về sự chứng đắc của mình.

Hai đức tánh của những bậc Arahat

(1)   Những bậc A-la-hán luôn luôn quan tâm đến lợi lạc của tất cả chúng sanh và nguyện vọng tha thiết của các ngài là mong cho “nhân loại, chư thiên và Phạm thiên có được thông đạt tuệ mà các ngài đã chứng đắc.”

(2)   Các ngài không có ý muốn tiết lộ sự chứng đắc đạo quả A-la-hán của các ngài để người khác chú ý đến, không giống như người khám phá hũ vàng.

 

 

 



Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Sách điển từ Online – Thời Phật tại thế Tâm Học 2022 : một cuốn sách dạng webs , sưu tầm các tài liệu về Cuộc đời Đức Phật , câu chuyện tại thế và tiền kiếp. Ngoài ra sách còn tra cứu những người và cuộc đời của người đó cùng thời Phật tại thế

Hits: 61

Post Views: 880